Hoàng Văn Thảo(*)
Nguồn: Tạp chí Triết học, số 4 (167), tháng 4 - 2005
Lê Quý Đôn (1726 - 1783) là nhà tư tưởng lớn của nước ta ở thế kỷ XVIII. Trong sự nghiệp nghiên cứu và sáng tạo của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm quý giá, trong đó có Vân đài loại ngữ. Vấn đề bản thể luận trong tác phẩm này được ông trình bày qua phạm trù Lý - Khí, những phạm trù chủ yếu của Tống Nho. Song, do ảnh hưởng của tín ngưỡng bản địa, lại được thôi thúc bởi khuynh hướng “tam giáo đồng nguyên” đương thời, nên tư tưởng của ông cũng có nhiều điểm khác biệt so với Tống Nho.
Lê Quý Đôn (1726 – 1783)
Vân đài loại ngữ là tác phẩm phản ánh rõ nét nhất những suy tư triết học của Lê Quý Đôn. Ở đó, ông đề cập đến nhiều vấn đề của triết học tự nhiên, đặc biệt là vấn đề bản thể luận của vạn vật nói riêng và vũ trụ nói chung.
Lê Quý Đôn không phải là người đầu tiên đề cập đến các phạm trù Lý, Khí. Thực ra, đây là phạm trù cơ bản của triết học Tống Nho. Trong học thuyết này, phạm trù Lý, Khí giữ một vị trí quan trọng, tạo nên nội dung bản thể luận vũ trụ. Điều này là do ảnh hưởng về mặt học thuật của Phật giáo và Đạo giáo, nói cách khác, Nho giáo đời Tống đã bị Phật giáo hoá và Đạo giáo hoá, trở thành học thuyết có hệ thống quan niệm khá đầy đủ về thế giới tự nhiên, con người và vạn vật. Vì vậy, khi đề cập đến vấn đề bản thể của vũ trụ, toàn bộ triết học Tống Nho, về cơ bản, đều xoay quanh việc giải quyết mối quan hệ giữa Lý và Khí.
Vốn là một nhà Nho, lại có thời gian tiếp xúc trực tiếp với các tài liệu của Tống Nho trong thời gian đi sứ ở Trung Quốc, nên khi đề cập đến những vấn đề bản thể của vũ trụ nói riêng và thế giới nói chung, Lê Quý Đôn đã dành sự chú trọng đặc biệt đến mối quan hệ giữa Lý và Khí. Tán thành với quan điểm truyền thống Trung Hoa rằng, thế giới bắt đầu từ một trạng thái hỗn độn mà điểm khởi đầu là Thái cực; do vậy, bản chất của Thái cực là gì, nó sản sinh ra thế giới như thế nào là vấn đề luôn được Lê Quý Đôn xem xét trong Vân đài loại ngữ. Khi khẳng định Thái cực là một khí hỗn nguyên, là nguồn gốc của vạn vật, Lê Quý Đôn cho rằng, Thái cực chỉ có duy nhất một, nó luôn luôn ở trạng thái vận động “đóng”, “mở”; lúc “đầy”, lúc “vơi”; luôn “biến”, luôn “thông”, từ đó mà sinh ra vạn vật. Ông viết: “Thái cực, là một, là một khí hỗn nguyên. Từ số một sinh ra hai, hai sinh ra bốn, thành ra vạn vật; thế là thái cực vốn có một”(1).
Các nhà Nho thời Tống đã dùng Thái cực để lý giải nguồn gốc của vũ trụ. Chẳng hạn, Châu Đôn Di quan niệm Thái cực sinh ra hai khí âm và dương, từ hai khí đó sinh ra ngũ hành rồi thành vạn vật. Sau Châu Đôn Di là Trương Tải, Trình Hạo, Chu Hy cũng đều dùng Thái cực để lý giải nguồn gốc của thế giới, của vạn vật. Thực ra, họ đã sử dụng quan niệm biến dịch của Thái cực được trình bày trong tác phẩm triết học cổ nhất của Trung Quốc là Chu dịch. Trong cuốn sách đó, ở Hệ từ thượng truyện có viết: “Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật”. Theo đó, sự vật muốn tồn tại và phát triển buộc phải biến đổi. Lê Quý Đôn cũng giải thích sự hình thành vũ trụ và vạn vật theo nguyên lý của Dịch, song quan điểm của ông có nét riêng.
Việc khẳng định Thái cực chỉ có duy nhất một, đồng thời tồn tại hiện thực chứ không phải hư vô đã thể hiện quan điểm nhất quán của Lê Quý Đôn về nguồn gốc của vũ trụ. Trong khi đó, Châu Đôn Di, khi chứng minh sự tồn tại hiện thực của Thái cực đã phải dùng thêm khái niệm Vô cực để khẳng định Thái cực là có thật. Lê Quý Đôn không sử dụng thêm khái niệm nào khác mà đưa ra dẫn chứng về cách bói cỏ thi của người Trung Hoa để chứng minh Thái cực là duy nhất và tồn tại hiện thực, vạn vật sinh ra từ đó chứ không phải sinh ra từ hư vô. Ông viết: “Sách Đại diễn dùng 50 cỏ thi để bói, mà chỗ số 1 thì bỏ trống không dùng, để tượng trưng thái cực. Thế không phải là “hữu” thì còn gì?(2). Theo ông, bản chất Thái cực là khí hỗn nguyên nên bản chất của thế giới, vũ trụ này cũng là khí được sinh ra từ khí hỗn nguyên. Vì vậy, trong thế giới không chỗ nào là không có khí, khí đó tồn tại hiện thực qua các sự vật mà nó sinh ra và ta có thể nhìn thấy, cảm nhận được bằng mắt thường, bằng các cơ quan cảm giác của mình. Ngoài ra, ông còn sử dụng nhiều sách khác nhau để chứng minh cho quan điểm “duy nhất Thái cực” của mình. Chẳng hạn, sách Liệt tử được ông viện dẫn có chỗ viết: “Trời chỉ là khí tích lại, không có định chỗ, không có hình tượng. Còn mặt trời, mặt trăng và các vì sao cũng chỉ là cái khí tích lại mà có ánh sáng đó thôi”(3).
Như vậy, Lê Quý Đôn đã đứng trên lập trường duy vật để giải thích nguồn gốc thế giới. Ông đã chỉ ra cách thức vận động của khí trong quá trình hình thành thế giới, vạn vật, trong đó có con người. Tuy nhiên, sự vật trong thế giới lại rất phong phú, đa dạng, mà Thái cực lại chỉ có duy nhất một thì làm thế nào có thể nảy sinh ra vạn vật được? Cái gì làm cho Thái cực biến thành những sự vật hiện tượng cụ thể vô cùng phong phú, đa dạng nhưng lại mang trong mình bản chất của Thái cực? Các triết gia đã có nhiều cách khác nhau trả lời cho những vấn đề đó. Có người cho là Lý, có người cho là Khí. Vậy, Lý, Khí là gì? Chúng quan hệ với nhau ra sao? Đây cũng là vấn đề được các nhà Lý học đời Tống quan tâm rất nhiều.
Trước hết, điều các nhà Nho đời Tống quan tâm hơn cả là mối quan hệ giữa Lý và Khí. Đó là việc xác định cái nào quyết định cái nào, có phải Khí là gốc của Lý hay ngược lại. Người đầu tiên xem xét mối quan hệ này là Châu Đôn Di, nhưng chính ông cũng không sử dụng khái niệm Lý và Khí mà chỉ sử dụng khái niệm Thái cực. Ông khẳng định trong Thái cực có tiềm tàng hai khí âm dương, quá trình vận động của Thái cực sinh ra hai khí âm dương, hai khí này tác động lẫn nhau sinh ra ngũ hành rồi sinh ra vạn vật. Đến Trương Tải, ông cho rằng, bản chất của Thái cực là Khí. Mọi sự vật, hiện tượng đều từ Khí mà ra. Toàn thể vũ trụ chỉ là lịch trình biến hoá của Khí mà thôi. Khí biến dịch vô cùng và bất trắc song thật ra vẫn theo một quy luật nhất định, đó là Lý.
Đến anh em Trình Hạo, Trình Di thì Lý và Khí được giải quyết ở mức độ khác. Lý là thuộc hình nhi thượng, Khí là thuộc hình nhi hạ. Khi âm dương chưa phân định, còn hỗn độn nhất thể thì đó là Lý; còn khi đã phân định, có tính chất khác nhau thì không còn là Lý nữa mà là Khí. Lý – Khí gắn liền, hỗ trợ cho nhau: “Rời khỏi âm và dương thì không còn gì là Đạo nữa; cái làm cho có âm, có dương là đạo, mà bản thân cái âm, cái dương là khí. Khí là cái gì hình nhi hạ, Đạo là cái gì hình nhi thượng”, “Đạo thì có hai, hoặc là nhân hoặc là bất nhân, thế thôi. Cái lý tự nhiên là như vậy. Đạo không bao giờ là vô đối: có âm thì có dương, có thiện thì có ác, có thị thì có phi, không phải là một, cũng không phải là hai”(4). Như vậy, Trình Hạo và Trình Di cho rằng, bất cứ sự vật, hiện tượng gì cũng bao gồm hai mặt đối lập, một âm một dương, một thiện một ác, v.v., đó chính là do cái Lý của tự nhiên chi phối. Cái Lý của trời đất vốn mang tính quy luật, nói đúng hơn là đồng nghĩa với quy luật; nó là cái vĩnh viễn tồn tại khách quan và độc lập, cái thuộc hình nhi thượng. Quan điểm này cho thấy hai ông đã giải quyết vấn đề đặt ra trên lập trường duy tâm khách quan, coi mọi sự vật, hiện tượng trên thế giới chỉ là biểu hiện của Lý mà thôi và cho rằng, Lý trong con người chính là tính mà Lý là chí thiện, chí mĩ nên không có tính ác mà cái ác chỉ có ở khí.
Chu Hy, người được coi là “tập đại thành” của Tống Nho đã tổng hợp thuyết Thái cực của Châu Đôn Di, Khí của Trương Tải, Lý Khí của họ Trình và đưa ra quan điểm đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa Lý và Khí. Theo ông, Thái cực là cái siêu việt, có thể dùng ngôn ngữ để gọi là Lý. Lý là cái xuất hiện trước khi sự vật hiện tượng xuất hiện: “Thái cực chỉ là cái Lý của trời đất và vạn vật. Lấy trời đất mà nói thì trong trời đất có Thái cực; lấy vạn vật mà nói thì trong vạn vật đều có Thái cực. Trước khi có trời đất, đã có sẵn cái Lý ấy”(5). Như vậy, Chu Hy cũng giống anh em họ Trình khi đứng trên lập trường duy tâm khách quan để giải quyết mối quan hệ này.
Khác với một số triết gia Tống Nho, Lê Quý Đôn cho rằng, Lý là thuộc tính của Khí. Cái thuộc tính đó là gì? Đó là những quy tắc tồn tại và phát triển của sự vật. Vì vậy, Lê Quý Đôn khẳng định, nếu Lý là thuộc tính không tách rời của Khí thì nó cũng “thần diệu” như Khí và “không có cái gì là không có Lý ở trong cả”(6). Lý - Khí tồn tại gắn liền với nhau và không thể đối lập nhau. Theo ông, “chữ Lý thì chỉ để mà nói rằng đó là cái gì thực hữu, chứ không phải hư vô. Lý không có hình tích, nhân khí mà hiện ra. Vậy lý tức ở trong khí. Âm, dương, cơ, ngẫu, tri và hành, thể và dụng, có thể đối nhau mà nói; còn như Lý và Khí thì không thể đối nhau mà nói được”(7).
Khí tồn tại cụ thể thông qua các sự vật mà nó sinh ra: “Đầy dẫy trong khoảng trời đất đều là Khí cả”. Còn Lý thì sao, có thể nhận thấy được nó không? Lê Quý Đôn khẳng định, Lý tồn tại thật nhưng nó lại không có hình dạng, không màu sắc, chỉ tồn tại thông qua Khí; nghĩa là, thông qua sự vật cụ thể ta có thể thấy được “thường độ”, thấy được “đường đi” của Lý. Con người qua sự khái quát của tư duy có thể biết được cái “thể”, cái “dụng” của nó, biết được tính phổ biến, rộng khắp, sự nhiệm màu của Lý. Ông nói: “Trời cao cách đất không biết mấy vạn dặm; môn học thiên văn, đo lường ngang dọc, thuận nghịch, thêm bớt, nhân chia, chẳng qua chỉ bỏ một nắm con toán mà biết được đường đi và vị thứ của thất chinh và nhị thập bát tú. Như thế chẳng phải là, cái thể thì rất to lớn, cái dụng thì rất nhiệm màu mà đường đi thì có phép thường hay sao?”(8).
Lê Quý Đôn còn dùng một hiện tượng tự nhiên là những cơn bão để chứng minh tính quy luật của thế giới, chứng minh cái Lý là tồn tại hiện thực và con người hoàn toàn có thể nhận thức được về nó: “Bão rất đúng giờ: bão nổi ban ngày thì ngày hôm sau tắt, bão nổi ban đêm thì đêm hôm sau tắt. Cụ phong là gió bất chính, là khí không thuận, thế mà còn có thường độ như vậy”(9).
Điểm xuất phát của Lê Quý Đôn cũng là Thái cực, một dạng khí hỗn nguyên, khí hỗn nguyên đó vận động theo quy luật mà hình thành ra vạn vật. Do vậy, vạn vật có được là nhờ có Khí và Lý. Khí là gốc của vạn vật và nhờ có Lý mà Khí mới chuyển hóa thành sự vật muôn hình muôn vẻ khác nhau. Trời đất đều có hình có khí, vạn vật thì bẩm khí ở trời và thành hình ở đất. Ông viết: “Đức của trời to lớn thay! Vạn vật nhờ ở trời mà bắt đầu, ấy là nói về khí. Đức của đất rất mực thay! Vạn vật nhờ ở đó mà sinh nở ra; ấy là nói về hình. Nói về trời đất, thì đều có hình có khí cả; nói về vạn vật, thì đều bẩm khí ở trời, thành hình ở đất”(10). Theo ông, ngay cả nguồn gốc của các vì sao, mặt trời, mặt trăng cũng là khí; tất thảy đều do sự tích tụ mà thành. Điều này đã được sách Liệt tử và Châu Đôn Di chỉ ra bằng nguyên lý ngưng tụ và Lê Quý Đôn đồng ý với quan điểm này: “Trời là tinh khí, mặt trời là tinh của Dương khí, mặt trăng là tinh của Âm khí, các vì sao là tinh của muôn vật. Cái mà Nho gia hiểu được: mảnh ngôi sao rơi xuống là đá rơi xuống đó… Sao sa xuống nếu là đá thì không có sáng, chỉ có chất nặng, bấu víu vào đâu?… Đá ở trong không khí, tự nó vận động sao được. Ta thì cho rằng: sao ở trên có sáng, cái sáng đó là khí; khi vừa sa xuống bị gió lạnh buốt ở lưng chừng trời táp vào mới đọng lại thành đá, chứ không phải sẵn là đá ở trên trời rồi. Mặt trời, mặt trăng cũng là tinh khí tích lại mà có sáng, và to lớn đó thôi. Sao là tinh khí của vạn vật, cho nên sa xuống hoá ra đá. Mặt trời là hoả tinh thái dương, mặt trăng là thuỷ tinh thái âm; không thể viện lệ ấy mà cho cũng là đá được”(11).
Như vậy, nhờ chính sự đối lập nhau, xung khắc nhau, hoà hợp nhau, hút đẩy lẫn nhau của hai khí âm và dương mà vạn vật trong trời đất được hình thành. Quan điểm này của Lê Quý Đôn tuy còn mang tính trực quan cảm tính, nhưng nó đã thể hiện lập trường duy vật thô sơ, tính biện chứng mộc mạc và rõ ràng là tiến bộ hơn so với các nhà Nho thời trước.
Cùng thời kỳ với Lê Quý Đôn, ở phương Tây, I.Cantơ đã đưa ra giả thuyết tinh vân có điểm tương đồng nhất định so với quan điểm của ông. I.Cantơ khẳng định rằng, thế giới được tạo thành từ vật chất luôn vận động biến đổi không ngừng, mọi sự vật đều liên hệ tương tác lẫn nhau qua lực hút, đẩy, nhờ lực đó mà hình thành nên các vì sao, mặt trăng, mặt trời, trái đất, thiên thạch… Sự xa, gần của các hành tinh khác nhau phụ thuộc vào độ nặng nhẹ của vật chất cấu tạo nên chúng. Lê Quý Đôn cũng đề cập đến sự xa gần của các hành tinh, mặc dù chưa giải thích rõ về cấu trúc của chúng, mà chỉ giả định rằng, “Mặt trời, mặt trăng, ngũ tinh, đều có một tầng trời; những tầng ấy đều không giống với đất, cho nên cách đất cao thấp không giống nhau”(12).
