Khuynh hướng hiện sinh trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986

THÁI PHAN VÀNG ANH


“Con người trước hết là một dự phóng (project) tự tồn tại chủ quan, chứ không như một đám rêu, một vật đang thối rữa, hoặc một cây súp lơ” (Jean-Paul Sartre). Cùng với sự khẳng định nhân vị, chủ nghĩa hiện sinh khẳng định được đời sống của nó trong văn học toàn cầu, kể cả các nền văn học phương Đông.

Nhận diện cuộc sống, khám phá con người, văn học bất kì thời đại nào cũng ít nhiều thám hiểm, thăm dò thế giới “hiện sinh”. Ám ảnh về sự hiện tồn của bản thể cũng là căn nguyên cho những chiều sâu văn học. Tuy vậy, một thời gian dài trước Đổi mới, xã hội Việt Nam với những đặc thù riêng trong truyền thống văn hóa, lịch sử vẫn còn dè dặt, khắt khe với quan niệm hiện sinh, tư tưởng hiện sinh. Trong một chừng mực nào đó, hiện sinh thường gợi đến lối sống hưởng thụ, trụy lạc, chỉ biết hôm nay và thờ ơ với tất thảy. Văn học hiện sinh, theo tinh thần như thế, thường là những tác phẩm không/ít đem lại giá trị nhận thức, giáo dục, điều mà xã hội vẫn chờ đợi, và mặc nhiên cho rằng không thể thiếu ở văn chương. Cách hiểu về hiện sinh và văn học hiện sinh như thế không sai nhưng hoàn toàn không đúng với bản chất hiện sinh, và cũng rất xa với những căn nguyên hiện sinh, tâm thức hiện sinh, xét từ góc độ một triết thuyết.

Ở Việt Nam, sau những bước thăng trầm, văn học hiện sinh (gắn liền với những tên tuổi tiêu biểu như Sartre, Camus) đã có một sự trở lại đầy ấn tượng. Xuất hiện và ít nhiều được chú ý từ nửa đầu thế kỉ XX với tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn; lên ngôi ở miền Nam Việt Nam vào những năm sáu mươi – bảy mươi của thế kỉ XX; “e dè” xuất hiện trở lại văn đàn vào cuối thế kỉ XX và “nở rộ” những năm đầu thế kỉ XXI; khuynh hướng hiện sinh xuất hiện và tồn tại như một dòng chảy liền mạch trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Quá trình đổi mới, mở cửa cùng sự giao lưu, hội nhập quốc tế khiến văn học Việt Nam, trong đó có tiểu thuyết, bắt buộc phải “chuyển động” để hòa mình vào “trò chơi chung” của văn học thế giới. Trong bối cảnh mới, triết- mĩ hiện sinh có điều kiện xâm nhập vào văn học Việt Nam, góp phần làm đa dạng các sắc thái thẩm mĩ văn học, khẳng định những phong cách riêng. Sẽ thật khiên cưỡng nếu nói đến một dòng văn học hiện sinh ở Việt Nam từ sau 1986, tuy vậy, trong điều kiện hội nhập sau Đổi mới, chúng ta có cơ sở để khẳng định về sự trở lại của chủ nghĩa hiện sinh. Sự chuyển đổi đời sống xã hội sau chiến tranh, sự thay đổi trong tư duy nghệ thuật, sự chuyển đổi trong nhận thức về con người, về bản thể là những điều kiện hình thành cảm thức hiện sinh trong văn học.

Hiện sinh là triết học về thân phận con người, các nhà hiện sinh đề cao nhân vị. Hiện sinh chỉ xuất hiện khi con người ý thức được bản thể, ý thức được mình là một chủ thể. Theo tinh thần đó, cảm thức hiện sinh trong tiểu thuyết những năm chín mươi đã có mặt ngay từ những biểu hiện “phản hiện sinh”. Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn từ sau 1986 đến cuối thế kỉ XX ngoài việc tái hiện một đời sống đang thay đổi với các mối quan hệ xã hội chằng chịt đã bắt đầu chạm tới vấn đề con người như một bản thể riêng biệt, như những hữu thể hiện tồn. Hiện sinh ngay trong những lựa chọn “phản hiện sinh” ở tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 chủ yếu gắn liền với những bi kịch cá nhân (bi kịch đánh mất mình của Giang Minh Sài trong Thời xa vắng, bi kịch lạc lõng vì đánh mất quá khứ của Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh...). Vì vậy, ngay cả khi cùng lúc có những biểu hiện “phản hiện sinh”, cảm thức hiện sinh trong nhiều tiểu thuyết sau 1986 vẫn tạo nên một mạch ngầm.

