Thụy Khuê Phê bình văn học thế kỷ XX Chương 6 Ngôn ngữ học Bài 2
II- Ngôn ngữ học Saussure
Ferdinand de Saussure (26/11/1857-22/2/1913), nhà ngữ học Thụy Sĩ, sinh trong một danh gia có truyền thống khoa học ở Genève, với những nhà vạn vật, vật lý và địa lý nổi tiếng từ thế kỷ XVIII. Cha là nhà côn trùng học Henri de Saussure và mẹ là bà Louise de Pourtalès. Đầu thế kỷ XIX, một người duy nhất trong gia đình, Albertine-Andrienne de Saussure, bà cô của Ferdinand, rời khoa học chuyển sang văn chương. Hai thế hệ sau, Ferdinand sang ngữ học. Từ nhỏ Saussure đã chịu ảnh hưởng ngữ học của ông ngoại và của nhà ngữ học Pictet. 1870, 13 tuổi, vào học viện Martine, lúc đó, Saussure đã thạo các tiếng Pháp, Đức, Anh và La Tinh, được giáo sư Millenet hướng dẫn học tiếng Hy Lạp. 1872, 15, tuổi, hoàn thành luận văn Lược khảo về những tiếng nói (Essai sur les langues). 1873, vào trường Gymnase, 1874, học tiếng Phạn. 1875, 19 tuổi, theo truyền thống gia đình, học Lý Hoá tại đại học, nhưng vẫn tiếp tục theo các lớp triết học, lịch sử nghệ thuật, bác ngữ học và ngữ học so sánh tại đại học văn khoa. 1876, cha mẹ chấp thuận cho sang Đức, học ngôn ngữ tại đại học Leipzig từ 1876 đến 1880. Berlin và Leipzig là trung tâm của triết học và bác ngữ học lúc bấy giờ. Saussure đi Berlin thường xuyên trong thới gian đó. Sự tiến đạt của Saussure thực lạ thường: Tháng 12/1878, 21 tuổi, cho in cuốn Luận trình về hệ thống nguyên thủy của nguyên âm trong những tiếng Ấn-Âu (Mémoire sur le système primitif des voyelles dans les langues Indo-Européennes) (nxb Leipsick, đề in 1879), được giới nghiên cứu coi là "cuốn sách về ngữ học lịch sử hay nhất từ trước đến giờ". Năm 22 tuổi, một nhà thông thái hỏi: anh có bà con gì với nhà ngữ học lừng danh Ferdinand de Saussure không? Tháng 2/1880, 23 tuổi, trình luận án tiến sĩ Về việc dùng thuộc cách không hạn chế trong tiếng Phạn (De l'emploi du génitif absolu en sanskrit)[1], khảo cứu việc dùng chữ "của" trong tiếng Phạn. Mùa thu 1880, sang Paris. Dự thính giáo sư Michel Bréal từ tháng 2/1881, học tiếng Iran (với giáo sư Darmestermer), tiếng Phạn (với giáo sư Bergaigne) và bác ngữ học La Tinh (với giáo sư Louis Harvet) tại trường Cao Đẳng Thực Hành (Ecole Pratique des Hautes Etudes), một định chế giáo dục đại học không có trường sở, dạy ở Sorbonne. Trong những giờ học, Saussure thường được các thày mời lên giảng thay. Ngày 30/10/1881, giáo sư Bréal nhường chỗ cho học trò, ở tuổi 24, Saussure được toàn thể công nhận làm giảng viên, dạy tiếng Gô-tích (tiếng Nhật Nhĩ Man miền Đông, của người Wisigoths) và tiếng Nhật Nhĩ Man miền bắc (người Bắc Âu). Saussure dạy học ở Pháp trong chín năm. Số học trò tổng cộng là 112 người, con số khá lớn, bởi lần đầu tiên ngữ học lịch sử và ngữ học so sánh được giảng dạy ở Paris. Ngoài việc dạy Sorbonne, Saussure còn quán xuyến Hội Ngôn Ngữ Học (La Société de Linguistique)[2]. Antoine Meillet, học trò, đã dạy thay thày niên khoá 1889-1890, khi ông nghỉ vì bệnh, viết: "F. de Saussure, đúng là một vị thày thực thụ: muốn làm thày, không phải chỉ đứng ra đọc trước cử tọa một bài giảng đúng đắn và thức thời là đủ, mà còn phải có một học thuyết và một phương pháp và phải trình bày khoa này với giọng riêng. Những điều sinh viên học được ở ông có giá trị phổ quát, rèn luyện tinh thần, giúp họ chuẩn bị để làm việc. Những công thức và những định nghiã ông đưa ra, trụ lại trong trí nhớ như những mẫu mực, hướng đạo. Ông làm cho sinh viên yêu mến và cảm nhận được khoa ông giảng dạy. Với đầu óc thi nhân, ông đem vào bài giảng những hình ảnh không thể nào quên được."[3] Năm 1891, Saussure trở về Thụy Sĩ, nhận chức giáo sư với giảng đàn, dạy tiếng Phạn và tiếng Ấn-Âu tại đại học Genève. Trong 21 năm (1891-1913) mỗi năm ông dạy một khoá đầy đủ về tiếng Phạn, ngoài các môn khác như ngôn ngữ học đại cương, tiếng Gô-tích, tiếng Lituanie và một số tiếng khác. Ba năm sau khi trở về Genève, Saussure tham dự lần chót hội nghị Đông phương học 1894, với bài thuyết trình về nhóm ngôn ngữ Ấn-Âu: tiếng Lettonie và tiếng Lituanie, rồi từ đó hầu như không xuất hiện nữa, ông thu mình trong nghiên cứu, thỉnh thoảng ngỏ mấy lời cho vài người bạn thân biết, nhưng giữ im lặng hoàn toàn với công chúng khoa học thế giới cho tới khi mất.[4] Ngoài tác phẩm đầu tiên in năm 1879, và luận án tiến sĩ, ông còn để lại một số bài viết in trong Sưu tập những công bố khoa học (Recueil des publications scientifiques). Năm 1906, giáo sư Joseph Wertheimer về hưu (Wertheimer là người đã dạy ông thời trẻ và ông không thích), ngày 8/12/1906, Saussure thay thế, chủ trì đại học văn khoa và khoa học xã hội, cải tổ chương trình, thêm giờ và thêm môn về ngữ học. Đủ phương tiện phát triển những ý kiến riêng của mình trên giảng đàn, ông đã có loạt bài giảng quan trọng trong ba niên khoá (1906-1907), (1908-1909) và (1910-1911). Học trò thấy những khám phá độc đáo của thày không thể để cho mai một, mà phải được quảng bá rộng rãi đến mọi người; nên sau khi ông mất, Charles Bally và Albert Séchehaye đã thu thập ba loạt bài giảng này, với sự cộng tác của Albert Riedlinger, in thành tác phẩm Giáo trình ngôn ngữ học đại cương (Cours de linguistique générale), xuất bản lần đầu năm 1916. Giáo trình ngôn ngữ học đại cương là cuốn sách cơ bản về ngữ học, với tác phẩm này, Saussure trở thành cha đẻ của nền ngữ học hiện đại. Tuy nhiên, cũng như trường hợp Aristote với cuốn Thi học (Poétique), sách này, Saussure không viết mà do học trò ghi lại. Bally và Séchehaye kể những khó khăn của họ trong bài tựa ấn bản đầu tiên: Được bà Saussure giao cho hồ sơ những ghi chép của ông, và được các sinh viên cho mượn tập vở của họ, Charles Bally và Albert Séchehaye, học trò cũ, không trực tiếp nghe những bài giảng này vì đã đi làm, hết sức hy vọng có thể tổng hợp để dàn dựng lại giáo trình dễ dàng. Nhưng họ đã vô cùng thất vọng vì Saussure đã hủy dần những bản nháp phác thảo viết vội những điều ông giảng. Trong ngăn kéo bàn viết của ông, chỉ còn lại vài phác họa những bài viết cũ, tuy có giá trị nhưng không thể làm gì được. Vì vậy, họ đã phải hoàn toàn dựa trên những cours do sinh viên ghi, nhờ những tập vở này, họ đã làm việc cật lực bằng phương pháp so sánh: dùng giáo trình thứ ba (1910-1911) làm mẫu. Mỗi bài học, mỗi chi tiết trong một bài, đều phải so sánh tất cả các văn bản của sinh viên với nhau, để rút ra ý chính của thày. Và sau đó làm công việc tổng hợp và chuyển từ lời nói sang văn viết[5].
Giáo trình ngôn ngữ học đại cương
Giáo trình ngôn ngữ học đại cương có năm phần chính: 1- Nhập đề: định nghiã một số khái niệm chính, với phụ bản về âm vị học (phonologie). 2- Những nguyên tắc đại cương: nêu ra và định nghiã những yếu tố chính của tiếng nói: ký hiệu (signe), chữ (signifiant) và nghiã (signifié). 3- Ngữ học đồng đại (Linguistique synchronique) hay Ngữ tĩnh học (Linguistique statique), hay Ngữ học mô tả (Linguistique descriptive): khảo sát tiếng nói trong một giai đoạn ổn định. Khoảng thời gian này không nhất thiết là ngắn hay dài: Có khi chỉ trong vài năm, ngôn ngữ đã có những thay đổi đáng kể, có khi cả hàng chục có khi hàng trăm năm, ngôn ngữ vẫn không mấy thay đổi. Phần này nghiên cứu đến nguồn cội các ý nghiã (valeurs) của ngôn ngữ. 4- Ngữ học lịch đại (Linguistique diachronique) còn gọi là Ngữ động học (Linguistique évolutive), hay Ngữ học so sánh (Linguistique comparative): khảo sát sự biến đổi của ngôn ngữ qua các thời đại. Phần này có ảnh hưởng trong văn học so sánh và phê bình so sánh. 5- Ngữ học điạ lý (Linguistique géographique): khảo sác các vùng tiếng nói khác nhau.
Nội dung sự khảo sát cũng chia làm hai phần: - Ngữ học chức năng (Linguistique fonctionnelle), tìm hiểu tác dụng của tiếng nói. - Ngữ học cấu trúc (Linguistique structurale), tìm hiểu cấu trúc của tiếng nói. Chúng tôi không có tham vọng trình bày toàn bộ học thuyết của Saussure, mà chỉ giới thiệu những lý thuyết chính có ích cho phê bình văn học, đặc biệt quan điểm ngữ học lưỡng phân, đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho ngữ học và phê bình văn học trong thế kỷ XX.
Gọi là ngữ học lưỡng phân vì phương pháp Saussure chủ yếu đặt trên sự chia đôi và đối đầu giữa hai yếu tố để phân tích và so sánh. Những cặp phạm trù đối đẳng chính là: Tiếng nói/lời nói; chữ/nghiã; đồng đại/lịch đại; kết hợp/lựa chọn; hình thức/bản chất... Chia đôi để đối chiếu và đào sâu hơn các khái niệm, làm bật ra những ánh sáng mới. Về mặt ngôn từ, Saussure phân biệt rõ ba yếu tố: Langue là tiếng nói (như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt...). Langage là ngôn ngữ, bao gồm nhiều cách diễn đạt khác nhau (như ngôn ngữ loài chim, ngôn ngữ điện tử, ngôn ngữ con người, ngôn ngữ nhà văn...) Parole là lời nói (như lời anh Năm, chị Bảy). Tiếng Pháp và tiếng Việt phân biệt khá rõ ba yếu tố này. Nhưng theo Saussure, các tiếng khác đôi khi không phân biệt rõ như vậy: Tiếng Đức chữ sprache có nghĩa là tiếng (langue) và ngôn ngữ (langage), chữ rede có nghiã là lời nói (parole) nhưng còn thêm nghiã diễn văn, phát biểu (discours). Tiếng La Tinh, sermo có nghiã là ngôn ngữ (langage) và lời nói (parole), còn lingua để chỉ tiếng nói... Và ông giải thích: Sở dĩ có sự lộn xộn này, vì người ta dùng một chữ (un mot) để chỉ một điều, một vật, một sự kiện (une chose), đôi khi chữ ấy không phủ hết được cái điều, cái vật, cái dữ kiện mà nó chỉ định[6], cho nên khi chuyển một chữ từ tiếng nước này sang tiếng nước kia, có thể gặp khó khăn, sẽ nói rõ hơn ở dưới. Nhiều chỗ dịch langue là ngôn ngữ dịch như vậy cũng không hoàn toàn sai, nhưng có thể gây hiểu lầm, bởi theo Saussure ba yếu tố: tiếng nói, ngôn ngữ, và lời nói, hoàn toàn khác nhau, và ông đã xác định địa hạt của ngôn ngữ học là tiếng nói, chứ không phải ngôn ngữ chung chung và cũng không phải là lời nói, thuộc điạ cá nhân, hay chữ viết, thuộc điạ hạt văn chương. Tuy nhiên, Saussure cũng không loại được lời nói và chữ viết ra khỏi lãnh vực ngôn ngữ học, như ta sẽ thấy ở dưới.
