Tiện ích


Thống kê truy cập

Nghệ thuật chế tác mão, mặt nạ của người Khmer ở Trà Vinh

Tác giả: Nguyễn Hoàng Tuấn - Cập nhật: 25/07/2016

Người Khmer ở Nam Bộ nói chung và ở Trà Vinh nói riêng hiện nay đang kế thừa di sản văn hóa do tổ tiên để lại, đó là kho tàng âm nhạc, kiến trúc, hội họa, nghệ thuật truyền thống… rất phong phú và đa dạng, trong đó có loại hình chế tác mão, mặt nạ rất độc đáo. Mão, mặt nạ được chế tác theo phương pháp thủ công truyền thống mang tính đặc trưng đã phục vụ đắc lực cho sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Khmer.

Để có được chiếc mão, mặt nạ, trước đây, người chế tác phải mất khá nhiều công sức và thời gian đi tìm nguyên vật liệu cũng như thực hiện các công đoạn chế tác như: tạo khuôn, đắp vải hoặc dán giấy, sau đó tách khuôn và vẽ hoa văn trang trí cho từng loại mão, mặt nạ.

Nguyên vật liệu:

- Nguyên liệu kết dính (keo, hồ):

Trước đây, các nghệ nhân phải đi tìm trái thon lop còn gọi là trái của cây hạt điều, là loại cây cổ thụ gỗ cứng, lá nhỏ như lá mai vàng, thân thẳng nhiều cành nhánh thường sống ở những giồng cát mỗi năm cho trái một lần vào khoảng tháng 9 tháng 10 âm lịch. Trái thon lop tròn giống như trái mù u, lúc còn sống có màu xanh khi chín màu vàng, giống cây này hiện nay rất hiếm. Nghệ nhân sử dụng trái thon lop sống, khi hái đem về dùng cối giã nhỏ lấy mủ dùng làm keo dán. Hoặc sử dụng trái non của cây quéo chiết xuất tương tự để lấy mủ. Hiện nay, nghệ nhân dùng bột nếp pha một tỷ lệ nước nhất định khuấy đều đun sôi để nguội gọi là hồ và một số loại keo công nghiệp khác thay thế.

- Nguyên liệu tạo màu (màu vàng, tím, xanh, đen, nâu, đỏ):

Để có màu vàng, nghệ nhân làm mão, mặt nạ tìm cây prô hút (bồ hút), cũng là loại cây sống lâu năm thân thẳng không gai, nhiều cành nhánh, lá hình lưỡi trâu, trái tròn như trái quýt. Người ta dùng dao vạc lấy vỏ đem về cạo bỏ phần vỏ ngoài rồi giã nhuyễn cho vào nồi nấu keo lại sẽ có màu vàng. Có nghệ nhân thì dùng vỏ cây om pec, công đoạn chiết xuất tương tự. Cây bồ hút và cây om pec hiện nay còn rất ít.

Để có màu tím thì tìm cây sa ma krò sây là loại cây lâu năm, gỗ tốt, chậm lớn. Thân cây thẳng, cành phân bố thành tầng, mỗi tầng cách nhau khoảng 1.2 – 1.5m, lá thon chiều dài khoảng 1.8 cm, chiều ngang khoảng 0.4 cm. Đối với cây sa ma krò sây thì nghệ nhân dùng dao vạc phần vỏ của thân cây sau đó chờ cây ra mủ hứng đem về sử dụng.

Để có màu xanh thì nghệ nhân chiết xuất từ lá cây bồ ngót là loại cây được trồng nhiều sử dụng làm thực phẩm. Lá cây bồ ngót lấy về giã nhuyễn vắt lấy nước cho vào nồi đun keo lại cho màu xanh sậm hoặc dùng lá dứa chiết xuất tương tự có màu xanh tươi.

Để có màu đen người ta dùng lá cây cỏ mực giã nhuyễn vắt lấy nước, hoặc lấy vỏ cây phù bại (bần cơm) hay cây mặc nưa giã nhuyễn vắt lấy mủ, nấu keo lại cho ra màu đen.