Cảm thức hiện sinh trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986, nhất là ở thập niên chín mươi của thế kỉ trước chủ yếu được biểu hiện ở những ưu tư, trăn trở về bản thể, về thân phận con người. Trong nhiều tác phẩm, ám ảnh hiện sinh còn được gợi lên ngay từ nhan đề: Một cõi nhân gian bé tí (Nguyễn Khải), Những đứa trẻ chết già (Nguyễn Bình Phương), Một ngày và một đời (Lê Văn Thảo)... Mối quan hệ giữa con người với đời sống trở nên ít tương thích, thiếu hòa hợp. Không gian, thời gian hiện hữu không còn chỉ là môi trường, hoàn cảnh vốn mang tính chất nguyên nhân - kết quả hay hỗ trợ - cản trở mà trở thành “bầu khí quyển” của hữu thể, can dự trực tiếp vào thế giới hiện sinh của con người. “Cõi nhân gian” trong tiểu thuyết Nguyễn Khải trở nên bé nhỏ trước vô số những mảnh đời chới với, quay cuồng trong những tháng ngày hiện hữu. Triết lí nghịch một ngày thì lê thê mà một đời là thoáng chốc trong tiểu thuyết của Lê Văn Thảo cũng là một sự thật, một quy luật đậm chất hiện sinh (Một ngày và một đời). Đặc biệt, với Những đứa trẻ chết già, Nguyễn Bình Phương đã dựng nên một thế giới hỗn độn, ngỡ như không quy luật, không logic, bí ẩn, ma mị… song lại mang đậm những trăn trở về thời-gian-đời-người. Vạn vật đều truy tìm bản thể, cắt nghĩa đời sống của chính mình trong hành trình tiến dần về sự... chết. Đặt cái hữu hạn của kiếp người bên cạnh cái vô hạn của thời gian, Những đứa trẻ chết già của Nguyễn Bình Phương tiêu biểu cho những ưu tư hiện sinh không bao giờ dứt của văn chương về thân phận con người.

Sau 1986, xã hội Việt Nam có những biến đổi rõ nét theo quy luật của một nền kinh tế thị trường. Nhiều giá trị truyền thống dần mai một kéo theo sự gia tăng của những cái phi lí trong một thời kì mới. Cái phi lí của đời sống nhanh chóng được “chấp nhận” như một sự thật tất yếu. Con người buộc phải chủ động lựa chọn cách sống và chịu trách nhiệm trước những hành động của bản thân. Thế nên, cho dẫu chưa thật sự “nổi loạn” như một biểu hiện thái quá của tinh thần hiện sinh, quan niệm về cái phi lí của Camus, ý thức về chủ thể của Sartre, vẫn phần nào khiến văn học Việt những năm cuối thế kỉ XX chạm đến những phương diện hiện sinh căn bản của con người. Dẫu hiện sinh chưa được thể hiện như một tư tưởng chủ đạo, dẫu lối viết theo kiểu văn học hiện sinh chủ nghĩa chưa là một sự lựa chọn có chủ ý thì những ưu tư, trăn trở mang tinh thần hiện sinh vẫn được hiển lộ khá rõ trong tiểu thuyết gần hai thập niên sau Đổi mới. Đây chính là dấu hiệu khẳng định quá trình đổi mới của tiểu thuyết sau 1986 theo hướng nhân đạo hơn, nhân văn hơn (xét về mặt nội dung), mới hơn, lạ hơn (xét về một vài phương diện hình thức nghệ thuật của mĩ học hiện đại chủ nghĩa) khi đào sâu vào các phương diện bản thể. Như vậy, nhìn từ cảm thức hiện sinh, có thể phần nào khẳng định tiểu thuyết Việt Nam những năm cuối thế kỉ XX đã có những chuyển động cần thiết để hội nhập vào dòng chảy của văn học thế giới.

Đầu thế kỉ XXI, tiểu thuyết Việt Nam vận động theo hướng ngày càng gần hơn với văn học thế giới, khi các nền văn học dân tộc dần hội tụ trong một “thế giới phẳng”. Sự vận động này cũng được thể hiện rõ ở nhóm tiểu thuyết mang cảm thức hiện sinh. Từ chỗ chỉ ít nhiều mang tinh thần hiện sinh, sau gần 30 năm phát triển, đã có một khuynh hướng hiện sinh trong bức tranh đa khuynh hướng chung của tiểu thuyết những năm đầu thế kỉ XXI.

Sự phân hóa thành các khuynh hướng tiểu thuyết, trong đó có tiểu thuyết hiện sinh những năm đầu thế kỉ XXI là điều tất yếu. Tất yếu bởi đã từng có một dòng văn học hiện sinh ở miền Nam những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỉ trước. Tất yếu cũng bởi các trăn trở hiện sinh chẳng bao giờ xa lạ đối với con người và tiểu thuyết những năm chín mươi đã ít nhiều chạm đến. Tuy vậy, tiểu thuyết theo khuynh hướng hiện sinh những năm đầu thế kỉ XXI ít nhiều đã đem lại cảm giác “mới”. Mới bởi hiện sinh của hôm nay không hẳn là do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Soren Kierkegaard, Friedrich Nietzsche, Jean Paul Sartre, Simon de Bauvoir, Albert Camus... như các tác phẩm ở miền Nam trước đây. Mới còn là bởi hiện sinh hôm nay một mặt vừa mang cảm quan hậu hiện đại một mặt vừa là biểu hiện của cảm quan hậu hiện đại.

“Chủ nghĩa hiện sinh là triết học của một thời đại không lặp lại” (Huỳnh Như Phương). Thời đại thay đổi, tinh thần hiện sinh cũng thay đổi theo. Sự trở lại với tinh thần hiện sinh trong tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI do vậy một mặt vừa thu nhận, một mặt vừa tiếp biến để phù hợp với tâm thế của con người hôm nay cùng nhiều nỗi ưu tư, trăn trở mới về bản thể. Thay vì tìm cách thoát khỏi nỗi cô đơn, con người hôm nay bằng lòng với sự cô đơn, xem cô đơn là điều mặc định của kiếp người. Thay vì bất mãn trước thế giới phi lí, con người hôm nay xem sự phi lí của thế giới là có lí và chấp nhận nó. Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ đã phát triển một bước mới trong việc “chăm chú vào cái tôi bí ẩn”. Trên hành trình không ngừng khám phá cái tôi, các nhà văn Việt Nam đã gặp gỡ, tiếp nhận từ triết - mĩ học hiện sinh nhiều vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, khẳng định nhân vị. “Thật phi lí chúng ta sinh ra, thật phi lí chúng ta chết đi” (J.P.Sartre). Cội nguồn của tinh thần hiện sinh nằm ở những trăn trở về sự hiện hữu của con người, của những thực thể bơ vơ, thiếu vắng điểm tựa trong thời đại “mất chúa”. Văn học hiện sinh không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi về bản thể: “Con người, anh là ai?”, “Tôi là ai?”. Đề cao nhân vị, về cơ bản, tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI truy tìm ý nghĩa của tồn tại trong mỗi một khoảnh khắc hiện hữu. Các nhà văn gặp gỡ nhau ở ý thức mô tả một kiểu nhân vật lạc lõng, cô đơn giữa một thế giới phi lí (Tiếng người của Phan Việt; Giữa dòng chảy lạc của Nguyễn Danh Lam, Dạt vòm của Phan Hồn Nhiên, Sông của Nguyễn Ngọc Tư...). Con người khước từ/đánh mất sự hiện hữu để dấn thân vào hành trình truy tìm bản thể. Con người lạc lõng, hoài nghi sự hiện hữu. Nhân vật của Đỗ Phấn xa lạ với bản diện: “Tôi kinh hãi trả lại chiếc gương về chỗ cũ. Phải mất vài tháng sau mới có thể quên đi được bộ mặt phì nộn biến dạng của mình. Từ đó ở bất cứ đâu khi nhìn thấy gương tôi đều cố ý tránh xa... Tôi không bao giờ để ý đến nó. Hay chính là không bao giờ để ý đến mình’’ (Gần như là sống). Nhân vật của Phan Hồn Nhiên “sống với khoảng không mênh mông, hoang mang hơn tất cả những gì tôi đã cố hình dung trước đấy. Tôi không khóc, cũng không buồn thảm kiệt quệ. Chỉ đơn giản là tôi vắng vẻ đến cùng cực” (Dạt vòm). Nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Ngọc Tư đặt câu hỏi về bản ngã: “Ta là ai, sao ta là ta mà không là họ, sao ta ở đây với những người này mà không cùng người khác...” (Sông). Nhân vật của Đoàn Minh Phượng lang thang trên những toa tàu vô định để trả lời câu hỏi “Tôi là ai? Tôi từ đâu đến?” (Và khi tro bụi). Câu trả lời về bản ngã thật đơn giản, mấy dòng chữ mờ khuất: “Tôi là một đứa trẻ mồ côi. Tôi đến từ một đất nước có chiến tranh”; “Tôi là khách lạ bất cứ đâu. Con người không có quê hương giống như một hạt cỏ gió đưa đến bám rễ trên vách đá, tôi biết thân phận của mình rất dễ vỡ”; “Tôi mồ côi, không có quá khứ, tình yêu, ước mơ, tôi không có một cái tên, chân dung hay linh hồn. Tôi là một gian nhà trống,… tôi không có gì để nhớ” (Và khi tro bụi). Trăn trở về bản thể nhưng lại chẳng dễ gì chạm đến bản thể hay thấu hiểu “cái ngã” của chính mình. Cùng cực cô đơn nhưng lại xa lạ, thù địch với kiếp tha nhân. Căn nguyên của những lo âu hiện sinh nằm ở đó. Giống như Sartre và Heidegger quan niệm, càng tự do, con người càng dễ âu lo. Ước mơ tưởng đơn giản “Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết” (Và khi tro bụi) muôn thuở vẫn khó có câu trả lời thỏa đáng.

Tiếp nhận mĩ học hiện sinh, tiểu thuyết Việt Nam mười năm đầu thế kỉ XXI tiếp tục thể hiện các quan niệm về tính chủ thể, về tự do, sự phi lí, về dấn thân, nổi loạn. Nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Vũ Đình Giang, Đỗ Phấn... luôn trên hành trình đi. Đi và mất tích/không trở về (Sông, Giữa dòng chảy lạc, Sự trở lại của vết xước...), đi và đích đến là... cái chết (Mưa ở kiếp sau, Bờ xám...); hoặc ra đi và trở về nhưng trở về cùng những trống rỗng, hoang hoải của các trải nghiệm, các ảo tưởng (Vắng mặt, Gần như là sống, Con mắt rỗng...). Mỗi nhân vật có một lựa chọn hiện sinh cho riêng mình, song tất thảy họ đều xuất phát từ một nguyên cớ chung: đi như một khát vọng tự do, đi như là một cách tìm kiếm chính mình; đi như một hình thức vượt thoát cái đời sống phi lí, buồn nôn, tầm thường (quan niệm của Camus, Sartre, Heidegger). Bước qua mỗi ngày sống, người ta tiến gần đến với cái chết của mình hơn (M. Heidegger), các nhân vật từ hành vi lựa chọn là đi, qua đó xác định nhân vị của mình. Và những dấn thân hiện sinh ấy thường là những cái chết phi lí hoặc những biến mất một cách phi lí (T mất tích, Thang máy Sài Gòn – Thuận, Sông – Nguyễn Ngọc Tư, Bờ xám – Vũ Đình Giang...). Theo Jean Paul Sartre, “tự do, chính là khắc khoải lựa chọn” (Tồn tại và hư vô). Và bi kịch hiện sinh là con người khắc khoải lựa chọn song lại bị mắc kẹt trong chính những lựa chọn tưởng có thể đem lại tự do. Nhân vật của Đỗ Phấn mắc kẹt giữa tình bạn – tình yêu, giữa những đam mê và những lệ thuộc thân xác. Nhân vật của Nguyễn Danh Lam mắc kẹt giữa đi và ở, giữa con người bản ngã và cái tôi bị mờ hóa, trong ám ảnh bị săn đuổi, bị bủa vây. Nhân vật của tiểu thuyết hiện sinh luôn bùng nhùng trong những mê cung, đối mặt hay trốn chạy đều phi lí. Dẫu cho cuối cùng “đi” luôn được lựa chọn; “đi” trở thành một biểu hiện của sự nổi loạn hay sự dấn thân thì con người vẫn không dễ gì chạy trốn được nỗi cô đơn, lo âu thân phận. Câu hỏi về điểm đến của phận người luôn vang lên trong tiểu thuyết đương đại: “Đi hay về? Đi đâu cho thoát kiếp người? Đi đâu cho thoát chính mình?” (Dấu về gió xóa - Hồ Anh Thái). Cội nguồn của những nỗi cô đơn bản thể nằm ở tính chất phi lí này.

Thứ hai, thân xác và tính dục. Khẳng định nhân vị, chủ nghĩa hiện sinh đồng thời đề cao thân xác. Con người chỉ hiện hữu nhờ thân xác và trong thân xác. Tôi hiện tồn bằng chính thân xác của mình. Thay vì chỉ trăn trở Tôi là ai như trước đây, con người trong tiểu thuyết hôm nay còn trăn trở thêm: Tôi đứng ở đâu giữa sự phân chia muôn đời đực/cái. Tìm kiếm bản thể trong thế giới của thân xác không xa lạ gì với con người trong đời sống, cũng không mới mẻ gì trong văn chương tự cổ chí kim. Tuy vậy, trong văn chương, cùng với sự va đập, xâm lấn của các diễn ngôn đạo đức, văn hóa, tôn giáo, chính trị…, diễn ngôn tính dục/tiếng nói của thân xác không phải lúc nào cũng có thể được vang lên tự tin, mạnh mẽ. Ngay cả khi chủ nghĩa hiện sinh rất đề cao thân xác và tính thân xác của ý thức, tìm đến tình dục hay “nổi loạn” bằng tình dục vẫn được xem là một phản ứng có phần tiêu cực của con người. Thái độ của độc giả trước kiểu hiện sinh tính dục ở nhiều tiểu thuyết không phải lúc nào cũng thuận chiều, cởi mở. Dẫu vậy, trong những năm gần đây, hiện sinh tính dục không còn gây phản ứng chối bỏ ở số đông độc giả như những năm sáu mươi, bảy mươi ở miền Nam. Với cảm quan hậu hiện đại, tính dục/đời sống thân xác từ chỗ thường bị xem là yếu tố “ngoại biên” đã dần được xem là “trung tâm” của sự thể hiện con người trong văn học, lấn át các hình thức biểu hiện tình cảm còn lại. Sự phì đại của dòng văn chương thân xác vốn lấy tính dục làm trung tâm cảm xúc, qua tính dục để lí giải, cắt nghĩa những vấn đề cuộc sống và con người là bằng chứng của một quan niệm về hiện sinh tính dục ở tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI. Quan niệm của văn học hiện đại/hậu hiện đại với những góc nhìn mới về thân xác, về mĩ học tính dục trở nên rất gần với quan niệm của chủ nghĩa hiện sinh. Hiện sinh tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI “lạ mà quen” là vì thế.

Tính dục không chỉ là phương diện để tận hưởng hay trốn tránh thực tại mà còn là phương diện để nhận diện chính mình. Việc miêu tả con người tính dục trong tiểu thuyết những năm đầu thế kỉ XXI trở thành cái cớ để nhìn thấu những bản thể người. Trong nhiều tác phẩm, ngôn ngữ thân xác được miêu tả triệt để. Ý thức về giới, bản năng giới trỗi dậy khi qua thân xác nhà văn lí giải nhân vị (tiểu thuyết Y Ban, Dạ Ngân, Lý Lan, Võ Thị Xuân Hà...). Hiện sinh tính dục, đặc biệt là tính dục lệch pha, trở thành một điểm nổi bật ở nhiều tác phẩm (tiểu thuyết Bùi Anh Tấn, Vũ Đình Giang, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Quỳnh Trang...). Nhiều nhân vật mang vác trên số phận mình nỗi đau giới, bản năng lệch (Một thế giới không có đàn bà, Les - vòng tay không đàn ông, Không và Sắc, Phương pháp của A.C Kinsey - Bùi Anh Tấn, Lạc giới - Thủy Anna, 1981 - Nguyễn Quỳnh Trang...). Điều đáng lưu ý là khai thác tính dục lệch pha, các nhà văn không nhìn nó từ góc nhìn xã hội học về giới mà đi sâu vào những trạng thái tâm hồn con người, niềm đam mê bản năng, nỗi cô đơn, mặc cảm thân xác, sự tìm kiếm bản ngã qua hoạt động tính giao nghịch dị. Dĩ nhiên, cùng với việc chú trọng đến phương diện hiện sinh tính dục, tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI cũng phải đối mặt với các xu thế tiếp nhận khác nhau. Sẽ có những tác phẩm bị đào thải, nhưng cũng sẽ có những tác phẩm trở thành dấu mốc của quá trình chuyển đổi từ ngoại vi đến trung tâm. Đây cũng là bằng chứng cho thấy cảm thức hiện sinh trong tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI thống nhất, gặp gỡ với cảm quan hiện đại, hậu hiện đại.

Trong xu thế chung của thời đại toàn cầu hóa, tiểu thuyết Việt Nam gần ba mươi năm sau Đổi mới không còn chỉ mang những đặc điểm dân tộc tính. Các xu hướng mới trong văn học nghệ thuật thế giới nhanh chóng được du nhập và tiếp biến, làm phong phú hơn hệ đề tài và hệ thống thi pháp của tiểu thuyết Việt Nam. Tính chất phi lí, huyền ảo, nghịch dị, phân mảnh, phá vỡ đại tự sự... của mĩ học hiện đại và hậu hiện đại xuất hiện ngày càng đậm đặc ngay trong các tiểu thuyết kiểu hiện thực truyền thống. Chạm đến phương diện căn bản nhất của đời sống: đời sống hiện sinh của con người, tiểu thuyết theo khuynh hướng hiện sinh dường như cùng lúc có thể giao thoa với nhiều dòng tiểu thuyết khác. Khuynh hướng hiện sinh trong tiểu thuyết vì vậy vừa có thể là một dòng riêng, và trong một chừng mực nhất định, lại có thể vừa bao hàm/đại diện nhiều dòng tiểu thuyết khác. Khảo sát sự vận động của khuynh hướng hiện sinh trong tiểu thuyết gần ba mươi năm sau Đổi mới tuy chưa phải là một sự khảo sát bao quát và toàn diện nhất, song vì những lí do trên, vẫn có thể phần nào nhận diện được sự vận động chung của tiểu thuyết Việt Nam. Đó là một quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập vào thành tựu lớn của văn học thế giới

T.P.V.A

Công cụ Tìm Kiếm..

TIN MỚI ĐĂNG

Hình ảnh
Sau đấy Nguyễn Thì Ung, Nguyễn Cư Nhân được giao soạn văn bia; Nguyễn Ngạn...
Hình ảnh
Xin các quý Anh Chị tán đồng và hỗ trợ chúng tôi. Xin hãy quyên góp và vận...
Hình ảnh
Cuộc thi sáng tác Thơ Lục Bát “Tổ quốc và Đạo pháp” do Website lucbat.vn tổ...
Hình ảnh
Sáng ngày 10.9.2016, tại khu trang trại sinh thái Hoa Anh Đào số 208, đường 208, TT...
Hình ảnh
Sáng 10/9/2016 tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Tiệp đã diễn ra chương...
Hình ảnh
Nhân Tết Trung thu; Mời các bạn cùng các em thiếu nhi xem phim "Bài hát Chiếc...
Hình ảnh
THƯ GIÃN CUỐI TUẦN Chỉ cần cải cách môn toán sao cho suốt quãng đời đi học...
Hình ảnh
Bà nói, đến là chán ngán cái đất nước Sing, gì mà đảo quốc gì mà cường ...
Hình ảnh
- Tóm lấy cổ nó, thằng đạo đức giả! -  Gloucester  kêu lên - Đó không ...

THỜI TIẾT

THỐNG KÊ TRUY CẬP

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay5192
mod_vvisit_counterHôm qua19507
mod_vvisit_counterTất cả5747318
Hiện có 462 khách Trực tuyến