Khoa Tolstoi học Nga giao thời thế kỉ XX-XXI

27/07/2016

Những năm 50 của thế kỉ trước, ở những thành phố của Liên Xô có xây những ngôi nhà 5 tầng cùng một kiểu dùng làm trường học. Ngày nay, nhiều trong số những ngôi nhà đó vẫn tiếp tục được dùng làm trường trung học. Mặt tiền những toà nhà đó thường gắn 4 bức phù điêu – chân dung nhìn nghiêng của 4 nhà văn Nga. Một dãy là chân dung Puskin và Tolstoi, dãy kia – Gorki và Maiakovski.

KHOA TOLSTOI HỌC NGA GIAO THỜI THẾ KỈ XX-XXI

A.V. GULIN(*)

 

Để bắt đầu nói về khoa Tolstoi học hiện đại ở nước Nga, thiết nghĩ cũng nên nhìn về quá khứ một chút.

Những năm 50 của thế kỉ trước, ở những thành phố của Liên Xô có xây những ngôi nhà 5 tầng cùng một kiểu dùng làm trường học. Ngày nay, nhiều trong số những ngôi nhà đó vẫn tiếp tục được dùng làm trường trung học. Mặt tiền những toà nhà đó thường gắn 4 bức phù điêu – chân dung nhìn nghiêng của 4 nhà văn Nga. Một dãy là chân dung Puskin và Tolstoi, dãy kia – Gorki và Maiakovski. Tất cả những thứ đó có vẻ được cân nhắc kĩ theo chỉ đạo từ trên. Một mặt, nhấn mạnh vị thế đặc biệt của văn học trong giáo dục nhà trường, và cả trong bản thân đời sống của xã hội Xô Viết ở giai đoạn hậu kì chín muồi. Mặt khác – xác định tính tiếp nối của nền văn hoá trước cách mạng và văn hoá thế kỉ XX. Không phải ngẫu nhiên các nhà văn trên 4 bức phù điêu được lựa chọn. Mỗi người trong số họ tượng trưng cho những thành tựu cao nhất của nghệ thuật ngôn từ dân tộc ở những thời đại khác nhau. Đương nhiên, sự lựa chọn đó phản ánh không chỉ tính khách quan của sự vật, mà còn vị trí của các nhà văn đó trong bảng xếp hạng giá trị chính thống được đặt ra. Tolstoi giành được một trong vị trí hàng đầu để bắt đầu nói về khoa Tolstoi học hiện đại ở nước Nga, thiết nghĩ cũng nên nhìn về quá khứ một chút.

Tài năng to lớn của nhà cổ điển Nga vĩ đại, chiều kích khổng lồ nhân cách ông, uy tín quốc tế của Tolstoi đã khiến tên tuổi ông trở thành một trong biểu tượng chính của nước Nga thế kỉ XX. Bên cạnh đó, sự phê phán những thể chế xã hội đương thời của Tolstoi, cảm hứng xã hội trong sáng tác của ông, sự phản ánh trong đó những lí tưởng mới, lí tưởng thời đại cách mạng, đã làm nảy ý muốn sao cho nhà văn “thích ứng” hơn nữa với hệ tư tưởng Xô Viết.

Tất nhiên, Tolstoi – nhà văn rất “không tiện lợi”. Không một hệ tư tưởng nào có thể tìm thấy và sẽ không bao giờ có thể tìm thấy ở ông một đồng minh trọn vẹn cho mình. Điều này cũng đã xảy ra ở thời Xô Viết. Toàn bộ triết học tôn giáo cấu thành sáng tác của Tolstoi, những tư tưởng triết học, xã hội, kinh tế, sư phạm đáng ngờ theo quan điểm của các nhà tư tưởng Xô Viết, hoặc bị lờ đi trong chừng mực có thể, hoặc bị phê phán một cách nghiêm khắc và thường rất chuyên nghiệp. Nền tảng của khoa Tolstoi học Xô Viết nhiều chục năm là những bài báo của Lê Nin viết về nhà văn năm 1908 và 1910, trước hết là bài báo nổi tiếng – Tolstoi tấm gương của cách mạng Nga, trong đó sự khẳng định ý nghĩa toàn cầu của Tolstoi gắn liền với sự phê phán kịch liệt những tìm kiếm tôn giáo của nhà văn.

Tuy vậy, sự thừa nhận Tolstoi về phương diện chính thống là không cần nghi ngờ. Xuất bản những tuyển tập tác phẩm của ông với số lượng  khổng lồ. Những ngày lễ kỉ niệm gắn với tên tuổi Tolstoi: 100 và 150 năm ngày sinh, 50 năm ngày mất, được tổ chức trọng đại ở cấp quốc gia. Ngay những năm đầu nhà nước Xô Viết, bảo tàng Tolstoi ở Moskva và ở Iasnyai Poliana đã được xây dựng. Trong trường học dành hàng chục tiết để dạy chuyên sâu tiểu thuyết – sử thi Chiến tranh và hoà bình. Trong các thành phố thuộc Liên bang Xô Viết đều có tượng Tolstoi.

Trong  nghiên cứu văn học thời kì Xô Viết, trong số các nhà kinh  điển Nga, Tolstoi là người được nghiên cứu nhiều nhất. Tính theo đầu công trình về Tolsoi, người có thể sánh được chỉ có Puskin. Bên cạnh đó, ý nghĩa khách quan của tác giả Chiến tranh và hoà bình, Anna Karenina, Phục sinh đối với văn học Nga và văn học thế giới có nhiều điều hợp chuẩn nhà nước. Tất nhiên, đôi khi, dưới tác động của những điều cấm kị từng tồn tại, cá tính và sáng tác của nhà văn bị cắt xén, bóp méo và bị mất đi tính toàn vẹn. Trong nhiều trường hợp, tri thức khoa học bị đánh tráo bằng những huyền thoại. Song nền khoa học về văn học sống động không bao giờ làm thấp kém bản thân trong khuôn khổ hệ tư tưởng chính thống. Nó được xây dựng bởi rất nhiều người khác nhau. Cái chính yếu của khoa học này – dù có thế nào thì vẫn phải là chiều kích của cá nhân và sự tận tâm hết lòng của nhà nghiên cứu. Vả lại, bản thân hệ tư tưởng Xô Viết cũng đã từng có không ít những cái tích cực, có điều, với thời gian, nó đã phải chịu rất nhiều những thay đổi cơ bản.

Một sự kiện quan trọng trong nghiên cứu sáng tác của Tolstoi ở thế kỉ XX, đó là sự ra mắt Toàn tập tác phẩm của nhà văn gồm 90 tập. Bộ toàn tập này (đôi khi còn gọi là bộ Toàn tập kỉ niệm – theo ngày bắt đầu ra mắt các tập trùng với lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn) được xuất bản từ năm 1928 tới năm 1958 và bao gồm trong nó những văn bản chính của tất cả các tác phẩm của ông, nhiều bản thảo và dị bản, đồng thời cả nhật kí, ghi chép và thư từ. Đặc biệt lưu ý là trong Toàn tập này những trước tác tôn giáo - triết học và chính luận của Tolstoi cũng đã được xuất bản. Mặc dù các tập có những trước tác này được xuất bản với số lượng khá ít, nhưng chúng cũng đã tới được với bạn đọc Xô Viết.

Bộ Toàn tập Kỉ niệm không có đối thủ tương xứng trong lịch sử công bố di sản các nhà văn kinh điển. Sự chuẩn bị cho việc xuất bản được bắt đầu sinh thời Tolstoi. V.G. Cherkov, chủ biên chính  sau này của nó, cùng với những cộng tác viên gần gũi đã tổ chức thu thập, lưu giữ và bước đầu nghiên cứu các bản thảo của nhà văn. Bản thân Tolstoi, theo thoả thuận với Cherkov, đã cho phép ông có quyền sao chép lại không chỉ bản viết tay những tác phẩm, mà còn sao chép cả thư từ và hồi kí của mình. Nhóm Cherkov tích cực thu thập những sự kiện trong cuộc sống và sáng tác của Tolstoi. Tất cả những thông tin đó cũng được sử dụng rộng rãi cho việc chuẩn bị in ấn các tập của Toàn tập.

Xuất bản Toàn tập là một chủ chương rất quan trọng của nhà nước cùng với việc giao cho lãnh đạo quyền hành rộng rãi là trách nhiệm nặng nề đối với công việc được thực hiện. Hội đồng Quốc gia kiểm soát việc thực hiện bộ Toàn tập ở giai đoạn chuẩn bị ban đầu bao gồm A.V. Lununacharrski, M.N. Pokrovski, V.D. Bonch – Bruevich và I.I. Skvorsov – Stepanov. Sau đó, tham gia vào Hội đồng có các nhà văn lớn như: A.N. Tolstoi, A.A. Fadeev, K.A. Fedin, M.A. Solokhov và nhà nghiên cứu xuất sắc N.K. Gulzi. Cùng thời gian, Hội đồng biên tập bộ Toàn tập cũng được thành lập  gồm các nhà ngữ văn nổi tiếng và những nhân vật gần gũi với Tolstoi:  A.E. Gruzinski, N.N. Gusev, N.K. Piksanov, P.N. Sakulin, M.A. Sizavlovski, V.G. Cherkov, K.S. Sokhor-Troski, con gái nhà văn A.L. Tolstaia, người không lâu sau đó đã rời khỏi nước Nga Xô Viết. Những người biên tập và biên soạn các tập đều là các chuyên gia xuất sắc về sáng tác của nhà văn. Chính việc chuẩn bị cho ra Toàn tập Kỉ niệm, ở nhiều phương diện, đã hình thành diện mạo của ngành Tolstoi học Xô Viết.

Bất kì ai bắt tay vào việc phân tích ngành khoa học về Tolstoi ở nước Nga thế kỉ XX sẽ rơi vào tình thế khó khăn. Trước mắt người ấy là hàng chục cuốn “Di sản văn học”, những ấn phẩm khoa học các tác phẩm của nhà văn trong seri “Những kiệt tác văn chương”, hàng chục những chuyên luận, hàng nghìn bài báo – cả một thư viện khổng lồ. Ngày nay cuộc đời và sáng tác Tolstoi được nghiên cứu gần như toàn diện. Phát hiện và chính xác hoá tới từng chi tiết những sự kiện chủ yếu trong tiểu sử nhà văn, rọi sáng hàng trăm khía cạnh của thế giới nghệ thuật Tolstoi, vạch ra nhiều những vấn đề phức tạp gắn với khoa văn bản tác phẩm Tolstoi. Nền tảng của ngành Tolstoi học được tạo bởi các công trình của N.N. Gusev, N. K. Gudzia, V.A. Zdanov, N.N. Aposstolova (Ardensa). Những vấn đề về cuộc đời và sáng tác Tolstoi được soi chiếu ở nhiều góc độ trong các công trình bề thế của L.N. Gromova - Opunskaia, K.N. Lomunov, E.N. Kupreanova, A.A. Saburov, B.I. Bursov, B.M. Eikhenbaum, V.B. Sklovski, E.G. Babaev, E.Zaidensnur. Một nhóm rộng lớn những vấn đề gắn với sáng tác Tolstoi được nghiên cứu trong các công trình của S.P. Bocharov,  A.V. Chicherin, A.P. Skaftymov, P.V. Palievski, P.P. Gromov, G.Iz. Galagan, A.I. Sifman, L.M. Myskovskaiz, L.N. Myskovskaia, L.N. Kuzina, N.K. Gei, V.E. Khalizev. Danh sách còn có thể rất dài. Một số các nhà khoa học thuộc thế hệ trước hiện vẫn đang thực hiện một cách tích cực nhất công việc nghiên cứu di sản Tolstoi.

Không thể hình dung ngành Tolstoi ở nước Nga hiện nay nếu thiếu tài sản mà thời kì Xô Viết để lại cho chúng tôi. Minh chứng tốt nhất cho tính khoa học đích thực của di sản này là số phận của nó trong những năm 1990. Ở thời kì diễn ra những thay đổi cách mạng trong tất cả các lĩnh vực đời sống của nước Nga, khoa Tolstoi học không những không bị những chấn động, mà tiếp tục, như tất cả các ngành khoa học cơ bản, phát triển một cách có kế thừa. Trước nó mở ra những khả năng mới, đặt ra những nhiệm vụ mới, song không một sự cắt đứt lớn nào với quá khứ, không một tai biến, thảm hoạ nào xảy ra.

Bên cạnh đó, việc không còn những ngăn cấm thuộc hệ tư tưởng, tất nhiên, tác động rõ rệt tới nghiên cứu di sản Tolstoi ở nước Nga hai thập niên vừa qua. Những thay đổi đó diễn ra hầu như trong tất cả các lĩnh vực của ngành Tolstoi học.

Trước hết, hiểu biết của chúng tôi về văn cảnh lịch sử - văn hoá trong đó diễn ra quá trình sáng tác của nhà văn thay đổi về chất và được làm giàu thêm. Lịch sử nước Nga thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX ngày nay được nhìn nhận khác với hai -ba chục năm trước. Nó không bị gò vào những khung khổ định sẵn, mà được đặt vào toàn bộ “tính phức tạp nở rộ” của mình, trong sự đa dạng, trong chiến thắng và thất bại. Cụm từ “tính phức tạp nở rộ” là của L.N. Leonchev. Ở thời  Xô Viết, những tác phẩm của nhà tư tưởng xuất sắc này đã không được in và tên tuổi của ông cũng bị lãng quên. Hôm nay, ở nước Nga, điều trở nên  thường tình, khi nhà nghiên cứu sáng tác của Tolstoi sử dụng những luận điểm của Leonchev cùng với những suy nghĩ về nhà văn của D.Z. Merezkovski, L. Sectov, V.V. Rozanov, N.A. Berdiaev, I.A. Iin, cha Sergei Bulgakov, N.O. Loski, S.L. Frank và các nhà triết học Nga khác, những người cách đây không lâu tên tuổi bị xoá khỏi đời sống văn hoá đất nước. Đó mới chỉ là một ví dụ chứng minh cho khuynh hướng nghiên cứu  chung. Hình tượng nước Nga của chúng tôi trở nên lớn hơn, còn nhận thức của chúng tôi - bao quát hơn, kho tàng khoa học của chúng tôi - ở mức độ nào đó, - đầy đặn hơn. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được kinh nghiệm lịch sử to lớn của thế kỉ XX đầy bi kịch.

Cùng với khủng hoảng của hệ tư tưởng vô thần, sự hiểu biết của chúng tôi về con người và sáng tác của Tolstoi được bổ sung cơ bản, và chừng mực nào đó có thay đổi. Không nên cho rằng những trước tác triết học - tôn giáo của nhà văn ở thời kì Xô Viết hoàn toàn nằm ngoài tầm chú ý của các nhà Tolstoi học. Tuy vậy, những trước tác này cũng bị xếp ở hạng sau rất nhiều so với sáng tác nghệ thuật của ông. Ngày nay chúng tôi có điều kiện nghiên cứu rộng rãi  phần di sản này của nhà văn và công bố các kết quả nghiên cứu của mình. Hơn nữa, vào những thập niên cuối này, sự hạn chế của bất cứ nghiên cứu nào về Tolstoi - nhà nghệ sĩ trở nên rất rõ ràng, nếu nó nằm ngoài những quan niệm tôn giáo của ông. Nhà văn hiện diện trước chúng ta trong một chiều kích chưa từng biết trước đây, như một cá nhân có đời sống tinh thần phức tạp, người mang đức tin tôn giáo của mình ở mọi khởi điểm đời sống và sáng tác của bản thân.

Khoa Tolstoi học hiện đại là một hiện tượng vô cùng đa dạng.

Tiếp tục sự tìm kiếm những sự kiện trong tiểu sử nhà văn trước đây chưa được biết tới. Phát hiện những tư liệu gốc mới liên quan tới sáng tác của Tolstoi. Nghiên cứu theo truyền thống thi pháp các tác phẩm của nhà văn (bên cạnh những cách tiếp cận quen thuộc ở giao thời những năm 1990-2000 bổ sung thêm những nghiên cứu theo hướng thi pháp huyền thoại đang là mốt). Tiếp tục những thể nghiệm xem xét di sản của nhà văn từ quan điểm lí luận văn học. Cùng với các nhà nghiên cứu văn học, Tolstoi còn được nghiên cứu một cách tích cực bởi các nhà ngữ văn, triết gia, các nhà sư phạm, tâm lí học, các nhà chính trị học, thần học. Thật  khó khăn khi theo rõi những ấn phẩm viết về nhà văn. Còn khó khăn hơn khi quy tất cả những ấn phẩm này về một mẫu số chung. Việc không còn những khuôn khổ khắc nghiệt của hệ tư tưởng, sự tự do không hạn định trong thể hiện chính kiến, những phương pháp tiếp cận khác nhau, tạo nên trong ngành Tolstoi học hiện đại một trường lực độc đáo: những quan điểm nghiên cứu, thế giới quan, những tư tưởng không hiếm khi đối lập nhau. Nhà văn Nga vĩ đại ở đây không chỉ là tác nhân hoà giải, mà còn là tác nhân gây nên những xung đột.

Đóng góp của khoa ngữ văn Tolstoi Nga những thập niên cuối này là rất rõ rệt: nghiên cứu thi pháp và văn bản của nhà văn, cấu trúc tư tưởng những tác phẩm của ông, nghiên cứu những vấn đề tác động qua lại giữa văn học, lịch sử và triết học trong sáng tác và các trước tác của ông, nghiên cứu những vấn đề thuộc tư liệu gốc, hiện diện trong các công trình của E.V. Nhikolaeva, A.G. Grodeskaia, S.Iu. Nhikolaeva, N.D. Bludilina, V.I. Serbakova, G.V. Alekseeva và các nhà nghiên cứu khác. Các nhà nghiên cứu thuộc thế hệ cũ vẫn tiếp tục tích cực làm việc như G.Iz. Galagan, P.V. Pavilievski. Nếu cố nẩy một điều gì đó hoàn toàn mới của ngành Tolstoi học những thập niên cuối này so với những nghiên cứu thời kì Xô Viết, thì cái mới đó hoàn toàn không tách rời khỏi khuynh hướng quan trọng của  ngành nghiên cứu văn học Nga hiện đại. Tôi nói tới sự nghiên cứu rộng rãi, toàn diện văn học cổ điển Nga như một hình thức thể hiện và chiếm lĩnh các giá trị tinh thần - đạo đức của đời sống dân tộc. Từ đó nảy sinh sự cần thiết phải đánh giá toàn diện các hiện tượng văn học trong mối quan hệ với truyền thống tinh thần dân tộc.

Đối với nước Nga, trong suốt nhiều thế kỉ, tôn giáo truyền thống - Ki tô giáo chính thống, khác với thiên chúa giáo phương Tây. Những thể nghiệm thành công nghiên cứu sáng tác nghệ thuật của Tolstoi chính là từ góc độ các giá trị đời sống theo tinh thần ki tô giáo chính thống và nảy ra từ đó các điểm gần gũi bên trong với cảm quan dân tộc về thế giới. I.A. Esaulov giành một chương trong chuyên luận của mình Phạm trù sabornoct (nhà thờ hoặc cộng đồng nhà thờ - ND) trong văn học Nga (1995) nghiên cứu vấn đề  tư tưởng thống nhất của tinh thần Nga – sabornoct được phản ánh trong tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình như thế nào. Cuốn sách của Tarasov Chân lí là gì? Những chân nhân của Lev Tolstoi (2001) soi chiếu vấn đề nêu ra trên đây trên cơ sở tư liệu toàn bộ sáng tác của nhà văn. Bài viết của M.A. Mozarova Về vấn đề kết cấu đoạn, cảnh (1998) nghiên cứu ý đồ những chương nổi tiếng trong Chiến tranh và hoà bình đã được thay đổi như thế nào. Bản thân cách đặt vấn đề của những công trình này về sự tồn tại thực sự bản chất tinh thần trong sáng tác Tolstoi tỏ ra hết sức thành công.

Chính ngày hôm nay, vấn đề vô cùng to lớn – “Tolstoi và nhà thờ chính thống giáo” cùng với sự phục hồi những truyền thống tôn giáo hàng thế kỉ ở nước Nga, trở nên quan trọng đặc biệt. Dễ hiểu rằng ở thời kì Xô Viết, vấn đề này được giải quyết hết sức đơn giản. Cuộc chiến của nhà văn với nhà thờ không phải cái sau rốt cho phép các nhà tư tưởng vô thần của thời đại Xô Viết nhìn thấy ở Tolstoi đồng minh của mình. Sự kiện này biện hộ cho Tolstoi một cách rõ ràng trong con mắt họ cùng với những tìm kiếm tôn giáo của ông. Lịch sử về cuộc xung đột mang tầm thời đại đó cho đến nay vẫn chưa được viết một cách thực sự nghiêm túc khoa học. Có thể nói, trong ngành Tolstoi học tồn tại một khoảng trống lớn. Thậm chí những công trình xuất sắc của các nhà tư tưởng Nga hải ngoại cũng chưa thể lấp đầy khoảng trống đó, chẳng hạn công trình Bi kịch tinh thần của Lev Tolstoi của I. Konsevich và Cuộc cách mạng của Tolstoi của tổng giám mục San – Fransitski Ioann (Sakhovski) (chỉ vào những thập niên cuối này hai công trình nêu trên mới được xuất bản ở Nga).

Năm 2010 ra đời công trình nghiên cứu đồ sộ của giám mục Georgi Orekhanov Nhà thờ ki tô giáo chính thống Nga và L.N. Tolstoi: cuộc xung đột trong con mắt những người đương thời. Dựa trên những tư liệu lưu trữ  gốc phong phú, cuốn sách rọi ánh sáng lên lịch sử rút phép thông công của Tolstoi, thực chất những giao giảng chống nhà thờ của nhà văn, nhân cách “người thứ nhất giữa những người theo Tolstoi” của V.G. Chertov và vai trò của ông trong các sự kiện những năm cuối đời Tolstoi. Tất nhiên, đây tuy chưa phải là công trình thấu triệt, song là công trình rất cơ bản và xuất sắc.

Những vấn đề thế giới quan tôn giáo của Tolstoi ở giao thời thế kỉ XX-XXI ngày càng lôi cuốn sự chú ý của các nhà triết học trong nước. Tuy nhiên, trong phần lớn các công trình triết học hay công trình giữa triết học và văn học, việc sử dụng những cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử và duy vật biện chứng ở giai đoạn mới “duy tâm chủ nghĩa” vẫn là điển hình. Trong các công trình của E.N. Pasin, I.B. Mardov, A.A. Guseinov, E.D. Melesko, V.Z. Gornaia, ngoài tất cả những khác biệt về cách tiếp cận cá nhân, những quan điểm tôn giáo của Tolstoi vẫn bị hạn chế, giống như trước đây, ở hệ vấn đề đạo đức - triết học và được xem xét chỉ trong mối tương quan của nó với các hệ thống triết học khác. Thực tế, những truyền thống tôn giáo được nghiên cứu ở đây cũng chỉ giống như những hệ thống triết học.

Liên quan tới điều này chúng tôi thấy cần phải nêu ra đây một vấn đề  không phải không quan trọng mà ở các thập niên trước không thể xuất hiện, song ngày nay lại xuất hiện thường xuyên. Có thể xác định nó như sau: Khoa Tolstoi học (tolstovedenie) hay chủ nghĩa Tolstoi (tolstovstvo)? Hoàn toàn rõ ràng rằng Tolstoi – nhà văn biểu lộ sáng rõ đặc tính tôn giáo. Song liệu nhà nghiên cứu sáng tác của ông có cần trở thành kẻ mộ đạo tán dương tôn giáo của Tostoi? Nghiên cứu Tolstoi theo quan điểm của chính Tolstoi về bức tranh thế giới mang tính tôn giáo liệu có khách quan chăng? Hay trong trường hợp này đáng tin cậy hơn dù sao vẫn là tìm điểm dựa khách quan nằm ngoài bản thân Tolstoi?

Để chứng minh việc nghiên cứu triết học về thế giới nghệ thuật của nhà văn mang tính khách quan nghiêm ngặt có thể dẫn ra đây một chương lớn nhan đề Thiên nhiên, nhân dân, cuộc sống và cái chết như những khái niệm và giá trị nền tảng của thế giới quan Nga: từ bộ ba tự thuật đến “Chiến tranh và hoà bình” trong công trình đồ sộ của S.A. Nikolski và V.P. Filimonova Thế giới quan Nga (2009).

Một khuynh hướng nhiều hứa hẹn trong khoa nghiên cứu Tolstoi thời gian gần đây, đó là khuynh hướng nghiên cứu thi pháp và tính vấn đề của các tác phẩm của nhà văn từ góc độ những quan điểm triết học của tác giả và lí tưởng tinh thần của ông thể hiện trong  những tác phẩm đó. Có thể dẫn một thí dụ điển hình, đó là chuyên luận của E.V. Nikolaieva Thế giới nghệ thuật của L. Tolstoi: 1880-1900 (năm 2000). Cũng xin đưa ra đây kinh nghiệm khiêm tốn của bản thân trong nghiên cứu mối quan hệ qua lại giữa khuynh hướng tư tưởng của nhà văn với sáng tác nghệ thuật của ông những năm 1850-1870. Từ kinh nghiệm này, như tôi cảm thấy, có thể  nhận định rằng những miêu tả cực kì khách quan đời sống nội tâm con người và các mối quan hệ xã hội đạt tới sức mạnh thể hiện to lớn cho phép khẳng định ở Tolstoi, trước hết, hệ vấn đề cá nhân chủ quan mang tầm vũ trụ của ông. Có thể nói, những phát hiện nghệ thuật của nhà văn luôn lệ thuộc trực tiếp vào những quan điểm tôn giáo chủ quan của ông.

Những công trình dẫn ở phía trên, tất nhiên, chỉ là một phần nhỏ của những nghiên cứu hiện đại về nhà văn. Những công trình này tuyệt nhiên không thể sử dụng hết được những cách tiếp cận đa dạng, phong phú đối với hiện tượng Tolstoi trong nước Nga hiện nay. Những trung tâm chính nghiên cứu cuộc đời và sáng tác của nhà văn ở đất nước chúng tôi là Viện Văn học thế giới mang tên Gorki (IMLI) và Viện Văn học Nga thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, bảo tàng Tolstoi ở Moskva và ở Iasnaiz Poliana, các trường đại học tổng hợp Moskva và Sant – Peterbuarg. Ngành Tolstoi học hiện đang phát triển cả ở các trường đại học của các tỉnh nước Nga.

Tuy vậy, những điều kiện tồn tại khoa Tolstoi học và toàn bộ khoa học về văn học của nước Nga hiện nay, đương nhiên, không có thể gọi là lạc quan được. Cùng lúc với những cơ hội mới, xuất hiện những vấn đề và những khó khăn trước đây chưa từng gặp.

Có cảm tưởng rằng nước Nga và toàn thế giới trong hai thập niên trở lại đây thay đổi nhiều hơn hàng nghìn năm lịch sử của mình. Tất nhiên, nói thế là phóng đại, song tôi nghĩ rằng, phóng đại thế cũng không phải là quá. Thời đại cách mạng công nghệ đang diễn ra làm lay chuyển hoặc đe doạ lay chuyển truyền thống trong tất cả mọi lĩnh vực đời sống, phá vỡ sự tiếp nối giữa các thế hệ, thường làm cho cái ngày mai của chúng  ta trở nên không thể đoán định được. Ở nước Nga chúng tôi nhận thấy điều này thường xuyên và, có thể, do những đặc điểm của mình, chúng tôi nếm trải quá trình này đặc biệt gay gắt. 

Điều đang nói liên quan cả tới số phận của nền văn học cổ điển Nga, tới tình huống văn học hiện đại của đất nước. Điều ai cũng biết rằng đời sống văn hoá Nga từ hàng thế kỉ nay chủ yếu là ngôn lời và sách. Âm nhạc Nga, nghệ thuật tạo hình Nga, ở thế kỉ XX là phim ảnh, phát triển dưới tác động to lớn của văn học - thứ nghệ thuật khởi đầu, nghệ thuật “mẹ” đối với đất nước chúng tôi.

Ngày nay thế giới Nga dường như sẵn sàng đánh mất trung tâm văn học luận trước đây của mình. Trong đó đang bị mất giá trị một cách nhanh chóng thành tựu chính yếu của nó – ngôn lời. Trong những năm 40-50 của thế kỉ trước lời của các nhà văn: Mikhail Solokhov, Leonid Leonov, Alekcandr Solzenisin, Iuri Trifonov, Valentin Rasputin, Vacili Belov, - lôi cuốn sự chú ý ở nước Nga, vang lên dường như lời tiên tri. Người ta lắng nghe nó, người ta chờ đợi nó, dẫu rằng những chờ đợi ấy không phải bao giờ cũng được đáp ứng. Điều đó diễn ra giống như thời người hát rong huyền thoại Boian của chúng tôi.

Ngày nay ở nước Nga một nhà văn chân chính hầu như không được lắng nghe. Số lượng sách xuất bản không chỉ của các nhà văn hiện đại, mà còn của các nhà văn cổ điển đều giảm tới mức tối thiếu. Điều tương tự cũng có thể nói về các công trình của các nhà nghiên cứu văn học Nga, mà không hiếm khi chỉ xuất bản được vài trăm cuốn. Những sách in ở Sant-Peterbua còn rất khó tới được Moskva và ngược lại, nói gì các tỉnh thành!

Văn học sẵn sàng biến mất như một bộ môn trung tâm của giáo dục nhà trường: số giờ giảng văn bị co hẹp tới mức thảm hoạ. Văn học từ chỗ là công việc của toàn dân tộc và toàn nhân loại, nay chuyển sang loại các hiện tượng đẳng cấp chỉ dành cho những người am hiểu.

Cái gì ở đây mang tính khách quan không tránh khỏi, còn cái gì chỉ là một thứ bệnh buộc phải mắc, thời gian sẽ trả lời.

      

 Nhưng dẫu sao thì hiện nay ở Viện Văn học Thế giới thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, công việc soạn thảo và công bố Toàn tập Hàn lâm Lev Tolstoi bắt đầu từ năm 2000 vẫn đang tiếp tục. Đến nay đã có 7 tập được xuất bản. Còn khoảng 10 tập nữa đang được soạn thảo ở những giai đoạn khác nhau. Ấn phẩm sẽ bao gồm 100 tập cả thảy. Vì một số tập có khối lượng lớn nên ước tính sẽ có 120 cuốn trong bộ sưu tập. Ở đây tôi chỉ nói  về công việc mà tôi tham gia, dẫu rằng, dĩ nhiên, đây là công trình không phải dành cho một thế hệ các nhà khoa học.

Thúc đẩy chúng tôi trong công việc này không phải là sự tôn sùng quá khứ một cách mù quáng, cũng không phải là thói ích kỷ nghề nghiệp, mà là niềm tin vững chắc rằng công việc được khởi xướng này là hết sức cấp thiết. Giống như tất cả những người có hiểu biết và trách nhiệm, chúng tôi tin rằng văn học cổ điển Nga và thế giới không chỉ là tượng đài, không phải là đồ chơi cho những kẻ sính mốt, mà vẫn như trước đây, nó là một trong những nguồn sức mạnh vĩ đại trên thế giới và đang hướng tới tương lai. Một sự suy thoái hiển nhiên chờ sẵn nhân loại nếu thiếu nguồn năng lượng triết học, đạo đức, thẩm mỹ khổng lồ của nó.

Ấn phẩm mới được chia làm 5 phần: phần 1 - Các tác phẩm nghệ thuật, phần 2 - Những bản cảo và dị bản khác, phần 3 - Các tác phẩm chính luận, phê bình văn học, giáo dục và triết học-tôn giáo, phần 4 - Nhật ký, ghi chép và phần 5 - Thư từ, hồ sơ giấy tờ.

Người khởi xướng chính, người chỉ đạo công việc xuất bản, linh hồn và động lực của nó trong suốt nhiều năm là bà Lidya Dmitrievna Gromova-Opulskaya - viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Nga, nhà văn bản học cự phách, một người rất am tường sáng tác của Tolstoi. Bà đã phụ trách công việc của chúng tôi trong thời kỳ chuẩn bị, khi bà còn sống những tập đầu của bộ sưu tập đã được xuất bản. 4 tập đầu hầu như chỉ do mình Lidya Dmitrievna chuẩn bị. Những tập khác cũng sẽ không được xuất bản nếu thiếu công việc biên tập vất vả của bà.

Cuộc sống của những người chuẩn bị bộ sưu tập mới chưa khi nào nhẹ nhàng cả. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, ở đất nước chúng tôi, khoa học, nhất là khoa học nhân văn gặp rất nhiều khó khăn. Trong số phận của ấn phẩm, thời kỳ đặc biệt khó khăn là sau cái chết của Lidya Dmitrievna và sự ra đi của một số cán bộ thuộc thế hệ trước. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục chuẩn bị những tập mới, tập hợp kinh nghiệm, lôi cuốn nhiều học giả trẻ tuổi tham gia vào công việc sưu tập. Chúng tôi rất hi vọng trong hai năm tới đây hai tập mới của ấn phẩm đã được chuẩn bị về cơ bản sẽ được xuất bản, tiếp theo là những tập khác nữa.

Đương  nhiên là ngoài các cán bộ của Viện Văn học Thế giới thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, tham gia vào công việc chuẩn bị cho bộ sưu tập còn có nhiều đại diện của các trung tâm khoa học khác ở nước chúng tôi. Đó là các cán bộ của Viện Văn học Nga (Nhà Pushkin) thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Moskva. Công việc của chúng tôi sẽ là vô nghĩa nếu không có sự hợp tác thường xuyên với Bảo tàng quốc gia L.N. Tolstoi ở Moskva và Khu bảo tồn - bảo tàng “Yasnaya Polyana”.

Một câu hỏi hẳn sẽ được đặt ra: cần một bộ sưu tập mới làm gì nếu như hiện đang có ấn phẩm trước tác của Tolstoi gồm 90 tập, nhiều ấn phẩm nhiều tập khác, ấy là chưa kể đến vô số những ấn phẩm lẻ các tác phẩm của Tolstoi?

Hiện nay, không phải tất cả những gì do Tolstoi viết ra đã được in, dù điều này có vẻ lạ lùng. Chính vì thế, ở một vài phương diện, những quan niệm của chúng ta về Tolstoi cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ. Ấn phẩm Kỷ niệm dẫu đã được gọi là toàn tập nhưng trên thực tế không phải như vậy. 90 tập này hết sức tuyệt vời, xét về nhiều phương diện. Nó đã và vẫn còn có ý nghĩa to lớn đối với ngành Tolstoi học, đối với sự phát triển của văn bản học với tư cách là một lĩnh vực của nghiên cứu lý luận văn học. Không có một nhà nghiên cứu Tolstoi nào, trong đó có chúng tôi, làm công việc chuẩn bị cho bộ sưu tập mới mà lại có thể bỏ qua ấn phẩm Kỷ niệm. Và chúng tôi trong bất cứ trường hợp nào cũng không có ý định cạnh tranh - chúng tôi, trong phạm vi sức mình, vẫn kế tục những người làm công việc xuất bản Tolstoi trước chúng tôi. Nhưng chính từ vị trí này không thể không thấy những khoảng trống lớn ở trong bộ ấn phẩm kỷ niệm nhà văn (bộ 90 tập-ND).

Điều này liên quan trước hết đến những dị bản và bản cảo các cuốn tiểu thuyết của Tolstoi. Các bản thảo Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Phục sinh đã được các vị tiền bối của chúng tôi nghiên cứu và đem in gần một nửa. Vẫn như trước đây, nửa bản thảo còn lại của mỗi cuốn tiểu thuyết vẫn chưa được đọc và xuất bản. Điều đó có nghĩa rằng ngày nay không ai có thể hình dung đôi chút rõ ràng lịch sử xuất hiện những kiệt tác của Tolstoi. Nhận thức của chúng tôi trong lĩnh vực này tất yếu còn mang tính chất ước lệ.

Chúng tôi có ý định lần đầu tiên xem xét thấu đáo và đưa in bản cảo và dị bản các tác phẩm nghệ thuật của nhà văn đồng thời cùng với những văn bản chuẩn các tác phẩm của ông.

Trong bộ sưu tập kỉ niệm, tất cả các tác phẩm về tôn giáo - triết học và chính luận của Tolstoi đã được xuất bản. Nhưng đến nay những bản thảo tác phẩm chính luận của Tolstoi vẫn chưa được xuất bản dẫu chỉ là những trích đoạn. Mà đây lại là cả một đại dương bản thảo. Một ví dụ ai cũng biết: bản thảo tập luận văn Vương quốc của Chúa ở trong lòng bạn có khối lượng vượt quá cả bản thảo Chiến tranh và hòa bình Anna Karenina cộng lại. Bây giờ hãy còn sớm để nói về khả năng công bố toàn bộ, không có ngoại lệ, các bản cảo và dị bản của chính những tác phẩm chính luận này của nhà văn. Nhưng dĩ nhiên, những bản thảo của phần to lớn trong di sản nghệ thuật của Tolstoi đó cần phải được đọc và công bố, dẫu chỉ những trích đoạn quan trọng nhất. Không loại trừ một điều là cần công bố chúng một cách đầy đủ. Bộ sưu tập mới có nhiệm vụ giải quyết những nhiệm vụ đó.

Sau nửa thế kỷ, kể từ khi xuất bản ấn phẩm Kỷ niệm 90 tập, ngành văn bản học (nói chung là nhờ có sự tham gia của ấn phẩm này) đã tiến xa lên phía trước. Chúng tôi không những phải in toàn bộ đầy đủ bản cảo và dị bản các tác phẩm nghệ thuật của Tolstoi mà còn làm cho ấn phẩm này tuyệt đối rõ ràng, chính xác và có sức thuyết phục. Phải sắp xếp các bản thảo theo trật tự logic, xác định cụ thể logic vận động tư tưởng sáng tạo của nhà văn. Sự hiện diện trong ấn phẩm của chúng tôi tập “Các bản cảo và dị bản khác” cho phép giải quyết vấn đề này lần đầu tiên ở trình độ hiện đại. Dĩ nhiên, đối với nhà nghiên cứu, văn bản được in trong cuốn sách không bao giờ thay thế được thủ bản. Nhưng chúng tôi mong muốn cho mỗi một người quan tâm đến ấn bản của chúng tôi tìm thấy được độ tin cậy của cuốn sách tương đương với bản thảo. Đồng thời ngay ở tập 2 này cũng sẽ công bố những bản cảo các tác phẩm của Tolstoi được in hiện có. Chẳng hạn, bản Chiến tranh và hòa bình do Tolstoi chuẩn bị năm 1873 (cuốn đầu của tập này đã được xuất bản). Hoặc bản “năm 1805” được công bố trên tạp chí Thông tín viên Nga năm 1866, trước khi kết thúc Chiến tranh và hòa bình rất lâu.

Công việc xử lý bản thảo của Tolstoi trong lần xuất bản này của chúng tôi không tách rời công việc chủ yếu nhất là chuẩn bị các văn bản tác phẩm đúng quy tắc. Nói đúng ra, việc lựa chọn văn bản chính để công bố tự bản thân nó thường đã là một vấn đề phức tạp. Nhưng chúng tôi đặt cho mình nhiệm vụ tạo ra một văn bản cũng rất đáng tin cậy, đáp ứng được ý nguyện của tác giả: gỡ bỏ những sai sót trong khâu đánh máy, chữa mo rat và sắp chữ. Ở chỗ chúng tôi, không có tác phẩm nào được in mà lại bỏ qua việc nghiên cứu đầy đủ thấu đáo tất cả những tư liệu liên quan đến nó. Nhiệm vụ của chúng tôi là chuẩn bị một văn bản chuẩn, được hiệu chỉnh về mọi phương diện.

Đồng hồ được hiệu chỉnh theo chuẩn thời gian chính xác. Các văn bản của Tolstoi trong bộ sưu tập mới này cần được lấy làm chuẩn cho tất cả những lần tái bản về sau. Tuy nhiên, ấn phẩm kỷ niệm 90 tập, rất tiếc, không phải bao giờ cũng đáp ứng được đòi hỏi này. Còn nhớ ở chúng tôi tập về Chiến tranh và hòa bình được xuất bản hai lần, vào những năm khác nhau. Các văn bản trong đó rất khác nhau. Do đó việc trích dẫn cuốn tiểu thuyết trong các ấn phẩm khoa học cho đến nay vẫn còn là vấn đề không chắc chắn. Trên thực tế, mỗi một nhà nghiên cứu đều đụng phải vấn đề này. Người ta trích dẫn cuốn tiểu thuyết cả theo ấn bản kỷ niệm, cả theo bộ 22 tập xuất bản trong những năm 1970-1980 và cố nhiên, trích dẫn cũng khác nhau. Chúng tôi không muốn sau này còn nảy sinh những vấn đề như thế, không chỉ đối với Chiến tranh và hòa bình.

Những chú giải trong ấn bản mới này tất yếu cũng sẽ khác với những chú giải trong bộ sưu tập kỷ niệm (thường rất phong phú). Có một điều hiển nhiên là việc nghiên cứu đầy đủ, toàn diện di sản bản thảo của Tolstoi đem lại quan niệm chính xác hơn, nhiều khi rất khác về công việc của nhà văn đối với các tác phẩm của ông. Lần đầu tiên chúng tôi có khả năng khôi phục lại lịch sử sáng tác các tác phẩm đó một cách đầy đủ, thấu đáo, trong tổng thể nhất quán. Đồng thời những tư liệu mới được khoa học tích lũy trong 50 năm qua phần nào làm phong phú thêm quan niệm của chúng tôi về lao động sáng tạo của Tolstoi. Chúng tôi hi vọng rằng những ưu thế đó sẽ được tận dụng, bức tranh sẽ trở nên nổi bật, phong phú và chân xác hơn.

Trong ấn phẩm kỷ niệm 90 tập, việc công bố các tác phẩm nghệ thuật của Tolstoi không đi kèm với những chú giải cần thiết. Nghĩa là toàn bộ khối lượng sự kiện quan trọng, những chi tiết sinh động được phản ánh bằng những cách khác nhau trong sáng tác của nhà văn, về cơ bản đã không được chú giải. Những tư liệu đơn lẻ chỉ được dẫn trong những từ mục dành cho một tác phẩm.

Đôi khi chúng ta thấy rằng chú giải Tolstoi theo trang tác phẩm không có nghĩa là hiện thực nghệ thuật do Tolstoi sáng tạo nên tựa hồ độc lập với hiện thực bên ngoài mà nó phản ánh. Chúng tôi xin dẫn một chứng cứ: Napoleon của Chiến tranh và hòa bình  là một Napoleon đặc biệt, của riêng Tolstoi, nó không phụ thuộc vào lịch sử mà phụ thuộc vào cuốn tiểu thuyết. Trong trường hợp đề cập đến này thì nhắc lại những sự kiện có thật trong quá khứ, những chi tiết tiểu sử trong cuộc đời của Bonaparte trong lịch sử để làm gì? Không thể đồng ý với cách nhìn tương tự. Bây giờ không phải là lúc đi sâu vào mọi khía cạnh triết học của vấn đề này. Nhưng điều quan trọng đối với chúng tôi là sáng tác của Tolstoi - đó là một trong những sáng tác bắt rễ sâu nhất vào hiện thực: hiện thực lịch sử và hiện thực đương thời của nhà văn. Với toàn bộ sức mạnh biến đổi của trí tưởng tượng sáng tạo, sáng tác này không bao giờ là sản phẩm của hư cấu thuần túy. Tolstoi luôn tìm cho mình điểm tựa trong hiện thực, ngay cả khi ông xây dựng một quan niệm riêng về hiện thực. Và chúng ta cần phải biết văn cảnh hiện thực đó trong các tác phẩm của ông. Nói cách khác, chúng tôi không săn lùng sự vận động về tư tưởng của người nghệ sĩ cũng như ý nghĩa đích thực của những gì ông viết ra. Trong ấn bản mới, tất cả các tác phẩm của Tolstoi đang và sẽ được xuất bản với sự chú giải thấu đáo, đầy đủ và thiết thực. Trong đó, những tên tuổi lịch sử, những khái niệm và thuật ngữ, những trích dẫn hiển lộ và ngầm ẩn, những nguồn gốc của hình tượng, các cảnh và tình huống, những sự kiện trong thực tế được nhà văn nhắc đến, những thực tế khoa học, địa lý đều được soi tỏ.

Việc xuất bản Tolstoi là công việc đồng thời vừa vui mừng vừa rất phức tạp. Có lẽ chúng tôi đang đối mặt với một di sản đồ sộ nhất trong tất cả những di sản sáng tạo của nhà văn hiện có trên thế giới. Mặc dù Tolstoi thuộc về văn học Nga nhưng về phương diện nào đó thì sáng tác của ông tự nó đã là một văn phẩm vô tận cho thấy sự đa dạng khác thường về thể loại, bao quát mọi vấn đề, mọi lĩnh vực của đời sống con người, của lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX.

Từ góc độ văn bản học, trước mắt chúng ta là nhà văn hầu như kiểu mẫu. Bản thảo của Tolstoi, với vài ngoại lệ không đáng kể, đã được lưu giữ đầy đủ. Đọc chúng khó vô cùng. Chữ của Tolstoi rất khó đọc. Để hiểu những chỗ sửa chữa của ông còn khó hơn. Các phương án viết ra đôi khi chồng đầy một trang khiến ta thấy tuyệt vọng nếu muốn đọc văn bản đầu tiên. Thường bên lề hoặc giữa các dòng Tolstoi bắt đầu và tiếp tục một san định mới cho tác phẩm bằng chữ viết tay. Trong khi đó nhiều phác thảo cũ lại bị gạch bỏ. Lẽ ra vấn đề đọc một văn bản như thế sẽ được giải quyết dễ dàng nếu trước mặt ta chỉ có cả thảy vài tờ được viết. Nhưng ở Tolstoi có hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tờ như thế, làm thế nào để sắp xếp những gì được viết vào một chỉnh thể? Trình tự xuất hiện những phần bản thảo khác nhau là như thế nào? Có lẽ không thiếu một nhiệm vụ văn bản học nào mà Tolstoi lại không đặt ra trước chúng ta. Chúng đa dạng đến kỳ lạ. Đôi khi tuyệt vọng vì nó. Nhưng vẫn phải giải quyết những nhiệm vụ này. Chúng tôi có trách nhiệm đọc và hiểu hết.

Sáng tác của nhà văn cũng phong phú như thế nếu nhìn từ góc độ hiện thực cuộc sống được phản ánh trong đó. Việc chú giải Tolstoi mất thì giờ và phức tạp không kém việc chuẩn bị văn bản. Bạn hãy hình dung Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Phục sinh, Khazhi-Murat. Ở đây có hàng trăm chỗ cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng nhất về mặt lịch sử. Thật tốt nếu như có nguồn miêu tả nghệ thuật ở ngay bên cạnh. Nhưng có trường hợp tìm xuất xứ như tìm kim trong đống cỏ, phải mất rất nhiều năm. Hoặc bên cạnh những tư liệu hoàn toàn rõ ràng vẫn có những tư liệu khác chưa từng được biết đến. Đó giống như bản đồ  bầu trời sao, có thể có nhiều sao mới. Hoặc như bảng hệ thống tuần hoàn Mendeleev, ở đó những ô trống sớm muộn cũng sẽ được lấp đầy. Chúng tôi muốn bản đồ bầu trời của chúng tôi, hệ thống tuần hoàn của chúng tôi phải chính xác và đầy đủ.

Ai đó có thể cảm thấy rằng việc chuẩn bị văn bản của Tolstoi, việc chú giải các tác phẩm của ông là những việc buồn tẻ và không bõ công. Tất nhiên chúng đòi hỏi trình độ rất cao mà chỉ có thể đạt được nhờ lao động cần cù trong rất nhiều năm. Nhưng bên cạnh lao động thực sự vất vả đó vẫn có mặt vui và thậm chí hào hứng nữa. Được đọc những gì mà trước ta chưa ai được đọc, phát hiện ra niên đại chính xác của một tác phẩm, tìm thấy một xuất xứ chưa ai biết đến - đó luôn luôn là niềm hạnh phúc.

Những phát hiện lớn nhỏ như thế tất yếu diễn ra trong công việc của chúng tôi. Có một ví dụ rõ nhất mà bây giờ có lẽ nhiều người đã biết: cuốn nhật ký của Titov, hội viên hội Tam điểm, do Viktor Igorevich Shcherbakov tìm được ở Ban Bản thảo của Thư viện Quốc gia Nga. Trước đó người ta biết rằng trong thời gian viết Chiến tranh và hòa bình nhà văn đã đọc một số hồ sơ về hội Tam điểm, và chỉ có vậy thôi. Shcherbakov không chỉ tìm thấy những thứ giấy tờ đó mà còn phát hiện ra rằng trong nhật ký Tam điểm của Pier Bezukhov chúng được trích đúng từng từ. Hơn thế nữa, Shcherbakov còn tìm thấy trong Ban Bản thảo của Bảo tàng Quốc gia L.N. Tolstoi bản sao nhật ký của Titov được làm riêng cho nhà văn.

Hoặc những ghi chép của viên sĩ quan Nikolai Evstafevich Mitarevsky là một trong những tư liệu để miêu tả Piere Bezukhov ở pháo đội Raevsky trong trận Borodino. Có vẻ như Tolstoi không thể sử dụng chúng được. Nó chỉ được xuất bản thành sách riêng vào năm 1872. Nhưng một đoạn trích của nó - chính là cái đoạn miêu tả chiến trường Borodino, theo như tôi xác định, cũng đã xuất bản mười năm trước, năm 1862, trên tờ báo “Phế nhân Nga”. Tolstoi thì có biết đến đoạn trích này. 

Hiện nay chúng tôi đang hoàn thành tập 9 của bộ sưu tập (nó sẽ được xuất bản trước các tập 5 đến 8, là những tập về Chiến tranh và hòa bình). Tập này gồm những tác phẩm chưa hoàn thành của nhà văn được viết trong những năm 1860-1870. Quan trọng nhất trong số đó là hài kịch Gia đình nhiễm bệnh (Zarazhennoe semeistvo), một cuốn tiểu thuyết về thời Pyotr Đại đế, Những kẻ siêng năng và khổ hạnh (Truzhdayuschiesya i obremennye), Một trăm năm (Sto let), tiểu thuyết Những người tháng Chạp (Dekabristy) vào những năm 1870. Ngoài ra, trong tập này còn có gần nửa chục phác thảo bỏ dở. Xét trên mọi phương diện, tập này rất phức tạp: cả do tính chất rời rạc, lắp ghép của những tác phẩm được đưa vào lẫn do sự tản mạn của những hứng thú về lịch sử của nhà văn đối với thời đại đó. Dẫu sao chúng tôi cũng hi vọng chúng sẽ được xuất bản một cách xứng đáng.

Trong thế giới hiện nay những nẻo đường nhận thức Tolstoi rất đa dạng. Có thể chuyên về tường giải cuộc đời và sáng tác của nhà văn dựa trên những sự kiện đã biết, nhất là khi trước mặt ta là một hiện tượng đã thực sự được nghiên cứu hết sức nghiêm túc trong thế kỷ XX. Dĩ nhiên con đường này cần thiết và hữu ích. Nhưng đồng thời cũng tuyệt đối cần thiết là việc thu lượm và hệ thống hóa những tư liệu mới. Một cái kho đích thực chứa những thông tin như thế chính là văn bản của Tolstoi. Chúng tôi tin rằng Toàn tập Hàn lâm tác phẩm của nhà văn sẽ là cơ sở để dần dần xuất hiện bản tiểu sử mới của nhà văn, được bổ sung đáng kể và thậm chí được sửa lại ở đôi điểm, mở ra những phương diện mới trong sáng tác của ông trước nay chưa được biết đến. Khi chúng ta khôi phục lại lịch sử sáng tác một tác phẩm nào đó, nghiên cứu những sự kiện mới nhân làm công việc chú giải, thì cũng bằng cách đó, chúng ta tiến gần đến chân lý. Và chân lý ấy, có thể, lại phục vụ cho nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu và độc giả mới khi họ tiếp xúc với Tolstoi.

 


(*) TSKH Ngữ văn, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Văn học Thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (IMLI), Tổng Biên tập Toàn tập hàn lâm L.N. Tolstoi.

 

Các tin đã đưa ngày: