Chuyện văn chương

23/7
8:03 AM 2016

Cỏ non làm nên văn hiệu

Kỷ niệm 85 năm sinh nhà văn Hồ Phương (1931-2016)

                                                                                                   Nhà văn Hồ Phương

 Nhà văn Hồ Phương tên khai sinh là Nguyễn Thế Xương, sinh năm 1931, quê gốc Hà Đông, nhưng lớn lên học trung học ở trường Bưởi, nay là trường Chu Văn An, Hà Nội. Hồ Phương là nhà văn trưởng thành từ phong trào Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của Thủ Đô Hà Nội, trong 60 ngày đêm giữ chân quân Pháp để cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến, khi ông vừa tròn 17 tuổi. Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, ông trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn trong biên chế quân số của Đại đoàn Quân Tiên phong Anh hùng- Đại đoàn 308. Và hình như ông là nhà văn hiếm hoi có mặt ở cả hai thời khắc quan trọng của lịch sử dân tộc: Chiến dịch Điện Biên phủ- 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh- 1975. 

*

Truyện ngắn đầu tay về bộ đội Thư nhà được ông viết từ năm 18 tuổi. Sau đấy một năm, Hồ Phương được giao phụ trách một trong những tờ báo đầu tiên của Quân đội là báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308. Sau hòa bình lập lại, 1955, ông về công tác tại Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân VN. Năm 1957, Hồ Phương tham gia thành lập tạp chí Văn nghệ Quân đội và trở thành cán bộ lãnh đạo của tạp chí này. Ông đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minhvề Văn học- Nghệ thuật, 2012  cho các tác phẩm Ngàn dâuNhững cánh rừng lá đỏ.

Lưng vốn văn chương của nhà văn Hồ Phương khá đầy đặn với số đầu sách bằng đúng hai số đuôi năm sinh của ông, 31. Và từ năm 2007, sau khi cho ra mắt tiểu thuyết Cha và con, mọi người thấy ông nghỉ giải lao hơi lâu. Có người bảo ông đang chuẩn bị cho ra một bộ trường thiên tiểu thuyết thì phải, vì sức của ông xem ra vẫn còn vượng lắm, dáng cao to, vẫn đi lại, nói năng bình thường của người tuổi ngoài 80 hay là ông đang viết hồi ký để gửi lại hậu thế, không biết thực hư thế nào? Hồ Phương viết nhiều thể loại văn xuôi như: truyện, truyện ngắn, ký sự, tiểu thuyết, ghi chép,... Sau Thư nhà, có thể do cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào thời kỳ cam go và quyết liệt hơn, không cho anh lính Hồ Phương nhiều thời gian để sáng tác. Vì thế, bẵng đi một thời gian khá dài từ 1948 đến sau khi hòa bình lập lại 1955, ông mới cho ra đời tiếp Vệ út (Truyện, 1955), Vài mẩu chuyện về Điện Biên (Truyện, 1956), Lá cờ chuẩn đỏ thắm (Truyện, 1957). Lúc này ông không còn ở dưới đơn vị chiến đấu nữa, mà đã chuyển lên công tác trên cơ quan Tổng cục Chính trị.

Nhưng phải đến truyện ngắn Cỏ non (1960), truyện được Giải thưởng báo Văn nghệ, công chúng mới biết đến một Hồ Phương là nhà văn đích thực bên cạnh một Hồ Phương là sĩ quan Quân đội nhân dân. Trước đấy những truyện của ông còn sơ lược, từ kết cấu, cốt truyện, đến hình tượng, ngôn ngữ,... nên đã nhanh chóng trả lại cho tác giả của nó. Mặc dù sau Thư nhà (1949) một số người đã gắn danh hiệu văn chương cho ông.

Theo ông thì từ thời đi học đã cầm bút viết văn, từng viết cho tờ báo dành cho thiếu nhi. Truyện ngắn Tiếng kèn gọi lính từng đoạt giải thưởng… Kháng chiến bùng nổ, vào bộ đội, ông bắt đầu tham gia viết bài cho các phụ san của đơn vị... Truyện Lưỡi mác xung kích, in trên tạp chí Văn nghệ năm 1948 khi mới 17 tuổi như một cái mốc đánh dấu sự tham gia của ông  vào đời sống văn nghệ kháng chiến…  

Nhân vật Nhẫn trong Cỏ non, chính là hình ảnh những anh bộ đội sau khi vượt qua bao gian khổ, hy sinh, đánh giặc xong, lại tất tửi bắt tay lao vào làm kinh tế, phát triển đất nước. Đây là một truyện ngắn khá đẹp, dễ đọc, dễ hiểu vì nhà văn Hồ Phương viết theo lối tả chân, như viết gương người tốt việc tốt, có nguyên mẫu nhân vật hẳn hoi, phần hư cấu chỉ là thêm mắm, thêm muối đưa đẩy cho mạch văn  trôi chảy. Vào thời điểm ấy, văn chương ta không có nhiều truyện ngắn như Cỏ non nên truyện của ông được giải cũng là điều dễ hiểu. 

Ông nhớ lại đại ý: Ngày ấy ông công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, thường được cử về các đơn vị viết bài. Lần ông đi công tác qua đoạn cánh đồng gần đường Hòa Lạc bây giờ, giữa trưa, nắng như đổ lửa, cháy da cháy thịt, ông bắt gặp một cảnh tưởng không thể nào quên. Ấy là khi ông đang ngồi nghỉ trốn nắng dưới gốc cây ven đường chợt nghe có tiếng người hô rất dứt khoát: Họ… Đứng lại! Đứng. Cái thằng kia, bố láo, vô kỷ luật, đứng lại. Bắn bỏ giờ, đứng lại!. Cứ thế tiếng hô cứ lặp đi lặp lại. Ông thầm nghĩ, giữa đồng không cháy nắng thế này không biết anh bộ đội nào hô hoán gì không biết. Đang thắc mắc thì bỗng nghe rộ lên những tiếng rào rào xung quanh, quay sang nhìn thì thấy bao nhiêu là bò.

Sau khi nghe khẩu lệnh tập hợp quân của người chăn, đàn bò đang chạy tung tóe bỗng về vây quanh anh bộ đội, như những người bạn thân thiết. Còn anh bộ đội thì người lấm lem vì than lá cỏ gianh vừa đốt bên kia cánh đồng.

Nhìn anh bộ đội ấy, ông thấy thương lắm. Giầy thì rách thòi cả mười đầu ngón chân ra ngoài, đầu đội một chiếc mũ nan cũng rách khiến tóc trên đầu vẫn bay tự do ngoài chiếc mũ anh đội. Nhưng khuôn mặt anh tươi vui, nụ cười vô tư, lạc quan đến lạ thường. Nhìn anh, ông cảm thấy mình quá sung sướng.

Chính anh bộ đội chăn bò nói một câu như khắc vào xương cốt, chẳng bao giờ ông quên: Tôi không có tiền của, không có cả học vấn, bằng cấp nhưng tôi có lòng yêu nước. Nước có giặc tôi đã đánh giặc, giờ hết giặc thì đi chăn bò cho nhà nước cũng coi như là yêu nước vậy. Trong khi đó có những người trong chiến tranh lang bạt, lẩn khuất, trốn tránh tận đẩu tận đâu không biết, nhưng khi hòa bình vừa mới trở lại đã thấy những người ấy có mặt ở Hà Nội, rồi trở thành những ông nọ bà kia. Còn những người chiến đấu vì độc lập tự do cho chính các vị ấy hưởng thì lại trở về quê... chăn bò. Âu đấy là chuyện không phải hiếm ở đời này, thậm chí còn có những chuyện động trời hơn gấp hàng trăm, nghìn lần như thế, mà người ta vẫn phải chấp nhận, sống cho qua ngày.

Ông còn cho biết: cho đến tận bây giờ người có tên là Hồ Giáo tôi còn chưa biết mặt, chưa gặp và tiếp xúc với anh ấy lần nào thì sao anh có thể nhảy vào truyện của tôi đượcNguyên mẫu nhân vật anh Nhẫn chăn bò trong truyện ngắn Cỏ non của tôi không cụ thể là ai, càng không phải anh Hồ Giáo mà là tất cả những người chăn bò bình thường trên đường tôi đi công tác bắt gặp.

Nhưng chỉ biết đấy là nguồn cơn, là sự gợi ý của cuộc sống để nhà văn Hồ Phương viết nên truyện ngắn Cỏ non, chứ không phải nguyên mẫu là Anh hùng lao động Hồ Giáo như bấy lâu này người ta vẫn nhầm tưởng. Bởi lẽ theo nhà văn Hồ Phương thì sau khi truyện ngắn Cỏ non của ông ra đời 5 năm thì anh Hồ Giáo mới được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Và cũng từ đấy mọi người mới biết đến người anh hùng chăn bò Hồ Giáo ở nông trường Ba Vì, còn nhân vật Nhẫn thì mọi người đã biết từ trước.

*

Tôi chưa bao giờ nói chuyện trực tiếp với nhà văn Hồ Phương ở ngoài đời, nhưng đã từng gặp ông ở một vài cuộc họp, hội nghị, hội thảo, lễ tưởng niệm một nhà văn nào đấy quá cố,... do Hội Nhà văn tổ chức. Ông có vầng trán cao, tóc đã bạc, ngồi nghiêm nghị, tư lự trong bộ thường phục như bao người. Người lạ khó có thể biết đấy là một vị tướng. Ông kiệm lời, đúng tư cách của một vị tướng hơn là một nhà văn. Vì không ít các nhà văn đến những chỗ như thế thường chụm đầu lại với nhau rủ rỉ bàn bạc, phân bua những chuyện chỉ có Chúa mới biết, làm cho không khí trong phòng vừa ong ong, giống như đến gần một chợ phiên ở vùng quê buổi sáng, lại vừa vừa chật chội chẳng khác nào tan một buổi xem phim. Thi thoảng có ai hỏi ông điều gì, ông cũng nói rất nhỏ, chỉ đủ cho người bên cạnh nghe, không gây ồn, làm mất trật tự nơi khán phòng. Qua cách ứng xử nơi công cộng như vậy, chứng tỏ ông giống như một người công chức từng trải, nhưng rất có văn, luôn biết tôn trong người khác. 

Sau khi tan họp, ông từ tốn xách cặp xuống cầu thang ra về. Nhìn dáng một người to cao, chầm chậm bước từng bước chắc chắn ra phía cổng, dù không biết nhiều về tướng số, nhưng theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nghiệm thấy những người dù còn trẻ hay đã có tuổi mà chậm rãi, từ tốn thường có khả năng đi xa cả về tuổi thọ lẫn công việc. Những nhà văn cùng lứa với Hồ Phương như: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Thu Bồn, Hữu Mai rồi Dũng Hà…đều đã về cõi vĩnh hằng, chỉ còn lại một mình Hồ Phương độc hành trên con đường văn chương. Có lần ông nói đùa: Hình như trời bỏ sót tôi. Vâng! Đúng là trời bỏ sót, vì ông không vội vã bất cứ điều gì, không thích làm xáo trộn, thay đổi, ai ngồi đâu cứ ngồi yên đấy, tất cả đã được Chúa an bài. Thậm chí ông còn là người thích sống chậm trong một thế giới quay cuồng, đổi thay đến chóng mặt. Nhất là từ khin bắt đầu thời kỳ đổi mới đến nay, cuộc sống nói chung và đời sống văn chương nói riêng có biết bao biến động. Nào là khuynh hướng sáng tác, nhân vật chính, văn chương trung tâm và văn chương ngoại biên, hình thức biểu đạt, đổi mới và cách tân, chủ nghĩa này, học thuyết kia, khái niệm này, quan điểm nọ,…thôi thì rối mù hết cả lên. Nếu ai không kiên định quan niệm văn chương và khuynh hướng sáng tác của mình rất dễ chao đảo, thậm chí còn phải gác bút, bỏ cuộc chơi ở làng văn. Nhưng lạ thay những điều ấy dường như không mấy làm cho nhà văn Hồ Phương xuy xuyển, trái lại ông vẫn trung thành với những gì mà mình đã chọn.     

Có người bảo, sở dĩ văn của Hồ Phương nhiều người thích đọc vì nó chân chất, mộc mạc, không ùng oàng hay vội vã, rất gần gũi đời sống thực. Những trang văn của ông trong trẻo và ấm áp. Những tình tiết, nhân vật trong truyện đều là những gì mà ông từng mắt thấy, tai nghe rồi viết lại. Chẳng thế mà nhiều tác phẩm của ông đã nhiều năm được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường như: Thư nhà, Cỏ non, Khi có một mặt trời,…

Đối với những nhà văn từng trải qua hai cuộc trường chinh của dân tộc và có cái tạng như Hồ Phương, có lẽ, sự trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng, con đường văn chương phục vụ cách mạng mà mình đã chọn, thì sự lao động cần cù, tỉ mẫn giống như những người thợ kim hoàn, ắt sẽ làm nên một cái gì đó. Họ đến với văn chương như đi trên một con đường nhựa rải bê tông affa phẳng lì, cứ thế mà tiến tới rồi thành công. Ông và không ít người cầm bút cùng thế hệ không phải quằn quại đau đớn tìm đường đến với cách mạng và văn chương. Đường cách mạng đã có Đảng. Còn văn chương cứ viết phục vụ cách mạng là xong béng, không cần phải lăn tăn. Lực lượng chủ yếu của cách mạng là công- nông- binh. Vậy thì cứ viết phục vụ lực lượng này là khỏi lo sai đường, chệch hướng. Bởi lẽ dân số Việt Nam có đến trên 95% là công- nông- binh, chỉ còn lại một bộ phận rất nhỏ, không đáng kể là trí thức, tiểu tư sản. Vậy thì cần gì phải sáng tạo ra cái mới. Cứ những con người công- nông- binh ở ngoài đời bê vào, thêm vài câu đưa đẩy là thành truyện ngắn hay tiểu thuyết.

Cảm hứng chủ đạo và mạch văn cơ bản của Hồ Phương là tụng ca quê hương, đất nước và những con người ngày đêm đang ngày sống, chiến đấu bảo vệ tổ quốc và lao động dựng xây đất nước. Cuộc sống hôm nay còn biết bao điều ngang trái và bất công, xã hội còn nhiều tệ nạn cần phải lên án. Ông biết rõ điều ấy. Nhưng dường như ông không thể trở thành một Hồ Phương khác như người đồng chí cùng ở Nhà số 4 với ông là Nguyễn Minh Châu. Trái lại, ông vẫn luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp ở phía trước, vẫn luôn tin yêu vào những nét đẹp trong mỗi con người, trong cuộc sống.        

Trong ông có một niềm tin mãnh liệt rằng viết về những đau thương của ngày hôm nay cũng là cách đặt niềm tin vào một ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Rằng cuộc đời này rồi sẽ không có đất cho sự xảo trá, thói vênh váo, những kẻ dị hợm hay những tay đạo đức giả; rằng mỗi sớm mai nay khi bước chân xuống phố hay về những vùng quê toàn gặp những ánh mắt, nụ cười thân thiện; rằng ngày mai sự lạnh lùng đến vô cảm của những con người đang tập tọng làm kinh tế thị trường và học đòi lối sống phương Tây cách đây hàng thế kỷ sẽ không còn nữa. Và rằng,…

Nhưng như vậy liệu có là một người bảo thủ hay chí ít cũng là ảo tưởng. Có lẽ cuộc đời quá ưu ái và mơn trớn với những người như Hồ Phương, khiến các ông khó có thể nào nhận ra những khoảng tối, góc khuất tất của cuộc đời này. Mà dù có nhận ra nó trong cuộc sống đời thường cũng nhất thiết không thể nhảy vào tác phẩm của các ông được. Với các ông, dường như thế giới của những sinh vật cao cấp mà người ta quen gọi là CON NGƯỜI là một màu hồng rực rỡ, cứ thế mà yêu, mà say, mà ngợi ca, mà chiến thắng. Thế nhưng sẽ chẳng có ngày mai nào tốt đẹp, nếu hôm nay chúng ta không dám đứng lên đấu tranh loại bỏ những nhơ nhuốc, những cái xấu xa đang hàng ngày, hàng giờ gặm nhấm nốt chút thiệm tâm cuối cùng còn sót lại đâu đó trong mỗi con người chúng ta. Điều này có vẻ như xa lạ với Hồ Phương./.

ĐỖ NGỌC YÊN

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *