Văn học với đời sống

10/11
6:38 PM 2016

PHÊ BÌNH DƯỚI NHỮNG THIẾT CHẾ TRUYỀN THÔNG HẬU HIỆN ĐẠI

PHAN TUẤN ANH - “Hãy can đảm lên, các tác giả đương thời. Hình như chính Ivanhoe cũng đã phải cưỡi ngựa đấu thương với các nhà phê bình”

1.      Các thiết chế Multimedia

Phê bình văn học luôn tồn tại dưới những thiết chế (establishment), có những thiết chế nội tại (thể loại, trào lưu, ngôn ngữ…), lại có những thiết chế ngoại tại (chính trị, tôn giáo, tư tưởng…), trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chỉ mới giới hạn sự khảo sát của mình trong những thiết chế truyền thông. Bởi vì, các thiết chế này đã và đang tác động mạnh mẽ, quy định diện mạo của giai đoạn phê bình văn học hậu hiện đại, cho dù chúng ta không phủ nhận tính độc lập nội tại tương đối của bộ môn. Chúng ta vẫn thường mang ít nhiều ảo tưởng về sứ mệnh của hoạt động phê bình lẫn thiên chức của nhà phê bình văn học. Bởi vì, một bài phê bình cho dù được xem là văn bản khoa học hay văn bản nghệ thuật, nhà phê bình dù được đánh giá là người nghệ sĩ hay nhà khoa học, thì họ vẫn được đặt trong quang phổ của sự vô tư, phi lợi ích kinh tế, đều là những kết tinh của trí tuệ con người trong một môi trường văn học tự do và công chính.

Nhưng bước sang thời hậu hiện đại, với sự bùng nổ của truyền thông đa phương tiện, các phương thức quảng cáo và tiếp thị đầy quyền năng, nền phê bình văn học “chí công vô tư” ấy (nếu có) đã trở thành nền phê bình của truyền thông và thương mại. Chúng tôi tạm gọi đó là nền phê bình chịu ảnh hưởng của các thiết chế truyền thông đa phương tiện (multimedia). Theo Philippe Breton và Serge Proulx trong Bùng nổ truyền thông – sự ra đời một ý thức hệ mới [4], từ khi các media hiện đại (computer, internet, vô tuyến truyền hình, quảng cáo…) ra đời đã làm xuất hiện một nền tảng ý thức hệ mới – nền tảng tư tưởng về truyền thông. Nếu như trong các cơ cấu xã hội cũ, giáo hội, nhà nước, các đảng phái nắm quyền quyết định và vận hành các thiết chế xã hội, thì trong cơ cấu xã hội hậu hiện đại, chính những tổ chức và phương tiện truyền thông đã nắm lấy quyền lực ấy. “…Trong hoàn cảnh mọi người phản đối chính sách giữ bí mật và phản đối hình thức quan liêu tập trung trước đó của môn đại tin học, được dùng chủ yếu bởi establishment (thiết chế) khoa học quân sự… Chính trong trạng huống đó mà hình thành các vấn đề mới xung quanh “nền văn hóa tin học”… Từ nay có một nền văn hóa kĩ thuật, vật chất, được hình thành trong những tiếp xúc hằng ngày giữa các cá nhân với công cụ kĩ thuật và với máy móc. Kĩ thuật từ nay chiếm vị trí trung tâm trong nền văn hóa hiện đại” [4, 388-389]. Mặc dù, ý thức hệ về truyền thông luôn đề cao tính tương tác, tính dân chủ và công khai minh bạch thông tin, nhưng về thực chất đó vẫn chỉ là những ảo tưởng mới của xã hội. Các phương tiện truyền thông mới (các multimedia) thay vì thuộc về giáo hội, nhà nước, đảng phái như trong quá khứ, bây giờ nằm trong tay các tập đoàn tư bản về truyền thông. Do đó, các multimedia một cách tinh vi nhưng cực kỳ hiệu quả, luôn phục vụ cho những mục đích kinh doanh của các tập đoàn thông tin này.

Phê bình văn học truyền thống được “truyền thông” theo ba cách, cách viết thành các văn bản “tri âm” giữa những người thân hữu, cách xuất bản thành những công trình ấn phẩm in như một tác phẩm văn chương thật sự, hoặc hiện đại hơn chút nữa, là đăng tải trên các tờ báo viết. Cách viết thành những văn bản tri âm chỉ là dạng truyền thông trao tay mang tính cá nhân, không lưu truyền ra xã hội trừ một vài trường hợp hiếm hoi. Cách in thành sách thì có một lượng độc giả “cộng đồng”, nhưng lại thiếu tính thời sự và đòi hỏi người đọc phải bỏ thời gian, kinh phí tương đối lớn nhằm tiếp nhận. Phương thức truyền thông trên báo viết tuy phổ cập hơn nhiều, cũng như ít đòi hỏi thời gian và tiền bạc hơn từ phía người đọc, nhưng vẫn chưa biến phê bình thành một hiện tượng quảng cáo, truyền thông hậu hiện đại. Chỉ từ khi multimedia ra đời, và sự chu chuyển phê bình văn học trên các nền tảng multimedia như internet, vô tuyến truyền hình, radio, máy đọc sách điện tử… phê bình văn học mới thực sự thay đổi về bản chất.

Nhờ những media đa phương tiện này, phê bình văn học đã có sự thay đổi về chất một cách triệt để, nhưng đồng thời, những multimedia cũng chính là thiết chế quy định diện mạo và tính chất của phê bình văn học hậu hiện đại. Chúng ta sẽ điểm qua một số đặc tính của “phê bình văn học multimedia” như sau:

-                     Tính xuyên/liên không-thời gian: Phê bình văn học multimedia không tồn tại cụ thể trên mặt giấy vật chất, mà được dẫn truyền và hiển thị bằng màn hình máy tính, màn hình vô tuyến hoặc âm thanh radio. Tính biến thiên linh động và khả năng truyền tải xuyên/liên không-thời gian chính là đặc trưng lớn nhất so với phê bình văn học hiện đại và tiền hiện đại. Ngày nay, những công trình phê bình đa phần được viết trên nền những phương tiện multimedia, thậm chí, người ta còn ráo riết “số hóa” những công trình phê bình vốn trước đó được xuất bản theo phương thức truyền thống. Những thư viện mạng, sách điện tử, cửa hàng sách điện tử, trang web lưu trữ và chia sẻ… ngày một phổ biến và dần làm thay đổi phương thức tồn tại của văn bản phê bình, từ một hiện tượng vật chất trở thành một kí hiệu nhị phân [1] tồn tại trên mạng internet.

-                     Tính miễn phí: do chu chuyển trên không gian mạng, hoặc vô tuyến, hoặc máy đọc sách điện tử, hoặc radio… nên hầu như tác phẩm phê bình văn học hậu hiện đại không đòi hỏi việc trả tiền trực tiếp cho một cuốn sách phê bình cụ thể, một tờ báo văn nghệ xác định. Người đọc hoàn toàn có thể truy cập mạng, bật vô tuyến, radio, dowload miễn phí về máy đọc sách. Nếu thời hiện đại đánh dấu bằng việc “chuyên nghiệp hóa” nhà văn, nhà phê bình, biến tác phẩm của họ thành hàng hóa, thì trong thời hậu hiện đại, nói theo Nguyễn Hưng Quốc, chúng ta đang chứng kiến quá trình “giải chuyên nghiệp” hóa nhà văn và nhà phê bình. Chính tính chất xuyên/liên không – thời gian, cộng với tính chất miễn phí trong tiếp cận, đã tạo điều kiện cho phê bình văn học trở thành một hiện tượng truyền thông đại chúng, chứ không còn là một hoạt động tinh thần tinh hoa, hàn lâm. Đối tượng đọc phê bình multimedia cũng là một cộng đồng đông đảo không phân biệt và giới hạn tầng lớp, không bị giới hạn theo kiểu đọc tri âm hoặc dành riêng cho trí thức bác học, nhà trường.

-                     Tính quảng cáo: mặc dù phê bình văn học hậu hiện đại được truyền tải miễn phí trên những phương tiện truyền thông multimedia, nhưng nó không hẳn là hoạt động tự do, phi mục đích và phi lợi nhuận. Các tập đoàn truyền thông đa phương tiện, những nhà sản xuất sách điện tử, các tập đoàn sở hữu các trang web và tài nguyên mạng đã buộc phê bình văn học ngày nay luôn phải đảm nhận một chức năng quảng cáo nhất định nào đó. Tính quảng cáo trong phê bình văn học multimedia có thể biểu hiện một cách gián tiếp hoặc trực tiếp. Gián tiếp khi một tác phẩm phê bình văn học thu hút được nhiều độc/thính giả, hoặc nhiều lượt truy cập mạng, thì những thiết chế truyền thông sẽ khéo léo xen các đoạn quảng cáo vào giữa chương trình truyền hình hoặc radio, hoặc chèn những banner quảng cáo lên trên nền web đăng tải công trình phê bình. Về phương thức quảng cáo gián tiếp thì tinh vi hơn, thể hiện quyền lực vạn năng của các thiết chế truyền thông đối với phê bình văn học. Chúng ta sẽ phân tích đặc tính này sau khi làm rõ bản chất hiện tượng đặc biệt trong đời sống văn học hậu hiện đại, đó là hiện tượng best – seller.

2.      Các thiết chế best-seller

Người đọc hiện nay đang được dẫn đường bởi một danh hiệu không chính thức nhưng đầy quyền uy trong đời sống xuất bản hậu hiện đại, đó là danh hiệu best-seller. Best-seller là một bảng xếp hạng dựa trên doanh số bán ra của một cuốn sách, thông thường do một tờ báo hoặc hiệp hội xuất bản nào đó đứng ra thống kê. Lịch sử các bảng thống kê best-seller ra đời lần đầu tiên năm 1895, với vai trò sáng lập của tờ Publisher Weekly. Tuy nhiên, hiện nay dù có nhiều thiết chế truyền thông tham gia bình chọn danh hiệu best-seller, thì bảng thống kê best-seller uy tín nhất tại Mỹ vẫn thuộc về kết quả được đưa ra bởi tờ The New York Times, được ra đời vào năm 1942. Ngoài ra, còn có thể kể đến danh sách best-seller của Publisher Weekly, USA Today, Book Sense. Ngày nay, một tác phẩm muốn vươn đến tầm danh hiệu best-seller phải ít nhất bán được xấp xỉ một triệu bản in. Trong hoàn cảnh sách giấy ngày một suy sụp trước sự tấn công của sách điện tử, các trang web internet, thì con số trên là kết quả của một chiến lược kinh doanh, tiếp thị cực kì bài bản, tương đương với việc tổ chức các show ca nhạc của những ngôi sao nhạc Rock, hoặc chiến dịch quảng bá các bộ phim bom tấn của Hollywood. Mặc dù số lượng sách và những lợi nhuận được mang về từ các danh sách best-seller ở Hoa Kỳ rất khổng lồ, nhưng thực ra hầu như chỉ có năm đế chế truyền thông - xuất bản đứng ra thao túng và vận hành cỗ máy ấy. Năm công ty đó là Random Hous Inc, Penguin USA, Simon & Schuster, Time Warner và Harper Collins. 75% sách best-seller tại Hoa Kỳ trong hai năm 2002 – 2003 đã thuộc về “năm anh em khủng khiếp” này. Năm công ty trên thực sự là những thiết chế quyền uy thao túng, tác động lên đời sống văn học nói chung và phê bình văn học nói riêng.

Các tác giả luôn nỗ lực vươn đến danh hiệu best-seller, bởi nó đồng nghĩa với doanh số bán hàng và thu nhập ở mức top ten trong đời sống văn học. Như vậy, best-seller dù là một “danh hiệu không chính thức”, không có tính hàn lâm và tôn vinh như Nobel, nhưng là một danh hiệu quyền uy đối với cả người đọc và người sáng tác. Người đọc phổ thông hiện nay có thể e dè với một tác gia Nobel bởi tính hàn lâm, khó tiếp nhận, hoặc nghi ngờ tiêu chí trao giải của Viện Hàn lâm Thụy Điển, nhưng họ thường dễ dàng bị thuyết phục bởi danh hiệu best-seller, bởi đó là lựa chọn của cả “cộng đồng diễn giải” rộng lớn mang tính quốc gia hoặc quốc tế. Bạn đọc phổ thông có thể còn e dè với O.Pamuk, với Elfriede Jelinek, có thể ít biết đến Herta Müller… nhưng không thể xa lạ và thường khó cưỡng lại việc mua những tác phẩm của J.K.Rowling (series Harry Potter), Dan Brown (Mật mã Da Vinci) hoặc S.Meyer (series Chạng vạng). Vậy, xét trên một nghĩa tương đối nào đó, bản thân danh hiệu best-seller đã hàm chứa thị hiếu và xu hướng đọc của độc giả, nó thay cho vai trò của các bài phê bình truyền thống một cách hữu hiệu. Tính minh định giá trị của danh hiệu này không đến từ việc cắt nghĩa văn bản, mà đến từ việc thống kê doanh số. Bán được càng nhiều bản sách thì vị trí trên bảng best-seller càng lâu và càng cao. Vị trí càng cao lại càng dẫn dụ người đọc tin vào giá trị của tác phẩm. Nhưng vấn đề ở đây là, để cho ra đời một tác phẩm best-seller, giá trị nghệ thuật của tác phẩm chỉ là một phần, thậm chí còn là phần thứ yếu, còn lại, phần chính yếu làm nên một best-seller lại thuộc về công nghệ quảng cáo của những đế chế xuất bản và truyền thông. Trong những năm gần đây, một loạt các tác phẩm văn học xuất bản ở nước ta, do các công ty xuất bản sách tư nhân có uy tín lẫn lượng độc giả khá đông đảo ấn hành, luôn khéo léo chèn lên bốn trang bìa sách những trích dẫn phê bình ngắn gọn nhưng đánh đúng vào tâm lý độc giả. Loại “phê bình trích dẫn” có chủ đích này đơn thuần chỉ là một chiêu bài quảng cáo, bất chấp những trích đoạn ấy có thể được những nhà phê bình tên tuổi viết nên, có thể nằm trong những công trình phê bình nghiêm túc thực sự. Kẻ trích dẫn không làm thay đổi câu chữ và không ăn cắp bản quyền của nhà phê bình. Nhưng chỉ bằng việc xén nhỏ những lời phê bình (thường có nội dung khen ngợi “nức nở”) vốn dĩ nằm trong một cấu trúc chỉnh thể phê bình, các thiết chế xuất bản đã thay đổi chức năng, và biết đâu, cả ý nghĩa của những dòng phê bình ngắn đó (khi bị tách khỏi hệ thống chỉnh thể chung), khiến chúng “biến thái” trở thành một chiêu thức quảng cáo tinh tế/vi nhằm tạo nên những best-seller.

Trong công trình khảo cứu chi tiết và vạch rõ cơ chế làm nên một best-seller của Brian Hill và Dee Power với tựa đề Để làm nên một Bestseller [6], chúng ta có thể thấy rõ hiện tượng đặc thù này chỉ có thể ra đời trong một đời sống văn học được vận hành và hướng dẫn từ những thiết chế truyền thông, với những phương thức quảng cáo tinh vi, hiệu quả. Một tác giả nếu muốn vươn lên vị trí best-seller, họ bắt buộc phải được một nhà xuất bản hoặc một đế chế truyền thông nào đó chi phối, đỡ đầu, lên kế hoạch tỉ mỉ ngay từ khi xây dựng ý tưởng cho tác phẩm, bắt tay viết, và sau cùng là khi tác phẩm đã ra đời. Đầu tiên, nhà văn phải có một nhà đại diện có uy tín, người đại diện này sẽ thuyết phục một nhà xuất bản chấp nhận đỡ đầu. Nhà xuất bản sẽ có những biên tập viên được cử ra nhằm thảo luận, chi phối tác giả trong suốt quá trình viết và khi đã viết xong bản thảo. Ngoài ra, nhà xuất bản còn tiến hành nghiên cứu xu hướng thị hiếu độc giả, vấn đề xã hội đang quan tâm, nhằm hướng nhà văn vào những chủ đề họ nghĩ có thể ăn khách. Sau khi tác phẩm đã in xong là một loạt các chiêu quảng cáo, tiếp thị sẽ vào guồng, các bài phỏng vấn, những tour du hành giới thiệu và ký tặng sách của tác giả, “thậm chí sách của một số tác giả còn được phát hành hàng năm vào gần như một ngày cố định vì ngày đó được coi là ngày thu hút các độc giả trung thành của tác giả đó” [6, 15].

Bây giờ, chúng ta sẽ đi trực tiếp vào vấn đề, vậy các thiết chế xuất bản đã sử dụng phê bình văn học như thế nào để làm nên một best-seller, và hiệu năng của phê bình văn học đến đâu trong việc tạo lập nên một best-seller. Thứ nhất, có thể khẳng định rằng, phê bình văn học là một trong những phương thức tiếp thị và quảng cáo cho một tác phẩm (được dự trù) best-seller. Điểm lại các phương thức quảng bá và tiếp thị nhằm tạo nên một best-seller, B.Hill và D.Power liệt kê: “Các bài phê bình, các bài viết về tác giả, các chiến dịch quảng cáo, và sự xuất hiện của tác giả trên truyền hình, tất cả đều được lên kế hoạch để đạt hiệu quả cao nhất khi nó được gửi đến các nhà sách” [6, 16]. Vậy là, phê bình cũng được lên kế hoạch trước bởi các thiết chế xuất bản, và nó chỉ là một công đoạn quảng cáo tương tự các hình thức tiếp thị khác. Dưới tác động của các thiết chế xuất bản và tiếp thị hậu hiện đại, các bài phê bình bị đặt trong một trạng huống kì lạ, đó là nhà phê bình được các nhà xuất bản gửi tác phẩm đến trước khi tác phẩm ấy được chính thức xuất bản. Sau đó, xảy ra tình trạng “sinh con rồi mới sinh cha” rất kì lạ, đó là các bài phê bình sẽ ra đời trước khoảng một tháng, trước thời điểm bạn đọc phổ thông thực sự được đọc tác phẩm. Phê bình văn học lúc này không phải là “ăn theo” tác phẩm nữa, nó thậm chí được ưu tiên “ăn trên ngồi trốc” trước tác phẩm.

Trong những thiết chế phê bình nhằm tạo ra best-seller, có những tờ báo, ấn phẩm chuyên về phê bình đầy quyền uy, và đều có “đặc quyền” đọc tác phẩm trước khi nó chính thức xuất bản. Kirkus Review (ra đời 1933) là tạp chí bán nguyệt san chuyên về phê bình, mỗi ngày tiếp nhận 200 đầu sách chưa phát hành từ các nhà xuất bản, nhưng tạp chí này chỉ chọn ra hơn 10% trong tổng số sách nhận được nhằm tiến hành phê bình. Các bài phê bình của Kirkus Review ra đời trong khoảng hai hoặc ba tháng trước khi tác phẩm chính thức xuất hiện trên thị trường [6, 55]. Tạp chí Booklist của Hiệp hội thư viện Mỹ cũng phê bình theo quy trình trên, với gần 7000 tựa sách được chọn mỗi năm nhằm tiến hành phê bình “cầm đèn chạy trước ô tô”. Với thông điệp anh minh của M.McLuhan: “Phương tiện truyền thông chính là thông điệp”, phê bình văn học trong thời hậu hiện đại không chỉ được mang lại ý nghĩa ở nội dung bài viết, mà còn phụ thuộc vào chính phương tiện truyền thông đăng tải nó. Nếu in thành sách, người ta sẽ quan tâm bài phê bình được nhà xuất bản nào ấn hành, nếu in trên báo hoặc web thì đó là tờ báo và web có uy tín đến mức nào. D.Halpern - tổng giám đốc Harper Collins chia sẻ: “Chúng (các bài phê bình – PTA) có thể vô cùng quan trọng – một bài khen ngợi tuyệt vời trên tờ nhật báo New York Times và Sunday Times có thể tạo nên khác biệt lớn. Những bài phê bình lớn như vậy thường có tiếng vang trên khắp cả nước…” [6, 56]. Rõ ràng, giá trị của các bài phê bình thời hậu hiện đại không được quyết định bởi giá trị nội tại trong văn bản phê bình, hoặc uy tín người viết phê bình, mà phần nhiều được mang lại từ quyền lực và mức độ phổ cập của các phương tiện truyền thông đăng tải. Phê bình hậu hiện đại còn chịu sự chi phối của truyền thông ở chỗ chủ yếu những tác phẩm được quảng cáo rầm rộ, được xuất bản bởi những nhà xuất bản lớn, phát hành toàn quốc mới được chọn để phê bình. Theo thống kê: “Có hơn một nửa số sách đang lưu hành không đủ điều kiện để được phê bình; đó là những cuốn được tự xuất bản hoặc được xuất bản theo đặt hàng, và nhiều nhà phê bình sẽ không chú ý đến chúng. Sao lại phải phí lời cho một cuốn sách không được phát hành trên toàn quốc hoặc không có mặt trong các nhà sách” [6, 59]. Thiết chế truyền thông như thế đã quy định phạm vi và những đối tượng được ưu tiên phê bình. Nhà phê bình không còn là người đọc thám hiểm, dũng cảm khám phá những nền tảng giá trị thẩm mỹ mới, chưa ai biết hoặc chưa ai nhận ra, họ đơn giản chỉ là một ngôi sao nhạc Pop.

Cơ chế vận hành của những tạp chí phê bình chuyên nghiệp ở phương Tây cũng hết sức đặc biệt. Đối với tờ New York Times Book Review, một tờ phê bình có quyền uy ở Mỹ, khi nhận được một bản in trước xuất bản gửi đến, Ban biên tập xem xét cuốn đó có đáng phê bình hay không. Nếu có kết quả tốt, Ban biên tập sẽ chọn ra một nhà phê bình đang thuộc biên chế tờ báo mà họ nghĩ hợp gu với tác phẩm đó để tiến hành viết bài phê bình. Như vậy, khác với lối phê bình tri âm, phê bình ấn tượng, cũng khác hẳn với mọi kiểu phê bình khoa học, trong phê bình thời hậu hiện đại, một nhà phê bình thường đến với tác phẩm thông qua sự phân công của một thiết chế truyền thông. Than ôi! Chúng ta đang tồn tại dưới một nền văn học toàn trị bởi những vị vua truyền thông đầy quyền lực. Tuy nhiên, xét về hiệu năng, phê bình văn học không đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra những best-seller bằng các màn quảng cáo, lưu diễn tặng sách, xuất hiện trên truyền hình, phỏng vấn trên mạng, radio hoặc được hiện hình quảng cáo “cưỡng bức” lên các cuốn sách điện tử, mà đặc biệt là việc chuyển thể ra phim điện ảnh hoặc hoạt hình. Tức là, phê bình văn học hiện nay đang mất dần uy thế của nó trong việc định hướng người đọc đến với tác phẩm so với các phương thức quảng cáo trên nền tảng truyền thông đa phương tiện khác. Chính vì thế, S.Woods quan niệm: “Các bài phê bình sách không thật sự nói lên được nhiều điều lắm. Ngoại trừ những tờ báo lớn như New York Times” [6, 66]. Còn M.Cader thì cho rằng: “Rõ ràng là việc đăng tất cả các bài phê bình lên thì sẽ có ích. Nhưng hiếm khi thấy có cuốn sách nào có thể bật lên nhờ các bài phê bình” [6, 68]. Như thế, từ vị thế của một diễn viên ngôi sao quyền năng, chuyên đóng các vai chính nhằm minh định giá trị và dẫn đường người đọc, phê bình văn học dần chỉ còn là một vai phụ, chuyên đóng những vai bên lề đời sống văn học hậu hiện đại.

Chủ nghĩa tiêu dùng (consumerism) đã tạo ra một lớp văn học đầy quyền lực trong xã hội, chúng tôi tạm gọi đó là nhóm văn học best-seller. Về bề mặt, nhóm này được bình bầu lên cực kỳ khách quan, bởi cứ bán nhiều thì lọt vào danh sách, không ai bỏ phiếu, chẳng cần tiêu chí nội dung và không có bất kì phân biệt đối xử nào. Nhưng vấn đề là, trong xã hội hậu hiện đại, ai quảng cáo tốt hơn sẽ có nhiều độc giả hơn. Quan trọng hơn nữa, những danh sách best-seller cho dù cơ cấu thống kê có vẻ hoàn bị, nhưng thực chất lại cực kỳ bất minh và mờ ám. Bảng danh sách best-seller quyền uy nhất do tờ The New York Times thiết lập có quy trình lấy phiếu thông tin hằng tuần từ hàng trăm nhà sách độc lập, 40 nhà bán sỉ cung cấp sách cho các nơi phi nhà sách, ý kiến của những nhà phân phối… nhằm đưa ra một “bảng phong thần” best-seller. Tuy nhiên, họ không bao giờ công bố số lượng sách bán ra một cách chính xác và cụ thể cho từng cuốn. M.Cader đã chỉ ra bản chất của bảng danh sách đầy “chí công vô tư” này: “Càng ngày danh sách này càng được sắp đặt đến mức rất ít liên quan đến số sách thật sự được bán ra nhiều nhất, và tính chính xác trong thống kê của nó đã kém đi rất nhiều so với những danh sách lớn khác” [6, 34]. Quá trình thay thế quyền uy của phê bình văn học bằng quyền uy của danh hiệu best-seller trong việc minh định giá trị một tác phẩm văn học, thực chất là quá trình thay thế những giá trị bên trong của văn học (được minh định bằng phê bình), bằng một siêu giá trị bên ngoài (được minh định bằng danh sách bán chạy). Bạn đọc bị dẫn đường bởi danh hiệu best-seller, nhưng danh hiệu này không mang tính khách quan, mà được tạo ra và vận hành bởi các thiết chế truyền thông. Như vậy, hiện có một con quái vật Minotaur tồn tại và cầm cương sợi xích đang trói gô lên đầu phê bình văn học. Một mặt hạ bệ vai trò đích thực của phê bình xuống thứ yếu trong đời sống văn học, mặt khác, buộc phê bình văn học phải tồn tại như một công cụ quảng bá, một tên nô lệ khốn khổ không có quyền tự quyết vận mạng của chính mình.

3.      Các thiết chế comment

Nếu như đã có một con quái vật Minotaur dưới lòng địa ngục nhằm vận hành và quy định diện mạo của phê bình văn học hậu hiện đại, vậy ai sẽ đóng vai chàng Theseus nhằm tiêu diệt nó? May mắn thay, chúng ta đã có cả cộng đồng comment đông đảo nhằm chống lại những thiết chế truyền thông Minotaur. Các comment là một hình thức “phê bình” đặc thù chỉ ra đời trong hoàn cảnh hậu hiện đại, với sự xuất hiện của các văn bản mạng, được lưu truyền trên nền tảng ngôn ngữ nhị phân (ngôn ngữ lập trình mạng) [1]. Comment là thuật ngữ mạng dùng để chỉ những phản hồi của người đọc, sau khi tiếp nhận một văn bản được đăng tải trên những trang web, mà thông thường là những trang blog hoặc trang mạng xã hội như facebook, Twitter hoặc 360 plus yahoo… Bản thân những comment là một “lưỡng đầu chế”, vừa có thể là phê bình văn học, vừa có thể không là phê bình văn học, vừa là thiết chế qui định phê bình văn học, nhưng bản thân nó cũng chính là phê bình văn học. Tại sao lại có chuyện “con vật lưỡng thê” (dùng từ của Đỗ Lai Thúy) đó? Một comment chỉ có thể trở thành “comment phê bình văn học” nếu nó tiến hành phê bình chính văn bản văn học đăng tải nó, chứ không phải là những lời nhắn gửi vu vơ hoặc hỏi thăm, trêu đùa tác giả. Sau đây, chúng tôi chỉ xét đến những comment phê bình văn học mà thôi. Trên một phương diện khác, các comment chính là phê bình văn học bởi nó chuyển tải nội dung phê bình, nhưng các comment cũng chính là thiết chế quy định phê bình, bởi nó mang những giới hạn nhất định và chịu những quy định riêng của nhà cung cấp mạng, nhà quản trị web.

Mặc dù cũng mang tính chất và chịu ảnh hưởng của những thiết chế multimedia, nhưng các comment lại mang những đặc tính cộng đồng do người đọc quy định. Comment là những phản hồi mang tính chất cá nhân, nó là sự kiện phê bình đề cao tính dân chủ, quyền phát ngôn cá thể và sự tương tác rõ nét nhất đối với văn bản văn học (mạng). Chúng ta sẽ điểm qua một số đặc tính của “nền phê bình comment” như sau:

-                     Tính tương tác: Mọi comment phê bình luôn tồn tại trong một trường đa thanh và phức điệu đúng theo lý thuyết của Bakhtin. “Đa thanh” ở chỗ, mọi comment (của những người đọc) đều có quyền cất tiếng nói, bản thân văn bản văn học chuyển tải các comment cũng chỉ là một tiếng nói. Độ dài ngắn và tầm quan trọng giữa các tiếng nói (comment) không có bất kì sự phân biệt nào, mà chỉ phụ thuộc vào nội dung của comment ấy. Về thực chất, văn bản văn học mạng cũng chỉ là một comment, nhưng là comment khởi đầu cho trường đối thoại. Không hiếm khi những comment lại dài hơn và gây được nhiều chú ý, tranh luận hơn chính văn bản văn học khởi nguồn. Văn bản văn học khởi đầu chỉ đóng vai trò làm quảng trường hội hè cho những vũ hội hóa trang của các comment, còn luật chơi, cách chơi và quyền tham dự trò chơi lại thuộc về cộng đồng người đọc mạng, tác giả văn bản văn học không có quyền quyết định. Bởi vì, người đọc khi lướt (surf) internet có thể đọc một văn bản văn học mạng, có thể không đọc, có thể đọc mà để lại comment, nhưng cũng có thể đọc mà không comment. Quyền cất tiếng nói và quyền tham dự được đặt ngang với quyền im lặng và quyền chối từ tham dự những cuộc đối thoại.

Tính “phức điệu” thể hiện ở chỗ, các “giọng nói” biểu hiện trên những comment được đặt ngang hàng nhau, liên tục đối thoại và tương tác. Tiếng nói của tác giả (thông qua văn bản văn học mạng) không có uy quyền chi phối và quyết định các comment phê bình ở phía dưới. Cuộc carnaval của các comment phê bình bên dưới mỗi văn bản văn học mạng chính là cuộc chơi tự do và mang tính quảng diễn của những nhà phê bình mạng. Ở đó, các comment không đơn thuần phê bình văn bản văn học mạng, mà nhiều khi quay sang “phê bình những phê bình comment khác”, tạo nên một lễ hội mặt nạ đầy sôi động, với đầy đủ tính chất trò chơi, tính đối thoại theo những trường liên tục. Đặc biệt hơn, tác giả còn trực tiếp tham dự vào công cuộc “phê bình của những comment” bằng cách xuất hiện đối thoại trực tiếp trên những “comment” do chính tác giả viết nên. Những comment của chính tác giả cũng có giá trị và khả năng tương tác công bằng với những comment phê bình của cộng đồng diễn giải mạng. Comment của chính tác giả có thể “trực tiếp” diễn giải về văn bản văn học đăng ở trên, cũng có thể tiến hành “phê bình và đối thoại” lại những comment đã được đăng ở dưới của cộng đồng diễn giải mạng. Trường đối thoại liên tục này tạo nên một thứ liên văn bản (mạng) đặc thù, mà thực chất là quá trình “bổ sung” ý nghĩa liên tục cho chính văn bản văn học. Lúc này, chính bản thân phê bình văn học, dưới hình thức những comment, đã tham dự, dung hợp vào cấu trúc chung trong tổng thể tác phẩm văn học mạng. Một tác phẩm văn học mạng hoàn chỉnh có diện mạo bao gồm văn bản văn học đăng ở phía trên, cùng những comment phê bình chính văn bản ấy được đặt ở phía dưới văn bản.

-                     Tính tham dự: Nhờ tính tương tác cao độ, nên những comment phê bình đã có sự tham dự sâu sắc vào cấu trúc chung của tác phẩm. Không ít trường hợp, các comment phê bình đã thực sự làm thay đổi ngay chính hình thức và nội dung của tác phẩm văn học. Thông thường đối với những tác phẩm văn học mạng, trước khi được in chính thức thành văn bản vật chất, đều được đăng tải theo từng kì trên các trang web cá nhân hoặc cộng đồng, với từng trường đoạn được cắt ra theo một giới hạn nhất định. Thói quen lướt (surf) web cùng thời gian tiếp nhận hạn chế của người đọc mạng, đã giới hạn các tác phẩm văn học mạng hiếm khi tồn tại một cách hoàn chỉnh và toàn văn. Đa phần những tác phẩm văn học mạng khi đăng tải cũng chỉ thường là những tác phẩm “đang sáng tác”, chưa hoàn chỉnh xong xuôi về mặt văn bản. Chính “thì hiện tại chưa hoàn thành” đó của các tác phẩm văn học mạng, đã giúp cho những comment phê bình có một uy quyền đặc biệt trong việc tác động đến quá trình sáng tạo của tác giả. Nhiều khi chính tác giả phải thay đổi những tình tiết, cốt truyện, hoặc đơn giản hơn, một vài từ ngữ, câu chữ dưới “sức ép” góp ý của các comment phê bình.

Đặc biệt hơn, trong những trường hợp đặc thù, nhưng có thể sẽ là xu hướng sáng tác văn học mới trong tương lai, đó là tác phẩm Anh chàng xe điện (Hitori Nakano) hoặc 3339 [những mảnh hồn trần] (Đặng Thân), nơi chứng kiến những comment đã hóa thân và dung hợp thực sự vào văn bản văn học một cách chính thức (bằng bản in). Ở các tác phẩm văn học mạng này, bản thân những comment đã trực tiếp trở thành cấu trúc chính của tác phẩm văn học. Chính xác hơn, Anh chàng xe điện là cuốn tiểu thuyết được cấu trúc nên từ những comment, còn 3339 [những mảnh hồn trần] là cuốn tiểu thuyết vừa có sự tham dự của các comment, lại vừa cấu trúc như những comment. Anh chàng xe điện là câu chuyện xuất phát từ trang web 2channel, ban đầu có một nickname là Xe điện (biệt danh trên mạng) bắt đầu kể về câu chuyện tình yêu của mình và nhờ sự tư vấn của cộng đồng mạng. Những comment liên tục sau đó giữa cộng đồng mạng với Xe điện đã thúc đẩy câu chuyện tiến lên, và đồng thời tự sự về chính những gì đã xảy ra trong câu chuyện tình giữa Xe điện và Hermes (nickname cô gái được Xe điện yêu). Sau này, người ta đã chọn toàn bộ cấu trúc của diễn đàn (Thread) trên, biên tập lại và cắt bớt một số comment, rồi xuất bản thành một cuốn “tiểu thuyết” thực sự bằng bản in. Đó có lẽ là một cuốn tiểu thuyết vật chất (bản in) đầu tiên mà nội dung và hình thức của nó hoàn toàn thuộc về những comment. Chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn các văn bản đặc biệt này trong một tiểu luận khác [2].

Như vậy, trong nền tảng đa thanh đối thoại và phức điệu triệt để của văn học mạng, phê bình văn học thực sự là một hoạt động sáng tác, hoàn toàn có khả năng dung hợp vào tác phẩm, nhưng cũng không mất đi quyền phê bình, quyền diễn giải, quyền cất tiếng nói riêng của chính mình.

-                     Tính nặc danh: chủ thể phê bình trên những comment là những kẻ hóa trang mặt nạ. Tính nặc danh (anonymous) là một trong những thuộc tính của phê bình comment. Nếu như trong nền tảng văn hóa viết, mỗi nhà phê bình luôn có một danh xưng chính thức, nếu không lấy tên thật thì sẽ là bút danh cố định mà “ai cũng biết là ai đấy”. Những danh xưng lạ, hoặc bút danh phê bình mới mẻ nào trên văn đàn (viết) sẽ tạo ra sự hoài nghi về tính xác thực và nghiêm túc của những phát ngôn phê bình. Nhưng trong nền tảng văn hóa mạng, các comment cứ công khai diễu hành mà không phải trả lời cho câu hỏi phổ biến trong tuồng chèo truyền thống: “Bà con ơi, tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?”. Mỗi chủ thể tham gia phê bình trên nền tảng mạng luôn lấy một nickname (biệt danh) đại điện, kèm một avatar (ảnh đại diện), rất hiếm có chủ thể nào lấy tên thật và ảnh thật của mình. Nhưng vấn đề là, những cộng đồng diễn giải mạng cho phép các chủ thể để trắng ảnh avatar cũng như chọn một nickname chung là “Ẩn danh”. Thậm chí, một số trang web xã hội đầy quyền lực như 2channel còn buộc tất cả những người tham gia đều phải lấy tên chung là “ẩn danh”. Tính nặc danh đã tạo ra một môi trường dân chủ, khi chỉ có tiếng nói cất lời một cách hồn nhiên, không đắn đo, không tính toán. Người viết phê bình không phải chịu hệ lụy về những điều mình đã viết, bởi người ta không có điều kiện để truy cứu trách nhiệm cho nhà phê bình từ những điều anh ta đã viết và đã nghĩ.

Quan trọng hơn, khi “ẩn danh”, bản thân người viết cũng tạm thoát ra khỏi vòng cương tỏa của chính thân phận xã hội, những định kiến và giới hạn mà thân phận thật của người viết quy định. Khi thân phận và những chức danh trong đời thực của nhà phê bình bị giải thiêng, thì đồng thời là sự lên ngôi của “tiếng nói” phê bình. Một nickname chỉ xác lập sự tồn tại của mình lẫn giá trị của sự tồn tại ấy thông qua việc cất tiếng nói. Chỗ đứng của nhà phê bình mạng được đảm bảo dựa vào chất lượng nội dung của comment phê bình do anh ta viết nên. Ngoài ra, do xuất hiện dưới dạng nặc danh, nên nhà phê bình mạng có thể xuất hiện nhiều lần, với nhiều “mặt nạ” ẩn danh khác nhau, với những quan điểm khác nhau. Mỗi mặt nạ (nickname) chính là một vai diễn, một nhân vật đại diện cho nhà phê bình hoạt động trên nền tảng ngôn ngữ nhị phân (mạng).

Vậy là, con quái vật Minotaur do những thiết chế truyền thông multimedia và best-seller tạo ra đã bị những chàng Theseus comment đáp trả đích đáng bằng những đòn chí tử. Nhưng chàng Theseus không phải là một vị thần bất tử trên đỉnh Olympus, chàng chỉ là một bán thần với những giới hạn của con người. Các comment cũng không hoàn toàn giải thoát phê bình văn học mạng khỏi những thiết chế, nhằm tạo lập một nền dân chủ tuyệt đối cho nhà phê bình. Bởi vì, những comment cũng vấp phải những giới hạn như sau:

-                     Tính quản lý: Các comment có được xuất hiện hay không, ai được quyền đọc và ai được quyền cất lời bằng những comment là tùy thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ, hoặc chủ nhân của những trang web, blog cá nhân. Một số tác phẩm đăng tải trên những trang web, blog cá nhân chỉ cho phép đọc, không cho phép comment (read-only). Một số khác lại quy định chỉ những ai là thành viên của trang web đó, hoặc được xác nhận là friend (bạn bè) của trang blog cá nhân hay địa chỉ cá nhân trên mạng xã hội, thì mới được quyền comment. Chưa kể đến việc có một số trang web và blog cá nhân còn tiến hành phân loại friend, trong đó, chỉ những nhóm “best friend” hoặc “family” mới được quyền comment, còn lại chỉ có quyền đọc. Quy chế muốn trở thành thành viên một trang web, hoặc friend của một blog, hoặc thành viên một cộng đồng mạng xã hội kiểu facebook buộc người tham dự phải thỏa mãn hai điều kiện. Thứ nhất, phải khai báo thông tin cá nhân, nếu không có tên thật thì chí ít phải có một địa chỉ email thật. Thứ hai, sau khi khai báo, yêu cầu kết bạn phải được quản trị trang web (admin), hoặc chủ sở hữu trang blog, hoặc chủ sở hữu một tài khoản thuộc cộng đồng mạng xã hội (cần làm quen) xác nhận là họ sẽ chấp nhận lời đề nghị đó. Sau đó, một người tham dự mới có quyền cất lời trong những comment phê bình.

Trong cơ cấu cộng đồng comment, tác giả văn bản văn học thực chất vẫn có đặc quyền thuộc về đẳng cấp trên. Các nhà phê bình viết bằng những comment không có quyền xóa hoặc chặn comment của nhau, nhưng tác giả văn bản văn học, mà chính xác hơn, các admin trang web, blog đã đăng tải văn bản văn học lại có quyền đó. Chính nhóm “quyền lực đen” này có đặc quyền biên tập, xóa bỏ hoặc ngăn chặn những comment phê bình có nội dung không theo ý họ, thậm chí, nhóm này còn có quyền xóa hẳn tài khoản của một thành viên (friend) ra khỏi cộng đồng comment. Ở đây, chúng tôi cần lưu ý phân biệt, có khi những tác giả của văn bản văn học mạng đồng thời là người có quyền biên tập comment, nếu trang web hay blog cá nhân đó đăng tải văn bản văn học của chính người sở hữu. Nhưng cũng có khi, những trang web hay blog cá nhân đăng tải lại văn bản văn học của một tác giả khác. Và người nắm quyền sinh sát thực sự đối với những comment phê bình là người sở hữu trang web hay blog cá nhân đó, chứ không phải tác giả đích thực, bởi vì hắn ta nắm quyền điều khiển các phê bình phản hồi.

-                     Tính giới hạn: Thông thường, các comment bị giới hạn kí tự ở một dung lượng nhất định. Điều này quy định quy mô của các bài phê bình đăng tải trên các comment không bao giờ quá đồ sộ, nên không thể là một tác phẩm phê bình có hệ thống, thực sự có giá trị học thuật cao. Các thiết chế truyền thông đa phương tiện đã lập trình ra các trang web, blog cá nhân, hay mạng xã hội thường không muốn một comment phê bình quá dài, mà họ nhắm đến nhiều comment. Nhiều comment đồng nghĩa với nhiều người tham dự, nhiều người tham dự sẽ quảng bá tốt hơn cho dịch vụ mạng của họ, qua đó dễ dàng kinh doanh quảng cáo hơn. Trong khi đó, nếu một comment quá dài, dung lượng lưu trữ sẽ nặng nề trong máy chủ của nhà cung cấp mạng, làm chiếm dụng nhiều diện tích hiển thị trên màn hình, điều đó sẽ làm thiệt hại đến quyền lợi kinh tế của các thiết chế truyền thông. Chính vì luôn là những chàng David, nên các bài phê bình comment ngoài tính tương tác và dung hợp, rất khó để có thể trở thành những công trình phê bình độc lập, có tính hệ thống và học thuật cao.

-                     Tính tạp âm: Cấu trúc lý tưởng nhất đối với một văn bản văn học được viết trên nền ngôn ngữ mạng (hoặc được đăng tải trên mạng), đó là xây dựng nên một liên văn bản những comment phê bình liên tục đối âm. Các comment phê bình ấy không ngừng tương tác, đối thoại lẫn nhau, và lên cả văn bản văn học đang hình thành. Nhưng đó chỉ là một giấc mơ không tưởng, một “thành phố mặt trời” hoặc một “Utopia” không bao giờ có thật. Bởi vì, trong liên văn bản comment, bên cạnh những comment có tính phê bình văn học thật sự, luôn là sự “tham dự” và xâm lấn của vô số những comment trò chuyện bâng quơ, cảm thán, hỏi han tâm sự, thậm chí là bình phẩm khiếm nhã hay quảng cáo đồng loạt kiểu spam (thư rác). Một số comment có nội dung “tạp âm” có thể bị lược xóa bởi người biên tập. Nhưng thông thường, nếu không có gì quá khiếm nhã, những comment tạp âm vẫn ngang nhiên tồn tại, và nó góp phần làm loãng/loạn trường đối thoại giữa phê bình với phê bình, phê bình với tác phẩm. Môi trường phê bình comment do đó luôn thiếu tính nghiêm túc và hàn lâm. Xuất phát từ đặc tính nặc danh của người viết, các comment phê bình lại càng phải chịu hậu quả “hài hước đen” thiếu nghiêm túc. Vấn nạn tạp âm này không phải do những thiết chế truyền thông multimedia hay best-seller tạo ra, mà do sự mở rộng dân chủ đến quá mức không thể kiểm soát được dành cho các comment. Và như thế, vô tình chính các chủ thể tham gia đối thoại đã tự tạo ra cho mình những thiết chế giới hạn tính nghiêm túc của công cuộc phê bình bằng những comment. Khốn thay, sau những chiến công lẫy lừng, (những) chàng Theseus rồi cũng chết bi thảm và cô đơn tại hòn đảo Scyros trơ trọi trên biển Aegea.

Đến đây, chúng ta đã lần lượt dạo qua những thành trì thiết chế truyền thông trong đời sống văn học hậu hiện đại, những cơ cấu đang vận hành và quy định một nền phê bình văn học mới. Tất nhiên, có thể nhiều người vẫn còn hoài nghi hoặc bác bỏ những thứ chúng tôi khảo sát đến, đơn giản họ có không xem/tin các comment, các bài phê bình viết trước khi tác phẩm ra đời, các chương trình truyền hình, radio “bàn luận” về những tác phẩm văn học… là phê bình văn học đích thực. Một số khác hoàn toàn có quyền/lý khi chứng minh trong đời sống hậu hiện đại, phê bình văn học truyền thống vẫn tồn tại và có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Không sao cả. Một nền phê bình văn học mới ra đời không có tham vọng chiếm lấy vương quyền của nền phê bình văn học cũ (truyền thống) bằng những trận chiến đẫm máu, như sự thay thế nhau giữa những triều đại phong kiến. Chúng chỉ có lợi khi tồn tại bên nhau, bởi văn học được tiếp cận từ nhiều phương thức. Khi bản thân các tác phẩm văn học hậu hiện đại đang được viết trên nền tảng mạng, thì phê bình văn học cũng không thể không có những công cụ hữu hiệu và khả dĩ nhằm tiến hành khảo sát. Còn việc quan niệm những hình thức vừa trình bày có phải là phê bình văn học thực sự hay không, thì chúng tôi muốn nhắc lại lời giới thiệu của dịch giả Như Huy cho bản dịch cuốn Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật của C.Freeland: “Thật vậy, lịch sử nghệ thuật, nói một cách nào đó, chính là một lịch sử của những khái niệm nghệ thuật. Mỗi thời đại… sở hữu những khái niệm nghệ thuật khác nhau. Và chính những khái niệm nghệ thuật khác nhau đó, sẽ tổ chức các thực hành nghệ thuật khác nhau của mỗi thời đại” [5,10]. Ý của chúng tôi chỉ muốn thay đổi hai từ “nghệ thuật” trong ba câu ngắn ngủi ấy bằng hai từ “phê bình”.

Việc tư duy và cắt nghĩa nền phê bình văn học mới dưới những thiết chế truyền thông được tạm chia thành 3 nhóm chính (multimedia, best-seller, comment), là một dụng ý cho thấy, người viết không ảo tưởng vào quyền năng vô hạn và những ưu điểm tuyệt đối của nền phê bình này. Nhưng việc đặt một sự vật hiện tượng nào đó vào trong những giới hạn, không có nghĩa là phủ định hoặc phê phán, mà chỉ xác thực rằng, chính nó đang tồn tại một cách hiển nhiên nhất. Vì bất cứ một tồn tại nào cũng có những giới hạn, bởi nó đang phải gánh chịu những thiết chế tác động trong mối liên hệ phổ biến. Nói cách khác, họa chăng, chỉ có Thượng đế cùng những thiên thần của người là đang được phép tồn tại mà không có những giới hạn và không cần e dè bất cứ thiết chế nào.

 (Nguồn: VHP)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Phan Tuấn Anh (2009), “Ngôn ngữ nhị phân – Đặc điểm kiến tạo văn hóa nghệ thuật hậu hiện đại”, Tạp chí Sông Hương, số 249, tr.90-95.

2.      Phan Tuấn Anh (2001), “Anh chàng xe điện của Hitoni Nakano - Sự khiêu khích với những ranh giới”, Tạp chí Văn học nước ngoài (Hội Nhà văn Việt Nam), Số:1 & 2 - 2012 , tr.253 -274.

3.      Frederic Badre (2006), Tương lai văn học, Nxb Đà Nẵng, Tp Đà Nẵng.

4.      Philippe Breton và… (1996), Bùng nổ truyền thông – Sự ra đời một ý thức hệ mới, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

5.      Cynthia Freeland (2009), Thế mà là nghệ thuật ư?,Nxb Tri thức, Hà Nội.

6.      Brian Hill và… (2006), Để làm nên một Bestseller, Nxb Đà Nẵng, Tp Đà Nẵng.

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *