02012017Thứ 2
Mới nhấtThứ 2, 02 01 2017 10am

“Người khổng lồ” trong văn học đại chúng (Nhân 50 năm mất Lê Văn Trương 1906-1964)

1 1 1 1 1 1 1 1 1 1 Rating 0.00 (0 Votes)

(TS. Phan Mạnh Hùng, Bình luận văn học - niên san 2015, tr.84-89)

Tóm tắt

Nhà văn Lê Văn Trương (1906-1964) là một “người khổng lồ” trong sinh hoạt văn nghệ tiền chiến. Bài viết trình bày một số đặc trưng trong sáng tác lê Văn Trương để từ đó nhận diện vai trò đặc biệt của ông trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Hiện tượng Lê Văn Trương trong văn học Việt Nam thế kỷ XX phần nào chỉ ra một con đường thênh thang của văn chương hiện đại và tính chất dân chủ của nó - con đường của văn chương đại chúng.

Từ khóa: Lê Văn Trương, văn nghệ tiền chiến, văn học đại chúng…

NhavanLeVanTruong

Nhà văn Lê Văn Trương, 1906-1964 (Nguồn: wikipedia)

Nhà văn Lê Văn Trương (1906-1964) là một “người khổng lồ” trong sinh hoạt văn nghệ tiền chiến và cả trong thế kỷ XX. Ông đã chọn con đường viết văn phục vụ đại chúng - một nẻo đường quan trọng trong nhiều chiều hướng của hiện đại hoá văn học đầu thế kỷ XX. Có thể nói, qua ông chúng ta có thể thấy được cả một phương thức tồn tại của văn học cùng với một cách thức tồn tại trong văn học. Ông trở thành người khổng lồ trong văn học đại chúng bởi hai lẽ: có lượng tác phẩm lớn và tạo được ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài trong công chúng. Công chúng của Lê Văn Trương “đa tạp, đầy rẫy ở một xứ thuộc địa như nước ta bấy giờ”(1).

Kịch tác gia Vi Huyền Đắc (1899-1976) từng khuyên nhà văn Lê Văn Trương: “Mỗi khi họ công kích anh, thì anh trả lời họ bằng một tác phẩm”(2). Và đến năm 1937, sau sáu năm cầm bút, ông đã có 8 tác phẩm, thông thường có khi bằng cả một đời viết của một nhà văn. Những ai có dịp bàn về văn nghiệp của ông thường nói đến một con số đầy ấn tượng: trên 200 tác phẩm với hàng chục nhà xuất bản đã cộng tác. Nhà văn Nguyễn Ngu Í (1921-1979) cho biết Lê Văn Trương đã cộng tác với 21 nhà xuất bản (cả thời tiền chiến và thời hậu chiến); sách được tái bản đến 31 quyển (có cuốn như Trường đời tái bản tới lần thứ 5, tính đến thời điểm năm 1965). Nhà nghiên cứu Thư Trung dựa vào bản hợp đồng của Lê Văn Trương ký với một nhà xuất bản đã đưa ra con số kỷ lục: tác phẩm chưa in có 29 bộ (gồm 67 cuốn), tác phẩm đã in 96 bộ (gồm 133 cuốn)(3). Xin lưu ý là chỉ với một nhà xuất bản. Nhưng, con số ấy cũng đã khiến cho chúng ta phải vị nể, và ít nhất cũng đã cho thấy sự “năng sản” của một đời lao động chăm chỉ, sự chuyên nghiệp hoá trong thị trường văn chương chữ nghĩa.

Lê Văn Trương là nhà văn của nhiều cái nhất: “nhà văn viết nhiều nhất, được các nhà xuất bản săn đón nhiều nhất, bị công kích cũng nhiều nhất, mà được hoan nghênh cũng vào bực nhất!”(4). Nhưng bấy nhiêu cũng đã quá đủ, cho thấy ngòi bút của ông có bản sắc, bởi cái đáng sợ nhất trong nghề cầm bút là nhạt. Những người công kích ông là các nhà văn, trí thức mực thước không chịu nổi “lối hành văn dễ dãi xen vào những đoạn triết lý rẻ tiền” và đặc biệt là mẫu “người hùng” trong tiểu thuyết. Điều này cũng không có gì là lạ. Người ta không thể đòi hỏi nhiều hơn khi những tác phẩm này nhắm đến độc giả đại chúng và xuất hiện dưới dạng những ấn phẩm báo chí. Còn những người yêu mến ông là độc giả đại chúng, tìm thấy trong tác phẩm của ông cuộc đời, hơi thở, ước vọng và thậm chí là “lối thoát” của họ. Chính độc giả đại chúng đã giúp ông vững tin vào sự lựa chọn trong lối viết của mình; đưa ông trở thành “ngôi sao” trong đời sống văn học sôi động một thời; giúp ông có cuộc sống “phong lưu” trong thời kỳ phong độ của sức viết. Vậy, ông đã “chiêu mộ” họ bằng cách nào? Tại sao độc giả đại chúng lại “mê man” (Vương Trí Nhàn) nghe ông thuyết giáo? Rõ ràng, ông đã hiểu được tâm lý chờ đợi của độc giả đại chúng và biết cách đáp ứng nhu cầu ấy. Sáng tác của Lê Văn Trương, vì vậy về cơ bản đã mang những đường nét chính của mô thức văn học đại chúng.

Trong Một người, quyển tiểu thuyết quan trọng của Lê Văn Trương, nhân vật Linh đã đọc bài điếu văn trước mộ của Phùng – người đã “giữ tròn danh dự, tôn thờ tổ quốc và hy sinh cho nghệ thuật”, có đoạn: “Em sẽ nghe anh giữ trọn vẹn sự thiêng liêng của ngòi bút suốt dọc đời văn chương, ngôn luận của em. Cũng như ngòi bút của anh, ngòi bút của em chỉ chấm vào bình mực đen hoà máu để viết ra những thư lệ, huyết văn. Nó chỉ tận tuỵ bênh vực những kẻ nghèo hèn đau khổ, nó chỉ truyền bá những ý tưởng chân chính và thành thực, nó chỉ ca tụng cái sức mạnh xung thiên của giống nòi, nó chỉ khuếch xung những phong trào cải cách có lợi cho đất nước. Nó khơi nguồn sống sán lạn trong các cõi lòng cằn cỗi. Nó đem sinh khí lại cho những tâm hồn nhu nhược. Nó đem ánh sáng lại cho những khối óc tối tăm. Nó đem an ủi lại cho những trái tim đày đoạ. Cứng và sạch, ngòi bút của em, em quyết giữ cứng và sạch đến cùng. Người ta chỉ có thể bẻ gẫy được nó, đập nát được nó, chứ không thể chấm nó vào bình mực nhơ hèn”(5). Những lời tâm huyết ấy của Linh đặt trong hoàn cảnh dân tộc ta bấy giờ không hấp dẫn độc giả đại chúng sao được. Dẫu biết nhiều trong số những ước vọng ấy của Linh là ảo tưởng nhưng độc giả vẫn cứ thích, vẫn cứ tin về sức mạnh của văn chương, nòi giống. Phát biểu này cũng có thể xem như là quan niệm văn chương của Lê Văn Trương. Nó quán xuyến, chi phối ngòi bút của ông. Tưởng cũng cần thấy rằng, một vài ý niệm trong đó về sau có thể thấy nơi phát ngôn của nhân vật Hộ và Điền vẫn thường được xem như quan niệm nghệ thuật của Nam Cao (1915-1951). Dẫu viết nhằm phục vụ giải trí, mà suy cho cùng có thứ văn nghệ nào nằm ngoài sự giải trí, Lê Văn Trương cũng đã ý thức được sứ mạng cao cả của văn chương.

Hướng đến mục đích giải trí (đây là một điểm son), văn học đại chúng cần một kỹ thuật quan trọng: làm cho độc giả (gồm văn hoá, học vấn, tâm lý, thẩm mỹ, khát vọng, niềm tin… của họ) cảm thấy được can dự vào tác phẩm một cách trực tiếp dưới dạng lược gọn. Ở thời của Lê Văn Trương, lý luận phê bình văn học đã phát triển, nhưng một ý thức về độc giả, về những kỹ thuật để “chiều theo” độc giả nơi người viết có lẽ là chưa thật rõ ràng. Chính Lê Văn Trương cũng không ngờ rằng những lựa chọn của mình (đề tài và kỹ thuật viết) lại phù hợp với tâm lý đón đợi của độc giả. Vốn sống phong phú cùng khí chất mạnh mẽ trong cá tính và nơi ngòi bút đã giúp ông thuyết phục được họ. Độc giả như được sống một cuộc đời thứ hai trong tác phẩm của ông. Về điểm này, bằng trực giác của nhà phê bình, Nguyễn Ngu Í đã có lần chỉ ra: “Hoan nghênh anh là những ông già bà cả tân tiến phần nào, thích những “trung, hiếu, tiết, nghĩa” của thời mình đang sống. Hoan nghênh anh là những người đứng tuổi, tuy an phận, trong một hoàn cảnh nào đó, nhưng lòng vẫn mơ những chuyến phiêu lưu kỳ thú, những nhân vật dám vùng lên. Hoan nghênh anh, là những cô gái đến thì, ngồi bên song cửa, ngồi sau cửa hàng, ngồi cạnh bảng đen, tưởng đến những chàng trai ngang tàng, khí phách, thuỷ chung, thừa tàn bạo để tát mình đến chảy nước mắt, nhưng cũng dư thiết tha để gục vào lòng mình khóc nỉ non (…). Nhưng hoan nghênh anh nhất là lớp trai 16 đến 25 tuổi, còn ngồi trên ghế nhà trường, đang giam hãm mình trong đời công tư chức hay lận đận vì cuộc mưu sinh. Họ say sưa theo hành động của những nhân vật đồng lứa, thường học vấn trung bình, nhưng có tinh thần quật cường, và chí tự lập, gặp dịp, là dám vứt tất cả để tỏ ra mình chẳng phải giống ươn hèn, mà là nòi bất khuất (…). Đọc Lê Văn Trương lớp người sẽ xây dựng ngày mai thấy mình được nâng lên, được khích lệ, được hun đúc một phần lớn”(6). Một sự khái quát hơn, ở một bài viết khác Nguyễn Ngu Í cho rằng có ba thế hệ say mê Lê Văn Trương: “Thế hệ già thì thích những gương đạo đức hợp với thời mình, thế hệ sồn sồn thì ưa những mảnh đời không “ao tù” như đời mình cam sống, thế hệ trẻ thì say những con người dám nổi loạn, lăn xả vào nguy hiểm, khinh thường bằng cấp, danh vọng, tiền tài… Một ảnh hưởng sâu rộng đáng kể (…). Đọc anh, chúng tôi say mê vì nhận rằng đó là một mảnh của cuộc đời, mà người viết nó đã sống qua, hay đã nghe, đã thấy, và tác giả cầm bút, vì tin chắc rằng mình đang làm một sứ mạng”(7). Lê Văn Trương quả đã xuất hiện đúng thời điểm.

Trong khi ý thức làm cho độc giả can dự vào tác phẩm, văn học đại chúng cho phép truyền bá, luân lưu “những huyền thoại của đại chúng”. Một trong những huyền thoại của đại chúng là vị cứu tinh, người hùng, những cuộc đấu tranh giữa thiện và ác. Những huyền thoại này trở thành xương sống trong các thể loại văn học đại chúng như truyện phiêu lưu mạo hiểm, kiếm hiệp, trinh thám… Nguyễn Văn Trung cho rằng: “Những thể truyện này chẳng qua vẫn chỉ là những truyện thần thoại, truyền thuyết ngày xưa tồn tại dưới những hình thức hiện đại. Cái thay đổi chỉ là câu chuyện, nhưng đề tài, cốt chuyện vẫn còn nguyên vẹn. (…) ‘người hùng’ của Lê văn Trương cũng là một thứ huyền thoại. Dù xông pha ở nơi núi rừng để kinh doanh, buôn bán hay ở nơi chính trường để làm cách mạng (truyện Những chớp mắt lịch sử chưa xuất bản) thì người hùng vẫn là một kiểu mẫu người khác thường, đặc biệt vì đức tính, hành động, do đó có sức lôi cuốn làm cho người thường cảm phục, ngưỡng mộ. Tuy phải nhận rằng Lê Văn Trương chưa thành công đầy đủ trong việc xây dựng huyền thoại về con người hùng”(8). Không gian tác phẩm của Lê Văn Trương cho thấy ý thức nơi kỹ thuật miêu tả xê dịch qua những miền đất mới, hành trình phiêu lưu mạo hiểm với nhiều phong tục lạ kỳ khiến độc giả thích thú. Ngay từ tác phẩm đầu tay Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích, Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) đã nhận ra: “Ông Lê Văn Trương giàu trí tưởng tượng. Những truyện ngắn của ông quyến rũ người đọc, tôi còn muốn nói trắng rằng nó làm say đắm người đọc (…) Cuốn truyện ngắn của ông Lê Văn Trương gieo vào tâm hồn ta nhiều mối cảm lạ lùng. Đọc nó, ta thường gặp những bi kịch não lòng, những cảnh khiến ta hồi hộp. Văn viết có lúc nghiêm trang, có lúc nhí nhảnh thực thà. Tóm lại Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích là một cuốn sách cần phải đọc”(9).

Văn Lê Văn Trương nhiều triết lý, thuyết lý, giảng giải về đạo đức và cuộc sống, theo thời gian, không còn là một hấp lực đối với công chúng. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng, những lời triết lý ấy (lắm lúc gây cho người ta sự khó chịu) cho thấy một điều quan trọng: văn chương Việt rất cần những chiều sâu triết lý.

Lê Văn Trương khiến chúng ta nghĩ đến Phú Đức (1901-1970) của miền Nam. Cả hai cùng viết văn phục vụ đại chúng, cùng là “đại gia” trong làng văn nghệ giải trí, cây bút ăn khách được các chủ báo, chủ nhà in săn đón một thời. Tuy vậy, Lê Văn Trương và cũng không phải người cầm bút nào cũng có cái may mắn của Phú Đức về quãng cuối đường văn nghệ, kịp chứng kiến sự “tái hồi” ngoạn mục khi hàng loạt “đứa con tin thần” của mình được tái bản và vẫn giữ được phong độ hấp dẫn ban đầu. Tác phẩm Lê Văn Trương sau Cách mạng tháng Tám hầu như đã mất độc giả. Không phải tác phẩm của ông không còn giá trị, không đủ gây hấp dẫn, mà bản thân độc giả đông đảo của ông đã tìm được những lối thoát, những ngã rẽ cuộc đời mới, bị cuốn vào những vấn đề lớn của dân tộc và thời đại. Cách mạng tháng Tám là ngã rẽ lớn của lịch sử, của nhiều cuộc đời. Có lẽ nhiều trong số những con người bước vào “cuộc ra đi lớn” ấy đã từng đọc ông, mang theo trong hành trang những mẫu hình lý tưởng mà ông đã tạo dựng. Bản thân ông, “người hùng” thuở nào, một chiều gió bụi lê bước cô độc trên hè phố Sài Gòn, không phải tư thế của du tử mà nặng nề cuộc mưu sinh, kịp lưu dấu trong ký ức của nhà văn Dương Nghiễm Mậu trở thành một nỗi ám ảnh về thân phận người cầm bút: “Một người đàn ông, đứng tuổi, dáng cao, đi hơi cúi, tóc chải rẽ không cẩn thận, mặc một bộ quần áo nâu cũ, chiếc sắc khoá đã nát, nách cắp một tập giấy cũ, tay dắt một con chó nhỏ màu nâu, nước da ngăm ngăm đen tái đi. Một người bạn ngồi với tôi ở quán Kim Hoa đường Lê Lợi chỉ vào người đàn ông trên nói với tôi: nhà văn Lê Văn Trương. Hình ảnh đó đã cách đây ba bốn năm rồi, đó là hình ảnh độc nhất tôi được biết về nhà văn Lê Văn Trương trong đời sống, và cho đến bây giờ tôi vẫn nghi ngờ: có phải đó là nhà văn Lê Văn Trương không?”(10).

Hình ảnh ấy rồi đây sẽ còn được nhắc lại khi viết và nghĩ về Lê Văn Trương. Vâng, đó có phải đó là nhà văn Lê Văn Trương không?

*

Có một con đường âm thầm mà kiên định của văn chương, gần như một quy luật: một số tác phẩm sinh ra trong môi trường đại chúng, phục vụ đại chúng theo sự sàng lọc thời gian đã trở thành những tác phẩm cổ điển. Cổ điển theo nghĩa là những chuẩn mực của loại hình. Chúng ta khó có thể xác quyết rằng một vài trong hàng trăm tác phẩm Lê Văn Trương sẽ trở thành/ hay có cơ may thành cổ điển. Nhưng có một điều phải nhận, khi phác thảo lộ trình hiện đại hoá văn học và hiện đại hoá xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, không thể bỏ qua hiện tượng Lê Văn Trương. Bởi qua ông, chúng ta phần nào thấy được một con đường thênh thang của văn chương hiện đại và tính chất dân chủ của nó. Con đường của văn chương đại chúng. Đó là cơ sở tạo nên niềm tin rằng, Lê Văn Trương sẽ còn được đọc, ở nhiều cách và trong nhiều hoàn cảnh.

Chú thích

  1. (1)Vương Trí Nhàn: Những tiền đề để nghĩ lại…, trong Lê Văn Trương có phải người hùng, (Hoài Việt biên soạn), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1992, tr.70.
  2. (2)Nguyễn Ngu Í: Vài nét về sự nghiệp, cuộc đời và cái chết của nhà văn Lê Văn Trương, trong Tưởng niệm Lê Văn Trương, Tạp chí Văn, Sài Gòn, số 29, ra ngày 25-2-1965, tr.7
  3. (3)Thư Trung: Tài liệu: tác phẩm Lê Văn Trương, trong Tưởng niệm Lê Văn Trương, Tạp chí Văn, Sài Gòn, số 29, ra ngày 25-2-1965, tr.55-59.
  4. (4)Nguyễn Ngu Í: Vài nét về sự nghiệp, cuộc đời và cái chết của nhà văn Lê Văn Trương, trong Tưởng niệm Lê Văn Trương, Tạp chí Văn, Sài Gòn, số 29, ra ngày 25-2-1965, tr.8.
  5. (5)Một người, Phổ thông bán nguyệt san, năm thứ nhất, số 7, ra ngày 1er Juin 1937, tr.362.
  6. (6)Nguyễn Ngu Í: Vài nét về sự nghiệp, cuộc đời và cái chết của nhà văn Lê Văn Trương, trong Tưởng niệm Lê Văn Trương, Tạp chí Văn, Sài Gòn, số 29, ra ngày 25-2-1965, tr.8-9.
  7. (7)Nguyễn Ngu Í: Lê Văn Trương (1906-1964), trong Sống và viết với…, Nghè xanh xuất bản, Sài Gòn, 1966, tr.33.
  8. (8)Nguyễn Văn Trung: Đôi nét về Lê Văn Trương, trong Tưởng niệm Lê Văn Trương, Tạp chí Văn, Sài Gòn, số 29, ra ngày 25-2-1965, tr.52-53.
  9. (9)Nguyễn Nhược Pháp: Đọc sách Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích, dẫn trong Một người, Phổ thông bán nguyệt san, năm thứ nhất, số 7, ra ngày 1er Juin 1937, tr.215-216.
  10. (10)Dương Nghiễm Mậu: Nghĩ về Lê Văn Trương, trong Tưởng niệm Lê Văn Trương, Tạp chí Văn, Sài Gòn, số 29, ra ngày 25-2-1965, tr.47.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Dương Nghiễm Mậu (1965) Nghĩ về Lê Văn Trương, trong Tưởng niệm Lê Văn Trương, Tạp chí Văn, Sài Gòn, số 29, ra ngày 25-2-1965, tr.47.
  2. Vương Trí Nhàn (1992), Những tiền đề để nghĩ lại…, trong Lê Văn Trương có phải người hùng, (Hoài Việt biên soạn), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1992.
  3. Nguyễn Ngu Í (1965), Vài nét về sự nghiệp, cuộc đời và cái chết của nhà văn Lê Văn Trương, trong Tưởng niệm Lê Văn Trương, Tạp chí Văn, Sài Gòn, số 29, ra ngày 25-2-1965.
  4. Nguyễn Ngu Í (1966), Lê Văn Trương (1906-1964), trong Sống và viết với…, Nghè xanh xuất bản, Sài Gòn.
  5. Nguyễn Nhược Pháp (1937), Đọc sách Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích, dẫn trong Một người, Phổ thông bán nguyệt san, năm thứ nhất, số 7, ra ngày 1er Juin 1937, tr.215-216.
  6. Thư Trung (1965), Tài liệu: tác phẩm Lê Văn Trương, trong Tưởng niệm Lê Văn Trương, Tạp chí Văn, Sài Gòn, số 29, ra ngày 25-2-1965.
  7. Lê Văn Trương (1937), Một người, Phổ thông bán nguyệt san, năm thứ nhất, số 7, ra ngày 1er Juin 1937.
  8. Nguyễn Văn Trung (1965), Đôi nét về Lê Văn Trương, trong Tưởng niệm Lê Văn Trương, Tạp chí Văn, Sài Gòn, số 29, ra ngày 25-2-1965.

 

Thành viên trực tuyến

Đang có 198 khách và không thành viên đang online

Thông tin truy cập

35299091
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7745
6226
35299091

IP của bạn: 1.52.57.57
02-01-2017 19:11