DÒNG MẠCH TRỮ TÌNH TRONG TRUYỆN NGẮNCỦA CÁC NHÀ VĂN THẾ HỆ SAU 1975
Người ta đã nói nhiều về những câu ca dao bộc lộ tha thiết tình cảm với quê hương đất nước, với tình người, tình yêu; về những vần thơ đau đớn, xót xa cho số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, đặc biệt là Truyện Kiều của Nguyễn Du…Cũng đã đi vào tâm trí nhiều người đọc âm hưởng của dòng truyện ngắn trữ tình trong văn học 1930-1945 với các tên tuổi lớn như Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Xuân Diệu... Trong văn học 1945-1975, để phục vụ hai cuộc kháng chiến của dân tộc, bên cạnh dòng chủ âm phục vụ chính trị, đề cao, cổ vũ lòng yêu nước, ý chí chiến đấu của toàn dân tộc, vẫn có những vần thơ đằm thắm của Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ..., những truyện ngắn lãng mạn, trữ tình của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Thành Long, Đỗ Chu... Sau năm 1975, văn học Việt Nam nói chung, truyện ngắn nói riêng trở nên hết sức đa dạng. Đặc biệt, sự góp mặt của hàng loạt tác giả truyện ngắn cầm bút và trưởng thành sau 1975 như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thùy Mai, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyên Hương… đã làm cho văn đàn thêm phần sôi động. Truyện ngắn của các nhà văn này là những mảng màu rất khác nhau, có hiện thực nghiệt ngã, có kỳ ảo thâm trầm, có trào lộng thâm thúy, có trữ tình tha thiết… Tất nhiên sự phân biệt các xu hướng, bút pháp chỉ có tính tương đối bởi ngay trong một tác giả đã có sự đan xen, khó phân biệt rạch ròi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn nói đến một dòng mạch trữ tình trong cách viết của nhiều cây bút truyện ngắn, tiêu biểu là Nguyễn Quang Thiều, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, Nguyên Hương, Quế Hương, Ngân Hoa, Đỗ Bích Thúy... Đọc nhiều truyện ngắn của họ, chúng ta như bắt gặp một mạch ngầm da diết, như tiếp nối dòng mạch trữ tình sâu thẳm của văn chương người Việt, thể hiện trên nhiều phương diện của nội dung và hình thức nghệ thuật.
2. Giao thoa thể loại là một hiện tượng có tính quy luật trong văn chương. Truyện ngắn trữ tình chính là sự thâm nhập của chất trữ tình/ chất thơ vào một thể loại văn xuôi hiện đang có nhiều thành tựu và được bạn đọc rất quan tâm. Hơn nữa, đặc trưng của truyện ngắn, như một số người nhận xét, có rất nhiều ưu thế để dung nạp chất trữ tình. O’Connor (nhà văn Inland) khẳng định: truyện ngắn rất gần với thơ ở chỗ phải ngắn gọn, súc tích[1] . Ma Văn Kháng, Nguyễn Kiên, Bùi Bình Thi nhấn mạnh truyện ngắn “cần có men”, phải “tỏa hương, rủ rê, dẫn dắt, quyến rũ” thực chất cũng là nhấn mạnh yếu tố trữ tình[2]. Vương Trí Nhàn cũng cho rằng: “Các thể đề tài thuộc phổ hệ tự sự đang có xu hướng chuyển sang trữ tình. Tính chất trữ tình, xu hướng đi vào tâm lý cũng đang chi phối nhiều tác giả truyện ngắn Mỹ”[3]. Tất nhiên, đi tìm chất trữ tình trong truyện ngắn là điều không dễ dàng, nói như nhà văn Nguyễn Kiên: “Đi tìm chất thơ trong truyện ngắn là đi tìm cái ta có thể cảm thấy, nếu chỉ ra nó rành mạch, phân tích nó, lập tức nó trở nên mơ hồ”[4].