Một số nghệ nhân trước đây còn lấy vỏ cây sắn giã nhuyễn vắt lấy mủ, nấu lại cho sệt cho ra màu nâu. Lấy trái cây đền pộ giã nhuyễn vắt lấy mủ nấu keo lại cho ra màu đỏ sậm. Lấy trái cây sma ca pây (cây huyết) giã nhuyễn vắt lấy mủ, nấu keo lại cho ra màu đỏ tươi.

Ngoài chiết xuất màu từ các loại cây cỏ, người ta còn sử dụng nhủ vàng hoặc vàng lá (trường hợp nhà giàu có) để trang trí trên mão. Hiện nay, thì sử dụng nước sơn công nghiệp, vừa tiết kiệm được thời gian và công sức.

Các công đoạn chế tác mão, mặt nạ:

- Công đoạn tạo khuôn:

Dùng đất sét để làm khuôn. Đất phải chọn lựa kỹ, không pha cát và các tạp chất khác. Đất sét đem về phơi cho ráo rồi để trên tấm ván gỗ nhào đều và loại bỏ các tạp chất. Đến khi đất thật dẻo thì nghệ nhân dùng tay nặn tạo khuôn (công đoạn thô). Tiếp sau đó, họ dùng que tre mỏng và các loại dao chạm, tạo các chi tiết như mắt, mũi, tai, miệng… của mão, mặt nạ. Công đoạn này đòi hỏi người làm có tay nghề khéo léo cùng sự sáng tạo và kiên trì thì khuôn mới chuẩn, khi hoàn thành mới có chiếc mão, mặt nạ đẹp. Công đoạn này gọi là (công đọan tạo nét). Tạo khuôn xong đem khuôn đi phơi gió khoảng 30 phút cho khuôn ráo nước, sau đó kiểm tra lại toàn bộ chi tiết khuôn có bị nứt hoặc khiếm khuyết để chỉnh sửa. Tiếp theo dùng nước thoa lên tay, chà đều trên khuôn để tạo độ láng cho khuôn và dùng dao nhỏ sửa lại các chi tiết hoa văn gọi là (công đoạn hoàn thiện khuôn).

Nhiều nghệ nhân khi làm khuôn còn lấy một đoạn thân cây chuối cho vào giữa khuôn, để khi khuôn khô thân chuối co lại thuận tiện cho việc bóc bỏ phần đất sét và lấy mão, mặt nạ ra dễ dàng. Đối với khuôn đất, mỗi khuôn chỉ sử dụng một lần cho một mão hay mặt nạ, muốn làm cái khác thì phải làm khuôn mới.

Hiện nay, một số nghệ nhân đã làm khuôn bằng xi măng thay thế khuôn đất để khuôn sử dụng được nhiều lần. Tuy nhiên, làm khuôn bằng xi măng thì đòi hỏi người làm nắm bắt được kỹ thuật đó là khi đổ khuôn phải kẻ một rãnh nhỏ theo chiều đứng từ trên xuống dưới cả hai mặt trước và sau của khuôn để khi hoàn thành công đoạn đấp vải hoặc dán giấy thì dùng dao nhỏ cắt theo rãnh này và lấy mão, mặt nạ ra.

Một ít nghệ nhân cũng làm khuôn bằng xi măng nhưng không có khe rãnh, cho nên khuôn này phải nhỏ hơn kích thước thật của chiếc mão, mặt nạ. Lúc làm họ đấp thêm lên khuôn xi măng một lớp đất sét rồi mới dán vải, giấy lên. Khi khô lớp đất sẽ bong tróc khỏi khuôn xi măng, lấy mão, mặt nạ chỉ cần bóc bỏ lớp đất là xong.



Công đoạn nắn đất tạo khuôn

- Công đoạn đắp vải, dán giấy:

Sau giai đoạn tạo khuôn, có được khuôn đất hoặc xi măng, bước tiếp theo nghệ nhân chế tác dùng vải (vải mùng hoặc vải thô) cắt nhỏ khoảng 5x5cm rồi cho vào cối quết chung với trái thon lop hoặc nhồi với mũ trái thon lop đã chiết xuất. Trước tiên, họ dùng một miếng vải lớn nhúng nước lã và đắp đều lên khuôn; kế tiếp đắp những mảnh vải nhỏ đã quết, nhồi với mủ trái thon lop. Đắp vải xong thì dùng tay hoặc que tre tròn gạt đều cho mặt vải dính vào khuôn. Tiếp tục đắp vải như thế cho đến khi các lớp vải dày khoảng 1.5cm (trung bình từ 7 đến 10 lớp tùy loại vải và sở thích của mỗi nghệ nhân) thì đem ra phơi nắng cho đến lúc thật khô mới lấy mão, mặt nạ ra khỏi khuôn. 

Thời gian khoảng 20 năm trở lại đây, một số nghệ nhân không làm mão, mặt nạ bằng vải theo kỹ thuật ngày trước mà sử dụng giấy bồi, giấy catton dán keo thay thế vải. Cách làm này đơn giản hơn giúp nghệ nhân không tốn nhiều công sức nhưng sản phẩm dễ thấm nước, mau hỏng và sử dụng không bền.

Những năm gần đây, một số nghệ nhân chuyển sang tận dụng giấy vé số, giấy ít thấm nước độ bền cao hơn,  nhưng khi làm phải dán từng tấm vé số một, dán từ 8 đến 12 lớp mới đủ độ dày của mão, mặt nạ. Tùy theo loại mão, mặt nạ mà nghệ nhân phải sử dụng từ 800 đến 1.200 tấm vé số cho một sản phẩm. 

- Công đoạn tạo hình, hoa văn mão, mặt nạ:

- Chạm khắc tạo hình:

Đối với mặt nạ, sau công đoạn lấy mặt nạ từ khuôn ra thì tiến hành sơn và vẽ hoa văn trang trí. Riêng mão thì phải thực hiện tiếp công đoạn tạo hình hoàn chỉnh cho phần trên chiếc mão rồi mới trang trí hoa văn. Các loại mão như mão hoàng hậu, công chúa, mão chằn… đều phải tạo hình chóp nhọn trên đỉnh và đính hoa văn vào tiêu biểu như hoa văn hình ngọn lửa biểu trưng cho sức mạnh, hoa văn hoa lá dây biểu trưng cho sáng sủa, thanh cao…

Phần chóp nhọn trên đỉnh đầu và hoa văn trước đây làm bằng gỗ, nhiều nhất là gỗ cây bình linh, cây dông, gần đây thì làm bằng giấy cứng hoặc bằng thiết. Đầu mão chọn gỗ có đường kính 20cm, cao 30cm được móc rỗng bên trong cho nhẹ, sau đó bào gọt thành từng cấp mỗi cấp cách nhau từ 2,5 – 3cm, cấp trên nhỏ cấp dưới to dần cho đến cấp cuối cùng. Tùy theo loại mão mà có từ 3 đến 5 cấp, riêng mão Sê Đa có 7 cấp gọi là ngây vo (hoa leo) tượng trưng cho 7 ngày an lành trong tuần và mỗi cấp chạm hoa văn ngọn lửa để tượng trưng sức mạnh. Phần trên của mão thường có hình tượng ngọn tháp đầu nhọn, hình đầu thần Prum cao khoảng 25cm gọi là trây sô. Sau đó nghệ nhân đấp giấy, vải vào và đem phơi khô để vẽ hoa văn. Đối với những nghệ nhân chế tác theo kỹ thuật hiện đại ngày nay, khi lấy mão, mặt nạ ra khỏi khuôn thì tiếp tục quét thêm một lớp sơn dầu để chống thấm, chống mối mọt và sau đó sơn thêm một lớp sơn pê để mão có độ dày và trơn bóng dễ vẽ hoa văn.

Hoa văn trên mão, mặt nạ ngoài việc vẽ bằng các loại màu tùy nghệ nhân mà họ làm hoa văn chạm khắc từ gỗ, cắt từ giấy. Giấy thì dễ làm hơn nhưng không bền bằng gỗ. Các bộ phận hoa văn làm từ gỗ, giấy như:

Chon kơ chiết (bao hai bên tai) làm bằng gỗ mỏng 0.5cm, lọng theo hình rồng uốn lượn, chạm hoa văn trái thị (đọt chan).

Vòng trán mão làm bằng gỗ mỏng 0.5cm lọng theo hình lá bồ đề, chung quanh viền lá chạm hoa văn dây gọi là ca băng…

- Sơn và trang trí hoa văn:

Mão, mặt nạ sau khi đã hoàn chỉnh công đoạn tạo hình thì tiến hành vẽ hoa văn. Bên trong mão nghệ nhân dùng chất kết dính của mủ cây hoặc dùng sơn bôi lên nhiều lần rồi đem phơi khô. Màu bên trong mão, mặt nạ thì không bắt buộc màu nào mà tùy thẩm mỹ của mỗi nghệ nhân đen, xám, nâu, trắng màu nào cũng được. Bên ngoài mão, mặt nạ tùy theo loại mà nghệ nhân chế tác sơn màu vẽ hoa văn các bộ phận cho phù hợp. Riêng các hoa văn trên đầu mão (pha dây vo), bao mang tai (chon trô chiết), ngọn tháp (trây sô), hoa văn trán (ca băng) được sơn màu vàng hoặc ép mạ vàng, nhủ vàng trang trí cho mão được sáng đẹp. Ngoài ra, tùy theo điều kiện tài chính và sở thích của người đặt hàng mà mão được đính thêm hạt cườm nhiều màu. Nếu người có kinh tế khá giả đặt hàng giá thành cao thì người làm còn đính các loại đá quí, ngọc trai, vàng lá, cánh kiến…

Màu sắc và đặc điểm của mão, mặt nạ:

+ Màu sắc và đặc điểm của mão:

- Mão Ha nu man (mão khỉ chúa) mặt trắng có các vòng xoáy đen (thể hiện khỉ đã nhiều tuổi) mũi đỏ, mắt đen, miệng ngậm mặt trời, nhe răng, không có chóp mão.

- Mão khỉ (quân khỉ) mặt xanh không có vòng xoáy đen, miệng khép, không có chóp mão.

- Mão Prăs riêm (con trai vua Thos sa ros) màu vàng, chóp mão cao.

- Mão Prăs lăk (con trai vua Thos sa ros) giống như mão Prăs riêm.

- Mão vua màu vàng, chóp mão thấp.

- Mão hoàng hậu màu vàng có các dải băng (prô băng) hoa văn, chóp mão thấp.

- Mão công chúa tương tự như mão hoàng hậu.

- Mão Sê Đa màu vàng có các prô băng hoa văn, chóp mão thấp.

- Mão Khôm phip màu đỏ, miệng khép, chóp mão thấp.

- Mão Ô riêm sô màu xanh, miệng há nhe răng, chóp màu vàng thấp.

-  Mão Krông cal màu xanh lẫn đỏ, miệng  khép, chóp mão cao.

- Mão Kum ma ca (em của Krung riếp) màu đỏ miệng há rộng, chóp mão cao.

- Mão Sô khrip (con trai Sô wha hai) màu đỏ, miệng ngậm trái châu, chóp mão màu vàng, thấp.

- Mão Trây sê (Nàng tiên cá, con trai Ha nu man) màu vàng, chóp mão thấp, gương mặt hiền hậu.

- Mão Sô van mach cha (vợ của Trây sê) giống mão Trây sê.

- Mão Mach cha nus (con trai Trây sê) màu xanh, miệng há nhe răng.

- Mão Dak ka đa sây (con trai bà Kêk ka sa) màu đỏ lẫn xanh, miệng khép, chóp mão màu vàng, thấp.

- Mão Krông riếp (vua chằn, con trai bà Kêk ka sa) mặt xanh lẫn đỏ, mắt xanh, miệng khép, hai răng nanh lồi ra, chóp mão cao.

- Mão Khum phi ka (con trai bà Kêk ka sa) màu đỏ, miệng há, chóp mão màu vàng, thấp.

- Mão Phi phêk (thầy bói, con trai bà Kêk ka sa) màu xanh lẫn đỏ, miệng khép, chóp mão thấp.

- Mão Whây riệp (con trai bà Ma ha kêk) màu đỏ, miệng khép, chóp mão màu vàng, thấp.

- Mão Ma ha ni kai (con trai bà Ma ha kêk) màu đỏ, miệng khép, chóp mão màu vàng, thấp.

- Mão Inh tha chich (con trai bà Ma ha kêk) màu xanh, miệng khép, chóp mão màu vàng, thấp.

- Mão Ma ha rum êl (con trai bà Ma ha kêk) màu đỏ, miệng khép, chóp mão màu vàng, thấp.

- Bộ mão chu chay múa mở đầu đêm diễn rô bam (múa chúc mừng) gồm 06 cái, màu hồng sen hoặc da người, mão không có chóp.


Mão, mặt nạ phục vụ trong biểu diễn nghệ thuật Khmer

+  Màu sắc và đặc điểm mặt nạ:

- Mặt nạ Lục tà Mu ni Ây xây (Đạo sĩ màu da người, tóc trắng, đỉnh đầu có chóp nhô lên hình đuôi cá).

- Mặt nạ Mè à mate (mặt nạ hề) màu da người, tóc màu đen, không có chóp.

- Mặt nạ bà Re khuôn màu da người hoặc hồng sen, miệng khép, tóc đen, không có chóp.

- Mặt nạ bà Whây whêk (con Re khuôn) màu xanh lẫn đỏ, miệng khép, có chóp đầu thấp.

- Mặt nạ Sô phia ly (con trai Sô va hai) màu đỏ, hình gần giống đầu trâu.

- Bộ mặt nạ Krap, là mặt nạ hình người thể hiện hỉ, nộ, ái, ố, ngây ngô… thường bộ này gồm 06 cái, màu da người hoặc trắng, mỗi cái có một đặc điểm riêng như miệng méo, miệng rộng, mũi to, mắt hí, không có răng…

Nghệ thuật chế tác mão, mặt nạ phục vụ cho múa hát dân tộc Khmer hiện nay ở Trà Vinh còn rất ít nghệ nhân am hiểu, bởi đây là nghề thường mang tính cha truyền con nối, đồng thời đòi hỏi người chế tác phải có sự sáng tạo nghệ thuật cùng kỹ năng nghề nghiệp và sự đam mê. Theo thống kê của Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh, hiện tại ở Trà Vinh còn một số người biết chế tác mão, mặt nạ tiêu biểu như: ông Lâm Phên ấp Ba Se A, ông Thạch Ca Ri Nô ấp Chà Dư, xã Lương Hòa; ông Thạch Sa Van ấp Giồng Lức, xã Đa Lộc; Thạch Na Rin Đéc ấp Đa Cần, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành; ông Kiên Thinh ấp Ô Trôm, Thạch Mét ấp Ô Trao, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần.

Nhìn chung, kiểu dáng và màu sắc của mão hay mặt nạ không nhất thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy chuẩn mà chỉ mang tính tương đối, bởi nó còn tùy thuộc vào sở thích và sự sáng tạo của từng nghệ nhân. Kỹ thuật chế tác mão, mặt nạ cũng đòi hỏi các nghệ nhân phải có kiến thức và am hiểu nhiều về lĩnh vực nghệ thuật khác, đồng thời trong quá trình chế tác phải khéo léo và kiên trì mới có một tác phẩm bền, đẹp.

                           Theo: http://vhttdlkv3.gov.vn/       

Cập nhật: 25/07/2016 - Lượt xem: 5

Bài cùng chuyên mục