Thứ sáu 16/09/2016 20:19 Đăng nhập   | Liên hệ  | English English

Vấn đề phương pháp chính trị trong học thuyết Nho gia

Thứ hai 14/01/2013 11:02

Vấn đề phương pháp chính trị trong học thuyết Nho gia

Xét về tổng thể, Nho giáo vừa là học thuyết triết học, vừa là học thuyết chính trị - xã hội, đồng thời cũng là học thuyết về đạo đức, nhân luân.

Trong học thuyết Nho giáo, các vấn đề đạo đức không tách rời các vấn đề triết học cũng như các vấn đề chính trị - xã hội. Cùng với sự vận động, phát triển của xã hội phong kiến Trung Quốc, học thuyết Nho giáo cũng ngày càng được bổ sung để đáp ứng yêu cầu của các giai cấp thống trị đương thời.

Về phương diện chính trị xã hội, vấn đề phương pháp chính trị là một trong những nội dung được Nho giáo đặc biệt quan tâm, nhằm mục tiêu cứu vãn trật tự xã hội rối loạn của thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Hiểu theo nghĩa khái quát, phương pháp là cách thức để đạt tới mục tiêu, là hoạt động được sắp xếp theo một trật tự nhất định. Phương pháp chính trị là cách thức nhằm thực hiện một cách có hiệu quả những mục tiêu chính trị do chủ thể đặt ra. Theo nghĩa đó, phương pháp chính trị trong Nho giáo được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, người cầm quyền, tham gia chính sự phải thường xuyên thực hiện việc tu thân để nêu gương cho dân chúng. Với tư cách là học thuyết chính trị - đạo đức, “tu thân” là một trong những vấn đề được Nho giáo đặt lên hàng đầu. Nho giáo rất coi trọng việc giáo hoá, tu dưỡng con người theo những chuẩn mực đạo đức lý tưởng của đạo Nho, khiến họ có thể trở thành những con người có khả năng cứu đời giúp nước, cải tạo xã hội, giáo hoá nhân dân. Để đạt mục đích ấy, mỗi người phải tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân bởi đó là điều kiện căn bản, tiên quyết của mọi sự thành công, của việc thực hiện lý tưởng “trị quốc, bình thiên hạ”.

Với Nho giáo, tu thân, sửa mình là một quá trình tự trau dồi, tu dưỡng bản thân dựa trên khuôn khổ một hệ thống khái niệm đạo đức, nhằm hoàn thiện con người về mặt đạo đức. Nó đặt ra những yêu cầu rất cao, những đòi hỏi vô cùng khắt khe đối với sự nỗ lực phấn đấu của con người. Quan niệm đó mang tính hai mặt: Mặt tích cực là nó đã vạch ra những nội dung cụ thể, nhận thấy tác dụng to lớn của việc rèn giũa bản thân, nêu lên những phương pháp và yêu cầu nghiêm khắc trong việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức đối với các thành viên, nhất là đối với người “quân tử”, những người cầm quyền trong xã hội. Hơn nữa, các bậc đại hiền Nho giáo luôn là những người đi đầu trong việc thực hiện những chuẩn mực ấy. Nó đã góp phần đào tạo, xây dựng nên mô hình con người đáp ứng đòi hỏi của xã hội phong kiến trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận xét, học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm ở chỗ tu dưỡng đạo đức cá nhân. Mặt hạn chế là nó chỉ chú trọng đến phương diện đạo đức nên nó mang tính phiến diện, không hướng con người đến sự phát triển đầy đủ, toàn diện. Hơn nữa, mặc dù vẫn khẳng định tu thân là nhiệm vụ của tất cả mọi người, từ thiên tử cho đến dân thường, song thực chất nó chỉ quan tâm đến việc học tập, tu dưỡng của những con người thuộc về giai cấp thống trị, vạch ra những tiêu chí phấn đấu cụ thể cho giai tầng này - mà mục đích tối cao là “bình thiên hạ”. Chỉ có những người đó mới có đủ điều kiện và khả năng để làm “toả sáng những đức sáng” của mình trong thiên hạ. Mặt khác, trên thực tế giai cấp phong kiến qua các triều đại thường đề ra những qui tắc, chuẩn mực khắt khe để gò ép thần dân của mình vào khuôn khổ của lễ giáo nhưng bản thân mình lại thường phớt lờ những yêu cầu đạo đức do chính nó đề ra, như Hồ Chủ tịch đã nhận xét rất xác đáng rằng: Ngày xưa, giai cấp phong kiến cũng nêu ra cần kiệm liêm chính nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần kiệm liêm chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho dân để lợi cho nước, cho dân [1].

 

(Ảnh tư liệu)

Thứ hai, dùng đức để làm chính sự (Vi chính dĩ đức), thực hiện vương đạo. Theo Nho giáo, đạo đức và việc thực hành đạo đức đóng vai trò quyết định đối với việc xây dựng mẫu người lý tưởng và góp phần tạo lập xã hội lý tưởng. Là hệ thống những quan điểm đa dạng, phong phú về thế giới, xã hội và con người, song Nho giáo chủ yếu nhấn mạnh về đạo đức, tuyệt đối hoá vai trò của đạo đức đối với sự bình ổn xã hội. Với mong muốn trở về với xã hội thời Tây Chu, khôi phục lại chế độ, lễ nhạc của Chu Công nên Khổng Tử thể hiện sự nuối tiếc và tìm cách bảo vệ, duy trì chế độ ấy bằng đạo đức chứ không phải bằng những lực lượng kinh tế và những lực lượng quân sự hùng mạnh (bởi trên thực tế, thế lực cũ của nhà Chu lúc đó cũng không có được những điều kiện như thế nữa). Đạo đức trở thành công cụ và vũ khí nhằm thực hiện mục tiêu ấy. Về cách thức trị nước yên dân, sau khi cân nhắc giữa đạo đức và hình pháp, Khổng Tử đã rút ra kết luận: “Dùng đức làm chính trị giống như sao Bắc đẩu ở một chỗ mà các vì sao khác đều hướng về nó” (Luận ngữ, Vi chính).

Nho giáo yêu cầu mỗi con người phải thực hiện đúng những tiêu chuẩn đạo đức do nó đề ra, không được nghe, nhìn, nói, làm những gì trái với những qui phạm đó. Đã làm người là phải học, phải biết những qui phạm đạo đức Nho giáo, nếu không sẽ là trái lễ, vô đạo. Nho giáo hết sức coi trọng trật tự trên dưới, đẳng cấp tôn ti và sự phục tùng trật tự tôn ti mà giai cấp thống trị đặt ra cũng là một tinh thần cơ bản của đạo đức Nho giáo. Các nhà nho rất ghét những kẻ làm người mà không thực hiện đúng những qui định về trách nhiệm và bổn phận, bởi vi phạm vào những sự quy định cho địa vị của từng người sẽ làm xáo trộn đẳng cấp, rối loạn tôn ti. Do đó, Khổng Tử yêu cầu: “Nếu không ở cấp nào, địa vị nào thì cũng không được suy nghĩ, bàn luận những công việc của cấp ấy, địa vị ấy” (Bất tại kì vị, bất mưu kì chính). Bản thân Khổng Tử cũng là người giữ gìn và thực hiện điều đó rất nghiêm cẩn và ông phê phán gay gắt những kẻ tiếm lễ, việt vị, coi đó là kẻ phá hoại trật tự xã hội, là mầm của sự rối loạn. Mạnh Tử thì coi những phẩm chất đạo đức là cái không phải ở đâu xa xôi mà đầu mối của nó nằm ngay trong tâm mỗi con người: “Lòng trắc ẩn là đầu mối của đức nhân, lòng từ nhượng là đầu mối của đức lễ, lòng biết xấu hổ là đầu mối của đức nghĩa, lòng biết phân biệt phải trái là đầu mối của đức trí” (Mạnh Tử, Công Tôn Sửu). Con người sinh ra bản tính vốn lành, những mầm mống của các phẩm chất đạo đức tốt đẹp đã có sẵn trong tâm nhưng phải giữ gìn được bản tính lành ấy, duy trì được những phẩm chất đạo đức mang tính tiên thiên ấy thông qua giáo dục, rèn luyện, nếu không chỉ đáng làm tôi tớ cho người mà thôi. Ông nói: “bất nhân, bất trí, vô lễ, vô nghĩa - kẻ như vậy chỉ đáng làm tôi tớ cho người mà thôi” (Mạnh Tử, Công Tôn Sửu). Nói về tầm quan trọng của đạo đức, lễ nghĩa trong việc khôi phục và duy trì trật tự xã hội, ông khẳng định: “Nếu trong nước chẳng có lễ nghĩa, ắt ngôi thứ kẻ trên người dưới đều lộn bậy hết cả” (Mạnh Tử, Tận tâm). Ngược lại, Tuân Tử coi bản tính con người vốn ác nên phải có thầy, có phép tắc, lễ nghĩa để cải hoá cho nó trở nên thiện. Người nào tuân theo những nguyên tắc đạo đức mà rèn tâm luyện tính sẽ trở thành quân tử; nếu buông lỏng tính tình, trái với nó là kẻ tiểu nhân. Đó còn là tiêu chuẩn để phân biệt quân tử - tiểu nhân, là cái phân rõ sự khác nhau giữa con người và vạn vật. Hơn nữa, sự giáo hoá của đạo đức màu nhiệm ở chỗ, nó ngăn cấm điều “bậy bạ” ngay từ lúc chưa hình thành, chưa xảy ra, khiến cho con người ngày càng gần điều thiện xa điều ác, dứt bỏ tội lỗi. Nếu chỉ dùng mệnh lệnh và hình phạt thì không đủ mà cần phải có “đức” để giáo dục, có “lễ” để ràng buộc con người: “Dùng pháp chế mà dẫn đạo dân, lấy hình phạt để tề chỉnh dân thì dân sợ mà chẳng vi phạm chứ không biết xấu hổ. Dùng đạo đức để dẫn dụ dân, lấy lễ giáo mà tề chỉnh dân thì họ không những có liêm sỉ mà còn được cảm hóa trở nên tốt lành” (Luận ngữ, Vi chính). Nho giáo muốn dùng đạo đức để bổ sung cho “chính” và “hình”. Theo cách lập luận của các thánh hiền đạo Nho, chỉ dùng mệnh lệnh và hình phạt sẽ không đủ mà cần phải tăng cường giáo dục đạo đức, dùng nó để ràng buộc con người. Với mục đích như thế, đạo đức trở thành một trong những nguyên tắc chính trị quan trọng, một công cụ chính trị mạnh mẽ, một phương pháp cai trị đắc lực mà thánh hiền Nho giáo đã cung cấp cho các thời đại đế vương Trung Quốc trong hàng ngàn năm của lịch sử chế độ phong kiến.

 

Nho giáo không chỉ đề cao vai trò của đạo đức và tác dụng của đức trị mà còn phần nào thấy được sự cần thiết của pháp luật (Đức pháp tịnh trọng, ngoại Nho nội Pháp, dương Nho âm Pháp). Một trong những yêu cầu của việc giáo dục theo tinh thần Nho giáo là nâng cao ý thức giữ gìn đẳng cấp, tôn ti trật tự bởi đó là một trong những yếu tố cần thiết để có thể ngăn chặn sự “phạm thượng”. Thực tế cuộc sống trong hoàn cảnh của thời đại lúc đó cho thấy, chỉ dùng đạo đức, giáo dục đạo đức là không đủ để thực hiện trật tự từ trong nhà cho tới triều đình theo tinh thần “quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử, huynh huynh, đệ đệ, phu phu, phụ phụ”. Do đó, bên cạnh đạo đức và giáo dục cũng cần phải có thể chế, pháp luật để phân định ngôi thứ, bảo đảm cho trật tự trên dưới theo những vai vế nhất định. Tuy nhiên, khi nhà và nước xuất hiện mâu thuẫn thì pháp luật cũng phải nhường chỗ cho quan hệ họ hàng thân thuộc, tình nhà vẫn cao hơn phép nước. Giữa đạo đức và hình phạt, Nho giáo coi trọng đạo đức hơn nhưng cũng không phủ nhận hình phạt. Song Nho giáo cũng khuyên nhà cầm quyền không nên lạm dụng nó, không nên ham giết dân bởi đó chỉ là cái tạm thời làm cho dân tránh phạm tội chứ không làm cho họ nhận thức được liêm sỉ. Muốn cho họ thực sự qui phục phải dùng đạo đức, giáo hóa bằng đạo đức.

Thứ ba, phải đi từ tề gia đến trị quốc, “muốn trị được quốc trước hết phải tề được gia”. Trong quan niệm Nho giáo, xã hội lấy nhà làm gốc, nước được xây dựng phỏng theo mô hình của nhà. Trong xã hội Trung Quốc cổ đại cũng như trong học thuyết Nho giáo, vấn đề gia đình được đặc biệt chú trọng. Trong giáo dục thì một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất là giáo dục đạo hiếu.

Theo cách nhìn của Nho giáo, “nhà” với “nước” và “thiên hạ” là những loại hình đồng dạng, trong đó nhà là gốc. Nước và thiên hạ chỉ là sự mở rộng của nhà, chúng giống nhau về bản thể, chỉ khác nhau về qui mô lớn nhỏ mà thôi. Điều đó đã được Mạnh Tử khẳng định: “Thiên hạ chi bản tại quốc, quốc chi bản tại gia” (Mạnh Tử, Ly lâu). Do đó muốn trị nước, bình thiên hạ trước hết phải tề gia; muốn làm nên nghiệp lớn, tất phải xây dựng chắc nền móng, tức củng cố thế lực gia đình, gia tộc. Phan Bội Châu trong Khổng học đăng khẳng định: “nhà tức là cái nước nhỏ, nước tức là cái nhà to” và “tề, trị chỉ có một lẽ, “gia, quốc” chung nhau một gốc” [2]. Các nhà nho tin tưởng rằng, “một nhà nhân, cả nước dấy lên đức nhân, một nhà lễ nhượng cả nước dấy lên lễ nhượng”. Phương châm của đạo lý Nho giáo và chí lớn của các nhà nho không phải dừng lại ở phạm vi tề gia mà là phải hướng tới trị quốc, bình thiên hạ. Trên cơ sở thực hiện tốt công việc tề gia, những con người nổi bật về tài đức và được nhận mệnh trời sẽ leo lên bậc thang trị quốc rồi tiến đến bình cả thiên hạ.

Coi quốc gia là một gia đình lớn, gia đình là một quốc gia nhỏ; coi ngư­ời gia tr­ưởng là vua của một nhà, vua nh­ư ng­ười cha của muôn dân, Nho giáo đặt vua vào vị trí tối cao trong tam c­ương và ngũ luân. Trong nhà đứng đầu là cha, có uy quyền tối cao thì trong n­ước có vua giữ quyền uy tối thư­ợng. Vì thế, đã làm ngư­ời là phải biết tận hiếu với cha và biết tận trung với vua. Nho giáo đã trộn lẫn tình cảm của con cái đối với cha mẹ vào yêu cầu của bề tôi đối với nhà vua, coi “trung với vua, hiếu với cha mẹ là cùng một gốc”. Nho giáo yêu cầu ngư­ời bề trên, bậc vua quan phải đối xử tốt với ngư­ời bề dư­ới, với thần dân giống như­ cha đối với con và ng­ược lại. Ng­ười bề trên phải thư­ơng yêu, nuôi nấng, dạy dỗ - do đó mà sẽ có được đức “từ”, đức “nhân”; ng­ười d­ưới phải nghe lời, phụng sự và biết ơn - do đó mà sẽ có đức “hiếu”. Đó là cách thức để đi từ tề gia đến trị quốc, là cách để làm cho gia đình êm ấm, xã hội thái bình theo hình mẫu của đạo Nho.

Từ chỗ khẳng định vai trò to lớn của gia đình, nhất là những “cự thất” và “thế gia”, tức những gia tộc lớn, những dòng họ lớn, Mạnh Tử cho rằng “làm chính trị không khó, miễn là không đắc tội với các cự thất là được; cự thất yêu thích thì cả nước yêu thích, cả nước yêu thích thì cả thiên hạ yêu thích” (Mạnh Tử, Ly lâu). Vì lẽ đó, mục đích giáo dục con người của Nho giáo cũng xuất phát từ những quan hệ gia đình. Chỉ khi nào dạy được người trong nhà mới có thể dạy được người trong nước, dạy được người trong nước mới có thể dạy được người trong thiên hạ, nhờ đó thiên hạ mới có thể thái bình. Mạnh Tử khẳng định, “Thân yêu cha mẹ mình, kính trọng bề trên của mình, thề là thiên hạ bình” (Mạnh Tử, Ly lâu) và “Đạo của Nghiêu Thuấn cũng chỉ là hiếu đễ mà thôi” (Mạnh Tử, Cáo Tử).


 

(Ảnh tư liệu)

 

 

Thứ tư, phải coi trọng vấn đề dưỡng dân và giáo dân. Theo quan niệm Nho giáo, dân vốn có nghĩa là người sinh ra ở một nước nào đó đối với đất nước ấy, và dân cũng thường có nghĩa là bất kỳ người nào được sinh ra trên đời. Ngoài ra, khi đề cập đến quan hệ với vua, dân bao gồm đông đảo bề tôi của vua và trong trường hợp đó, “dân” thường đi liền với “thần” thành “thần dân”. Trong Nho giáo có nhiều chỗ thể hiện sự coi trọng, đề cao ý nghĩa và vai trò của dân. Về quan hệ giữa dân với nước, người ta thường nhắc đến câu trong Kinh Thư: “Dân là gốc nước”, và “Dân như là nước vậy, nước có thể chở thuyền và cũng có thể lật thuyền”. Điều đó không chỉ nói rõ vai trò của dân là “gốc nước” mà còn khẳng định sức mạnh to lớn của dân đối với các thế lực trị nước, trị dân. Mặc dù Mạnh Tử tỏ ra rất dũng cảm khi đánh giá và sắp xếp: “dân là quý, sau đó là xã tắc, vua là khinh” nhưng cũng không có nghĩa là ông có tư tưởng đấu tranh cho nhân dân làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Dân là quý bởi vì dân như nước, vừa có thể chở thuyền, vừa có thể lật úp thuyền nên người nào biết tranh thủ dân và nắm được dân sẽ làm thiên tử. Ý nghĩa của “dân vi quý” đã được Mạnh Tử giải thích: “Tranh thủ được dân thì làm thiên tử. Tranh thủ được thiên tử thì làm chư hầu, tranh thủ được chư hầu thì làm đại phu” (Mạnh Tử, Tận tâm). Điều kiện xã hội đương thời chưa thể cho phép nảy sinh trong suy nghĩ của các Thánh hiền đạo Nho ý thức về vai trò của người dân làm chủ đất nước, được định đoạt tương lai của đất nước và vận mệnh của mình mà Nho giáo chỉ nhắc nhở cho các vua chúa, từ Thiên tử đến chư hầu - những kẻ “có nước có nhà” không được lìa bỏ dân nếu không muốn mất quyền sở hữu đó. Nho giáo khuyên các vua chúa phải biết nắm lấy dân, tranh thủ được dân, phải làm cho dân tin mình để dễ sai khiến. Nghĩa vụ của người dân chỉ là làm thế nào trở nên dễ sai khiến là được. Nước thịnh hay suy, hưng hay vong, vận mệnh của nước gắn với nhà này hay nhà khác do mệnh trời quyết định. Nhân dân lao động chỉ có số phận và nghĩa vụ phục tùng, phụng sự và bảo vệ gia tộc đang trị vì cả nước, trị vì thiên hạ. Suốt cuộc đời của người dân, rồi từ đời này sang đời khác, người “dân đen” cứ phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để nuôi những kẻ cai trị, bóc lột mình. Những thành quả lao động của người dân không chỉ bị chiếm hữu bởi các cự thất, thế gia ở địa phương mà còn bị chiếm hữu bởi những gia tộc đang thao túng ngai vàng. Dù suốt đời lao động cần cù, cực khổ và cũng đầy sáng tạo nhưng người dân lao động vẫn không thể cống hiến được nhiều cho bản thân, cho Tổ quốc mà chủ yếu là cung phụng cho những kẻ đang thống trị mình.

Có thể nói, mặc dù Nho giáo đã từng coi “dân là gốc nước”, “vua lấy dân làm trời”... nhưng không có nghĩa là trong Nho giáo có tư tưởng dân chủ, đấu tranh cho dân chủ. Nho giáo không bao giờ rời bỏ đạo lý “quân thần”, không hề nghĩ đến một xã hội mà lại không có vua để người dân làm chủ. Với Nho giáo, người dân chỉ là người sinh ra để cho người ta sai khiến và dân phải dễ sai khiến mới là hợp đạo. Nhân dân, nhất là những người mà Nho giáo gọi là người dân “lao lực” chỉ có nghĩa vụ “nuôi người” và “bị người trị” mà thôi.

Về quan hệ giữa dân với nước, trong Kinh Thư viết: “Dân là gốc nước, gốc vững thì nước yên” (Dân vi bang bản, bản cố bang ninh). Bên cạnh đó, Nho giáo cũng khẳng định sức mạnh to lớn của dân. Đến Mạnh Tử, vai trò của dân trong quan hệ với vua và xã tắc được đánh giá và sắp xếp theo thứ tự “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Trong ý thức xã hội trước đó, uy quyền của vua là tối thượng còn thân phận của dân quá thấp hèn nên sự đánh giá và sắp xếp như trên, có thể nói là một sự tiến bộ vượt bậc trong quan niệm về dân, về vai trò của dân trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc cho đến lúc bấy giờ. Ý thức được vai trò to lớn của dân, Mạnh Tử chủ trương thực hiện đường lối chính trị được lòng dân. Ông cũng chỉ ra cách thức để có thể chiếm được lòng dân: “việc được thiên hạ có đạo của nó: nắm được dân là nắm được thiên hạ; việc nắm được dân có đạo của nó: nắm được lòng dân là nắm được dân; việc được lòng dân có đạo của nó: cái gì dân muốn thì làm cho họ, cái gì dân ghét thì đừng thi thố cho họ, chỉ vậy thôi” (Mạnh Tử, Ly lâu). Tuy nhiên, trách nhiệm của dân là phải trung với vua, phục vụ nhà vua mà không được bàn việc nước. Dân bàn việc nước là biểu hiện của sự rối loạn. Khổng Tử từng khẳng định “Thiên hạ có đạo thì dân không bàn chính sự” (Luận ngữ, Quí thị).

Nho giáo đòi hỏi nhà cầm quyền phải biết quí trọng và giữ gìn sinh mệnh của dân, phản đối giết người, chống chiến tranh. Điều đó xuất phát từ thực tế của xã hội đương thời, khi các nhà nho phải chứng kiến những sự thật tàn nhẫn “tranh đất đánh nhau, giết người đầy đồng; tranh thành đánh nhau, giết người đầy thành”. Mạnh Tử cho rằng, nếu nhà cầm quyền không ham thích việc giết người thì dân chúng khắp nơi sẽ theo về như nước chảy xuống chỗ trũng, không ai ngăn cản nổi. Bên cạnh đó, Nho giáo còn yêu cầu, nhà cầm quyền phải biết tiết kiệm, dè sẻn tài sản của dân, phản đối sự tham lam vơ vét của bọn vua chúa. Tăng Tử nhắc nhở nhà cầm quyền “của cải dồn lại thì dân tản đi, của cải tản đi thì dân dồn lại” (Đại học). Mạnh Tử thì lên án những kẻ làm bề tôi mà giúp vua vơ vét của cải của dân, thu tô thu thuế nặng của dân, gọi đó là giặc của dân (dân tặc). Vua phải thi hành “nhân chính”, giảm hình phạt, bớt thuế khóa để cho mỗi người dân “ngẩng lên đủ phụng dưỡng cha mẹ, cúi xuống đủ nuôi nấng vợ con”. Khi đời sống của dân được đảm bảo mới có thể sai khiến họ một cách dễ dàng. Cùng với việc dưỡng dân, Nho giáo còn đòi hỏi cần phải giáo hóa dân bởi nếu không giáo hóa họ thì không việc ác nào họ không dám làm. Nhiệm vụ của nhà cầm quyền không chỉ là làm cho dân đông, dân giàu mà khi dân đã đông và đã giàu thì điều cần thiết là phải giáo hóa họ. Tuy nhiên, mục đích của việc giáo hóa này cũng chỉ là để cho họ trở nên “dễ sai khiến” mà thôi.

Với những nội dung trên cho thấy, do hoàn cảnh lịch sử và hạn chế bởi lập trường giai cấp nên những yếu tố bảo thủ, lạc hậu trong phương pháp chính trị của Nho giáo là điều không tránh khỏi. Những hạn chế đó đã bị ngay các trào lưu tư tưởng đương thời như Đạo gia, Mặc gia, Pháp gia... phê phán khá gay gắt. Tuy nhiên, nếu tạm gạt bỏ đi những yếu tố hạn chế ấy chúng ta cũng có thể tìm thấy những điều hợp lý và có ích. Yêu cầu người cầm quyền phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức, coi trọng giáo dục đạo đức, thực hiện tốt việc “tề gia”, coi trọng vai trò của dân, dưỡng dân, giáo dân... mà Nho giáo nêu lên vẫn là điều có ý nghĩa với xã hội hiện nay. Tuy nhiên, những nội dung ấy cần phải được hiểu trên tinh thần mới chứ không phải lặp lại nguyên xi những giáo điều, khuôn mẫu cũ kỹ trong lý thuyết của đạo Nho.

            TS. Phan Mạnh Toàn, Học viện CT – HC Quốc gia Hồ Chí Minh.

            TS.  Doãn Thị Chín, Học viện Báo chí và tuyên truyền

 (Tạp chí Lý luận và Tuyền thông, số tháng 12/2012)

Tài liệu tham khảo:

[1] Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 320 – 321.

[2] Phan Bội Châu (2010), Khổng học đăng, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.255, 257.

Học viện Báo chí & Tuyên truyền