Việt Nam có một nền ngôn ngữ học khá vững so với phê bình văn học, nhờ những nhà ngữ học du học ở Nga. Tuy nhiên vẫn có một vài khó khăn trong sự dịch các từ, và sự trình bày vấn đề. Chúng tôi có đọc sách của nhà ngữ học nổi tiểng Cao Xuân Hạo, thì xin thú thực là không hiểu gì cả. Bởi ông quá nệ vào từ Hán-Việt, nên tất cả những chữ có thể dùng tiếng Việt mà không sợ thiếu chính xác, có khi còn rõ nghiã hơn, đều được ông dịch bằng từ Hán Việt, thí dụ chữ langue của Saussure, thay vì dịch là tiếng ông dịch là ngôn ngữ, gây hiểu lầm với langage (bao trùm nhiều thứ tiếng). Hay chữ sujet parlant của Saussure, chỉ có nghiã là người nói, nhưng ông dịch là người bản ngữ, rất khó hiểu. Hay năng biểu/sở biểu, cũng khó đoán nghiã là gì. Đọc Saussure, Hjelmslev, Jakobson dễ hiểu hơn, vì những nhà bác học này dùng rất ít từ chuyên môn, và khi đưa ra một từ nào, bao giờ họ cũng định nghiã trước.
Định nghiã ngôn ngữ học Saussure định nghiã ngôn ngữ học như sau: "Chất liệu (la matière) của ngôn ngữ học, trước tiên, là tất cả những cách biểu hiện của ngôn ngữ loài người, từ các dân tộc bán khai đến các nước văn minh, từ thời cổ đại, cổ điển, đến lúc suy tàn, và còn phải kể đến, trong mỗi thời kỳ, không chỉ "ngôn ngữ đúng", "ngôn ngữ đẹp" mà tất cả các cách phát biểu. Chưa hết, ngôn ngữ thường luôn luôn thoát khỏi mọi khảo sát, vậy nhà ngôn ngữ học phải còn phải để ý đến những văn bản viết, bởi vì chỉ có chúng mới cho biết những thổ âm, thổ ngữ (idiome)[7] đã dùng trong quá khứ hoặc trong những vùng hẻo lánh xa xôi." Ngôn ngữ học có ba nhiệm vụ: a- Mô tả và vẽ lại (tiến trình) lịch sử[8] của tất cả những tiếng nói có thể biết được, điều này cũng có nghiã là mô tả lịch sử những tộc ngữ (familles de langues)[9] và nếu có thể, tái thiết những tiếng mẹ (tiếng gốc) của mỗi tộc ngữ. b- Tìm ra sức mạnh thường trực và phổ quát ở mỗi thứ tiếng, và đưa ra những quy luật chung mà những hiện tượng riêng của lịch sử có thể quy về. c- Giới hạn và xác định công việc nghiên cứu của mình.[10] Ngôn ngữ học, vì vậy, không những chỉ có ích cho sử học, bác ngữ học, và tất cả những ai phải tiếp cận với vấn đề ngôn ngữ. Hiển nhiên, nó cũng không chỉ là đối tượng của một số người, bởi nó có khả năng đóng góp vào kiến thức tổng quát của mọi người, vì ngôn ngữ là yếu tố quan trọng nhất trong đời sống.
Định nghiã Ký hiệu học Saussure, tiên đoán và định danh Ký hiệu học (Sémiologie): "Ta có thể quan niệm một nền khoa học khảo sát đời sống của những ký hiệu (signes) trong lòng đời sống xã hội; nó là một phần của tâm lý học xã hội, vậy nó ở trong địa hạt tâm lý học tổng quát, ta gọi nó là ký hiệu học (tiếng Hy Lạp là Sẽmeion "Signe"). Môn học này dạy cho ta biết những ký hiệu vốn là gì? Bị những lề luật nào chi phối? Vì chưa có môn hoc này, nên ta không thể nói nó sẽ như thế nào, nhưng nó có quyền hiện hữu, chỗ của nó đã được xác định trước. Ngữ học chỉ là một phần của khoa học tổng quát này, những định luật mà ký hiệu học tìm ra, sẽ áp dụng được cho ngữ học, và như thế, ngữ học sẽ gắn bó với một phạm vi được quy định rõ trong toàn bộ những sự kiện con người. Nhà tâm lý sẽ qui định địa vị chính xác của ký hiệu học. Nhiệm vụ của nhà ngữ học là xác định cái gì làm cho tiếng nói trở thành một hệ thống đặc biệt trong toàn bộ những sự kiện ký hiệu học (...) Nếu đây là lần đầu tiên ta có thể chỉ định cho ngôn ngữ học một chỗ đứng trong những ngành khoa học là bởi vì ta đã liên kết nó với ký hiệu học"[11]. Khi Saussure giảng cho học trò những lời trên đây, môn ký hiệu học chưa có. Hjelmslev sẽ tiếp nối, xây dựng những viên gạch đầu tiên cho ký hiệu học, và ngành này sẽ phát triển mạnh mẽ đặc biệt trong lãnh vực phê bình văn học hơn nửa thế kỷ sau, qua những tên tuổi như Umberto Eco, Roland Barthes. Như vậy, Saussure, từ đầu thế kỷ XX đã đề xướng một nền ký hiệu học tương lai, khoa này bao trùm lên tất cả những thể loại ký hiệu của đời sống, trong đó tiếng nói là một loại ký hiệu.
Đối tượng của ngôn ngữ học Đối tượng cụ thể và toàn diện của ngôn ngữ học là gì? Theo Saussure, rất khó trả lời. Khi ta nghe thấy một âm (un son) như tiếng nữ[12], thì có một số vấn đề khác nhau hiện ra, tùy theo xét âm này theo kiểu nào: về mặt âm thanh, về mặt ý nghiã, hay về nguồn gốc chữ Hán, v.v. Với độ nhìn nào, thì âm nữ cũng có hai khiá cạnh: - Nếu chỉ có âm nữ không mà chưa có bộ máy phát âm, thì nó không thành tiếng. - Nếu chỉ có bộ máy phát âm thôi, mà không có âm nữ, thì cũng không có tiếng. Vậy không thể tách rời âm với bộ máy phát âm trong miệng. Cả hai hợp lại mới thành được một tiếng. Bây giờ, giả sử có tiếng nữ rồi. Vậy tiếng nữ này đã là ngôn ngữ chưa? - Chưa, vì nó chỉ là dụng cụ của tư tưởng, nó không thể đứng vững một mình như một thực thể độc lập. Nói tóm lại, âm (là một hỗn hợp phức tạp giữa bộ máy nghe và nói) lại phải kết hợp với ý tưởng (là một hỗn hợp phức tạp khác giữa bộ máy sinh lý và tâm thần) mới thành một tiếng. Nhưng tiếng nữ này, lại còn phải kết hợp với một hệ thống nữa là tiếng nói của một vùng đã được quy định với những quy phạm riêng, thì lúc đó nó mới thực thụ trở thành một ngôn ngữ.
Vậy tiếng nói là gì? Tiếng nói là một thành phần của ngôn ngữ loài người, nhưng ta không thể đồng hoá tiếng nói với ngôn ngữ, dù nó là thành phần xác định và chính yếu của ngôn ngữ. "Tiếng nói vừa là một sản phẩm xã hội của khả năng ngôn ngữ, vừa là toàn bộ quy ước cần thiết, được toàn thể xã hội chập nhận, cho phép những cá nhân thực hành khả năng này". "Tiếng nói, tự nó đã là một toàn thể, và có nguyên tắc phân loại". Khi ta cho nó chỗ đứng hàng đầu trong những hoạt động ngôn ngữ, là ta dã công nhận nó là một toàn bộ hoàn chỉnh, không chịu sự phân loại nào khác nữa. Còn ngôn ngữ là gì? "Ngôn ngữ, nhìn toàn bộ, có nhiều hình thức, rời rạc và dị biệt nhau, chênh vênh giữa nhiều điạ hạt: vật lý, sinh lý, tâm thần. Ngôn ngữ thuộc địa hạt cá nhân và xã hội, không thể xếp vào bất cứ thể loại nào trong những sinh hoạt của con người, bởi vì người ta không biết làm thế nào để phân biệt tính thuần nhất (son unité) của nó".
Và Saussure xác định: đối tượng của ngôn ngữ học là tiếng nói.[13]
Phân tích hành trình lời nói Sau khi đã giới hạn phạm vi của ngôn ngữ học là tiếng nói rồi. Saussure phân tích hành trình của lời nói, tức là tiếng nói của một cá nhân gửi đến một cá nhân khác. Ông thiết lập lại vòng vận chuyển của lời nói, để tìm hiểu xem trong sự vận chuyển này, những yếu tố nào có phận sự gì trong việc cấu thành một lời nói. Ví dụ: Hai người A và B nói chuyện với nhau. Điểm khởi hành câu chuyện đi từ trong óc của một người, ví dụ A. 1- Tiếng nói khởi hành từ A: A là kẻ đã tích lũy trong đầu một số dữ kiện của ý thức, hay những ý niệm (concept), nghiã là: A có một hay nhiều ý niệm muốn nói ra. A phải liên kết những ý niệm này với những hình ảnh có âm hưởng (images acoustiques) tương ứng để phát biểu. Tức là: A phải tìm tiếng, hay lời để nói nó ra. Sở dĩ gọi là hình ảnh có âm hưởng, bởi vì, ta chỉ cần "nghe" trong đầu âm thanh mẹ, mà không cần nói ra tiếng, là ta đã hình dung ra hình ảnh mẹ trong đầu rồi. Cái hình ảnh mẹ trong đầu ta chính là hình ảnh có âm hưởng. Đó là khâu thứ nhất, tức là khâu liên kết ý với lời ở trong óc, khâu này hoàn toàn thuộc địa hạt tâm thần (psychique) tức tâm trí và thần kinh. 2- Tiếp đến khâu thứ nhì: óc A truyền cho cơ quan phát âm lệnh "nói" cái hình ảnh có âm hưởng (tức là tiếng hay lời) ấy ra: khâu này thuộc điạ hạt sinh lý. 3- Khâu thứ ba: những làn sóng truyền âm thanh từ miệng A đến tai B: là hiện tượng hoàn toàn vật lý. Tại B, tiến trình ngược lại: hình ảnh có âm hưởng (tiếng, lời) mà tai B vừa nhận, sẽ được chuyển lên óc, là một tiến trình sinh lý. - Óc B phải nối kết cái hình ảnh có âm hưởng (âm, lời) vừa nhận được ấy, với cái ý niệm tương ứng. Tức là, óc B phải giải mã cái tiếng, lời vừa nhận được từ A thành ý, đó là một hiện tượng tâm thần. - Nếu B trả lời A, thì mạch nói lại truyền đi theo con đường cũ, hướng ngược lại.
Sự khảo sát vận trình này, cho ta thấy rõ cơ quan nào trách nhiệm việc gì trong sự sản xuất một lời nói. Kết quả cho phép rút ra ba yếu tố chính: 1- Phần tâm thần (trách nhiệm ý niệm và hình ảnh, tức là ý và lời). 2- Phần vật lý (trách nhiệm việc phát sóng: truyền âm thanh từ người nói đến người nghe). 3- Phần sinh lý (trách nhiệm việc phát âm và việc nghe). Nói một cách cụ thể hơn: Nếu muốn tìm một tiếng để chỉ cái cây, thì trước tiên ta phải có ý niệm về cây trong đầu, rồi mới phối hợp ý niệm cây với cái hình ảnh có âm hưởng (tức là âm thanh của tiếng cây trong tiếng Việt, arbre trong tiếng Pháp) rồi truyền cái âm cây hay arbre ấy đến tai người nghe.[14] Vậy tiếng nói là sản phẩm hỗn hợp của ba thành phần: tâm thần, sinh lý và vật lý.
Phân biệt ký hiệu, chữ và nghiã Từ sự phân tích hành trình của lời nói trên đây, Saussure mới định danh ba thành phần chính của tiếng nói, là ký hiệu (signe), chữ (signifiant) và nghiã (signifié). Như trên đã nói: A có một số ý niệm (concept) trong đầu muốn diễn tả, A phải liên kết những ý niệm này với những hình ảnh có âm hưởng (images acoustiques) tương ứng để làm thành một lời phát biểu. Giai đoạn liên kết này có những điểm đáng chú ý sau đây: 1- Ký hiệu ngôn ngữ phối hợp, không phải một sự vật với một tên gọi của nó, mà một ý niệm với một hình ảnh có âm hưởng. Ý niệm, hoàn toàn trừu tượng vì nó ở trong đầu, (như ý niệm cây), nhưng hình ảnh có âm hưởng (âm cây) không phải là vật chất, mà có dấu ấn tâm thần. Ta nhận ra dấu ấn tâm thần này, khi phát âm, ví dụ: Trời ơi! Thì cái âm trời ơi, này, tự nó đã có ý thống thiết, tức là nó đã có một "linh hồn" riêng, nó không phải là hiện tượng thuần vật lý. Hoặc ta không cần mở miệng, vẫn "đọc" thơ Nguyễn Du trong đầu. Vậy cái âm trời ơi! hay câu Kiều đọc thầm, không chỉ là những "xác âm", nó không thuần túy vật chất mà nó có tâm thần của ta trong đó. Trong đời sống hàng ngày, ta không để ý hoặc không biết rằng, tự nguồn, ký hiệu ngôn ngữ là sự phối hợp một ý niệm với một hình ảnh có âm hưởng, mà chỉ biết tiếng cây hay chữ cây, và coi đó là ký hiệu ngôn ngữ mà thôi[15]. 2- Hình ảnh có âm hưởng (image acoustique), tức là âm cây, sẽ được Saussure gọi là signifiant (cái biểu thị) nghiã là âm cây biểu thị cho thực thể cây trước mắt ta. 3- Còn ý niệm cây Saussure gọi là signifié (cái được biểu thị) tức là thực thể cây trước mắt ta. Sở dĩ Saussure dùng hai chữ signifiant và signifié, là ông muốn cho dễ hiểu, vì hai chữ này trong tiếng Pháp rất dễ hiểu, nhưng khi dịch sang tiếng Việt, thành cái biểu thị và cái được biểu thị thì trở nên lủng củng và khó hiểu. Là kẻ ngoại đạo, chúng tôi xin dịch signifiant là chữ hay tiếng. Trong lời nói thì signifiant là âm, hay tiếng, trong chữ viết, signifiant là chữ. Và đối với người hoạt động văn chương, signifiant luôn luôn là chữ. Và xin dịch signifié là nghiã. Như vậy tiếng Việt đã có sẵn, những ý nghiã cần dùng và dễ hiểu. Tóm lại, với âm "cây", thì: Cây là cái được biểu thị, tức là nghiã (signifié); và hình ảnh có âm hưởng là cái biểu thị, tức là chữ (signifiant) trong văn viết và là tiếng trong tiếng nói.
Cuối cùng, ký hiệu ngôn ngữ không nối kết một sự vật với tên gọi của nó mà nối kết một ý niệm với một hình ảnh có âm hưởng. Hình ảnh này (hay tiếng nói) không chỉ là một âm thanh cụ thể, thuộc phạm vi vật chất, mà nó còn mang dấu ấn tâm thần, gánh cả cảm thức của con người. Bởi vậy, không cần mở môi, động lưỡi, phát âm, ta cũng vẫn "nói chuyện" được với chính mình, ta vẫn hát thầm một bài hát... Vì mỗi tiếng là một hình ảnh có âm hưởng[16]. Sư phân biệt ký hiệu, chữ và nghiã này, là một trong những khám phá cơ bản của Saussure, sẽ được áp dụng trong tất cả mọi nghành khoa học liên quan đến tiếng nói và văn viết.
Phân biệt tiếng nói với lời nói và chữ viết Nói là một hành động để giao tiếp, Saussure phân biệt: Lời nói (la parole) là một hành động cá nhân, diễn tả tư tưởng ý chí và trí thông minh của người nói trong quy ước ngôn ngữ mà đương sự lựa chọn. Tiếng nói (la langue) là một hành động cộng đồng. Tiếng nói là một hệ thống ký hiệu để diễn tả tư tưởng, nó có thể so sánh với chữ viết (một hệ thống ký hiệu khác), hoặc với hệ thống chữ Braille của người mù, hoặc với các loại dấu hiệu khác như nốt nhạc, tốc-ký, v.v. nhưng tiếng nói quan trọng hơn cả. Nhiệm vụ của nhà ngữ học là phải xác định xem cái gì đã khiến cho tiếng nói trở thành một hệ thống đặc biệt trong toàn bộ các hệ thống dấu hiệu khác nhau của đời sống con người. Tiếng nói hiện diện trong cộng đồng như một tổng thể các dấu vết của mỗi khối óc cá nhân góp lại, dự trữ như một bộ từ điển được in ra nhiều bản cho mỗi cá nhân một cuốn để dùng. Chữ viết (l'écriture) dùng để ghi tiếng nói. Nhưng tiếng nói (la langue) và chữ viết (l'écriture) là hai hệ thống ký hiệu khác nhau. Có hai loại chữ viết: - Hệ thống biểu hình (Système idéographique), dùng một thứ ký hiệu (có thể là hình vẽ) để biểu dương sự vật (như chữ Hán, chữ Nôm, chữ Nhật, v.v.). - Hệ thống biểu âm (Système phonétique), dùng ký hiệu để ghi lại cái âm phát ra từ một tiếng (như chữ Pháp, chữ Quốc ngữ, chữ Ý, v.v.)[17].
Ý nghiã của ngôn ngữ hay Tiếng nói là sự kết hợp âm và ý Theo Saussure, để thấy rằng tiếng nói có lẽ chỉ là một hệ thống ý nghiã thuần tuý (un système de valeurs pures)[18] chỉ cần xét hai yếu tố chủ động trong sự vận hành của tiếng nói là: ý tưởng và âm thanh. Tư tưởng của chúng ta, thực ra chỉ là một khối rối rắm, vô định hình, phải dùng tiếng nói để diễn tả. Các triết gia và các nhà ngữ học đều đồng ý với nhau rằng, nếu không có ký hiệu ngôn ngữ thì chúng ta không có khả năng phân biệt rõ hai ý tưởng với nhau. Tư tưởng, tự thân, là một đám mây mù không biên giới. Không hề có thứ ý tưởng tiền chế, và cũng không có gì phân biệt giữa các ý tưởng với nhau, nếu không có tiếng nói. Đối diện với thực thể tư tưởng rối rắm và vô định hình này, thì thực thể âm thanh, có khá hơn không? Cũng không nốt. Bởi vì âm thanh cũng vô định hình (không cố định và không cứng rắn), nó có một bản chất dễ uốn nắn và có khả năng tự phân, để cung cấp những tiếng (hay chữ) khác nhau mà ý tưởng cần[19]. Ký hiệu ngôn ngữ là sự kết hợp âm thanh với ý tưởng, trong một chuyển động có tính cách vật lý, sinh lý và tâm thần. Vậy, tư tưởng là một mớ hỗn độn, khi muốn nói ra, nó bắt buộc phải rõ ràng, chính xác, bằng cách tự biến đổi, tự cắt mình thành những ý tưởng-âm thanh (tức là tiếng), và mỗi ý tưởng-âm thanh này phải là: một ý ngụ trong một âm, hay một âm trở thành ký hiệu của một ý, Saussure nói: "Tư tưởng, hỗn độn tự bản chất, bắt buộc phải làm cho minh bạch bằng cách tự phân. Ở đây không có sự vật chất hoá tư tưởng, cũng không có sự tư tưởng hoá âm thanh, mà là một hiện tượng có thể coi là bí mật: khối "tư tưởng-âm thanh" tự phân và tiếng nói tự hình thành giữa hai khối vô định hình [tư tưởng và âm thanh]. Ta có thể so sánh hiện tượng này với sư tiếp xúc của không khí với mặt nước: nếu áp lực không khí thay đổi, mặt nước tự phân thành những tầng khác nhau, tức là sóng. Chính những làn sóng này cho chúng ta một ý niệm về sự phối hợp, hay giao hợp giữa tư tưởng và âm thanh"[20]. Câu quan trọng này cho thấy Saussure đã mổ xẻ tới nguồn cội của tiếng nói, để chứng minh rằng tiếng nói là kết quả của cuộc "giao hợp" giữa hai thực thể vô định hình là tư tưởng và âm thanh, vì thế, tiếng nói không thể là một cái gì cụ thể như thể chất/bản chất (substance) mà chỉ là một hình thức (forme), một quy ước. "Tiếng nói còn có thể ví như một tờ giấy mà mặt trái là âm thanh và mặt phải là ý tưởng, ta không thể cắt mặt phải mà không đụng đến mặt trái, cũng như trong tiếng nói ta không thể tách riêng âm thanh với tư tưởng, và tư tưởng với âm thanh". "Ngôn ngữ học hoạt động trên một vùng đất giáp giới mà những yếu tố của hai tổ chức giao nhau. Sự giao thoa này sinh ra một hình thức, chứ không phải một thể chất/bản chất (cettte combinaison produit une forme, non une substance)". "Không những hai điạ hạt [âm và ý] liên kết nhau qua sự kiện ngôn ngữ đều hỗn độn và vô định hình mà sự chọn lựa cái âm nào để đi với cái ý nào cũng hoàn toàn bất kỳ". "Tính bất kỳ của ký hiệu làm cho chúng ta hiểu rõ hơn tại sao thực thể xã hội có thể một mình tạo ra hệ thống ngôn ngữ: bởi vì tập thể cần thiết cho việc thành lập những ý nghiã nằm trong tập quán và sự thoả thuận của mọi người; cá nhân một mình không thể quy định được gì cả"[21]. Ngữ học nghiên cứu vùng đất mà hai thực thể âm và ý hòa trộn với nhau để tạo ra một sản phẩm là tiếng nói. Kết luận: trong tiếng nói không thể tách rời âm thanh và ý tưởng. Âm và ý là những thành tố cơ bản của tiếng nói, theo sự quy định của xã hội, và có sự gắn bó hữu cơ giữa tâm thần và thể xác con người. Vì vậy: Tiếng nói là một hình thức chứ không phải là một thể chất/bản chất (la langue est une forme, et non une substance) (t. 169). Trong ngữ học Saussure, có hai chữ quan trọng là matière và substance, bình thường hai chữ này thường bị coi là giống nhau và dịch là chất liệu (Cao Xuân Hạo dịch substance là chất liệu). Nhưng thực ra, chúng không hoàn toàn giống nhau: matière có nghiã là thực thể cấu thành những vật thể (réalité constitutive des corps), tức là chất liệu. Còn substance, ngoài nghiã giống matière là chất liệu làm nên một vật gì (matière dont quelque chose est formée) còn có nghiã là: cái chính yếu trong một công trình, một động tác v.v. (ce qu'il y a d'essentiel dans un ouvrage, dans un acte...) trong nghiã này substance nên dịch là thể chất hay bản chất, và có lẽ bản chất rõ hơn và đó cũng là nghiã được dùng trong ngữ học Saussure, nhất là ở câu nói hết sức quan trọng: "tiếng nói là một hình thức chứ không phải một thể chất/bản chất" vừa nhắc đến ở trên.
Tính cách bất kỳ và khác biệt của tiếng nói Tính chất thứ nhất của tiếng nói là bất kỳ. Mối liên lạc giữa chữ (signifiant) và nghiã (signifié) rất bất kỳ (arbitraire). Chữ arbitraire thường được dịch theo nghiã thường là võ đoán (Hoàng Tuệ, Cao Xuân Hạo...) nhưng trong ngữ học, nó có nghiã là bất kỳ. Saussure giải thích; Tại sao gọi là bất kỳ, bởi vì chẳng có gì liên lạc giữa ý niệm người chị (cùng cha mẹ với mình) với chữ soeur mà nó biểu dương[22]. Cũng chẳng có gì liên lạc giữa chữ "t" và âm "tê" của chữ này. Cũng chẳng có gì liên lạc ý niệm bố (người sinh ra mình) với tiếng bố, để gọi cha. Mỗi chữ, mỗi nguyên âm, mỗi phụ âm, là một khác biệt: Một người có thể viết chữ t theo nhiều cách khác nhau[23]. Nói tóm lại, ta có thể gọi cái bàn là cái ghế, cũng chẳng sao. Nhưng tính cách bất kỳ này, không cho phép ta tự do, muốn nói lung tung thế nào cũng được, như gọi mẹ là cha, cha là mẹ, v.v. Mà ta phải tuân theo các quy phạm mà cộng đồng đã định trong tiếng Việt. Đó là tính chất cộng đồng và xã hội của tiếng nói. Tính chất thứ nhì là khác biệt (différentiel). Sự khác biệt là cũng là một tính chất cơ bản: trong tiếng nói không có cái gì giống cái gì, tức là ta không được trùng âm, và cũng không được trùng ý. Điều quan trọng trong tiếng (nói) không phải là âm, mà là những âm khác nhau, cho phép ta phân biệt tiếng này với tiếng kia, bởi mỗi tiếng có một nghiã. Về ý cũng vậy: đối với một ngữ đoạn hay một câu, ta cũng phải xây dựng một câu không trùng hợp với câu khác. Vậy bất kỳ và khác biệt là hai tính chất liên đới trong tiếng nói[24].
Lựa chọn và kết hợp Theo Saussure, cơ cấu tiếng nói dựa trên hai quan hệ chính, được gọi là liên hệ ngữ đoạn (les solidatités syntagmatiques) và liên hệ kết hợp (les solidarités associatives)[25]. Roman Jakobson làm cho dễ hiểu hơn, đổi là lựa chọn (sélection) và kết hợp (combinaison). Hai liên hệ này là gì? 1- Liên hệ ngữ đoạn hay lựa chọn: ví dụ ta có một ý niệm về người cha muốn diễn tả ra, vậy việc đầu tiên hết là phải chọn trong kho "từ điển" chứa trong óc, một chữ liên quan tới ý niệm người cha này: cha, bố, thày, ông thân sinh, ông bô, ông già, ông cụ... chữ nào thích hợp nhất với tinh thần của đơn vị chữ có ý nghiã cơ bản (syntagme) trong câu định nói, hay câu văn đang định viết. Ví dụ, có thể nói: cha Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm, nhưng không thể nói: ông bô Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm, ông già Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm, v.v. Chữ cha ở đây vừa là yếu tố được lựa chọn, vừa là đơn vị chữ có ý nghiã cơ bản, tức là syntagme của câu: Cha Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm. 2- Liên hệ kết hợp: Bây giờ ta đã chọn xong các chữ đễ diễn tả ý nghĩ ở trên rồi, nhưng lại phải nói hay viết, theo một trật tự nào đó, chứ không thể nói lung tung, ví dụ, không thể nói: Nguyễn Nghiễm là Nguyễn Du cha; Nguyễn Du là cha Nguyễn Nghiễm; Nguyễn Nghiễm Nguyễn Du là cha, v.v. Lê Văn Lý trong cuốn Tiếng Việt (Le parler vietnamien), chứng minh nhóm từ "sao-nó-bảo-không-đến" có thể có tới 40 nghiã khác nhau tùy cách kết hợp trật tự chữ. Vậy nói hay viết là phải: a- Lựa chọn trong những tiếng đồng chủng loại (paradigme). Và b- Kết hợp thành một câu có cú pháp (syntagme) trong thứ tiếng mà mình dùng. Một thí dụ nữa: nếu muốn nói câu tôi đi học, trước tiên phải lựa chọn ba tiếng: tôi, đi và học, trong toàn bộ các tiếng đồng chủng loại như (tôi, ta...), (đi, chạy,...), (học, tập...). Việc thứ nhì là kết hợp hay sắp xếp các tiếng đã chọn theo một trình tự đúng với quy ước ngôn ngữ đã có (ở đây là cú pháp tiếng Việt), để làm thành câu tôi đi học, chứ không thể nói: học đi tôi hay học tôi đi... Hai liên hệ căn bản này sẽ là nền tảng cho sự khảo sát ngôn ngữ thơ, một thứ ngôn ngữ đảo ngược các quy ước, trật tự thông thường của lời nói và văn viết, để tạo nên những lối nói, những hình ảnh đặc dị, khác thường.
Người nói và người nghe Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp, Saussure nhấn mạnh đến hai tác nhân chính trong sự hình thành ngôn ngữ là người nói và người nghe. Ngôn ngữ chỉ hiện diện và tồn tại khi có hai thực thể: người nói và người nghe. Áp dụng vào văn chương, quy ước này sẽ trở thành: tác phẩm chỉ hiện hữu khi có người viết và người đọc. Vai trò của người đọc, trở thành bất khả trong văn học: Một văn bản viết, nếu chưa có người đọc, chưa phải là cuốn sách. Nó chỉ trở thành sách khi có người đọc. Sự khám phá này sẽ trở thành nền móng cho nhiều lý thuyết văn học về việc viết và việc đọc sau này.
Vai trò của giọng nói Nhưng trong cách phát biểu, giọng nói cũng đóng một vai trò quan trọng: ví dụ cùng một tiếng đánh, nhưng chúng mang ý nghiã khác nhau qua cách phát âm, qua cách đặt câu, qua cá tính người phát biểu, qua bối cảnh vây quanh phát biểu... Ví dụ, khi người mẹ nói: "đừng đánh em, con!", chữ đánh này khác với chữ đánh trong mệnh lệnh: "đánh chết nó đi!" Saussure đưa ra định thức: Tiếng nói nào cũng gồm thâu nội dung và cách diễn tả (Toute langue est à la fois expression et contenu). Jakobson ghi lại sự kiện một diễn viên Nga kể: "Khi dự thi tuyển lựa tài tử, một đạo diễn bắt tôi phải rút ra 40 tín hiệu khác nhau khi nói hai chữ chiều nay". Khám phá của Saussure giải thích sự quan trọng của cách phát âm; của giọng điệu trong cách viết của nhà văn, trong cách trình diễn của nghệ sĩ, cách bài bố của đạo diễn... Cùng một cốt truyện nhưng phim của đạo diễn này khác hẳn phim của đạo diễn kia. Cùng một bài thơ, nhưng giọng đọc của diễn viên này khác hẳn giọng ngâm của diễn viên kia, v.v. Giọng của nhà văn, của nghệ sĩ, sau này, sẽ trở thành những chủ đề khác nhau trong văn học, được các nhà phê bình mở rộng và viết thành lý thuyết.
Tiếng nói là hình thức Định thức quan trọng mà Saussure đưa ra là: tiếng nói là một hình thức chứ không phải là một thể chất/bản chất (la langue est une forme, et non une substance), hay: "Sự giao thoa [giữa âm và ý] này sinh ra một hình thức chứ không phải một thể chất" (cette combinaison [de la pensée et du son] produit une forme, non une substance)[26]. Câu này đã được ông giải thích cặn kẽ ở trang 157, mà chúng tôi đã trình bầy ở trên. Nhưng trong thực tế có nghiã gì? Ví dụ: hai chữ lingerie hay humour trong tiếng Pháp, không thể dịch ra tiếng Việt. Bởi vì nếu dịch lingerie là quần áo lót, thì chỉ đúng có một phần, vì lingerie bao gồm tất cả những vật dụng phụ tùng mềm mại và âu yếm bao quanh thân thể người phụ nữ trong khuê phòng mà người ngoài không thể thấy, nó gói trọn nữ tính kín đáo của người đàn bà. Trong chữ quần áo lót, không có nghiã này. Chữ humour cũng không thể dịch là u mặc hay dỉ dỏm: U mặc có âm u gợi ý u ám, trái với bản chất của humour, và dí dỏm không nói lên được tính chất thâm thúy ẩn trong humour. Ngược lại, những tiếng ủa hay khan (như trà khan giọng tình) trong tiếng Việt, không thể dịch sang tiếng Pháp. Sở dĩ có hiện tượng này, là vì, như Saussure đã nói: người ta dùng một ký hiệu (chữ) để chỉ một sự vật (chose), nhưng cái chữ này chỉ là một hình thức, một quy ước xã hội, rất bất kỳ, vì thế nó không có khả năng bao trùm lên hết ý nghiã của sự vật, nói khác đi, mỗi tiếng của một nước chỉ tiêu biểu cho một phần của sự vật mà thôi. Vì tiếng nói chỉ là một hình thức diễn đạt. Và mỗi dân tộc có một hình thức diễn đạt sự vật khác nhau, lại có các âm, ý khác nhau, lối nhìn khác nhau, cho cùng một sự kiện, vấn đề, và còn tùy sở thích, văn hoá, phong tục, những yếu tố này cũng ảnh hưởng đến tiếng nói. Nếu tiếng nói là thể chất/bản chất, tất nhiên nó đã nói được cái cốt yếu trong sự vật, và như vậy, thì bất cứ tiếng, chữ nào trong tiếng Pháp cũng có thể dịch ra tiếng Việt và ngược lại. Và như thế ta cũng thấy ngay, khi dịch subtance là chất liệu, thì câu tiếng nói là một hình thức chứ không phải là một chất liệu trở thành vô nghiã hoặc rất tối nghiã. Nhận xét này đưa đến kết luận: ký hiệu ngôn ngữ của một thứ tiếng chỉ là một hình thức diễn đạt thực thể, nó không bao trùm lên toàn bộ bản chất của thực thể. Nói khác đi, tiếng nói không biểu dương được toàn bộ bản chất tiềm ẩn mọi sắc thái của thực thể mà nó muốn diễn đạt. Đó là cái khó khăn ta thấy hàng ngày trong việc dịch thuật. Và sự khám phá này, cũng sẽ là căn bản cho việc khảo sát thơ và sự sáng tạo các hình ảnh trong thơ.
Tóm lại, có bốn điểm cơ bản trong Giáo trình ngữ học đại cương của Saussure cần được lưu lại như những định thức bất biến: - Tiếng nói là hình thức chứ không phải bản chất. - Tiếng nói là sự kết hợp âm (signifiant) và ý (signifié). - Âm và ý không thể tách rời. - Tiếng nói nào cũng gồm thâu nội dung và giọng nói (cách diễn tả). Bốn định thức này sẽ được áp dụng trong nghiên cứu văn học và dịch thuật, và xây dựng nền móng cho phê bình văn học thế kỷ XX.
Ảnh hưởng của Saussure Ở Pháp, qua những học trò: Meillet, Gramont, Vendryes, Benveniste, Martinet, Saussure có ảnh hưởng hiển nhiên đến hầu hết các nhà ngôn ngữ học Pháp. Ở Nga, tư tưởng của Saussure được S. Karcevskij (học ông ở Genève từ 1905), năm 1917 trở về Nga, thông tin cho những nhà ngữ học trẻ như Jakobson, Trubeckof biết, rồi trình bầy ở Viện Khoa Học Mạc Tư Khoa, và giảng dạy ngôn ngữ học. Tại Pháp, tới 1960, ngữ học Saussure mới được khảo sát, hệ thống hoá và quảng bá rộng rãi, lúc đó, nó trở thành dòng suối ngầm hiện lên mặt đất, dội ảnh hưởng quan trọng trên những ngành khoa học nhân văn, đặc biệt về nghiên cứu văn học. Hai nhà ngữ học có công nhất trong việc quảng bá tư tưởng của Saussure là Louis Hjelmslev và Roman Jakobson. Louis Hjelmslev (1899-1965), nhà ngữ học Đan Mạch, là người duy nhất nối tiếp và hoàn tất nền ngữ học Saussure. Sinh trưởng tại Đan Mạch là nước có truyền thống ngữ học, nhưng chính Hjelmslev cho biết những ngày sống ở Paris (1926-1927), gần Meillet và Vendryès (học trò Saussure), đã nẩy sinh "cuộc đời khoa học thứ nhì" của ông, biến đổi đời ông thành một dự trình duy nhất, mà giai đoạn từ 1928 đến 1943, trở thành một thời kỳ sáng tạo lớn. Lúc đầu ông chỉ tính soạn một cuốn sách về cú pháp Ấn Âu, trên nguyên tắc thuần lý của văn phạm tổng quát.[27] Saussure là người đầu tiên định vị tiếng nói như một tổ chức có hệ thống và dùng phương pháp nội tại để tìm hiểu và giải thích tiếng nói. Chịu ảnh hưởng phương pháp nội tại của Saussure, Hjelmslev đã tìm ra cách phát âm từng chữ, làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Hjelmslev xây dựng Câu lạc bộ ngữ học Copenhague, năm 1931, và tạo ra môn Giải luận học (Glossématique), đào sâu những lập thuyết cơ bản của Saussure, đặc biệt trên hai chủ đề chính: Tiếng nói là hình thức không phải là bản chất và Âm và ý không thể tách rời. Hai cuốn sách quan trọng của ông là: Tổng luận về một lý thuyết ngôn ngữ - Cấu trúc nền tảng của ngôn ngữ (Les prolégomènes à une théorie du langage - La structure fondamentale du langage), 1943), Paris, Minuit, 2000 và Ngôn ngữ (Le langage), 1963, Paris, Minuit, 1966. Tổng luận xây dựng lý thuyết ngôn ngữ, trên những điều đã thu thập được từ trước đến nay về ngữ học, chính là một tri thức luận về khoa học nhân văn, vì, qua ngôn ngữ, ta có thể thấy tất cả các cách phát biểu của con người. Cuốn Ngôn ngữ giải thích văn phạm lịch sử, dẫn đến các vấn đề: Họ hàng trong ngữ học, cấu trúc và cách dùng tiếng nói, sự thành lập các ký hiệu, phân chia những tộc ngữ, xếp loại ngôn ngữ theo những khuôn mẫu điển hình khác nhau. Tóm lại, ngôn ngữ học lưỡng phân của Saussure được Hjelmslev mở rộng và hoàn chỉnh. Ký hiệu học Saussure mới thông báo như một dữ kiện tương lai, sẽ được Hjelmslev xây dựng những nền móng đầu tiên. Claude Lévi-Strauss (1908-2009), cha đẻ nhân chủng học cấu trúc ở Pháp, liên kết cấu trúc ngôn ngữ với cấu trúc gia đình và cấu trúc xã hội, trong những bộ lạc xưa nhất còn sống ở Phi Châu, từ đó suy ra cấu trúc toàn bộ xã hội con người. Roman Jakobson (1896-1982) kết hợp ngôn ngữ học Saussure với cấu trúc luận của Levi-Strauss, để giải thích bài thơ Mèo (Les Chats) của Baudelaire, mở đầu cho khuynh hướng ngôn ngữ học cấu trúc trên toàn cầu. Ngôn ngữ học Saussure ảnh hưởng trực tiếp đến trường phái Hình Thức Nga. Trong toàn bộ nội dung phê bình văn học thế kỷ XX, ngữ học Sausure đã đi sâu vào mọi ngả. Mỗi người học được ở ông, một khái niệm, một phương pháp, một cách suy luận. Chỉ cần vài từ của ông, cũng đủ làm đề tài cho một bài luận văn, một cuốn sách, một điểm tựa để sáng tạo một lý thuyết mới.
Thụy Khuê [1] Imprimerie Jules-Guillaume Fick, Genève, 1881. [2] Theo Ghi chú tiểu sử và bình luận về Saussure (Notes biographiques et critiques sur F. de Saussure), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, t. 319-389. [3] Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, t. 336, note II. [4] Theo Tuillio de Mauro, tựa sách Giáo Trình Ngôn Ngữ Học Đại Cương, t. II. [5] Theo Ghi chú tiểu sử và bình luận về Saussure (Notes biographiques et critiques sur F. de Saussure), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, t. 319- 389. [6] Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, t. 31. [7] Idiome là thổ âm, thổ ngữ, quốc ngữ, là tiếng nói của một dân tộc, một nước, hay một vùng. Chúng tôi dùng chữ thổ âm hay thổ ngữ, vì hai chữ này bao trùm lên cả thời kỳ con người chưa có quốc gia. [8] Chữ lịch sử của Saussure ở đây có nghiã là lịch đại (diachronie) tức là tiến trình ngôn ngữ theo thời gian. [9] Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê dịch langue là tộc ngữ, gây một sự hiểu lầm khác về tiếng nói, bởi tộc ngữ là famille de langues, dùng để chỉ một họ ngôn ngữ có chung mẹ (nguồn). [10] Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, t. 20. [11] Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, t. 33. [12] Saussure lấy ví dụ âm nu, trong tiếng Pháp. (Tiếng Pháp đa âm, tiếng Việt đơn âm). [13] Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, t. 23- 24-25. [14] Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, t. 23-30. [15] Giáo trình ngôn ngữ học đại cương t. 99. [16] Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, t. 98-99. [17] Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, t. 36-50. [18] Chữ valeur Sausure dùng trong nghiã ngôn ngữ học là ý nghiã, hơi khác nghiã thông thường là giá trị. [19] Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, t. 155. [20] Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, t. 156. [21] Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, t. 157. [22] Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, t. 101. [23] Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, t. 165. [24] Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, t. 163. [25] Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, t. 170-175. [26] Giáo trình ngôn ngữ học đại cương t. 169 và 157 [27] Theo Julien Greimas, trong bài tựa cuốn Ngôn ngữ (Le langage), Folio Essais, t. 9.
|