Thơ Bàn Tài Đoàn - tiếng nói tâm hồn đích thực của người Dao

30/01/2016

Với ông, quê hương luôn là một phần máu thịt rất quan trọng, bởi vậy sáng tác của ông luôn có một cái nhìn yêu thương, đầy cảm xúc đối với từng ngọn núi, dòng suối, viên đá, từng bông hoa, ngọn măng… ; với những mặt trời, mặt trăng với tiếng chim thánh thót, tiếng gà gáy vang vọng nơi rừng xanh … Với ông - tất cả đều là bạn, là người thân – vì thế mà thiên nhiên trong thơ ông như có tâm hồn, có tình, có nghĩa với con người.

THƠ BÀN TÀI ĐOÀN - TIẾNG NÓI TÂM HỒN ĐÍCH THỰC CỦA NGƯỜI DAO

 

Bàn Thị Quỳnh Giao

       

Bàn Tài Đoàn là một nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại. Ông là một người con đích thực của dân tộc Dao, cả cuộc đời ông gắn bó với dân tộc, với quê hương miền núi cao của mình. Ông đã cất lên tiếng hát tâm hồn của chính dân tộc mình. Từ khi còn trẻ tuổi -  ông đã làm thơ cho người Dao hát “Páo dung”, đến tận lúc già người Dao vẫn đến xin thơ ông để hát. Chợ phiên ở phố huyện Nguyên Bình thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước, bên cạnh cái lâng lâng của rượu ngô men lá, trong tay nải của những ông cụ, bà cụ trên đường về nhà còn có cả những bài thơ mà ông Đoàn tặng để về nhà đọc, ngâm – hát cho vui cửa, vui nhà. Có thể nói, thơ của ông chính là tiếng nói tâm hồn của người Dao, là những suy nghĩ, trăn trở, những niềm vui, nỗi buồn của người dân tộc Dao. Nói một cách khác bản sắc Dao được thể hiện một cách hết sức cụ thể và phong phú, bản sắc đó thấm đượm từ nội dung đến hình thức nghệ thuật trong từng sáng tác của ông.

 Hình ảnh thiên nhiên, cuộc sống, con người miền núi trong thơ Bàn Tài Đoàn

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Nguyên Bình – Cao Bằng, nên thiên nhiên miền núi cao vời, xanh thẳm nơi quê hương ông vừa là môi trường sinh sống, vừa là người bạn tâm tình, vừa là nguồn cảm hứng vô tận cho ông sáng tác.  Trong các bài thơ của ông - chúng ta bắt gặp rất nhiều những hình ảnh của rừng núi, thiên nhiên, với những cánh rừng xanh biếc, những dãy núi đá nhọn chọc trời nơi quê hương ông: “Đất châu Nguyên Bình bao la rộng/ Ruộng đồng thì ít, núi nhiều thay/Phía nam núi đất, rừng xanh biếc/Phía bắc đá nhọn chọc trời mây”(Phai Khắt, Nà Ngần)

      Với ông, quê hương luôn là một phần máu thịt rất quan trọng, bởi vậy sáng tác của ông luôn có một cái nhìn yêu thương, đầy cảm xúc đối với từng ngọn núi, dòng suối, viên đá, từng bông hoa, ngọn măng… ; với những mặt trời, mặt trăng với tiếng chim thánh thót, tiếng gà gáy vang vọng nơi rừng xanh … Với ông - tất cả đều là bạn, là người thân – vì thế mà thiên nhiên trong thơ ông như có tâm hồn, có tình, có nghĩa với con người. Đây là hình ảnh của con suối Khuổi Sao hiền lành, đầy tôm cá, bao đời gắn bó thân thiết với đời sống của cộng đồng dân tộc Dao quê hương ông: “Fáy xúi Khuổi Sao mài pé doảng/Nhiều cháy dạ mài khia dạ mài/Chì tào mài to màu xà xấu/Khung xiếu cong pin thính xúi tài”(Dịch thơ: “Con suối Khuổi Sao có nhiều thứ/Cá lội tìm rêu, tôm múa theo/Đá to đá nhỏ ngồi bên suối/Sớm chiều nghe suối chảy reo vui” (Khuổi Sao).  Và đây là tiếng hát của núi rừng khi mỗi độ xuân về: Hoa Kim Anh nở rộ khoe sắc, măng trúc, măng vầu cũng cựa mình vút lên khỏi mặt đất…, tất cả như báo hiệu một mùa xuân tươi đẹp, hạnh phúc, no ấm đang đến với những người dân vùng cao: “Núi rừng nghe lời ca tiếng hát/Xuân về nở rộ hoa kim – anh/Măng vầu, măng trúc cùng cao vút/Như giáo, như gươm giữ rừng xan” (Suối LêNin, núi Các Mác) . Hoà vào sắc xuân còn có âm thanh của những tiếng chim rừng: “Đất mọc cây xanh, rừng rộng lớn/Chim ơi hãy hót bản đồng ca” (Muốn tìm bạn), tiếng gà rừng, tiếng thì thầm của cỏ cây: “Sên tào dự mài tsì câu gái/Chiên chây mài to khố bạn tình/Sên đía chây mài sên đía bạn/Tsuất muồn tu thính bạn tsuôi sinh” (Dịch thơ: “Trên núi lại còn gà gô gáy/Thật là rừng xanh có bạn nhiều/Trên rừng ta có nhiều bạn lắm/Bước ra đường là nghe bạn vui” (Chim rừng là bạn tình)). Dưới ngòi bút của ông thiên nhiên hiện ra thật tươi đẹp, rực rỡ và thơ mộng: “Mặt trời mọc đỏ lên đằng đông/Mặt trời mọc lên soi khắp chốn” (Gà gáy); “ Sáng nay mặt trời mọc lên sớm/…/Muôn loài đều thấy lòng vui sướng” (Chim bay thấy)

Ông yêu thiên nhiên với một tình yêu máu thịt, chính vì thế ông đã vô cùng đau xót khi chứng kiến cảnh cây rừng bị chặt phá mà nguyên nhân chính là do lối sống du canh, du cư của chính cộng đồng dân tộc ông. Cũng bởi núi rừng, chim chóc, muông thú như là những người thân của ông nhưng giờ đây tất cả đã rời xa ông nên ông đau đớn, xót xa như mất đi một phần cơ thể mình: “Fây nẩy phủi tài chiên hom hấu/Sấy miền phúi náng tỏi ô fun/Dộm tsấy tú  mài hioang kiaa tóng/Kín miền ngoa ố hạn mâu dùn” (Dịch thơ: “Trèo lên núi nhìn không thấy/Lên tiếng gọi to chẳng thấy thưa/Không nghe tiếng bạn đáp lời lại/Chỉ nghe gió thổi tiếng vi vu.” (Trên núi vẫn là nơi ta ở)). Không chỉ đau đớn, xót xa mà nhà thơ còn lên án, phê phán gay gắt những con người đã làm rừng “biến mất”. Ông cất tiếng gọi thiết tha: “Rừng ơi, rừng chạy đi đâu nhỉ/Rừng xanh không cánh cũng biết bay/Không chân mà rừng cũng biết chạy…”(Tìm bạn rừng); ông mong muốn rừng sẽ trở về cùng chung sống vui vẻ, thân thiết với người Dao như xưa: “Rừng ơi hãy về thương ta với/Cùng ta chung sống xanh trên núi” (Tìm bạn rừng). . .

Bên cạnh một tình yêu thiên nhiên tha thiết ông còn luôn tự hào về cuộc sống, con người miền núi nơi quê hương ông. Trong thơ Bàn Tài Đoàn con người miền núi nói chung và những người dân tộc Dao nói riêng luôn có một tâm hồn vui tươi, hồn nhiên, trong trẻo, họ luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống thường ngày: “Nhớ đến làng xưa những bạn thân/…/Nhớ đến trong làng chị em bạn/Ngồi bên nhà thêu áo màu chàm” (Nhớ làng xưa); họ luôn chân thật, thuỷ chung với nước non, với quê hương, với bạn bè: “Người Dao nghèo khổ mà hiên ngang/…/Dũng cảm, yêu thương, lòng chân thật/Thuỷ chung với bạn, với nước non !” (Cái gì đẹp nhất). Trong cuộc sống gia đình họ luôn yêu thương, kính trọng, biết ơn sâu sắc đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ và rất có hiếu lễ: “Cháu ngoan, quấn quýt lớn lên mau/ Ông bà vui nghe đàn cháu hát” (Xuân về). Đây cũng là một nét đẹp trong đời sống tình cảm gia đình của người Dao mà ngày nay con cháu người Dao vẫn rất cần học tập để gìn giữ nét đẹp văn hoá đó trong các gia đình, dòng tộc của mình.

  Trong thơ ông những hình ảnh nổi bật, làm xúc động lòng người là hình ảnh người mẹ, người vợ, người bạn, người đồng chí… Ví dụ như: Khi nước nhà độc lập nhìn lên tấm huân chương do nhà nước tặng cho mình ông đã rưng rưng nhớ đến mẹ: “Một tấm huân chương đeo trước ngực/ Con nhớ ơn mẹ nhớ đồng bào” (Báo tin mừng cho mẹ); và nhớ đến công lao của người vợ đã “một nắng hai sương” lo lắng gia đình để ông yên tâm làm cách mạng: “Mấy chục năm trời cùng xa cách/ Để nàng khác chống cái gia đình” (Nhớ nàng đi xa); đồng thời nhớ đến công sức lớn lao của những người đồng chí đã dìu dắt ông đến với cách mạng, đến với con đường thơ: “Đồng chí tình thân như ruột thịt/ Dìu dắt tôi đi bước đường thơ” (Gặp đồng chí Văn), “Đoàn với Chấn và Chấn với Đoàn/ Hai  người bạn tình nặng ngàn cân/ Người ở xa nhau cách sông núi/ Tấm lòng thì ở cạnh bên gần” (Thơ tặng anh Nông Quốc Chấn). Chính vì tình sâu nghĩa nặng như vậy nên hình ảnh những con người thân yêu đó cứ luôn trở đi, trở lại trong thơ ông như một hình ảnh đầy sức ám ảnh trong quá trình thơ ông.

Là một nhà thơ miền núi sống qua hai chế độ, ông thấu hiểu một cách sâu sắc nỗi khổ cực, nhục nhã của đồng bào các dân tộc thiểu số (trong đó có dân tộc Dao). Dưới chế độ thực dân phong kiến, người dân phải chịu bao nỗi khổ cực do thiên tai, do chiến tranh, do sự bóc lột tàn ác của bọn phong kiến thực dân: “Vua đổ vua lên cũng gọi vua/Rước voi dẫm nát tổ trong mồ/Phu phen thuế má dân nai chịu/ Giặc dã, thiên tai dân tự lo. (Hai mươi lăm năm); Mưa hoà gió thuận còn tạm đủ/Gặp năm hạn hán đói bơ vơ (Trùm Xấy Cấu).

Ông cũng rất thấu hiểu và biết ơn công lao to lớn của cách mạng, Bác Hồ

đã đưa ánh sáng của Đảng tới xua tan màn đêm đen tối, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giúp người dân có cơm ăn, áo mặc, có muối, có điện …cho đồng bào các dân tộc, trong đó có dân tộc Dao của ông: “Người Dao gặp cách mạng vui mừng/ Đời được đổi mới trăm thứ đủ (Đời có Hồ Chí Minh); “Bác Hồ là cha già dân tộc/ Suốt đời lo nghĩ cho nhân dân/ Lo cơm, lo áo, lo nhà ở/ Lo đời người Dao được sướng hơn” ( Bác Hồ ở mãi trong lòng ta); “Từ khi cán bộ cụ Hồ đến/Có hàng bán muối tha hồ chọn/Có hàng bán vải đỏ vải xanh/Cụ Hồ mang áo về, dân mặc/Cụ Hồ đem muối về, dân ăn” (Muối của cụ Hồ)

    Có thể nói, qua thơ của ông người đọc như thấy rất rõ tâm hồn, tình cảm thậm chí cả tính cách, ngôn ngữ thể hiện của một nhà thơ người dân tộc Dao đích thực.

 Những phong tục tập quán của người Dao là niềm tự hào và nỗi lòng đau đáu của người con dân tộc Dao - Bàn Tài Đoàn

Được đắm mình trong cuộc sống văn hoá, tinh thần của dân tộc Dao, Bàn Tài Đoàn luôn tự hào về những phong tục, tập quán của dân tộc mình bởi chính những phong tục, tập quán đó đã góp phần làm nên bản sắc văn hoá của dân tộc ông. Bản sắc đó được thể hiện cụ thể, sinh động trong các nghi lễ văn hoá truyền thống vào dịp lễ tết ( tục lệ khâu áo mới cho ông bà, tục hát páo dung, tục nhảy lửa trong tết nhảy.. .): “Mỗi lần xuân đến tết cũng đến/ Chúng cháu rủ nhau khâu áo quần/ Trời rét, ông bà có dịp diện/ Quên già bởi tuổi lại sang xuân” (Khâu áo cho ông bà);  trong các nghi lễ đám cưới, cấp sắc, đám ma: “Mười tám tuổi thì họ đến hỏi/ Có người đến hỏi mới là duyên…Em đi xuất giá chào hàng xóm/ Kính chào anh em đến mừng em” (Em đi xuất giá); Lúc này lập nên nhà nên cửa/Trong lòng nghĩ chẳng chịu kém ai/Văn chương cũng học được một ít/Không có pháp danh đành chịu theo.” (Cuộc đời sao khổ thế); Ba năm khuất nguyện phải bồi hoàn/…/Thăng chức qua rồi muốn làm chay/Làm được ma chay người ngợi khen (Làm ma bị nghèo khổ). Thông qua những nét đẹp trong phong tục tập quán đó tác giả muốn khẳng định một điều rằng: dân tộc Dao vốn là một dân tộc có truyền thống văn hoá lâu đời, một dân tộc có chữ viết riêng, có ngôn ngữ riêng, có rất nhiều phong tục tập quán ấy.

           Là một người con Dao ông luôn tự hào về những phong tục, tập quán của dân tộc mình nhưng bên cạnh đó ông cũng luôn day dứt, trăn trở về những tục lệ lạc hậu của cộng đồng dân tộc mình. Bởi chính những hủ tục đó đã là một nguyên nhân lớn dẫn đến cuộc sống nghèo đói, khổ cực của người Dao từ xưa cho tới nay, ví dụ như: Trong tục cưới xin nhà thơ đã kêu gọi đồng bào hãy từ bỏ hủ tục thách cưới nặng, ép gả để người Dao có được một cuộc sống thực sự hạnh phúc:”Có người cưới vợ cho con cả/Con gái cho người lấy làm dâu/Lệ làng bạc trắng mấy chục lạng/Rượu thịt mấy ghánh đè lên đầu.” (Đêm không ngủ); Rượu tan vợ chồng đeo nặng nợ/Bao nhiêu vui sướng biến nghèo nàn/Có người bố mẹ qua đời hết/Nợ vẫn còn dây con cháu đeo/Ngẫm nghĩ bao nhiêu đời cay đắng/Đời đời nối tiếp nợ mang theo.” (Lấy vợ gả chồng);  “Bây giờ đã ăn uống rượu thịt rồi/Ăn xong rượu thịt không thể rồi/Em đi gả vào nhà của họ/Khổ mẹ ở nhà khổ mọi điều (Em đi xuất giá); tập tục du canh, du cư cũng là một trong những nguyên nhân gây nên đói nghèo, đau khổ từ bao đời, nên ông xót xa, căm hận tục quán lạc hậu đó: “Đã trải qua bao đời ta cực khổ/Chặt gốc, ăn ngọn, sống du cư/Mưa hoà gió thuận còn tạm đủ/Gặp năm hạn hán đói bơ vơ” (Trên núi vẫn là nơi ta ở); “Làng xóm không nơi nào ổn định/Bốn phương trời: nay ở, mai đi(Trên núi vẫn là nơi ta ở), họ đã phải “Chặt gốc ăn ngọn” để rồi: “Cuộc đời người Dao ở trên núi/Chặt gốc ăn ngọn để nuôi nhau/Trời sáng, cài dao bước ra cửa/Phá trụi rừng xanh vẫn đói nghèo” (Uống nước nhớ nguồn). Ông đã kêu gọi người Dao hãy thực hiện chính sách định canh định cư do chính phủ đề ra để có được một cuộc sống  bình  yên, no ấm: “Ngày nay Đảng, chính phủ khuyên bảo/Người Dao cần định cư định canh/Nơi nào có ruộng làm cho tốt/Nơi nào có nương cũng thâm canh/(Trên núi vẫn là nơi ta ở)/Chính phủ đề ra nhiều chính sách/Người Dao nghe bảo nhau yên lòng/Định cư định canh theo kế hoạch” (Bước đường tôi đi); và ông đã thấu hiểu tệ nạn mê tín dị đoan xuất phát từ sự thiếu hiểu biết nên đã gây ra bao đau khổ cho người Dao. Nhà thơ đã nhận ra tính chất tiêu cực của hủ tục này nên ông đã chỉ rõ, lên án, để loại bỏ hẳn hủ tục đó ra khỏi đời sống: “Quỉ thần không phải là chân thật/Vì rằng không ai nhìn thấy ma… Chỉ nghe lời nói ông thầy bói/ Ông thầy cũng chẳng nhìn thấy ma/ Bói bừa, bói láo cho ta sợ/ Không cúng thì sợ ma không tha” (Cùng bạn trò chuyện); ngoài những phong tục, tập quán cổ hủ, lạc hậu đè nặng lên cuộc sống của họ thì tệ nạn hút thuốc phiện cũng làm cho cuộc sống của đồng bào Dao lao đao, khốn khó, nhà tan, cửa nát. Nhà thơ đã giúp người Dao nhận ra tác hại của thuốc phiện và kêu gọi mọi người hãy tránh xa nó. Bởi khi nghiện thuốc phiện con người sẽ đánh mất nhân cách và nó cũng chính là “giặc khói” phá hoại cuộc sống hạnh phúc của người Dao: Xin đừng mó! Xin đừng mó!/Mó phải nó dính vào người khó cởi,/Làm cho con nhỏ, vợ hiền khổ thân/Xưa nay thuốc phiện vẫn là giặc khói.(Ngọn đèn thiêu hết cơ nghiệp). Qua những hủ tục đó nhà thơ muốn cộng đồng dân tộc Dao hiểu rõ nếu không loại bỏ triệt để những hủ tục đó ra khỏi cuộc sống thì sẽ khiến cho cuộc sống của người Dao đã nghèo lại nghèo hơn, đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Là một người luôn tha thiết, tự hào với các vẻ đẹp của thiên nhiên, của các phong tục tập quán của dân tộc Dao, nhưng đồng thời cũng là một người con thấu hiểu bao nỗi khổ cực, vất vả với bao nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp gây nên nỗi khổ cực đó (do sự bóc lột của bọn thực dân phong kiến, do các hủ tục, do thiên tai…) nên ông đã chân thành, dũng cảm chỉ ra và đấu tranh mong muốn loại bỏ những hủ tục đó để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, tươi sáng hơn cho cộng đồng dân tộc Dao. Chính vì vậy, chúng ta có thể khẳng định thơ Bàn Tài Đoàn là tiếng nói tâm hồn đích thực của người Dao.

Mọi sự đều bắt nguồn từ những khởi đầu, nhà thơ nay dẫu đã đi xa, trở về làm bạn với bạn Chấn, làm bạn với những chiến sĩ cách mạng đã từng kề vai sát cánh với nhà thơ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhưng người Dao ở Việt Nam luôn tự hào rằng họ có một nhà thơ lớn – Bàn Tài Đoàn. Cũng có những nhà thơ, nhà nghiên cứu nhận định rằng: phải đến khi có Bàn Tài Đoàn, người Dao mới có văn chương bác học. Điều đó có thể đúng,nhưng dù là bác học đến đâu, người Dao nói riêng và những độc giả tìm hiểu về văn hóa Dao nói chung đều soi thấy trong đó có những trăn trở, những suy nghĩ, những lời nói ẩn dụ, so sánh, ví von mang đặc trưng ngôn ngữ, văn hóa Dao. Ấy vậy nên có lúc ông nói miền ngược, miền xuôi, miền Nam, miền Bắc kết nghĩa anh em theo kiểu “ kết tồng”. Ông được Đảng, Chính phủ cho đi công tác ở Miền Nam bằng máy bay thì ông gọi là cái “ nhà bay”… và chúng tôi, những người con của dân tộc Dao, trước ngưỡng cửa của sự phát triển hôm nay đã và đang tìm lại, đọc và suy ngẫm lại về những lời dăn dạy của bậc tiền nhân trước những ứng xử văn hóa truyền thống của một dân tộc, của một con người ưu tú của dân tộc được trưởng thành từ những “hạt muối của cụ Hồ”.

 

..................

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Nhiều tác giả (2006), Tuyển tập Bàn Tài Đoàn, Nxb Văn hóa dân tộc, H.

[2]. Phong Lê chủ biên (1988), Nhà văn các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Nxb Văn hoá dân tộc, H.

[3]. Phong Lê, Vũ Tuấn Anh, Vũ Quần Phương (1984), Nhà thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, H.

[4]. Bàn Tài Đoàn (1973), Rừng xanh, tập thơ, Nxb Việt Bắc.

[5]. Bàn Tài Đoàn (1971), Đường sáng, tập thơ, Nxb Việt Bắc.

[6]. Bàn Tài Đoàn (1975), Sáng cả hai miền, tập thơ, Nxb Văn học.

[7]. Bàn Tài Đoàn (1967), Kể chuyện đời, tập thơ, Nxb dân tộc Việt Bắc.

                        

Nguồn: Bài do tác giả cung cấp, đã công bố tên Tạp chí Văn hóa các dân tộc, Số 8/2010.

Các tin đã đưa ngày: