Nguyễn Trọng Tạo là một thương hiệu hấp dẫn. Thương hiệu thơ với hàng chục bài thơ, câu thơ tài hoa: Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi… Sông Hương hoá rượu ta đến uống/ Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say… Thương hiệu nhạc với những bài hát nổi tiếng được cả nước hát như “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, “Đôi mắt đò ngang”... Thương hiệu họa với hàng trăm bìa sách ấn tượng. Thương hiệu “tửu” với những cuộc uống thâm đêm thâm ngày. Uống đến mức Gặp nhau là nhớ mùi rượu Hiếu/ Mưa nắng sá gì dốc Phú Cam...
Đã có nhiều học giả, nhà văn nổi tiếng viết về văn chương Nguyễn Trọng Tạo như Hoàng Cầm, Vũ Cao, Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Phủ Ngọc Tường… Tôi chỉ xin lan man đôi chuyện đời về Tạo để bạn đọc hiểu thêm về con người tài hoa ấy.
Năm 1978, Báo Nhân Dân tổ chức chọn thơ hay viết sau 1975. Kết quả có 16 tác giả được giải, trong đó có bài thơ Làng có một ngày như thế của Nguyễn Trọng Tạo và bài Nón bài thơ và hương đất cao nguyên của tôi. Tôi thân Tạo từ đó.
Mùa đông năm 1985, Nguyễn Trọng Tạo vô Huế chơi. Anh ở trọ tại nhà tôi. Vợ tôi phát hiện ra cái áo piraket anh mặc đã bẩn, cứ bốc mùi “thơm” khắp nhà. Thế là nàng bắt Tạo thay áo để ngâm giặt. Một bộ quần áo mà giặt hết cả một bánh xà phòng loại 72% rất cứng của Liên Xô cũ, mà vắt vẫn ra nước đục. Những ngày đó tôi và Tạo rượu suốt ngày. Trong một cuộc vui, Tạo đã dính “tiếng sét ái tình” với một cô giáo. Thấy anh chị đã dan díu, tôi bảo Tạo: “Yêu chơi hay yêu thiệt đấy?”.
Tạo ngẩng mặt, nốc cạn chén rượu, tuyên bố xanh rờn: “Tính mình đã yêu là yêu đến cùng!”. Nhờ mối tình ấy Tạo đã sống ở Huế hơn 10 năm, sinh được hai người con thông minh (cháu trai là tiến sĩ, kiến trúc sư vừa học ở Italia về, cháu gái đang học thạc sĩ kinh tế ở Italia) và viết được rất nhiều bài thơ, bản nhạc hay.
Ông Vũ Soạn, bố vợ của Tạo coi tôi như là “ông mối”. Tạo và vợ hình như khắc tính thì phải. Cứ năm bảy ngày lại có cuộc va chạm. Hôm sau hoà thuận lại chở nhau đi cùng bạn bè, chụp ảnh rất vui vẻ.
Có lần ông Vũ Soạn gọi tôi: “Ngô Minh đến gấp, lại xích mích to rồi”. Tôi phóng xe đến, thấy cái phích nước vỡ tan tành. Tôi biết là Tạo giận nên ném phích vào tường. Tạo có tính khi say có điều gì phật ý là như vậy. Cái tính ấy là tính khùng của người thật bụng, không chịu được cái giả, cái ngụy. Tôi cười bảo vợ Tạo: “Ngày mai em xuống chợ Đông Ba mua năm bảy chiếc phích hỏng về để khắp nhà, để Tạo giận có cái mà ném cho đã!”.
Thế là cả hai cùng cười. Lý do phích vỡ là do đêm đi uống về, Tạo thức viết bài thơ tình sau chuyến đi Tây Nguyên. Thơ đề tặng tên người đẹp hẳn hoi, rồi còn ghi địa chỉ dưới bài. Sáng sớm vợ dậy để chuẩn bị sách vở đi dạy học, thấy bài thơ để ngay ngắn trên bàn. Đọc thơ, máu ghen đàn bà nổi lên, liền xé vụn bài thơ ném vào sọt rác. Thế là sinh chuyện.
Những năm Tạo ở Huế, buổi sáng bao giờ lão cũng chén một tô cơm nguội đầy ụ có con cá nục kho gác ngang. Trông như nông dân ăn để đi cày. Tôi hỏi sao không ăn thứ “nóng nóng nước nước” như cách nói của Phùng Quán. Tạo bảo ăn cơm cho chắc bụng để đi uống cả ngày, đề phòng say.
Tôi ngồi viết ở nhà, khoảng 10h sáng nghe tiếng xe máy Simson vè vè lên dốc là tôi biết ngay Tạo chưa uống ở đâu. Thế là lục tủ lấy chai cuốc lủi, rồi điện gọi Hoàng Phủ Ngọc Tường hay Mai Văn Hoan... Uống với Tạo tốn thời gian lắm. Tôi thường tìm cách chuồn trước, vì làm báo không ngồi lâu được. Nhưng Tạo ra Hà Nội rồi thì lại nhớ, lại thèm những cuộc say sang mùa với lão!
Uống rượu thơ phú cả ngày, nhưng Tạo là người thương vợ con lắm. Hồi đi Đại hội Hội Nhà văn lần V, khi Đại hội xong, Tạo ở lại Hà Nội chơi, gửi tôi mang về nhà một thùng to nặng. Tôi ì ạch khuân lên xe, xuống xe mà không biết thứ gì trong ấy. Khi mở ra mới hay một thùng đầy bát, đĩa, tô sứ Giang Tây và quần áo mới. Đó là món hàng rất mốt thời ấy.
Trời đất ơi, cái lão này tưởng lơ ngơ hoá ra lo lắng chuyện gia đình giỏi thiệt. Là lính nên Tạo đi chợ, nấu ăn thay vợ rất sành điệu. Lão băm chặt, xào nấu, pha nước chấm, dọn mâm… như một người nội trợ thực thụ. Loáng một cái đã có mâm đồ mồi thịnh soạn bưng lên cho bạn bè nhậu.
Ở một mình trên tầng 6 khu chung cư ở Hà Nội, có khách, Tạo cũng tự đi chợ về nấu nướng “cho thân tình”. Hồi ở Huế có phong trào nuôi cá trê phi, Tạo xây một cái bể lớn, thả ngàn con cá để làm “kinh tế gia đình”. Hai vợ chồng phấn chấn lắm. Nhưng hai tháng cá chưa kịp lớn Tạo đã câu để làm mồi nhậu. Cũng đỡ tiền mua đồ mồi chứ sao. Câu nhiều quá, cá nó sợ không dám lớn, không dám cắn câu nữa. Bạn nhậu đã đến mà cá chưa câu được con nào. Lão tức khí trổ lù cho nước thoát để bắt cá…
Tạo nuôi con gái lớn học đại học ở Hà Nội. Con học xong lo xin việc làm, rồi lo cưới chồng, đầu tư tiền cho vợ chồng mua nhà chung cư ở Hà Nội. Hai đứa nhỏ ở Huế đứa nào cũng có máy vi tính từ bé. Lo cho con như Tạo không phải ông bố nào cũng làm được. Đối với bạn bè, Tạo cũng chí tình lắm. Ai nhờ vẽ bìa sách, đọc bản thảo, hay viết lời tựa cho các tập thơ, Tạo giúp rất chu đáo. Thức cả đêm để viết lời tựa cho người này người khác.
Riêng tôi, Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa, viết lời bạt 6 cuốn sách. Có mấy cuốn thơ, tiểu luận, tôi từ Huế mail bản thảo ra, Nguyễn Trọng Tạo lui cui xin giấy phép, vẽ bìa, đưa đến nhà in, chấm mo-rát, rồi lại lo gửi sách vô Huế. Tạo giúp rất nhiều người như vậy.
Hồi ở Huế, Tạo tuyển Hai thập kỷ thơ Huế, có chi tiết rất cảm động. Vì tuyển in ảnh tác giả, cố nhà thơ Thanh Hải không có ảnh lưu ở Hội, Tạo phải tìm đến nhà chị Thanh Tâm đơm hoa quả, thắp nhang vái anh Thanh Hải mới đưa được cái ảnh thờ xuống để chụp lại. Đó là nét văn hoá tâm linh rất chỉn chu.
Nguyễn Trọng Tạo nhiều bạn. Nhờ bạn nhiều anh đã được bao đi ngao du nhiều chuyến ở Ba Lan, châu Âu, Trung Quốc, Canada. Trong một chuyến thăm Italia, Tạo có bài thơ Cu đái rất khẩu khí, rất đời: Nó đứng trên cao cười tít đái qua đầu bạn đầu tôi/ hoa hậu ngước nhìn vẫy vẫy... Người mến mộ Tạo không đếm xuể.
|
Nguyễn Trọng Tạo (phải) và tác giả. |
Một đêm khuya, đi ngang Tam Điệp, anh ghé vào nhà khách huyện, ông chủ tịch đi vắng. Nghe cán bộ nhà khách điện báo tin có nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ghé thăm, ông chủ tịch huyện đang ở cách xa 30 cây số cũng phóng xe về chỉ để ôm hôn anh Tạo và xin được hát bài Khúc hát sông quê trước mặt tác giả.
Tạo chơi thân từ ông bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, huyện cho đến chủ một cây xăng, một người đạp xích lô. Cứ vào cuộc là gõ đũa hát Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê. Mỗi lần anh về nhà ở Huế là một ngày hai ba cuộc nhậu.
Những cuộc “nhậu mặt trận” được tổ chức tại nhà, Nguyễn Trọng Tạo như là người thủ lĩnh của cuộc tiệc, lại là người trực tiếp đứng bếp. Gọi là “nhậu mặt trận” là vì đủ thành phần tham dự, từ chủ tịch tỉnh, đến chủ một doanh nghiệp nhỏ…
Khi say lên, Tạo mắng mỏ không nể ai. Ném vỡ tan cả con “dế” xịn của ông chủ tịch tỉnh vừa mới nhậm chức… Mỗi lần như thế tôi bao giờ cũng say nằm đến hôm sau chưa tỉnh. Thế mà Tạo lại đi nhậu tiếp, rồi về nhà ngồi làm thơ, post bài lên blog tới khuya lơ mới ngủ. Có lần 2h sáng, Tạo điện tôi thức dậy nghe thơ mới. Hồi đó tôi chưa có di dộng nên phải ra bàn cầm máy nghe Tạo đọc thơ. Tôi đứng trong đêm tối nghe thơ và chịu trận muỗi đốt tơi bời...
Có lần Nguyễn Trọng Tạo về quê, trở lại Huế kể với tôi: “Mình họ Ngô ông ạ. Cố mình tên là Ngô Trọng Du, nghèo, đi ở với nhà họ Nguyễn ở Diễn Châu. Họ quý nên cho đổi thành họ Nguyễn”. Tôi liền đùa: “Họ Ngô mới có người tài giỏi thế chứ!”. Tạo bỗng ngớ ra.
Nguyễn Trọng Tạo kể với tôi nhiều chuyện oái oăm của cuộc đời anh. Tạo đa tài giỏi giang nhiều lĩnh vực thế nhưng lại không có bất cứ bằng cấp nào trong chuyện học hành. Học cấp 3 Tạo giỏi cả văn cả toán, lại biết hát, nhưng khi đi thi tốt nghiệp bị giám thị bắt được khi đưa nháp cho cô bạn cùng phòng. Thế là bị đình chỉ thi. Sau đó thì đi bộ đội dài dài. Tạo được đi học Trường Viết văn Nguyễn Du khoá I, học đến năm cuối thì “trục trặc gì đó anh không thi tốt nghiệp, trở về đơn vị”...
Điều kỳ lạ là con người đa tài làm ra rất nhiều bài hát hay ấy lại không qua một trường lớp âm nhạc nào. Chỉ học nhạc lý với nhạc sĩ Ánh Dương (người có bài hát Chào em cô gái Lam Hồng). Có người bảo Tạo là nhạc sĩ duy nhất không biết chơi đàn (trừ đàn bà).
Sống với Tạo lâu năm, tôi thấy mỗi khi sáng tác anh ôm guitar bấm “gam” lấy nhịp để viết bài hát, chứ chưa bao giờ ôm đàn vừa hát vừa đệm như những tay sành điệu khác. Hẳn nhiên là biết chơi đàn và biết nhạc lý để sáng tác là điều hoàn toàn khác nhau, nhưng nhạc sĩ mà không thèm chơi đàn cũng là chuyện lạ lùng “xưa nay hiếm”!
Ngày Tạo còn ở Huế, ông Tường chưa bị tai biến nằm một chỗ, chiều nào ba chúng tôi cũng ngồi với nhau ở một quán cóc nào đấy để nghe “Tường nói”. Mỗi lần như thế Tạo cứ tiếc, “nếu có cái máy ghi âm, ghi cuộc nói của Tường sẽ có một bài ký rất hay!”. Nhắc đến Tường lại nhớ chuyện Tạo làm báo.
Tạo là người có chính kiến mạnh, có tài phát hiện và rút tỉa vấn đề đưa lên báo rất giỏi. Đến nay Tạo đã trực tiếp làm hai tờ báo là báo Thơ (chuyên san của Báo Văn nghệ), Tạo một mình làm báo thơ từ A đến Z!
Có thời kỳ Tạo cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Quang Lập làm tờ tạp chí Cửa Việt, rồi Sao Việt. Báo Thơ ra được 18 số, Sao Việt ra được 4 số, Cửa Việt được 17 số. Nhưng phải nói thật tình rằng đó là những tờ báo hay, gợi lên được nhiều vấn đề về học thuật, được độc giả trí thức cả nước tìm đọc.
Thời có blog, Tạo là người hăng hái cổ vũ nhiều người chơi blog. Riêng một mình Tạo có ba cái blog: Nguyễn Trọng Tạo, Hội ngộ văn chương, Sao Việt, cái nào cũng thuộc loại “blog sôi nổi nhất” cả. Blog của Tạo là những địa chỉ văn chương mạng rất hấp dẫn. Anh dùng blog để nói những nỗi niềm bức xúc tâm huyết của mình về văn chương và cuộc đời…
Nguyễn Trọng Tạo là rứa đó!
Ngô Minh