Tạp chí Văn hóa Nghệ An

Khái niệm “Vốn Văn Hóa” của Pierre Bourdieu

1. Khái niệm Vốn văn hóa (Cultural Capital) là một trong số những khái niệm về vốn được nhà xã hội học nổi tiếng Pháp - Pierre Bourdieu[1] xây dựng và vận dụng trong các công trình nghiên cứu về xã hội học của ông. Trong quá trình nghiên cứu, Bourdieu đã sử dụng nhiều khái niệm vốn, trong đó chủ yếu là vốn kinh tế (Economic Capital), vốn xã hội (Social Capital), vốn văn hóa (Culture Capital) và vốn biểu tượng (Symbolic Capital). Bên cạnh đó ông còn sử dụng nhiều cách nói khác nhau để đề cập đến các loại vốn trong các nghiên cứu cụ thể. Từ đầu những năm 2000, nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam đã quan tâm đến các khái niệm vốn của Bourdieu và tìm cách vận dụng vào các trường hợp nghiên cứu cụ thể. Trải qua hơn một thập kỷ, bên cạnh vốn kinh tế, vốn xã hội dần trở thành một khái niệm quen thuộc và phổ biến trong giới nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam. Còn khái niệm vốn văn hóa vẫn chưa được giới nghiên cứu ở Việt Nam quan tâm.

2. Khái niệm vốn văn hóa được Bourdieu sử dụng từ những năm 1960 trong quá trình nghiên cứu về xã hội học giáo dục. Đến năm 1986, trong một công trình tổng kết lại về các hình thức của vốn, Bourdieu đã trình bày có hệ thống hơn về hai khái niệm vốn văn hóa và vốn xã hội. Trong đó, ông xem vốn văn hóa là hệ thống các thành tố văn hóa có thể luân chuyển và tạo ra những giá trị trao đổi trong quá trình phát triển, là một hình thức “tư bản văn hóa”. Theo đó, vốn văn hóa tồn tại dưới ba hình thức chủ yếu là: i - Trạng thái thể hiện (Embodied state), là các yếu tố văn hóa được thể hiện qua chủ thể của nó, tức là con người, là những yếu tô tồn tại hiện hữu và lâu dài trong tâm trí và cơ thể của con người chủ thể văn hóa. Nói cách khác thì vốn văn hóa ở trạng thái thể hiện chính là tiềm lực văn hóa của con người và năng lực vận dụng các yếu tố văn hóa để tạo ra giá trị trong quá trình phát triển. Vốn văn hóa ở tráng thái biểu hiện là hệ thống yếu tố văn hóa biểu hiện qua yếu tố con người. ii - Trạng thái khách quan (Objectified state), là hệ thống các yếu tố văn hóa ở dạng tồn tại hiện hữu khách quan ngoài con người, là những hình thức vật chất của vốn văn hóa như sách vở, công cụ, nhà cửa, trang thiết bị, máy móc… hay cả những sản phẩm trí tuệ, tinh thần như các dấu tích (trace), việc thực hành các lý thuyết (realization of theories) hay phê bình các lý thuyết (critiques of theories)… cũng là vốn văn hóa ở trạng thái khách quan. Vốn văn hóa ở trạng thái khách quan có thể là sản phẩm của cá nhân hay cộng đồng được hiện hữu và có thể sử dụng để trao đổi, luân chuyển nhằm tạo ra giá trị. iii – Trạng thái thể chế (Institutionalized state), là những yếu tố văn hóa tổ chức thành các khuôn mẫu, định hình cho sự tồn tại và hoạt động của các yếu tố văn hóa dựa trên những khuôn mẫu đó (Bourdieu, 1986). Trong ba trạng thái này, Bourdieu nhấn mạnh vai trò của vốn văn hóa ở trạng thái thể hiện, tuy nhiên, ông cũng xác định rõ: “hầu hết các thuộc tính của vốn văn hóa có thể được rút ra từ thực tế, ở trạng thái cơ bản của nó, nó được liên kết với chủ thể văn hóa và phỏng đoán hiện thân" (Bourdieu, 1986, p. 244). Mở rộng ra, vốn văn hóa ở trạng thái thể chế là hệ thống các nguyên tắc, thể chế quy định tổ chức và hoạt động của các yếu tố văn hóa khác. Đó cũng là những giá trị chuẩn mực được xã hội, cộng đồng chấp nhận và tuân thủ.

Khái niệm vốn văn hóa trong nghiên cứu của Bourdieu là một khái niệm trìu tượng, rất khó để đặt một nội hàm cụ thể vào cho khái niệm này. Nhưng dựa trên ba hình thức tồn tại của vốn văn hóa-như Bourdieu phân tích, có thể nhìn nhận vốn văn hóa là một hệ thống các yếu tố văn hóa tồn tại khách quan hoặc thể hiện qua con người và những thể chế, khuôn mẫu quy định hay tác động đến sự tồn tại và vận động của các yếu tố văn hóa đó, và có khả năng luân chuyển, trao đổi để tạo ra những giá trị trong quá trình phát triển. Vì khái niệm này quá trìu tượng nên nhiều khi dễ hiểu nhầm và đồng nhất với khái niệm văn hóa/nền văn hóa. Nhưng cần chú ý hơn đến những khái niệm vốn của Bourdieu, ở đây đặc biệt nhấn mạnh đến giá trị luân chuyển, trao đổi của vốn với tư cách là “tư bản” (capital) chứ không đơn giản là “nguồn” (source). Vốn văn hóa không chỉ tất cả các yếu tố văn hóa mà đề cập đến những yếu tố văn hóa có khả năng luân chuyển, có giá trị trao đổi và tạo ra lợi ích trong quá trình luân chuyển, trao đổi đó.

3. Khái niệm vốn văn hóa xuất hiện đầu tiên trong các nghiên cứu về xã hội học giáo dục của Bourdieu. Trong quá trình đi tìm một khái niệm lý thuyết để tiếp cận về sự phân tầng và sự bất bình đẳng trong giáo dục, Bourdieu đã xây dựng nên khái niệm này. Ông đã sử dụng khái niệm vốn văn hóa để giải thích cho tình trạng thành tích học tập không đồng đều giữa các học sinh có nguồn gốc xuất thân từ các tầng lớp xã hội khác nhau. Vốn văn hóa trở thành cầu nối cho mối liên hệ giữa thành tích học tập và chi phí đầu tư cho giáo dục của các gia đình. Từ vốn văn hóa được đầu tư vào quá trình giáo dục đã ảnh hưởng đến thành tích học tập của học sinh. Theo đó, thành tích học tập hay tài năng bản thân học sinh là kết quả của quá trình đầu tư thời gian và vốn văn hóa (Bourdieu, 1986). Như vậy, vốn văn hóa có vai trò quan trọng trong giáo dục và đầu tư vốn văn hóa là quá trình quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến thành tích học tập của học sinh.

Nguồn cảm hứng để Bourdieu xây dựng khái niệm vốn văn hóa và vận dụng vốn văn hóa trong nghiên cứu xã hội học là những nghiên cứu về giáo dục của Gary S. Becker[2]. Chính những phân tích về chiến lược đầu tư giáo dục và mối quan hệ giữa đầu tư kinh tế với đầu tư giáo dục (chủ yếu tạp trung vào chi phí tài chính đầu tư giáo dục và lợi nhuận thu được từ chiến lược đầu tư giáo dục) của Becker đã ảnh hưởng đến nghiên cứu vốn văn hóa trong phát triển giáo dục của Bourdieu (Bourdieu, 1986). Nhưng nếu Becker đi vào phân tích mối liên hệ trong đầu tư giáo dục với cái nhìn kinh tế nên coi nặng mục tiêu lợi nhuận của giáo dục, từ đó đi vào quan hệ trực tiếp tài chính và thành tích giáo dục; thì tiếp cận vốn văn hóa của Bourdieu có chiều sâu hơn, đi vào nguồn gốc của vấn đề và xem vốn văn hóa là một nền tảng của giáo dục và cũng từ đó ông xem sự khác biệt về vốn văn hóa tạo nên sự bất bình đẳng trong giáo dục. Ông xem vốn văn hóa là một cơ sở sản sinh xã hội và sản sinh văn hóa trong quá trình nghiên cứu các trường, quyên lực và tư tưởng giáo dục (Bourdieu, 1977).

4. Từ khi xuất hiện đến nay, khái niệm vốn văn hóa đã được nhiều nhà nghiên cứu vận dụng và phê phán, bổ sung thêm nhiều ý nghĩa mới và cũng tạo ra nhiều phương pháp tiếp cận, khung phân tích khác nhau. Về mặt lý thuyết, nhiều nhà nghiên cứu đã quan tâm đến khái niệm vốn văn hóa mà Bourdieu bằng cách phân tích mở rộng và phê bình lại khái niệm này. Trong một công trình nghiên cứu, David Throsby đã phân tích thêm về khái niệm vốn văn hóa của Bourdieu trên phương diện phát triển kinh tế. Theo David Throsby thì bên cạnh 3 loại vốn quan trọng phục vụ sự phát triển là vốn tự nhiên (các nguồn tài liệu, thiên nhiên), vốn vất chất (cơ sở vật chất do con người tạo ra) và vốn nhân lực thì vốn văn hóa là nguồn vốn thứ tư giữ vai trò cốt lõi cho sự phát triển (David Throsby, 1999). Nghiên cứu này cũng phân tích sâu thêm mối quan hệ giữa vốn văn hóa với các loại vốn còn lại trong quá trình phát triển. Trong khi đó, John H. Goldthorpe lại lập luận rằng: vốn văn hóa là khái niệm cốt lõi nhất của Bourdieu, và nó đóng một vai trò quan trọng trong các dự án lớn mà Bourdieu theo đuổi, tích hợp và giải thích về sự bất bình đẳng giai cấp xã hội ở trình độ học vấn vào một lý thuyết rộng hơn về sinh sản xã hội (John H. Goldthorpe, 2007). Nhưng cũng chính John H. Goldthorpe đã đặt ra những hoài nghi về vai trò của khái niệm vốn văn hóa trong nghiên cứu giáo dục. Theo ông thì Bourdieu đã quá nhấn mạnh đến sự khác biệt về vốn văn hóa giữa các lớp xã hội mà không quan tâm đến sự di động văn hóa và sự năng động của học trò. Không chỉ vậy, những nghiên cứu thực nghiệm trong giáo dục cũng không ủng hộ khái niệm vốn văn hóa của Bourdieu. Quan điểm của John H. Goldthorpeđã được Michael Tzanakis củng cố bằng cách chứng minh trong một nghiên cứu thực nghiệm lớn hơn và đi đến lập luận rằng khái niệm vốn văn hóa và lý thuyết sản sinh xã hội của Bourdieu không hợp lý trong nghiên cứu giáo dục ở quy mô lớn trong xã hội đa văn hóa (Michael Tzanakis, 2011). Dù còn nhiều tranh luận nhưng không thể phủ nhận rằng từ khi xuất hiện, khái niệm vốn văn hóa đã tạo ra những ảnh lớn trong nghiên cứu xã hội học, đặc biệt trong ngành xã hội học giáo dục. Tiêu biểu có thể điểm qua những nghiên cứu của Dimaggio, P. (1982), Dimaggio, P. và Mohr, J., 1985, Katsillis, J. và Rubinson, R. (1990), Kalmijn, M. và Kraaykamp, ​​G. (1996), Driessen, G. W. J. M. (2001), Sullivan, A. (2001 và 2007), Lareau, A. và Weininger, E. B. (2003), Bennett, T. (2006), Gordon Fyfe, (2004)…

5. Vốn văn hóa là một khái niệm trìu tượng, khó hiểu và khó vận dụng thành khung phân tích để khảo sát đối tượng nghiên cứu. Khái niệm vốn xã hội chú trọng đến mạng lưới xã hội và các mối liên hệ xã hội thì khái niệm vốn văn hóa tập trung vào trạng thái thể hiện của vốn văn hóa qua tâm trí và cơ thể của chủ thể văn hóa, vào năng lực luân chuyển, trao đổi của các yếu tố văn hóa để tạo ra giá trị cho chủ thể văn hóa. Ba trạng thái của vốn văn hóa được đưa ra trong khái niệm của Bourdieu có tính bao quát cao, nhưng không đồng nhất với các giá trị của nguồn tài nguyên văn hóa (Bourdieu, 1986). Tính trìu tượng của khái niệm vốn văn hóa một mặt mở ra khả năng vận dụng rộng lớn trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, mặt khác nó cũng tạo cho các nhà nghiên cứu tâm lý mơ hồ, khó nắm bắt để vận dụng cụ thể hay dễ bị ghép vào các yếu tố, khái niệm khác[3]. Trong bối cảnh các nền văn hóa ngày càng giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của nhân loại thì những nghiên cứu về vốn văn hóa càng có vai trò quan trọng. Tiếp cận vốn văn hóa mở ra những con đường để nhận thức về việc khai thác, phát triển và bảo tồn các giá trị văn hóa của các cộng đồng, tộc người khác nhau.

Tài liệu tham khảo

Bennett, T. (2006):Distinction on the Box: Cultural Capital and the Social Space of Broadcasting. Cultural Trends 15, 2, 193-212.

Bourdieu, P. (1977): Cultural Reproduction and Social Reproduction, in J. Karabel and A. H. Halsey (eds) Power and Ideology in Education. New York, NY: Oxford University Press. Pp. 487-511.

Bourdieu, P. (1986): The Forms of Capital, in J. G. Richardson (ed.) Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education. New York: Greenwood Press. Pp. 241-258.

David Throsby (1999): Cultural Capital. Journal of Cultural Economics  23:  3–12, 1999.

DiMaggio, P. (1982): Cultural Capital and School Success: The Impact of Status Culture Participation on the Grades of US High School Students. American Sociological Review 47, 2, 189-201.

DiMaggio, P. and Mohr, J. (1985): Cultural Capital, Educational Attainment and Marital Selection. American Journal of Sociology 90, 6, 1231-1261.

Driessen,  G. W.  J.  M.  (2001):  Ethnicity,  Forms of  Capital  and  EducationalAchievement. International Review of Education47, 6, 513-538.

Goldthorpe, J. H. (2007): “Cultural Capital”: Some Critical Observations. Acta Sociologica 50, 3, 211-229.

Gordon Fyfe (2004): Reproductions, cultural capital and museums: aspects of the culture of copies. Museum and society,  Mar 2004. 2 (1) 47-67, 2004,  Gordon Fyfe.  ISSN   1479-8360.

Kalmijn, M. and Kraaykamp, G. (1996): Race, Cultural Capital and Schooling: An Analysis of Trends in the United States. Sociology and Education 69, 1, 22-34.

Katsillis, J. and Rubinson, R. (1990): Cultural Capital, Student Achievement, and Educational Reproduction: The Case of Greece. American Sociological Review 55, 2, 270-279.

Lareau, A. and Weininger, E. B. (2003): Cultural Capital in Educational Research: A Critical Assessment. Theory and Society 32, 5-6, 567-606.

Michael Tzanakis (2011): Bourdieu’s Social Reproduction Thesis and The Role of Cultural Capital in Educational Attainment: A Critical Review of Key Empirical Studies. Educate, Vol. 11, No. 1, 2011, pp. 76-90.

Sullivan, A. (2001): Cultural Capital and Educational Attainment. Sociology 35, 4, 893-912.

Sullivan, A. (2007): Cultural Capital, Cultural Knowledge and Ability. Sociological Research Online 12, 6, 1.

Nguyễn Văn Sửu (2015): Khung sinh kế bền vững: một cách phân tích toàn diện về phát triển và giảm nghèo. In trong “Nhân học phát triển: lich sử, lý thuyết và công cụ thực hành”. Nxb Tri thức, Hà Nội, trang 15-33.



[1] Pierre Bourdieu (1930-2002), nhà xã hội học người Pháp có nhiều ảnh hưởng trong nửa sau thế kỷ XX với những lý thuyết về các loại vốn, thuyết sản sinh xã hội, thuyết quyền lực - thực hành và lý thuyết về trường. Ở Việt Nam, một số công trình của ông đã được dịch và trao đổi như công trình “Sự thống trị của nam giới” (H-Tri thức, 2011).

[2]Khi xây dựng khái niệm “Vốn văn hóa” trong nghiên cứu giáo dục, P. Bourdieu đã tham khảo nhiều tài liệu của Gary S. Becker, trong đó có hai công trình nghiên cứu quan trọng mà ông tham khảo rất kỹ là “A Theoretical and Empirical Analysis with Special Reference to Education” (New York: National Bureau of Economic Research, 1964) và “Human Capital” (New York: Columbia University Press, 1964). Chính quá trình tiếp thu và phê phán những nghiên cứu của G. Becker là một nguồn cảm hứng quan trọng để Bourdieu xây dựng khái niệm vốn văn hóa (P. Bourdieu, 1986).

[3] Mô hình sinh kế bền vững do Bộ Phát triển Quốc tế Anh (Department for Internatinal Development – DFID) tổng hợp và đưa ra vào cuối thập niên 90 của thế kỷ XX nhấn mạnh vai trò chủ đạo của 5 loại vốn là vốn vật chất, cồn tài chính, vốn xã hội, vốn con người và vốn tự nhiên (Nguyễn Văn Sửu, 2015). Trong mô hình này, vốn văn hóa bị/được ghép vào vốn con người. Điều này không xác đáng với khái niệm vốn văn hóa do Bourdieu đưa ra. 


PopUp MP3 Player (New Window)

Thư viện ảnh

Video clip