Theo chúng tôi, chất trữ tình trước hết thể hiện ở cách xử lý chất liệu hiện thực. Viết về một phố huyện nghèo đầy bóng tối với những con người nhỏ bé, lam lũ, về cuộc sống khốn khó của một cô hàng xén nơi chợ huyện, Thạch Lam vẫn tạo ra những truyện ngắn đầy chất thơ, làm xúc động lòng người trong Hai đứa trẻ, Cô hàng xén. Viết về những cô gái nghèo, đầu tắt mặt tối, cuộc sống bấp bênh, Nguyên Hồng vẫn tạo ra những trang văn xúc động trong Hàng cơm đêm, Cô gái quê. Rõ ràng, những hiện thực không nên thơ, qua cái nhìn, qua cách kể, giọng kể của nhà văn đã chuyển hóa trong sự tiếp nhận của người đọc. Rõ ràng trong những truyện ngắn trên, Nguyên Hồng, Thạch Lam thành công vì họ “là nhà văn của những tứ thơ lớn bắt nguồn từ một trái tim lớn chứa đầy những cảm xúc sôi nổi, mãnh liệt”[5] . Đó là cội nguồn của chất trữ tình trong truyện ngắn. Bên cạnh đó, cũng có thể nhận thấy các truyện ngắn giàu chất trữ tình còn thể hiện ở tâm thế, điểm nhìn của người trần thuật, cách tạo không khí, sắc thái giọng điệu, ngôn từ nghệ thuật…
3. Nhiều nhà văn thế hệ sau 1975 đã tiếp tục truyền thống ấy ở những mức độ khác nhau. Những cây bút tiêu biểu đưa chất thơ vào truyện ngắn là Nguyễn Quang Thiều, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, Nguyên Hương, Quế Hương, Đỗ Bích Thúy... Chất thơ thấm đẫm trong các truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều ngay từ tiêu đề: Chiều hoa tầm xuân, Giấc mơ hoa cỏ trắng, Lời hứa của thời gian, Người nhìn thấy trăng thật, Khúc hát của dòng sông…Truyện ngắn của anh, dù viết về làng quê, về tình yêu hay về số phận những người phụ nữ đều hòa trộn tài tình cái ảo vào cái thực, thể hiện sâu đậm chất cổ tích giữa đời thường. Dõi theo dòng chảy bất tận của cuộc đời, truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều luôn phản ánh những mâu thuẫn, nghịch lý của đời sống, nhưng đồng thời cũng luôn tràn đầy hy vọng và niềm tin vào những điều tốt đẹp. Mùa hoa cải bên sông, Tiếng đập cánh của chim thần, Tiếng gọi cuối mùa đông, Ngựa trắng... vừa là những câu chuyện thời sự của hiện tại, vừa là những chuyện tình thi vị, phảng phất màu cổ tích. Bạn đọc người Pháp Alexia Lorca nhận xét thật tinh tế: “Những truyện ngắn bình dị nhưng đẹp và xót xa. Mỗi trang viết ngừng lại trước một hình ảnh, hiện ra giữa vừng sáng một Việt Nam của hôm nay, một mảng ghép hài hòa một cách lạ lùng giữa truyền thống và hiện đại. Thấp thoáng chút biếm hài hước và trìu mến pha trộn trong những câu chuyện của muôn ngàn hương vị”[6].
Trần Thùy Mai là nhà văn nữ gốc Huế, chất Huế dịu dàng, sâu lắng thấm đẫm trong nhiều truyện ngắn của chị. Không bạo liệt, gai góc như Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thùy Mai thường khai thác những câu chuyện đời thường, dung dị, nhưng từ đó lại đặt ra nhiều vấn đề lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc (Trăng nơi đáy giếng, Nàng công chúa lạc loài, Dòng suối cạn nguồn, Thập tự hoa, Biển đời người...). Trần Thùy Mai khá thành công với những nhân vật là nhà văn, nhà giáo, họa sĩ…, sống với bao lo toan, dằn vặt, vừa nhẫn nại, cam chịu, vừa mơ mộng, khát khao cháy bỏng về tình yêu, sự nghiệp để rồi lại thất vọng, đau xót vì ước vọng không thành. Có nhiều buồn đau, day dứt, nhưng dư vị đọng lại qua các truyện ngắn là tình người, sự sẻ chia, lòng nhân ái, bao dung. Chị cũng khai thác sâu vào đề tài tình yêu, những mối tình đẹp và buồn, vừa mong manh, vừa vĩnh cửu. Những mối tình trong truyện không bạo liệt, không sex, nhưng đầy chất men quyến rũ bởi sự lãng mạn, lòng vị tha của người trong cuộc, nhất là những người phụ nữ (Trăng nơi đáy giếng, Biển đời người, Thập tự hoa, Thuyền trên núi…). Các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư khá đa dạng. Nguyễn Ngọc Tư bắt đầu nổi danh với truyện ngắn Cánh đồng bất tận viết về những con người miền Tây phóng khoáng, thích tự do, đồng thời cũng đầy bản năng hoang dại, với những mảnh đời đói nghèo, thất học, lam lũ. Nhà văn trẻ này đã mạnh dạn phơi bày mặt trái của một vùng đất mà một số người thường thích thi vị hóa. Mặt khác, chị cũng có những truyện ngắn rất trữ tình mà ở đó, trên nền bối cảnh sông nước, kênh rạch mênh mông là những con người sống thật đẹp với truyền thống đậm chất Nam Bộ: vị tha, trọng tình, trọng nghĩa, xem khinh tiền bạc, vật chất (Qua cầu nhớ người, Cái nhìn khắc khoải, Cải ơi, Dòng nhớ, Duyên phận so le…). Rất nhiều mất mát, đổ vỡ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Nguyên nhân đổ vỡ cũng đa dạng do: chiến tranh, ly tán, đói nghèo, những ứng xử sai lầm của con người…Và tình người, sự hối hận đang hàn gắn các mối quan hệ của họ. Chất thơ trong nhiều truyện của Nguyễn Ngọc Tư toát lên từ sự ứng xử của các nhân vật. Một người đàn ông mang nỗi đau bị hiểu nhầm vì đứa con riêng của vợ bỏ đi, đã bỏ cả quãng đời dài 12 năm đi tìm đứa con gái thơ dại, trong tâm tưởng luôn vọng mãi tiếng kêu “Cải ơi” đầy xa xót (Cải ơi). Một người đàn bà đau khổ, bị chồng bỏ rơi nhưng vẫn giữ lại trong mình những xúc cảm nóng ấm tình người và một người đàn bà khác vừa thương cả người chồng đa tình, vừa cảm thông với cả “tình địch” của mình (Dòng nhớ)… Nguyên Hương, sống và viết ở Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Truyện ngắn của chị là tiếng lòng đồng cảm với những kiếp người bất hạnh ở một vùng cao nguyên đầy nắng và gió. Chị viết nhiều về những con người cô đơn, thua thiệt do chiến tranh, do bệnh tật, đói nghèo. Chị xúc động trước những thân phận tàn tật vẫn quyết vươn lên, tìm chỗ đứng dưới mặt trời. Chị quan tâm đặc biệt đến số phận phụ nữ, trẻ em (Triết gia, Hoàng đế một đêm, Tinh thần thượng võ...). Mẹ con đậu đũa là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Nguyên Hương, đề cao tấm lòng người cha đơn thân, nghèo khổ, dành hết tình yêu cho với đứa con thơ dại của mình. Bố ơi cũng là câu chuyện đầy tính nhân văn về người lính sau chiến tranh. Người đàn ông mất ba con vì chất độc da cam, vợ bỏ đi, vẫn trải lòng yêu thương một cô bé bất hạnh mà ông xem như con gái mình. Quà muộn là những trang cảm động về tấm lòng thơm thảo của những đứa con trong một gia đình đổ vỡ... Truyện ngắn Nguyên Hương đôi lúc làm cho người đọc nhớ đến Thạch Lam trong Gió lạnh đầu mùa, Đứa con nuôi... Đôi khi chỉ là một món quà nhỏ con người trao nhau hay “một chút âu yếm, một chút tình thương”, nhưng ở đó, như lời một nhân vật của Nguyên Hương đã nói: “Những ai biết yêu thương sẽ sống đẹp hơn”. Phan Thị Vàng Anh có cách viết thật dung dị, khai thác những tình huống đời thường. Sự thấu hiểu sâu sắc tâm lý con người, nhất là giới trẻ, cách kể chuyện tự nhiên, đan xen tài tình giọng kể và tả, các bình luận ngoại đề đã tạo ra nhiều trang văn vừa giàu tính triết lý, vừa giàu chất trữ tình cuốn hút (Khi người ta trẻ, Chuyện trẻ con, Phục Thiện, Cha tôi, Mười ngày…). Quế Hương, cũng là một nhà văn nữ gốc Huế, sống ở Đà Nẵng. Những câu chuyện của chị thường là những câu chuyện buồn nhưng ấm áp, xuất phát từ nguồn mạch yêu thương, sự cảm thông (Câu hát tìm nhau, Phố Hoài, Tịnh Tâm viên, Cội mai lưu lạc, Trần gian có mưa...). Đúng như nhận xét của một nhà nghiên cứu: “Văn Quế Hương tinh tế mà giản dị, sắc sảo mà dịu mát. Không thể tìm thấy trong văn Quế Hương vẻ gay gắt, quyết liệt. Đó là một thế giới hài hòa, hài hòa ngay cả từ sự đổ vỡ. Không có sự bất hạnh nào không có lối thoát. Không có nỗi buồn nào không thể cảm thông. Như dòng Hương, như nhà vườn, như điệu Nam ai, Nam bình, như tiếng dạ thưa của người con gái Huế… bảng lãng trong rất nhiều sáng tác của chị”[7] .
Theo chúng tôi, trên đây là những nhà văn mà ở đó xu hướng trữ tình bộc lộ khá sâu đậm. Không phải ngẫu nhiên mà họ gặp nhau những điểm chung: đề cao tình người, sự sẻ chia; phát hiện vẻ đẹp của những con người bình dị, vô danh, trong đó hình tượng người phụ nữ thường được quan tâm đặc biệt; ca ngợi sức sống, sự vươn lên của con người, nhất là những con người bé nhỏ, thua thiệt…
Bên cạnh cách xử lý chất liệu hiện thực là cách sáng tạo hình thức truyện ngắn. Những truyện ngắn giàu chất trữ tình thường có hiện tượng mờ hóa cốt truyện, nhiều lúc truyện chỉ là những dòng tâm trạng chắp nối, lồng ghép (Hương khúc nếp cuối cùng, Chiều hoa tầm xuân, Cô tôi... của Nguyễn Quang Thiều, Cải ơi, Nhà cổ, Chuồn chuồn đạp nước... của Nguyễn Ngọc Tư, Nàng công chúa lạc loài, Chiếc phong linh, Biển đời người, Chuyện cũ ở quê nhà…của Trần Thùy Mai, Chuyện trẻ con, Phục thiện, Khi người ta trẻ... của Phan Thị Vàng Anh...). Đi liền với nó là sự đào sâu vào thế giới bên trong, thế giới nội tâm. Từ thế giới bên trong đầy phức tạp ấy, các nhà văn biết lọc ra phần sâu thẳm đầy chất nhân văn của con người. Đó cũng là cách mà nhiều nhà văn lớp trước như Nam Cao, Nguyên Hồng, Thạch Lam... đã đi. Truyện ngắn hôm nay, trên nền một hiện thực mới, vừa biết nối tiếp truyền thống, vừa có những sáng tạo, cách tân. Nguyễn Quang Thiều thể hiện dòng nội tâm với những đan xen giữa hiện tại và những hoài niệm khắc khoải về quá khứ, kết hợp hài hòa thực - ảo. Trần Thùy Mai có nhiều trang phân tích tâm lý tinh tế, đào sâu vào những uẩn khúc, những eo le trong sâu thẳm tâm hồn con người, đặc biệt là người phụ nữ, trong đó ở nhiều nhân vật luôn toát lên vẻ đẹp trong trẻo, đằm thắm của nền văn hóa Huế. Nguyễn Ngọc Tư thấu hiểu và có nhiều trang miêu tả thành công bản tính người dân Nam Bộ thích tự do, phóng khoáng, sống hài hòa với thiên nhiên. Nguyên Hương có những truyện nhập thân vào nỗi lòng những con người sống nơi cao nguyên, những kẻ thua thiệt, cô đơn, những trẻ em nghèo. Ngoài sự chú trọng phân tích tâm lý, những hình ảnh biểu tượng, cách tạo không khí của câu chuyện cũng góp phần tạo ra chiều sâu của chất trữ tình. Nếu như trong quá khứ chúng ta đã có hình ảnh một phố huyện nghèo, một đoàn tàu đầy ám ảnh trong văn Thạch Lam, hình ảnh một ga xép buồn thảm, một làng quê Mỹ Lý đang rạn vỡ trong văn Thanh Tịnh thì hôm nay, người đọc cũng khó quên một mùa hoa cải vàng bên sông, một “làng Chùa” với những bến sông, cổng làng, bờ đê, ruộng lúa… trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều; hình ảnh những dòng sông, kênh rạch, những “cánh đồng bất tận” với đàn vịt chạy đồng, con thuyền lang thang giữa mênh mông trời nước trong truyện Nguyễn Ngọc Tư hay hình ảnh những đền đài, lăng tẩm, dòng sông Hương thơ mộng, ánh trăng vừa mơ màng vừa man dại trong nhiều truyện ngắn của Trần Thùy Mai…Giọng điệu khi thủ thỉ tâm tình, khi ngọt ngào đằm thắm, khi hoài niệm xót xa được sử dụng biến hóa, linh hoạt, cách dùng những câu văn giàu nhịp điệu, giàu tính từ miêu tả trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh… cũng góp phần tạo ra màu sắc trữ tình. Vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập sâu hơn trong một bài viết khác.
4. Văn chương nói chung, truyện ngắn nói riêng có nhiều con đường để thu hút độc giả. Gia tăng yếu tố trữ tình là một trong những con đường đó, dù đây là con đường phù hợp với tâm lý tiếp nhận và truyền thống văn chương người Việt. Ngay trong văn học 1930-1945 - giai đoạn phát triển sôi động của truyện ngắn, bên cạnh dòng truyện ngắn trữ tình của Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Đỗ Tốn, Xuân Diệu…, người đọc cũng thích thú với các truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan, các truyện ngắn giàu chất hiện thực của Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài hay các truyện trinh thám, kỳ ảo của Thế Lữ, Lan Khai. Việc nhấn mạnh xu hướng trữ tình nổi trội của những cây bút nêu trên không có nghĩa cho rằng chất trữ tình - ở những mức độ khác nhau, không phải không hiện diện ở các nhà văn khác, kể cả các cây bút có thế mạnh phơi bày mặt trái của hiện thực như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban... Chúng tôi cũng chưa đủ cơ sở để khẳng định rằng dòng mạch trữ tình này là dòng chính trong truyện ngắn của thế hệ sau 1975. Nhưng chắc chắn những cây bút này đã tiếp nối và làm phong phú thêm mạch ngầm trữ tình trong văn xuôi Việt Nam hiện đại và làm cho bức tranh truyện ngắn thêm khởi sắc, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng đa dạng, nhiều chiều của người đọc.
"Nguồn: In trong cuốn Thế hệ nhà văn sau 1975 (kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức ngày 18/4/2016), NXB Hội nhà văn, 2016)”
[1] Bùi Việt Thắng: Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, (tái bản), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011, tr.338
[2] Bùi Việt Thắng: Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, Sđd, tr.291
[3] Vương Trí Nhàn, Sổ tay truyện ngắn, Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2001, tr.193.
[4] Bùi Việt Thắng: Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, Sđd, tr.295.
[5] Nguyễn Đăng Mạnh, Nhà văn Việt Nam hiện đại, chân dung và phong cách, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2000, tr.255.
[6] Nguyễn Tham Thiện Kế: Chiếc bình rượu của Nguyễn Quang Thiều, nguồn: http://ww.nico-paris.com
[7] Đoàn Ánh Dương: “Thay lời giới thiệu”, trong Quế Hương: Đóa hoa không gai và con cừu không rọ mõm (truyện ngắn chọn lọc), Nxb Phụ nữ, 2010, tr.6.