Tác phẩm và dư luận

11/10
4:12 PM 2016

CẤU TRÚC NGÔN NGỮ VÀ CẢM GIÁC THẨM MỸ

“Nói về người lãnh đạo đầu tiên của tổ bộ môn Ngôn ngữ học, khoa Văn, ai cũng nhớ tới Phó giáo sư Phan Ngọc. Đó là một người thông minh nổi tiếng, nhưng số phận lại không chiều”-Hữu Đạt

CẤU TRÚC NGÔN NGỮ VÀ CẢM GIÁC THẨM MỸ - PGS. PHAN NGỌC
 

"Kính tặng hương hồn thân phụ"

 

... 10. Ngày thầy tôi làm ở bộ Lại có tham dự vào việc làm câu đối của đồng châu Nghệ Tĩnh viếng Nguyễn Phong Di. Ông này người Nghệ Tĩnh trước theo cụ Phan Bội Châu sang Nhật, sau về đầu thú, thi đỗ đình nguyên, làm quan rồi chết. Đồng châu Nghệ Tĩnh trong đó có năm ông đại khoa họp nhau làm đôi câu đối viếng. Cái khó là đã viếng thì phải khen ngợi và tỏ lòng thương xót. Nhưng làm sao có thể khen một người đầu thú? Vậy phải viếng một đôi câu đối mà hiểu là khen cũng được để đúng luật chơi, thà hiểu là chê cũng ổn. Do đó vế ra phải rất bình thường "Một nén hương đưa người chí sĩ". Chỉ nói là "người" không nói là "nhà" tức là không khen, tuy có vẻ khen. Câu này là "xôi chè" các cụ tán thành ngay. Các cụ chỉ bàn về vế dưới. Ba bốn vế đưa ra đều bị bác. Cuối cùng ai cũng phải thừa nhận vế này là tuyệt hay "Trăm năm còn mãi tiếng đình nguyên". Nó phi thường ở chữ "tiếng". Chữ này lập tức nhắc đến cái chết do câu tục ngữ "Trâu chết để da, người ta chết để tiếng", tức là người chết không phải bình thường mà có để tiếng lại. Nó lại có hai nghĩa, hiểu là "danh tiếng" cũng được, mà hiểu là "tai tiếng" càng hay. Do áp lực của cấu trúc, khi "tiếng đình nguyên" là tai tiếng thì "người chí sĩ" tức khắc thành "người đầu thú". Các cụ tranh luận hàng giờ mới tìm được chữ "tiếng" làm mọi người thỏa mãn. Rõ ràng cái đẹp là khách quan và có ngữ pháp của nó.

Câu đối Yên Đỗ làm đùa một anh bạn, bóp vú một cô gái bị cô réo cha ông ra mà chửi cũng làm theo kiểu này:

Con cháu nâng niu đôi oản bụt,
Cha ông lừng lẫy tám phương trời.

Dùng chữ "nâng niu đôi oản bụt", để long trọng hóa một hành động nghịch ngợm đã là hay, nhưng dùng chữ "cha ông lừng lẫy" thì thực là tuyệt.

Anh Nguyễn Tuân trong "Những chiếc ấm đất" có nhắc đến đôi câu đối của ông Tú Hải Văn đề ở ngoài cổng:

Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu;
Ta trồng cây cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai.

Cũng là một đôi câu đối hay, khẳng định thái độ vui với cuộc sống thanh đạm chứa đựng cái đẹp cao quý.

Khi ta có được một đôi câu đối hay, thực không có một tác phẩm nghệ thuật nào sánh nổi với nó về sự ngắn gọn, súc tích, ý tứ sâu xa và những quan hệ kín đáo giữa người tặng với người được tặng.

11. Khi dạy tôi về câu đối, thầy tôi có đọc cho tôi hàng chục câu đối hay của mình bằng chữ Hán và nói thầy tôi mơ ước trong đời làm cho kỳ được một đôi câu đối bất tử mà chịu. Thầy tôi lại đọc cho tôi trên một chục câu đối bất tử bằng chữ Hán. Tôi ngạc nhiên tại sao tất cả đều là những câu đối rất gần đây, từ thời Đông Du trở lại. Thầy tôi trả lời buồn rầu:

- Không biết nữa. Trước đó cậu không thấy có câu đối bất tử. Phải có thời, có người, có cảnh hết sức hiếm có mới có nổi câu đối bất tử.

- Cậu có biết câu đối nôm nào thuộc loại bất tử không?

- Chỉ có ông thánh câu đối Yên Đỗ mới làm nổi, và làm được nhiều câu mới khiếp chứ!

- Thí dụ đôi câu đối này của cụ Yên Đỗ (thầy tôi không bao giờ gọi tên) viết hộ người vợ thợ nhuộm khóc chồng.

Thiếp từ lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc con đen, điều dại, điều khôn nhờ bố đỏ;

Vế trên như thế là cực "hiểm". Năm màu thợ nhuộm, sáu chữ cùng âm lại nói đến người chồng và cảnh vợ chồng đoàn tụ. Viết như thế còn cách nào mà đối được nữa. Nhưng vế dưới mới vô song:

Chàng ở suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh.

Lại năm màu thợ nhuộm, sáu chữ cùng âm. Mà nói đến cảnh thực vợ giờ còn trẻ, con thơ dại. Chữ gì cũng có thể đoán được. Đến chữ tím gan tím ruột thì phải nói là thần bút.

Sau này tôi tự lý giải tại sao chữ tím là thần bút. Bởi vì nó chỉ một cơn giận (bầm gan tím ruột) nung nấu suốt đời không cách nào vơi được. Vế dưới là vô song vì nó trữ tình tột bực. Nếu không có chữ tím này câu đối vẫn hay nhưng chưa bất tử bởi vì chỉ cần chữ này thôi đã thâu tóm hết cả cảnh ngộ của người vợ trẻ chết chồng. Rõ ràng cái linh diệu của nghệ thuật là quan hệ hóa được.

12. Sau khi đã đứng ở khía cạnh thức nhận xét chơi chữ nói chung và chơi chữ trong câu đối nói riêng, ta có điều kiện để xét cấu trúc của cách chơi chữ bằng từ đồng âm. Cách này biểu hiện dưới hai hình thức:

a) Hình thức xuôi: Da trắng vỗ bì bạch

b) Hình thức nói lái: Con cá đối nằm trong cối đá
Trái cam tươi rớt xuống cươi tam.

Để cho chặt chúng tôi chỉ xét hiện tượng đồng âm toàn phần mà không xét cái hiện tượng đồng âm bộ phận như:

a) Lặp lại phụ âm đầu:

Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế;
Hội hè hòng hí hửng, hỏi han hàng họ hẳn hay ho.

b) Đọc xuôi ngược chữ Hán và chữ Nôm. Thí dụ câu đối của Yên Đỗ đọc xuôi là câu rất nghiêm chỉnh để mừng đám cưới:

Oanh đề phượng ngữ nghinh hoa trướng (oanh hót, phượng nói, đón trướng hoa);
Nhạn vũ loan phi phất cẩm đình (nhạn múa, loan bay, lay bình phong gấm).

Nhưng đọc ngược theo chữ nôm lại là một câu đối rất nghịch ngợm:

Bình gấm phất phơ, oanh mó (sờ) nhạn;
Trướng hoa nghiêng ngửa phượng đè loan.

12. Bây giờ ta theo dõi các thao tác của chơi chữ trong câu đối.

1- Thao tác đầu tiên là tháo, tức là các âm tiết đều phải được xem là những từ đơn tiết bất kể nguồn gốc ở đâu: các kết hợp bì bạch, lâm thâm, bọ hung, hồi hương, phụ tử trong các câu đối trên đều bị tháo tung ra thành từ đơn tiết dù cho về lý luận có thể cho là từ đa tiết;

2- Thao tác thứ hai là đối ứng theo loại, tức là danh từ đối ứng với danh từ, động từ, tính từ, hư từ đều thế;

3- Thao tác thứ ba là đối ứng theo bằng trắc, ở cuối mỗi nhịp, chữ trên bằng thì chữ dưới trắc;

4- Thao tác thứ tư là đối ứng cùng kiểu, thí dụ:

Thủ thỉ chén đầu lợn;
Hung hổ vỗ bụng hùm.

Thủ thỉ ở trên là láy âm, đồng âm với từ Hán-Việt, thủ là đầu, thỉ là lợn. Vậy ở vế dưới cũng phải cùng kiểu: hung hổ là láy âm đồng âm với từ Hán-Việt hung là bụng, hổ là hùm.

Năm thao tác có thể thêm và bớt, khi từ chơi chữ là Hán-Việt thì thêm một thao tác thứ sáu là dịch, tức là nghĩa từ Hán-Việt được dịch ra từ thuần Việt ở ngay vế đối: thí dụ nghĩa của bì bạch đã nằm ngay trong câu "Da trắng vỗ bì bạch". Thao tác tháo có thể bớt đi khi bản thân cái câu chỉ gồm những từ đơn tiết, thí dụ:

Chuồng gà kê áp chuồng vịt;
Cá giếc tức phường cá mè.

Nhưng điều này không hề bác bỏ số lượng của thao tác mà càng khẳng định tính khách quan của các thao tác.

13. Sự phân tích trên đây chứng minh hai điều rất quan trọng của phong cách học cấu trúc.

1- Mỹ cảm trong chơi chữ là kết quả của 6 thao tác đối lập của trí tuệ, không có sự tham dự của trí tưởng tượng, trực giác, cảm xúc. Chỉ cần một thao tác thất bại là mỹ cảm tan vỡ.

2- Các thao tác hiển nhiên như vậy phải có những tiền đề khách quan. Tức là khách quan mà nói tiếng Việt tách ra thành âm tiết, chia thành loại, các thanh điệu phân ra hai nhóm bằng và trắc, các kết hợp làm thành ba lớp (thuần Việt, Hán-Việt, láy âm). Và ta có thể dự kiến các tiền đề khách quan này sẽ xuất hiện ở mọi biện pháp nghệ thuật của tiếng Việt, đâu chỉ ở chơi chữ.

14. Bây giờ để chứng minh tính khách quan của mỹ cảm ta chỉ cần khảo sát vài kiểu từ đồng âm có thể có. Khi ta đã thừa nhận trong tiếng Việt có 3 lớp từ là thuần Việt, Hán-Việt và láy âm thì về mặt lý thuyết tối đa chỉ có thể có 6 kiểu từ đồng âm là:

1- Thuần Việt đồng âm với Thuần Việt
2- Thuần Việt đồng âm với láy âm
3- Hán Việt đồng âm với thuần Việt
4- Hán Việt đồng âm với Hán Việt
5- Hán Việt đồng âm với láy âm
6- Láy âm đồng âm với láy âm.

Nói khác đi, không tài nào tìm ra 7 kiểu từ đồng âm, còn nếu thiếu đi 1 kiểu thì cái chỗ thiếu đó phải có lý do về cấu trúc chứ không phải cứ tự nhiên mà thiếu đi. Và khi tình trạng này là hiển nhiên không cách nào bác bỏ được thì phải thừa nhận từ đồng âm Việt Nam có cấu trúc hết sức độc đáo không lặp lại ở một ngôn ngữ thứ hai cũng như ngữ âm tiếng Việt có cấu trúc riêng không lặp lại ở một ngôn ngữ khác.

15. Trước khi đi vào cấu trúc từ đồng âm, phải xét từ đồng âm ở góc độ thức nhận chung cho mọi ngôn ngữ bởi vì không làm thế thì cách trình bày còn có vẻ ngẫu nhiên. Tôi đánh bài ngửa để chứng minh tôi có tìm được cái gì đó là nhờ phương pháp chứ thực tình chẳng có gì may mắn về học vấn và sự tế nhị.

Mọi ngôn ngữ đều có từ đồng âm do đó có cách chơi chữ bằng từ đồng âm. Lý do là vì vỏ ngữ âm của từ là võ đoán không liên quan gì với nội dung cả. Vậy cùng một nội dung có thể có hai, ba hình thức diễn đạt, tức là có hai ba từ đồng âm. Và khi đã có hai ba từ đồng âm thì một từ có thể hiểu hai ba cách do đó có chơi chữ. Nhưng thực ra hiện tượng từ đồng âm chỉ phổ biến ở các từ một hai âm tiết mà thôi mà rất hiếm ở các từ từ ba âm tiết trở lên. Lý do này là do cấu trúc ngôn ngữ. Chỉ có các từ một hình vị thì mới võ đoán còn đã có hai hình vị thì tính võ đoán nhường chỗ cho tính có căn cứ (motive). Mà các từ một hay hai âm tiết thì mới có thể chỉ có một hình vị. Từ ba âm tiết trở lên thì đã gần hai hình vị trở lên rồi cho nên khả năng đồng âm rất hiếm. Mặt khác, ở các ngôn ngữ đơn tiết như tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Thái thì số lượng từ đồng âm phải lớn hơn ở các ngôn ngữ đa tiết, do đó khả năng chơi chữ bằng từ đồng âm dồi dào hơn và lôi cuốn được toàn dân hơn. Tôi cố tình không đưa ra một thí dụ nào hết để chứng minh phương pháp diễn dịch dựa vào cấu trúc thực sự là một chỗ dựa rất quan trọng cho nhà ngôn ngữ học. Mendeleev đã thành công trong hóa học hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Nắm phương pháp này, ta hãy kiểm tra các kiểu từ đồng âm xem.

