Thụy Khuê Phê bình văn học thế kỷ XX Chương 5 Phê bình Phân tâm học (bài 1)
Phê bình Phân tâm học chỉ là một phần nhỏ trong lý thuyết phân tâm của Freud, nhưng để hiểu phê bình Phân tâm học là gì, chúng ta cần biết một số khái niệm về Phân tâm học. Vì vậy chương này sẽ chia làm hai phần: Phần thứ nhất: sơ lược về lý thuyết Phân tâm và phần thứ hai: phê bình Phân tâm học.
I- Sơ lược những khái niệm trong Phân tâm học
Sigmund Freud (1856-1939), cha đẻ của Phân tâm học, sinh ngày 6/5/1856 tại Freiberg, Moravie, thành phố thuộc Tiệp Khắc ngày nay, trong một gia đình Do Thái, nhiều đời phiêu bạt, chạy sự kỳ thị, đến ngụ cư ở Áo trong thế kỷ XIX. Năm Sigmund bốn tuổi, gia đình về Vienne; năm 1873, vào học y khoa, năm 1881, đậu bác sĩ, chọn nội trú chuyên về bệnh tâm thần. Freud trở thành một trong những người tiên phong về lý thuyết tế bào thần kinh, 1884-1885 in một bài nghiên cứu về những hậu quả trị liệu của cô-ca-in, rồi viết bài Về những người bị cấm khẩu ( Sur les aphasies) in năm 1891. 1885, Freud sang Paris tu nghiệp tại bệnh viện Salpêtrière, học bác sĩ Charcot (1825-1893) phép trị liệu bằng thôi miên và dịch Những bài học ngày thứ ba (Les leçons de mardi) của Charcot sang tiếng Đức. Mùa thu 1886, Freud trở về Vienne, cưới vợ và mở văn phòng trị bệnh tâm thần bằng điện khí và thôi miên, chuyên về bệnh thần kinh (névrose), đặc biệt chứng thác loạn cuồng trí (hystérie). Dần dần ông bỏ phương pháp thôi miên và dùng "phương pháp hồi tâm" (catharsis) mà ông đặt tên là Phân tâm học. Năm 1938, gia đình Freud sang Luân Đôn tỵ nạn Hitler, ông mất ngày 23/9/1939, vì bệnh ung thư quai hàm. Freud để lại một gia sản tinh thần lớn lao, khoảng trên hai trăm đầu đề, bài viết và sách. Phê bình văn học chỉ là phần rất nhỏ trong sự nghiệp đồ sộ này, tập hợp trong hai, ba bài viết, thậm chí những người viết tiểu sử ông trong các bộ toàn thư không hề nhắc đến, nhưng được một số người hiểu lầm, phóng đại và cho nó một tầm quan trọng không đúng chỗ.
*
Freud bắt đầu xây dựng nền móng Phân tâm học từ năm 1895, khi nghiên cứu những giấc mơ của những người bị bệnh tâm thần và thấy vai trò quan trọng của tính dục trong sự rối loạn tâm thần. Ông nhận định: "những rối loạn thần kinh thường có nguyên nhân là những rối loạn tính dục". Rồi ông chuyển dần từ phương pháp thôi miên sang phương pháp hồi tâm (catharsis), tức là thay vì dùng thôi miên, đưa người bệnh vào giấc ngủ nhân tạo để khám phá những bí ẩn của đương sự, Freud chuyển sang phương pháp giải thoát cảm xúc: trò chuyện với bệnh nhân trong lúc tỉnh táo, để moi ra ánh sáng những biến cố gây chấn thương đã bị dồn nén trong đầu người bệnh. Một khi người bệnh nói ra được những ẩn ức ấy, là có cơ bình phục. Ông đặt tên phương pháp này là Phân tâm học (psychanalyse) dựa trên ba thành tố chính: thúc đẩy tính dục (pulsion sexuelle) hay libido, sự dồn nén (refoulement) và vô thức (l'inconscient). Năm 1896, danh từ Phân tâm học được khai sinh. Và Freud định nghiã: Giấc mơ là sự thực hiện một ham muốn. Chính xác hơn: "Giấc mơ là sự thực hiện (trá hình) một ham muốn (bị dồn nén)"[1]. Freud cho rằng: nguồn gốc của những rối loạn tâm thần phát sinh từ những ham muốn bị dồn nén, liên quan đến mặc cảm Œdipe có từ tuổi thơ trong con người (con trai yêu mẹ, con gái yêu cha), không liên hệ gì đến luân lý hay những ham muốn khác của con người. Những ham muốn này, tuy bị dồn ép, vẫn tiếp tục tồn tại trong vô thức, chỉ có thể bộc lộ ra một cách trá hình, tức là bị bóp méo, biến dạng. Vì vậy, bên cạnh các triệu chứng tâm thần, luôn có những giấc mơ hay những việc làm sái (actes manqués). Trong Giải mộng (La science des rêves hay L'interprétation des rêves) xuất hiện năm 1900, Freud xác định những quy luật đại cương để giải mật những triệu chứng tâm thần mà nguyên do phát xuất từ vô thức.
Sự xây dựng lý thuyết Phân tâm học của Freud có thể chia làm ba giai đoạn: 1895-1900, thời kỳ tìm tòi và xây dựng lý thuyết. 1900-1917, thời kỳ đào sâu và phát triển, và từ 1917 trở đi là sự kiện toàn lý thuyết phân tâm. 1900 là cái mốc quan trọng, là năm ông vừa hoàn tất sự tìm kiếm và xây dựng xong lý thuyết phân tâm, và đối với ông, cũng là năm bắt đầu một thiên niên kỷ mới, Freud trình làng tác phẩm chủ yếu Giải mộng (L'Interprétation des rêves), tuy đề 1900, nhưng đã ra mắt từ tháng 11/1899. Didier Anzieu viết: "Freud 43 tuổi rưỡi, đã bỏ ra gần bốn năm làm việc cật lực để hoàn thành bộ sách này. Thực vậy, từ tháng 7/1895, ông đã khám phá ra rằng những giấc mơ là để thoả mãm sự ham muốn. Tháng 10/1895, ông gửi cho Fliess bản Dự thảo một khoa tâm lý (Le Projet d'une psychologie scientifique) chỉ in sau khi ông mất. Đầu năm 1896, ông ghép chữ Psycho-analyse, để chỉ phương pháp khảo sát vô thức và làm vựng tập những phát biểu lý thuyết đang thành hình. Tháng 10/1896, Jacob, cha ông mất. Sự kiện này gây biến động nội tâm tác động mạnh lên ông, tạo ra những ám ảo (fantasmes) trong những giấc mơ (rồi đến những hình thức khác như: quên, nói nhịu, làm sái, và thấy những màn ảnh kỷ niệm) mà ông đem ra tự phân tâm mình, từ đó nẩy mầm trong đầu những khái niệm mới liên quan đến sự điều hành của tiềm thức và vô thức và sự nối khớp giữa hai yếu tố này trong cái mà ông gọi là bộ máy tâm thần (l'appareil psychique) với hệ thống nhận thức-ý thức (le système perception-conscience). Ông lần lượt cập nhật mặc cảm Œdipe[2] tháng 10/1897 và sang năm 1898, những ám ảo của cảnh sơ khai (le fantasme de scène primitive), năm 1899, sự hoảng sợ bị thiến (l'angoisse de castration) (...). Giải Mộng là cuốn sách đầy cảm hứng, sống động, mạo hiểm, nhưng khó đọc vì những tư tưởng tân kỳ chuyên chở trong đó, vì sự phức tạp của kiến trúc, vì sự gắt gao và đa dạng của các lý thuyết, vì những mới lạ của các khái niệm (...). Chất liệu dồi dào: khoảng 160 giấc mơ được kể lại, trong đó có 50 của Freud, 70 của họ hàng, bệnh nhân, bạn bè, học trò, và 40 do ông tìm thấy trong sách vở (...) Freud chờ đợi rất nhiều ở bộ sách lớn lao này: chờ sự công nhận những giá trị mà ông khám phá ra, mong chấm dứt sự cô đơn trí thức, chờ sự nổi tiếng, bệnh nhân kéo đến nườm nượp, tiền bạc dư giả, nói tóm lại là quyền uy và vinh hiển. Thực tế xẩy ra trái ngược hẳn, kỳ vọng càng lớn thì sự thất vọng càng cao. Cuốn sách bán không chạy, nhà xuất bản thiệt hại nặng, theo Jones[3] sách in 600 cuốn mà 8 năm mới bán hết (...). Một vài bài tường thuật hiếm hoi trong các báo y khoa, khá ngu dốt hoặc chê bai. Những đồng nghiệp, bạn bè, nổi giận vì nhận ra mình trong những mẫu lấy làm ví dụ. Freud gượng an ủi là mình đi trước thời đại 15, 20 năm, nhưng bị chạm tự ái, khi phải sửa lại những chữ viết nhầm, những sai sót trong bản đã in"[4]. Vì vậy, sau đó Freud viết những bài luận văn hay những cuốn sách mỏng, dễ hiểu hơn cho mọi tầng lớp độc giả, trong số có: Về giấc mơ (Sur le rêve), 1901, Tâm thần bệnh lý học trong đời sống hàng ngày (Psychopathologie de la vie quotidienne), 1901-1904, Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục (Trois Essais sur la théorie sexuelle), 1905, vv... Năm 1915, Freud viết một loạt bài quan trọng để "soi sáng và đào sâu những giả định lý thuyết mà hệ thống Phân tâm học dựa vào" được thu thập và in trong tập Siêu tâm lý học (Métapsychologie)[5]. Đến năm 1917-1918, ông viết cuốn Phân tâm học nhập môn (Introduction à la psychanalyse), tuy gọi "nhập môn", nhưng cuốn sách tổng kết một cách chi tiết nội dung Phân tâm học. Đó là những sách cơ bản. Năm 1923, Freud cho xuất bản cuốn sách nhỏ Cái tôi và cái đó (Le Moi et le ça), giải thích lại tiến trình thúc đẩy và dồn nén của libido trong vô thức, thay các luận cứ ban đầu: tiềm thức/vô thức/ý thức, rồi vô thức/tiền thức/ý thức bằng luận cứ: Cái tôi/cái đó/cái siêu tôi. Chúng tôi chọn trình bầy sơ lược nội dung những sách cơ bản này, để độc giả thấy rõ tiến trình tư tưởng của Freud, sự lựa chọn này đưa đến sự kiện một vài chủ đề được lập lại trong hai cuốn sách khác nhau nhưng được thay đổi hoặc giải thích rõ hơn. Cuốn Về giấc mơ (Sur le rêve) viết trong thời điểm ông đang bị khủng hoảng tinh thần vì sự thất bại của Giải Mộng, nên không có nhiều cảm hứng, không phân chương mục. Cho nên chúng tôi chọn chương Giấc mơ trong Phân tâm học nhập môn viết sâu hơn nhiều.
A- Ba luận văn về lý thuyết tính dục (Trois Essais sur la théorie sexuelle) Cuốn Ba luận văn về lý thuyết tính dục, in năm 1905, gây cho ông nhiều hệ lụy nhất. Người khen cho rằng đó là "sự đóng góp đáng ghi nhớ nhất, tân kỳ nhất, trong những đóng góp của Freud vào kiến thức nhân loại" (James Stracheys). Sách in 1000 cuốn, bán trong 4 năm mới hết. Từ 1910 và 1920, in thêm 4000 cuốn nữa. Cuốn sách này đã làm cho Freud bị "gần cả nhân loại" ghét. Ông nhận được không biết bao nhiêu lời nhục mạ và rủa xả. Theo Jones, người ta thấy cuốn sách vô luân, tác giả độc hại, tục tĩu dâm bôn. Ra đường mọi người không thèm chào ông nữa[6]. Trong chương I, Những thác loạn dục tính (Les aberrations sexuelles), Freud kê khai, mô tả và giải thích những hình thức thác loạn, được ông chia làm hai loại: 1/ Đồng tính, được giải thích như dấu hiệu suy thoái thần kinh (thời ấy, đồng tính bị coi là bệnh hoạn) và ái nam ái nữ. 2/ Chưa trưởng thành trong tính dục (trẻ con) hoặc lấy con vật làm đối tượng vật dục (xẩy ra ở thôn quê). Chương này gây sốc lớn bởi sự mô tả những cách giao cấu thác loạn. Trong đoạn Thúc đẩy tính dục ở những người loạn thần kinh (La pulsion sexuelle chez les névrosés), ông xác định lại một lần nữa: Sự thúc đẩy tính dục là nguyên nhân gây bệnh thần kinh. Vì những thúc đẩy này bị dồn nén, không được thoả mãn, chúng tìm cách thoát và nổ ra bằng những triệu chứng bấn loạn thể xác, dưới các hình thức thác loạn dâm bôn. Ở những người bệnh thần kinh, bệnh này thường phát ra sau tuổi dậy thì[7]. Trong chương II, Tính dục trẻ con (La sexualité infantine)[8], Freud đưa ra những khái niệm còn sốc hơn nữa, ông cho rằng trẻ con là một kẻ "đồi trụy đa hình thức" (un pervers polymorphe). Tất cả những thứ lỗ trên người (miệng, hậu môn...) đều được nó dùng để thoả mãn dâm tính. Các trò hôn, hít, bú, mớm, mút, sờ tý, rặn ị... đều có mục đích thoả mãn dâm tính từ thủa mới ra đời. Một quan niệm như thế ở đầu thế kỷ XX, quả là "không thể chấp nhận được". Nhưng có ba điểm quan trọng trong cuốn sách này: 1- Freud xác định thúc đẩy tính dục là nguyên nhân các bệnh thần kinh. 2- Freud xác định thúc đẩy dục tính có từ tuổi thơ. Đến tuổi dậy thì nó thay đổi bộ mặt. 3- Freud định nghiã Libido lần đầu.
Libido Khái niệm libido, xuất hiện trong cuốn Ba luận văn về lý thuyết tính dục, dòng đầu, chương I, tựa đề Những thác loạn dục tính (Les aberrations sexuelles), Freud viết: "Trong sinh vật học, người ta giải thích sự hiện hữu những nhu cầu tính dục ở con người và con vật bằng giả thuyết có một "thúc đẩy tính dục" (pulsion sexuelle), được xem như tương tự với thúc đẩy thực phẩm: đói. Vì ngôn ngữ bình dân thiếu chữ tương đương với chữ đói, nên khoa học phải dùng chữ "libido"[9]. Trong bản in năm 1910, Freud chua thêm: Có một chữ thích hợp trong tiếng Đức là Lust thì nó lại mập mờ, chỉ cả nhu cầu lẫn sự thoả mãn (note 1, t. 151, sđd). Ở trang 157, ông viết dài hơn: "Chúng tôi đã định nghiã khái niệm libido như một sức mạnh mà số lượng thay đổi, cho phép đo những diễn tiến và những chuyển vị trong phạm vi kích thích tính dục" (Nous avons défini le concept de libido comme une force quantitativement variable permettant de mesurer les processus et les transpositions dans le domaine de l'excitation sexuelle)[10]. Libido sau đó, được ông giải thích ngắn gọn là năng lượng thúc đẩy tính dục (énergie de la pulsion sexuelle) hay năng lượng tính dục (énergie sexuelle), ta cũng có thể dịch là năng lượng nhục dục và hiểu nôm na là độ dâm trong tính dục, nhưng chúng tôi giữ nguyên chữ libido của Freud. Freud phân biệt năng lượng libido với các thứ năng lượng thúc đẩy khác trong tâm thần, như thúc đẩy đói, và ông trách Jung đã đồng hoá libido với những thúc đẩy tâm thần nói chung (t. 160). Sự khảo sát những trường hợp dâm bôn (perversions) và những tâm kinh bệnh (psychonévroses), cho thấy những kích thích tính dục này không chỉ đến từ những bộ phận sinh dục mà từ tất cả các bộ phận trong thân thể. Libido, sẽ là một trong những khái niệm chủ yếu của Phân tâm học Freud, ban đầu được trình bầy dưới hình thức: thúc đẩy tính dục (pulsion sexuelle), rồi chuyển sang sức mạnh của độ đẩy (la force de la pulsion), rồi năng lượng tính dục (energie de la pulsion sexuelle) và được gọi tên là libido. Libido còn có nghiã là cường lực của thúc đẩy tính dục, mà ta có thể hiểu là độ dâm của tính dục. Và chính cái độ dâm này khi bị dồn nén đã gây ra những rối loạn tâm thần.
B- Siêu tâm lý học Siêu tâm lý học (Métapsychologie)[11], là tác phẩm quan trọng, gồm năm bài thu thập được in thành sách. Cuốn sách tương đối nhỏ, nhưng phải do một ban phiên dịch đảm nhiệm. Các dịch giả Pháp cho biết: "Vì tầm quan trọng cực kỳ của những bài này, vì tính chặt chẽ của luận chứng và sự tối nghiã đôi khi cố hữu ở những vấn đề bàn luận, chúng tôi cố gắng dịch đặc biệt sát với bản tiếng Đức, vì vậy có thể thấy là thô nhám".[12] Tác phẩm giải thích ba vấn đề cơ bản trong lý thuyết phân tâm: Thúc đẩy (pulsions), dồn nén (le refoulement) và vô thức (l'inconscient). Chúng tôi xin tóm tắt một số ý chính bằng ngôn ngữ dễ hiểu và mạn phép đưa ra một số ví dụ nôm na để độc giả dễ cảm nhận.
1. Thúc đẩy tính dục (Les pulsions sexuelles) Để giải thích khái niệm thúc đẩy (pulsion), Freud đưa ra khái niệm kích thích (exitation). Trong sinh lý học: kích thích là yếu tố từ bên ngoài đánh vào một tổ chức sống động, như hệ thần kinh (système nerveux) thì nó sẽ chạy ra ngoài dưới dạng hành động [chúng tôi mạn phép lấy ví dụ: bị chửi, ta nổi xung đánh kẻ chửi, xong rồi thôi]. Theo Freud, thúc đẩy có thể coi như tương đương với kích thích, nhưng là yếu tố ở bên trong cơ thể, nó đánh vào tâm thần (psychique) đương sự. Kích thích là hiện tượng chốc lát, còn thúc đẩy là hiện tượng lâu bền. Vì thúc đẩy không từ bên ngoài đến mà ở trong cơ thể cho nên ta không thể trốn nó được, nôm na gọi là ta có nhu cầu (besoin), và muốn triệt hạ nhu cầu, thì phải làm thoả mãn nhu cầu [ví dụ đói thì phải ăn]. Có nhiều loại thúc đẩy, không thể kể hết được [ví dụ: thúc đẩy bài bạc, rượu chè, phá hoại, nha phiến, đánh lộn, giết người...]. Có những thúc đẩy không thoả mãn không được [đói, đại, tiểu tiện], có những thúc đẩy có thể chờ đợi hay "nhịn" được [libido]. Freud chia hai loại và đặt tên: Thúc đẩy của cái tôi (pulsions du moi) hay thúc đẩy tự bảo tồn (pulsions d'auto-conservation) [ăn, uống...] và thúc đẩy tính dục (pulsions sexuelles). Khảo sát bệnh tâm thần, Freud thấy nguồn cội của bệnh này là sự xung đột giữa thúc đẩy của cái tôi và thúc đẩy tính dục. Nhưng theo sinh vật học, thì không thể cho tính dục nằm chung với các sinh hoạt khác của cá nhân bởi vì xu hướng của nó, vượt quá cá nhân, mục đích cuối cùng của nó là sản sinh cái mới, tức là bảo tồn chủng loại. Freud cho rằng: điểm đặc biệt của thúc đẩy tính dục là dù xuất hiện dưới hình thức nào, mục đích chung của nó vẫn là thoả mãn khoái lạc thể xác, và khi đã được thoả mãn rồi, thì nó mới có nhiệm vụ bảo tồn nòi giống. Do dó, thúc đẩy tính dục có cả hai bộ mặt: bảo tồn lẫn tính dục, Freud viết: "vì vậy một phần của nó gắn bó với thúc đẩy cái tôi suốt đời và cấp cho nó những thành phần thuộc libido, bình thường thoát khỏi con mắt mọi người và chỉ để lộ trong trường hợp bệnh hoạn"[13]. Vì những tính chất này mà libido có thể làm những việc rất xa với mục đích ban đầu, như siêu hoá (sublimation). Freud đưa ra bốn con đường của libido: 1- Lật ngược tình thế: xoay một thúc đẩy từ chủ động sang thụ động (ham muốn giao cấu chuyển sang thích nhìn cảnh này (voyeurisme), hoặc thay đổi hẳn nội dung (tình yêu đổi sang hận thù). 2- Lật ngược chính mình: khổ dâm (masochisme) là hành động chống lại cái tôi bảo tồn. 3- Dồn nén. 4- Siêu hoá (sublimation): là sự bảo tồn cái tôi bằng cách lái những libido sang những mục đích không có tính cách dục tính như những hoạt động xã hội. Xin lưu ý độc giả chữ sublimation có hai nghiã: trong văn chương nó có nghiã là là hướng một sự đam mê (une passion) hay một khuynh hướng (chính trị, triết lý, nghệ thuật...) về một giá trị xã hội đạo đức, cao cả; ở nghiã này, nó được dịch là thăng hoa, là tình trạng hoàn toàn có ý thức. Nghiã Phân tâm học, như vừa nói, là một tình trạng xẩy ra trong vô thức, tức là bị bắt buộc vượt trên cái tôi để bảo tồn cái tôi, và được dịch là siêu hoá. Freud viết: "Từ nguyên thuỷ xuất phát đời sống tâm thần, cái tôi đã bị những thúc đẩy bao vây, và có khả năng thoả mãn một phần những thúc đẩy này trên chính nó. Ta gọi tình trạng này là tự yêu mình (narcissisme)[14] và ta định danh cái khả năng thoả mãn này là tự dâm" (auto-érotique)[15].
2. Sự dồn nén (le refoulement) Câu đầu tiên trong chương viết về dồn nén, Freud cho rằng chuyển động thúc đẩy vấp phải chướng ngại đầu tiên là lực cản nhắm vô hiệu nó, và ông gọi đó là sự dồn nén. Bởi đối với những kích thích đến từ bên ngoài, ta dễ đối phó, nhưng đây là sự thúc đẩy từ bên trong, thì rất khó bởi vì ta không thể chạy trốn ta được. Cho nên sự kết án (condamnation) là phương pháp hữu hiệu để triệt hạ những thúc đẩy này. Và Freud cho rằng: Sự dồn nén (le refoulement) là khâu trung gian giữa sự trốn chạy và bị kết án. Nói khác đi, những thúc đẩy bị đuổi đánh, không chạy trốn đi đâu được, đành chịu bị dồn nén, tức là: làm sao mà giấu nó đi, không cho ý thức biết, bởi vì ý thức mà biết thì nó cấm[16].
Cần phân biệt: sự thúc đẩy của cái tôi như đói, lúc đầu có thể nhịn được, tức là chịu bị dồn nén, nhưng đói có độ căng thường trực, càng lúc càng tăng, không ăn không thể chịu được. Còn libido khác đói, không những nó chịu được dồn nén mà có khi còn cảm thấy khoái lạc trong hình phạt đó. Đến giai đoạn hai, những thúc đẩy bị cấm này, có thể gọi thẳng là libido, đã bị dồn nén rồi, nghĩa là đã bị giấu trong chỗ kín rồi (sau sẽ có tên là vô thức), nhưng nó không chết, mà nó bắt đầu sinh mầm non, rồi nó tự tổ chức "băng đảng" để sẵn sàng hành động và hiện ra dưới bộ mặt "dễ thương" khiến cho ý thức có thể chấp nhận được. Khảo sát những trường hợp bệnh thần kinh, Freud thấy rằng dưới bộ mặt mới này, libido sinh sôi nẩy nở "trong bóng tối" và tìm ra những cách diễn đạt nguy hiểm trong đầu óc bệnh nhân. Nó trá hình dưới các hình thức khác để vượt "tường lửa" của ý thức và hiện ra dưới bộ mặt ngây thơ vô tội. Người ta không thể biết được hết thiên hình vạn trạng của những sự trá hình này. Vì vậy, Phân tâm học phải điều tra hai điểm: phát xuất từ những thúc đẩy nào và sau khi trá hình nó biến thành những dạng thức như thế nào[17]. Chỗ libido bị giam cầm tạm thời, Freud gọi là vô thức.
3. Vô thức (l'inconscient) Vô thức được Freud định nghiã khá mập mờ: "Phân tâm học cho ta biết rằng điểm cốt yếu của tiến trình dồn nén không phải là loại trừ hay tiêu diệt sự xuất trình lại một thúc đẩy mà là không cho nó trở thành ý thức. Chúng tôi nói rằng nó ở trong tình trạng "vô thức" và chúng tôi có thể cung cấp những cớ chắc chắn chứng tỏ rằng, dù ở trong tình trạng vô thức, nó vẫn có thể sản sinh những hiệu quả mà một số đạt tới ý thức. Cái bị dồn nén nào cũng tất yếu trú ngụ trong vô thức, nhưng trước tiên, chúng tôi xin nói là nó không bao phủ hoàn toàn vô thức mà chỉ chiếm một phần của vô thức. Làm sao đạt tới sự nhận diện vô thức? Dĩ nhiên, chúng ta chỉ có thể biết nó như biết ý thức, một khi nó đã bị đổi chỗ hay được chuyển thể sang ý thức. Công việc phân tâm giúp chúng tôi mỗi ngày kinh nghiệm có thể làm được việc chuyển thể như thế"[18]. Nói gọn lại: libido bị dồn nén vào một nơi được gọi là vô thức, tức là tình trạng không biết đến nó hay là vờ như không biết đến nó. Nhưng như trên đã nói, nó không chịu chết cứng mà nó tổ chức phản kháng, chuyển thể, giả làm mặt dễ thương để được ý thức chấp nhận, tức là được biết đến. Trong phần Biện minh cho vô thức (Justification de l'insconscient), Freud cho biết, tuy khái niệm vô thức bị phản đối mọi mặt, ông vẫn thấy nó cần thiết và chính đáng và ông có nhiều bằng chứng xác nhận sự hiện hữu của vô thức. Cần thiết bởi vì những điều biết được về ý thức còn đầy thiếu sót, có những hành vi thuộc địa hạt tâm thần không thể giải thích được bằng ý thức như những giấc mơ hay những việc làm lộn, làm sái (actes manquants) ở người lành mạnh và có những triệu chứng tâm thần, những hiện tượng bị dồn nén dẫn tới hoảng loạn (phénomènes compulsionnels) nơi người bệnh. Hoặc nếu kể đến tất cả những kỷ niệm ngầm giữ trong đầu thì cũng không thể không công nhận là có vô thức. Nói chung những trạng thái tiềm tàng, ngầm, ẩn, mà ý thức không biết, hiển nhiên thuộc vào điạ hạt vô thức. Sở dĩ người ta không cho những trạng thái ngầm này tính chất tâm thần bởi vì người ta không nghiên cứu nó, trừ Phân tâm học. Còn những người không biết đến những dữ kiện bệnh lý này là vì họ cho rằng những việc làm lộn, làm sái của những người bình thường là do tình cờ và tin vào câu châm ngôn cũ rích mơ là bịa (songe est mensonge)[19].
C- Cái tôi và cái đó (Le Moi et le ça) Trong cuốn Cái tôi và cái đó (Le Moi et le ça), in năm 1923, Freud đưa ra bộ ba: Cái tôi/ cái đó/ cái siêu tôi, để thay thế cho bộ ba: Vô thức/ tiền thức/ ý thức, trong Siêu tâm lý học. Xin giải thích qua vấn đề này. Khái niệm tiềm thức (subconscient) được Freud đưa ra từ năm 1895, trong bài Những nghiên cứu về chứng loạn thần khinh (Les études sur l'hystérie). Subconsient hay tiềm thức là tình trạng tâm thần mà chủ thể không ý thức được, nhưng nó có ảnh hưởng tới thái độ và các phản ứng tâm lý. Ba yếu tố: ý thức/ tiềm thức/ vô thức ban đầu, được Freud trình bày theo tiến trình sau đây: những thúc đẩy tính dục, đầu tiên là được biết đến (ý thức), rồi chúng bị ý thức dồn nén vào tiềm thức, nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị vô hiệu hoá, chúng vẫn còn tác động, rồi sau cùng chúng mới bị dồn vào vô thức, và để quên trong đó. Vậy tiềm thức là chặng đường trung gian giữa thúc đẩy và vô thức, và tiến trình ý thức / tiềm thức / vô thức là chặng đường đầu tiên. Năm 1915, trong Siêu tâm lý học, Freud sửa lại, ông loại tên tiềm thức (subconscient) ra vì ông bảo nó "không đúng và gây nhầm lẫn", dẫn đến sự hiểu lầm có hai ý thức: ý thức là chính và tiềm thức là ý thức hạng hai, tuy yếu nhưng vẫn còn tác dụng. Freud thay bằng khái niệm tiền thức (préconscient) và thúc đẩy tính dục sẽ được trình bầy theo tiến trình: vô thức/ tiền thức/ ý thức, Freud lập luận như sau: Vô thức gồm chứa những hành vi ngầm, đợi (les actes latents), tạm thời không biết. Một hành động tâm thần [ví dụ thúc đẩy libido] phải trải qua hai vòng, giữa hai vòng đó, có một kỳ sát hạch gọi là kiểm duyệt. Trong vòng đầu, nếu nó bị kiểm duyệt loại ra, không được vào vòng hai, thì nó bị dồn nén vào vô thức, và trở thành vô thức. Nhưng nếu nó thoát được màn kiểm duyệt để vào vòng hai, thì nó sẽ thuộc vào hệ thống mà ta gọi là hệ thống ý thức. Nhưng khi nó chưa được tiếp nhận hoàn toàn, tức là nó còn ở tình trạng tạm thời, sắp sửa trở thành ý thức, ta gọi đó là tiền thức (préconscient)[20]. Tiền thức là tình trạng tâm thần, hiện vẫn còn trong vô thức nhưng sắp sửa trở thành ý thức. Tóm lại, đối với Freud 1915, tiến trình libido, sẽ như sau: vô thức/ tiền thức/ ý thức. Tức là libido ở trong vô thức, muốn tiến ra ngoài, nó phải trá hình đánh lừa kiểm duyệt, để được vào tiền thức, trước khi trở thành ý thức thực thụ dưới bộ mặt mới. Còn khi libido không thoát vòng kiểm duyệt, tức là bị từ chối hẳn, nó ở trong vô thức, làm hoảng loạn (angoisse) gây ra những hình thức bệnh lý, như chứng hoảng loạn thần kinh (hystérie d'angoisse)[21].
Từ 1923, Freud lại đưa ra một luận cứ mới trong cuốn Cái tôi và cái đó (Le Moi et le ça), phân chia, thay vì vô thức/ tiền thức/ ý thức, mà là ba khoảnh khắc khác nhau của tâm thần: le moi/ le ça / le surmoi, tạm dịch là cái tôi/ cái đó/ cái siêu tôi. Cái đó là một khoảnh khắc của tâm thần, là bình chứa những thúc đẩy (impulsions) và sự dồn nén (refoulé). Cái đó là chủ thể vừa chứa những thứ bị cấm vừa quyết định sự kiểm duyệt. Cái tôi là khoảnh khắc của tâm thần đã bị cái đó kiểm duyệt khi được trình diện với xã hội. Cái siêu tôi, là khoảnh khắc của cái tôi lý tưởng mà cá nhân muốn đạt được theo mẫu của cha mẹ, là vị trí của cái tôi trong điạ hạt tưởng tượng, thể hiện lý tưởng của trẻ con, tưởng mình vô địch, thoát thai từ sự tự yêu mình (narcissisme)[22]. Sau đó là lý thuyết về sự khủng hoảng với cuốn Sự đình chỉ, triệu chứng và hoảng sợ Inhibition, symtôme et angoisse, in năm 1926. Những cuốn sách này mở rộng, sửa sai, đưa siêu tâm lý học vào một chiều kích mới. Tuy nhiên, những điểm cốt yếu về Phân tâm học, tức là những lập luận cơ bản mà Freud đưa ra từ đầu, vẫn là những giá trị không thay đổi. Freud đã không ngừng đào sâu và sửa đổi những khái niệm, kiến giải mà ông đã đề cập để kiện toàn khoa Phân tâm học tới phút chót của cuộc đời.
D- Phân tâm học nhập môn (Introduction à la psychanalyse)
1900 là năm Freud trình làng lý thuyết Phân tâm học với cuốn Giải mộng. 1917 đánh dấu một ngõ quặt với cuốn Phân tâm học nhập môn viết năm 1916-1917. Đây là cuốn sách quan trọng, trong đó Freud định vị và đào sâu một số khái niệm có từ trước, đôi khi ông thay đổi và đưa thêm những khái niệm mới. Sau đây là những vấn đề chính được đề cập trong tác phẩm.
Phân tâm học là phương pháp trị liệu bệnh tâm thần Trong bài Tựa cuốn Phân tâm học nhập môn (Introduction à la psychanalyse)[23], Freud định nghiã Phân tâm học như sau: "Phân tâm học là một phương pháp trị liệu những người bị bênh tâm thần", nhưng ông báo trước: "về phương diện kết quả không có gì là bảo đảm". Về nội dung của phương pháp này, Freud viết: "Trị liệu Phân tâm học là một cuộc trao đổi lời nói giữa người bị phân tâm và bác sĩ. Bệnh nhân kể những biến cố trong quá khứ của đời mình và nói những cảm tưởng hiện tại, thú nhận những ham muốn và những cảm giác. Bác sĩ chuyên chú điều khiển những ý tưởng của bệnh nhân, đánh thức những kỷ niệm, hướng sự chú ý của bệnh nhân về một số định hướng, rồi ông giải thích và quan sát phản ứng hiểu hay không hiểu mà ông đã tạo ra cho người bệnh".[24] Như vậy, đối với Freud, Phân tâm học chính là phương pháp trị liệu bệnh tâm thần. Freud định nghiã phương pháp trị liệu bệnh tâm thần, như sau: 1- Dùng sự điều tra những diễn biến tâm thần trong vô thức mà những phương pháp khác không thể đạt được. 2- Xây dựng trên sự điều tra này để chữa những bệnh nhân bị rối loạn tâm thần. Theo ông, không ai có thể tham dự những buổi chữa bệnh này, vì người bệnh chỉ thổ lộ với một người mà họ tin cậy, khi có mặt một người khác, họ sẽ không nói gì hết, cho nên phương pháp Phân tâm học này mọi người chỉ được nghe nói chứ chưa được tham dự thực sự bao giờ. Và ta có thể học phân tâm trên thân thể của ta qua việc phân tâm chính mình[25].
Những khám phá của Phân tâm học Theo Freud, những kết quả đầu tiên của Phân tâm học, cho thấy: 1- Khám phá thứ nhất: Vô thức điều hành tâm thần. Ý thức chỉ điều khiển vài việc đơn lẻ, tức là một phần của tâm thần. Freud viết: "Tôi có thể bảo đảm với quý vị rằng sự chấp nhận vô thức điều hành tâm thần, khánh thành một hướng đi mới có tính quyết định, trong khoa học."[26] 2- Khám phá thứ nhì: sự thúc đẩy tính dục là nguyên nhân quyết định những bệnh thần kinh và tâm thần, nó giữ một vai trò quan trọng phi thường và cho đến bây giờ chưa được đánh giá đúng mức. Hơn thế nữa, những thúc đẩy tính dục này còn góp phần không nhỏ vào việc cấu tạo tinh thần con người trong những điạ hạt văn hoá, nghệ thuật và xã hội. Chúng ta thấy ở đây, tức là năm 1917, lý thuyết phân tâm đã thay đổi: - Freud xác định vô thức chỉ huy tâm thần chứ không phải ý thức. Trước đây không có xác định này. Tất cả những người tin vào vô thức, đều sử dụng điều này để xây dựng lập luận của họ, tiêu biểu là Breton (1896-1966) trong tuyên ngôn siêu thực. - Freud xác nhận những thúc đẩy tính dục góp phần vào viêc cấu tạo tinh thần con người, trong các địa hạt văn hoá và xã hội. Điều này cũng mới thêm vào (trước đây Freud chỉ cho rằng libido bị cưõng bức phải làm những việc không có gì là tính dục). Và cũng sẽ được Breton và những người tin vào vô thức, sử dụng, coi vô thức như nguồn sáng tạo. Tuy nhiên, Freud đã tự mâu thuẫn với chính mình khi ông đưa ra điểm này, vì ở một đoạn dưới, Freud phân biệt: những giấc mơ tỉnh (rêves éveillés) là một hiện tượng khác [tức là mơ mộng] và là sản phẩm của tưởng tượng. Và ông coi những giấc mơ tỉnh mới là nguồn cội của sáng tác. Giấc mơ tỉnh không có liên hệ gì với vô thức, vì người sáng tác, ở trong tình trạng mơ mộng, hay mơ tỉnh, tức là tưởng tượng, trong lúc tỉnh. Nói tóm lại, năm 1917, Freud cho rằng những thúc đẩy tính dục hay libido bị dồn nén và bị siêu hoá, tức là bị đổi hướng sang làm việc văn hoá đã góp phần vào việc mở mang văn hoá nghệ thuật. Freud giải thích: "Mỗi cá nhân mới bước vào xã hội loài người là bị bắt buộc hy sinh những bản năng của mình, trong số những sức mạnh bản năng bị dồn nén đó, khích động tính dục giữ vai trò lớn lao, nó bị "siêu hoá" tức là bị đổi hướng khỏi mục đích tính dục để hướng về những mục địch xã hội cao hơn, không còn có gì là tính dục cả. Nhưng đó là một tổ chức bấp bênh [tào lao]; những bản năng tính dục bị chế ngự bậy bạ, và mỗi cá nhân bị cưỡng ép lao động văn hoá có cơ nguy bị bản năng tính dục nổi lên phản kháng sự dồn nén này. Một mặt, xã hội lại không thấy mối de doạ nào nguy hiểm hơn cho văn hoá, bằng sự giải thoát những bản năng tính dục để chúng trở lại với những mục đích ban đầu [tức là hành lạc]. Thành thử, xã hội không muốn người ta nhắc lại cái phần nguy hiểm của những nền móng mà xã hội dựa vào [tức là siêu hoá hay cưỡng bách libido làm việc văn hoá], vì vậy, xã hội không có lợi lộc gì để cho sức mạnh của bản năng tính dục [libido] được công nhận và sự quan trọng của đời sống tích dục được mọi người biết đến, vì vậy xã hội chấp nhận phương pháp giáo dục quay mặt với lãnh vực này. Vì không chấp nhận kết quả của Phân tâm học mà chúng tôi biện hộ, họ cố tình bài xích nó là ghê tởm về phương diện thẩm mỹ, là đáng kết án về phương diện đạo đức, là nguy hiểm về mọi mặt."[27] Tóm lại, năm 1917, trong Phân tâm học nhập môn, Freud xác định hai điểm sẽ được Breton sử dụng để làm bản tuyên ngôn siêu thực: - Vô thức chi phối tất cả tâm thần. - Libido bị cấm cản sẽ siêu hoá trong những công tác sáng tạo. Chương thứ hai của Phân tâm học nhập môn, Freud viết về những hành động lệch, sai, trật, lộn, mà ông gọi chung là làm lộn (les actes manqués), theo ông những động tác đó biểu hiện sự hiện hữu và sự chỉ đạo của vô thức.
Làm lộn (actes manqués) Làm lộn được định nghiã như sau: Khi một người nói hay viết một tiếng hay một chữ khác với tiếng, chữ mà đương sự muốn nói, viết (như lapsus tức là nói nhịu hay nói lộn), hoặc đọc lộn, nghe lộn... Sự kiện này ở người lành mạnh, thường được coi như một hiện tượng thuộc về cơ thể (tai điếc, mắt mờ...) do vô tình phạm phải hoặc chỉ xẩy ra trong chốc lát, vv... Sự thực không phải thế. Freud đưa ra trường hợp một nhà hùng biện, đang hùng hồn diễn thuyết, tại sao lại nói nhịu một chữ trong bài diễn văn. Và một bà nội trợ tại sao quên chìa khoá nhà. Cả hai đều trong tình trạng sáng suốt không bệnh hoạn? Theo ông, không thể coi đó là những "tai nạn nhỏ" không đáng để ý. Dĩ nhiên khi quá mệt, hay bị kích thích mạnh, hoặc đang chú tâm vào việc gì, ta có thể lơ đễnh, quên tên người này, người kia, hoặc nói nhầm, nhưng đây là trường hợp người không có bệnh, khoẻ mạnh, không mệt, tự nhiên nói nhịu, thì phải xét lại. Sự nói nhịu hay xẩy ra và đáng chú ý nhất là nói điều trái ngược hẳn với cái mà mình muốn nói. Thí dụ ông chủ tịch một hội nghị, trong bài diển văn khai mạc, thay vì nói: "Tôi tuyên bố khai mạc hội nghị" lại nói: "Tôi tuyên bố bế mạc hội nghị". Điều này có nghiã gì ? Freud giải thích: Trong thâm tâm, ông chủ tịch chẳng chờ đợi gì ở cái hội nghị này, ông muốn nó bế mạc trước khi khai mạc. Cái thâm tâm đó chính là vô thức. Vô thức đã nói thay chủ thể ý thức, vì thế mà ông chủ tịch nói nhịu. Điều này chứng tỏ, không những sự hiện diện của vô thức, mà vô thức còn giữ vai trò chỉ đạo. Freud cho rằng: "Hơn một nhà thơ đã dùng sự nói nhịu hay một sự làm lộn khác như phương tiện sáng tạo. Sự kiện này, chỉ riêng nó, đã đủ để chứng tỏ rằng nhà thơ coi sự làm sái, như nói nhịu, không phải là vô nghiã, nhất là đương sự lại cố tình làm việc này." (t. 25). Câu này của Freud cũng sẽ được Breton dùng trong lý thuyết siêu thực, lấy các sự nói nhịu, nói sái, là hình thức sáng tạo từ vô thức. Và Lacan (1901-1981) phối hợp với cấu trúc luận của Lévi-Strauss (1908-2009) để tạo lập thuyết: Vô thức phải được giải thích như một ngôn ngữ (L'inconscient doit être interprété comme un langage). Tuy nhiên ta cũng biết, Aristote đã từng khuyên nhà thơ phải bóp méo, phá vỡ, ngôn ngữ nhàm chán hàng ngày, để thành lập ngôn ngữ thơ.
Giấc mơ Quan trọng nhất trong sách Phân tâm học nhập môn là những chương viết về giấc mơ. Theo Freud, những triệu chứng bệnh hoạn, của một số người bị bệnh thần kinh, đều mang một ý nghiã. Khởi đầu việc chữa chạy là như thế. Trong khi trị liệu, người ta lại nhận thấy bệnh nhân vin vào những giấc mơ như những triệu chứng, và như thế, những giấc mơ, cũng mang một ý nghiã. Vì thế, giấc mơ trở thành đối tượng khảo sát của Phân tâm học (t. 69). Nhưng nội dung những giấc mơ lại rất ít khi được bệnh nhân mô tả tường tận. Chẳng hạn có người, đùng đùng tuyên bố: "Tôi là hoàng đế nước Tầu", nhưng nội dung giấc mơ ấy như thế nào thì không nói ra được. Và ngay khi bệnh nhân có nói cũng không biết là đương sự nói thực hay bịa. Nhưng điều chắc chắn rằng từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, con người đều mơ, cùng một cách như nhau (t. 69-71), nhưng, người xưa coi mộng là một điềm báo trước tương lai, còn Phân tâm học của Freud coi mộng là biểu tượng một biến cố xẩy ra trong quá khứ, đó là cái khác nhau cơ bản. Trước tiên, mơ là gì? Trước khi trả lời câu hỏi này thì phải trả lời câu hỏi: ngủ là gì? Freud viết: "Ngủ là tình trạng trong đó người ngủ không muốn biết gì hết về mọi chuyên xẩy ra ở bên ngoài và lợi ích của người ngủ là hoàn toàn tách rời khỏi cõi đời này" (t. 74). Một giấc ngủ không mộng mị là giấc ngủ ngon, là giấc ngủ bào thai nằm trong bụng mẹ. Nếu có một hoạt động tâm thần trong giấc ngủ là ta đã không loại bỏ hết được các sinh hoạt tâm thần để đạt tới giấc ngủ bào thai. Giấc mơ chính là những hoạt động tâm thần còn sót lại ấy. Và Freud định nghiã: "Giấc mơ diễn tả cách tâm hồn phản ứng trong lúc ngủ, với các kích thích mà nó phải chịu" (t. 75). Tính cách đầu tiên tìm thấy về mơ: những gì hiện ra trong mơ là những hình ảnh, có khi đi kèm với chút tình cảm, ý tưởng, cảm tưởng, nhưng bao giờ hình ảnh cũng là chủ yếu. Vì vậy người mơ thường không kể lại được, vì không thể "kể" được một chuỗi hình ảnh, tức là những ảo giác. Có những giấc mơ rất ngắn, chỉ chứa một vài hình ảnh, một ý tưởng, cũng có những giấc mơ dài như tiểu thuyết. Nhưng phần lớn là ta quên ngay khi tỉnh dậy. Cũng có những giấc mơ sống lâu trong ký ức, như một số giấc mơ ở tuổi thơ. Những giấc mơ thường vô nghiã, lộn xộn, vô lý, nhưng đôi khi cũng có những giấc mơ có nghiã. Freud phân biệt rõ sự khác biệt giữa những giấc mơ ngủ và những giấc mơ tỉnh (rêves éveillés) [tiếng Việt gọi là mơ mộng]. Theo ông, không có gì liên lạc giữa giấc mơ ngủ với giấc mơ tỉnh, bởi vì mơ tỉnh là sự thực hiện những ham muốn trong đầu và nó không có tính cách ảo giác. Freud viết: "Đó là những sản phẩm của tưởng tượng, những hiện tượng rất thông thường, thấy ở người lành mạnh lẫn người bệnh, mà ai cũng có thể khảo sát dễ dàng ở chính mình. Điều phân biệt đặc biệt nhất những sản phẩm tưởng tượng này là chúng được gọi bằng cái tên "những giấc mơ tỉnh" và quả đúng là chúng không có gì giống hai tính chất chung [ngủ và ảo giác] cho những giấc mơ đúng nghĩa: như tên gọi, chúng không liên quan gì đến tình trạng ngủ, và chúng cũng không chứa đựng những biến cố, ảo giác, mà chúng chỉ diễn tả: ta biết là ta tưởng tượng, ta không nhìn thấy nhưng ta nghĩ [trong đầu]. Những mơ mộng này thường bắt đầu ra ở trước tuổi vị thành niên, và chấm dứt lúc đứng tuổi, nhưng cũng có thể kéo dài đến tận tuổi già (...) ở những người trẻ tuổi, là những mộng mơ tham vọng ngự trị (...) những giấc mơ tỉnh rất đa dạng và chịu những đổi thay phận số. Có nhiều khi bị loại hẳn và bị thay thế bằng những mơ mộng khác (...) Chúng là chất liệu sống của việc sản xuất thi ca, bởi vì, người viết tác phẩm tưởng tượng có thể biến đổi, cải trang, giản lược những giấc mơ tỉnh này một cách nào đó, để đem vào tiểu thuyết, truyện ngắn hay kịch bản của họ" (t. 84-85).
Vì giấc mơ [ngủ] luôn luôn không có đầu đuôi nghiã lý gì cả, muốn hiểu thì phải biết cách giải mộng. Freud xác định nếu muốn tìm hiểu và giải thích giấc mơ thì phải chấp nhận hai đề nghị: - Giấc mơ là hiện tượng tâm thần. - Có thể có trong con người những sự kiện tâm thần mà đương sự biết, nhưng lại không biết là mình biết. Freud kể: năm 1889, ông được mục kích một thí nghiệm về thôi miên: bác sĩ thôi miên một người và cho đương sự cảm thấy mọi thứ ảo giác, nhưng khi tỉnh dậy, đương sự bảo không nhớ gì cả. Bác sĩ cố gặng hỏi, lúc đó bệnh nhân mới nhớ dần dần và sau nhớ hết. Điều này chứng tỏ: có những sự kiện ta biết nhưng tưởng rằng không biết, tương tự như trường hợp nói nhịu. Người ngủ tự nhiên, cắt đứt với tất cả mọi giây liên lạc với đời sống bên ngoài còn người ngủ thôi miên, cũng là cắt đứt với đời sống bên ngoài nhưng vẫn giữ liên lạc với một người duy nhất là người thôi miên mình và chịu sự điều khiển của người này, nhưng tình trạng tâm thần của hai cái ngủ này giống nhau (t. 87, 89, 90). Cái vùng mà người bệnh tưởng là không biết, thực ra là có biết, mà bị giấu, che đi, không đạt được, tưởng là không thực, chính là vô thức, và Freud đưa ra định nghiã: "Giấc mơ trọn vẹn là sự thay thế một biến cố vô thức bằng một biến cố đã biến dạng. Giải mộng tức là khám phá ra vô thức này" (t. 99). Vì vậy việc đoán mộng đòi hỏi ba nguyên tắc: 1- Không cần biết ý nghiã của giấc mơ nói gì. 2- Chỉ cần đánh thức những yếu tố đã bị thay thế, biến dạng. 3- Chờ đợi những yếu tố này, bị giấu trong vô thức, tự sống lại. Nói tóm lại là làm sao cho vô thức trở thành ý thức (t. 100). Và Freud xác định: "Tất cả những ý tưởng bị dồn nén luôn luôn tự tiết lộ là những ý tưởng quan trọng nhất và quyết định nhất trong sự khám phá vô thức" (t. 101). Nhưng muốn đoán mộng, còn phải giải quyết một vấn đề nữa: tìm hiểu tại sao trong giấc mơ, các biến cố lại bị biến dạng. Và sự điều tra dẫn tới một yếu tố quan trọng khác: kiểm duyệt.
Kiểm duyệt Trong chương 9, tựa đề Sự kiểm duyệt giấc mơ (La censure du rêve), Freud định nghiã lại giấc mơ một lần nữa: "Giấc mơ là một phương tiện để loại trừ những kích thích phá quấy giấc ngủ, sự loại trừ này thực hiện qua cách thoả mãn bằng ảo giác" (t. 121). Trừ những giấc mơ trẻ con, khá rõ ràng, phản ảnh những ước muốn ban ngày không được thực hiện, còn những giấc mơ khác thường khó hiểu, hoặc lỗ mỗ, chứng tỏ chúng đã bị kiểm duyệt, vậy cơ cấu kiểm duyệt này như thế nào? Freud cho rằng nó không hoàn toàn giống như việc nhà báo bị kiểm duyệt, mà giấc mơ bị chuyển trọng tâm, bị biến dạng và sự kiểm duyệt này nhận được sự đồng ý của kẻ bị kiểm duyệt. Nói khác đi, tất cả những điều cấm kỵ, người mơ, trong lúc tỉnh, hoàn toàn đồng ý cấm: ví dụ những ham muốn loạn luân, giết người, hay thoả mãn các bản năng khác. Như lời Platon: những người tốt là những người thoả mãn trong mơ, còn những kẻ xấu, làm thật. "Uỷ ban kiểm duyệt" không chỉ đẩy lùi những bản năng xấu xa vào trong vô thức mà còn làm biến dạng những phần tử xấu này đến không thể nhận diện được nữa mới cho trình làng trong giấc mơ. Freud viết: "Sự bóp méo giấc mơ là hậu quả của sự kiểm duyệt mà những xu hướng thừa nhận của cái tôi dùng để chống lại những xu hướng ham muốn tội lỗi, nổi lên ban đêm trong chúng ta trong giấc ngủ. Nhưng tại sao chúng lại nổi lên ban đêm và chúng đến từ đâu thì chưa biết, câu hỏi còn bỏ ngỏ, đợi những tìm kiếm mới" và "Những ham muốn này đến quấy nhiễu giấc ngủ của ta mà ta không biết. Ta chỉ biết chúng sau khi đã giải mộng". Freud lại nhấn mạnh một lần nữa: Điều đó chứng tỏ sự hiện diện quan trọng của vô thức, bởi vì có những tiến trình, những xu hướng xẩy ra trong tâm thần chúng ta mà ta không biết gì cả, từ lâu rồi và có lẽ không bao giờ ta biết được: vô thức, như vậy, là hiện tượng thường trực, liên tục, không phải chỉ chốc lát và ngầm (t. 125-132).
Giải mộng bằng những biểu tượng trong mơ Trong chương 10, tựa đề Hệ thống biểu tượng trong mơ (Le symbolisme dans le rêve), Freud mới thực sự đưa ra những chìa khoá để giải mộng. Freud công nhận chương này vô cùng quan trọng trong lý thuyết về mơ của ông. Ông trình bầy một bản liệt kê những biểu tượng xuất hiện trong mơ và ông giải mã từng biểu tượng một. Giới hạn của bài viết này không thể điểm đầy đủ những biểu tượng được trình bầy, đó là những chìa khoá mở cửa cho ta đoán một số giấc mơ, giúp ta có thể phân tâm những giấc mơ của chính ta. Chúng tôi xin trích dịch một số đoạn: "Những đồ vật là biểu tượng trong mơ không nhiều. Thân thể con người, trong toàn bộ của nó, cha mẹ, con cái, anh chị em, sự sinh, sự chết, sự khoả thân- và vài yếu tố nữa. Chính cái nhà là biểu hiệu điển hình duy nhất, tức là chính xác nhất, của toàn bộ nhân thân con người (...) Ta hay thấy mình trong mơ, lướt mình dọc theo mặt tiền của những căn nhà và cảm thấy trong cuộc hạ cánh này một cảm giác khi thú vị khi lo sợ; những căn nhà có tường nhẵn là những người đàn ông, còn những nhà có những chỗ lồi và ban-công để có thể bám vào, là những người đàn bà. Cha mẹ có biểu tượng là hoàng đế và nữ hoàng, hay vua và hoàng hậu, hoặc những nhân vật siêu quần khác: chính vì thế mà những giấc mơ trong có cha mẹ biến hoá trong không khí hiếu thảo. Ít êm dịu hơn là những giấc mơ trong có con cái, anh chị em, thường được biểu hiệu bằng những con vật nhỏ, chấy rận. Sự sinh đẻ bao giờ cũng được biểu hiệu bằng một hành động có nước là chính: ta mơ thấy hoặc ta nhảy xuống nước, hoặc ta ra khỏi nước, hoặc ta lôi một người ra khỏi nước, hay ta được kẻ ấy kéo ra khỏi nước, nói khác đi, giữa kẻ ấy và người mơ có quan hệ mẹ con. Cái chết sắp đến được biểu hiện trong mơ bằng cuộc khởi hành, hay cuộc đi du lịch bằng xe lửa. Cái chết được thực hiện bởi một số điềm đen tối, ghê rợn. Sự khoả thân được biểu hiện bằng y phục và đồng phục. Và có thể nói, chúng ta ở giữa hai lối trình bày: biểu hiệu và ám chỉ. Ra khỏi sự kê khai hầu như gầy guộc trên đây, chúng tôi đề cập đến một phạm vi mà sự vật và nội dung được trình bầy bằng những biểu tượng phong phú và da dạng lạ thường. Đó là phạm vi tính dục, với những bộ phận sinh dục, những quan hệ tính dục, những sự giao cấu. Phần lớn những biểu tượng của giấc mơ đều là những biểu tượng tính dục" (t. 137-138). "Để chỉ cơ quan sinh dục của đàn ông nói chung, con số 3 linh thiêng là một biểu tượng quan trọng. Phần chính của bộ phận sinh dục đàn ông, quan trọng với cả hai phái, là dương vật, trước tiên, được thay thế bằng những biểu tượng qua những vật có hình thức giống nó, như: cái can [canne, gậy chống để đi], cái ô, thân cây, cây, vv... ; rồi đến các vật giống nó ở chỗ có thể xuyên sâu vào cơ thể và gây thương tích như: khí giới nhọn đủ loại như dao, dao găm, lưỡi (dao, kiếm), gươm, hay các loại súng như súng trường, súng lục (pistolets), đặc biệt nhất là loại khí giới có hình dạng giống dương vật, tức là súng lục có tay quay (révolver). Những ác mộng của thiếu nữ bị một người đàn ông cầm dao găm hay cầm súng đuổi, giữ một vai trò quan trọng. Và đó là trường hợp thường xẩy ra nhất trong biểu tượng giấc mơ, việc đoán mộng này rất dễ dàng" (t. 138). "Bộ phân sinh dục đàn bà được biểu tượng hoá bằng tất cả những vật có đặc tính là bên ngoài có lỗ để cho một vật có thể trú vào: mỏ, hầm hố, hang hốc, bình, chai, hộp đủ loại, rương hòm, thùng, túi, vv... " (t. 141). "Việc rụng răng, nhổ răng chắc chắn biểu hiệu sự bị thiến, để trừng phạt những hình thức giao cấu đồi trụy, trái với luật thiên nhiên." (t. 142). "Phong cảnh biểu hiệu bộ phận sinh dục đàn bà và núi, đá, biểu hiệu bộ phận đàn ông"; "ngọn lửa chỉ bộ phận sinh dục đàn ông và lò lửa là bộ phận phụ nữ"; "phòng (ngủ) chỉ người đàn bà"; "chữ trèo trong tiếng Đức được dùng trong nghiã tính dục (tiếng Việt cũng vậy: Trèo lên cây bưởi hái hoa)"; "ngắt một cành cũng có nghiã tính dục" (t. 143-144). Freud trả lời câu hỏi: làm sao biết được cái gì là biểu tượng của cái gì, vì người mơ không nói rõ, như sau: "Sự hiểu biết này chúng tôi rút ra từ những nguồn khác nhau, trong truyện cổ tích, truyện thần thoại, truyện tiếu lâm, trò hề, hay folklore nghĩa là sự nghiên cứu những phong tục địa phương, lề thói, cách ngôn và dân ca của những dân tộc, ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ chung. Chúng tôi thấy ở khắp nơi đều có cùng biểu tượng, hiểu ngay được không khó khăn gì. Khi khảo sát kỹ từng nguồn một, chúng tôi lại khám phá ra một sự tương đồng như thế với những biểu tượng trong mơ, khiến chúng tôi càng thêm tin tưởng" (t. 144). Những giải thích này có lẽ đã được Jung dùng khi xây dựng "vô thức tập thể", sẽ nói đến sau. Freud viết: "Điạ hạt biểu tượng vô cùng lớn lao mà biểu tượng trong mơ chỉ là một tỉnh nhỏ (...) Ta có cảm tưởng đứng trước một cách diễn tả theo lối cổ, đã mất, trừ một vài mẩu còn lại tung vãi trong những lãnh vực khác nhau, cái này ở đây, cái kia ở đó, cái khác được giữ dưới hình thức thay đổi sơ sài, trong nhiều điạ hạt. Về vấn đề này, tôi còn nhớ, lời kỳ cục của một chàng điên, hay ho, đã tưởng tượng có một thứ "ngôn ngữ nền tảng" mà theo ý anh ta, tất cả các biểu tượng sống sót đều ở đó." (t. 151) Câu này, Freud nhắc đến anh chàng điên khùng tưởng tượng ra một thứ "ngôn ngữ nền tảng" chứa đựng những biểu tượng chung của nhân loại, phải chăng Freud nói bóng đến Jung, môn đệ của ông, ly khai thày và đưa ra những archétypes (khuôn mẫu đầu tiên hay nguyên mẫu) là nền tảng của "ngôn ngữ chung của nhân loại" trong lập thuyết Tân Phân tâm học?
Mặc cảm Œdipe (Complexe d'Œdipe) Đây là khái niệm quan trọng cuối cùng trong Phân tâm học của Freud mà chúng tôi sơ lược giới thiệu cùng độc giả. Khái niệm mặc cảm Œdipe đi từ sự nhận xét trẻ con. Theo Freud, đứa bé, trong những năm đầu của cuộc đời (từ nhỏ đến 5 hay 8 tuổi) mà sau này nó gần như quên hết, thường tỏ ra rất ích kỷ, nó chỉ biết yêu nó (narcissisme) mà thôi. Sau này nó sẽ học việc yêu người khác và hy sinh một phần cái tôi của nó cho người khác. Đưá bé yêu người chung quanh (mẹ, vú) vì nó cần người đó, tức là tình yêu này phát xuất từ sự ích kỷ: Sự ích kỷ dạy cho nó tình yêu. Đứa nhỏ không nhất thiết yêu anh chị em nó, thậm chí nó ghét, vì đó là những đối tượng cạnh tranh, những địch thủ, nó muốn cha mẹ chỉ yêu một mình nó mà thôi. Và thái độ này kéo dài nhiều năm có khi tới tuổi vị thành niên hay sau đó mới bớt đi. Vì thế nó không muốn con cò đem em nó lại (người Tây phương nói dối trẻ con, bảo con cigogne đem em nó lại). Nhưng còn một đối tượng nữa mà nó cũng ghét: với con trai là cha, vì cha "chiếm" mẹ nó và với con gái là mẹ, vì mẹ "chiếm" cha nó. Hiện tượng này có tính cách tính dục. Ngay từ tuổi thơ, con trai đã có những âu yếm khác thường với mẹ, coi mẹ là của riêng, còn con gái có lẽ ít lộ rõ hơn, với cha (t. 184-191). Freud đặt tên cho những tình cảm này là mặc cảm Œdipe, và ông giải thích như sau: "Bởi vì huyền thoại trong có nhân vật chính là Œdipe, thực hiện và biểu hiện một sự giảm nhẹ hai ham muốn tột bực, chảy rỉ ra từ tình thế của đứa con trai: ham muốn giết cha và cưới mẹ. Tôi không xác định rằng mặc cảm Œdipe sói mòn tất cả những gì liên quan đến thái độ thuận nghịch giữa cha mẹ và con cái, thái độ này có lẽ còn phức tạp hơn nhiều" (t. 192). Khám phá này bị chống đối mạnh mẽ nhất, tuy nhiên, mặc cảm Œdipe là một khám phá quan trọng về đời sống tâm thần của những đứa con trai, của Phân tâm học nói riêng và y học nói chung. Theo Freud, sự khám phá này hầu như bị y học bỏ rơi, nhưng mặc cảm Œdipe đã sống mạnh trong thi ca, là đề tài của nhiều tác phẩm. Freud viết: "Mặc cảm Œdipe ràng buộc chặt chẽ với một mặc cảm khác, mà chúng tôi gọi mặc cảm bị thiến là phản ứng chống lại sự ngăn cản hay giới hạn hoạt động sinh lý sớm trước tuổi của đứa con trai, do người cha bắt buộc" (t. 193). Tóm lại, theo Freud, người ta đã lầm khi chối bỏ đời sống tính dục của trẻ con và tin rằng việc này chỉ xẩy ra ở tuổi dậy thì, thực ra theo ông, trẻ con thuộc loại "đồi trụy đa hình thức", ngay từ thủa bé đã có một đời sống tính dục rất phong phú. "Ở những đứa trẻ bị bỏ mặc một mình hoặc chịu những ảnh hưởng đồi phong bại tục, người ta thường thấy rất rõ sự biểu lộ những đồi trụy dâm bôn" (t. 194). Tóm lại, lý thuyết phân tâm của Freud có thể tóm gọn như sau: Khảo sát những người bệnh thần kinh, Freud thấy rằng: những thúc đẩy tính dục (hay libido) không được thoả mãn, là nguồn cội của các bệnh tâm thần: Libido không được phép xuất hiện, bị dồn nén vào vô thức, ở đó, tìm cách trá hình để được hiện diện lại trong các giấc mơ. Mục đích của Phân tâm học là từ những hình ảnh của giấc mơ do bệnh nhân kể, điều tra ngược trở lại, tìm nguồn cội của những ẩn ức, để giải toả cho người bệnh.
Để kết thúc, chúng tôi thấy có mấy điểm quan trọng cần nêu ra: 1- Theo định nghiã của Freud, vô thức không có liên hệ gì tới sáng tạo văn chương, chỉ là nơi chứa những ẩn ức bị dồn nén. 2- Nhưng khi Freud xác định: Vô thức chỉ huy tất cả. Thì hoặc là ông nói quá, hoặc là ông chỉ muốn nói: vô thức quyết định việc trình diện lại những thúc đẩy tính dục bị dồn nén sau khi đã trá hình, chứ không phải ý thức quyết định việc này. 3- Freud cho rằng những thúc đẩy tính dục bị dồn nén, chỉ có thể trở lại, sau khi đã trá hình hay đã bị siêu hoá (sublimation), tức là bị đổi hướng thành hoạt động xã hội hay nghệ thuật. Điểm này có thể gây thắc mắc: Freud luôn luôn cho ta cái cảm tưởng là những thúc đẩy bị dồn nén là những điều bị xã hội và luân lý cấm, như: loạn luân, những cách giao cấu đồi truỵ, vv... Vậy ta có thể hiểu: những dữ kiện bị giam trong vô thức là những điều xấu, không thể dùng được, tại sao chúng có thể cải biến thành "văn chương, nghệ thuật". Chính ở điểm tối này mà người ta sẽ lợi dụng khái niệm vô thức của Freud, để sử dụng như "nguồn cội của sáng tác" đặc biệt Breton và trường phái siêu thực. 4- Riêng Freud, một mặt khác, ông lại xác định: Sinh hoạt văn chương nghệ thuật bắt nguồn từ những giấc mơ tỉnh (rêves éveillés) tức là trạng thái mơ mộng, hay tưởng tượng, điều này hoàn toàn phù hợp với tất cả các quan niệm về sáng tác của mọi thời. Bốn nhận xét trên đây, giúp chúng ta hiểu thêm một số vấn đề văn học mà chúng tôi sẽ đề cập kỳ tới, chủ yếu là : - Sự lạm dụng và sự chống đối học thuyết của Freud. - Phê bình Phân tâm học. Thụy Khuê (Còn tiếp)
[1] Freud, Ma vie et la psychanalyse - Đời tôi và Phân tâm học, 1925. [2] Œdipe trong thần thoại Hy lạp, là vua Thèbes và Jocaste, giết cha, lấy mẹ. Sau biết sự thực, tự chọc mù mắt, bị đuổi khỏiThèbes, lang thang do con gái Antigone dẫn đường và chết ở Colone, gần Athènes. Freud cảm hứng từ thần thoại này, xây dựng nên mặc cảm Œdipe trong Phân tâm học. [3] Ernest Jones, người viết tiểu sử Freud. [4] Didier Anzieu, Table d'hôte (Bàn khách), bài tựa cuốn Sur le rêve (Về giấc mơ) 1901, do Cornéus Heim dịch sang tiếng Pháp, Gallimard, Paris, 1988, Folio, 1993, t. 9-11. [5] Métapsychologie, Luân Đôn, 1943, Gallimard, Paris, 1968. [6] Theo Michel Gribinski trong bài tựa sách Trois Essais sur la théorie sexuelle do Philippe Koeppel dịch sang tiếng Pháp, Gallimard, Paris, 1987, Folio Essais, 1992, t. 9. [7] Trois essais sur la théorie sexuelle, Folio Essais tái bản, 1992, t. 76-82. [8] Trois essais sur la théorie sexuelle, Folio Essais tái bản, 1992, t. 93-140. [9] Trois essais sur la théorie sexuelle, Folio Essais tái bản, 1992, t. 37. [10] Trois essais sur la théorie sexuelle, t. 157-158. [11] Métapsychologie (Siêu tâm lý học) 1915, ban dịch do Jean Laplanche và J.B Pontalis điều khiển với J. P. Briand, JP Grossein, Michel Tort, Gallimard, 1968, Folio tái bản, 1993. [12] Métapsychologie (Siêu tâm lý học), Folio, 1993, t. 9. [13] Métapsychologie, t. 24. [14] Narcissisme, là sự tự yêu mình, rút từ tên Narcisse, thanh niên rất đẹp trong thần thoại Hy lạp, say mê bóng mình dưới nước, chết vì không nắm được bóng này. Chỗ anh chết, nẩy lên một loại hoa được gọi tên là narcisse. [15] Métapsychologie, t. 12-25 và 36. [16] Métapsychologie, t. 45. [17] Métapsychologie, t. 45-55. [18] Bản dịch Pháp văn: "La psychanalyse nous a appris que l'essence du processus de refoulement ne consiste pas à supprimer, à anéantir une représentation représentant la pulsion, mais à l'empêcher de devenir consciente. Nous disons alors qu'elle se trouve dans l'état "inconscient" et nous pouvons fournir des preuves solides de ce que, tout étant inconsciente, elle peut produire des effets, dont certains même atteignent finalement la conscience. Tout refoulé demeure nécessairement inconscient, mais nous tenons à poser d'entrée que le refoulé ne recouvre pas tout l'inconscient. L'inconscient a une extension plus large; le refoulé est une partie de l'inconscient. Comment parvenir à la connaissance de l'inconscient? Naturellement, nous ne le connaissons que comme conscient, une fois qu'il a subi une transposition ou traduction en conscient. Le travail psychanalytique nous permet de faire chaque jour l'expérience de la possibilité d'une telle traduction" (Métapsychologie, t. 65). [19] Métapsychologie, t. 66-67-70. [20] Métapsychologie, t. 74, 75, 76. [21] Métapsychologie, t. 89-93. [22] Theo Le moi et ça, 1923, do S. Jankélévitch dịch sang tiếng Pháp. [23] Introduction à la psychanalyse (Phân tâm học nhập môn) do S. Jankélévitch dịch sang tiếng Pháp, Payot 1922, tái bản 1961 và 1998. [24] Introduction à la Psychanalyse, Phân tâm học nhập môn, Payot, 1998, t. 7. [25] Introduction à la Psychanalyse, t. 8, t. 9. [26] Introduction à la Psychanalyse, t. 12. [27] Introduction à la Psychanalyse, t. 12, 13.
|