Viết trong Hà Nội Thời 1947-1954
Có một không gian văn chương rất ít được nói tới trong các công trình văn học sử, đó là các tác phẩm các tác giả xuất hiện trong lòng Hà Nội thời Pháp tạm chiếm từ đêm bộ đội ta rút qua gầm cầu Long Biên lên chiến khu đến 10-10-1954, ngày tiếp quản thủ đô. Bảy năm viết trong lòng địch mà ba năm đầu còn rất vắng vẻ, văn chương Hà Nội tạm chiếm thật sự xuất hiện và phát triển chỉ có bốn năm. Tác giả là lớp người trẻ tuổi, là học sinh, sinh viên lớn lên trong Hà Nội, những người Hà Nội tại chỗ này chiếm đa số, và thêm một số không nhiều nhà văn từ kháng chiến trở về. Hoàn cảnh sống có khác nhau, sự từng trải cũng khác nhau nhưng viết là hoài bão sống của họ. Không có một đoàn thể văn chương nghệ thuật nào đứng ra tập hợp lực lượng, chỉ có tình bạn, học đường và ý thức công dân thủ đô cùng lòng yêu nước thương nòi liên kết tình cảm và ý chí họ lại tạo nên sức sống của nền văn chương thủ đô trong lòng địch. Trong buổi hội thảo đầu tiên về không gian văn học này, chúng tôi xin được thể hiện một thế nhìn chung, bao quát theo từng thể loại thơ, văn, kịch, nghiên cứu phê bình. Hy vọng sau đây sẽ có dịp đi vào từng tác giả tiêu biểu, từng tác phẩm cụ thể của chặng sáng tác này.
Từ 1954, đến nay 2016 - đã 62 năm, những nhà văn của thời ấy hầu hết đã đã quá cố. Một may mắn lớn cho những ai muốn lưu tâm đến văn chương Hà Nội 47-54 là hiện diện của tập tuyển Viết trong Hà Nội, do các nhà văn Giang Quân, Vân Long, Lê Văn Ba sưu tầm tuyển chọn, Hội Văn Nghệ Hà Nội hỗ trợ xuất bản năm 2014. Ban tuyển đã trích, chọn được văn phẩm của 54 tác giả, có tác giả tới bốn năm bài, thơ truyện, phóng sự, kịch thơ trong hơn sáu trăm trang sách… Có tác giả thuộc lứa tiền chiến như Lê Văn Trương, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Bằng, Vũ Khắc Khoan, Ngọc Giao, Phạm Cao Củng, Ngân Giang, Mộng Sơn… Còn lại và nhiều nhất là những tác giả trẻ mới bắt đầu văn chương ngay trong thời kỳ ấy như Sao Mai, Hoàng Công Khanh, Hồ My, Nguyễn Minh Lang, Thy Ngọc, Băng Sơn, Lê Tám, Trần Chính Vũ, Vân Long, Lê Văn Ba… Theo thống kê cuối sách, ban tuyển chọn đã lập được bảng danh sách 76 nhà văn,nhạc sỹ, họa sỹ, nhiếp ảnh gia… có tác phẩm trong lòng Hà Nội thời ấy. Tuy bản danh sách còn sót một số tên tuổi như Hồ Dzếnh, Nguyễn Xuân Huy, Nguyễn Tường Phượng… nhưng cũng cho thấy, nhất là trong các năm 1952, 1953 và nửa đầu 1954, một đội ngũ và phần đóng góp của họ, ngay trong lòng Hà Nội tạm chiếm, vào văn mạch dân tộc.
Một đặc trưng của văn chương Hà Nội 47-54 là tình cảm của người dân yêu nước hướng về kháng chiến nhưng phải sống trong lòng địch, có người là cơ sở của kháng chiến hoặc trong các tổ chức hoạt động địch hậu, có người từng bị địch bắt bớ tù đầy. Viết trong lòng địch, giữa rất nhiều kìm kẹp theo dõi của đối phương, mà biểu hiện được lòng yêu nước, hướng về kháng chiến, tin vào thắng lợi của cách mạng rất cần một chiến lược tấn công biến hóa, một chịu đựng náu mình, một bút pháp uyển chuyển và nhiều thủ pháp văn chương.
Thơ
Các nhà thơ đã thành danh từ thời Thơ Mới như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng không có đóng góp gì xuất sắc. Các ông quay về thế giới lãng mạn cũ của mình mà thời cuộc khi ấy không còn để tâm đến nữa. Bà Ngân Giang có những vần khi bi tráng khi tài hoa trong cảm xúc quen thuộc, đề tài quen thuộc lưu luyến một thuở thanh bình xa xưa hoặc sự tích lịch sử kiêu hùng mang vẻ đẹp tượng trưng, sông hồ lữ quán.
Giọng cảm xúc chủ đạo của thơ Hà Nội tạm chiếm là tình cảnh đất nước quê hương chìm trong khói lửa tan tác thê lương, là chí làm trai trong thời tao loạn, khát vọng nhiều mà như hổ sa cơ, là tiếng than, nỗi nhớ con đường lý tưởng cao đẹp, gian lao mà mình lại không dấn bước. Tác giả của cảm xúc ấy là các cây bút thanh niên: Hoàng Phụng Tỵ, Hoài Việt, Hồ Mi, Huy Linh, Hương Huyền, Kiều Liên Sơn, Lương Danh Hiền, Băng Sơn, Nguyễn Hà, Vân Long, Hạnh Hoàng Thu, Giang Quân, Dương Tuyết Lan, Minh Tâm, Thùy Linh, Thanh Hào... Tác giả muốn bộc lộ chí mình nhưng phải kìm nén lại, vùi cảm xúc vào biểu tượng, thường là biểu tượng lịch sử của những Bạch Đằng, Lam Sơn, Đống Đa... Cảm xúc mạnh, lời lẽ hăng hái, nồng say, tuy hơi sáo và tất nhiên ước lệ. Xin trích một số đoạn dể các bạn dễ hình dung
Chiều nay gió lặng giữa hơi thu
Có một người trai vẫn tương tư
Ra đi rửa sạch cừu sâu hận
Vẽ bóng rừng lau một dáng cờ
Băng Sơn
Lòng tôi ươm một mùa thu sông núi
Heo may về trong nắng mới hồng tươi
(…)thu đã đến giữa một trời gươm súng
Trăng chiến địa những đêm chờ gió lộng
Đoàn quân đi giành lại một mùa thu
LƯƠNG DANH HIỀN – LÊ TÁM
Trong nhiều bài thơ luôn ẩn giấu một niềm chờ đợi tha thiết: Ông bố bà mẹ cao niên chờ con chiến thắng trở về, cô gái nhớ một khách chinh phu và tấm lòng công dân nhớ những ngày huy hoàng độc lập tự do. Khuynh hướng chính trị của thơ khá rõ nhưng phải viết sao kẻ địch không dễ gì kiếm cớ. Cái đích chính trị phải ẩn đi. Ẩn đi thì bảo vệ được tác giả nhưng không lợi cho tác phẩm: Dễ thiếu chiều sâu chân thực của cảm xúc và sức lay động của tư tưởng.
Ở đây cũng cần nhắc tới một số tên tuổi cũng mới xuất hiện như các tác giả vừa nhắc trên nhưng họ đã nhập vào những người di cư vào Nam, sau này có người trở thành chủ lực của văn chương Sài Gòn, nhưng bạn đọc Hà Nội lại ít biết nơi xuất phát của họ như Mai Thảo, Thanh Tam Tuyền, Nguyên Sa… và trong tập tuyểnViết trong Hà Nội của năm 2014 cũng chưa thấy họ. Chúng tôi hiểu ban tuyển có gặp khó khăn về tài liệu và tác phẩm về họ. Nhưng vẫn đáng tiếc và cần tìm cách bổ sung sớm. Tôi nói tìm cách vì việc này tưởng dễ trong thời thông tin liên lạc thuận tiện này mà lại vẫn khó. Dấu vết con sông Tuyến còn hằn in trong lòng người, cả bên này lẫn bên kia. Buồn thế.
Từ năm 1952, thơ trong lòng Hà Nội phát triển sang khuynh hướng hiện thực phê phán khá rõ, trong cả trữ tình lẫn trào phúng Trữ tình, bài thơ như câu chuyện kể những lam lũ, bất công, những thảm cảnh của kiếp người. Cảnh sống vô gia cư, lấy gậm cầu làm nơi trú ngụ. Hồ Mi cẩn thận và rõ ràng với đề từ Viết tặng người lầm than… khuynh hướng này nâng cao phẩm chất nhân đạo của thơ. Biết thương người, biết chia sẻ gian lao với bà con nghèo khó là một cống hiến của thơ trong tạo dựng tình cảm người thành phố, nhất là một thành phố do ngoại bang thống trị. Phía trào phúng, những nhà thơ Muỗi Sài gòn Vũ Đức Toa, Tú Sụn Phùng Quốc Thụy, Tú Nguyễn Nguyễn Đình Lan, rồi Vũ Văn Huề rồi Tú Lỡm góp phần vạch trần cái thối nát ngu dân của chính quyền tay sai, và lối sống nhố nhăng của bọn giàu sang, vong quốc. Chỉ cần đọc tên bài cũng đã thấy thái độ tác giả và sự hả hê của người dân: Thuế không khí, Khóc ông Quận bị thải hồi, Hỏi thăm ông thị trưởng mới tậu nhà, Tiễn ông Thủ hiến về vườn.
VĂN XUÔI
Truyện ngắn phóng sự là các thể loại được vận dụng nhiều, tiểu thuyết phải đợi đến năm 1952. Đọc lại để hình dung Hà Nội thời ấy. Khá rõ là cảnh sống, cách kiếm ăn và nỗi nhọc nhằn của lớp người dưới đáy. Tình cảnh cháu gái bán kem nuôi bà trong truyện Lê Văn Ba, nỗi khổ nhục người đàn bà bị giặc giết chồng và làm nhục trong truyện của Mộng Sơn. Phóng sự vỉa hè Tràng Tiền sắc sảo và thương người của Huy Linh, cho thấy một Hà Nội lầm than ở ngay một con phố phù hoa nhất của Hà Nội. Tâm trạng người Hà Nội tản cư (Trần Chính Vũ). Cảnh éo le thươngtâm một phụ nữ bán thân nuôi em (Mai Anh)… Không thể kể hết các đề tài hay chủ đề của thể loại gọn nhẹ này, có thể nói thể loại truyện ngắn đã tung tóe tới mọi ngõ ngách Hà Nội để trò truyện, để tâm sự với mọi loại bạn đọc về thờì cuộc, về nhân tình thế thái, chuyện nhà chuyện nước, chuyện kiếm sống. Đề tài tỏa rộng nhưng khuynh hướng tư tưởng, khuynh hướng tình cảm lại khá chụm. Đó là lòng yêu nước, là chủ nghĩa nhân đạo, thương xót bà con nghèo, bị áp bức, bị đày đọa. Đó là bài ca ca ngợi lòng bao dung, nhân hậu của tình nghĩa Việt Nam biểu hiện qua cách ứng xử của những con người thường ngày phải lặn ngụp dưới đáy xã hội. Đó cũng là bản cáo trạng tố cáo tội ác cùng mọi mưu mô của kẻ thống trị, kẻ bóc lột. Nương tựa vào sức mạnh của chủ nghĩa hiện thực, đời thế thì văn phải viết thế, các nhà văn đã tìm ra cách tấn công địch ngay trong lòng địch có hiệu quả. Hiệu quả trước mắt là an ủi và khích lệ nhân dân chiến đấu, tự bảo vệ mình và hiệu quả lâu dài là đến hôm nay, hơn sáu mươi năm đã trôi qua, các trang truyện vẫn có sức làm giàu cho nhận thức, cho tình cảm chúng ta khi hình dung lại sắc thái cuộc chiến, và cách sống của người dân trong lòng Hà Nội bị địch chiếm. Tiểu thuyết xuất hiện sau truyện ngắn cũng đã có thành tựu đáng ghi nhận. Nhà văn thành danh từ trước cách mạng Ngọc Giao có tới bốn cuốn là Quán Gió, Cầu sương, Đất , Xã Bèo, vẫn câu văn nhịp nhàng cân đối như thuở nào. Lớp trẻ hơn: cuốn Nhìn xuống của Sao Mai có chiều sâu và ý nghĩa xã hội. Nguyễn Minh Lang từ năm 21 tuổi (1951) đến năm 23 tuổi đã xuất bản liên tiếp năm tập tiểu thuyết, ngoài ra còn hai tập truyện ngắn. Anh là cây bút tiểu thuyết nhiều hứa hẹn. Hoàng Công Khanh trong thời gian ấy trình làng tập Mẹ tôi sớm biệt một chiều thu và Trại Tân bồi có sức thu hút độc giả. Cả ba đều trở thành hội viên Hội Nhà văn VN ngay khi Hội thành lập năm 1957. Rất tiếc, duy trì sức viết liên tuc, đều và khỏe từ ngày ấy cho đến khi tạ thế chỉ có Sao Mai (1924-2008) và Hoàng Công Khanh (1922-2010) còn Nguyễn Minh Lang bỏ viết sang nghề dạy học. Thy Thy Tống Ngọc, sau này là Thy Ngọc, viết tiểu thuyết Cu Tý, miêu tả thế giới tuổi thơ không phân biệt giàu nghèo thương yêu nhau thật sự. Văn Thy Ngọc ấm áp. Ông có cái nhìn trong sáng cảm động, ca ngợi vẻ đẹp nhân hậu của tình gia đình, tình thày trò, tình bạn bè thời thơ ấu. Sau này ông dành cả đời văn cho đề tài tuổi nhỏ. Tiểu thuyết giải trí rất có đất phát triển, bạn đọc đô thị ham các tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng với nhân vật thám tử Kỳ Khôi, Kỳ Phát có cách phá án tài ba bằng suy luận thông minh, gợi nhớ thám tử Sherlock Homlmes của nhà văn Anh Conan Doyle. Tiểu thuyết kiếm hiệp rất ít giá trị văn chương nhưng được giới học sinh mê đọc như các cuốn Giao Trì hiệp nữ, Bồng lai hiệp khách của Lý Ngọc Hưng được in bán hàng ngày theo từng số chừng một tay sách.
KỊCH THƠ
Không phải kịch nói mà kịch thơ khá phát triển trong Hà Nội tạm chiếm với các tác giả kịch bản Giang Quân, Thao Thao, Hoàng Công Khanh. Kịch thơ, cố nhiên vừa là thơ vừa là kịch, tính ước lệ được nâng lên một bậc, tính lý tưởng do vậy dễ bộc lộ phát huy. Kịch thơ trong Hà Nội tạm chiếm thường khai thác đề tài lich sử. Mâu thuẫn kịch xuất phát từ cuộc đấu tranh chống xâm lược. Đề tài tạo một thế thuận cho các tác giả mượn tích xưa kêu gọi, cổ võ lòng yêu nước, ca ngợi những nhân vật hy sinh cho độc lập dân tộc. Đề tài ấy rất hợp với thơ. Phong vị bi tráng, lãng mạn, cảm khái là đặc trưng thẩm mỹ của các vở kịch này. Bến nước Ngũ Bồ của Hoàng Công Khanh, Con tôi về giữa mùa xuân của Giang Quân, Quán biên thùy của Thao Thao… là những kịch mục công diễn trên sân khấu Nhà hát lớn trong các phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên. Kịch thơ đã thành vũ khí tư tưởng, thành diễn đàn biểu lộ công khai tình cảm kháng chiến chống ngoại xâm của thanh niên Hà Nội được nhân dân thủ đô nồng nhiệt hưởng ứng.
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU
Thể loại này còn lép trong giai đoạn văn chương này. Có lí do của hoàn cành xã hội chính trị. Viết đã như một sự lừa địch để kêu goi bà con chống giặc nhưng phê bình hay nghiên cứu thì lại phải làm lộ ra. Cho nên mới chỉ có các bài báo giới thiệu khéo léo để bà con tìm đọc mà tự hiểu. Nhiều nhà nghiên cứu phải tìm vào cổ văn như Truyện Kiều, như Cung oán ngâm khúc… nhưng cũng mới dừng ở mức chú thích, khảo dị hoặc giới thiệu đại cương. Đó là công trình của các nhà giáo Nguyễn Tường Phượng, Hoài Việt, Nguyễn Uyển Diễm…
Nhân đây tôi cũng xin được ghi nhận phần đóng góp lặng thầm nhưng rất ý nghĩa của chủ nhân các nhà xuất bản Kuy Sơn, Vỡ đất, Văn Hồng Thịnh… cả những nhà xuất bản ngắn hạn như Trúc Khê thư xã lập ra chỉ để in mấy tác phẩm của Trúc Khê và của vài ba tác giả đang ở chiến khu kháng chiến. Những nhà xuất bản đó đã chấp nhận khó khăn kinh tê và sự phiền nhiễu o ép của chính quyền đối phương để hỗ trợ, cộng tác với các nhà văn, nhà nghiên cứu tạo nên gương mặt văn chương này.
Tôi cũng mong Bảo tàng văn học VN sẽ có không gian lưu giữ giới thiệu phần tinh hoa của giai đoạn văn chương ngặt nghèo và quả cảm này của Hà Nội.
Nguồn Văn nghệ số 42/2016