16. Kiểu thứ nhất, từ thuần Việt đồng âm với từ thuần Việt.

Nói đến cấu trúc là nói đến cấp độ, tức là có cái chính cái phụ. Tuy về lý thuyết có thể có 6 kiểu từ đồng âm nhưng một khi tiếng Việt đã là đơn tiết thì chắc chắn hiện tượng đồng âm giữa từ thuần Việt với từ thuần Việt phải là cơ bản nhất tức là quen thuộc nhất, dễ làm nhất, tần số xuất hiện nhiều nhất làm cơ sở cho mọi hiện tượng đồng âm khác.

Khi từ đồng âm xuất hiện từ hai từ trở lên sẽ có hai khả năng: a) các từ này làm thành hệ thống thuộc một lĩnh vực riêng liên quan tới chủ đề cần biểu hiện. Lúc đó trình độ chơi chữ càng cao.

1- Xuất hiện không thành hệ thống:

1 lần: Ngói đỏ lợp nghè (nhà ngói), lớp trên đè lớp dưới:

Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên. (Khi mới đỗ cử nhân, tức là ông cống, Yên Đỗ làm câu đối này mừng một ông tiến sĩ, tức ông nghè).

2 từ: - Ruồi đậu mâm xôi, mâm xôi đậu,
            Kiến  đĩa thịt, đĩa thịt .

3 từ: - Con ngựa đá con ngựa đácon ngựa đá không đá con ngựa;
            Thằng mù nhìn thằng mù nhìnthằng mù nhìn không nhìn thằng mù.

2- Xuất hiện thành hệ thống.

4 từ: - Trời mưa đất thịt trơn như mỡ,
             đến hàng nem chả muốn ăn (= các thức ăn).

Dẫu sao chỉ vế ra chưa ai đối được.

            - Gái tơ chỉ kén ngài (người) quân tử (thuật ngữ tơ tằm).

3 từ: - Nhà cửa lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp?
            Công việc đành bỏ , vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi.

(Yên Đỗ làm hộ vợ người thợ rèn khóc chồng).

17. Kiểu thứ hai: Từ Thuần Việt đồng âm với từ láy âm.

- Kiến đậu cành cam bò quấn quýt
Ngựa về làng bưởi chạy lanh chanh.

- Bà đồ nứa đi vòng đòn tre, đến khóm trúc, thở dài hi hóp.

(Vì một âm tiết láy âm tự nó không có nghĩa nên khi chơi từ đồng âm loại này phải tạo nên một bối cảnh gồm những từ đơn tiết cùng loại. Do đó phải có cam để đi với quýt, có nứa, tre, trúc để đi với hóp.

- Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc nó cạch đến già.
Chú công đi qua chùa kênh, chim nghe tiếng cồng chim kềnh cổ lại.

18. Kiểu thứ ba: Từ Hán Việt đồng âm với từ thuần Hán Việt.

Đây là kiểu quan trọng thứ hai bởi vì số từ Hán Việt chiếm một nửa vốn từ Việt Nam lại có nghĩa rõ ràng từng âm tiết một chứ không phải như từ láy âm tách từng âm tiết ra thì âm tiết láy không có nghĩa. Mặt khác đa số các từ Hán - Việt này không đứng một mình nên khó hiểu với người Việt. Do đó áp lực ngữ nghĩa bắt nó phải được dịch lại thành từ thuần Việt nằm ngay trong vế.

1 từ: - Ô! quạ tha gà (ô là quạ)
            ! rắn bắt ngóe (xà là rắn)

2 từ: - Chuồng gà kê áp chuồng vịt ( là gà, áp là vịt; Cá giếc tức phường cá mè (tức là giếc, phường là mè);

3 từ: - Không  trong nội nhớ hoài (vế ra của vua Duy Tân: vô là không, nội là trong, hoài là nhớ)
            Đi chi đường đạo sợ cụ (chi là đi, đạo là đường, cụ là sợ, vế đối của Nguyễn Hữu Bài).

19. Kiểu thứ tư: Từ Hán-Việt đồng âm với từ Hán-Việt.

- Cha con thầy thuốc về làng, quảy một gánh hồi hương, phu tử.

- Vũ cậy mạnh, vũ ra  múa, gặp phải trời mưa  ướt cả lông;

Theo giai thoại, một ông quan thị tức là thái giám, người thường bị thiến, ra vế này thách một ông quan vũ đối để trêu ông ta. Có bốn từ vũ Hán - Việt với những nghĩa khác nhau là mạnh(vũ dũng), múa (vũ đạo), mưa (vũ lộ), và lông (vũ mao). Ông quan vũ đối lại rất hay, nhắc đến chuyện ông thị nhìn các cung nữ mà bất lực.

Thị phải chầu, thị đứng thị xem, thị cũng thèm thị không có ấy.

(thị Hán Việt có bốn từ đồng âm nghĩa là chầu (thị vệ, xem (thị giác), thèm (thị hiếu) và ấy (ngày xưa dịch ngã thị nhân là tôi ấy người).

20. Kiểu thứ năm: Từ Hán Việt đồng âm với từ láy âm.

Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song.

- Thủ thỉ chén đầu lợn,
Hung hổ vỗ bụng hùm.

Da trắng vỗ bì bạch (Đoàn Thị Điểm)
Rừng sâu mưa lâm thâm (Nguyễn Xuân Thâm).

Anh Thâm kể lại cho tôi, anh có người anh là Lâm. Một hôm ngẫu nhiên ông cha gọi Lâm, Thâm vào đây. Sẵn máu chơi chữ, anh tìm được vế đối thực đắt cho cái vế ra xưa nay vẫn treo.

21. Kiểu thứ sáu: Từ láy âm đồng âm với từ láy âm.

Kiểu này về lý thuyết cấu trúc là không thể xảy ra trong thực tế mặc dầu có thể xảy ra trong khả năng. Một âm tiết láy âm tự nó đã không có ý nghĩa làm sao có thể đồng âm với một âm tiết cũng như nó nữa. Ta đã thấy ở 17 muốn tìm âm tiết đồng âm và láy âm phải có cả loạt: Kiến đậu cành cam bò quấnquýt.

Nếu không có cam, quýt làm sao tách ra được?

Nhưng nếu bổ sung bằng từ phiên âm thì vẫn có:

Xúc xích treo xúc xích (saucisse)
Lắc lê kéo lắc lê (la clef)

22. Bây giờ ta xét lớp từ phiên âm mới xuất hiện. Từ phiên âm hầu hết là danh từ. Nó không được xem ngang hàng với ba lớp trên vì nói đến cấu trúc là nói đến tôn ty, cấp độ không có chuyện cá mè một lứa được. Nếu nó là đơn tiết nó được xử lý như từ thuần Việt.

