Thứ sáu 16/09/2016 20:17 Đăng nhập   | Liên hệ  | English English

Giáo trình điện tử - yếu tố tất yếu của nền giáo dục tiên tiến

Thứ ba 14/04/2015 10:12

Trong thời gian gần đây, giáo trình điện tử đang tạo ra sự chú ý và quan tâm của không chỉ ngành giáo dục mà của toàn xã hội. Với sự ưu việt và tiện lợi của mình, giáo trình điện tử đã khắc phục được sự hạn chế của việc sử dụng giáo trình truyền thống. 

Trong giai đoạn hiện nay, trên thế giới, công nghệ thông tin có sự phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy và tác động tích cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Công nghệ thông tin giúp cho mọi cá nhân, dân tộc, quốc gia xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và có thể sẻ chia được những thành tựu quan trọng.

Trong những năm gần đây, lĩnh vực giáo dục quốc dân ở nước ta đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng, đóng góp cho việc đào tạo đội ngũ lao động có trình độ cao. Những thành công mà lĩnh vực giáo dục đã đạt được có một phần sự đóng góp rất lớn của công nghệ thông tin. Trong thời gian gần đây, giáo trình điện tử đang tạo được sự chú ý và quan tâm không chỉ của ngành giáo dục mà toàn xã hội. Nắm bắt được xu thế này, qua một thời gian chuẩn bị, ngày 27 tháng 3 năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức khai trương Thư viện giáo trình điện tử (Thư viện học liệu mở) ở hai địa chỉ http://gtdt.edu.net.vn và http://ebook.edu.net.vn. Giáo trình điện tử hiện nay đang dần dần thể hiện vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học theo hướng tích cực, từng bước mở rộng cơ hội học tập cho mọi tầng lớp nhân dân hơn, bớt phải chi phí cho việc in ấn.

Người viết (thiết kế) giáo trình điện tử có thể nhận được những nhận xét, góp ý trực tiếp, thẳng thắn từ phía chuyên gia về nội dung lĩnh vực đó và người học, từ đây làm cơ sở để người thiết kế giáo trình có thể thay đổi, chỉnh sửa kịp thời.

Bên cạnh những ưu điểm, giáo trình điện tử khi sử dụng còn một số khó khăn, hạn chế sau đây:

Người thiết kế giáo trình điện tử, ngoài kiến thức sâu, rộng về chuyên môn, nghiệp vụ thì cần phải am hiểu kiến thức mang tính kỹ thuật giống như một nhà đạo diễn khi dàn dựng một bộ phim. Họ phải phối hợp hài hoà âm thanh, hình ảnh, ánh sáng, minh họa cho phù hợp với nội dung giáo trình và đối tượng người học. 

Việc học thông qua giáo trình điện tử đòi hỏi người học phải có tinh thần tự giác cao độ, quyết tâm và thực sự yêu thích lĩnh vực mình quan tâm. Mọi sự miễn cưỡng, gò ép đều không có hiệu quả.

Giáo trình điện tử không phát huy được hiệu quả cao khi với một số lĩnh vực đào tạo như: múa, nhạc, họa, sân khấu, điện ảnh. Đặc biệt tính truyền cảm sẽ không cao như người dạy với những môn học như văn học, âm nhạc, nghệ thuật.

Đối tượng học của giáo trình điện tử có thể không thuần nhất, cho nên sẽ khó khăn cho người học nếu như người viết giáo trình điện tử không có kinh nghiệm viết đơn giản, dễ hiểu, đại chúng.

Giáo trình điện tử có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, khi thực hiện việc sử dụng nó còn nhiều vấn đề phải bàn đến, chẳng hạn: các trang thiết bị kỹ thuật thiết yếu đi cùng như: máy tính, Internet, máy chiếu; vấn đề thẩm định chất lượng giáo trình; bản quyền giáo trình; tính chủ động tự giác của người học. Nhìn chung hiện nay giáo trình điện tử chưa thể hoàn toàn thay thế cho giáo trình in, nhưng nó đã mở ra cho người học nhiều thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Cho nên, trước mắt việc kết hợp sử dụng hai loại giáo trình này là cần thiết. Tiến tới việc sử dụng giáo trình điện tử trong giáo dục là việc làm cần thiết và là một xu thế tất yếu của một nền giáo dục tiên tiến.

Như vậy, với những ưu việt của mình, giáo trình điện tử đóng vai trò hết sức quan trọng cho nền giáo dục tiên tiến. Giáo trình điện tử là xu thế phổ biến mang tính khách quan, đáp ứng được đòi hỏi của nền giáo dục hiện đại. Việc tiếp cận, tạo điều kiện thúc đẩy cho sự phát triển của giáo án điên tử của chúng ta góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 29-NQ/TW với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

PGS,TS Nguyễn Xuân Phong

-Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Theo Tạp chí Chính trị và Truyền thông số tháng 3/2015)

Học viện Báo chí & Tuyên truyền