ĐỘC GIẢ KINH THI TẠI VIỆT NAM (Qua lịch sử tiếp nhận Kinh Thi tại Việt Nam thời trung đại)

ĐỘC GIẢ KINH THI TẠI VIỆT NAM

(Qua lịch sử tiếp nhận Kinh Thi tại Việt Nam thời trung đại)

Phạm Ánh Sao

1.Đặt vấn đề:

Năm 1997, nhân Hội thảo khoa học Kỷ niệm 25 năm thành lập ngành Hán Nôm, chúng tôi đã đặt vấn đề về phương pháp tiếp cận Kinh Thi (1); tuy nhiên, ở thời điểm đó, chúng tôi mới chỉ thể hiện sự quan tâm đến bản thân Kinh Thi, chứ chưa chú ý tới vấn đề ảnh hưởng và tiếp nhận Kinh Thi ở Trung Quốc cũng như ở các nước khác trong khu vực.

Vì lẽ đó, từ năm 2003 đến nay, được sự ủng hộ của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc), chúng tôi đã tiếp tục nghiên cứu Kinh Thi từ góc độ văn hóa - văn học so sánh. Chúng tôi cho rằng, mở rộng nghiên cứu Kinh Thi trong bối cảnh giao lưu văn hóa khu vực Đông Á mà Trung Quốc là trung tâm có ý nghĩa không nhỏ. Nó không chỉ giúp nhận thức toàn diện hơn Kinh Thi, mà còn giúp hiểu thêm về văn hóa, văn học Việt Nam, sự lựa chọn, hay khả năng tiếp nhận và năng lực tiếp biến của Việt Nam thời kỳ trung đại.

Một lẽ khác nữa, ở địa hạt văn hóa văn học so sánh, trước nay chúng ta thường quan tâm nhiều đến vấn đề ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam khi khảo sát văn cảnh giao lưu văn hóa văn học giữa hai nước. Phải thừa nhận rằng, hướng nghiên cứu đó là quan trọng và cần thiết, khách quan và khoa học (nhờ vậy đã tích lũy được nhiều thành tựu). Tuy nhiên, cùng với hướng tiếp cận đó, lý thuyết mỹ học tiếp nhận còn gợi mở cho ta một góc nhìn khác - góc nhìn từ phía người tiếp nhận. Trung Quốc ảnh hưởng tới Việt Nam, song đồng thời với quá trình đó là Việt Nam tiếp nhận từ Trung Quốc. Ảnh hưởng và tiếp nhận vốn là hai mặt hữu cơ không thể tách rời của quá trình giao lưu văn hóa; do vậy, cùng với việc khảo cứu mặt ảnh hưởng, thì khảo luận phương diện tiếp nhận chắc chắn sẽ đưa lại những nhận thức đầy đủ hơn về đối tượng nghiên cứu.

Như vậy, ở bài viết này, chủ thể tiếp nhận - độc giả Kinh Thi sẽ trở thành đối tượng nghiên cứu chính, đồng thời phương pháp luận văn hóa - văn học so sánh cũng sẽ được soi chiếu trên cả hai bình diện: ảnh hưởng và tiếp nhận.

2.Lược sử vấn đề nghiên cứu:

Như đã đề cập ở trên, nghiên cứu Kinh Thi theo hướng ảnh hưởng - tiếp nhận (văn hóa văn học so sánh) tại Việt Nam gần đây mới được chú ý.

Năm 2001, trên tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm, Trần Lê Sáng công bố bài viết Kinh Thi với thơ văn Hán Nôm; tác giả đã điểm lại ảnh hưởng của Kinh Thi tới thơ văn chữ Hán và chữ Nôm tại Việt Nam, trong đó liệt kê một số câu thơ Nôm trong các tác phẩm văn thơ có nhắc đến nội dung nào đó thuộc Kinh Thi.

Người đầu tiên nghiên cứu Kinh Thi ở Việt Nam một cách khoa học và do vậy có những đóng góp to lớn là Nguyễn Tuấn Cường. Hướng nghiên cứu chính của nhà khoa học này là ngôn ngữ văn tự học, một lĩnh vực vô cùng khó khăn, phức tạp. Cùng với Luận văn Nghiên cứu diên cách cấu trúc chữ Nôm theo cấp độ câu (qua bốn bản giải âm Kinh Thi) (2), Nguyễn Tuấn Cường còn công bố một loạt bài viết, vừa đi sâu vào hướng nghiên cứu chính (ngôn ngữ văn tự học), vừa mở rộng suy ngẫm về những hướng tiếp cận khác (phiên dịch học, văn hóa văn học so sánh v.v) (3). Thành quả nghiên cứu về văn bản, kết quả phiên dịch - chú giải đáng tin cậy các tác phẩm Kinh Thi ở Việt Nam, cũng như thành tựu nghiên cứu liên ngành của Nguyễn Tuấn Cường... thực sự là cơ sở, nền tảng để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ của mình trong bài viết này.

3.Vài nét về quá trình tiếp nhận Kinh Thi tại Việt Nam

Suốt thời kỳ trung đại, ở Việt Nam, Kinh Thi được truyền bá ngày một rộng rãi, ảnh hưởng ngày càng sâu sắc tới văn hóa, văn học Việt Nam; quá trình tiếp nhận và tiếp biến kinh điển này cũng diễn ra tự nhiên và liên tục.

Theo khảo tả của Nguyễn Tuấn Cường trong Luận văn Thạc sĩ và các bài viết đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành, việc dịch Kinh Thi từ tiếng Hán sang tiếng Việt (qua chữ Nôm) được đặt ra từ rất sớm trên lãnh thổ Việt Nam; chẳng hạn, sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa cho rằng “đến thời Sĩ vương dời xe đến nước ta, [cai trị] hơn bốn mươi năm, ban khắp giáo hóa, giải nghĩa bằng lời thông tục nước Nam để thông hiểu chương cú, hợp thành thi ca quốc ngữ để ghi tên gọi, theo vần mà làm sách Chỉ nam phẩm vựng gồm hai quyển thượng và hạ” (4); hay Văn Đa Cư Sĩ Nguyễn Văn San 阮文珊 (khoảng nửa sau thế kỉ 19) cho Sĩ Nhiếp (士燮, 187 - 226) dịch Kinh Thi ra chữ Nôm (5)...; rồi thời nhà Hồ, bộ tín sử Đại Việt sử kí toàn thư chép: “Tháng 11 [năm Quang Thái thứ 9 (1396)], [Hồ] Quý Li làm sách Quốc ngữ Thi nghĩa và bài tựa, sai nữ sư dạy hậu phi và cung nhân học tập. Bài tựa phần nhiều theo ý mình, không theo tập truyện của Chu Tử” (6) ...; hay sau thời nhà Hồ, nghe nói (vì tư liệu đã mất) còn có Nguyễn Quý Kính / Cảnh (阮貴憼 1693 - 1766) thích nghĩa Tứ Thư Ngũ Kinh (hẳn phải có Kinh Thi) và Tùng Thiện vương Nguyễn Miên Thẩm 阮綿審 (1819 - 1870) viết một quyển Thi Kinh quốc âm ca 詩經國音歌 v.v.

Cũng theo thống kê, mô tả của Nguyễn Tuấn Cường, mặc dù nhiều tư liệu đã mất mát, nhưng hiện vẫn còn lưu giữ được 08 tác phẩm, 20 văn bản, 32 kí hiệu sách, với tổng số 5.384 trang tư liệu về Kinh Thi chữ Nôm. Các dịch phẩm này có những đặc điểm rất quý giá: có cả văn xuôivăn vần, có cả toàn dịchlược dịch, niên đại lại trải dài từ đầu thế kỉ 18 đến cuối thế kỉ 19 - đầu thế kỉ 20. Có thể liệt kê một số tác phẩm tiêu biểu như: Thi Kinh giải âm 詩經解音, Thi Kinh đại toàn tiết yếu diễn nghĩa 詩經大全節要演義, Thập ngũ Quốc Phong diễn âm 十五國風演音, Thi Kinh thập ngũ Quốc Phong diễn âm ca khúc 詩經十五國風演音歌曲, Thi Kinh quốc ngữ ca 詩經國語歌 v.v.

Sau thời kỳ trung đại, mặc dù Kinh Thi không còn địa vị như trước, song vẫn được các vị túc nho phiên dịch ra chữ Quốc ngữ. Chẳng hạn, đầu thế kỷ XX, Nguyễn Khắc Hiếu, Nghiêm Thượng Văn, Đặng Đức Tô đã chọn và dịch thơ 63 thiên (7); vào cuối những năm 60 - đầu những năm 70 của thế kỷ XX, Tạ Quang Phát dịch Kinh Thi (7) . Gần đây, Phạm Thị Hảo lại tuyển dịch 100 bài (Nxb Đồng Nai, 1999); Trần Lê Sáng khi biên soạn phần Kinh Thi trong bộ Ngữ văn Hán Nôm cũng tuyển chọn, giới thiệu và dịch chú 53 thiên (9). Hiện nay, Kinh Thi cũng được giảng dạy cho sinh viên và học viên ngành Văn học và Hán Nôm tại hầu hết các trường Đại học ở Việt Nam (10).

4.Độc giả Kinh Thi tại Việt Nam thời trung đại:

4.1.Nhận diện:

Mỹ học tiếp nhận (ra đời từ những năm 60 của thế kỷ XX) cho rằng, cái mà nhà văn viết ra, đó mới chỉ được coi là văn bản tác phẩm. Về bản chất, văn bản chỉ là một thứ khung sườn, tiềm tàng khả năng tạo nghĩa, đầy những khoảng trống được tạo nên bởi một hệ thống ký hiệu (chữ viết), nhằm phục vụ cho một “cộng đồng diễn giải” nào đó. Chỉ khi nào xảy ra sự gặp gỡ giữa độc giả và văn bản, chỉ khi nào diễn ra quá trình cụ thể hóa (đọc và cắt nghĩa), tác phẩm mới hình thành và được hình thành trong ý thức độc giả. Độc giả là nhân vật trung tâm trong lý thuyết mỹ học tiếp nhận của trường phái Konstanz (CHLB Đức). Trường phái này cho rằng, giá trị thẩm mỹ, tác động thẩm mỹ... của tác phẩm đều dựa trên cơ sở sự khác biệt giữa tầm đón đợi của tác phẩm và tầm đón đợi của độc giả, được thực hiện dưới dạng kinh nghiệm thẩm mỹ và kinh nghiệm sống thực tế.

Chúng tôi sử dụng khái niệm “độc giả” ở bài viết này là để chỉ chủ thể giải độc (thông diễn) Kinh Thi, đã từng cụ thể hóa “sự hiểu” tác phẩm kinh điển Nho gia có xuất xứ từ Trung Quốc này qua bản dịch, qua trước tác bằng chữ Hán, chữ Nôm và để lại dấu vết “không phai mờ” trong những văn bản hoặc in hoặc chép tay, được viết theo lối văn xuôi hoặc văn vần và hiện vẫn còn lưu giữ trong các cơ quan lưu trữ hoặc thư viện tại Việt Nam.

Qua tư liệu thành văn hiện còn, có thể nhận diện và tạm phân thành hai kiểu loại độc giả Kinh Thi tại Việt Nam thời trung đại như sau:

-Kiểu loại thứ nhất: dịch giả. Kiểu loại độc giả này thuộc về các văn bản diễn Nôm, hoặc ít hoặc nhiều, hoặc ở thời huyền sử hay thời tín sử, họ đều là những đại diện thuộc tầng lớp quý tộc hoàng gia và trí thức ưu tú. Quá trình diễn Nôm Kinh Thi từ Sĩ Nhiếp, Hồ Quý Li, Nguyễn Miên Thẩm, Bùi Huy Bích..., đến các tác giả vô danh sau này, đã cho thấy một xu hướng chuyển dịch tiếp nhận kinh điển Nho gia, từ hoàng gia, quý tộc xuống trí thức, từ cung đình xuống dân gian. Loại độc giả này, vì thuộc một phạm vi tư liệu hẹp, nên đã thể hiện đặc điểm đơn nhất về loại hình: họ là những nhà phiên dịch thuộc truyền thống thuyên thích học có lịch sử lâu đời trong học thuật hai nước Trung - Việt.

-Kiểu loại thứ hai: tác giả. Đây là kiểu loại độc giả đặc biệt. Họ không thể hiện trực tiếp ở hoạt động phiên dịch - diễn Nôm Kinh Thi, nhưng vẫn thể hiện “sự hiểu” của mình qua hoạt động trước tác. Kinh Thi từ lâu đã trở thành máu thịt của họ; hơn nữa, được xúc tác bởi tâm lý sáng tạo, ít chịu sự gò ép của nguyên tác, nên cách hiểu Kinh Thi của kiểu loại độc giả này... sẽ rất đặc biệt.

Tất nhiên, trên thực tế, một người nào đó hoàn toàn có thể sắm cả hai vai, vừa là dịch giả diễn Nôm Kinh Thi, vừa là tác giả trước tác văn chương sử dụng ngữ điển từ Kinh Thi.

Thời trung đại ở Việt Nam, kiểu loại độc giả thứ ba: nhà phê bình (hay thi học gia) vẫn còn ít xuất hiện; do vậy, ở bài viết này, chúng tôi tạm để lại, tiến hành sưu tầm tư liệu và khảo sát sau.

4.2.Đặc điểm độc giả Kinh Thi:

4.2.1.Hứng thú và sự lựa chọn: đối với những độc giả kinh điển Nho gia nói chung và Kinh Thi nói riêng, khó có thể nói về vấn đề hứng thú mang tính cá nhân như độc giả văn học ngày nay, mặc dù khi giải độc, tác phẩm từng đưa lại cho họ những hứng thú nhất định. Ở đây, có lẽ nên đề cập đến vấn đề lựa chọn.

Những thông tin về Sĩ Nhiếp dịch Kinh Thi ra chữ Nôm, Hồ Quý Li làm sách Quốc ngữ Thi nghĩa, hay Tùng Thiện Vương Miên Thẩm viết Thi Kinh quốc âm ca... đã gợi chúng ta nghĩ đến một quá trình từ chỗ chỉ là truyền bá Kinh Thi ở Việt Nam (Sĩ Nhiếp - người được mệnh danh là Nam Giao học tổ) đến sự lựa chọn một cách tự giác (Hồ Quý Li, Nguyễn Miên Thẩm). Tất nhiên, sự lựa chọn chủ động này mang đậm tính chất ý thức hệ. Nó xảy ra vào thời kỳ Việt Nam tạm chấm dứt được ách đô hộ của các triều đại Trung Quốc, xuất hiện nhu cầu xây dựng thể chế chính trị - văn hóa của một quốc gia độc lập. Dễ thấy là từ những năm đầu của kỷ nguyên độc lập, vua tôi các triều đại của Việt Nam đã chủ động lựa chọn mô hình triều đại Trung Quốc để xây dựng chính thể của triều đại mình. Kinh điển Nho gia trong đó có Kinh Thi vào thời điểm đó, đã là kết quả của một sự lựa chọn mang tính chất nhà nước và dần dần trở thành kinh điển quyền uy chi phối mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có giáo dục khoa cử tuyển chọn nhân tài sử dụng trong bộ máy quan liêu của nhà nước trung ương tập quyền. Từ vua đến tôi, tất cả đều dựa vào kinh điển Nho gia để thi hành chính sự và học hành thi cử. Độc giả Kinh Thi theo thời gian và quy mô phát triển của các triều đại, số lượng ngày càng đông đảo. Do đó, từ chỗ chỉ học kinh điển bằng chữ Hán, đã xuất hiện loại kinh điển xen kẽ những dòng chữ Nôm. Điều đáng chú ý ở đây là sự xuất hiện loại sách này không chỉ là hành vi cá nhân mà còn gắn với vai trò của nhà nước. Nó vừa có những truyền bản chép tay, vừa được in ấn truyền bá rộng rãi theo chủ trương của nhà nước.

Đối với kiểu loại độc giả thứ hai, sự lựa chọn gần như là vấn đề không phải đặt ra. Chúng tôi đã chú ý và cố gắng tìm kiếm một hình thức phản đề, hay một hành vi mang tính chất giải thiêng kinh nghĩa, hô hào quay trở lại với Thi bản nghĩa, thế nhưng trong phạm vi tiếp nhận Kinh Thi thời trung đại ở Việt Nam, thì hiện vẫn chưa tìm ra. Tất cả các trường hợp sử dụng ngữ điển Kinh Thi trong các trước tác đều không coi Kinh Thi như “kẻ xa lạ”.

4.2.2.Giải độc ý nghĩa Kinh Thi: đây quả thực là vấn đề trung tâm khi khảo luận độc giả Kinh Thi tại Việt Nam thời trung đại.

Các bản diễn Nôm, kể cả văn xuôi và văn vần, chủ yếu đều căn cứ theo Thi Kinh tập truyện của Chu Hi đời Tống. Tập truyện của Chu Hy ngoài chú âm “kinh văn” ra, phần quan trọng nhất là “tập truyện”, đúng như nhan đề của nó. Phần “tập truyện” ngoài chú thích từ ngữ kinh văn ra, còn có phần dịch nghĩa kinh văn và phát huy nghĩa lý. Trong tác phẩm của mình, Chu Hi đã “phế tự” (từng tồn tại suốt từ đời Hán), thực hiện một cuộc cách mạng cả về chính trị và học thuật, tiến hành cấu trúc lại tư tưởng Nho gia. Cuộc cách mạng đó khiến tác phẩm của Chu Hi trở nên cô đọng ngắn gọn về hình thức và sáng rõ về tư tưởng. Tuy nhiên, với truyền thống “tập cổ” cũng như “sớ bất phá chú”, nên về thực chất, Chu Hi vẫn là làm công việc “tập chú”; ông giữ lại và đưa vào tác phẩm của mình nhiều thành tựu chú giải trong kinh học truyền thống. Tác phẩm của Chu Hi được triều đình lựa chọn làm sách giáo khoa học tập thi cử, lưu truyền rất rộng, nên đồng thời nó cũng trở thành bản nền để độc giả Việt Nam lựa chọn và sử dụng chữ Nôm ghi lại cách hiểu của mình. Mặc dù Chu Hi đã chú thích từ ngữ và dịch kinh văn, nhưng độc giả Việt Nam vẫn dùng chữ Nôm để phiên dịch kinh văn đó (chứ không phiên dịch trực tiếp tập truyện).

Các trước tác văn chương có sử dụng sự điển, ngữ điển từ “tập truyện” của Chu Hi hay không cũng đều nằm trong phạm vi quan sát của bài viết này (dù các trường hợp có thể phân tán, riêng rẽ, liên hệ không trực tiếp với “tập truyện” như mảng diễn Nôm nói trên).

Một câu hỏi chung được đặt ra: Độc giả Việt Nam thời trung đại đã nhất trí hay hiểu khác với “tập truyện” của Chu Hi?

Thi Kinh tập truyện của Chu Hi, so với Mao truyện, Trịnh tiên (đời Hán), Mao thi chính nghĩa (đời Đường), đã có những xuất nhập thêm bớt khi “dĩ thi chứng sử” (lấy thơ lệ chứng cho sử), hay “dĩ thi chứng kinh” (dùng thơ để làm sáng tỏ kinh điển), song ông không bỏ hẳn phương pháp trình bày tư tưởng độc đáo này trong truyền thống chú giải kinh điển được xác lập từ các thế hệ kinh học gia đời trước (dùng thơ làm phương tiện truyền bá tư tưởng). Chẳng hạn, thiên Quan thư vẫn là câu chuyện tình yêu và hôn nhân của Chu Văn Vương và Hậu phi Thái Tự, các thiên trong Chu Nam cũng đều là chuyện tu thân tề gia trị quốc của Chu Văn Vương được thể hiện qua phẩm chất của Hậu phi Thái Tự, thơ các nước đều là chuyện có thật về các nhân vật lịch sử của nước đó. Có lẽ chính vì những ưu điểm đó, tác phẩm của Chu Hi được cả triều đại ở Trung Quốc lẫn Việt Nam lựa chọn làm sách giáo khoa dùng trong thi cử.

-Câu hỏi chung ở trên cần được đề cập ở khía cạnh thứ nhất: độc giả Việt Nam trong các bản diễn Nôm Kinh Thi có hiểu khác với Chu Hi trong Thi Kinh tập truyện không?

Ở đây đã xảy ra hiện tượng, nếu tách bộ phận văn bản nào đó (chẳng hạn một bài) ra khỏi chính thể, đặc biệt là văn bản diễn Nôm Kinh Thi bằng văn vần, hoặc tách phần diễn Nôm ra khỏi bản nền chữ Hán, người ta sẽ dễ tưởng nhầm là độc giả ở Việt Nam, khi diễn Nôm, đã không căn cứ theo “tập truyện” của Chu Hy. Chẳng hạn, ngay ở bản diễn xuôi (bản Vĩnh Thịnh 1714), ba bài thơ Thư cưu, Cát đàm, Quyển nhĩ mà “tập truyện” cho là thơ nói về “đức”, “bản”, “chí” của bà Hậu Phi Thái Tự, thì ở bản diễn Nôm, những chi tiết đó hoàn toàn vắng bóng. Thậm chí, ngay bản diễn xuôi cũng chỉ nhắc đến quân tử và thục nữ, cứ y như đang thuần túy nói về Thi nghĩa vậy:

Chim thư cưu cùng ứng họa tiếng quan quan

Ở chưng bãi giữa sông

Thẳm lặng con gái lành

Tốt đôi cùng người quân tử

(Nguyễn Tuấn Cường phiên âm)

Ở bản diễn Nôm bằng văn vần, tất nhiên tình hình lại càng như vậy:

Chim cưu kêu bãi sông Hà,

Gái lành quân tử thật là tốt đôi.

Trước kia tìm chửa được ai,

So le rau hạnh ngược xuôi thuận dòng.

(Nguyễn Tuấn Cường phiên âm: Thi kinh chính văn truyện chú - Hạ phụ Thập ngũ Quốc phong diễn âm. Ký hiệu: AB.169)

Có thể thấy, các chi tiết liên quan đến lịch sử, hay kinh điển được nói tới ở phần “tập truyện” đã bị lược bỏ. Tuy nhiên, nội dung diễn Nôm, dù là văn vần thì vẫn rất ăn khớp với nội dung của “tập truyện”.

Như vậy, độc giả ở Việt Nam, tức những người giải độc Kinh Thi bằng chữ Nôm, dường như không phân biệt rạch ròi nguyên tác và bản dịch như ngày nay; đối với họ, nguyên tác (tập truyện của Chu Hi) và bản diễn Nôm của họ là một thể thống nhất, gắn bó mật thiết, không thể tách rời. Có lẽ, vì quan niệm nhất thể này mà khi diễn Nôm, thấy “tập truyện” của Chu Hi đã có những thông tin về nhân vật, sự kiện lịch sử, nên độc giả Việt Nam hầu hết đều không nhắc đến nữa (tất nhiên cũng không chú thích như dịch giả ngày nay).

Từ hệ quả của quan niệm trên, đã xảy ra một vấn đề cũng đáng chú ý: vì độc giả Việt Nam bám rất sát kinh văn để dịch, hơn nữa chịu sự chi phối nhất định của thể loại diễn Nôm (văn vần), do vậy thoạt nhìn, chúng ta tưởng chừng họ đơn thuần chỉ tiếp nhận, thưởng thức ý nghĩa văn chương (Thi nghĩa). Chẳng hạn, bài Quyển nhĩ, “tập truyện” chú giải rất rõ rằng, đó là bài thơ nói về cái “chí” của bà Hậu Phi, vì vua Văn Vương lúc ấy đi chinh chiến (hoặc bị giam trong ngục), nên Hậu Phi rất nhớ chồng, giả thác nói là đi hái rau quyển nhĩ. Bản diễn Nôm theo thể song thất lục bát đã dùng đại từ nhân xưng phiếm chỉ y như Thi nghĩa:

Hái quyển nhĩ chửa đầy nghiêng rổ

Thoạt nhớ ai đặt bỏ ven đường

Trèo lên đỉnh núi trông chàng

Ngựa ta mỏi mệt lòng càng xa xôi

(Nguyễn Tuấn Cường phiên âm: Bản AB.169, đã dẫn)

Đến như Kỳ úc (Vệ phong), bài thơ gắn với ông vua Vũ Công nước Vệ rất nổi tiếng đương thời, song người diễn Nôm vẫn bỏ qua không nhắc đến.

Tuy nhiên, nếu như đọc kỹ, đọc chỉnh thể cả văn bản, chúng ta sẽ nhận ra, những người làm công việc diễn Nôm đã thẩm thấu đến mức nhuần nhuyễn, sâu sắc ý nghĩa kinh điển. Thử đọc bản diễn Nôm văn vần bài Hán quảng:

Nước bên nam có cây kiều mộc,

Chẳng khá ngồi dưới gốc nghỉ ngơi.

Có đoàn con gái đi chơi,

Đoan trang tĩnh nhất mấy người dám trêu.

(Nguyễn Tuấn Cường phiên âm: Bản AB.169, đã dẫn)

Ba câu thơ trên rất gần Thi nghĩa, song câu thơ cuối cùng đã cho thấy, dịch giả diễn Nôm theo đúng “tập truyện” của Chu Hi. Trường hợp bài Lân chi chỉ cũng vậy:

Con lân thật tính có nhân,

Nên rằng nhân cả đến chân trán sừng.

Nhà vua nhân hậu lạ dường,

Vậy nên con cháu họ hàng chân chân.

(Nguyễn Tuấn Cường phiên âm: Bản AB.169, đã dẫn)

Mặc dù diễn Nôm theo cách dịch gộp (thiên Lân chi chỉ gồm ba chương, trùng chương điệp cú), song ý nghĩa thì bám sát y nguyên “tập truyện”. Lại nữa, ba dòng thơ trên còn có thể đọc hiểu, song đến dòng cuối cùng, với hai chữ “chân chân”, nếu không đọc “tập truyện”, không biết “chân chân” là nhân hậu, thì chúng ta không thể hiểu được nghĩa cả câu. Xem ra, việc diễn Nôm, ngoài ý muốn diễn đạt bằng tiếng mẹ đẻ ra, còn là sự bổ khuyết cho “tập truyện” của Chu Hi, bởi các bản diễn Nôm đều hướng đến giải độc kinh văn, với ý thức y hệt một nhà kinh học.

Tiếp nhận Kinh Thi ở Việt Nam, ngoài kiểu loại độc giả trên, còn có một kiểu loại độc giả khác - đó là tác giả trước tác văn chương. Họ là những người có khoảng cách nhất định, không chịu sự câu thúc trực tiếp của kinh điển Nho gia.

-Câu hỏi chung ở trên cũng cần được đề cập ở khía cạnh thứ hai: độc giả Việt Nam trong các trước tác văn chương có hiểu khác với Chu Hi trong Thi Kinh tập truyện không? Hãy thử quan sát một số trường hợp tiêu biểu dưới đây.

Tác giả, kiểu loại độc giả đặc biệt này, khi trước tác văn chương, thường lựa chọn ngữ điển trong Kinh Thi để làm cho câu thơ thêm súc tích, điển nhã; chẳng hạn:

Nguyễn Du - Truyện Kiều:

Quả mai ba bảy đương vừa

Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì

Thật thú vị, trong một câu thơ, Nguyễn Du (1765-1820) đã dùng tới hai ngữ điển từ Kinh Thi: bài Phiếu hữu mai và bài Đào yêu. Đọc qua, cứ ngỡ Nguyễn Du là người Việt Nam đầu tiên thực hiện công việc giải thiêng kinh nghĩa; tuy nhiên, nếu đọc Mao thi chính nghĩa (Khổng Dĩnh Đạt - đời Đường), hay Thi tập truyện (Chu Hi - đời Tống), chúng ta sẽ hiểu được đầy đủ ý nghĩa của những chữ như “đương vừa”, hay “xe tơ kịp thì” ở câu thơ trên của Nguyễn Du.

Chúng ta hãy ngược trở lại, đọc trước tác của một vài độc giả Kinh Thi ở thời đại trước Nguyễn Du; chẳng hạn như thơ của Phùng Khắc Khoan (1528-1613) sống vào thời Lê - Mạc. Thi nhân họ Phùng, theo tinh thần lời dạy của Khổng Tử trong Luận ngữ: “Thi khả dĩ hứng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán; nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân, đa thức ư điểu thú thảo mộc chi danh”, đã trước tác cả một tập thơ gần trăm bài, nhan đề là Đa thức tập, chọn lựa đề vịnh về đủ các loài điểu thú thảo mộc trong Kinh Thi.

Xin hãy thử đọc bài Thư cưu của ông:

狀 類 鳧 鷖 若 是 班

也 宜 於 水 不 宜 山

關 關 常 在 河 洲 上

兩 兩 相 隨 淮 浦 間

司 馬 官 曾 聯 顯 貴

后 妃 德 可 比 幽 閒

摯 而 有 別 無 相 狎

夫 婦 之 情 亦 一 般

Phiên âm:

THƯ CƯU

Trạng loại phù y nhược thị ban

Dã nghi ư thủy bất nghi san

Quan quan thường tại hà châu thượng

Lưỡng lưỡng tương tùy Hoài phố gian

Tư mã quan tằng liên hiển quý

Hậu phi đức khả tỉ u nhàn

Chí nhi hữu biệt vô tương hiệp

Phu phụ chi tình diệc nhất ban.

Dịch nghĩa:

CHIM THƯ CƯU

Dáng dấp giống hệt như con phù y (một loài chim nước),

Ưa sống dưới nước, không thích nghi ở trên cạn.

Tiếng kêu “quan quan” thường lội trên bãi sông,

Từng cặp theo nhau ở khoảng sông Hoài.

Sang trọng hiển vinh từng gắn liền với chức quan Tư mã,

Vẻ “u nhàn” có thể sánh với đức của bà Hậu phi Thái Tự.

Gắn bó tha thiết nhưng vẫn giữ gìn cách biệt chứ không sàm sỡ,

Chẳng khác gì tình vợ chồng của con người.

__________

Chú giải của Chu Hy trong Thi tập truyện:

Dưới đây xin trích phần Tập truyện của Chu Hy chú giải Chương một bài Quan thư do Tạ Quang Phát dịch:

雎鳩、水鳥、一名王雎、狀類鳧鷖、今江淮間有之、生有定偶而不相亂、偶常並遊而不相狎、故毛傳以爲摯而有別、列女傳以爲人未嘗見其乘居而匹處者、蓋其性然也。Thư cưu, loài chim nước, lại có tên là vương thư, hình dạng giống như chim phù y, nay trong khoảng Trường Giang và sông Hoài thì có chim ấy. Chim này sống có đôi nhất định mà không hề lẫn lộn, hai con thường bơi cùng mà không lả lơi, cho nên sách Mao truyện cho rằng, đôi chim thư cưu gắn bó thiết tha, nhưng luôn giữ gìn cách biệt. Sách Liệt nữ truyện cho là người ta chưa từng thấy chim thư cưu sống lẻ loi, là vì tính nó như thế.

窈窕、幽閒之意。Yểu điệu, u nhàn. 淑、善也。Thục, hiền lành.

者、未嫁之稱、蓋指文王之妃大姒爲處子時而言也。Nữ, con gái chưa gả chồng, đại khái chỉ nàng Thái Tự, vợ vua Văn Vương khi còn ở nhà cha mẹ.

君子、則指文王也。Quân tử, là chỉ vua Văn Vương.

、亦善也。Hảo, tốt đẹp.

__________

Chúng tôi đã in đậm những chữ ở phần phiên âm để biểu thị chúng có mối liên hệ với “tập truyện” (chữ tô đỏ). Chúng ta thấy rất rõ, duy chỉ có dòng thơ thứ 5 là không dính dáng đến “tập truyện”, còn lại tất cả các dòng đều hoặc là diễn dịch ý kinh văn (dòng 3-4), hoặc là sử dụng câu chữ phần “tập truyện” (như dòng 1 - 2 - 6 - 7 - 8). Riêng thiên Quan thư mở đầu Kinh Thi, nhà thơ Phùng Khắc Khoan đề vịnh 2 bài: Thư cưu (điểu thú) và Hạnh thái (thảo mộc). Hai bài này được xem như là mẫu mực cho lối “học Thi” theo quan niệm của độc giả Việt Nam đối với lời chỉ giáo của Khổng Tử trong Luận ngữ.

 Rất nên đọc thêm cả bài Hạnh thái:

荇菜

說見芭經號接余

根生水底異園蔬

參差葉向波中泛

肥嫩莖常釵股如

柔順有同文后德

潔芳可為廟廷

況如美空酒

風味誰知更有餘

Phiên âm:

HẠNH THÁI

Thuyết kiến Ba kinh hiệu tiếp dư

Căn sinh thủy để dị viên sơ

Sâm si diệp hướng ba trung phiếm

Phì nộn kinh thường thoa cổ như

Nhu thuận hữu đồng Văn Hậu đức

Khiết phương khả vị miếu đình trư

Huống như xuệ mỹ thiên không tửu

Phong vị thùy tri cánh hữu dư

Dịch nghĩa:

RAU HẠNH

Thấy nói ở Kinh Thi loài rau này gọi là tiếp dư

Rễ mọc đáy nước, khác với rau dưa trong vườn

Lá nhấp nhô lênh đênh trên mặt nước

Thân mập mạp giống cành thoa cài đầu

Nhu thuận như đức của bà Hậu Phi

Thơm sạch có thể làm rau tiến cúng miếu đình

Huống chi lại rất ngon có thể làm vơi chén rượu

Ai đã nếm thử phong vị càng thêm dạt dào

__________

Chú giải của Chu Hy trong Thi tập truyện:

Xin trích phần Tập truyện của Chu Hy chú giải Chương hai bài Quan thư do Tạ Quang Phát dịch:

、接余也、根生水底、莖如釵股、上青下白、葉紫赤、圓莖寸餘、浮在水面。Hạnh, rau tiếp dư, rễ mọc ở đáy nước, lá màu đỏ tía hình tròn, bề kính hơn một tấc, nổi trên mặt nước.

__________

Thi nhân đã dùng tới 5/8 dòng thơ sử dụng kinh văn và tập truyện của Chu Hy đề vịnh về rau hạnh. Bên cạnh những chi tiết mô tả về sự vật như: tên gọi khác (tiếp dư), đặc tính (căn sinh thủy để, sâm si diệp hướng ba trung phiếm), hình dáng (phì nộn kinh thường thoa cổ như), tác giả bài thơ rất chú ý đến tính chất “nhu thuận” của rau hạnh và ví với “đức” của bà Hậu Phi. Ba dòng thơ cuối, thi nhân có vẻ như thoát ra khỏi nội dung kinh điển; tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của những dòng thơ trên, nên ba dòng thơ cuối cũng chỉ nói thêm về tác dụng đặc biệt (làm đồ chay dâng cúng ở miếu đường), hay phong vị thanh tao, thơm thảo của loài rau này.

Với gần trăm bài đề vịnh “điểu thú thảo mộc” (chim muông cây cỏ) trong Kinh Thi, quả thực Đa thức tập là hiện tượng “học Thi” hiếm có ở Việt Nam.

Qua hai bài thơ Thư cưu Hạnh thái ở trên, chúng ta thấy, độc giả Việt Nam đọc Kinh Thi kỹ đến mức nào, cũng qua đó có thể hiểu được cái gọi là “đa thức ư điểu thú thảo mộc chi danh” trong lời giáo huấn của Khổng Tử (không phải học để “đa thức” về tri thức khoa học, hiểu sâu biết nhiều về sự vật hiện tượng, mà là thông qua sự vật hiện tượng để tìm tòi, gửi gắm ý nghĩa kinh điển).

Một thi nhân khác sống thời Trịnh - Nguyễn phân tranh là Nguyễn Đình Sách (1638-1697), khi đi sứ nhà Thanh, qua sông Kỳ (nước Vệ), đã rất xúc động viết:

Phiên âm:

KỲ THỦY

Thiên cổ tằng văn Vệ hữu Kỳ

Nãi kim thân kiến trúc y y

Chỉ nhân Vệ Vũ truyền thanh đức

Khước ẩn si manh bảo bố thi

Dịch nghĩa:

SÔNG KỲ

Từ nghìn xưa từng nghe nước Vệ có sông Kỳ

Đến nay mới được tận mắt thấy trúc mọc rườm rà

Chỉ vì Vệ Vũ Công truyền lại đức tốt

Nên đã ngầm hiện ở bài thơ nói về chàng manh cười khì ôm vải đi đổi tơ.

Cả 4 dòng thơ đều dùng sự điển và ngữ điển liên quan đến thiên Kỳ úc Manh (Kinh Thi - Vệ phong). Theo Kinh nghĩa, bài thơ Kỳ úc khởi hứng từ hình ảnh những khóm trúc mọc xanh rì hai bên sông Kỳ, qua đó ngợi ca cả vẻ đẹp phục sức lẫn thanh đức của ông vua nước Vệ; còn bài thơ Manh thì nói về người dân (manh) nước Vệ chất phác, thuần hậu (Manh chi si si, bảo bố mậu ty - Chàng manh cười khì khì, ôm vải đi đổi tơ). Thi nhân Việt Nam vốn có chung hoài bão về sự nghiệp, lý tưởng về xã hội như trí thức Trung Hoa, nên cũng có chung niềm hy vọng về một vị minh quân có đủ văn tài đức trị, khiến cho thiên hạ thái bình, đất nước thanh bình, người dân thuần hậu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Điều thú vị ở bài thơ tuyệt cú này là, thi nhân Việt Nam đã đem Kinh nghĩa ở hai bài thơ riêng rẽ của nước Vệ kết hợp làm một, thể hiện một chủ đề hoàn chỉnh, rất giàu màu sắc kinh điển.

4.2.3.Ngoài vấn đề giải độc ý nghĩa ra, cũng còn một vài khía cạnh khác mang tính hướng nội, cần đi sâu tìm hiểu về độc giả Kinh Thi tại Việt Nam thời trung đại; chẳng hạn như quá trình diễn Nôm chuyển biến từ văn xuôi sang văn vần, phương thức và thủ pháp diễn Nôm, phạm vi - tần suất lựa chọn ngữ điển Kinh Thi ở các thể loại trước tác văn chương như thơ, phú, văn luận, câu đối, hoành phi... (nghiêng về sử dụng ngữ điển trong Phong, hay Nhã, Tụng), hay hiện tượng xuất hiện nhiều bản diễn Nôm thiên Thất nguyệt v.v. Những vấn đề này sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của chúng tôi.

5.Thay lời kết:

-Kinh Thi ảnh hưởng từ rất sớm và được tiếp nhận sâu rộng ở Việt Nam. Những tư liệu thành văn hiện còn cho thấy, Kinh Thi cùng với các kinh điển Nho gia khác thuộc Tứ Thư Ngũ Kinh không chỉ được tiếp nhận qua con đường quan phương chính thống của Nhà nước trung ương, nhằm xây dựng thể chế chính trị theo mô hình đế chế Trung Hoa, mà còn được tiếp nhận rộng rãi ở các địa phương qua con đường học hành thi cử và truyền bá Nho học. Do vậy, Kinh Thi không chỉ được quan lại tầng lớp trên nắm giữ, mà còn được cả sĩ dân tầng lớp dưới biết đến. Chính quá trình ảnh hưởng và tiếp nhận Kinh Thi sâu rộng đó đã tạo nên lịch sử tiếp nhận Kinh Thi đầy đặn và hình thành nên đội ngũ độc giả có quy mô khá lớn và kiểu loại đa dạng.

-Độc giả Kinh Thi tại Việt Nam thời trung đại không chỉ có dịch giả (diễn Nôm), mà còn có tác giả (trước tác văn chương), nhà phê bình (thi học gia - có thể còn ít?!). Nổi bật về bề rộng và quy mô là những dịch giả diễn Nôm Kinh Thi, trong khi đó, với các tác giả trước tác văn chương, tuy quy mô không tập trung, song phương thức tiếp nhận và giải độc Kinh Thi lại rất sáng tạo, độc đáo, đa dạng phong phú.

-Sự đa dạng, phong phú về cách thức giải độc Thi Kinh không che lấp được sự nhất nguyên về cách hiểu nội dung. Hầu như độc giả Việt Nam thời trung đại, kể cả người dịch và người trước tác, về cơ bản đều nhất trí với nội dung kinh điển được xác lập trong Thi Kinh tập truyện của Chu Hi đời Tống.

-Bài viết sẽ tiếp tục khảo sát kiểu loại độc giả thứ ba: nhà phê bình (nhà thi học) thời trung đại ở Việt Nam, liên quan đến Kinh Thi. Tiếp theo, bài viết sẽ mở rộng khảo sát độc giả Kiinh Thi tại Việt Nam từ thời cận hiện đại đến nay. Hy vọng, những hướng mở này sẽ hoàn thiện nhận thức về độc giả Kinh Thi tại Việt Nam nói riêng, hoàn chỉnh việc nghiên cứu lịch sử tiếp nhận Kinh Thi tại Việt Nam nói chung./.

___________

Nguồn: Bài tham gia HTKH Chữ Nôm và kinh điển Nho gia, do Trung tâm Trung Quốc học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN tổ chức năm 2011. Đã in trong cuốn Kinh điển Nho gia tại Việt Nam, Nguyễn Kim Sơn chủ biên, Nxb ĐHQGHN, 2015, tr.58-73.

___________

1. Phạm Ánh Sao (2002), Kinh Thi - Một vài suy nghĩ về cách tiếp cận. In trong cuốn Những vấn đề về Hán Nôm học - Tập 1, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 286-294.

2. Nguyễn Tuấn Cường (2006): Nghiên cứu diên cách cấu trúc chữ Nôm theo cấp độ câu (qua bốn bản giải âm Kinh Thi). Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành Hán Nôm; mã số: 602240. Phòng tư liệu khoa Văn học, trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN.

3.Chẳng hạn các bài: Tư liệu Kinh Thi chữ Nôm - Lược quan về trữ lượng, đặc điểm, giá trị (bài viết tham gia Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm lần thứ 2, do Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam và Hội bảo tồn di sản chữ Nôm Mỹ đồng tổ chức, Huế - 2006); Tiếp nhận Kinh Thi tại Việt Nam - từ góc nhìn phiên dịch Hán Nôm (bài tham dự Hội thảo khoa học Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế, do Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam và Viện Harvard-Yenching Mỹ đồng tổ chức, Hà Nội - 2006).

4. Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, kí hiệu Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm AB.372, tr. 2a.

5. Nguyễn Văn San, Đại Nam quốc ngữ 大南國語, kí hiệu AB.106, tr. 3a).

6. Đại Việt sử kí toàn thư, bản dịch tập II, Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, trang 190.

7. Kinh Thi, Nguyễn Khắc Hiếu, Nghiêm Thượng Văn, Đặng Đức Tô dịch (1924), Nghiên Hàm Ấn Thư Quán xuất bản (sau này Nxb TP. Hồ Chí Minh in lại, có sửa chữa và bổ sung năm 1992).

8.Thi Kinh tập truyện, Tạ Quang Phát dịch (1968), trọn bộ 3 tập. Trung tâm Học liệu Sài Gòn (Nxb Văn học ảnh ấn năm 1991 - 3 tập, Nxb Đà Nẵng chế bản in lại năm 2003).

9. Trần Lê Sáng (chủ biên): Ngữ văn Hán Nôm (tập II: Ngũ Kinh), Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 85 - 352.

10. Bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN được thành lập từ 1972, liên tục đào tạo các khóa sinh viên chuyên ngành Hán Nôm. Môn học Tứ Thư Ngũ Kinh, trong đó có Kinh Thi là môn bắt buộc, hiện được giảng dạy ở cả bậc đại học và sau đại học. Ngành Văn học cũng có môn Văn học Trung Quốc giảng dạy Kinh Thi.

11. Tất cả những trích dẫn văn xuôi, văn vần phiên Nôm Kinh Thi tại Việt Nam, chúng tôi được sự giúp đỡ và cho phép sử dụng của Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Cường. Chúng tôi xin được trân trọng ghi ở đây lời cám ơn đặc biệt.

12. Trích theo: Bùi Duy Tân chủ biên (2000): Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan: Tác gia - Tác phẩm. Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây, tr. 259. Dịch nghĩa có chỉnh sửa.

______________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bùi Duy Tân chủ biên (1998), Tổng tập văn học Việt Nam (Thế kỷ XVII - nửa đầu thế kỷ XVIII), tập 7. Nxb Khoa học Xã hội, H.
  2. Chu Thị Thanh Nga (2000), Thử tìm hiểu việc sử dụng thi liệu có nguồn gốc từ Thi Kinh trong thơ ca Việt Nam trung đại (BCKHSV ngành Hán Nôm, K42, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội; hiện lưu trữ tại Phòng Tư liệu, Khoa Văn học).
  3. Nguyễn Quang Hồng & Nguyễn Tuấn Cường (2005), Thi Kinh giải âm - văn bản sớm nhất hiện còn in theo ván khắc năm Vĩnh Thịnh 1714, Tạp chí Hán Nôm, số 3, tr.36-52.
  4. Nguyễn Tuấn Cường: Khảo sát và đánh giá trữ lượng tư liệu Kinh Thi chữ Nôm. Đề tài nghiên cứu khoa học Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, mã số: T.06.19; hiện lưu trữ tại Phòng Tư liệu Khoa Văn học và Thư viện của Trường.
  5. Nguyễn Xuân Diện (2004), Tổng quan tài liệu Nho giáo và Nho học ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (khảo sát, đánh giá về trữ lượng và giá trị), bài tham dự .
  6. Trần Lê Sáng (2001), Kinh thi với văn thơ Hán Nôm, T/c Nghiên cứu Hán Nôm, số 1.
  7. Trần Nghĩa (2005), Thử bàn về thời điểm du nhập cùng tính chất, vai trò của Nho học Việt Nam thời Bắc thuộc, Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm, số 1.
  8. Trịnh Khắc Mạnh (2005), Thư tịch Hán Nôm Việt Nam luận giải về Tứ thư và Ngũ kinh hiện có ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm, số 1.
  9. 毛亨 傳、郑玄 笺 ,〔唐〕孔穎达 疏 : 《十 義》 (上、中、下), 李學勤 主编 , 北 京 大 學 出 版 社 , 2000 年 12 月 第 一 版 , 2000 年 12月 第 一 次 印 刷。
  10. 朱熹 著 : 《詩 傳》 , 中 華 書 局 , 1958 年 7 月 第 1 版 , 1958 年 7 月 上 海 第 1 次 印 刷。
  11. 主編 :《 》 (全 四 卷), 東 方 出 版 中 心 , 1997 年 1 月 第 1 版 第 1 次 印 刷。
  12. : 《詩經詞典》(修订本), 四川人民出版社, 成都, 1997 年, 1106页.
  13. 著 : 《〈 》(北京大學 博士研究生學位論文), 專業 : 比較文學 及 世界文學 , 導師姓名 : 樂黛云 教授 , 2000 年 5 月。

 

Top