Trong trần ai, ai cũng ghét ai! (Hồ Chủ tịch)

Ai đây là Eisenhower, Tổng thống Mỹ.

Khi thì nó được đồng nhất hóa với từ Hán Việt. Tú Mỡ nói đến viên tướng Cô-nhi (Cogny), vì Hán-ViệtCô nhi là đứa con mồ côi nên Tú Mỡ báo trước rằng vợ hắn sẽ thành quả phụ.

- Bác (chính là bát là tám) ngủ (chính là ngũ là năm)
Ông (onze là mười một) đui (douze là mười hai).

Khi có hình thức láy âm thì xếp vào láy âm (21).

23. Tóm lại thực tế là khớp răm rắp với điều ta dự đoán chứng tỏ cách nhìn cấu trúc là có cơ sở. Ta thấy nó có cơ sở trong toán học, hóa học, vật lý nguyên tử, sinh học và là công cụ làm việc có hiệu lực. Trong ngôn ngữ học cũng thế. Không nên đồng nhất hóa nó với địch, tư sản, xét lại.

Những thí dụ trên là chỉ đơn thuần theo một kiểu. Còn nếu vế trên theo nhiều kiểu cùng một lúc thì vế dưới sẽ theo đúng bấy nhiêu kiểu sự tương ứng một/một.

- Ao Thanh thì nước trong leo lẻo, cá lội ngắc ngư.
Sông Ngân  sao bạc chan chan, vịt nằm ấp áp.

- Con trai Văn Cốc, lên dốc bắn , đứng lăm le, cười khanh khách.
Cô gái Bát tràng (chão chàng), bán hàng thịt ếch ngồi châu chẫu, nói ương ương (ễnh ương).

Tôi cảm ơn tác giả Câu đối Việt Nam, Phong Châu, nhiều thí dụ trong bài này là lấy ở đấy.

24. Để cho sự khảo sát phép chơi chữ bằng từ đồng âm được chu đáo và nêu bật tính cấu trúc của phong cách phải xét nói lái theo mô hình của câu đối để xem thử có ổn không. Nếu nó ổn thì sẽ là một bằng chứng xác minh tính khách quan của cách tiếp cận.

Trước đó phải xây dựng một cơ sở lý luận cho hiện tượng này. Ngôn ngữ nào cũng có phép chơi chữ bằng từ đồng âm, nhưng không phải ngôn ngữ nào cũng sử dụng phép nói lái. Muốn cá đối nói lái trở thành cối đá thì cối đá phải có nghĩa. Do đó muốn cho nói lái trở thành biện pháp chơi chữ thì ngôn ngữ phải đơn tiết và số lượng âm tiết lý tưởng không quá lớn so với số lượng âm tiết trong thực tế. Số lượng âm tiết lý tưởng được xác định bằng cách nhân số phụ âm đầu với số lượng các vần có thể có sáu thanh rồi nhân sáu sau đó lại cộng với số lượng phụ âm đầu nhân với số lượng các vần chỉ có hai thanh rồi nhân hai. Con số ấy là 12000 đối với tiếng Việt. Còn số lượng âm tiết khác nhau kiểm tra trong từ điển là 6200. Chẳng hạn tam, tàm, tám, tạm là những âm tiết có trong thực tế, còn tảm, tãm chỉ có trong lý tưởng không có trong thực tế. Vì số lượng âm tiết thực tế quá 1/2 số lượng âm tiết lý tưởng, lại có nhiều cách nói lái (lọ tương, thành lương to, lượng to, tượng lo v.v...) nên trước sau có khả năng lái thành từ song tiết có nghĩa. Hiện tượng nói lái trong tiếng Hán trung đại theo Mạc Hữu Chi đời Thanh trong Văn học nguyên lưu (thí dụ: ưu hôn thành ôn hưu) là phổ biến vì Vận kính cho ta 3870 âm tiết trong thực tế. Hiện tượng nói lái đã mất trong tiếng Hán hiện đại bởi vì hiện nay số âm tiết thực tế chỉ còn 1380 âm tiết khác nhau mà thôi. Xét một biện pháp nghệ thuật như là kết quả của cấu trúc ngôn ngữ, rồi lại dùng cấu trúc ngôn ngữ để dự tính tất cả các biểu hiện lý tưởng và thực tế, sau đó kiểm tra bằng tư liệu đó là cách làm của phong cách học cấu trúc. Chỉ khi nào tư liệu xác nhận những điều đã dự đoán lúc đó mới có khả năng chứng minh tính khách quan của suy luận. Nếu tư liệu bác bỏ thì trong suy luận nhất định có chỗ lầm lẫn và phải làm lại từ đầu.

25. Ta áp dụng cách làm này với phép nói lái và sẽ thấy khớp từng điểm một.

1. Thuần Việt lái thành thuần Việt:

- Cháy chợ, chớ chạy.
Bể vò, bỏ về!

- Rực rỡ mé đường tây, kẻ lại người qua, ca ngợi sinh phần quan lớn Lại (lái lợn).
Vang lừng trong cõi Bắc, trên tỉnh dưới rái, một làng tôn trọng cụ trong dân (rận trong cu).

Câu đối này mừng nghị Lại trước làm lái lợn, sau giàu hống hách, thích người ta gọi bằng cụ và làm một cái sinh phần đẹp.

2. Thuần Việt lái thành láy âm:

Tắm tôi lái thành tối tăm
Loi lẻn lái thành len lỏi.

3. Hán Việt thành thuần Việt:

- Người khuê các nhưng khác quê
Kẻ lưu manh lại lanh mưu.

4. Hán Việt lái thành Hán Việt:

- Xem tư liệu để tiêu lự (đỡ buồn)
Giả tú tài bị tái tù (tù lần thứ hai).

Đặc biệt các nhà văn thích biện pháp này trong việc đặt biệt hiệu: Thứ Lễ thành Thế Lữ, Trương Đìnhthành Trinh Đường, Nguyễn Huy Lư thành Lữ Huy Nguyên.

5. Hán Việt lái thành láy âm.

Tàng tinh (sao ấn) thành tình tang.

6. Láy âm lái thành láy âm.

Không xuất hiện vì những lý do đã nói ở 21.

Ham thích này của người Việt lan cả sang các từ phiên âm.

- Đi vêlô (là xe đạp) bị vôlê (ăn cắp)
- Học philô (philosophie là triết học) thành phôli (folie là điên).

26. Tại sao chơi chữ lối xuôi là phổ biến mà chơi chữ lối ngược (nói lái) chỉ dùng để chế nhạo? Ngoại lệ duy nhất là bút danh vì bút danh là Thứ Lễ thành Hán Việt Thế Lữ là có nghĩa riêng của nó (người khách trên đường đời). Điều này cũng cắt nghĩa được bằng cấu trúc. Tự thân nói lái đã là làm chuyện ngược đời, trái quy tắc rồi cho nên một biện pháp trái quy tắc nói năng bình thường không thể dùng để nói chuyện nghiêm chỉnh. Hễ đã có nói lái tức là có chuyện trêu chọc. Hồ Xuân Hương đưa nó vào thơ, bài thơ Chùa Quán sứ để tả cái chùa lớn nhất của Thăng Long bắt đầu bằng 4 câu, ba chữ cuối mỗi câu đều nói lái:

Quán sứ sao mà cảnh vắng teo,
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?
Chày kình tiêu để suông không đấm
Tràng hạt, vãi lần đếm lại đeo...

Vần đã là vần eo tức là không nghiêm chỉnh, lại dùng biện pháp nói lái thì tính chất châm biếm càng tăng.

27. Tôi viết bài này để ôn lại những lời dạy của thầy tôi. Nội dung là những lời cha dạy con trong cái nghề chữ nghĩa ngày xưa. Cách trình bày là của tôi bởi vì cách nói của thầy tôi là theo khuôn phép cổ. Tôi trình bày theo lối "bài ngữa", để các bạn dễ dàng bác lại. Tôi chỉ mong thấy sai lầm, bởi vì còn thấy được sai lầm là còn có khả năng tiến bộ. Sai lầm của tôi là cả của những người khác cũng nghĩ như tôi. Trên con đường khoa học không ai tránh khỏi sai lầm. Chỉ có một cách: sai chỗ nào thì thừa nhận ngay để cho khoa học tiến lên.

P.N
(Nguồn: Tạp chí Sông Hương)


 

PHÓ GIÁO SƯ PHAN NGỌC: SỰ UYÊN BÁC TÀI HOA

 

  HỮU ĐẠT

 

Nói về người lãnh đạo đầu tiên của tổ bộ môn Ngôn ngữ học, khoa Văn, ai cũng nhớ tới Phó giáo sư Phan Ngọc. Đó là một người thông minh nổi tiếng, nhưng số phận lại không chiều. Vào khoảng thập kỷ sáu mươi, ông dính vào vụ Nhân văn giai phẩm. Kể từ sau cơn nóng sốt chính trị đó, cuộc đời ông rẽ ngoặt hắn sang một con đường khác.

Bao nhiêu năm tháng trôi qua nhưng tôi không bao giờ quên hình ảnh một con người gầy gò, có hàm răng ám khói, nhưng nói năng rất có duyên và như có ma lực thu hút người nghe. Người đó thường đến phòng cán bộ tập thể  của chúng tôi ở gác 4 nhà C1 ký túc xá Mễ Trì thường xuyên. Những lần ông đến, tôi thường đun nước tiếp ông. Tôi không bao giờ quên, ông là người uống nước rất khoẻ. Dạo đó, bao cấp, cán bộ chỉ được phân phối loại chè ba hào hay bốn hào rưỡi. Nhưng dù chè nào ông cũng không chê.Ông cứ vừa uống nước và trò chuyện. Chỉ khoảng đôi tiếng là ông đã uống hết hai phích nước mà không cần ra toa lét. Chuyện của ông thì đủ mọi thứ, từ cổ đến kim, từ văn chương đến ngôn ngữ, từ thao tác luận đến cách thức làm việc...Con người ông là một kho tri thức khổng lồ về lý luận cũng như cuộc đời. Bởi thế, tuy tôi không được nghe ông giảng trực tiếp trên lớp lần nào, nhưng suốt đời tôi vẫn gọi ông là “thầy”. Nếu tính tất cả những buổi ông đàm đạo, nói đúng là ông diễn giảng, thì tôi, Trần Hinh và một số bạn hữu đã nghe ông lên lớp quá nhiều giờ, không thể nhớ hết. Trong các “giờ học tự do” đầy bổ ích ấy, tôi đã học được ở ông rất nhiều điều về tri thức, về thao tác cũng như phương pháp luận.

Nghe như lời đồn thì ông là người rất kiêu ngạo, nhưng khi tiếp xúc với ông tôi lại thấy ông là người rất quần chúng, gần gũi chứ không có khoảng cách xa cách nào với người nói chuyện. Đặc biệt, khi giao tiếp, Phan Ngọc thường gọi tôi bằng một từ rất thân mật là “ông”. Mỗi khi hứng lên, bàn tay ông lại đập nhẹ vào đùi tôi rồi nói một cụm từ gần như điểm xuyết trong cả buổi nói chuyện:

  • Thế mới thú ông ạ.

Giọng Phan Ngọc rất “rè”. Một chất giọng đặc biệt, không thể trộn lẫn với bất cứ ai. Nó gời gợi ra cho người nghe cái sự tò mò và chú ý. Còn bàn tay ông, thú thật tôi chưa nhìn thấy một bàn tay người đàn ông nào đẹp đến thế. Tất cả các ngón đều thon thả, hình tháp bút, nhỏ nhắn, trắng trẻo. Nội chỉ nhìn bàn tay cũng thấy là quí tướng, nho nhã hơn người.

Về tri thức, Phan Ngọc đúng là bậc cao đạo, nhưng con người ông lại giản dị và vui tính. Ông thích nói đùa, thích vui vẻ theo cách “nghệ sĩ”. Kỷ niệm sâu sắc nhất của ông với nhóm cán bộ trẻ chúng tôi thời đó là chiếc casset ông mua lại của chị Lý Thục Trân. Chị Lý là cán bộ tư liệu của khoa Văn, người Việt gốc Hoa. Trước sự kiện 1979, chị rời Việt Nam về Trung Quốc. Vì chị có chiếc casset đắt tiền nên chị ra đi nhiều người thích nó mà không ai đủ tiền. Sau đó thế nào, giáo sư Phan Ngọc lại đồng ý mua lại chiếc casset này. Trong chiếc casset có một cuộn băng chúng tôi vui vẻ thu lại một chương trình “ngâm thơ trên đài” do tôi đệm đàn bầu và anh Trần Hinh thể hiện. Phan Ngọc mang cuốn casset này về nhà ở phố Bùi Thị Xuân. Ông bảo mỗi khi nhớ chúng tôi ông lại mở nó ra nghe. Một lần, khi tôi ra thăm ông, ông vui vẻ bảo:

- Này, cuốn băng của các ông hay lắm. Mấy cô gái ở phố tôi thỉnh thoảng sang đây nghe vẫn hỏi: “nghệ sĩ nào ngâm thơ và chơi đàn bầu hay thế?”. Tôi cười :”Đó là mấy nghệ sĩ trẻ khoa tôi”. Họ bảo: “Lúc nào bác giới thiệu các anh cho chúng cháu”...

Tôi về kể lại cho anh Trần Hinh. Anh tỏ ra thích chí lắm. Chúng tôi cũng có ý định làm quen với các “thính giả” mến mộ mình. Rồi lần lữa ngày này qua tháng khác vẫn chưa làm được. Nay thoáng chốc đã già, bèn không dám nghĩ tới cái chuyện khinh suất thuở ngày xưa đó nữa.

Trong tâm trí chúng tôi, giáo sư Phan Ngọc là người thầy, là một vị cán bộ thuộc bậc đại lão thành của Văn khoa cũng như của tổ bộ môn Ngôn ngữ học. Những năm ông chưa đi khỏi khoa, tôi lấy vợ xuống ở dãy nhà giấy dầu của khu tập thể, thỉnh thoảng ông vẫn xuống nhà tôi chơi uống nước cả buổi. Tôi lại đun một lúc hai phích nước tiếp ông bằng thứ chè cám được phân phối hay chè bốn hào rưỡi và trộm ngắm hai bàn tay đẹp như tháp bút của ông. Tôi thấy ngón trỏ và ngón tay cái trên bàn tay trái ông mỗi ngày một cháy vàng khè. Hàm răng ông cũng ám khói nhiều hơn. Ông nói chuyện mà vẫn đốt thuốc liên tục. Qua hình ảnh của ông, tôi thấy người dính đến “vụ án nhân văn” cũng không có gì đáng gớm cả.

Vậy mà, có một thời, bản thân ông cũng như nhiều người khác trong khoa rất ngại, thậm chí né tránh không muốn nhắc lại điều này. Song le, đã là những vấn đề lịch sử, thì dù muốn hay không vẫn cứ phải nhắc đến. Cũng hệt một số nhân vật trong giới sáng tác như Lê Đạt,  Hoàng Cầm... thời gian đã đi qua, thiết tưởng có nhắc lại cũng không phải là moi móc mà chỉ là một sự gợi dẫn nhằm đấnh giá công bằng các văn nhân, tài tử trong quá trình tạo lập sự nghiệp đời mình.

Có thể nói, dù trải qua những thăng trầm, nhưng Phan Ngọc vẫn là một bậc “anh tài” trong chính giới. Sự nghiệp của ông không được khẳng định qua thứ chuyên môn mà buổi đầu tiên ông dấn thân vào. Ông là một dịch giả lỗi lạc, một nhà văn hoá, đúng hơn là một nhà nghiên cứu nhân văn có tầm cỡ đáng nể.

Khi chúng tôi mới vào trường đã từng được nghe nhiều câu chuyện xung quanh cái gọi là “Vụ án nhân văn”. Cũng đã từng được nghe giáo sư đại tài Hoàng Xuân Nhị miêu tả nhiều lần cuộc đấu tranh quyết liệt trong mặt trận tư tưởng phức tạp này. Nhưng dường như Hoàng Xuân Nhị không bao giờ nhắc tới nhân vật Phan Ngọc. Những điều người ta bàn về ông chỉ là những lời thì thào, nửa kín nửa hở. Một thời người ta quan niệm, đó là nỗi đau riêng không nên nhắc đến làm gì. Ngay cả những khi kỷ niệm ngày thành lập Khoa hay tổ bộ môn, đó là một vấn đề tế nhị người ta né tránh. Chỉ ít năm gần đây, khi Đảng tiến hành công cuộc Đổi mới, người ta mới mạnh dạn mời ông về nói chuyện với cương vị là vị tổ trưởng bộ môn Ngôn ngữ học đầu tiên. Việc này được thực hiện công khai và  phát trên Truyền hình Trung ương khi tôi chịu trách nhiệm làm một bộ phim thời sự giới thiệu khoa Ngôn ngữ nhân dịp 5 năm ngày thành lập và 45 năm truyền thống của ngành trong chiếc nôi khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Các thế hệ sau này không hề biết Phan Ngọc ngoài việc đọc một số các công trình rất nổi tiếng của ông. Nhưng thế hệ chúng tôi thì được gần gũi với ông khá nhiều. Nhất là những năm chúng tôi mới ở lại trường. Dạo đó, kỳ thực không ai nói với chúng tôi ông là vị tổ trưởng bộ môn đầu tiên của tổ Ngôn ngữ học. Chúng tôi chỉ biết đại khái, ông là một nhân vật cỡ số 2 của Phong trào Nhân văn giai phẩm, một phong trào tư tưởng ta đã có dịp biết đến ở hồi thứ nhất trong thiên lịch sử Văn khoa giai đoạn thập kỷ sáu mươi. Lúc đó, cũng có người nhắc nhở chúng tôi là không nên tiếp xúc với ông nhiều, mặc dù ông là một cán bộ trong khoa. Khi đó ông hoàn toàn không còn là một cán bộ giảng dạy mà là một nhân viên của phòng tư liệu khoa Văn. Song, hầu như tất cả  cán bộ thuộc trang lứa chúng tôi, ai cũng vẫn gọi ông bằng “thầy” trong xưng hô giao tiếp hàng ngày một cách rất tự nhiên. Nói cho đúng, thế hệ chúng tôi không bị ám ảnh trực tiếp của các biến cố lịch sử. Tình cảm giữa ông và chúng tôi vẫn thực sự là tình cảm thầy trò.

Phó giáo sư Phan Ngọc sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng. Ông là con trai Phan Võ, người được Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời rất trọng thị. Theo Phan Ngọc kể lại thì chính nhờ có một lá thư tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho lãnh đạo địa phương, gia đình cụ Phan Võ mới không gặp rắc rối trong lúc tiến hành cuộc cách mạng Cải cách ruộng đất ở quê nhà. Thời đó, người biết tiếng Anh rất hiếm. Trong một lần đi phiên dịch cho Bác ngày mới hoà bình, Phan Ngọc gặp may. Thấy chàng trai trẻ có dung mạo tuấn tú, thông minh, lại dịch tiếng Anh, tiếng Pháp rất thạo Bác mới ân cần hỏi thăm xem Phan Ngọc trước đây học tiếng Anh ở trường nào. Phan Ngọc thành thật thưa là tiếng Pháp ông học ở trường và do cha dạy còn tiếng Anh là do tự học. Hồ Chủ tịch cảm mến quá mới hỏi Phan Ngọc con cái nhà ai. Phan Ngọc thành thật, không giấu diếm hoàn cảnh gia đình mình. Khi biết Phan Ngọc là con Phan Võ, một bậc nhân tài mà Hồ Chủ tịch đã được biết từ trước đây, Người liền viết thư thông báo cho các nhà chức trách địa phương lập tức đưa cha con Phan Võ ra Hà Nội. Gia đình họ Phan được nhập khẩu tại thủ đô. Đối với Phan Ngọc, đó là ơn mưa móc suốt đời ông ghi nhớ. Nó cũng là nguyên nhân làm cho ông sau khi bị án kỷ luật đã kiên trì chịu đựng, âm thầm nuôi chí lớn suôt mấy chục năm trời mà không có bất cứ một hành vi phản ứng nào, cho dù là rất nhỏ. Điều đó đủ thấy sức cảm hoá tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặt khác cũng thấy được cái nền tảng văn hoá gia đình mà Phan Ngọc xuất thân có vị trí vô cùng quan trọng trong việc giữ sự thằng bằng trong cuộc đời hoạt động khoa học của ông.

Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Phan Ngọc là lần ông cùng một người bạn cùng cảnh ngộ họ Cao đánh bóng bàn trên cái bàn bằng đá granitô kê giữa sân của nhà C1 và C2 khu ký túc xá Mễ trì. Sự thu hút trong cuộc chơi của hai ông là những đường ban bóng rất đẹp. Bóng phát dài, phóng khoáng trong cả lối tấn công và phòng thủ. Quan trọng hơn nữa, lúc đó các ông mới hơn 40, đã nổi tiếng là những dịch giả có hạng với nhiều giai thoại ly kỳ. Họ lại đều cao ráo, đẹp trai. Tính tình hơi lạnh, dường như không cười. Con người và cá tính ấy có sự thu hút mạnh với tư duy tò mò của lớp trẻ.

Sau cuộc chơi bóng ấy, tôi thấy hai người đi thành đôi, sóng bước bên nhau, bách bộ ra bến xe buýt. Hai khuôn mặt trầm mặc, không bao giờ ngó nghiêng, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đó là cái ấn tượng mạnh mẽ nhất của tôi về giáo sư Phan Ngọc mà sau bao nhiêu năm tôi vẫn không quên được. Sau đấy tôi được biết, đó là hai dịch giả những tác phẩm nổi tiếng của văn học Nga-xô viết như “Chiến tranh và hoà bình”, “ Thằng ngốc”, “Anh em Karamazốp”...những tác phẩm mà chúng tôi được học tập và nghiên cứu tại khoa Văn. Tôi lại càng phục hơn.

Khi tôi ở lại làm cán bộ giảng dạy, tôi mới có dịp gần gũi với Phan Ngọc nhiều hơn. Tôi nhớ không nhầm thì dạo đó khoa Văn vẫn khoán cho ông và người bạn họ Cao mỗi tháng phải dịch vài trăm trang tư liệu bàng tiếng nước ngoài. Chuyện đó với họ chỉ là chuyện vặt. Vì cả hai người rất giỏi ngoại ngữ. Họ dịch tiếng nước ngoài như uống nước lã. Có nghĩa là chỉ liếc nhìn vào bản gốc là lập tức họ có ngay câu tiếng Việt tương ứng. Có được điều đặc biệt này vì hai ông không những là bộ óc thông minh hiếm có mà còn là những dịch giả vốn có kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ. Nhiều thế hệ sinh viên trong khoa kể lại, thời sơ tán trên rừng núi Đại từ Thái Nguyên, nhiêu sinh viên đã từng được làm thư ký cho Phan Ngọc và được bồi dưỡng rất hậu với nhiệm vụ chép tay lại cho ông phần tư liệu dịch. Ông làm việc theo phong cách rất thoải mái, vừa nằm , vừa hút thuốc, vừa cầm một cuốn sách tiếng nước ngoài đọc như người ta đọc tiếng Việt. Còn anh chàng sinh viên làm thư ký thì bò ra mà chép, chép thật lực cũng không kịp vì ông dịch mà không cần phải tra từ điển. Hơn nữa, ông vốn là một nhà ngôn nữ học nên câu cú cũng chẳng phải sửa chữa gì. nói như các nhà quay phim là “ một nhát ăn liền”, chứ không phải làm lại đến lần thứ hai.

Phải nói là khoa Văn trong những năm đó có một cái máy. Nhờ Phan Ngọc và Cao Xuân Hạo mà nhiều tài liệu quí đã được dịch ra rất kịp thời, phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên của cán bộ, sinh viên. Có nhiều cán bộ đã tận dụng được cơ hội này, tranh thủ đọc các công trình dịch thuật của hai ông để nâng cao lý luận, soi vào mảnh đất thực tiễn Việt Nam để nhanh chóng vươn lên, trở thành các chuyên gia có hạng về lý luận phê bình, về nghiên cứu cả ở lĩnh vực văn học và ngôn ngữ học.

Có nhiều huyền thoại về khả năng ngoại ngữ phi phàm của giáo sư Phan Ngọc. Ngoài việc ông là dịch giả tầm cỡ được nhiều người biết đến, người ta còn kính nể “một cây” về đôi tai ngữ âm của ông. Theo giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Phan Ngọc còn có biệt tài là chỉ nghe một người phát âm tiếng Nga là có thể nhận định chính xác người đó đang nói tiếng Nga vùng Bắc hay nam sông Von ga, vùng phía Tây hay phía Đông Matxcơva. Giáo sư Trần Ngọc Thêm sống và làm việc ở Liên xô (trước đây) nhiều năm. Ông đặc biệt kính nể Phan Ngọc về chuyện này vì Phan Ngọc khi đó chưa đặt chân tới nước Nga lần nào.

Nhiều người nói, Phan Ngọc là người  giỏi đến 8 ngoại ngữ. Trong đó, có nhiều ngoại ngữ ông hoàn toàn tự học. Tự học mà vẫn giỏi hơn người. Ấy là vì ông thông minh kiệt xuất. Ông đã phát huy triệt để năng khiếu với những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ học. Nhiều lần được hầu chuyện ông, tôi đã được ông hứng thú nói cho nghe điều này. Ông bảo, chỉ cần gỏi đến ngoại ngữ thứ ba thì các ngoại ngữ sau không còn là vấn đề, chỉ tự học vài ba tháng là ổn. Ông  nói điều đó hoàn toàn không phải là nói suông. Chính ông, khi bắt tay ký hợp đồng với Nhà xuất bản Sự thật về việc dịch cuốn “Tư bản luận” của Các Mác, ông hoàn toàn chưa biết tiếng Đức. Thế nhưng sau vài tháng bắt tay vào tự học ông đã đồng thời tiến hành dịch ngay cuốn sách vào loại vô cùng hóc búa này và vẫn kịp nộp bản thảo đúng thời gian qui định. Sự kiện đó làm không ít người sửng sốt.

Đúng là “anh minh phát tiết ra ngoài”. Chỉ cần giáo tiếp một lần với giáo sư Phan Ngọc cũng thấy được tầm trí tuệ uyên bác của ông quả là hơn hẳn người đời. Nhưng số phận hoàn toàn không suôn sẻ với ông. Tài năng vượt bậc như vậy, nhưng  khi xét phong chức danh ông vẫn chỉ nhận được học hàm Phó giáo sư. Trong khi đó, nhiều bậc đàn em, thậm chí học trò của ông đã nhận học hàm giáo sư cả rồi. Mặc dù, so về tầm uyên bác, trình độ học vấn và tất cả mọi mặt thì nhiều giáo sư đứng bên cạnh ông chỉ đáng là một “học trò nhỏ” theo đúng nghĩa đen của từ này.

 Tuy nhiên, không ai thấy ông bận tâm về điều đó. Là người nghiên cứu nhiều am hiểu sâu sắc về văn hoá Phương Đông, chắc hẳn, ông đã thấm nhuần được cái lý trong thuyết “tài mệnh tương đố” nên ý thức được rất rõ về số phận đời người và bình thản đón nhận nó. Trong suốt những năm còn ở khoa Văn, ông  vẫn âm thầm làm việc theo cách riêng của mình. Quân tử là người kiên trì  và biết chờ thời cơ. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông xin đi khỏi trường. Đấy là một thời điểm có ý nghĩa là bước ngợăt mới trong cuộc đời ông. Thoát khỏi nỗi ám ảnh của một quá lhứ nặng nề, ông như con đại bàng tung cánh giữa đại dương, thoả chí tang bồng  sau một thời nuôi chí lớn. Tên tuổi Phan Ngọc lại xuất hiện khá thường xuyên trên một số tạp chí và Nhà xuất bản nhờ cuộc Đổi mới toàn diện của Đảng. Thế mới thực là:

Thông minh vốn sẵn tính trời

Qua cơn bão tố hoá người ngẩn ngơ

 Mấy ai tính được chữ ngờ

Sau ngàygiải phóng phất cờ tiến lên.

Cuốn sách đầu tiên của Phan Ngọc được xuất bản thời kỳ này là cuốn” Cách chữa lỗi chính tả cho học sinh” ( (Nxb GD 1980), Sau đó liên tục có những công trình tiếp theo là “Thần thoại Hy Lạp” (Nxb VH.1980), “Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á ( viết chung với Phạm Đức Dương. Nxb KHXH 1983) , “Nội dung xã hội và mỹ học Tuồng ( viết chung với Lê Ngọc Cầu. Nxb KHXH 1983). Năm 1985, Phan Ngọc cho công bố công trình “Tìm hiểu  phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” ( Nxb KHXH.1985). Đây là một công trình gây ra những cuộc bàn luận sôi nổi về phương pháp nghiên cứu văn học theo hướng mới. Mặc dù, nội dung của công trình này còn nhiều điều cần thảo luận, như một số bài viết của Nguyễn Văn Lưu đề cập, nhưng nó vẫn là một cuốn sách tiên phong cho phong trào nghiên cứu thi pháp hiện đại ở Việt Nam.

Sau khi công trình này ra đời, Phan Ngọc đã cho công bố nhiều bài báo khoa học mang tính liên ngành, lấy tâm xoay là Ngôn ngữ học. Nhiều tác phẩm của ông vượt trội lên so với  các đồng nghiệp chính là nhờ ông có những thao tác của nhà nghiên cứu ngôn ngữ. Nhiều phương pháp như phương pháp so sánh, thống kê đã được ông vận dụng thành thạo để lý giải tính qui luật của các hiện tượng trong một hệ thống vừa có tính khép kín ổn định vừa có tính mở. Nhờ vậy ông đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu đa dạng trên các lĩnh vực về ngôn ngữ, văn học, văn hoá học và về từ điển. Đó là những cuốn như “Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt và chữa lỗi chính tả” (Nxb Thanh niên.2001), “Văn hoá Việt Nam, cách tiếp cận mới”( Nxb VHTT.1994), “Bản sấc văn hoá Việt Nam” ”( Nxb VHTT.1998), “Từ điển Anh-Việt” ( Nxb Thế giới 1998)... Trong vòng từ 1980 dến 1998 ông đã cho xuất bản 10 đầu sách các loại và dự kiến ngay sau đó sẽ cho xuất bản thêm 5 cuốn sách dịch và 5 công trình nghiên cứu. Đó là con số nhiều giáo sư nằm mơ cũng chưa thấy. Nó chứng tỏ ông là một nhà khoa học có tầm cỡ ngoại hạng so với đương thời.

Sự uyên bác trên nhiều lĩnh vực của vị giáo sư họ Phan làm ông có một  khả năng đặc biệt khi chuyển dịch các hệ thống mã ngôn ngữ khác nhau. Tôi còn nhớ, vào quãng trước năm 1985, có lần nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp là Haudricourt đến Việt Nam. Ông có buổi nói chuyện chuyên môn tại Uỷ ban KHXHVN tại phố Trần Xuân Soạn. Hôm đó, người nghe rất đông chừng hơn 100 các nhà nghiên cứu. Cử toạ nói tiếng Pháp, người dịch là Phan Ngọc. Phần nói chuyện môn là phần ngữ âm lịch sử và ngôn ngữ các dân tộc, một địa hạt rất khó trong việc chuyển dịch các thuật ngữ khoa học. Ấy vậy mà tôi thấy Phan Ngọc cứ dịch xuôi dịch ngược như người ta nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt vậy. Sau hôm đó, không phải chỉ riếng tôi mà nhiều người đã được chứng kiến trình độ học vấn uyên bác và tài năng dịch thuật của ông. Đúng là “danh bất hư truyền”.

Nay tuổi của giáo sư Phan Ngọc đã lên tới bát thập mà ông vẫn làm việc liên tục không nghỉ. Có thể nói, ông chẳng những là một tài năng trác việt của mái trường Văn khoa mà còn là một chứng nhân lịch sử rất có giá trị về con đường tiến lên trong sự nghiệp khoa học. Cuộc đời ông đầy sóng gió, nhưng cũng đầy vinh quang khiến ai ai cũng cảm phục. Thế nên đời sau mới có thơ rằng:

Mấy người như bác họ Phan

Làu làu ngoại ngữ, dọc ngang một thời

Cho hay muôn sự tại trời

 Biết đâu có lúc lại cười can qua

Một ngày qua bến Bình ca

Cũng là mưa móc cũng là đặc ân.

Bắt phong trần phải phong trần

Cho vinh quang mới được phần vinh quang./.


(Nguồn: Văn hóa Nghệ An)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *