Tiện ích


Thống kê truy cập

Hình tượng tác giả trong tản văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Tác giả: TS. Lê Trà My - Cập nhật: 18/07/2016

Đã từ lâu người ta chú ý đến Hoàng Phủ Ngọc Tường như một người viết kí đầy xông xáo với những trang kí sự sôi sục tinh thần tranh đấu của một thời tuổi trẻ sống trong vùng tạm chiếm, hay những trang bút kí sâu nặng một tình yêu với từng mảnh đất, con sông của đất nước, quê hương. Khi đã đến độ thâm trầm của tuổi tác Hoàng Phủ Ngọc Tường lại bắt duyên với một thể loại văn học mà ông gọi là nhàn đàm, thực chất là thể loại tản văn.


Hoàng Phủ Ngọc Tường qua nét vẽ Trịnh Công Sơn

Đã từ lâu người ta chú ý đến Hoàng Phủ Ngọc Tường như một người viết kí đầy xông xáo với những trang kí sự sôi sục tinh thần tranh đấu của một thời tuổi trẻ sống trong vùng tạm chiếm, hay những trang bút kí sâu nặng một tình yêu với từng mảnh đất, con sông của đất nước, quê hương. Khi đã đến độ thâm trầm của tuổi tác Hoàng Phủ Ngọc Tường lại bắt duyên với một thể loại văn học mà ông gọi là nhàn đàm, thực chất là thể loại tản văn. Từ cuối thập kỉ 90 của thế kỷ XX và những năm đầu thế kỉ XXI, Hoàng Phủ Ngọc Tường cho ra đời liên tiếp ba tập tản văn: Nhàn đàm (1997), Người ham chơi (1998), Miền gái đẹp(2001), ấy là chưa kể nhiều tác phẩm khác in trong những tập bút kí, tiểu luận… Ở thể loại này, Hoàng Phủ Ngọc Tường có dịp bộc lộ một cách không gò ép, không hạn định cái tôi tự do, phóng khoáng, cái vốn sống, vốn văn hoá đầy ắp, chiều sâu triết học trong cách nhìn cuộc sống và một nhiệt tình sống sôi nổi, hăm hở của một Hoàng Phủ NgọC Tường đã từng thấy trong các kí sự, bút kí hay tiểu luận của ông. Ở thể loại này, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã kết hợp được những ưu thế vốn có của mình khi viết kí với chất tài hoa, lãng tử, nhạy cảm của một hồn thơ vẫn luôn ẩn tàng trong con người nghệ sỹ.

Văn học là tiếng dội của cuộc sống, trước hết là cuộc sống của người cầm bút. Đối với những người viết tản văn, những điều anh ta thực sự trải nghiệm với những rung động sâu sắc trở thành máu huyết lưu thông trong mạch sống tinh thần có ý nghĩa quyết định cho việc sáng tạo. Người viết tản văn thường lựa chọn chất sống, sự trải nghiệm của chính mình làm thứ vật liệu chủ yếu để xây dựng tác phẩm. Vì vậy, tìm hiểu tác phẩm sẽ thấy hình ảnh của chủ thể sáng tạo được biểu hiện rõ nét. Đọc tản văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, người ta thấy hiện lên cuộc đời, con người của chính ông. Đó là những nơi bước chân ông đã đi qua, là mảnh đất mà ông gắn bó suốt đời, là những mối quan hệ đặc biệt trong cuộc đời, là những gương mặt danh nhân mà ông ngưỡng mộ, là những vấn đề lịch sử xã hội mà ông trăn trở, là những vang động của cuộc sống thường nhật quanh ông, là những ấn tượng sâu đậm trong cuộc đời v.v… Con người hiện hữu bao giờ cũng có một lịch sử. Sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường hầu hết đều lấy vật liệu từ lịch sử cuộc sống của chính bản thân ông. Và nhờ thế “lịch sử tâm hồn” ở ông cũng hiện lên rõ nét qua những trang viết. Qua tất cả những gì ông đã gắn bó, trải nghiệm, đã nghĩ suy, đã sống chết vì nó… người ta thấy những đường nét chân thực của bức chân dung Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tất cả những điều ấy, trước khi chảy qua ngòi bút đã chảy qua tim nhà văn “như một dòng máu” và tạo nên một hình tượng sâu đậm- hình tượng tác giả.

Tản văn  Hoàng Phủ NgọC Tường cho thấy một bản lĩnh văn hoá, một cách sống đạt đạo của chủ thể sáng tạo.

Hoàng Phủ Ngọc Tường khi nhìn nhận các vấn đề thường đặt chúng trong chiều sâu văn hoá – lịch sử, khám phá ở đó những giá trị văn hoá bằng những năng lực nội cảm của chính bản thân mình. Từ cách phân tích, lý giải khơi mở vấn đề đến việc đánh giá, kết luận… nhà văn thường có một thước đo giá trị: đó là tính văn hoá. Văn hoá bao giờ cũng có một lịch sử, nó không ngừng tự hoàn thiện và thích ứng với những biến đổi, nó định hướng các chuẩn mực cho con người và như vậy nó cũng là một động lực cho sự phát triển của xã hội. Coi trọng văn hoá là coi trọng bản tính vững bền, sự hoàn thiện theo hướng nhân văn hoá của con người, cũng là coi trọng sự phát triển. Chọn hướng tiếp cận này, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chứng tỏ một tầm nhìn rộng mở, khái quát, một tầm cao nhận thức thoát khỏi những giới hạn nhỏ hẹp của một cá nhân, một đời người, nhưng đồng thời hướng đi đó cũng đòi hỏi một bản lĩnh văn hoá ở người cầm bút.

Bản lĩnh ấy được hình thành từ nền tảng văn hoá dân tộc, văn hoá nhân loại và đặc biệt là văn hoá tâm linh. Gốc rễ của văn hoá tâm linh chính là  tính cách Huế đã hằn sâu trong nếp cảm, nếp nghĩ của nhà văn. Chính Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khẳng định “xu hướng tâm linh là một dòng chảy tiềm ẩn nhưng sâu bền trong tính cách Huế” (Tính cách Huế). Ở Hoàng Phủ Ngọc Tường có “một cái nhìn sâu lắng của con người xứ Huế”, “có một tâm hồn Huế thiết tha…”[1]. Hoà nhập với mạch nguồn văn hoá dân tộc, trước hết Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chạm được đến chiều sâu của văn hoá Huế. Hoàng Phủ Ngọc Tường tự thổ lộ: “Huế là nơi tôi đã sinh ra, lớn lên, đã tranh đấu và chiến đấu, đã yêu thương , đã sống một đời công dân và một cuộc đời riêng tư” (Đôi điều về văn hoá Huế). Ông nghiệm thấy “Con người sinh ra ở đâu thì mặt mày giống cha mẹ, còn diện mạo tinh thần thì lại giống xứ sở nơi nó sinh ra”. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết khá nhiều về cái xứ sở ấy như một nhu cầu tự nhiên khi trong lòng tràn ngập một tình yêu, một lòng tự hào tha thiết, và còn như một sự thôi thúc kiếm tìm “diện mạo tinh thần” của chính mình. Ông cũng đã phân tích thấu đáo về tính cách Huế, như thể những điều ấy được rút ra từ sự chiêm nghiệm và ngộ giác của chính cuộc đời và con người ông. Chất Huế đã được biểu hiện cụ thể qua chính chủ thể nhà văn và hiện lên ở toàn bộ sáng tác Hoàng Phủ Ngọc Tường từ trước tới nay trong đó có tản văn.

Trong thế giới tâm linh của nhà văn không chỉ có hồn đất hồn người của Huế, mà còn có màu sắc của đạo Thiền, cả những vang động của tuổi thơ đã xa, những ngày tham chiến sôi động cùng bè bạn … Có lần Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tâm sự về những dấu ấn tuổi thơ đã trở thành một thứ dinh dưỡng nuôi sống tâm hồn ông suốt đời: Bài học của thầy giáo Toại về lòng nhân ái – bài học vỡ lòng đầu tiên đã “theo tôi suốt cuộc đời, đến nỗi càng từng trải kinh nghiệm sống, những câu vần vè ấy càng chiếu toả cho tôi một ánh sáng khải thị khác thường, tuồng như sức hàm dưỡng của nó không bao giờ cạn” (Bài học vỡ lòng của tôi). Hay những trò chơi con trẻ với chú ve sầu, chuồn chuồn, dế mèn, chim sẻ, con gà đất… trở thành “thiên đường tuổi thơ”, góp phần làm nên một Hoàng Phủ Ngọc Tường như chúng ta đã thấy. Với ông, những đồ chơi dân gian chất phác ” đã từng truyền cho tôi hơi thở sâu dày ngàn vạn năm của điều mà ta gọi là “văn hoá dân tộc”(Con gà đất của tôi) . Khi đến tuổi đã thấu lẽ đời, đã đọc ngàn vạn sách, nhìn lại ông vẫn thấy “Con dế mèn của Tô Hoài đã gieo trong tôi hai hạt mầm sau này lớn lên thành khát vọng đời người, ấy là tình bạn và cuộc sống lãng du” (Lý chuồn chuồn).

Bản lĩnh văn hoá giữa một xã hội đang hàng ngày biến đổi, mọi thứ chuẩn mực dường như ít được để ý, nhiều luồng văn hoá khác nhau tràn ngập cùng với hàng hoá và sự giao lưu thị trường đầy phức tạp, quả là một cái gì đáng trân trọng, đáng quí. Nhờ bản lĩnh văn hoá ấy, Hoàng Phủ Ngọc Tường có những kiến giải đúng đắn trong những quan hệ với lịch sử, với quê hương với nhân dân, với tự nhiên, với nghệ thuật…, không bị cuốn theo những áp chế của dư luận, của thói quen để hướng tới những giá trị lâu bền, hướng về sự công bằng, nhất là công bằng với lịch sử. Trong Vương triều Nguyễn trên đường phố Huế, nhà văn chỉ ra định kiến ghét bỏ đối với nhà Nguyễn trong việc đặt tên các đường phố ở thành phố Huế, trong việc xoá tên nhà Nguyễn đối với một số công trình…và đề nghị ghi nhận công lao to lớn của một số vua chúa Nguyễn bằng cách đặt tên các đường phố của thành phố mà chính họ đã có công khai mở và dựng xây. Để có đề nghị táo bạo và chính đáng này, có bản lĩnh không thôi chưa đủ, cần phải có lòng dũng cảm, bởi những định kiến trên không phải chỉ của một người, của một địa phương, của người làm văn hoá… Cũng chính bản lĩnh văn hoá ấy khiến Hoàng Phủ Ngọc Tường bất bình với tất cả những biểu hiện kém văn hoá, những thứ phản văn hoá (như việc chặt cây xanh ở thôn Vĩ Giạ, bãi xe lấn khu di tích Tôn Nhơn Phủ, sự lãng quên của các cấp chính quyền đối với mộ tổ Kinh Dương Vương…). Bản lĩnh văn hoá đã giúp nhà văn vượt lên con người của một thời, vươn tới bản chất người muôn đời và tính nhân văn mỗi con người cần hướng tới và cần phải có. Coi trọng văn hoá, Hoàng Phủ Ngọc Tường tôn vinh những nhà văn hoá “là người cung cấp chất dinh dưỡng tinh thần cho đời sống vĩnh hằng của nhân loại”, và nhìn thấy vai trò của văn hoá đối với xã hội thời mở cửa” để đảm bảo nhu cầu sinh đôi giữa hiện đại văn hoá và bản sắc dân tộc, giải pháp duy nhất là đưa văn hoá vào bên trong sự phát triển, lấy văn hoá làm mục tiêu và nguồn lực của sự phát triển xã hội” (Văn hoá thời mở cửa). Và hơn lúc nào hết, vào thời điểm hiện nay, chính những nhân cách văn hoá như Hoàng Phủ Ngọc Tường được hiện trở ra qua những tác phẩm văn học, lại càng cần thiết cho chúng ta biết bao.

Chiều sâu văn hoá ở Hoàng Phủ Ngọc Tường đã giúp nhà văn có được một “cách sống đạt đạo” theo quan niệm của ông. Đó là biết chơi, “ham chơi”, trở thành ” Người Ham Chơi”. Ông viết: “Ham chơi là cách sống đạt đạo của con người đã nhìn thấy từ lâu bản chất phù hư của thế giới, hiểu rõ rằng những giá trị vật chất có khả năng đến đâu trong cuộc mưu cầu hạnh phúc cho con người” (Người ham chơi). Cái sự ham chơi đó trước hết là cái thú lãng du đã được hình thành từ thời thơ bé. Nhiều tản văn ra đời từ những ấn tượng về những chuyến ngao du ( Núi Bài Thơ, Xứ Thậm Thình, Trời Điện Biên mây trắng...). Quê hương đất nước con người hiện lên qua những trang văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thật đẹp, thật thú vị. Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng nói đến những thú chơi của con người, chuyện ăn uống, các món đặc sản (Cơm hến, Phở hoài cảm, Rượu làng Vân), chuyện trang phục (Áo dài)…Nhìn toàn cục thấy tản văn dạng này ở Hoàng Phủ Ngọc Tường không nhiều, nhưng lại có khả năng tạo ra những ấn tượng đặc biệt: chị bán hàng “dáng gầy mỏng manh, chiếc áo dài đen cũ kỹ, chiếc nón  cời” đã giữ gìn cách chế biến cơm hến như giữ gìn ngọn lửa của một nét truyền thống Huế không bị mất đi theo thời gian; phở Hà Nội được làm ở Sài Gòn, trong thìa nước trong trẻo ngọt ngào có cả “chút vị dâu bể của những tháng năm; những người đẹp áo dài chính là “thượng đế hà hơi vào lụa mà tạo ra các nàng vậy”; bữa tiệc rượu ở làng Vân với kiểu hâm nóng thức ăn bằng cách đốt rượu trên những mâm đồng “ngọn lửa len lỏi qua những bát thức ăn vẽ thành những lượn sóng màu xanh biếc trên mặt thực khách”, “những vệt sáng xanh biếc đầy bí ẩn nhảy múa trên gương mặt của những thực khách ngồi chìm trong bóng tối” … Nói đến kiểu người- ham- chơi ở Hoàng Phủ Ngọc Tường còn phải thấy cái thú thưởng thức nghệ thuật rất sành ở con người không chỉ rất am hiểu về các lĩnh vực âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc và dĩ nhiên, cả thơ mà còn có mối giao lưu rất  gần gũi với bạn bè văn nghệ sỹ nên cái thú đó trở thành mối tương giao tri kỷ hay sự thấu cảm của những tâm hồn. Hoàng Phủ Ngọc Tường có một loạt các bài viết về Trịnh Công Sơn, Lê Thương, Đinh Cường, Lâm Triết, Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị,  Phùng Quán, Bùi Giáng, Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Kha… Hầu hết trong số đó là bạn bè một thủa. Ông đưa ra những nhận xét, những cách cảm nhận rất tinh tế, chính xác, đầy hình ảnh: “Chữ của Bùi Giáng là những chữ bụi bặm thường ngày; hình như người ta vứt đi, và ông nhặt lên, phủi phủi, hà hơi vào, để đất hoá thành thơ” (Bùi Giáng trong tôi); “…là một nhà trừu tượng thuần tuý, Lâm Triết từ bỏ mọi biểu hiện của ý niệm chuyển động (thí dụ như tốc độ, động tác, cơn lốc… ) để đưa chuyển động tiềm nhập vào bên trong cấu trúc như một mạch nước ngầm, và đó chính là dạng chuyển động của năng lượng. Ở Lâm Triết, ấn tượng mạnh mẽ vẫn là một chuyển động thầm lặng, mãnh liệt nhưng sâu kín giống như dòng chảy của tâm thức. Hoặc nếu là chuyển động của một vũ trụ nào đó, thì đấy chính  là vũ trụ tự tại ở bên trong con người, như lời của chính  tác giả “cứ như là những giấc mơ, sẽ không bao giờ hết được” (Lâm Triết và cõi mộng du)… Muốn nói gì thì nói, cái thú thưởng thức nghệ thuật này ở Hoàng Phủ Ngọc Tường thật tao nhã và trí tuệ, không phải ai cũng có được.

Đọc tản văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể nhận thấy một con người nhập thế sôi nổi đầy trách nhiệm với cuộc đời.

Từ trong tư tưởng, Hoàng Phủ Ngọc Tường chịu ảnh hưởng nhất định của những triết thuyết phương Đông và phương Tây. Các học thuyết tư tưởng phương Đông như Nho, Phật, Đạo đã chi phối khá nhiều đến thế giới quan, nhân sinh quan của nhà nghệ sỹ. Ông ngộ ra bản chất “vô trú” của con người qua con mắt nhìn của đạo Phật để thấy cái phù hư của vật chất, để mà tôn vinh thế giới tinh thần . Hay cái cách ông hoà hợp với tự nhiên, sống với cái thú lãng du mây nước cũng từng là phương châm của Lão Đan, Trang Chu. Tuy nhiên ảnh hưởng sâu đậm nhất đến mức trở thành một sự thôi thúc trong cách hành xử của Hoàng Phủ Ngọc Tường trước nhiều vấn đề, theo chúng tôi, chính là tư tưởng nhập thế của Nho giáo. Mặc dù vẫn ý thức được: “Nho, Phật, Đạo luôn mang đến sự thăng bằng cho tâm lý Việt Nam  những thế kỷ trước” (Nhân Euro 2000, lại nghĩ về một nhà thơ cổ), song Hoàng Phủ Ngọc Tường về cơ bản vẫn hành động theo thuyết lý của đạo Nho; còn tư tưởng Phật giáo, Lão giáo giúp ông tìm đến một thế cân bằng trong cuộc sống.

Trong những bút kí, kí sự của Hoàng Phủ Ngọc Tường, người đọc đã từng được biết đến một thời sinh viên đầy dũng khí, táo bạo với những cuộc xuống đường, những lần tranh đấu trong lòng địch, những cuộc vượt thoát lên chiến khu, tìm đến cách mạng của người thanh niên trẻ trung, sôi nổi, đầy hoài bão và nhiệt huyết Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thái độ “nhập cuộc” ấy ở ông đã chứng tỏ một quan niệm sống tích cực. Khác hẳn với một số trí thức cùng thời chỉ ôm nỗi sầu đau, ai oán thế cuộc.

Trong tản văn, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thể hiện đúng cái sinh khí sống đã ngấm vào máu từ thủa thanh xuân ấy. Dĩ nhiên đã có độ trầm lắng hơn của tuổi tác, của kinh nghiệm sống, của sự từng trải. Khát vọng nhập thế khiến ông “ham chơi” mà không quên đời, thoát ly trốn tránh cuộc đời; khiến ông luôn trăn trở, đau đáu với những vấn đề cấp bách đặt ra trong xã hội; khiến ông hay lật lại lịch sử, đặng tìm những nhân cách sáng, những bài học quí, soi vào cuộc thế hôm nay; khiến ông luôn hướng tới một thế giới hoàn thiện và tốt đẹp…. Đối với ông, cầm bút không chỉ để lưu danh: “Người  nghệ sỹ kí tên dưới tác phẩm của mình (…) để thực hiện khát vọng sâu thẳm muốn gửi lại một cái tên cho đời sau…” (Đôi dép Empédocle), mà còn là một hành động dấn thân quyết liệu để diệt trừ quốc nạn, chạy chữa những căn bệnh ung nhọt rất nguy hiểm của xã hội (Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà). Bằng chính ngòi bút của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã góp phần phản ánh những thực trạng xã hội đáng báo động như tệ tham nhũng (Thạc Thử), sự bức bách về việc làm cho những sinh viên tốt nghiệp đại học (Sát long chi bối), sự mập mờ xấu tốt, hỗn độn  của thị trường mở cửa (Thị trường trong mắt tôi), sự bất cập trong việc xây dựng, quản lý đô thị tôn tạo không đúng cách làm hỏng các di tích, các công trình văn hoá (Sao anh không về chơi thôn vĩ, Chuyện nhỏ cuối năm, Chuyện đầu năm về Hòn Ngọc Viễn Đông…), sự xuống cấp trong ý thức văn hoá của một số người (Vùng im lặng)… Trước mỗi vấn đề, ông thường trình bày, phân tích, lý giải, tìm nguyên nhân và tìm cách khắc phục hoặc đưa ra những kiến nghị chính đáng với một thái độ đầy trách nhiệm, kèm theo đó là một nỗi lo âu, một niềm đau, một sự phẫn nộ, một niềm tiếc nuối khôn nguôi. Đó chính là “những lời trăn trở, những lời thỉnh cầu sâu đậm ý thức công dân và thiên chức của người trí thức-nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường” (Hoàng Sĩ Nguyên)[2]. Đi liền với cảm hứng phê phán trên, như một sự đối lập hai mảng màu đen trắng, Hoàng Phủ Ngọc Tường ca ngợi những hành động tích cực làm cho muôn dân ấm no, hạnh phúc (Quẻ càn), lo lắng cho sự an nguy của dân, suốt đời vì lợi ích của dân (Nguyễn Trãi trước những ngã ba thời đại), biết lấy dân làm gốc (Thầy Đào Duy Từ), việc dùng người để thực thi con đường vương đạo của những đấng minh quân (Nguyễn Huệ với chiến lược con người), việc tìm tòi những phương thức làm ăn mới, đưa đất nước đi lên (Khái niệm  Lê Minh Ngọc)… Trong Quẻ càn, Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng “…đạo càn nhất quán toàn bộ tư tưởng chính trị của vua Minh Mạng” khi ông vua này coi trọng trước hết ở việc nhà nông, việc mùa màng, cũng là coi trọng trước hết cái ăn cho muôn dân. “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy cái ăn là trời” (Lời vua Minh Mạng- Hoàng Phủ Ngọc Tường trích). Vậy lo ăn, lo cho dân no đủ chính là đảm bảo cho sự phồn thịnh của đất nước. Đơn giản vậy, nhưng đâu phải đấng quân vương nào cũng hiểu ra.

Cái tôi nhập thế ở Hoàng Phủ Ngọc Tường có sự đồng cảm sâu sắc với những nhân cách lớn mà phần đông trong số họ đều là những con người bản lĩnh lớn lao, hành động rạch ròi, quyết liệt, có dáng dấp của đấng trượng phu như Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Trần Cao Vân…. Hình như Hoàng Phủ Ngọc Tường đặc biệt ngưỡng mộ Nguyễn Công Trứ (có tới bốn bài viết về nhân vật này). Có lẽ ông tìm thấy ở con người này phương châm hành xử của chính mình trước cuộc đời. Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường, ở Nguyễn Công Trứ có “nhiều con người trong một con người: một nghị lực không lùi bước của quê hương Nghệ Tĩnh, một kẻ sĩ tiết tháo của Bắc Hà, một tài hoa lịch lãm miền Kinh Bắc, một dòng tâm linh sâu thẳm miền núi Ngự sông Hương, một bản lĩnh hành động của phương Nam… và phần còn lại, một tay chơi cuồng phóng của văn hoá hiện đại” (Tay chơi). Trước khi nói đến con -người- chơi, nhà văn đã nhấn mạnh con- người- làm ở Nguyễn Công Trứ, nhấn mạnh chất kẻ sĩ- một mục tiêu trong đạo tu thân của Nho giáo – của “nhà thơ xông xáo nhất thế kỷ XIX” này.

Nhà văn nghiệm ra ở quẻ Vị Tế trong Kinh Dịch một thông điệp: “Hỡi người, người sinh ra không phải để yên nghỉ mà lên đường, lên đường bằng tất cả nỗi lo âu của một kẻ vượt sông” (Quẻ Vị Tế). Ở Hoàng Phủ Ngọc Tường cái tâm thế của kẻ lên đường, kẻ vượt sông khiến ông luôn luôn nhìn về phía trước, luôn hăm hở và tha thiết với cuộc đời. Nguyên Ngọc thấy ở ông “một người ham sống đến mê mải, sống và đi, đi để được sống, với đất nước, với nhân dân, với con người  đi say mê và say mê viết về họ” (Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường)[3]. Ở Hoàng Phủ Ngọc Tường hầu như rất ít nỗi ai hoài quá khứ hay những niềm cảm thán ném vào thinh không. Lật tìm những vấn đề trong lịch sử, bao giờ ông cũng tìm thấy một dòng chảy, một mạch nguồn nối từ quá khứ đến hiện tại, quá khứ soi sáng hiện tại, thôi thúc hiện tại. Ông tìm về sự hình thành miền Châu Hoá từ mấy trăm năm về trước là để thấy rõ truyền thống văn hoá Phú Xuân chảy trong huyết quản những người Huế hôm nay, là để người Huế thêm tôn trọng và biết giữ gìn bản sắc của chính mình. Tản văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đôi khi cũng có sự nuối tiếc: thuốc trừ sâu, xe cộ, tiếng ồn đã đuổi những người bạn thân thiết của tuổi thơ như chuồn chuồn, bươm bướm, chim sẻ, chim yến ra khỏi khung trời thành phố, những đồ chơi dân dã thủa ấu thơ nay đã không còn… Nhưng đó không phải là sự hoài vọng thẳm sâu về một cái gì một đi không trở lại.  Mà nỗi niềm đó ẩn chứa một ước vọng phục hồi những nét đẹp trong đời sống. Ngay cả khi nhà văn tỏ ra buồn đau hay phẫn nộ, cũng là buồn đau và phẫn nộ vì cái tiến bộ, cái hoàn thiện của thực tại. Đó chính là  tinh thần nhập thế đáng trọng ở nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Hình tượng tác giả trong tản văn Hoàng Phủ Ngọc Tường toát lên từ tất cả sự trải nghiệm cuộc đời của nhà văn, nó đóng vai trò như một hình tượng nổi bật xuyên suốt và làm nên hồn vía, thần thái, sức sống cho những câu chữ. Có thể nói, với thể loại tản văn, cái tôi Hoàng Phủ Ngọc Tường có dịp bộc lộ nhiều nhất, nó sống động, gần gũi, trò chuyện trực tiếp với bạn đọc không cần phải qua khâu trung gian nào. Cái tôi ấy một phần biểu hiện tâm nguyện của Hoàng Phủ Ngọc Tường về người trí thức: “dám chọn cuộc dấn thân kèm theo một khoảng cách tâm thức để nhìn rõ chân tướng sự vật, đấy chính là phương thế hành xử khôn ngoan của trí thức Việt”  (Chim nhạn và cây thông).

Tản văn là thể loại biểu lộ trực tiếp cái tôi của người cầm bút. Trên những trang văn vừa bay bổng vừa đằm sâu của Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể thấy cái tôi công dân và cái tôi tâm linh của người Việt được hoà kết trong nhân cách người trí thức sẵn mang trong mình một mong muốn chắt chiu, gìn giữ và nhân lên gấp bội cái ý thức về văn hoá trong mỗi con người chúng ta. Hoàng Phủ Ngọc Tường không chú trọng sự tồn sinh, mà quan tâm nhiều đến thái độ sống, phương cách ứng xử của con người với thiên nhiên, với bè bạn, với cộng đồng, và trước hết là với chính mình. Tản văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, trên một số bình diện, về cơ bản, vẫn bắt vào cái nguồn mạch đã được khơi dòng từ các bậc tiền bối đầu thế kỷ XX như Tản Đà, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Phùng Tất Đắc…Tuy nhiên, ý thức công dân tích cực ở Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khiến cái tôi nhà nghệ sỹ thực sự hoà đồng với thế giới xung quanh, không thấy cái cô lẻ, đối lập, tách biệt với xã hội – tâm thế thường thấy ở một số người viết tản văn đầu thế kỷ XX. Ví dụ cũng là việc chỉ ra những nghịch lý đời sống, ở Tản Đà hay Phùng Tất Đắc biểu hiện một thái độ phủ định qua  giọng văn đầy sự châm biếm, bỡn cợt còn ở Hoàng Phủ Ngọc Tường lại thấy sự thống thiết, nỗi đau, sự bức xúc muốn vươn tới cái hoàn thiện, tốt đẹp, văn minh cho xã hội mà ông đang từng ngày từng giờ gắn bó với nó trong từng hơi thở.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một gương mặt tiêu biểu trong số các cây bút tản văn đương đại. Cùng với một đội ngũ ngày càng đông đảo những người viết tản văn hiện nay, Hoàng Phủ Ngọc Tường góp phần đem lại sức sống cho một thể loại văn học hiện đại bấy lâu nép vào một vị trí khiêm tốn trên văn đàn.

CHÚ THÍCH

1. Trần Đình Sử :”Ai đã đặt tên cho dòng sông” – bút kí sử thi của  Hoàng Phủ Ngọc Tường. Văn nghệ, số 7/ 1987.

2. Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tập I. Nxb Trẻ, 2002.

3. Hoàng Phủ Ngọc Tường: Rượu hồng đào chưa nhắm đã say. Nxb Đà Nẵng, 2001.

Nguồn: lythuyetvanhoc.wordpress.com

Cập nhật: 20/08/2016 - Lượt xem: 23

Bài cùng chuyên mục