Thứ Ba, ngày 04 tháng 6 năm 2013

NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG VIỆC TIẾP NHẬN VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM Ở SINH VIÊN HIỆN NAY


      Nguyễn Đình Thu


Văn học trung đại Việt Nam là một loại hình văn học đã định hình và kết tinh được nhiều thành tựu ở nhiều tác giả và tác phẩm tiêu biểu. Trong khoảng mười thế kỷ vận động và phát triển, nền văn học trung đại nước nhà đã từng bước Việt hóa trên cả phương diện hình thức và nội dung để xây dựng được một nền văn học mang bản sắc riêng, phản ánh được mọi mặt về đất nước và con người thời đại. Cho đến nay, văn học trung đại không chỉ là cơ sở tạo đà cho nền văn học hiện đại phát triển mà nó còn là sản phẩm tinh thần ghi dấu ấn văn hóa một thời của dân tộc. Điều này có nghĩa là tầm quan trọng của văn học trung đại trong tiến trình văn học Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, trong thực tế tiếp nhận văn học trung đại Việt Nam ở sinh viên hiện nay lại gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến hiệu quả tiếp nhận chưa được như mong muốn.



Xây dựng trên phương tiện là văn tự Hán, Nôm với nhiều từ cổ – một thứ văn tự không còn được dùng làm phương tiện sáng tác, văn học trung đại gần như trở nên xa lạ trên chính mảnh đất đã sản sinh ra nó trong thời hiện đại. Thứ văn tự cổ này không phải dễ học như chữ quốc ngữ hiện tại, nó là thách thức lớn đối với toàn bộ sinh viên nói chung và có thể là nỗi ám ảnh cho những ai nôn nóng, thiếu tính kiên trì. Hiểu được giá trị nội dung của tác phẩm văn học trung đại trước hết phải thông hiểu ý nghĩa của từng câu chữ. Điều này không phải dễ bởi tính hàm xúc của các thực từ được sử dụng trong sáng tác, mà nhất là thơ. Hơn thế nữa, ý nghĩa tác phẩm lại chủ yếu là nghĩa phát sinh, cộng hưởng trong quan hệ nội tại của câu chữ chứ không phải nghĩa trực tiếp từ câu chữ. Ngôn ngữ sáng tác văn học trung đại dù Hán hay Nôm nhìn chung là thứ ngôn ngữ được chắt lọc, mang tính cao quý, đôi khi lại trở nên kiểu cách, xa lạ với mọi người. Và bản thân tính song ngữ trong sáng tác càng làm cho việc tiếp nhận tác phẩm trở nên phức tạp hơn.



Văn học trung đại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn đầu đã sử dụng một hệ thống thể loại vay mượn như: hịch, chiếu, biểu, cáo,… hay thơ Đường luật. Những thể loại văn học cổ này nếu không mang tính chất hành chính quan phương thì cũng chịu những luật định về vần, niêm, luật, đối rất khắt khe, không dễ làm và không phải ai cũng làm được. Bên cạnh đó, tính chất tổng hợp của tác phẩm xuất phát từ quan niệm văn sử triết bất phân trong sáng tác đòi hỏi người tiếp nhận không chỉ có sự từng trải hay kiến thức văn học, lý luận mà còn phải am hiểu nhiều lĩnh vực kiến thức, nhất là về lịch sử, văn hóa, tư tưởng mới có thể khám phá hết giá trị của mỗi tác phẩm. Lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam cùng với các khái niệm, phạm trù đầy tính trừu tượng, biến hóa của các hệ tư tưởng ngoại nhập Nho – Phật – Đạo không phải là những kiến thức dễ học. Điều này quả là một đòi hỏi cao với những sinh viên trẻ mới rời khỏi ghế nhà trường phổ thông.

Văn học trung đại sử dụng một kiểu tư duy riêng, một hệ thống thi pháp riêng không giống với văn học hiện đại. Đó là kiểu tư duy cầu tính mang tính trừu tượng, khó nắm bắt. Ngoài việc sử dụng nhiều điển cố, điển tích khó nhớ, khó thuộc, văn học trung đại, nhất là thơ còn chỉ gợi mà không tả, tạo ra tính đa nghĩa nhưng phát hiện ra đúng ý nghĩa của nó thì không phải dễ.

