Ngôi thứ ba không phải là ngôi kể chuyện

Ngôi thứ ba không phải là  ngôi kể chuyện

Trần Đình Sử

Trong lí luận văn học khi nói về phương thức trần thuật người ta thường nói đến trần thuật theo ngôi, từ đó nảy sinh thuật ngữ ngôi thứ ba, ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai, trong đó phổ biến nhất là ngôi kể thứ ba hay kể chuyện theo ngôi thứ ba. Đó là một thuật ngữ sai lầm do ngộ nhận, trên thế giới người ta đã nhận ra từ những năm 70 với công trình của G. Genette, nhưng ở Việt Nam thuật ngữ ấy vẫn còn rất thông dụng. Vì thế trong bài viết này chúng tôi muốn làm rõ để các nhà phê bình, phân tích tác phẩm tự sự tránh được một ngộ nhận đã quá lâu đời.

Khái niệm ngôi kể trong tự sự phái sinh từ khái niệm ngôi nhân xưng trong ngữ pháp các tiếng phương Tây, trong đó động từ bắt buộc phải biến hình theo ngôi nhân xưng như tiếng Pháp, tiếng Nga, mỗi ngôi có một hình thức riêng không thể lẫn lộn về mặt hình thức. Tuy nhiên, trong giao tiếp thì chỉ có ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai là có thể đóng vai trò chủ thể của người nói, còn ngôi thứ ba (anh ấy, nó, hắn…) không bao giờ có thể làm chủ thể trực tiếp, mà chỉ có thể là ở vị trí của người được nói tới, là kẻ luôn luôn vắng mặt trong mọi cuộc hội thoại, do đó không thể đóng vai trò chủ thể trực tiếp trong lời kể được. Lí thuyết tự sự một thời đã vận dụng cả ba ngôi ngữ pháp vào vị trí ngôi tự sự. Nhà tự sự học Séc là Lubomir Dolezel trong sách Kiểu thức tự sự trong văn học Séc năm 1973 đã xây dựng một lí thuyết về mô hình tự sự dựa trên cả ba ngôi ngữ pháp nói trên[1]. Kể chuyên ngôi thứ nhất xưng “tôi” là điều dễ hiểu. Người ở vào ngôi thứ hai thường ở vào vị trí người nghe chuyện trực tiếp, đến lượt mình, anh ta cũng có thể kể chuyện, nhưng lúc đó anh ta lại sẽ chuyển ngôi, nghĩa là  xưng “tôi” đối với tôi (bây giờ là “anh”) là người nghe. Như thế trong giao tiếp ngôi thứ nhất xưng tôi là phổ biến nhất và chỉ có nó là ngôi kể. Ngôi thứ ba trong tự sự là một hiện tượng mơ hồ. Có người giải thích rằng khi nói truyện kể theo ngôi thứ ba, có nghĩa là “người ta kể”, “họ kể”. Nhưng tất cả nhưng ai thuộc ngôi thứ ba đều là kẻ vắng mặt trong cuộc hội thoại, cho nên không thể kể được[2]. Theo Trương Quang Đệ có thể vẽ sơ đồ về hiện tượng ngôi thật và ngôi giả trong giao tiếp như sau.

Ngôi

Tôi                                                   Không phải Tôi

Ngôi thứ nhất                 Ngôi thứ hai                                     Ngôi thứ ba

Trong mô hình này ngôi thứ ba là ngôi giả. Bởi vì chỉ ngôi thứ nhất và thứ hai trực tiếp tham gia vào hoạt động nói năng, kể chuyện, còn ngôi thứ ba nhằm chỉ những người không tham gia vào hoạt động giao tiếp trực tiếp. Trong hai một và hai có thể chuyển hóa từ người nói sang người nghe và ngược lại, còn ngôi thứ ba thì không, vì nó vắng mặt. Chính vì thế mà nhà ngữ học Pháp Benveniste phát hiện ra đặc điểm này và gọi ngôi thứ ba là “ngôi không ngôi”. Nhà tự sự học Pháp là G. Genette thì quả quyết rằng trong lí thuyết tự sự không cần dung khái niệm “ngôi”, và nếu có dùng chỉ là vì nhượng bộ thói quen của người đọc. Và ông viết : “Bất kể truyện kể nào đều ở ngôi thứ nhất, bởi vì người kể chuyện của nó lúc nào cũng có thể tự chỉ định bằng đại từ ngôi thứ nhất”. Sự phân biệt người kể chuyện ở “ngôi thứ nhất” và “ngôi thứ ba” chỉ ở chỗ nó hiện diện hay vắng mặt”[3] Ông kiên quyết loại bỏ thuật ngữ ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba và thay bằng thuật ngữ tự sự homo- và hétérodiégétique (tứ tự sự đồng sự hay dị sự). Theo ông cặp thuật ngữ này có tính chất kĩ thuật hơn, ít bị đa nghĩa hơn, và phản ánh được thực chất quan hệ giữa người kể với câu chuyện được kể. Đó là một đề xuất quan trọng, nhưng sử dụng thuật ngữ Hy Lạp cổ quả thực là một trở ngại, cho nên nhiều người vẫn dùng theo lối cũ, mặc dù hiểu theo cách mới. Từ quan điểm này ta thấy, gọi kể chuyện ngôi thứ ba rõ ràng là thiếu cơ sở thuyết phục. Cặp thuật ngữ kể ngôi thứ nhất và thứ ba cũng có nghĩa làm giảm nhẹ tính chất hư cấu của người kể chuyện. Đó là một nhân vật kể chuyện do nhà văn hư cấu ra để thực hiện việc tự sự theo cảm nhận của mình. Người ta vẫn có thể nghĩ rằng tự sự ngôi thứ nhất là chân thực, giống như thật, trong khi nhà văn vẫn thực hiện hư cấu trong đó. Tất nhiên khi dạy học tự sự cho học sinh nhỏ tuổi, vẫn có thể dung cặp ngôi thứ nhất, thứ ba này được vì chúng có tính trực quan, dễ nhận, khi học sinh đã lớn thì giáo viên có thể không dùng nữa.