Điều thú vị là Lê Quý Đôn không dừng lại ở việc đưa ra giả thuyết về cấu trúc của vũ trụ, ông còn đưa Khí đến chỗ thần diệu hơn khi khẳng định Khí có sự sống. Vấn đề vật chất hữu sinh vốn được các nhà triết học của các thời kỳ trước bàn đến. Song, Lê Quý Đôn lại khẳng định “sinh ý” có mặt ở mọi sự vật hiện tượng trong trời đất, từ những vật vô tri, vô giác như đất đá đến cỏ cây. Ông viết: “Đất mà không động thì chỉ là một khối trùng trục mà sinh ý thì hầu như mất hết”(13), “Khí trời ở trên sa xuống, khí đất ở dưới bốc lên, những khí ấy đều là sinh ý của trời đất”(14), “Cây cỏ mà tươi tốt, đó là khí thịnh; sông nguồn đầy rẫy, đó là khí nhuần; đất như mỡ, đá như vóc, là vì có sinh khí rót vào. Cây đã khô già mà còn mọc rêu, đá đã bị đập bị đẽo mà cái hòn đá tảng ở chân cột còn ướt, là vì khí chưa hề mất vậy”(15).
Rồi đến con người, tính chất, tâm tính và sức vóc của nó là do khí đất chung đúc nên. Ông đã dẫn sách Gia Ngữ, sách Hoài Nam Tử, sách Nhĩ Nhã, Thái Sử tập để chứng minh con người và trời đất có cùng một gốc ra. Tính cách con người cứng rắn hay nhu nhược, mạnh bạo hay nhút nhát, nhân hậu, khôn ngoan, v.v., đều do khí mà ra: “Khí núi sinh nhiều con trai; khí đầm sinh nhiều con gái; khí nước sinh nhiều người câm; khí gió sinh nhiều người điếc; khí rừng sinh nhiều người yếu ớt; khí cây sinh nhiều người còng; khí đá sinh nhiều người khoẻ; khí ở dưới thấp sinh nhiều người phù thũng; khí âm sinh nhiều người rũ tay chân; khí hang hốc sinh nhiều người có chứng tê liệt; khí đồi bốc lên sinh nhiều người cuồng; khí thoáng sinh nhiều người nhân; khí ở gò to sinh nhiều người tham; khí nắng sinh nhiều người yểu; khí lạnh sinh nhiều người thọ; sinh ở nơi đất nhẹ thì nhiều người nhanh trai; sinh ở nơi đất nặng thì nhiều người chậm chạp; ở nơi nước trong thì tiếng người nhỏ; ở nơi nước đục thì tiếng người thô; nơi nước chảy xiết thì người nhẹ; nơi nước chảy chậm thì người nặng; đất trung châu sinh nhiều thánh hiền”, “cứ theo thế mà suy diễn ra thì không chỗ nào là không đúng”(16).
Mặc dù khí quyết định tâm tính con người, nhưng Lê Quý Đôn lại khẳng định khí có thể luyện mà bền được, do vậy tâm tính con người cũng có thể do rèn luyện mà tốt được. Ông viết: “… khí còn luyện mà bền được, huống chi là tính. Cổ nhân dạy con từ trong thai, cũng là nuôi cho thành tính tốt đó”(17).
Do khí rất huyền diệu, lại là nguồn gốc của vạn vật nên Lê Quý Đôn cũng như nhiều nhà Nho tiền bối đã khẳng định trời, người, đất thống nhất với nhau ở khí. Do bẩm thụ từ một khí nên trời và người cũng có thể liên thông và tác động đến nhau. Ông viết: “Nhật thực có thường độ; nhưng việc người biến đổi cùng với nhật thực thường có liên quan. Người ta sắp làm điều bất thiện, gặp lúc mặt trăng đi vào triền độ chỗ ăn nhau, bèn che lấp mặt trời; đó là khí của người động đến trời. Lại như, trời sắp mưa dầm, thì người nào bị đánh hay ngã bị thương, tất thấy đau buốt; đó là khí trời động đến người. Điều đó có thể chứng nghiệm rõ trời với người cùng một lẽ”(18), “… người ta cũng là một bầu trời đất nhỏ”(19).
Lòng người bao la rộng rãi, trên thông cảm được trời đất, giữa trắc lượng được quỷ thần, dưới xét được muôn vật. Sự huyền diệu của khí, tản ra hình khí từ chỗ không ra có, từ chỗ có vào chỗ không, trong khoảng mờ mịt hay sáng tỏ đều là đạo cả. Lòng có ngay thẳng mới biết được đạo, mới thấy biết được cơ vi, thấy biết được cơ vi mới làm được mọi việc, làm nên được mọi việc mới thông đạt quyền biến. Theo ông, người ta tạo ra vận mệnh chứ không phải vận mệnh tạo ra người. Cái lẽ trời với người hợp nhất chẳng qua như thế(20).
Mặc dù quan điểm của Lê Quý Đôn mang tính duy vật và có những yếu tố biện chứng khí bàn về Khí với tư cách bản thể của vạn vật; song do quá đề cao tính huyền diệu của Khí và Lý, nên ông không giữ vững được lập trường duy vật của mình mà đi đến chỗ tin và biện hộ cho một số phương diện duy tâm thần bí, như bói toán, xem số, đoán mệnh, v.v.. Thậm chí, ông còn đi đến quan niệm về sự hưng vong, thịnh trị hay loạn lạc của xã hội cũng mang tính tiền định: “… số vận lớn của nhà nước, hưng hay suy, mà phận mệnh thường của sĩ phu, cùng hay đạt, cũng được dự định ở trong chỗ u minh. Đến cả như họ tên, tướng mạo, đi đứng, động tĩnh cũng đều có định trước, không phải người ta được tự do muốn sao được vậy”(21).
Tóm lại, trên cơ sở Nho học, mà chủ yếu là Tống Nho, cùng những tư tưởng, tín ngưỡng bản địa, lại được thôi thúc bởi khuynh hướng “tam giáo đồng nguyên” đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta thời bấy giờ, Lê Quý Đôn đã đưa ra một hệ thống quan điểm triết học tự nhiên rất riêng của mình. Mặc dù còn có những hạn chế lịch sử nhất định, nhưng ông thật xứng đáng là bộ “Bách khoa thư” của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XVIII nói riêng, trong toàn bộ lịch sử dân tộc nói chung. Thiết nghĩ, việc nghiên cứu tư tưởng của Lê Quý Đôn là cần thiết không chỉ ở tư tưởng triết học, mà còn nhiều phương diện khác để làm sáng tỏ thêm bộ “Bách khoa thư” đó.
(*) Giảng viên Khoa Mác - Lênin, Trường Đại học Văn hoá.
(1) Lê Quý Đôn. Vân đài loại ngữ, t.1. Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1962, tr. 53.
(2) Lê Quý Đôn. Sđd., tr.53.
(3) Xem: Lê Quý Đôn. Sđd., tr.54.
(4) Xem: Lê Quý Đôn. Sđd., tr. 23.
(5) Xem: Lê Quý Đôn. Sđd., tr. 24.
(6) Lê Quý Đôn. Sđd., tr. 78.
(7) Lê Quý Đôn. Sđd., tr. 53.
(8) Lê Quý Đôn. Sđd., tr. 56.
(9) Lê Quý Đôn. Sđd., tr. 56.
(10) Lê Quý Đôn. Sđd., tr. 53.
(11) Lê Quý Đôn. Sđd., tr. 85.
(15) Lê Quý Đôn. Sđd., tr.57.
(16) Lê Quý Đôn. Sđd., tr. 58.
(17) Lê Quý Đôn. Sđd., tr. 63.
(18) Lê Quý Đôn. Sđd., tr. 59.
(19) Lê Quý Đôn. Sđd., tr. 60.
(20) Xem: Lê Quý Đôn. Sđd., tr. 63 - 64.
(21) Lê Quý Đôn. Sđd., tr.72
Đã xem: 81
Thời gian đăng: Thứ bảy - 31/10/2015 13:01
Người đăng: