Ống kính phê bình

17/12
8:45 AM 2016

PHƯƠNG THỨC KỂ CHUYỆN TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN VIỆT HÀ

ĐÀO CƯ PHÚ-Một số phương diện thuộc về trần thuật như phương thức kể, ngôn ngữ và điểm nhìn trong thể loại tự sự nói chung và trong tiểu thuyết nói riêng không tĩnh tại mà luôn vận động như một cơ thể sống.

Nếu như trong văn học truyền thống, ngôn ngữ người kể chuyện luôn được phân định rạch ròi, ngôi kể, điểm nhìn được xác lập rõ ràng, thì đến văn học đương đại, đặc biệt là các tác phẩm thuộc khuynh hướng hậu hiện đại, phương thức kể của người kể chuyện trở nên biến ảo hơn. Nguyễn Việt Hà là nhà văn có những tìm tòi cách tân về các phương diện kể chuyện nhằm góp phần làm mới nền tiểu thuyết đương đại Việt Nam, đưa tiểu thuyết nước ta xích lại gần hơn với tiểu thuyết đương đại thế giới.

 Quan sát các tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, người đọc thấy hầu hết chúng được kể theo lối mảnh ghép, gãy khúc, tức là mạch truyện không theo một trục mà có sự phân nhánh thành những hướng khác nhau. Kết cấu của tiểu thuyết Khải huyền muộn được tạo nên bởi những mảnh đoạn xoắn bện vào nhau theo dạng tiểu thuyết lồng tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết này, bên cạnh phần viết về nhà văn và cô người mẫu ngoài đời còn có tiểu thuyết khác của nhân vật nhà văn cũng viết về mối quan hệ giữa một nhà văn với cô người mẫu có cái tên rất đẹp Cẩm My. Chính sự “rắc rối” này khiến cho tuyến truyện nhiều khi bị bẻ gãy, tạo nên những điểm mờ thách thức khả năng của bạn đọc. Chẳng hạn đoạn nhân vật cô người mẫu ngoài đời đang so sánh những điểm giống và khác biệt về giấc mơ giữa mình và Cẩm My thì bất chợt mạch truyện bị ngắt ra, chen vào giữa là đoạn truyện trong tiểu thuyết của nhà văn ngoài đời thực. Tiểu thuyết Ba ngôi của người là câu chuyện xoay quanh thành viên trong một gia đình, gồm có bố mẹ Kun, cậu Kun (Quang Anh) và Kun. Truyện được kể ở cả “ba ngôi”, với ba người kể chuyện chính là Kun, Quang Anh và bố Kun. Tiểu thuyết dài gần 400 trang và tương đối liền mạch. Ngoài việc thay đổi luân phiên liên tục giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, Ba ngôi của người còn được Nguyễn Việt Hà lồng ghép vào những mảnh gãy lịch sử. Đó có thể là những ngày tháng cuối cùng của Nguyễn Trãi: “Năm Nhâm Tuất 1442, sau đêm mùng 4 tháng Tám xảy ra vụ án Lệ Chi Viên hai ngày, trước khi bắt Nguyễn Thị Lộ…”, đến những thông tin kiếp trước của nhân vật trung niên: “Nhà thơ Tản Đà đã hơn ba lần ngồi nhậu với trung niên cũng khẳng định rằng, trong máu của bất cứ người Việt nào đều luôn có một đứa nhà quê...”. Việc đan xen này lặp lại rất nhiều lần trong tác phẩm, những đoạn lồng ghép lịch sử ở các thời điểm khác nhau cùng với sự luân hồi nhiều kiếp của nhân vật trung niên tạo cho mạch truyện có sự đứt gãy, một màu sắc đặc trưng rất hậu hiện đại mà các tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn này thường sử dụng.
 