Từng có ý kiến biện hộ rằng, kể ngôi thứ ba có nghĩa “họ” kể chuyện, “người ta” kể chuyện. Nhưng do ngôi thứ ba vắng mặt, do đó câu chuyện họ kể không ai nghe được. Nếu muốn kể thì lại phải có người đem câu chuyện họ kể mà kể lại thì mới có hiệu lực, mà lúc đó, người kể lại ấy lại chính là người kể ngôi thứ nhất xưng “tôi”: Tôi thấy người ta kể rằng, ngày xửa ngày xưa…. Như thế mọi câu chuyện đều được kể theo “ngôi thứ ba” trên thực tế đều là kể chuyện theo ngôi thứ nhất. Có điều lúc đó, ngôi thứ nhất đã tự giấu mình. Kể chuyện theo ngôi thứ ba là điều không thể có được. Vậy từ nay nếu có nói kể chuyện theo ngôi thứ ba là nói với một ý nghĩa ước lệ, theo thói quen, chứ không phải ngôi thứ ba thật. Bảo ngôi thứ ba vắng mặt cũng không đúng vì nó có đấy để thực hiện việc kể chuyện.  Bảo nó giấu mình cũng chỉ đúng có một nữa, bởi vì, xét về nhiều mặt khác (điểm nhìn, khoảng cách, …) nó khác biệt với “ngôi thứ nhất”.

Khi kể chuyện theo ngôi thứ nhất, khi nói đến người vắng mặt người ta cũng dung ngôi thứ ba.

Từ sự nhận ró thực chất ngôi thứ ba chúng ta sẽ có nhận thức mới về mọi ngôi kể. Chẳng hạn, “ngôi thứ hai” cũng sẽ không phải là ngôi kể. Lúc này nó được sử dụng như một hình thức khác để diễn đạt cái “tôi”. Ví dụ như trong Linh sơn của Cao Hành Kiện, trong 81 chương cứ một chương kể xưng “tôi” lại một chương xưng “anh”, những cái chương xưng “anh”, không hề là ngôi kể, mà gần như là “tôi kể về anh”. Nhận rõ vai trò của ngôi kể tôi ta sẽ hiêu được áccquan hệ tinh vị giữa mối quan hệ giữa “tôi” và “hắn” hoặc giữa tôi kể chuyện trong tự truyện với tôi nhân vật trong đó. Đó là những đề tài cụ thể sẽ được bàn sau.

[1] Lubomỉ Dolezel. Narrative Modes in Czech Ltera ture, Univerrsity of Toronto Press, 1973. Chuyển dẫn theo sách của Đàm Quân Cường, Sức mạnh của tự sự, nxb Vân Nam, 2000, tr. 3..

[2] Xem phân tích của Trương Quang Đệ, Vấn đề ngôi trong tiếng Việt, nxb. Văn hóa văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2012,

[3] G. Genette. Ngôi, Lê Phong Tuyết dịch, trong sách Lí luận phê bình văn học thế giới thế kỉ XX, Tập 2, Lộc Phương Thủy chủ biên, nxb Giáo dục Đà Nẵng, 2007, tr. 189.

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Gửi phản hồi

Mời bạn điền thông tin vào ô dưới đây hoặc kích vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Log Out / Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Log Out / Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Log Out / Thay đổi )

Google+ photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Google+ Log Out / Thay đổi )

Connecting to %s