Phạm Ánh Sao
Bài viết của chúng tôi kết hợp thực hiện 2 nhiệm vụ: mô tả lịch trình đọc Phong Kiều dạ bạc ở Việt Nam và nhận diện đặc điểm của độc giả Phong Kiều dạ bạc ở Việt Nam. Hai nhiệm vụ trên được thực hiện trên cơ sở của quan điểm khách quan hóa đối tượng nghiên cứu, không sa vào bàn luận phải trái đúng sai khi mô tả quá trình cắt nghĩa tác phẩm, nhận diện và lý giải độc giả v.v.
Về mục đích, bài viết hướng đến nhận thức một vài khía cạnh của văn học sử trên tinh thần “văn học sử như là sự thách thức đối với khoa học văn học” (tên công trình của H. R. Jauss).
Đối tượng mà chúng tôi khảo sát chính là quá trình đọc và người đọc thơ Đường ở Việt Nam (qua trường hợp tiêu biểu - đó là hiện tượng tiếp nhận Phong Kiều dạ bạc ở Việt Nam).
Chúng tôi đã nhận diện và tiến hành khảo sát đối tượng nghiên cứu trên từ sự gợi dẫn về phương pháp luận của văn học so sánh và mỹ học tiếp nhận.
1. Khái quát quá trình tiếp nhận Phong Kiều dạ bạc ở Việt Nam
Theo logic của lịch sử, trong bối cảnh giao lưu văn hóa Trung - Việt diễn ra từ rất sớm, đặc biệt là từ thế kỷ X, khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, chắc chắn, cùng với kinh điển Nho gia, thì thơ Đường đã được lưu truyền tại Việt Nam. Các văn bản chữ Hán - chữ Nôm chép tay còn lưu giữ được ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN) cũng cho thấy, muộn nhất là đầu thế kỷ XVIII, Phong Kiều dạ bạc (PKDB) cũng như hàng trăm bài thơ Đường đã được dịch ra chữ Nôm (1).
Các bài bình điểm Đường thi của tầng lớp trí thức Việt Nam xuất hiện thời trung đại chủ yếu trong các bài tựa, bạt thi văn tập; trong khi đó, các công trình phê bình Đường thi ở Việt Nam chủ yếu xuất hiện ở thời hiện đại. Ban đầu, đó mới chỉ là những bài phê bình báo chí giới thiệu bối cảnh thời đại, tác giả, làm ngữ cảnh để giới thiệu tác phẩm dịch trên báo chí Việt Nam đầu thế kỷ; đến những năm 40 của thế kỷ XX, mới xuất hiện các bản tuyển dịch Thơ Đường như của Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, hay tuyển dịch Thơ Đỗ Phủ của Nhượng Tống; cùng với đó là công trình Việt Nam văn học sử yếu của Giáo sư Dương Quảng Hàm đã đưa thơ Đường (bài Tương tiến tửu của Lý Bạch) vào giảng dạy trong trường phổ thông thời thuộc Pháp. Sau 1945, thơ Đường chỉ được “đọc” chủ yếu ở giảng đường đại học và sau 1975, khi đất nước độc lập thống nhất, đến năm học 1989-1990, thơ Đường có mặt trong sách giáo khoa phổ thông môn Ngữ Văn trên phạm vi cả nước.
Thơ Đường nói chung trở thành khuôn mẫu và PKDB nói riêng làm nên phong vị của thơ ca Việt Nam, đặc biệt là thơ ca thời trung đại và Thơ Mới – điều đó quả thực đã được học giới thừa nhận rộng rãi.
Với những mô tả khái quát trên đây, từ góc nhìn tiếp nhận thơ Đường ở Việt Nam, chúng tôi thấy về cơ bản có ba lĩnh vực: đó là dịch thuật, phê bình và sáng tác. Tương ứng với ba lĩnh vực tiếp nhận đó là ba kiểu độc giả: dịch giả, nhà phê bình và người sáng tác. Riêng với kiểu độc giả là nhà phê bình, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ có những khảo sát cụ thể.
Cũng từ quan sát về ba lĩnh vực trên, chúng tôi thấy, lĩnh vực phê bình PKDB nổi bật lên như một hiện tượng: nó diễn ra trên cả sách báo và tạp chí, cuốn hút cả phê bình báo chí và phê bình học thuật. Lịch trình phê bình PKDB khi thưa khi dày, khi đậm khi nhạt, song đã hình thành nên một vệt sáng trải dài suốt từ thập niên 60 thế kỷ XX đến thập niên đầu thế kỷ XXI. Ban đầu chỉ là một đốm sáng khi Trần Thanh Đạm viết bài Chùa Hàn Sơn với bài thơ PKDB của Trương Kế (in trên Tạp chí Vạn Hạnh, số 12/1966), song từ loạt bài trên các báo (chẳng hạn, Nguyễn Dậu với bài Đôi điều thâu lượm quanh Hán tự in trên Tuần báo Văn Nghệ số 28/1992, Hoài Anh với bài Nên hiểu bài thơ PKDB của Trương Kế như thế nào đăng trên Văn Nghệ năm 1995 (2), Nguyễn Hà với bài Tôi đã đến chùa Hàn San đăng trên Tạp chí Du lịch số Tết Mậu Dần 1998 (3), hay Giáo sư Nguyễn Khắc Phi với bài viết Bàn thêm về cách hiểu và dịch bài thơ PKDB in trên báo Văn Nghệ Trẻ số 1/1998 (4), v.v) và nhất là loạt bài trên Tạp chí Hán Nôm (mở đầu là bài viết Tư liệu mới về một bài thơ Đường nổi tiếng của ông Trần Đắc Thọ in trên số 3/1997, tạm kết thúc là bài viết Lại bàn về bài PKDB - Một bài thơ gây xôn xao dư luận ngàn đời của Giáo sư Kiều Thu Hoạch in trên số 4/2005). Gần nửa thế kỷ đó, PKDB đã thực sự trở thành tấm gương phản chiếu bộ mặt tinh thần của thời đại, cũng như qua đó hình thành nên “phông tiếp nhận” và “tầm đón nhận” của độc giả thơ Đường ở Việt Nam.
2. Độc giả PKDB ở Việt Nam
Đến nay, khi tạm khách quan hóa một đối tượng nghiên cứu rất động là lịch trình phê bình PKDB gần nửa thế kỷ, chúng ta đã khá thuận lợi trong việc nhận diện đặc điểm của độc giả, kể cả độc giả trong các bài phê bình báo chí lẫn độc giả trong các bài phê bình học thuật.
Theo dõi “quá trình khai triển dần dần tiềm năng nghĩa ở tác phẩm” (H. R. Jauss) đối với trường hợp PKDB là điều hết sức thú vị. Ngay ở Trung Quốc, khi bài thơ Đường này truyền đến đời Tống, nhà văn Âu Dương Tu trong Lục Nhất thi thoại đã phê rằng “câu thơ thật là hay, nhưng nửa đêm không phải là lúc thỉnh chuông” (cú tắc giai hĩ, kỳ như tam canh bất thị đả chung thì). Còn hiện tượng địa danh hóa từ ngữ trong bài thơ, chẳng hạn như “ô đề” là tên thôn, “sầu miên” là tên núi, thì cũng đã xảy ra đến mức tùy tiện ở Trung Quốc trong suốt lịch sử tiếp nhận bài thơ này (5). Vì thế, ở Việt Nam, nếu đọc bài viết rất dày dặn của ông Trần Thanh Đạm trên Tạp chí Vạn Hạnh năm 1966, chúng ta sẽ không có gì ngạc nhiên, khi tác giả cung cấp một lượng tư liệu phong phú về cách đọc kể trên của độc giả Trung Quốc. Hơn nữa, ông Trần Thanh Đạm viết bài cho một tạp chí Phật giáo, nên cách đọc của ông nghiêng hẳn về nhà Phật. Ông dành sự quan tâm sâu sắc đến các vấn đề liên quan đến ngôi chùa Hàn San như vị trí, lai lịch ngôi chùa và hành trạng của hai nhà sư Hàn Sơn, Thập Đắc từng trụ trì tại đó; thậm chí ông dành mấy trang để trình bày tri thức hiểu biết của mình về “nguồn gốc và triết học Thiên Thai tông”; sau đó mới nói về bối cảnh xã hội đời Đường và lai lịch, hành trạng nhà thơ Trương Kế, qua đó chỉ rõ xuất xứ của bài thơ. Tuy quá quan tâm đến những vấn đề liên quan nằm ngoài văn bản tác phẩm, nhưng bài viết của ông cũng đã đề cập trực tiếp đến chủ đề rất đáng chú ý của bài thơ qua việc trích dẫn ý kiến của học giả Trung Quốc Vương Đoan Lý: “Trăng lặn như một xã hội đang xuống giốc, tiếng quạ kêu bi thiết rùng rợn như tiếng rên rỉ của con người trong thời ly loạn đầy cảnh giết chóc; màn sương bao phủ khắp trời làm tối tăm thêm, khi ánh trăng chẳng chiếu sáng được bao nhiêu vừa tắt hẳn; những đốm lửa chài nhấp nháy leo lét như những hồn ma vất vưởng, cây bàng vàng úa đang rì rào một điệp khúc ai oán thê lương, thành Cô Tô triền miên trong giấc ngủ kinh hoàng; những tiếng chuông lạnh lùng nức nở của chùa Hàn Sơn, đương từng giọt từng giọt thấm sâu vào để uẩn sầu muộn ưu tư của một con người giàu cảm xúc sống lang thang phiêu bạt đương nằm khắc khoải trong chiếc thuyền cô lạnh đó, đã dẫn khởi không biết bao nhiêu lời bình luận và chú giải của những nhà hữu tâm với văn học”, hay ý kiến của Bát Bá, một học giả Trung Quốc khác: “Bài thơ bất hủ của Trương Kế dùng thể tỷ, nó đã gián tiếp bóng bẩy nói lên tất cả trạng huống bi đát của thời đại đó. Và có thể coi như một tư trào mới bắt đầu xuất hiện trong thi ca Trung-Vãn-Đường chuyên về tuyệt thi hàm xúc ý tứ sâu kín tế nhị.”
Ngoài ra, ông Trần Thanh Đạm cũng rất quan tâm đến cách “hiện thời hóa” của các học giả trên đối với PKDB; chẳng hạn, ông dẫn lời Vương Đoan Lý cho rằng Trương Kế đã nhầm cây ô bách là cây phong, hay tán tụng “lý luận rất độc đáo” của Bát Bá khi cho rằng “ngủ rồi sao còn cảm thấy sầu, ngủ rồi sao còn để ý nghe thấy hồi chuông chùa Hàn Sơn đưa đến con thuyền khuya khoắt”.
Chúng tôi cho rằng, cách đọc trên của ông Trần Thanh Đạm nghiêng về cung cấp tri thức liên quan đến PKDB (kể cả cách đọc PKDB của các học giả khác). Ông Trần Thanh Đạm chưa chú ý đúng mức tới bản thân PKDB, tác phẩm chỉ như một cái cớ để ông trình bày tri thức uyên thâm của mình. Cách đọc tách riêng tác phẩm khỏi hệ thống (quá trình phát triển nội tại của thi ca Trung Quốc nói riêng, văn học Trung Quốc nói chung), “dĩ sử chứng thi”, “đoạn chương thủ nghĩa”, gán ghép tùy tiện, không chú ý đến tính chỉnh thể của tác phẩm (cấu trúc nội quan của PKDB) v.v đó, ở các mức độ khác nhau, đã được tái hiện trong các cách đọc của độc giả Việt Nam sau này.
Dễ nhận thấy nhất là cách đọc “đồng nhất văn học và thực tại”. Xưa ở Trung Quốc, Âu Dương Tu từng phê Trương Kế rằng chùa Hàn San không đánh chuông vào lúc nửa đêm, nay ở Việt Nam, nhà phê bình Nguyễn Dậu cho dịch giả Nhược Lan dịch dòng thơ thứ hai: Sầu dài sánh với gió sông lửa chài là “sai hoàn toàn”, tự tin hơn lại “cả gan” nói câu thơ Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ do KD (?!) dịch là “lại càng sai”. Chứng cứ mà ông Nguyễn Dậu đưa ra là “nếu ai có dịp đi qua Cô Tô, hãy đến cầu Phong ở phía tây thành có bến Cô Tô. Hai bờ sông có hai ngọn núi đối ảnh sơn, một núi mang tên Giang Phong, một núi mang tên Ngư Hỏa. Vậy, Giang Phong và Ngư Hỏa trong thơ không dính gì đến cây phong và lửa nhà chài cả” (6). Hẳn ông Nguyễn Dậu đã đến Tô Châu (7).
Phát hiện “động trời” của ông Nguyễn Dậu đã gây sự chú ý của nhiều người đọc yêu thích PKDB. Ông Mai Quốc Liên ngay sau đó đã bày tỏ sự nghi ngờ: “nếu ở Cô Tô có hai ngọn núi được đặt tên như thế thật, thì có thể đó là do đời sau, người ta nhân chữ thơ của Trương Kế mà đặt ra chăng?” và đưa ra lý giải: “trong các bản Đường thi xưa nay (mà bản mới nhất: Toàn Đường tuyệt cú tuyển dịch - Bắc Kinh, 1984) không thấy ai chú đó là hai địa danh. Chẳng lẽ tất cả các học giả Trung Hoa đều dốt địa lý và quan liêu ngồi nhà chú sai hiểu sai thơ đến thế! Nhưng thôi cứ cho đó là một phát hiện mới, thì vẫn còn lại điều quan trọng nhất này: với hai quả núi trong câu thơ, bài thơ Trương Kế từ chỗ siêu thoát Đạo gia, bỗng trở nên nặng nề ngang với trọng lượng của chính hai quả núi! Nó sẽ mất hay đi nhiều lắm lắm!” (8) Còn Hoài Anh cũng trên tuần báo Văn Nghệ đã viết bài khẳng định: “Giang phong và ngư hỏa vẫn cứ là cây phong bên sông và lửa chài, chứ không phải là tên hai quả núi Giang Phong và Ngư Hỏa. Còn vì sao lại có tên Ô Đề thôn và Sầu Miên sơn? Tôi cho rằng sau khi bài thơ Trương Kế trở thành nổi tiếng, người ta mới gọi tên cái thôn ở gần chùa Hàn San là thôn Ô Đề, và hòn núi ở gần chùa là núi Sầu Miên. Do đó, câu chuyện Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên không thể hiểu là trăng lặn ở thôn Ô Đề, sương đầy trời, và câu Giang phong ngư hỏa đối sầu miên không thể hiểu là cây phong bên sông, lửa chài với núi Sầu Miên cùng vọng về nhau, mà vẫn phải hiểu như trước đây chúng ta đã hiểu”(9) .
Mặc dù ông Mai Quốc Liên và tác giả Hoài Anh đã nói thế, nhưng cách đọc trên của ông Nguyễn Dậu trên thực tế vẫn gây được ảnh hưởng sâu sắc đối với những người đọc tiếp theo, thậm chí dường như còn tạo nên một tiêu chí có tính quyền uy khi đọc PKDB. Điều đó được thể hiện không chỉ ở các bài phê bình báo chí, mà còn phảng phất trong các bài phê bình học thuật. Chẳng hạn, ông Nguyễn Quảng Tuân viết: “Chúng tôi thấy cần phải đến tận nơi để tìm hiểu cho được chính xác bài thơ PKDB của Trương Kế, nếu không sẽ có những nhầm lẫn đáng tiếc trong việc chú thích và minh họa như đã nói ở trên” (10).
Cũng thế, ngay từ năm 1966, ông Trần Thanh Đạm đã băn khoăn: “Ta thấy cần phải xem lại đám địa danh vì trong bài thơ bất tử nói trên không thể nào lại chứa đựng nhiều tên riêng như thế. Nó sẽ ảnh hưởng đến chất thơ và nếu quả thực nó đúng như thế, bài thơ không thể tồn tại hết đời này sang đời khác”, song hiện tượng địa danh hóa từ ngữ bài thơ vẫn tái diễn và cực đoan đến mức hai dòng thơ đầu có tới 4-5 địa danh: Ô Đề thôn, Giang Kiều, Phong Kiều, Ngư Hỏa sơn, Sầu Miên Sơn.
Bên cạnh đó, quá trình hiện thời hóa cũng cho thấy độ vênh giữa các độc giả; chẳng hạn việc tái hiện những hình ảnh nguyệt lạc (trăng tà / trăng lặn), ô đề (chiếc quạ / bầy quạ / quạ không ăn đêm), giang phong (cây phong bên sông / cây ô bách), ngư hỏa (ánh lửa / bếp lửa), sầu miên (nỗi buồn dằng dặc / ngủ không yên giấc), Cô Tô (bến Cô Tô / bến Phong Kiều), dạ bán (nửa đêm / đêm khuya) v.v. Các cách đọc đối thoại đi đến bác bỏ xu hướng địa danh hóa cũng diễn ra sôi nổi, thể hiện rõ “phông tiếp nhận” và “tầm đón nhận” của độc giả thơ Đường ở Việt Nam; đặc biệt là các bài viết xuất hiện trên Tạp chí Hán Nôm từ 1997 đến 2005. Trong số các bài viết đó, Giáo sư Kiều Thu Hoạch đã thể hiện một cách đọc giàu tính thuyết phục, xứng đáng với danh hiệu “siêu độc giả” khi ông lý giải hiện tượng địa danh hóa: “Điều này không có gì là lạ; do chỗ bài thơ quá nổi tiếng, nên trong quá trình lưu truyền nó đã được dân gian truyền thuyết hóa và địa danh hóa luôn một số từ ngữ theo cách lý giải của họ. Folklore học gọi đây là cách giải thích theo tự nguyên học dân gian (étymologie vulgaire / populaire) và là hiện tượng có tính quy luật và có tính phổ quát trong văn hóa dân gian nói chung, trong địa danh học nói riêng”. Tuy nhiên, vẫn có người đọc như ông Trần Đắc Thọ trong khi bác bỏ địa danh Ngư Hỏa (với lý do: không ai lại đặt tên như thế) và Sầu Miên (với lý do: trong bản đồ du lịch không ghi), lại vẫn thừa nhận địa danh Ô Đề và Giang Phong. Còn về căn cứ để bác bỏ, ông Nguyễn Quảng Tuân, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi và cả Giáo sư Kiều Thu Hoạch đều đi theo hướng dựa vào chú giải (có tính quyền uy) của học giả Trung Quốc (11). Điều đó cho thấy, độc giả Việt Nam vẫn chưa tự tin vào cách đọc của mình.
Như vậy, với những mô tả và phân tích các tư liệu hiện có thuộc lĩnh vực phê bình ở trên, chúng ta có thể rút ra một vài kết luận ban đầu về độc giả PKDB ở Việt Nam:
-Độc giả PKDB thuộc lĩnh vực phê bình ở Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với độc giả Trung Quốc và về cơ bản có thể chia làm hai loại, đó là nhà phê bình báo chí và nhà phê bình học thuật. Chịu sự quy định của “phông tiếp nhận” ở các thời đại khác nhau và “tầm đón nhận” ở các cá nhân khác nhau, hai loại độc giả này, về cách đọc, tuy có điểm chung, song cũng tương đối khác nhau khi huy động kinh nghiệm thẩm mỹ và kinh nghiệm sống trong việc đọc văn bản tác phẩm.
-Thực sự đã tồn tại một khoảng cách thẩm mỹ khá lớn giữa “tầm đón nhận” của tác phẩm và “tầm đón nhận” của độc giả PKDB.
-Trong quá trình hiện thời hóa, người đọc PKDB ở Việt Nam đã dành cho mình một khoảng tự do tương đối rộng, vì vậy đã “nảy sinh sự lệch lạc đáng kể khỏi chủ định của tác giả”.
-Nhiều độc giả đã đọc tác phẩm bằng quan niệm đồng nhất văn học và thực tại khiến bài thơ mất đi tính hệ thống và tính chỉnh thể. Quan niệm này xuất hiện ngay từ đời Tống ở Trung Quốc và tồn tại đến tận ngày nay ở Việt Nam.
-Quá trình độc giả cắt nghĩa bài thơ ở Việt Nam, dù không đột xuất, song cũng thể hiện rõ một xu thế: từ chỗ hoàn toàn chỉ chú ý những vấn đề nằm ngoài văn bản tác phẩm đến chỗ đã chú ý tới chính bản thân văn bản tác phẩm. Do vậy, đã xuất hiện loại “siêu độc giả” khi đọc huy động chủ yếu kinh nghiệm thẩm mỹ.
-Tuy nhiên, nhìn tổng thể, cách đọc PKDB trước nay của người đọc Việt Nam thể hiện rất rõ “phông tiếp nhận” và “tầm đón nhận” thuộc về một thời đại - thời đại bị gián cách và đứt gãy với văn hóa, văn học quá khứ. Tính chất ước lệ tượng trưng, nguyên tắc thể hiện “ý tại ngôn ngoại”, mô thức và phương thức trữ tình kết hợp tả cảnh ngụ tình, cũng như các mô-típ chủ đề, đặc trưng hứng tượng, tính hệ thống, tính chỉnh thể của tác phẩm v.v, vẫn chưa được độc giả chú ý đầy đủ. Do vậy, PKDB vẫn xứng đáng là tác phẩm “khơi dậy được ý thức phê bình mới mẻ trong người đọc” (W. Iser). Nó vẫn là “cấu trúc vẫy gọi” người đọc hôm nay và mãi mãi về sau.
3. Hướng mở của bài viết:
Bài viết còn để lại những khoảng trống sau cần phải tiếp tục khảo sát:
-Tìm hiểu độc giả PKDB ít nhất là trong sáng tác thơ ca trung đại và trong Thơ Mới;
-Tìm hiểu người đọc PKDB trong các dịch phẩm từ thời trung đại (chữ Nôm) đến thời hiện đại đương đại (chữ Quốc ngữ).
-Tiếp tục đi sâu tìm hiểu và lý giải “phông tiếp nhận” và “tầm đón nhận” của độc giả, mối quan hệ giữa chủ ý của tác giả và sự cụ thể hóa của độc giả.
-Ngay ở đối tượng trực tiếp của bài viết này, cũng cần có những khảo sát bổ sung và theo dõi những cách đọc của những độc giả tiếp theo, phạm vi tư liệu cũng cần mở rộng, không chỉ bài viết trên sách báo tạp chí in ấn mà cả những bài viết vô cùng phong phú đăng trên mạng internet.
-Ở mức hoàn chỉnh hơn, tiến hành so sánh với cách đọc của độc giả PKDB ở Trung Quốc.
Tháng 12/2010
_______________
Nguồn: In trong Kỷ yếu HTKH Người đọc và công chúng nghệ thuật đương đại. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011, tr.234-242.
_______________
1. Xin xem: Nguyễn Xuân Diện (2006), Khảo sát và giới thiệu các bản dịch Nôm thơ Đường trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tạp chí Hán Nôm, số 6, tr.44-50.
2. Bài viết này sau được Hoài Anh (2002) đưa vào cuốn Thơ Đường - giai thoại và tác giả, Nxb Văn Nghệ, TP Hồ Chí Minh.
3. Bài viết này sau được Giáo sư Nguyễn Khắc Phi (1999) đưa vào cuốn Thơ văn cổ Trung Hoa - mảnh đất quen mà lạ, Nxb Giáo Dục, tr.177-181.
4. Bài viết này sau được Giáo sư Nguyễn Khắc Phi (1999) đưa vào cuốn Thơ văn cổ Trung Hoa - mảnh đất quen mà lạ, Nxb Giáo Dục, tr.171-177.
5. Sách Đường thi chú giải chép: “Phiến đá Sầu Miên ở phía tây Phong Kiều, vì vậy thơ của Trương Kế quả có xuất xứ” (Sầu Miên thạch tại Phong Kiều chi tây, cố Trương thi thực hữu xuất xứ). Sách Dự chí chép: “Phía tây Ngô huyện có cung uyển, cầm đài, hành lang Hưởng Điệp, đình Sầu Miên” (Ngô huyện tây hữu cung uyển, cầm đài, hành lang Hưởng Điệp, đình Sầu Miên). Sách Ngô quận chí chép: “Núi Linh Nham ở phía tây thành Bình Giang, vườn ngự của Ngô Vương ở đó, có cung Quán Nhai, đá Sầu Miên” (Bình Giang thành tây Linh Nham sơn, Ngô Vương biệt uyển tại yên, hữu Quán Nhai cung, Sầu Miên thạch). Nhà thơ Mao Tiên Thư (đời Thanh) cũng cho rằng: “Ở Tô Châu, đối diện với chùa Hàn San có núi Sầu Miên”.
6. Xin xem: Nguyễn Dậu (1992), Đôi điều thâu lượm quanh Hán tự, đăng trên báo Văn Nghệ, số 48, tr.5.
7. Đọc bài của Hoài Anh trên báo Văn Nghệ số 13/1995 mới biết ông Nguyễn Dậu đã từng sang Trung Quốc và nghe họ bảo thế.
8. Xin xem: Mai Quốc Liên (1993), Về bài thơ PKDB, đăng trên mục Trao đổi, báo Văn Nghệ, số 10.
9. Xin xem: Hoài Anh (1995), Nên hiểu về bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế như thế nào, đăng trên báo Văn nghệ, số 13.
10. Nguyễn Quảng Tuân (2002), Đến Hàn San tự để tìm hiểu bài thơ PKDB của Trương Kế, in trên Tạp chí Hán Nôm, số 1; Xin xem thêm: Nguyễn Hà, Tôi đã đến chùa Hàn San, in trong Nguyễn Khắc Phi (1999), Thơ văn cổ Trung Hoa - mảnh đất quen mà lạ, Nxb Giáo Dục, tr.177-181; Kiều Thu Hoạch (2005), Một bài thơ gây xôn xao dư luận ngàn đời, in trên Tạp chí Hán Nôm, số 4.
11. Xin xem: Nguyễn Khắc Phi (1999), Bàn thêm về cách hiểu và dịch bài thơ PKDB, in trong cuốn Thơ văn cổ Trung Hoa - mảnh đất quen mà lạ, Nxb Giáo Dục, tr.171-177; Nguyễn Quảng Tuân (2002), Đến Hàn San tự để tìm hiểu bài thơ PKDB của Trương Kế, in trên Tạp chí Hán Nôm, số 1; Kiều Thu Hoạch (2005), Một bài thơ gây xôn xao dư luận ngàn đời, in trên Tạp chí Hán Nôm, số 4.