Ngoài lối kể chuyện phân mảnh, đứt gãy, Nguyễn Việt Hà còn ưa sử dụng thủ pháp đa bội điểm nhìn. Đa bội điểm nhìn xuất phát từ nguyên tắc phi trung tâm hóa trần thuật. Nền tảng triết học của nó nằm ở sự đả phá các đại tự sự tạo nên tính dân chủ, đa trị trong nghệ thuật kể chuyện. Theo nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc thì “mục đích của nó là khách quan hóa trần thuật và có thể nắm bắt được bản chất hiện tồn của con người. Lối trần thuật này mang lại hiệu quả lớn lao trong việc tiếp nhận. Ứng với mỗi điểm nhìn, người đọc có thể đối thoại để tìm ra nội dung và ý nghĩa của câu chuyện”. Trong tiểu thuyết đầu tay Cơ hội của Chúa, nhà văn đã xây dựng thành công hệ thống nhân vật đa diện, trong đó có nhân vật chính - Hoàng. Nguyễn Việt Hà đã sử dụng nhiều điểm nhìn để có những đánh giá, nhận định khác nhau về con người Hoàng. Trong con mắt của Tâm, Hoàng là một người thông minh, uyên bác, đáng kính trọng nhưng có vẻ hơi cổ hủ, lỗi thời. Bình, “tình địch” của Hoàng, lại có cái nhìn thiếu thiện cảm về anh khi cho rằng anh là một gã lưu manh “lừa gạt hàng chục đàn bà” nhẹ dạ cả tin. Còn đối với Thủy - người từng có tình cảm trong sáng với Hoàng - có điểm nhìn thay đổi khi đánh giá về Hoàng. Ban đầu thấy “hay hay”, về sau Thủy thấy Hoàng là một kẻ “dựa dẫm”, “nghiện ngập”, thiếu bản lĩnh, yếu mềm và vô cùng ích kỉ, độc đoán. Nhã, một người bạn thân, lại đánh giá Hoàng là người tốt hiếm hoi còn sót lại trong xã hội nhưng ở một số khía cạnh khác của đời sống, anh còn quá khờ khạo và hiền lành. Đến tiểu thuyết Khải huyền muộn, người đọc cũng thấy rất nhiều điểm nhìn cùng tồn tại. Đó là điểm nhìn của người kể chuyện, nhà văn Bạch, cô người mẫu ngoài đời và các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết thai nghén của anh: Vũ và Cẩm My. Đặc biệt là các cặp song trùng điểm nhìn giữa nhà văn Bạch với Vũ, giữa cô người mẫu ngoài đời và Cẩm My, bởi hai nhân vật trong tác phẩm của Bạch chính là mang hình mẫu của anh và của cô người mẫu ngoài đời thực. Vì thế, điểm nhìn của các nhân vật này vừa có những đoạn nhòe nhập gần như trùng khít nhau, vừa có những điểm nhìn không giống nhau. Việc sử dụng nhiều điểm nhìn để miêu tả sẽ giúp nhân vật trở nên sinh động và “đời” nhất. Nguyễn Việt Hà đã tận dụng và phát huy tối đa kĩ thuật này để biến nó trở thành một trong những nét cách tân về điểm nhìn của người kể chuyện trong tiểu thuyết của mình.

Ở một khía cạnh khác, diễn ngôn nghệ thuật, Nguyễn Việt Hà cũng rất chú ý tạo ra sự đa dạng. Trong cả ba tiểu thuyết, Nguyễn Việt Hà đều đan xen nhiều lớp diễn ngôn khác nhau và điều đó thể hiện rõ nét nhất qua tiểu thuyết Cơ hội của Chúa. Tác phẩm được kể nhiều ở ngôi thứ nhất nên các nhân vật có nhiều dịp để diễn tả những lời độc thoại nội tâm của mình. Điều đặc biệt là những lời độc thoại này thường được đưa thẳng vào thế giới bên trong mà không thông qua người kể chuyện. Chẳng hạn Nhã, một cô gái bị phụ tình tuy bề ngoài luôn tỏ ra cứng rắn, mạnh mẽ nhưng bên trong cũng yếu đuối như bao cô gái khác, cũng có lúc tâm sự cần được giải phóng: “Tôi nhớ Lâm. Nỗi nhớ bùng nổ như núi lửa phun nham thạch. Anh biết không, con bé Phương Phương được sáu tháng, nhìn mẹ bế con em nhớ anh kinh khủng”. Nhiều đoạn, các lớp diễn ngôn của nhân vật kết hợp vừa tự kể về mình ở ngôi thứ nhất vừa xen lẫn thoại, chẳng hạn như đoạn Thủy vừa kể vừa thầm nhủ về chuyện tình có thể sẽ chấm dứt với Hoàng: “Tôi cắm xong lọ hoa rồi chui vào buồng trong nức nở khóc. Sẽ không còn gì nữa. Chấm hết. Anh ta hoàn toàn không yêu mình. Đến bây giờ tôi mới nhớ rằng chưa bao giờ Hoàng tặng tôi hoa…”. Ở nhiều chương đoạn khác của tiểu thuyết này cũng như trong Khải huyền muộn, Ba ngôi của người, nhà văn vận dụng thành công sự xoắn bện các lớp diễn ngôn để tạo nên sự đa dạng trong cách sử dụng ngôn ngữ.

Bên cạnh đó, việc sử dụng cùng lúc cả ngôn ngữ đối thoại và độc thoại hay lộng ngôn vào lời kể, làm nhòe mờ ranh giới giữa chúng cũng được coi là một hình thức đa dạng các lớp diễn ngôn mà Nguyễn Việt Hà rất thường sử dụng. Cả Khải huyền muộn và Ba ngôi của người đều sử dụng ngôn ngữ nhòe mờ giữa đối thoại và độc thoại, nhòe mờ giữa ngôn ngữ của người kể chuyện với ngôn ngữ nhân vật, thậm chí là sự nhòe mờ ngôn ngữ giữa nhân vật nọ với nhân vật kia. Thâu suốt chiều dài của hai cuốn tiểu thuyết này, ở bất kì chương đoạn nào người đọc cũng có thể bắt gặp sự đan xen, xoắn bện các dạng thức ngôn ngữ để tạo thành một “mớ chữ” hỗn độn. Độc giả trở thành người phân định ranh giới ấy, trở thành người đồng sáng tạo với nhà văn.  

Tính đến thời điểm này, Nguyễn Việt Hà mới trình làng ba cuốn tiểu thuyết. Tốc độ “đổi mới” của anh so với những nhà văn cùng thời, sở hữu trong tay nhiều tác phẩm hơn như Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Thuận... chậm rãi hơn nhưng luôn có những nét riêng không thể trộn lẫn. Nếu như Hồ Anh Thái thiên về lối kể chuyện hài hước, bỡn cợt và đa sắc trong sử dụng ngôn ngữ, Nguyễn Bình Phương chú tâm đến giọng điệu kể chuyện đa thanh, phức điệu, Thuận thiên về kĩ thuật viết (tuy đôi khi bị gượng ép)... thì Nguyễn Việt Hà khá dung hòa tất cả các đặc điểm trên trong tiểu thuyết của mình. Các lối kể chuyện độc đáo, đa dạng các lớp diễn ngôn, giọng điệu đa thanh phức điệu... được anh sử dụng vừa phải và đạt hiệu quả nghệ thuật cao. Nguyễn Việt Hà không quá lạm dụng kĩ thuật viết hậu hiện đại nên những sáng tác của anh không kén độc giả. Sự khác biệt có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự khác biệt về nền tảng, điểm xuất phát và môi trường của từng nhà văn. Hồ Anh Thái là một tiến sĩ văn hóa phương Đông, am hiểu văn hóa và thông thạo ngoại ngữ cũng là cách để nhà văn tiếp thu một cách bài bản và triệt để những tinh hoa văn học trên thế giới. Thuận đang sống ở một trong những cái “nôi” của văn học hậu hiện đại thế giới nên ít nhiều cách tiếp cận cũng khác so với các nhà văn trong nước, điều đó dẫn đến hậu quả là yếu tố dân tộc, màu sắc dân gian của các phương diện trần thuật khá mờ nhạt. Còn với Nguyễn Việt Hà, nghệ thuật trần thuật của anh nghiêng về tính tự phát nhiều hơn. Chính điều này tạo nên được những khác biệt mang đậm dấu ấn Nguyễn Việt Hà về phương diện người kể chuyện so với các nhà văn đương đại nổi bật cùng thời khác của nước ta.

Alain Robbe Grillet cho rằng: “Mỗi nhà tiểu thuyết, mỗi quyển tiểu thuyết phải sáng tạo ra một hình thức riêng. Không có một công thức nào có thể thay thế sự nghiền ngẫm liên tục đó... Không tôn trọng những hình thức bất biến, mỗi quyển sách mới cần xây dựng cho mình những quy luật vận động đồng thời sản sinh ra sự diệt vong của chúng”. Nguyễn Việt Hà là một trong số những nhà văn như thế. Những nỗ lực và đóng góp của anh trong việc đổi mới tiểu thuyết nước nhà đã được bạn đọc phổ thông và các nhà chuyên môn ghi nhận.

(Nguồn: Văn nghệ Quân đội)
 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *