NHẬN DIỆN PHÊ BÌNH VĂN HỌC TRẺ
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch HNV và các nhà văn trẻ
Chỉ cần một chân ngắn, teo tóp dù chỉ vài mi li mét, và một chân dài, bình thường đã khiến sự chuyển động của cơ thể trở nên ngượng ngùng và khó khăn hơn, giống như đôi chân của một người thọt bẩm sinh, tại số trời chứ nhất quyết không phải tại anh ta và anh ấy không hề có lỗi gì. Có chăng đấy là tại lỗi của cuộc đời đầy nhố nhăng này. Mà đã thọt chắc chắn là đi lại không vững chút nào, lúc quăng bên trái, lúc quật bên phải, như diễn viên xiếc hài ấy. Tôi hình dung ra sáng tác trẻ và phê bình trẻ hôm nay cũng giống như hai chân của một người thọt vậy.
*
1. Câu chuyện phê bình văn học trẻ tuy không phải là vấn đề mới mẻ gì, nhưng lúc nào cũng gây nhức buốt đối với những ai quan tâm đến văn chương nước nhà hôm nay và cả trong tương lai nữa, khi mà sáng tác trẻ thì ồ ạt tung ra thị trường một khối lượng khổng lồ tác phẩm đủ loại, còn phê bình trẻ cứ ngày một teo tóp dần đi.
Trước hết là bắt nguồn từ khâu đào tạo (in put). Không thể nói ai thích cũng có thể nhảy vào viết phê bình văn học được, đặc biệt với giới trẻ điều này lại càng khó hơn. Bởi lẽ, ngoài năng khiếu, lòng đam mê, phê bình văn học là một bộ môn chuyên ngành khoa học, cần được đào tạo một cách bài bản, như bất cứ một chuyên ngành nào của khoa nghiên cứu lịch sử- lý luận- phê bình văn học (gọi là khoa Văn học). Thế nhưng, khoa Văn học trước đây trong một thời gian dài do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan không cho phép, ở tất cả các trường Đại học và Cao đẳng nước ta không có chuyên ngành đào tạo riêng cho những người làm phê bình văn học đương đại, mà chỉ có bộ môn văn học hiện đại như là một giai đoạn, thời kỳ của chuyên ngành lịch sử văn học. Cái gọi là văn học hiện đại ở nước ta nó tù mù và lạ lẫm đến mức nực cười. Người ta chỉ coi văn học hiện đại là một đoạn, một mẩu của lịch sử văn học, không phải của lý luận văn học, chứ chưa nói gì đến phê bình văn học.
Theo đó, tiến trình văn học sử Việt Nam hiện đại được dạy trong hầu hết các trường trong những năm gần đây là giai đoạn đổi mới, mốc cuối dừng lại ở 1991- 1992, với các tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường,... còn từ 1993 đến nay không biết là vô tình hay cố ý nó đã bị các nhà biên soạn chương trình đuổi ra khỏi giai đoạn văn học hiện đại. Ai muốn biết thì tự đi tìm mà đọc hoặc không biết thì lên mà hỏi ông... giời, còn thầy cô chỉ dạy đến thế thôi. Vậy là các nhà phê bình trẻ tương lai đành botay.com với một lĩnh vực mà thiên địa tù mù quá mức như vậy.
Thứ nữa, đến khâu quảng bá tác phẩm phê bình trẻ, đầu ra (out put). Tôi cam đoan rằng có đến già phân nửa số người quản lý các Tòa báo và Nhà xuất bản đều không xuất thân và không phải những nhà phê bình văn học. Thậm chí họ còn không thích và không đọc phê bình văn học. Và đã không thích, không biết, không phải thì chắc chắn là không cần đưa lên mặt báo cho tốn đất. Vậy thì nhà phê bình trẻ lấy đâu ra đất mà quảng bá sản phẩm. Cần thiết phải nói thêm rằng trong khoảng chục năm trở lại đây nhờ có sự xuất hiện của các blog cá nhân, báo điện tử, trang mạng xã hội, nên các nhà phê bình trẻ cũng thêm mà thể hiện.
Mặt khác, hiện có một số báo chuyên ngành văn chương có dành một miếng đất xen kẹt nào đó cho phê bình văn học, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 1/8- 1/16 hoặc 1/32, có khi là 1/50 diện tích mặt báo, tức là không quá từ 1/3- 2 trang cho phê bình văn học.
Ấy là chưa kể đến thù lao, nhuận bút cho một bài phê bình cả trang cũng khó mà vượt được cái ngưỡng vài trăm ngàn đồng. Vì phần lớn các báo hiện nay vẫn trả nhuận bút theo thời lượng bài viết, thứ hạng và thương hiệu tác giả, chứ ít khi trả theo chất lượng tác phẩm. Còn đối với nhà xuất bản, tưởng tiểu thuyết hay truyện ngắn, tôi in ngay cho ông ngay, miễn bàn, chứ phê bình ư, tôi cấp cho ông giấy phép, rồi ông tự in và tự lo phát hành. Đấy là câu trả lời của một người bạn thân của tôi ở một nhà xuất bản nọ. Nghe sao mà chua chát đối với những người làm phê bình văn học đến thế cơ chứ. Nhưng đấy là một sự thật không thể phủ nhận được.
Cuối cùng vẫn là chuyện cái đầu ra. Tâm lý của số đông người Việt Nam ta từ xưa đến giờ thích đàm tiếu, chửi góp, đánh hôi chứ không thích bàn luận điều gì thật sự nghiêm túc cho ra đầu ra đũa, đi đến tận cùng để tìm căn nguyên, gốc rễ sự việc, hiện tượng, vấn đề xem nó ra sao. Các chuyện phiếm tếu táo, nói tục, chửi xằng, viết bậy, chọc ngoáy gây sự tò mò, hiếu kỳ thì người ta thích đọc, thích nghe, còn những chuyện luận lý nghiêm túc thì phần lớn người đời đều vô cảm.
Điều này khiến các báo, nhà xuất bản cứ nhìn thấy các nhà phê bình văn học và nhất là phê bình văn học trẻ đều chán lên tận cổ, chỉ có lắc đầu. Có không ít vị Tổng biên tập báo và nhà xuất bản ca cẩm rằng, in phê bình nhiều chỉ tổ ế báo, sách giảm tia ra, đói là cái chắc. Cả một xã hội chỉ thích xài món văn chương mì ăn liền hay loại phim sitcom kiểu Thư giãn cuối tuần, thì phê bình văn học lấy đâu đất mà sống. Vì, oái oăm thay phê bình hay phê bình trẻ đích thực lại không phải là thứ hàng hóa đó, thì nó ngày càng méo mó, teo tóp đi, cũng không lấy gì làm khó hiểu.
2. Thời gian gần đây trong không ít các hội nghị của hội chuyên ngành và cơ quan quản lý thường tỏ ra không mấy lạc quan về công tác phê bình từ đội ngũ, đến công trình, tác phẩm; từ định hướng đến việc quan tâm đầu tư đào tạo bồi dưỡng thế hệ những người làm công tác phê bình văn học trẻ.
Tôi cho rằng mặt trận phê bình từ trước đến giờ được sinh ra giống như sân bóng đá ở một làng quê nào đấy. Cả năm chỉ thi đấu một vài trận vào dịp lễ tết hay hội hè gì đó, còn lại chỉ để cho trẻ nít trong làng chăn thả trâu bò, vịt gà, đánh đáo, đánh cù, chơi quay, chơi khăng hay làm gì cũng được, miễn sao không đào đất sân bóng của làng đem về lấp ao nhà mình là được. Còn các nhà phê bình trẻ tôi hình dung giống như những cầu thủ mới chơi bong. Người nhiều, cả năm được đá vài trận, người ít một hai trận, thậm chí có người chưa được ra sân lần nào, vì mỗi năm ở cái sân bóng làng này chỉ có thể tổ chức thi đấu được một vài trận. Có người tuổi đã ngoại tam, tứ tuần rồi mà vẫn mãi ngồi trên ghế dự bị. Cũng không sao, miễn là có tên trong danh sách cầu thủ được thi đấu là oai lắm rồi (!). Như vậy thử hỏi có đáng buồn hay không?
Ai cũng biết, lý luận và phê bình văn học là hai chuyên ngành tuy rất gần nhau nhưng không phải là một, vì có những điểm khác nhau, nhất là khâu tác chiến tại những điểm nóng của đời sống văn chương. Vì thiếu vắng phê bình nói chung và phê bình trẻ nói riêng nên việc bám sát đời sống văn chương nhiều khi phó mặc cho công chúng. Ai muốn đọc cái gì, hiểu thế nào và viết ra làm sao cũng mặc kệ.
Ở ta, trong vài chục năm trở lại đây tồn tại một sự thật rất khó hiểu, thậm chí là rất khôi hài, bởi những cuốn sách có rất ít chất văn chương, thậm chí có cuốn mà bị cơ quan chức năng cấm không cho lưu hành, hoặc khuyên không nên bàn đến nhiều thì công chúng lại đổ xô đi tìm đọc. Chẳng hạn các cuốn Sợi xích(1) của Lê Kiều Như, Thể xác lưu lạc(2) của Tiến Đạt, Thời của thánh thần(3) của Hoàng Minh Tường, Sát thủ đầu mưng mủ(4) của Thành Phong,... đặc biệt là các cuốn hồi ký, tự truyện cá nhân của những người nổi tiếng như Lê Vân- Sống và yêu (5) của NSƯT Lê Vân, Tìm lại cái tôi đã mất của Nguyễn Khải, Ba người khác (6) của Tô Hoài
Vô hình cái sự đổ xô đi tìm đọc ấy của công chúng đã nói lên hai vấn đề. Thứ nhất là để thỏa chí tò mò xem trong cuốn sách ấy tác giả viết gì, viết như thế nào mà các nhà chức trách lại cấm. Thứ hai là tạo áp lực làm đối trọng trong đời sống sinh hoạt văn chương chính thống trong thời mở cửa hội nhập, như là một nhu cầu tự thân muốn văn chương nước nhà thời nay phải đổi mới, chứ không thể xài mãi món ta thắng địch thua được. Cũng vì thế nhiều cuốn sách loại này đắt như tôm tươi. Vô hình chung sự cấm kỵ đã tạo cơ hội cho các tay in lậu sách tha hồ mà nối bản, kiếm lời, còn công chúng chẳng biết tin vào đâu.
Thế nhưng, các nhà phê bình chuyên nghiệp cả trẻ lẫn già đành phải chịu bó tay, đứng ngoài cuộc mà nghe công chúng bàn tán và xem các tay đầu nậu sách hót bạc mà thèm nhỏ rãi, chỉ vì nhà chức trách đã khuyến cáo là không được bàn nhiều về những cuốn sách ấy. Nếu có viết thì cũng chẳng có báo nào dám in, đành chịu. Còn một số cây viết chạy sô và các nhà phê bình nghiệp dư tay chiêu tha hồ tung hô lên đến tận mây xanh. Thử hỏi như vậy công chúng biết nghe và tin theo ai: cơ quan quản lý, nhà phê bình chuyên nghiệp hay các cây viết chạy sô? Lại một lần nữa các nhà phê bình trẻ bị bật xới ra khỏi cuộc chơi.
Đến lượt mình, các nhà phê bình trẻ vừa phải bươn chải để sinh nhai, vừa viết phê bình. Đã vậy mà họ vẫn cứ bị các nhà phê bình gạo cội gọi là trẻ nít, trứng khôn hơn vịt. Thử hỏi, ở đời này có ai không có thời đã từng là trẻ nít. Không có phê bình trẻ lấy đâu phê bình choai choai và phê bình già. Các bô lão phê bình thì chui vào tháp ngà làm sưu tầm, khảo cứu, biên soạn, chạy sô cho các các chương trình, dự án, đề tài, nói chuyện chuyên đề,...vừa an thân, lại nhiều tiền mà không phải ra đường, xuống chợ đối mặt với những cú va quệt ngoài ý muồn.
Trong hai kỳ Hội nghị Lý luận- phê bình trong vòng mười năm trở lại đây của Hội Nhà văn tổ chức tại Tam Đảo, rất ít các gương mặt trẻ tham gia. Người trẻ nhất cũng thuộc hàng U60. Có lẽ Hội có nhã ý để các nhà phê bình trẻ tham gia Hội nghị dành cho những người viết văn trẻ toàn quốc cho dễ hòa đồng chăng? Đấy là một ý tưởng hay. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu các nhà phê bình trẻ cứ tự nhấm nháp những trang viết của những người cùng trang lứa, dù họ viết có thể rất chỉn chu, nhưng chắc gì đã đúng và đã hay. Họ mãi không được đến nghe các cây đa, cây đề, những nhà phê bình gạo cội, từng có nhiều chục năm mài mòn ngòi bút trên các trang phê bình, nói về thực trạng nền phê bình văn học nước ta hiện nay đang đứng ở đâu, những kinh nghiệm hay về viết một bài phê bình,... thì mãi họ vẫn chỉ là những đứa trẻ không chịu lớn. Bởi lẽ, kiến thức sách vở học trong nhà trường, đù đến bậc học thạc sĩ, tiến sĩ, mà không tiếp cận với đời sống văn chương, không được truyền dạy kinh nghiệm thực tế trong quá trình tiếp xúc văn bản tác phẩm từ các bậc tiền bối, thì cũng lắm anh ta cũng chỉ có thể trở thành một nhà lý luận suông, chứ không thể nào có thể thể trở thành một nhà phê bình chuyện nghiệp thực thụ được.
Chính ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khi bàn về công tác Lý luận- Phê bình văn học đã từng nói: “Không dựa vào căn bản văn hóa thì dễ chết yểu, gây ồn ào tức thời. Đặc biệt văn hóa phải gắn với dân tộc và hiện đại. Hiện đại trong văn học là xu hướng phẩm chất tiến bộ vượt qua các giá trị truyền thống nhằm tư duy sáng tạo, vượt ra cái hữu hạn chiếm lĩnh cái vô hạn, vượt qua cái khu biệt để đạt được cái phổ quát. Hiện đại cả hình thức và nội dung, tinh thần nhân văn, dân chủ được đề cao. Đi đến tận cùng dân tộc gặp nhân loại”(7)
3. Nói đến phê bình văn học trẻ, lý ra trước hết người ta phải nói đến chủ thể đang tiến hành công việc ấy, tức là người trẻ viết phê bình văn học bằng hoặc hơn các bậc cha anh ngày trước, vì họ được thừa hưởng đủ mọi thứ mà những thế hệ đi trước không có được. Tuy nhiên, thực tế lại dường như đang cãi lại cái lý ấy. Những người làm phê bình văn học trẻ hiện nay đang trở thành đối tượng để mọi người hướng sự quan tâm chú ý của mình vào đấy.
Trong những năm gần đây, có không ít những cuộc hội nghị, hội thảo về Lý luận- Phê bình văn học trẻ nói riêng và những người viết văn trẻ nó chung, của Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học- Nghệ thuật (LLPBVHNT) Trung ương, thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn các tỉnh thành như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa,... được tổ chức. Tại những hội nghị, hội thảo này vai trò chủ thể của những người làm phê bình văn học trẻ thường bị lu mờ và nhường chỗ cho việc làm đối tượng của các tham luận, ý kiến trao đổi về phê bình văn học trẻ. Tựu trung các ý kiến đều ghi nhận sự dũng cảm của một số cây phê bình trẻ, không quản khó khăn vất vả về mặt chuyên môn, mà còn chịu cả những khó khăn về vật chất, tinh thần nữa, nên không ít người đã tự bỏ cuộc. Vì thế ý kiến cho rằng lực lượng phê bình trẻ hôm nay vừa yếu lại vừa thiếu là điều không lấy gì làm lạ.
Thiếu về lực lượng, đội ngũ đã đành, còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ mới là chuyện đáng quan tâm. Mặc dù các bạn trẻ hôm nay được học hành tử tế, đi nhiều nơi, có nhiều cơ hội để nắm bắt thông tin ở đủ mọi lĩnh vực và trên phạm vi toàn thế giới và không mấy người phải lo bát cơm manh áo để tồn tại. Nhưng có lẽ cái thiếu chính yếu nhất đối với những ngươi làm phê bình văn học trẻ là khả năng tiêu hóa, năng lực thẩm thấu những tri thức sách vở cũng như kinh nghiệm đời sống, những vấn đề về tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm văn chương đặt ra còn rất hạn chế. Có lý do vì thời gian cầm bút viết phê bình chưa lâu, nên kinh nghiệm viết chưa nhiều. Rồi do sự câu thúc của bát cơm manh áo, tất nhiên là ở một mức sống cao hơn ngày xưa rất nhiều, đồng tiền bát gạo ngày một nhiều hơn. Viết một bài phê bình văn học như viết một bài báo thì người ta phải chú tâm vào khâu an toàn để dễ được các bản báo chấp nhận. Điều ấy, khiến cho bài viết bị thương mại hóa thay vì phải chú tâm đến chất lượng và giá trị. Tôi đồ rằng sẽ có rất ít, thậm chí là không có bạn trẻ nào dám nghĩ viết một bài phê bình văn học để mười hoặc hai mươi năm sau mới công bố. Tâm lý nóng vội được in để tên mình được xuất hiện trên ác mặt báo, tạp chí để kheo với đồng nghiệp, lại có tiền nhuận bút hoặc để khao đãi bạn bè hoặc cải thiện cuộc sống gia đình, ai mà chẳng mong. Một tác phẩm phê bình văn học thay vì phải chú tâm đến chất lượng và giá trị công trình thì không ít bạn trẻ lại chú tâm đến danh và lợi. Khi hai thứ ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được, nhiều người chán nản, bỏ cuộc chơi là điều không có gì khó hiểu.
Tôi có quen biết một bạn trẻ viết phê bình văn học. Công việc chính của anh ta là làm biên tập mảng văn học ở một nhà xuất bản. Viết phê bình cũng chỉ ở dạng điểm sách văn chương, chứ không phải phê bình chuyên nghiệp. Sau một thời gian viết phê bình điểm sách, anh ta thấy thu nhập chẳng được là bao. Anh ta nghĩ cách chuyển sang viết thuê hồi ký cho những người có chức, có quyền và tất nhiên là có nhiều tiền. Theo anh ta tiết lộ, mỗi ngày ngoài việc hoàn thành công việc cơ quan giao theo định mức, thời gian còn lại và ngày nghỉ là cày. Mỗi ngày vài chục trang. Một cuốn hồi ký dày khoảng 300- 400 trang in, anh bạn trẻ này cũng chỉ cày khoảng trên dưới một tháng. Sau đấy, cũng từng ấy thời gian chỉnh sửa và đem đi in cũng mất từng ấy thời gian nữa. Cứ tạm tính là khoảng ba tháng. Công viết và in cho một cuốn hồi ký kiểu ấy khoảng trên dưới một trăm triệu. Vậy chi, tính ra mỗi tháng anh ta cũng cày thêm được khoảng hai chục triệu, cộng với lương và thưởng của cơ quan khoảng mười triệu nữa, thì mới đủ tiền thuê nhà và nuôi hai đứa con nhỏ ăn học ở đất Hà thành. Thế hỏi còn đâu thời gian mà quan tâm đến phê bình văn học (!?)
4. Nhưng theo tôi khái niệm phê bình văn học trẻ là hết sức mơ hồ. Chừng nào chúng ta chưa xác định được thế nào là trẻ thì tất cả những đánh giá, nhận định về họ đều thiếu xác tín. Trẻ là tính theo tuổi đời, tuổi nghề, số lượng bài báo, sách, công trình in trong hay ngoài nước, ở trung ương hay địa phương,...?
Chẳng hạn như có những người ở độ tuổi U60 mới bắt tay viết phê bình thì đâu còn trẻ về tuổi đời nữa. Cũng lại có những người rất giỏi phê bình miệng, mà dân gian gọi là nói vo, tức là nói về phê bình văn học trẻ, chứ tuyệt nhiên không hề có bất cứ công trình, tác phẩm phê bình văn học nào. Lại có những người chỉ viết phê bình văn học ở địa phương nơi mình sinh sống, rất ít khi xuất hiện ở các báo, tạp chí trên trung ương. Hoặc có những người trẻ có nhiều công trình tác phẩm Lý luận- phê bình văn học dưới dạng những nghiên cứu chuyên khảo về tác giả, tác phẩm hay thời kỳ văn chương nào đấy, nên không thể công bố dưới dạng một tác phẩm phê bình văn học được,... Điều ấy làm cho việc xác định ai là những nhà phê bình văn học trẻ càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên đấy chỉ là một cách nói lý thuyết và sách vở thôi, chứ còn thực tế đời sống của hoạt động phê bình văn học trẻ chủ yếu là tự thân vận động và một chút nhờ vào sự may mắn do các quan hệ thân sơ ngoài văn chương mà có.
Về khía cạnh đội ngũ, không quá khó để chúng ta có thể điểm danh được một số ít các nhà phê bình văn học gọi là trẻ, nhưng phần lớn đều thuộc thế hệ 7X và 8X như: Phạm Duy Nghĩa, Phan Tuấn Anh, Đoàn Minh Tâm, Bùi Thu Hồng, Ngô Hương Giang, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Thanh Tâm, Trần Thiện Khanh, Hỏa Diệu Thúy,... Đấy là những gương mặt tương đối quen thuộc vì xuất hiện nhiều trên các trang báo và tạp chí với tư cách là tác giả của những bài phê bình văn học. Số còn lại, phần lớn các cây viết phê bình trẻ hôm nay phải lo viết báo để kiếm sống, dù đấy có là điểm các tác phẩm văn chương, hoặc phải đảm trách công tác biên tập ở các tòa báo, các nhà xuất bản, các viện nghiên cứu hay bận công việc giảng dạy ở các trường đại học và cao đẳng, khi nào nhàn rỗi và cao hứng viết được một bài phê bình thì bị chê bôi đủ điều nào là chưa đủ kinh nghiệm, nào là sao chê nhiều thế, khen nhiều thế, thôi thì đủ mọi lời ong tiếng ve. Thậm chí có người đã về hưu vài năm rồi, từng cầm bút viết phê bình vài chục năm, có vài ba cuốn sách đã in, được dư luận đánh giá tốt vẫn bị coi là nhà phê bình trẻ chỉ vì ông ta thích nói thẳng, nói thật, có khi gây sốc cho người đọc, nên bị xếp vào hàng các nhà phê bình trẻ, cứ như nói thẳng, nói thật là đặc sản của các nhà phê bình trẻ (!?).
Đương nhiên, không loại trừ một số cây bút phê bình văn học trẻ hôm nay thích vọng ngoại. Cái gì của nước ngoài cũng đều là hay, là tốt, còn của ta là dở, là xấu. Thậm chí có người không thèm đọc các tác phẩm văn chương Việt Nam mà chỉ đọc truyện nước ngoài được dịch ra tiếng Việt.
Như vậy, mặt trận phê bình văn học trẻ đang có nguy cơ biến thành hoang mạc là cái chắc. Sự hẫng hụt về mắt thế hệ phê bình văn học là cái đáng báo động nhất hiện nay đối với nền văn chương nước nhà. Và chắc chắc là còn phải đợi một thời gian dài dài nữa may ra mới thoát khỏi tình trạng cà nhắc, giống như những bước chân của người thọt bẩm sinh vậy.
Mọi người cần nhớ rằng cả nền văn học cổ điển Nga mới sinh ra được một thần đồng phê bình văn học Biêlinxki. Cả một thế kỷ văn học Việt Nam (thế kỷ XX) mới có một thần đồng phê bình văn học Hoài Thanh. Điều ấy nói lên một thực tế là công việc phê bình văn học luôn phải đối mặt với không ít khó khăn, áp lực, nhưng thái độ kỳ thị của người đời đối với nó xem ra ngày càng tăng nặng hơn, đấy mới thực sự là điều đáng sợ. Vì phần lớn công chúng hiện nay đều quay lưng lại với phê bình văn học nói chung và phê bình văn học trẻ nói riêng, khi họ cho rằng đấy là thứ ăn theo, nói leo, sống ký sinh vào sáng tác.
Do vậy, sự thiếu vắng đội ngũ phê bình trẻ trong hàng chục năm nay là điều không thể nào cưỡng lại được. Thực trạng ấy có nguyên nhân từ cả hai phía, nhưng cơ bản là xã hội đã tạo nên áp lực quá lớn khiến giới trẻ, dù là những người đã được học hành cẩn thận, đào tạo bài bản hẳn hoi cũng không mấy ai quan tâm và mặn mà gì với phê bình văn học, vừa ít tiền, vừa lắm va quệt này.
Nhưng sẽ là bất công nếu như chúng ta không nhìn thấy sự đóng góp đáng kể của các nhà phê bình văn học trẻ. Trước hết về mặt thế hệ, những người viết văn, làm thơ trẻ luôn cần có tiếng nói của các nhà phê bình văn học trẻ, vì họ là những người cùng thế hệ rất dễ đồng cảm, chia sẻ với nhau về tâm lý lứa tuổi, nhận thức xã hội, quan niệm sống, quan điểm thẩm mỹ và mặt bằng tri thức. Vậy nên, dù ít hay nhiều, các nhà phê bình văn học trẻ cũng có thể tạo nên mộ cú hích, một tác nhân và động lực đối với các nhà văn trẻ.
Chỉ có điều số người làm công việc phê bình văn học trẻ là quá ít so với những người làm sáng trẻ. Ở Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, tổ chức tại Tuyên Quang, trong số 113 đại biểu tham dự thì chỉ có 11 người làm lý luận phê bình, tức là chưa bằng số lẻ của tổng số người tham dự Hội nghị. Điều ấy nói lên một thực tế là làm phê bình văn học trẻ không nào khác tham gia vào một trò chơi mạo hiểm. Chúng ta thử hình dung với hơn một trăm người sáng tác, trong một năm ít nhất, mỗi người in một cuốn sách có thể là thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, vậy chi có 100 tác phẩm mà chỉ có hơn 10 người đọc, bình quân mỗi người đọc 10 tác phẩm/năm thì chỉ có đầu óc của những bậc thiên tài mới làm được. Nếu tôi không nhớ nhầm thì Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc phải 5 năm mới tổ chức một lần thì số lượng tác phẩm in ra còn nhiều gấp hiều lần. Đọc xong còn phải viết. Viết xong còn tìm chỗ in, công bố kết quả.
Tất cả những điều nói trên chính là mấu chốt của vấn đề. Chừng nào xã hội và các nhà chức trách chưa thay đổi được cách nhìn, chưa đưa ra được định hướng cụ thể cùng với cơ chế đối xử thỏa đáng cho phát triển phê bình văn học, nhằm khuyến khích những cây bút trẻ đã được đào tạo và có niềm đam mê tham gia vào mặt trận này thì khi ấy tình trạng tụt hậu, hụt hẫng và yếu kém vẫn tiếp tục diễn ra không chỉ đối với phê bình văn học, mà còn làm phương hại đến thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, với tư cách là người thụ hưởng và thẩm định cuối cùng tác phẩm văn chương, ảnh hưởng không nhỏ đến cả nền văn chương đương đại nước nhà là điều mà hầu hết mọi người đã nhìn thấy, nhưng dường chưa thể nào tìm ra được phương thuốc đặc trị cho căn bệnh trầm kha này./.
Đỗ Ngọc Yên
.......................
Xem:
(1) Sợi xích, Lê Kiều Như, Tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn, 2010
(2) Thể xác lưu lạc, Tiến Đạt, Tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn, 2009
(3) Thời của thánh thần, Hoàng Minh Tường, Tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn, 2008.
(4) Sát thủ đầu mưng mủ, Thành Phong, Truyện tranh, Nxb Mỹ Thuật, 2011
(5) Sống và yêu, Lê Vân, Tự truyện, Nxb Hội Nhà văn, 2006
(6) Ba người khác, Tô Hoài. Tiểu thuyết, Nxb Đà Nẵng, 2006
(7) Lý do của hy vọng, Hữu Thỉnh, Nxb Hội nhà văn, 2010.