Văn học với đời sống

13/12
4:42 PM 2016

ĐI TÌM NĂNG LƯỢNG CHỮ TRONG “XA XĂM GÕ CỬA” CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG

Nguyễn Minh Khiêm-Tôi được nhà thơ Nguyễn Bình Phương tặng tập thơ: “ Xa xăm gõ cửa”, nhà xuất bản Văn học ấn hành 2014. Tập thơ chỉ hơn hai trăm trang mà tôi đọc gần hai tháng mới xong. Không tài nào đọc nhanh được. Muốn đọc nhanh cũng không đọc được. Nhiều câu thơ, ý thơ phải đọc đi đọc lại. Lật đi lật lại. Đọc và ngẫm.

  Đọc và dò tìm. Đọc và sâu chuỗi kết nối. Sâu chuỗi cái vô lý và cái có lý. Sâu chuỗi cái nhìn thấy và cái không nhìn thấy. Sâu chuỗi cái tầng ngầm và tầng nổi. Khen và chê. Mới và cũ. Xét cho cùng, đánh giá một tập thơ chính là đi tìm năng lượng chữ của tập thơ ấy. Tôi đi tìm năng lượng chữ trong “ Xa xăm xăm gõ cửa”.

      Có người gọi thơ anh là loại thơ “ vô lối”. Nếu “ vô lối” ở góc nhìn không khuôn mẫu, không mực thước, không vần điệu, không truyền thống, không du dương êm tai, đơn giản thì hoàn toàn đúng. Nhưng nếu “ vô lối” theo góc độ nhạt nhẽo, vô vị, vô cảm, ít nghệ thuật, ít năng lượng chữ thì chưa đúng. “ Xa xăm gõ cửa” đã tạo ra những cuộc tranh cãi về hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Nhất là, sau khi “ Buổi câu hờ hững”, tập thơ của Nguyễn Bình Phương được trao Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội năm 2011, nhiều ý kiến nâng lên đặt xuống, đôi khi trái chiều. Có cái để lật đi lật lại tức là chữ có hàm lượng quặng. Có cái đòi đập đi, có cái đòi dựng lại tức là có cái mới, cái không bình thường cứa vào não người đọc. Thơ như thế không phải là thứ thơ dễ gạt ra. Cái mới ra đời dù tốt đến đâu, buổi mới khai sinh thường chịu nhiều áp lực, nhiều đau đớn, nhiều vật vã trước thực tế cuộc sống.

      Nóng vội không đọc được “ Xa xăm gõ cửa”. Câu chữ không bày lên mặt phẳng trực cảm. Anh viết bằng miên cảm. Anh không chào đón sự vừa lòng của ai đó. Anh giải phóng anh trong các mạch ngầm con chữ. Mọi ý nghĩa nằm dưới lớp vỏ con chữ. Không phái một tầng, hai tầng, mà nhiều tầng, nhiều vỉa. Nhiều câu, nhiều đoạn không thể hiểu bằng cách đọc truyền thống. Không đem chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa duy cảm để áp chế  tư duy thơ Nguyễn Bình Phương được. Càng không thể đem tính dân tộc, tính đại chúng vào để mổ xẻ thơ Nguyễn Bình Phương. “ Xa xăm gõ cửa” không dành cho đại chúng. Nói như thế không có nghĩa anh không viết cho dân tộc mình, cho đất nước mình, cho thời đại mình. Anh hiểu hơn ai hết, yêu dân tộc mình, yêu thời đại mình, yêu quê hương mình, chính là phải tìm ra cái mới, cái đẹp, cái kỳ diệu mà dận tộc mình, thời đại mình, quê hương mình còn thiếu, còn yếu, chưa có.  Đó là một cuộc phiêu lưu không phải chỉ đầy chông gai, mà đầy mũi tên, đầy mạo hiểm của chữ nghĩa. Đổ vỡ tên tuổi là chuyện bình thường. Có khi, sự phiêu lưu ấy đổ vỡ một cuộc đời. Anh hiểu rõ “ những bóng tối lảng vảng trên tóc” ( Đề Bìa 4 ), “ Thảy những gì ta có / Là tượng đài lo âu” ( Vĩnh cửu) . Anh dự cảm được khi “ Con rắn mào rời núi /…/ Đêm ấy đám người điên / Khơi lên ngọn lửa hoang lạnh lẽo / Đêm ấy những hàng cây đại thụ / Long rễ và héo rũ” ( Giờ sinh ). Anh viết khỏe. Những câu thơ như trai ăn mặt trời, như ráng vàng, ráng đỏ. Anh viết như dự báo, viết như kết liễu một điều gì.: “ Tôi đã từng yêu bước chân của bạn, nụ cười của bạn, bạn ơi tôi đã từng lẽo đẽo theo sau những đám rước khổng lồ trôi dọc ngang bầu trời rối loạn, nơi tiếng sấm ì ầm ì ầm quàng khăng trắng qua sông / Có đêm, tôi lén lút đóng đinh bạn lên ngọn cây xà cừ và ngửa cổ thầm chiêm ngưỡng / Bạn đẹp, vẻ đẹp lãng mạn sợ hãi lúc tôi bày ra cơn đói những khuôn mặt lạ lùng vật vờ trong gió lạnh / Với niềm vui tuyệt vọng, tôi sẽ giới thiệu cùng bạn về vành tai bạn, vành tai của quá khứ đau thương khi ngọn lửa dâng lên đẩy nó khỏi thiên đường nô lệ / Vành tai đứng ngoài các âm thanh trong sang” ( Ngỏ lần ba ).

     Không ồn ào, không tạo những scandal văn chương, không nhiều trống mõ, với “ Xa xăm gõ cửa” Nguyễn Bình Phương đã mở riêng cho anh một con đường. Con đường ấy vừa trên mặt đất, vừa trong lòng đất, vừa trên không, vừa nối đường sông, vừa thông ra biển. Các nhánh rẽ chằng chịt đan xen nhau, liên kết nhau tạo nên nhiều góc nhìn vừa riêng rẽ vừa phức hợp.

     Hình như tạng anh hợp với “ gam màu lạnh”. Từ những bài thơ rời đến trường ca đều sử dụng “ gam màu lạnh” là chủ đạo. Một cái nhìn lạnh. Một sự rung cảm lạnh. Tất cả hiện về trong một ký ức lạnh. Có thể nói, “ Xa xăm gõ cửa” là bản tổng phổ đa diện, đa trạng thái, đa chiều ký ức, liên tưởng, tưởng tượng trong một không gian mở đa âm sắc của Nguyễn Bình Phương dưới một “ gam màu lạnh”. Phải nói thêm, lạnh và mơ màng. Lạnh và mờ ảo. Ngay cả khi nói về ánh sáng, ánh nắng, Nguyễn Bình Phương cũng không hừng hực, không cời than đặt bễ vào con chữ. Trong bài “ Nhập chiều”, anh viết “ Giữa mênh mông vịn nắng đợi âm thầm / Con tim nhỏ nhoi con tim thui thủi lắm / Hạnh phúc hoa treo mép vực mơ màng”….Trông bóng tối ra đồng / Không được nhau đắng cay mình em chịu / Em xõa tóc làm cây ru con người thôi khóc / Ru miên man qua nhập nhoạng chân trời” ( Khúc ru ). Anh tạo dựng riêng cho mình một kiểu ngôn ngữ bấp bênh. Khi đứng vững được trên sự bấp bênh tức là anh có khả năng làm xiếc trên ngôn ngữ của mình. Cái kiểu viết ấy, cứ để nó vỡ từng mảnh, rời từng mảnh thì lành, tìm cách gắn chặt nó lại với nhau thì vỡ. Nói đó là dấu hiệu tài hoa cũng được. Nói đó là những khối nham thạch đang bắt đầu phun trào cũng được. Góc cạnh có. Sức nóng có. Đứng bên cạnh sự phun trào ấy, nhiều cây non tự héo. Có thể dẫn ra nhiều câu làm ví dụ: “ Ừ nai kêu, nai kêu tận máu /…/ Sau mái lán một đốm vàng dần nhú / Và tiếng trăng va xuống cỏ mơ màng” ( Ở Định Hóa ). “ Và mặt trăng tết bằng rơm bị cháy” ( Cho người Thái Nguyên ). Quả là Nguyễn Bình Phương không viết bằng trực cảm mà viết bằng tâm tưởng, viết bằng sự thôi thúc được giải tỏa. Cái xung khí thì ít nhưng cái xung lực thì nhiều. Trí tuệ được mở ra trên một nền phông rộng những liên tưởng siêu thực. Ngay bài thơ “ Không đề”  mở đầu cho cả tập thơ như lời đề dẫn, anh viết: “Có người lính chống cằm nhìn vỏ đạn / Có đàn ri bay qua nóc nhà thờ / Có dòng suối chảy qua những tầng rễ / Có góa phụ chít khăn bằng sương / Đêm nay nước mắt giáng trần / Con đom đóm nhỏ xiu đêm nay lạc mẹ / Ngủ nhờ giấc ngủ trẻ con”. Một vài chấm phá như thế đủ thấy thế mạnh tư duy thơ Nguyễn Bình Phương là một kiểu tư duy lập thể. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, đó là kiểu tư duy tích hợp đa phương diện. Không bao giờ nó chỉ là một mặt phẳng. Và không bao giờ chỉ là một đường thẳng. Ta bắt gặp những câu thơ nhiều hình ảnh, nhiều gấp khúc, nhiều khoảng tư duy nén ép vào nhau. Đọc thì thấy mới, rất mới, rất lạ. Song bóc ra không dễ. Chữ ở đó, câu ở đó, hình ảnh ở đó. Nhưng ý không ở đó. Ý đang ở ngoài xa xăm kia, lơ lửng kia, lượn lờ ngoài kia, tàng ẩn ngoài kia.

     Chính vì thế, thơ Nguyễn Bình Phương giàu phù sa màu mỡ, nhiều hang động, giàu hướng tiếp cận. Nhiều cái có nghĩa tàng hình trong cái tưởng chừng vô nghĩa. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Bình Phương nhiều khi mong manh như bong bóng bọt xà phòng nhưng lại không bao giờ vỡ. Đập không vỡ. Nó hiện trên đó trăng, sao, mặt trời, núi, sông, cánh đồng, tình yêu và sa mạc. Ngắm nó, thưởng thức nó hệt ngắm, thưởng thức đá ru bi. Không lật đi lật lại không thấy hết cái kỳ diệu của đá quý. Càng chuyển động đa chiều trong ánh sáng càng thấy lý thú. Nghe anh xướng to cái tên mình lên, nhưng lại không hề nói về anh. Anh nói về Thị xã của anh nhưng anh lại nói một điều sâu hơn anh và thị xã : “ Ta là Bình Phương / Là Nguyễn Bình Phương / Ta yêu thị xã này bằng tình yêu hơi thở không phải của ta / Hơi thở ấy được mượn từ nơi tăm tối ướt át / …/ Ai biết / Phù sa lấp đầy cơ thể của nước để tránh cái nhìn săm soi dâm đãng / …/ Ta mời đất một chén nước / Ta mời nước một chén đất / Uống đi uống đi rồi im lặng trở mình” ( III. Ngỏ lần thứ nhất ). Chưa hiểu đích xác anh nói gì, nhưng ta đọc rồi cứ phải ngẫm “ Một thúng nắng / Một thúng mưa / Một thúng vừa mưa vừa nắng / Ba bà thong dong đội lên chùa” ( Dằng dặc). Nguyễn Bình Phương hút người đọc bằng cách ấy.

     Đọc “ Xa xăm gõ cửa” ta nhận ra cái anh muốn nói nhiều hơn cái anh đưa ra để nói. Cái đưa ra chỉ là cái cớ. anh mượn nó mà thăng hoa, mượn nó mà chín, mượn nó mà thả mây thả gió. Những “ Linh nham đêm”, “ Bài hát vu vơ”, “” Dằng dặc”, “ “Làng Pan”, “Nhập chiều”, “ Biền biệt” hay “Khuya nào”, “ Khúc ru”, “ Khách của trần gian”,   “ Tự sự và những ô cửa sổ nghiêng”, “ Tạm thời chưa có tên”, “ Chào hàng”…Rất nhiều bài “ Không tên” được anh chọn làm tiêu đề chẳng hề mới lạ, chẳng to tát, chẳng mang tính thế sự. Nhưng mỗi câu thơ là một hướng nhìn, mỗi câu thơ là một cửa sổ. Nguyễn Bình phương chỉ cần cái cớ. Khi có cái cớ để chạm, anh  mở, anh bung ra giải tỏa tất cả những ẩn ức, những cái nung nấu dồn nén trong mình. Phải là một cây bút nhiều ý tưởng chất chứa, giàu suy ngẫm, giàu ngôn ngữ mới thể hiện được điều đó. Bởi vì cái nhà thơ cần là bộc lộ, là phát tiết. Điều quan trọng hơn, bộc lộ, phát tiết phải đến đáy, đến tận cùng tất cả các cung bậc cảm xúc, các cung bậc tư duy.

     “ Xa xăm gõ cửa” có 6 phần lớn, trải dài suốt chặng đường sáng tác của Nguyễn Bình Phương hơn hai mươi năm ). Hơn hai mươi bài thơ đầu đời tập hợp lại thành “ Lam chướng” ( 1992 ) định hình bút pháp của Nguyễn Bình Phương. Từng con chữ “ có nốt chân hờ hững / In lên tổ kiến vàng” ( Mùa ), “Những đàn chim ngày ấy về trời / Thoang thoảng trên nóc chiều chưa tắt / Im lặng vỡ tan tành im lặng . Li ti tôi nhấp nháy khắp làng” ( Làng Phan ). Trường ca “ Khách của trần gian” ( 1996 ), là một bước ngoặt của đời người, cũng là bước ngoặt đời thơ của tác giả. Đó là sự hiện diện một sinh linh mới, một luồng gió mới mang đến một nhân sinh quan, một thế giới quan mới. Mọi thứ thay đổi. Ru khác. Sữa khác. Nghĩ khác. Cảm khác. Sống khác. “ Sữa à sữa ơi / Con mẹ đang đói / Chum thì đục ngầu / Khói không uống được / Sương móc khó lành / Trời già mắc bệnh thần kinh / Đánh cờ bỏ tướng rập rình mã xe”( Ru ). Tác giả không nói mình là con chim báo bão nhưng có một cơn bão đang hình thành, đang tới. Cuộc sống mới, nhu cầu văn hóa mới chọn anh như định mệnh: “ Hai phân, mười phân hay mươi phân / Mang khuôn mặt định mệnh / Những chiếc đinh trang nghiêm / Đóng lên / Những cái chết trang nghiêm / Cây đinh khổng lồ từ đỉnh trời xuống lòng đất / Em hãy treo lên tấm ảnh chúng mình / Anh đã hết cười từ bé” ( ( Những cây đinh ).“ Xa thân” ( 1997 ) đến “ Từ chết sang trời biếc” ( 2001 ), “ Buổi câu hờ hững” ( 2011), và  “ Những bài thơ khác” có sự chuyển động rất rõ nét về sự già dặn trong câu chữ, chặt chẽ trong cấu tứ nhưng vẫn một bút pháp. Những năm chín mươi anh viết : “ Thân suối mềm rung rinh / vục tay vớt / Chạm bóng gầy chới với / Lành lạnh câu thơ rơi “ ( Linh Nham đêm ), “ Qua rãnh nước thấy vô khối mặt người/…/ Nơi ấy chưa mưa nên mặt trời bị cháy” ( Mùa ).  Hơn hai mươi năm sau anh viết: “ Đây con số tinh anh ranh ma / Người yếu mệnh đứng bên lề dấu cộng / Một dấu nhân bay lượn cùng bao nhiêu huyễn mộng / Ghé tai anh / Và bão tố trở về” ( Chào hàng ), và “ Này lính cũ mũ rơm cài hoa cải / Loạt đạn say sưa ngủ trước cổng thành / Gồi Thái Nguyên vừa đập cánh vừa lạnh / Những bà mụ xòe tay đỡ buổi sáng yên lành / Trong giọng nói có đàn ngựa bạch / Đàn ngựa vào ra quanh quẩn tháng ba / Bóng vẫn hiện giữa ngôi nhà bỏ trống” , câu cuối cùng là “ Cái rùng mình trên làn da thanh vắng” ( Những trận chiến cài hoa ). Trừu tượng và siêu thực. Đẹp và bí ẩn. Sang trọng và huyền ảo.

      Trục cảm hứng thi ca và bút pháp sáng tác của nhà thơ Nguyễn Bình Phương hơn hai mươi năm là một đường thẳng, không có lối rẽ. Mặc dù “ Xa xăm gõ cửa” có sáu phần rất rõ ràng, nhưng đó không phải là sáu giai đoạn chuyển mình của tác giả. Trục sáng tác ấy có vặn xoắn, có giằng xé, có quặn thắt, nhưng không tìm thấy có nét đứt gãy. Điều đó cho thấy, thơ Nguyễn Bình Phương rất nhiều trải nghiệm nhưng không có bước thử nghiệm. Dòng chảy càng ngày càng mạnh nhưng không có ghềnh thác, không đột biến. Những cái được thiết lập từ lúc mới tạo dựng ngôn ngữ thơ đến khi trưởng thành chững chạc càng ngày càng được củng cố, bồi đắp, đẩy cao chứ không bị phá vỡ, không bị loại thải. Hiểu theo nghĩa, tác giả trung thành tuyệt đối với thi pháp đã chọn lựa cũng được, mà hiểu theo cách, đó là định mệnh ngòi bút của nhà thơ cũng được. Trên thế giới, không thiếu những tên tuổi lớn của thi ca suốt đời chỉ trung thành với một bút pháp sáng tác.

       Có thể coi khả năng suy ngẫm, tìm tòi, liên tưởng khai quật các mạch ngầm tâm thức, bút pháp lập thể, siêu thực là tài nguyên, tài quý báu của nhà thơ. Nhưng nguồn tài nguyên dù lớn đến đâu, khai thác mãi cũng cạn kiệt. Công nghệ tiên tiến đến đâu, sau mấy chục năm khai thác cũng lạc hậu, cũ kỹ. Điều tất yêu không tránh được là những “ sản phẩm ra lò” không phải lúc nào cũng được chào đón, kỳ vọng như thuở ban đầu. Bên cạnh những câu thơ, hình ảnh thơ đẹp, có sức gợi, sức lan tỏa như “ Ngủ chưa người cái nhớ thắp đầy sân / Cái nhớ đội sen vàng ngày hạ “ ( Khúc ru ), “ Ta là quầng sương mịn / Chít vành tang cho cây / Ta phả xanh vào lá thì lá hát / Ta phả đói vào bàn chân thì bàn chân đứng dậy” ( Ru ), ta bắt gặp một số câu cầu kỳ, mở cách nào không vào được, không lý giải được. Chẳng hạn : “ Bay qua chim bay qua bay qua / Người vùi giữa nắng tiếng kêu mờ dân / Vườn trúc trong veo xào xạc rụng / Ngày xưa ở nước mông lung / Chưa thấy mặt trời tình không ký ức / Cuốn theo ánh sáng màu hung / Mải mê hai ta đi tìm thêm bóng / Rừng không còn lá rừng gầy / Ta chuyển thân vào cây / Chim bay qua thì mất” ( Xa thân ), hay trong “ Hoan ca III” có đoạn : “ Khi đứa bé hắt hơi, con mèo giật mình lao xuống, cả bầu trời co rúm lại cho cú bật cuối cùng. Bốn chân sẽ chạm đất trước và mèo sẽ trổ hoa đậu quả, quả ấy vẽ theo ký ức xa thẳm hình cái tai”. Rất khó tìm được một logic dù đứng trên phương diện logic tình cảm, logic hình ảnh, logic tư duy hay logic hoài niệm trong đoạn thơ trên. Hình như tác giả đã linh cảm thấy phía trước: “ Anh thành đốm nắng không nguồn cội / Lênh đênh qua hàng quán tàn phai / Với cái nhìn bạc màu kiêm ái / Anh nhận ra tro tàn kim cương / Trong chớp mắt chậm như vĩnh cửu” ( Nói với em từ trống trải).

      Nhưng với bản lĩnh dám “ làm sống lại / những cảm giác tinh khôi / Về con đường mới lạ” ( Thác ), “ Không được phép ngửa tay xin ánh sáng, hãy gọi thêm đêm chất đầy đêm. Dòng uốn lượn eo lưng làm khốn khổ những đài sen, vượt qua hàng trăm cây số bùn lầy vươn lên, người sẽ hiểu vì sao ta không thơm gay gắt” ( Khách ), chữ nghĩa còn giàu khí phách, giàu nghị lực, giàu năng lượng thế, ta tin con đường Nguyễn Bình Phương còn dài hơn nữa  sau “ Xa xăm gõ cửa”.

 

    

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *