Tiện ích


Thống kê truy cập

Mĩ học tiếp nhận và khả năng ứng dụng ở Việt Nam

Tác giả: Đỗ Văn Hiểu - Cập nhật: 06/12/2016

Mĩ học tiếp nhận (Receptional Aesthetic) trường phái Konstanz Đức ra đời vào những năm 60 của thế kỉ 20 là một hướng nghiên cứu phê bình văn học có ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới. Nó có vai trò thúc dẩy nghiên cứu phê bình văn học thế giới chuyển từ tác giả trung tâm luận, văn bản trung tâm luận sang nghiên cứu độc giả và sự tiếp nhận. Mĩ học tiếp nhận có tiềm năng ứng dụng rất lớn trong việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử văn học, nghiên cứu tác phẩm văn học nước ngoài, nghiên cứu việc tiếp nhận nghệ thuật nói chung, nghiên cứu các lĩnh vực văn hóa đại chúng, nghiên cứu việc dạy học văn trong nhà trường….. Trong bối cảnh văn hóa và nghiên cứu Văn học Việt Nam hiện nay, nghiên cứu và vận dụng Mĩ học tiếp nhận một cách bài bản là điều rất cần thiết. Từ khóa: Mĩ học tiếp nhận, Lịch sử văn học, Văn học nước ngoài, Nghiên cứu liên ngành

   1. Mở đầu

Vào những năm 60 của thế kỉ 20, Mĩ học tiếp nhận (Receptional Aesthetic) xuất hiện ở Đức mà đại diện tiêu biểu là hai giáo sư đại học Konstanz Hans Robert Jauss và Wolfgang Iser. Mĩ học tiếp nhận cực thịnh vào những năm 70, 80, trở thành một hướng nghiên cứu phê bình văn học có ảnh hưởng rộng rãi trên toàn thế giới. Mĩ học tiếp nhận thúc đẩy sự chuyển hướng từ văn bản trung tâm luận sang độc giả trung tâm luận trong nghiên cứu văn học, nghiên cứu tiêu dùng và tiếp nhận văn hóa. Hiện nay, ở Việt Nam, văn hóa đại chúng bùng nổ, sự ảnh hưởng của cơ chế thị trường, tinh thần tiêu dùng thấm vào mọi mặt của đời sống, vì thế, người tiếp nhận lên ngôi. Sáng tác văn học không thể đứng ngoài bối cảnh đó, văn học nghệ thuật không thể phát triển nhờ sự tài trợ. Nghiên cứu văn học ở Việt Nam cũng đã có một nền tảng khá dày dặn về nghiên cứu văn bản. Cho nên, việc nghiên cứu tương tác giữa tác giả, văn bản và người tiếp nhận cần được coi trọng hơn, nói cách khác, đẩy mạnh nghiên cứu Mĩ học tiếp nhận ở Việt Nam hiện nay rất phù hợp với nhu cầu của thực tiễn

Bài viết này tóm lược tư tưởng chủ yếu của Mĩ học tiếp nhận với tư cách là một trường phái lí thuyết phê bình văn học, xuất phát từ thực tiễn nghiên cứu Mĩ học tiếp nhận ở Việt Nam cũng như thực tiễn văn học nghệ thuật ở Việt Nam để đề xuất một số khả năng có thể ứng dụng Mĩ học tiếp nhận trong nghiên cứu văn học nghệ thuật.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Mĩ học tiếp nhận với tư cách là một trường phái lí thuyết phê bình văn học

Mĩ học tiếp nhận là một trường phái nghiên cứu tương đối phức tạp, dung hợp rất nhiều tư tưởng mĩ học triết học khiến bản thân nó thiếu tính thống nhất, nhưng mặt khác lại có độ mở khá cao. Mĩ học tiếp nhận chủ yếu kế thừa Giải thích học – Giải thích học bản thể luận của Gadamer, kế thừa tư tưởng Hiện tượng học – Triết học nghệ thuật của Roman Ingarden, kế thừa tư tưởng của Chủ nghĩa cấu trúc Prague và Chủ nghĩa hình thức Nga. Chủ nghĩa hình thức Nga muốn xác lập sự độc lập của văn học, do đó phạm trù trung tâm mà họ quan tâm là “tính văn học”, “lạ hóa”, “diễn biến văn học”, “ngôn ngữ thơ ca”. Một bộ phận của Chủ nghĩa hình thức Nga đã kế thừa và phê phán Chủ nghĩa hình thức để phát triển thành Chủ nghĩa cấu trúc Prague, mà đại diện tiêu biểu là Jakobson và Mukarovsky. Trong phân tích của Mukarovsky có chú ý đến vị trí của người tiếp nhận, và mở rộng nghệ thuật đến tiêu dùng sản phẩm của nghệ thuật xã hội học, phá vỡ quan niệm nghệ thuật nằm ở trên cao, mang tính cố hữu. Như vậy, Mĩ học tiếp nhận đã kế thừa ưu điểm và khắc phục những thiếu sót của các lí thuyết triết học mĩ học trước đó, để hình thành một thứ lí thuyết nghiên cứu phê bình văn học chú trọng giao lưu tương hỗ giữa văn bản và độc giả, đặt độc giả vào trung tâm của hoạt động văn học, thúc đẩy sự chuyển hướng lớn của lí luận văn học thế giới.

Jauss và Iser là linh hồn của trường phái Mĩ học tiếp nhận Đức, họ đều nhấn mạnh vị trí của người tiếp nhận trong hoạt động văn học, coi hoạt động giao lưu văn học là trọng tâm nghiên cứu văn học. Nhưng trọng tâm nghiên cứu và lịch trình tư tưởng của hai người không hoàn toàn tương đồng. Nếu như Jauss chú trọng đến lịch sử hiệu quả của văn học và lịch sử tiếp nhận, sau đó nghiên cứu kinh nghiệm thẩm mĩ, coi lịch sử tiếp nhận là lịch sử kinh nghiệm thẩm mĩ của nhân loại, thì Iser lại chú trọng nghiên cứu hành động đọc. Công trình tiêu biểu của Jauss là Hướng tới mĩ học tiếp nhận, Lịch sử văn học như là sự khiêu kích đối với khoa học văn học, Kinh nghiệm thẩm mĩ và giải thích học văn học, Tiếp nhận văn học và giao lưu văn học. Ngay từ sớm trong bài Lịch sử văn học như là sự khiêu kích đối với khoa học văn học ông đã xây dựng quan niệm về văn học sử và biên soạn văn học sử của mình. Jauss thống nhất nhân tố thẩm mĩ và nhân tố lịch sử trong lĩnh vực nghiên cứu văn học sử. Ông không hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Chủ nghĩa hình thức Nga và Chủ nghĩa Mác. Ông cho rằng chủ nghĩa Mác quá chú trọng nhân tố lịch sử xã hội chế ngự văn học cho nên không quan tâm đúng mức tới tính lịch sử và tính độc lập của hình thức thẩm mĩ văn học. Ngược lại chỉ đơn thuần miêu tả diễn biến của hình thức văn học như chủ nghĩa hình thức Nga cũng không thể giúp chúng ta khái quát được lịch sử của tác phẩm văn học. Ông đã dung hòa quan niệm văn học sử của Chủ nghĩa hình thức Nga và Chủ nghĩa Mác. Đối với Jauss, độc giả trở thành nhân tố quan trọng trong quan hệ giữa văn học và lịch sử, và trong việc không ngừng tiếp nhận của người đọc, tác phẩm không ngừng thực hiện sự kế hợp giữa quá khứ và hiện tại, không ngừng có được sinh mệnh mới. Khái niệm quan trọng nữa của ông là khái niệm “tầm đón đợi”. Đây vốn là khái niệm được dùng trong Giải thích học của Husserl và Gamdama, nó mang đến cho sự lí giải một góc nhìn, một cơ sở để tiếp nhận cái mới, phía sau nó là bối cảnh và truyền thống. Nếu tác phẩm vượt quá xa tầm đón đợi, độc giả sẽ khó tiếp nhận, nhưng nếu cự li giữa tầm đón đợi của độc giả và tác phẩm quá nhỏ, tác phẩm cũng thiếu sức hấp dẫn. Đây là tư tưởng quan trọng gợi mở nhiều ý tưởng trong nghiên cứu tiếp nhận văn học nghệ thuật. Ông cũng đưa ra lí luận đọc hiểu vĩ mô. Ông hình dung hành động đọc chính là đối thoại theo hình thức hỏi đáp, là quá trình giao lưu, quá trình trùng cấu tầm đón đợi của quá khứ, và quá trình giao lưu, đối thoại mang đến cho tác phẩm sinh mệnh mới. Lịch sử giải thích về một tác phẩm văn học chính là sự giao lưu kinh nghiệm, hoặc có thể nói là một trò chơi hỏi đáp, một cuộc đối thoại, người đọc sẽ điều chỉnh tầm đón đợi, và quá trình đọc chính là quá trình điều chỉnh quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, văn bản và độc giả. Giai đoạn sau, ông phát triển lí thuyết tiếp nhận của mình theo hướng lí thuyết kinh nghiệm thẩm mĩ. Đây cũng là một bước tiến mới nhằm kết hợp giữa nghiên cứu văn học và nghiên cứu văn hóa, hình thành một giai đoạn mới trong nghiên cứu văn học. Jauss đặc biệt chú trọng giải trí thẩm mĩ và giao lưu thẩm mĩ, theo ông, loài người vì muốn giải trí nên tìm đến nghệ thuật, cho nên không nên tách bạch giải trí và nghệ thuật. Coi trọng chức năng giải trí chính là đáp ứng sự phát triển của thực tiễn và thúc đẩy hoạt động tiêu dùng văn học, liên kết văn học và văn hóa đại chúng. Ông cho rằng kinh nghiệm thẩm mĩ tồn tại trong sáng tác và tiếp nhận, cả người sáng tác và người đọc đều có được khoái cảm thẩm mĩ. Như vậy, có thể thấy Jauss nhấn mạnh chức năng chủ thể của người đọc, xem trọng vị trí của độc giả trong hoạt động văn học. Ông đã giải thích sự sinh thành của ý nghĩa tác phẩm văn học từ góc độ mới, lấy tầm đón đợi làm điểm xuất để phân tích kinh nghiệm thẩm mĩ, có những lí giải mới về mĩ cảm và giải trí trong kinh nghiệm thẩm mĩ.

Tác phẩm chủ yếu của Iser là Kết cấu vẫy gọi của văn bản, Độc giả tiềm ẩn, Hoạt động đọc: lí luận hưởng ứng thẩm mĩ. Thời kì sau ông dần dần chuyển sang nhân loại học văn học, với tác phẩm tiêu biểu là Hư cấu và tưởng tượng: biên giới của nhân loại học văn học, Hư cấu hóa: vĩ độ nhân loại học văn học của hư cấu văn học. Quan niệm văn học của ông vô cùng phong phú, thuật ngữ và khái niệm phức tạp, về cơ bản có thể khái quát thành một số phương diện sau: 1. Đề xuất quan niệm mới về tác phẩm văn học: tác phẩm văn học là sự kết hợp giữa tác giả và độc giả. 2. Văn bản tác phẩm có kết cấu vẫy gọi, trong đó tồn tại rất nhiều khoảng trống và điểm không xác định, vẫy gọi người đọc đến bổ sung. Trong văn bản tồn tại cơ sở để tiến hành giao lưu giữa độc giả và văn bản, nó là dấu vết của điều kiện lịch sử xã hội và bối cảnh văn hóa hoặc những thứ tương đồng với tác phẩm trước. Ông cũng quan tâm đến sự sinh thành của văn bản, coi việc đọc chính là một quá trình giao lưu. Đóng góp rất quan trọng của ông là khái niệm “độc giả tiềm ẩn”, độc giả tiềm ẩn tồn tại trong kết cấu văn bản và trong hành động đọc. Trong quá trình đọc, tiêu chuẩn kinh nghiệm vốn có có thể bị phủ định, từ đó kinh nghiệm thẩm mĩ của người đọc trở nên phong phú hơn. Giai đoạn sau, ông hướng tới nhân loại học văn học, chủ yếu nghiên cứu sự hình thành thẩm mĩ của nhân loại. Ông quan tâm đến sự kết hợp giữa hư cấu và tưởng tượng, trò chơi hiện thực, độc giả và tác giả đều lấy thân phận song trùng để tham dự vào trò chơi.

Mĩ học tiếp nhận đóng góp không nhỏ đối với lí luận phê bình văn học thế giới. Nó không chỉ ảnh hưởng ở Đức mà còn mở rộng ra nhiều nước trên thế giới cùng với Harold Bloom, Stanley Fish, G.Poule… thúc đẩy sự chuyển hướng từ văn bản trung tâm sang độc giả trung tâm luận trong nghiên cứu văn học, nghiên cứu tiêu dùng và tiếp nhận văn hóa. Tất nhiên, Mĩ học tiếp nhận cũng có những hạn chế, trong đó rõ nhất là đã quá nhấn mạnh vai trò và hoạt động tiếp nhận của người đọc, bỏ qua ý nghĩa và giá trị của người sáng tác và quá trình sáng tác, vì thế không ít người coi Mĩ học tiếp nhận là “duy độc giả luận”, cực đoan hóa vai trò của người đọc. Ngoài ra, lí luận văn học sử và biên soạn văn học sử của Jauss cũng không ít hạn chế. Lí thuyết văn học sử của ông thiếu những thao tác cụ thể, và để biên soạn một bộ văn học sử theo lí thuyết của ông cần một nguồn tư liệu khổng lồ. Iser lại thiên sang kết cấu nội tại của văn bản. Khi phân tích hành động đọc đã thiếu cơ sở xã hội và góc nhìn lịch sử, hệ thống thuật ngữ vô cùng phức tạp, không dễ khái quát và hệ thống hóa. Tuy nhiên, khắc phục những hạn chế này, chúng ta sẽ có thể vận dụng lí thuyết Mĩ học tiếp nhận để giải quyết không ít các vấn đề của thực tiễn nghiên cứu văn học nghệ thuật ở Việt Nam.

2.2. Mĩ học tiếp nhận và nghiên cứu văn học sử cũng như vấn đề biên soạn lịch sử văn học

Ngay từ khi mới giới thiệu vào Việt nam, đặc biệt là từ sau khi bài Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa văn học của Jauss được dịch giới thiệu ở Việt Nam thì vấn đề lịch sử tiếp nhận văn học đã được các nhà nghiên cứu quan tâm2. Tuy nhiên, phần lớn các nhà nghiên cứu đều chỉ nhìn thấy tính không khả thi của việc biên soạn lịch sử tiếp nhận văn học. Có thể thấy, lí luận về văn học sử và việc biên soạn các bộ lịch sử văn học ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều biến đổi, những luận bàn về văn học sử cũng như phương pháp biên soạn của các nhà lí luận phê bình dường như không có mấy ảnh hưởng đến việc biên soạn lịch sử văn học ở Việt Nam trong vài chục năm qua. Các bộ sách lịch sử văn học mới biên soạn vẫn dựa trên một cấu trúc cũ: bối cảnh lịch sử văn hóa xã hội, đặc điểm nội dung tư tưởng nghệ thuật của các nhà văn tiêu biểu…, và cái mới hầu như chỉ là bổ sung thêm tư liệu [2]. Từ những bộ văn học sử hiện nay ở Việt Nam có thể thấy tiềm ẩn trong đó là quan niệm về lịch sử văn học: Lịch sử văn học là sân chơi của riêng nhà văn, trong khi đó, thực tiễn bản thân văn học là sự tương tác nhiều chiều giữa nhiều nhân tố tác giả, văn bản, độc giả và các nhân tố lịch sử xã hội chính trị khác, sự tương tác giữa các nền văn học khác nhau. Nếu biên soạn lịch sử văn học chỉ quan tâm đến nhà văn và tác phẩm, vô hình chung đã thu hẹp diện mạo của lịch sử văn học, đồng thời coi nhẹ những mạch ngầm chi phối diễn tiến của văn học.

Vì thế, với quan niệm lịch sử văn học là lịch sử tiếp nhận văn bản văn học với các khái niệm như Tầm đón đợi, lịch sử tiếp nhận, lịch sử tư tưởng thẩm mĩ, Jauss đã gợi mở rất nhiều cho nghiên cứu lịch sử văn học cũng như biên soạn văn học sử. Không ít người cho rằng nghiên cứu lịch sử tiếp nhận là không tưởng và không cần thiết, nhất là không phải tác phẩm nào cũng có thể nghiên cứu lịch sử tiếp nhận nó. Một số nhà nghiên cứu cho rằng văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học cổ đại thiếu các tác phẩm lớn, thiếu sự ghi chép những lời bình về nó nên không thể viết được lịch sử tiếp nhận.

Sự thực không hoàn toàn như vậy. Đành rằng đối với thực tiễn văn học Việt Nam có không ít khó khăn khi vận dụng khía cạnh này của Mĩ học tiếp nhận, nhưng không phải thấy khó khăn là quay mặt đi, hoặc đổ lỗi cho lí thuyết thiếu tính ứng dụng. Rất khó tìm ra một thứ lí thuyết vạn năng, vì vậy, tận dụng được mức nào để giải quyết thực tiễn văn học nước nhà đều là đáng quý. Nếu không thay đổi quan niệm về lịch sử văn học, cho rằng lịch sử văn học là diễn đàn của các nhà văn, của tác phẩm, thì nếu như không tìm được tư liệu mới, việc viết lịch sử văn học, đặc biệt là văn học cổ đại bị coi như đã hoàn kết. Trong khi đó, tác phẩm văn học có thể tồn tại cần phải có sự tác động, tiếp nhận, diễn giải của độc giả. Vậy tại sao chúng ta lại có thể quên vai trò của họ trong đời sống văn học, trong lịch sử văn học? Quan tâm tới lịch sử tiếp nhận chúng ta không chỉ thấy sự tồn tại phong phú, đa dạng, sống động của tác phẩm mà còn thấy được những mạch ngầm tương tác giữa văn bản và người đọc, đồng thời còn thấy được quá trình vận động phát triển của tư tưởng, thị hiếu thẩm mĩ của người tiếp nhận, những nhân tố tác động, vận động hữu cơ hình thành thể thống nhất của đời sống văn học.

Đành rằng viết một bộ lịch sử tiếp nhận văn học không phải dễ, đòi hỏi một lượng tư liệu khổng lồ. Tuy nhiên, để bổ khuyết cho sự thiếu vắng vai trò của người tiếp nhận trong các bộ lịch sử văn học, chúng ta có thể đi những bước như sau: trước hết, chọn viết lịch sử tiếp nhận những tác phẩm kinh điển, lịch sử tiếp nhận tác phẩm của một tác giả, sau đó có thể viết lịch sử tiếp nhận một giai đoạn văn học. Tính đến thời điểm hiện nay, ứng dụng Mĩ học tiếp nhận để nghiên cứu lịch sử tiếp nhận ở Trung Quốc đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Các học giả Trung Quốc đã dựa trên tư tưởng của Jauss biên soạn được những bộ văn học sử khá thú vị như Nghiên cứu lịch sử tiếp nhận thơ ca cổ điển Trung Quốc, Lịch sử tiếp nhận văn học hiện đại Trung Quốc, ngoài ra còn có các bộ sách nghiên cứu lịch sử tiếp nhận Hồng lâu mộng, Tam Quốc, Thủy Hử, thơ Đỗ Phủ, Lý Bạch, Đào Uyên Minh…., mang đến diện mạo mới mẻ cho nghiên cứu và biên soạn lịch sử văn học Trung Quốc. Ở Việt Nam, hoàn toàn có thể làm được điều đó với những tác phẩm như Truyện Kiều, thơ nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, hoặc những hiện tượng văn học như Thơ mới, Nhân văn Giai phẩm, … Qua đó không chỉ cho thấy sinh mệnh của tác phẩm văn học, mà còn cho thấy sự vận động của thị hiếu thẩm mĩ cũng như những cơ chế chi phối ngầm trong đời sống văn học, góp phần làm cho diện mạo của lịch sử văn học trở nên phong phú hơn. Trong nghiên cứu lịch sử tiếp nhận, ngoài nghiên cứu sự tiếp nhận của những độc giả thông thường, của độc giả chuyên nghiệp, còn nghiên cứu một loại độc giả đặc biệt khác, đó là nhà văn. Loại độc giả này vừa tiếp nhận, vừa chịu ảnh hưởng, vừa có thể phê phán tác phẩm ra đời trước, và cuối cùng, dấu ấn của tất cả các hoạt động đó được thể hiện trong một sản phẩm sáng tạo khác. Đây là một hướng nghiên cứu khá thú vị, hướng nghiên cứu này cho thấy vai trò phong phú đa dạng của độc giả trong đời sống văn học. Tất nhiên, không thể đem lịch sử tiếp nhận thay thế lịch sử các phương diện khác của đời sống văn học, nhưng thiếu lịch sử tiếp nhận cũng khiến văn học sử thiếu một phần rất quan trọng.

2.3. Mĩ học tiếp nhận và vấn đề nghiên cứu tác phẩm văn học nước ngoài

Đối với nghiên cứu văn học nước ngoài nói chung và nghiên cứu nền văn học có ảnh hưởng đến văn học nước ta nói riêng, vận dụng Mĩ học tiếp nhận cũng mang lại nhiều kết quả thú vị, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu văn học giữa các quốc gia đã trở nên phong phú đa dạng hơn bao giờ hết. Trước kia, khi nghiên cứu văn học nước ngoài, các nhà nghiên cứu thường chủ yếu quan tâm đến chủ thể tác động mà ít quan tâm đến chủ thể tiếp nhận, chẳng hạn khi nghiên cứu quan hệ giữa văn học Trung Quốc, văn học Pháp và văn học Việt Nam, các nhà nghiên cứu thường chỉ quan tâm đến việc những nền văn học đó tác động đến văn học Việt Nam như thế nào, tạo nên sự ảnh hưởng như thế nào… mà ít quan tâm đến việc vì sao chúng ta chọn tiếp nhận nền văn học đó và trong cả một nền văn học phong phú như vậy, vì sao chúng ta lại chọn tác phẩm, tác giả này mà không chọn tác phẩm, tác giả kia. Mĩ học tiếp nhận đề cao vai trò của chủ thể tiếp nhận trong quá trình tiếp nhận. Chủ thể tiếp nhận có thể là một cá nhân, có thể là một nhóm người, cũng có thể là một dân tộc… Trong tiếp nhận, chủ thể không bao giờ hoàn toàn bị động mà luôn chủ động sáng tạo trong lựa chọn, trong kiến giải về một tác phẩm, tác giả, nền văn học… Cho nên, khi nghiên cứu tác phẩm văn học nước ngoài từ góc độ Mĩ học tiếp nhận, chúng ta sẽ thấy chủ thể tiếp nhận đóng vai trò như một bộ lọc để văn học nước ngoài có thể tồn tại và gây ảnh hưởng ở Việt Nam. Các thao tác cơ bản sẽ là nghiên cứu tầm đón đợi của một dân tộc tại một thời điểm lịch sử nhất định, nó bao gồm truyền thống văn hóa, thị hiếu thẩm mĩ, trình độ nghệ thuật, nhu cầu xã hội… và thậm chí là cả vấn đề cơ chế, chế độ chính trị xã hội…. Người tiếp nhận sẽ xuất phát từ tầm đón đợi của mình, từ nhu cầu của mình để tìm đến, để lựa chọn những tác phẩm văn học nước ngoài giới thiệu và nghiên cứu ở nước mình. Chẳng hạn, tại sao việc dịch giới thiệu tác phẩm của Lỗ Tấn lại diễn ra rầm rộ vào những năm 60-70 ở Việt Nam? Chưa kể đến việc quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc thời điểm đó rất hữu hảo, có một điều chúng ta thấy rất rõ ràng là hoàn cảnh lịch sử Việt Nam lúc đó rất cần những tác phẩm mang tư tưởng cách mạng, rất cần xốc lại tinh thần dân tộc như tác phẩm của Lỗ Tấn. Hay nói cách khác, sở dĩ tác phẩm của Lỗ Tấn có thể được đón nhận và gây ảnh hưởng ở Việt Nam trước hết là do chủ thể tiếp nhận tại thời điểm đó có nhu cầu như vậy [3]. Cũng như thế, cho dù hiện nay các nhà phê bình văn học Việt Nam vẫn chưa thực sự chú ý đến hiện tượng văn học 8x, văn học linglei và cả những tiểu thuyết tình cảm của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường tiểu thuyết Việt Nam, nhưng sự tồn tại của nó là không thể phủ nhận. Không những thế, nó đã gây phản ứng dây chuyền thúc đẩy sự phát triển của dòng văn học 8x ở Việt Nam. Ở đây, chúng ta cũng nên xuất phát từ góc độ người tiếp nhận, đặc biệt là người tiếp nhận có thân phận song trùng – nhà văn 8x Việt Nam - để nhìn nhận vấn đề này. Lúc đó chúng ta sẽ phát hiện ra rất nhiều điều có giá trị liên quan đến tầm đón đợi, thị hiếu thẩm mĩ, nhu cầu, sự lựa chọn của độc giả trẻ tuổi, đồng thời lí giải được rất nhiều vấn đề liên quan đến thực tiễn văn học nước nhà….

Từ góc độ Mĩ học tiếp nhận nghiên cứu văn học nước ngoài, chúng ta không chỉ có thể nghiên cứu lịch sử tiếp nhận một tác phẩm kinh điển để thấy sức sống, diện mạo của nó ở một nền văn hóa khác, mà còn thấy được diễn biến, sự vận động của thị hiếu thẩm mĩ cũng như các vấn đề tiềm ẩn sâu trong cơ chế xã hội, văn hóa. Đặc biệt là khi chúng ta nghiên cứu sự tiếp nhận văn học nước ngoài của các nhà văn Việt Nam sẽ thấy họ đã chủ động lựa chọn, học tập, đi theo hoặc phát triển thành tựu tư tưởng, nghệ thuật của văn học nước ngoài như thế nào. Trước kia, nghiên cứu văn học Việt Nam trong tương quan với văn học nước ngoài dường như luôn tiềm ẩn sự tự ti về tầm vóc văn học dân tộc, cho nên chủ yếu nghiên cứu theo chiều “văn học nước ngoài ảnh hưởng đến văn học nước ta như thế nào”, mà ít quan tâm đến việc “chúng ta đã chủ động lựa chọn, tiếp thu văn học nước ngoài như thế nào, và vì sao”. Trong khi đó, bất kì một chủ thể tiếp nhận nào đều có quyền lựa chọn đối tượng tiếp nhận và cách tiếp nhận, cho nên, cách tiếp nhận một chiều như trên có thể coi là một hạn chế khi nghiên cứu văn học nước ngoài ở Việt Nam. Có thể nói, nghiên cứu văn học Việt Nam sẽ có một chân trời rộng mở hơn nếu người nghiên cứu thực sự am tường về một nền văn học khác, đặc biệt là nền văn học quan hệ trực tiếp với văn học nước nhà.

2.4. Mĩ học tiếp nhận với việc nghiên cứu liên ngành

Hiện nay, nghiên cứu văn học ở Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực. Những năm từ 1945 đến những năm 80 của thế kỉ 20, ngự trị trong nghiên cứu văn học Việt Nam là khuynh hướng văn học phục vụ chính trị, có không ít những biểu hiện của xã hội học dung tục, nặng về nghiên cứu quan điểm, lập trường, giai cấp…Từ khoảng giữa những năm 80 trở đi, nghiên cứu văn học chuyển dần sang xu hướng thiên về nghiên cứu hình thức, với sự xuất hiện của thi pháp học, chủ nghĩa cấu trúc, kí hiệu học, tự sự học…. Sang những năm đầu của thế kỉ 21, xu hướng đa nguyên hóa trong nghiên cứu văn học ngày càng rõ rệt, đặc biệt là chuyển hướng văn hóa trong nghiên cứu văn học. Đây cũng là tiến trình vận động của nghiên cứu văn học thế giới, chỉ có điều, do hoàn cảnh đặc thù, chúng ta đi sau một chút. Trong tiến trình vận động đó, Mĩ học tiếp nhận có một vai trò rất quan trọng, nó như một cầu nối để tạo nên sự chuyển hướng nghiên cứu văn hóa trong văn học. Ứng dụng của Mĩ học tiếp nhận không chỉ dừng lại ở nghiên cứu văn học, mà có thể mở rộng ra nghiên cứu các loại hình nghệ thuật khác, nghiên cứu các hoạt động khác như hoạt động dịch thuật, hoạt động dạy học văn trong nhà trường…

Ở Việt Nam, hướng ứng dụng Mĩ học tiếp nhận vào nghiên cứu hoạt động dạy học văn trong nhà trường tương đối rõ rệt. Trước hết, giới nghiên cứu cho rằng học sinh cũng là một loại độc giả, dạy học văn phải kích thích học sinh chủ động phát hiện ra ý nghĩa ẩn sâu trong văn bản tác phẩm văn học. Bởi vì, theo Mĩ học tiếp nhận, người đọc luôn chủ động, sáng tạo trong quá trình tiếp nhận; hoạt động tiếp nhận làm ý nghĩa tác phẩm văn học phong phú hơn; ý nghĩa của tác phẩm không cố định, mà luôn mở ra cùng với hành động đọc. Tiếp nữa, do Mĩ học tiếp nhận coi tầm đón đợi như một cơ sở để tiếp nhận, cho nên, thông qua hành động dạy học văn, cần phải bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ cho học sinh, bồi dưỡng năng lực tiếp nhận, trình độ thẩm mĩ, năng lực lí giải, tưởng tượng… Không những thế, dạy học văn cần chú ý đến sự dung hợp tầm đón đợi của học sinh và tầm đón đợi của nhà văn, của tác phẩm. Trong mỗi văn bản tác phẩm luôn ẩn chứa tầm đón đợi nhất định. Giữa tầm đón đợi của học sinh và tầm đón đợi trong văn bản tác phẩm luôn tồn tại một khoảng cách nhất định, nếu khoảng cách này quá xa sẽ khiến học sinh không thể tiếp nhận tác phẩm. Hơn nữa, tầm đón đợi của học sinh cũng luôn luôn biến động dưới sự tác động của nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố không khí thời đại, cho nên khoảng cách giữa tầm đón nhận của tác phẩm và tầm đón nhận của học sinh cũng luôn thay đổi. Trong quá trình dạy học văn, cần chú ý đến việc dung hợp giữa tầm đón đợi của học sinh với tầm đón đợi của tác phẩm để hoạt động tiếp nhận có hiệu quả hơn. Dạy học văn cần chú ý đến những vấn đề trên, nếu không sẽ bóp chết khả năng sáng tạo của học sinh[4].  

Hiện nay, ở Việt Nam, ứng dụng Mĩ học tiếp nhận để nghiên cứu vấn đề dịch thuật chưa nhiều. Từ góc độ Mĩ học tiếp nhận có thể thấy người dịch mang thân phận song trùng, vừa có thân phận độc giả, vừa có thân phận tác giả. Với tư cách là người đọc, họ có quyền lựa chọn, có quyền lí giải trên cơ sở tầm đón đợi, kinh nghiệm thẩm mĩ của riêng mình. Và sự lựa chọn, lí giải của họ lại chịu sự chi phối rất lớn của bối cảnh văn hóa lịch sử, tầm đón đợi, thị hiếu thẩm mĩ của nền văn hóa mà họ định giới thiệu tác phẩm dịch. Vì thế, việc dịch không chỉ bị chi phối bởi kinh nghiệm, năng lực cá nhân mà còn bị chi phối bởi công chúng tiếp nhận văn bản dịch. Xuất phát từ góc độ này có thể lí giải được tại sao dịch giả chọn tác phẩm này mà không chọn tác phẩm kia, vì sao cắt chỗ này, để chỗ khác, vì sao lại dịch như thế này mà không dịch như thế kia. Tất cả nằm trong một mối quan hệ nhiều chiều với rất nhiều mạch ngầm chi phối [5].

Có thể sử dụng Mĩ học tiếp nhận để nghiên cứu các loại hình nghệ thuật khác. Cơ chế tiếp nhận văn học và cơ chế tiếp nhận các loại hình nghệ thuật khác vừa có điểm chung, vừa có nét riêng. Khi ứng dụng Mĩ học tiếp nhận để nghiên cứu các loại hình nghệ thuật khác thì các khái niệm được mở rộng, khái niệm “người đọc” sẽ mở rộng thành “người tiếp nhận”, khái niệm “văn bản” sẽ được hiểu theo nghĩa rộng hơn văn bản ngôn từ, cũng như thế, khái niệm “tầm đón đợi”, “khoảng trống”, “điểm chưa xác định”, “độc giả tiềm ẩn”… của Mĩ học tiếp nhận cũng được hiểu theo nghĩa rộng. Từ đó, chúng ta có thể mở rộng lĩnh vực nghiên cứu, mở ra một chân trời mới cho nghiên cứu văn học nghệ thuật nói chung. Chẳng hạn, vũ đạo là một môn nghệ thuật lấy thân thể và động tác làm chất liệu, cũng là một loại hình nghệ thuật ý tượng, cái nó biểu hiện không phải bản thân người biểu diễn. Vì thế, sự tồn tại của vũ đạo cũng chủ yếu phải dựa trên cơ sở người xem. Muốn tái hiện được chỉnh thể hình tượng vũ đạo vẫn cần tư duy, tưởng tượng, năng lực tái tạo của người xem. Khi biểu diễn, người nghệ sĩ kích phát tiềm năng của cơ thể, tổng hợp những động tác, kĩ năng mà người bình thường khó làm được. Nhưng vũ đạo không phải là xiếc, không chỉ nhằm phát hiện tiềm năng phi phàm của con người, mà còn là thực hiện những động tác khó để biểu hiện sự cảm thụ của con người về thế giới. Hiệu quả của vũ đạo vẫn phụ thuộc vào người xem, vì thế, sáng tác, biểu diễn luôn chú trọng đến tầm đón đợi của người xem… Đối với các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc, điêu khác, điện ảnh… cũng vậy, dùng Mĩ học tiếp nhận chúng ta có thể soi sáng rất nhiều vấn đề của từng môn nghệ thuật, đặc biệt là quan hệ giao lưu tương tác giữa người sáng tạo, “văn bản” và người tiếp nhận từ đó chỉ ra những mạch ngầm chi phối sự sáng tạo, sự tồn tại và ảnh hưởng của chúng.

Trong thời đại văn hóa đại chúng bùng nổ, sự chuyển dịch vị trí giữa cái thông tục và cái tinh anh, giữa văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn diễn ra mạnh mẽ, sân chơi của thơ ca bị thu hẹp…là những vấn đề chúng ta cần quan tâm. Và để lí giải được những hiện tượng đó, chúng ta không thể bỏ qua một nhân tố, đó là nhân tố người tiếp nhận. Cơ chế kinh tế xã hội, phương tiện truyền thông hiện đại, xu thế quốc tế hóa… tác động sâu sắc đến người người tiếp nhận, khiến tầm đón đợi, thị hiếu thẩm mĩ, nhu cầu của họ thay đổi. Chỉ khi nghiên cứu về người tiếp nhận, nắm bắt được thị hiếu của họ, chúng ta mới có thể lí giải được những hiện tượng mới xuất hiện, thỏa mãn nhu cầu người tiếp nhận và từ đó mới có thể định hướng được cho họ. Trong sự phát triển của Mĩ học tiếp nhận, hướng tới khảo sát phản ứng của người đọc thông qua các phương pháp xã hội học được thịnh hành ở Mĩ.

3. Kết luận

Ở Việt Nam, mặc dù Mĩ học tiếp nhận được Nguyễn Văn Dân giới thiệu từ năm 1985 nhưng thành tựu nghiên cứu về trường phái lí thuyết phê bình văn học này chưa thực sự rõ ràng. Sở dĩ có hiện tượng như vậy bởi vì rất ít người nghiên cứu nó với tư cách là một trường phái lí thuyết có thời điểm ra đời cụ thể, nhân vật đại diện riêng, tư tưởng riêng và lộ trình phát triển riêng, mà chủ yếu hòa Mĩ học tiếp nhận vào cái gọi chung là “Lí thuyết tiếp nhận văn học”. Mặt khác, việc dịch công trình tiêu biểu của Mĩ học tiếp nhận cũng chưa được chú trọng. Đến thời điểm hiện nay mới chỉ có duy nhất một bản dịch của Trương Đương Dung, đó là bài Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học. Chính điều đó đã hạn chế rất nhiều trong việc thu hút các nhà nghiên cứu cùng nghiên cứu, cũng như gây khó khăn cho việc thao tác hóa lí thuyết để ứng dụng vào thực tiễn văn học nghệ thuật nước nhà. Chính vì thế, để có thể ứng dụng được lí thuyết này, trước hết cần phải nghiên cứu nó với tư cách là một trường phái lí thuyết phê bình văn học, hệ thống hóa những tư tưởng cơ bản, tiến tới thao tác hóa lí thuyết, biến lí thuyết trở thành công cụ giải quyết các vấn đề của thực tiễn văn học. Đối với một thứ lí thuyết ngoại lai, hơn nữa lại là một thứ lí thuyết đã xuất hiện cách đây hàng nửa thế kỉ, bản thân những người sáng lập lí thuyết cũng tự điều chỉnh lí thuyết của mình sao cho phù hợp với nhu cầu của thực tiễn, cho nên, việc nghiên cứu và vận dụng nó đòi hỏi chủ thể người nghiên cứu phải chủ động sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn văn học đặc nước mình tiến hành chọn lọc, phát triển. Tiềm năng ứng dụng của Mĩ học tiếp nhận rất lớn, đặc biệt là khi kết hợp với những lí thuyết phê bình văn học khác.

(Bài đã đăng trên Tạp chí Khoa học, trường Đại học Hồng Đức, số tháng 10 năm 2016)

[1]     Phạm Xuân Thạch (2002), Tiếp cận một phương diện của lịch sử văn học Việt Nam từ những tiền đề thực tiễn và lí thuyết mới, Kỉ yếu Hội thảo Các nhà khoa học trẻ của Đại học Quốc gia Hà Nội.

[2]     Đỗ Văn Hiểu (2013), Diễn ngôn tinh thần trong tác phẩm của Lỗ Tấn và ảnh hưởng của nó ở Việt Nam, Kỉ yếu hội thảo quốc tế về nghiên cứu Lỗ Tấn, lần thứ 4, tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc, 6-2013, tr. 279-288.

[3]     Hồ Ngọc Mân (2004), Mĩ học tiếp nhận và việc dạy học văn, Tạp chí Nghiên cứu Khoa học, Số 2, tr. 11-16, Đại học Cần Thơ.

[4]     Đỗ Văn Hiểu (2012), Mĩ học tiếp nhận với dịch thuật và giảng dạy văn học dịch, Kỉ yếu hội thảo khoa học Cán bộ trẻ trường Đại học Sư phạm Hà Nội lần thứ 5, Nxb. Đại học Sư Phạm Hà Nội.

[5]        Chu Lập Nguyên (1989), Mĩ học tiếp nhận, Nxb. Nhân dân Thượng Hải, Thượng Hải.

2 Đầu thế kỉ 21, các nhà nghiên cứu bắt đầu quan tâm đến hoạt động nghiên cứu và biên soạn lịch sử văn học từ góc độ mới, Ngày 2-8-2001, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia tổ chức hội thảo về phân kì văn học sử Việt Nam. Tháng 4 năm 2002, Viện Văn học tổ chức tổng kết Hội thảo về phương pháp biên soạn lịch sử văn học. Ngày 17-4 – 2003 Viện Văn học và Ban Biên soạn lịch sử văn học thảo luận về phương pháp biên soạn lịch sử văn học.

 

Cập nhật: 06/12/2016 - Lượt xem: 4

Bài cùng chuyên mục