KINH TẾ THỊ TRƯỜNG, XÃ HỘI TIÊU DÙNG VÀ VĂN HỌC ĐẠI CHÚNG
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp
Sự ra đời và lớn mạnh của công nghiệp văn hóa cũng như truyền thông hiện đại chính là sự kết hợp, thẩm thấu giữa kinh tế và văn hóa. Công nghiệp văn hóa, với công năng to lớn của nó, có khả năng “nhân bản” nhiều giá trị nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng khi họ không có khả năng tiếp cận tác phẩm gốc. Trong kinh tế tập trung bao cấp, nhà sản xuất chỉ sản xuất những thứ họ có khả năng làm ra mà không quan tâm đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng buộc phải tiếp nhận cả những sản phẩm mà chưa chắc họ đã vừa ý về chất lượng, mẫu mã. Trong nền kinh tế thị trường, sản xuất phải tùy thuộc vào thượng đế là người tiêu dùng. Vai trò của Nhà nước đối với thị trường chủ yếu nằm ở định hướng, điều hành, điều tiết tầm vĩ mô, còn sự vận hành của thị trường phải do chính thị trường quyết định bởi sự thông minh của nó. Thị trường văn hóa và văn học cũng phải tuân theo quy luật này. Chính sự phân hóa thị hiếu thẩm mĩ, sự đa dạng về tâm lí, giới tính, tuổi tác, trình độ tiếp nhận, mục đích tìm kiếm loại văn hóa phẩm phù hợp của người đọc mới là nhân tố căn bản quy định sự đa dạng của đời sống văn học đương đại. Văn học thị trường, văn học đại chúng hay văn học bình dân… đều có cơ hội phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường và xã hội tiêu dùng.
Tuy nhiên, khái niệm “văn học thị trường” vẫn khiến nhiều người băn khoăn bởi sự không rõ ràng về nội hàm của nó: hoặc quá hẹp khi coi văn chương là hàng hóa và người viết chăm chú coi trọng hiệu quả kinh tế mà không chú ý nhiều đến hiệu quả xã hội; hoặc quá rộng, coi toàn bộ văn học hiện đại đều là văn học thị trường vì thời hiện đại gắn liền với sự hiện diện của kinh tế thị trường. Trong nghĩa hẹp, văn học thị trường nhấn mạnh khía cạnh kinh tế của các sản phẩm văn học qua mối quan hệ cung - cầu. Ở nghĩa rộng, người ta có quyền coi từ khi có thị trường tất sẽ có văn học thị trường. Chính vì sự co giãn về biên độ mà ở Việt Nam, danh xưng văn học thị trường nhiều khi được dùng tương đương với các tên gọi khác như văn học giải trí, văn học bình dân, văn học đại chúng… Điều này có thể chấp nhận được bởi giữa chúng có mẫu số chung là hướng tới số đông. Với cách hiểu như thế, nhiều nhà nghiên cứu coi văn học đại chúng ở Việt Nam đã xuất hiện ngay từ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Đây là giai đoạn nhiều nhà văn, đặc biệt ở Nam Bộ, chủ trương viết bằng thứ tiếng “An Nam ròng” (Trương Vĩnh Ký) và hướng tới độc giả bình dân(1). Chữ quốc ngữ, báo chí, xuất bản và thị trường là những yếu tố để góp phần gia tăng tính đại chúng trong văn học. Theo bước chân thị trường và quá trình nâng cao dân trí, văn học từng bước từ giã tính thiêng để tăng tính thế tục. Cùng với nó, về phương diện thể loại, văn tự sự, vốn nằm ở khu vực ngoại vi trong văn học trung đại, dần bước vào trung tâm và trở thành nhân vật chính của văn học hiện đại. Vào năm 1944, trên tạp chí Tri tân số 151, Kiều Thanh Quế trong bài viết Đại chúng văn học đã coi đại chúng là tất cả hạng dân tầm thường trong một nước, và văn học đại chúng bao gồm ca dao, thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, tiểu thuyết. Trong hình dung của Kiều Thanh Quế, đại chúng là quần chúng nhân dân, những người thường ít có điều kiện học hành. Theo ông, vì hướng tới đối tượng này, tiểu thuyết đại chúng không chuộng lối phô diễn cầu kì mà đơn giản, dễ đọc. Đặng Thai Mai cũng nhận thấy, về cơ bản, văn học bình dân (đại chúng) là loại hình đối lập với văn học tinh hoa(2). Quan niệm của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 về tính đại chúng (trong bộ ba dân tộc - khoa học - đại chúng) cũng hiểu đại chúng là quần chúng nhân dân và nhà văn có nhiệm vụ viết sao cho dễ hiểu, dễ nhớ. Như vậy, cái gọi là “đại chúng văn học” ở đây được hiểu là tính đại chúng nhằm phục vụ nhân dân, và trong quá trình hướng tới loại độc giả này, văn học đồng thời đảm nhiệm cả chức năng nâng tầm dân trí. Cuộc tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc năm 1949 cũng chủ yếu xoay quanh nội dung phục vụ ai, viết cho ai của văn học nghệ thuật. Trong khi thơ Tố Hữu được đề cao thì thơ Nguyễn Đình Thi bị phê phán vì khó hiểu, xa lạ với quần chúng. Lấy quần chúng làm đối tượng phục vụ được coi là định hướng cho văn học giai đoạn này. Vì thế, nhiệm vụ của văn học cách mạng là phải chống lại thứ văn học xa rời quần chúng, chống lại những “mộng rớt”, “buồn rớt” tiểu tư sản, chống lại chủ nghĩa cá nhân.
Như vậy, sự triển nở của văn học đại chúng có thể coi là sự vận động của chính văn học trong điều kiện kinh tế thị trường. Tuy nhiên, hướng về đại chúng là cần thiết nhằm mở rộng đối tượng đọc và văn hóa đọc song cực đoan đến mức tạo nên những sản phẩm dễ dãi lại là nguy cơ làm suy giảm giá trị, chất lượng của văn học. Không phải ngẫu nhiên mà có người cho rằng “tính đại chúng là kẻ thù của nghệ thuật”(3).
Thuật ngữ văn học đại chúng (mass literature) mà chúng tôi đề cập ở đây có phần khác với cách hiểu văn học đại chúng đã nói ở trên, mặc dù giữa cái gọi là “văn học đại chúng”, “văn học thị trường”, “văn học thông tục”, “văn học giải trí”, “văn học bình dân”… có những nét nghĩa gần nhau. Trong quan niệm của nghiên cứu hiện đại, văn học đại chúng gắn liền với truyền thông hiện đại, nó khước từ tính cung đình và tính hàn lâm trong nghệ thuật, có dây mơ rễ má với văn học bình dân và là sản phẩm của thời đại kinh tế thị trường. Bởi thế, có người coi văn học đại chúng là “văn học dân gian của xã hội công nghiệp”, “văn học đường phố”. Tuy nhiên đến nay, thời điểm xuất hiện của văn hóa đại chúng vẫn chưa có được sự nhất trí trong học giới. Trong công trình Lí thuyết về văn hóa đại chúng (A theory of mass culture), Dwight Macdonald cho rằng những mầm mống văn hóa đại chúng xuất hiện từ thế kỉ XIX là do sự hình thành xã hội dân chủ phá vỡ sự độc quyền của tầng lớp quý tộc tự coi mình là tinh hoa, những tiến bộ của công nghệ có khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường văn hóa(4). Nhà nghiên cứu cũng nhận thấy, về bản chất, văn hóa đại chúng hoàn toàn đối lập với văn hóa tinh hoa, thậm chí, văn hóa đại chúng phát triển kí sinh trên văn hóa tinh hoa và dựa vào nền tảng truyền thông và thương mại. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tác phẩm tinh hoa được giản lược, được viết lại cho dễ hiểu để tăng tính phổ cập. Theo từ điển mở Wikipedia thì văn hóa đại chúng (hay văn hóa truyền thông) được ra đời vào đầu những năm 20 của thế kỉ XX và lan rộng toàn cầu vào những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI(5). Như vậy, văn hóa, văn học đại chúng chỉ có thể triển nở khi xã hội tiêu dùng xuất hiện, và không gian tồn tại của nó chủ yếu là không gian đô thị. Đó là lí do có người coi văn hóa đại chúng thực chất là văn hóa đường phố, văn hóa của cái thường nhật. John Storey trong Lí thuyết văn hóa và văn hóa đại chúng (Cultural theory and popular culture: An introduction) cho rằng, văn hóa đại chúng gắn với văn hóa tiêu dùng, sản xuất đại trà và tiêu thụ đại trà, đặc biệt gần với văn hóa Mĩ(6). Ở Việt Nam, tuy văn hóa đại chúng chưa được quan tâm thích đáng, nhưng tâm lí lo ngại loại văn hóa này trở thành một quyền lực không mấy tốt đẹp đã ám ảnh nhiều người, nhất là những cơn sốt ngôn tình trên thị trường văn học gần đây. Khi bàn về văn hóa đại chúng, khá gần gũi với ý kiến của nhiều học giả phương Tây, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân nhấn mạnh đến hai vấn đề quan trọng là “hiệu quả tiêu thụ của sản phẩm văn hóa” (gắn với nền tảng thương mại) và “thị hiếu của đại chúng toàn cầu” (với sự hiện diện của kĩ thuật truyền thông hiện đại)(7). Có thể nói, dù còn những bàn luận và tranh cãi, nhưng về cơ bản, các nghiên cứu về văn học đại chúng đều cho rằng, mặc dù có những mầm mống từ trước, nhưng văn học đại chúng phải được coi là sản phẩm của xã hội tiêu dùng và thời đại truyền thông. Tâm lí thời đại tiêu dùng, sự kết hợp, thẩm thấu giữa kinh tế và nghệ thuật đã mở ra những viễn cảnh tươi sáng cho văn học đại chúng. Về những bước chuyển hình thái này, Piroschka Dossi giải thích: “Vào lúc bắt đầu của trào lưu avant - garde, nghệ thuật và kinh tế được coi là hai cõi riêng biệt - một cõi tập trung vào việc làm ra những giá trị tinh thần; cõi kia chú mục vào việc tạo ra sự giàu có về mặt tiền bạc. Những lĩnh vực trước đây tưởng chừng như thù địch với nhau nay đã sáp nhập vào trong các cấu trúc hỗn lai của một nền văn hóa bị kinh tế hóa và một nền kinh tế được văn hóa hóa”(8).
Xã hội tiêu dùng, xu thế kinh tế hóa văn hóa và văn hóa hóa kinh tế đã tìm được tư tưởng phù hợp với nó là trào lưu hậu hiện đại. Mặc dù những tranh cãi về hậu hiện đại còn lâu mới chấm dứt, nhưng những điều kiện hậu hiện đại đã được Lyotard trình bày một cách khá thuyết phục trong công trình nổi tiếng của ông(9). Thụy Khuê diễn giải ngắn gọn tinh thần của Lyotard: chúng ta đang sống trong thời hậu hiện đại, thời mà “tất cả những lí thuyết có từ thời Ánh sáng đã bị đổ vỡ”, và nếu như trước đây, tri thức có sứ mệnh truyền bá tư tưởng giải phóng con người thì tri thức trong thời đại tin học đã “trở thành món hàng tiêu dùng, buôn bán, cung cấp lợi nhuận như những hàng hóa khác, nó đã thoát khỏi bản quyền con người”(10). Trong văn hóa hậu hiện đại, hoài nghi và giễu nhại trở thành những đặc tính cơ bản, văn hóa và văn học đại chúng luôn tìm cách xóa nhòa ranh giới giữa đặc tuyển và bình dân, chống lại những giấc mơ đại tự sự.
Là quốc gia đang phát triển, kinh tế thị trường mới xác lập và chưa hoàn thiện, nhưng trước làn sóng toàn cầu hóa, giao lưu quốc tế mở rộng, từ sau 1986, Việt Nam đã bắt đầu hội đủ ba điều kiện quan trọng để văn học đại chúng phát triển mạnh: về cơ sở xã hội là xã hội tiêu dùng và tâm lí thực dụng; về cơ sở tư tưởng là sự thỏa hiệp, nhượng bộ giữa đặc tuyển và bình dân; về cơ sở kĩ thuật là sự phát triển chóng mặt của công nghệ truyền thông và báo chí xuất bản. Sự phát triển mạnh mẽ của văn học đại chúng khiến cho không gian văn học tinh hoa bị co hẹp một cách đáng kể. Số lượng các nhà văn sáng tác theo trào lưu văn học đại chúng ngày càng đông đảo. Lượng sách dịch (trinh thám, tân kiếm hiệp, ngôn tình, đam mĩ…) gần như phủ kín thị trường sách báo. Tình trạng này khiến người đọc hoang mang, không phân biệt được thật giả, từ đó lo lắng về sự xuống cấp của văn hóa đọc.
Văn học đại chúng, về một phương diện nào đó, giống như đồ ăn nhanh (fast food), chất lượng nghệ thuật không cao nhưng tiện lợi. Với mục đích đề cao chức năng giải trí, văn học đại chúng có khả năng giúp người đọc gỡ bỏ áp lực xã hội và tranh thủ quỹ thời gian rỗi ít ỏi. Nếu đọc một tác phẩm tinh hoa, người đọc phải mất thời gian liên hệ, tưởng tượng, suy ngẫm… thì đọc văn học đại chúng, người ta có thể vừa đọc vừa trò chuyện, thậm chí, đọc để cho dễ ngủ mà không hề thấy chút bất tiện nào. Về mặt nội dung, văn học đại chúng thường trở đi trở lại những đề tài quen thuộc, thậm chí mòn sáo: những cuộc tình tay ba tay tư éo le, trắc trở hoặc những tình cảm ủy mị, sướt mướt dễ làm người đọc mủi lòng. Bên cạnh loại tiểu thuyết tình cảm “ba xu” hay ngôn tình, đam mĩ, loại tiểu thuyết tân kiếm hiệp, trinh thám, dã sử cũng khá ăn khách bởi ngoài chủ đề thiện - ác, chính - tà là những tình tiết li kì, gay cấn pha chút rắc rối yêu đương. Môi trường dân chủ và cái cá nhân được giải phóng khiến tự truyện phát triển mạnh. Việc chú trọng khai thác những góc khuất đời tư của thể loại này cho phép người đọc có cơ hội thỏa mãn trí tò mò. Đúng là từ khi có internet, những câu chuyện riêng tư nhất của con người rất dễ bị nhòm ngó và trở thành đối tượng để bình luận. Dễ hiểu vì sao không chỉ nhà văn mà ca sĩ, cầu thủ, nghệ sĩ… cũng đua nhau viết tự truyện. Truyện tranh cũng có cơ hội phát triển, nhất là sau khi Doremon được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành và tái bản liên tục. Với những chiêu thức đánh vào tâm lí, thị hiếu có phần dễ dãi của người đọc, những đề tài riêng tư, gay cấn hoặc tình cảm đậm chất lãng mạn vừa cay đắng vừa có hậu, văn học đại chúng đã giúp người hiện đại thoát khỏi thực tại chốc lát và quên đi áp lực đời sống. Để thu hút số đông, văn học đại chúng biết khai thác hiệu quả những son phấn công nghệ mà PR là một công đoạn không thể thiếu. Vì gắn liền với công nghệ truyền thông nên không quá khó hiểu trước thực tế lực lượng viết văn học đại chúng chủ yếu là các cây bút trẻ. Những sáng tác của họ trên internet ngay lập tức tìm được sự chia sẻ của cộng đồng mạng. Khác với văn học tinh hoa, văn học đại chúng không cầu kì trong diễn đạt, không đặt ra những vấn đề nghiêm trọng, cũng không hướng tới cách tân lối viết. Nó đặc biệt nhấn mạnh tính trò chơi. Nhưng trò chơi trong văn học đại chúng là trò chơi nhằm gây hiệu ứng lây lan các cảm xúc nhất thời chứ không nghiêng nhiều về trò chơi trí tuệ.
Sự bành trướng của văn học đại chúng đã khiến cho nhiều người lo lắng, nhất là nguy cơ sai lệch thị hiếu và mĩ cảm ở lớp trẻ. Sự thấp kém về chất lượng nghệ thuật khiến cho văn học đại chúng lọt ra ngoài tầm ngắm của nghiên cứu hàn lâm, cũng như chịu sự rẻ rúng, coi thường của văn học tinh hoa. Nhưng một khi nhìn văn học đại chúng như sản phẩm của thời đại tiêu dùng, kĩ thuật truyền thông hiện đại thì vấn đề đã trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Đã đến lúc phải có cái nhìn nghiêm túc về văn học đại chúng để ứng xử hợp lí. Cổ súy cho văn học đại chúng là không nên vì điều đó vô tình làm cho người đọc quay lưng với văn học tinh hoa. Một khi văn học tinh hoa bị lãng quên thì đời sống tinh thần sẽ trở nên nghèo nàn và hời hợt. Nhưng cấm đoán sự phát triển của văn hóa, văn học đại chúng cũng không thể được vì suy cho cùng, sự phát triển của loại hình văn hóa này nằm trong logic của văn hóa tinh thần đương đại. Thiết nghĩ, để phát triển văn học trong cơ chế thị trường và trong sự bùng nổ của truyền thông hiện đại, cần quan tâm đến ba vấn đề quan trọng sau đây:
Thứ nhất, phải nhận thấy sự phát triển của văn học đại chúng là một thực tế khách quan, có cơ sở, điều kiện lịch sử văn hóa xã hội cụ thể. Nhìn vào lịch sử, bao giờ ta cũng thấy có hai bộ phận song song tồn tại: văn học tinh hoa và văn học bình dân (đại chúng). Trong thực tế, nhiều cây bút tinh hoa luôn luôn biết hút dưỡng chất của văn hóa dân gian, bình dân để vừa tinh luyện vừa chuyển hóa nó trong các sinh thể nghệ thuật ưu tú, từ đó mở rộng diện người đọc. Tuy nhiên, trong nghệ thuật tiền hiện đại, sự phổ cập của văn học là có giới hạn (về địa lí là vùng, miền, lãnh thổ; về đối tượng là phân cấp trí thức - bình dân, về thị hiếu là giới tính, tuổi tác…). Sang kỉ nguyên truyền thông hiện đại, sáng tạo và tiếp nhận văn học của văn học đại chúng có khả năng “xuyên không”, mức phổ cập của nó hết sức rộng lớn, không phân biệt quốc gia, giới tính, tuổi tác, giai tầng xã hội... Có thể nói ở đâu có internet là ở đó có mặt văn học đại chúng. Đó là lí do nên nhìn nhận nó như một thực thể, bộ phận trong tính đa dạng của văn hóa đương đại.
Thứ hai, hãy cứ giả sử toàn bộ nền văn học chỉ còn lại văn học đại chúng thì văn học sẽ lâm nguy. Để hạn chế sự bành trướng và quyền lực của văn học đại chúng, cần đến một chiến lược kép: vừa định hướng thẩm mĩ đúng đắn cho người đọc, vừa chú trọng phát triển văn học tinh hoa. Định hướng ở đây không đồng nghĩa với cấm đoán, bắt ép kiểu “quản không được thì cấm” mà phải làm cho người đọc nhận ra đâu là những giá trị nhất thời và đâu là giá trị trường cửu, đâu là những chiêu trò giải trí trước mắt và đâu là những sản phẩm tinh thần giúp con người biết “nhân đôi” mình lên nhờ sự quyến rũ của nghệ thuật. Ở đây, vai trò của phê bình văn học là hết sức quan trọng. Không thể biến phê bình văn học thành quảng cáo, biến những tác phẩm chất lượng trung bình thành kiệt tác và best-seller vì lợi nhuận. Văn học tinh hoa, dù có phần “lép vế” trước văn học đại chúng vốn có ưu thế truyền thông và sự hỗ trợ của thị trường nhưng chưa bao giờ chết. Vả chăng, đã hướng tới sáng tạo tinh hoa thì phải chấp nhận mặc định không chiều theo thị hiếu tầm thường hay sở thích nhất thời của người đọc. Các tác phẩm văn học kinh điển vẫn được xuất bản, tuy số lượng không nhiều nhưng ổn định và có chỗ đứng riêng trong độc giả, đặc biệt là giới trí thức và những người có nhu cầu được trải nghiệm văn hóa. Như vậy, phát triển văn học tinh hoa một cách hợp lí cần phải được coi là chiến lược phát triển văn hóa chiều sâu và cần được sự hỗ trợ của Nhà nước. Mặc dù nhấn mạnh sự hợp nhất giữa kinh tế và văn hóa, nhưng Piroschka Dossi đã có những nhận xét chính xác cho sự phát triển của văn học: “Mục tiêu cuối cùng của kinh tế là tạo ra lợi nhuận. Mục tiêu cuối cùng của nghệ thuật là làm sâu sắc trải nghiệm về sự tồn tại của con người”(11). Những trải nghiệm sâu sắc ấy chắc chắn chỉ có thể trông đợi ở văn học tinh hoa chứ không phải là văn học đại chúng.
Thứ ba, để phát triển văn học, có thể tìm đến một giải pháp mà nhiều nhà văn tài năng đã lựa chọn, đó là dung hợp văn học tinh hoa và văn học đại chúng. Điều này không có nghĩa là văn học tinh hoa phải hạ thấp tiêu chuẩn xuống còn văn học đại chúng thì nâng cao chất lượng nghệ thuật lên. Vì nếu chạy theo sự điều chỉnh này cũng là cách triệt tiêu hai loại hình văn học này. Vấn đề đặt ra là nhà văn phải biết viết theo tinh thần nghệ thuật của cá nhân, nhưng cũng phải nắm bắt được trạng thái tinh thần đương đại để cấp cho người đọc những sản phẩm mà họ có thể đồng điệu và chia sẻ với nhà văn. Xin được nhắc đến ở đây một số tác phẩm văn học tinh hoa trong thời kì Đổi mới vẫn đủ sức chinh phục người đọc không hề thua kém văn học đại chúng như Thời xa vắng của Lê Lựu, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, truyện cho thiếu nhi và tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp hay một số truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư… Đúng là những cách tân nghệ thuật theo lối phương Tây triệt để khó tìm được sự hưởng ứng tức thì của số đông người đọc, còn những cách tân nghệ thuật trên cơ sở dung hòa với kĩ thuật tự sự truyền thống dễ được chấp nhận và chia sẻ hơn. Không thể và không nên đưa ra một lời khuyên nào cho nghệ sĩ vì mỗi nhà văn là một cá tính sáng tạo độc đáo. Nhưng từ thực tế tiếp nhận văn học thời kì Đổi mới, có thể nghĩ đến một khả năng: nếu nhà văn biết kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, biết trình bày đời sống từ thái độ hưởng thụ cá nhân và tinh thần nhân bản thì tác phẩm của họ có khả năng chạm đến lõi sâu trong tâm thức cộng đồng. Một khi tâm thức cộng đồng được đánh thức, hiệu ứng lây lan thẩm mĩ sẽ xuất hiện và đó là lúc văn học tinh hoa có quyền tin rằng nó sẽ đến được với số đông. Rất có thể đây là một trong nhiều ngả đường mà văn học tinh hoa sẽ tìm đến, như một nỗ lực vượt qua lực cản của văn học truyền thông.
(Nguồn: Văn nghệ Quân đội)
1. Có thể tham khảo thêm: Nguyễn Thị Thanh Xuân, Tiến trình hiện đại hóa văn học đầu thế kỉ: nghiên cứu so sánh trường hợp Hàn Quốc và Việt Nam, tạp chí Nghiên cứu văn học, số 8/2010; Phạm Mạnh Hùng, Những vấn đề của văn học đại chúng: so sánh tiểu thuyết Feuilleton và chương hồi ở Nam Bộ trước 1945, tập san Khoa học xã hội và nhân văn, số 51 (2011); Trần Văn Toàn, Thị hiếu độc giả và vấn đề tính hiện đại trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 2/2008…
2. Đặng Thai Mai: Văn học bình dân và văn học cao cấp, tập san Sáng tạo, số 2 (4/1948).
3. Nguyễn Hưng Quốc: “Tính đại chúng: kẻ thù của văn học”, Mấy vấn đề phê bình và lí thuyết văn học, Văn mới, Hoa Kì, 2007, tr.181.
4. Dwight Macdonald:
“A theory of mass culture”; nguồn: https://is.muni.cz/el/1421/jaro2008/ESB032/um/5136660/MacDonald_-_A_Theory_of_Mass_Culture.pdf.
5. https://en.wikipedia.org/wiki/Popular_culture (phiên bản truy cập ngày 13/10/2016).
6. John Storey: Cultural theory and popular culture: An introduction; bản pdf đọc tại: https://uniteyouthdublin.files.wordpress.com/2015/01/john_storey_cultural_theory_and_popular_culturebookzz-org.pdf.
7. Nguyễn Văn Dân: Toàn cầu hóa văn hóa và đa dạng văn hóa, http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/van-hoa-va-phat-trien/65-nguyen-van-dan-toan-cau-hoa-van-hoa-va-da-dang-van-hoa.html.
8, 11. Piroschka Dossi: Nghệ thuật đương đại và thị trường (Hàm Phong lược dịch), tạp chí Mĩ thuật nhiếp ảnh, số 5/2016.
9. Jean-François Lyotard: Hoàn cảnh hậu hiện đại (Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính), Nxb Tri thức, 2007.
10. Thụy Khuê: Hậu hiện đại: thực chất và ảo tượng, http://thuykhue.free.fr/stt/h/HHD.html.