Do hoàn cảnh lịch sử đất nước phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, cộng với chính sách khôi phục, bảo tồn vốn văn hóa cổ, trong đó có văn học chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn đến tình trạng nhiều tác phẩm và tài liệu liên quan đến văn học trung đại đến nay không còn nữa. Tác phẩm văn học trung đại Việt Nam hiện tại vừa thiếu, vừa tồn tại tản mác, lại vừa có nhiều dị bản. Điều này gây khó khăn lớn ngay trong khâu đầu tiên của việc tiếp nhận tác phẩm ở sinh viên. Không dừng lại ở đó, hầu hết tác phẩm văn học trung đại Việt Nam còn lại đến nay đều tồn tại dưới dạng văn bản dịch chứ không phải nguyên bản. Văn bản dịch, nhất là văn bản thuộc thể loại trữ tình không thể nào truyền tải hết ý nghĩa mà văn bản gốc muốn thể hiện. Đôi khi, vì những quy định của thể loại mà văn bản dịch còn làm sai lệch nội dung câu chữ của văn bản gốc. Vì thế, nếu không có vốn kiến thức Hán Nôm sâu sắc, sinh viên chúng ta sẽ không thể hiểu hết và hiểu đúng được nội dung tác phẩm.

Nền kinh tế thị trường đã tạo cho sinh viên khả năng linh hoạt, thích ứng tốt với hoàn cảnh sống. Song cũng từ cơ chế này, sinh viên bị cuốn hút vào nhiều lĩnh vực, chịu áp lực từ nhiều phía dẫn đến quỹ thời gian cho học tập không còn nhiều mà lại phải học nhiều lĩnh vực kiến thức. Tâm lý tuổi trẻ cộng với cơ chế thị trường đã tạo cho con người thời đại nói chung và sinh viên nói riêng tính nóng vội, thực dụng, thích những cái mới lạ mà ngày càng xa rời vốn văn hóa cổ, nhất là không còn đủ kiên trì, hứng thú để tiếp nhận tác phẩm văn học trung đại, dần dần đánh mất đi bản sắc văn hóa dân tộc.

Khái niệm quốc gia, dân tộc không chỉ thể hiện ở sự độc lập và chủ quyền riêng mà quan trọng hơn cả là ở bản sắc văn hóa riêng, trong đó có văn học. Một dân tộc đánh mất đi bản sắc văn hóa dân tộc cũng chẳng khác gì một đứa con không biết nhớ ơn, quý trọng những người đã sinh thành, dưỡng dục mình, hay còn gọi là vong bản. Điều này hoàn toàn đi ngược lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta để lại. Thế hệ chúng ta ngày nay phải bảo tồn và phát huy được truyền thống tốt đẹp đó, cũng có nghĩa là phải giữ gìn và tiếp thu được tinh hoa của văn học trung đại nước nhà trong suốt mười thế kỷ. Muốn vậy, trước hết, chúng ta phải tự rèn luyện cho mình tính kiên trì, tinh thần chịu khó trong học tập. Mỗi người hãy nắm vững những kiến thức cơ sở như lịch sử, tư tưởng, ngôn ngữ, lí luận, thi pháp, thể loại… tạo tiền đề ban đầu cho việc tiếp nhận văn học trung đại. Với khả năng linh hoạt của mình, chúng ta có thể huy động tài liệu học tập văn học trung đại từ nhiều nguồn. Những môn học càng khó thì chúng ta càng phải đầu tư nhiều thời gian hơn để học và tìm ra phương pháp học phù hợp nhất chứ không phải sợ hãi và thờ ơ với chúng. Đặc biệt là phải phát huy được tinh thần năng nổ, hăng say phát biểu, thể hiện khả năng tự khám phá của mình trên lớp học, trước thầy cô, bạn bè để rèn luyện trí nhớ, khả năng tiếp nhận của mình. Có thể nói, trong cuộc sống có những việc khó, dễ nhưng dễ hay khó lại chủ yếu phụ thuộc vào khả năng cố gắng ở mỗi người. 

                          

- Nguồn: Nguyễn Đình Thu (2014), "Những khó khăn trong việc tiếp nhận văn học trung đại Việt Nam ở sinh viên hiện nay", Tạp chí Dạy và học ngày nay, số 12, tr. 18-20.
http://dvhnn.com/news/tap-chi-in--88/tap-chi-in-so-dinh-ky--89/noi-dung-tap-chi-day-va-hoc-ngay-nay-so-thang-122014-5520-0.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét