Cái buồn như là phạm trù hiện sinh

Cái buồn như là một phạm trù hiện sinh (ghi chép tìm hiểu hiện sinh)

Trần Đình Sử

Trong lí thuyết hiện sinh sự kinh hãi (tiếng Đức: angst, tiếng Anh: fear, tiếng Nga: cтрах, tiếng Trung: 恐惧“khủng cụ” còn dịch là kinh hoàng) được coi là hiện tượng bản thể của con người. Khái niệm kinh hãi này lần đầu tiên do triết gia Đan Mạch Sorel Kierkegaard đưa ra trong sách Khái niệm kinh hãi (“Der Begriff der Angst”1844), sau đó một năm  xuất bản sách Kinh hãi và run rẩy , (“Furcht und Zittem”). nhưng được Heidegger phát triển trong Tồn tại và thời gian (cũng dịch là Hữu thể và thời gian, chữ Hữu thể ở đây thiết nghĩ chưa thích hợp, vì dễ lẫn với vật thể tồn tại, là đièu mà Heidegger phản đối.). Chủ nghĩa hiện sinh đi theo cách nghĩ của hiện tượng học, kiên quyết phản đối đối lập bản chất với hiện tượng mà chủ trương hiện tượng tức bản chất, kêu gọi trở về với bản thân sự vật. Bản thể luận của họ chính là tồn tại luận. Vì thói quen ở đây vẫn dùng bản thể, nhưng sẽ hiểu là tồn tại luận.

Theo Heidegger vấn đề căn bản của triết học là đi tìm ý nghĩa của tồn tại (sein), chứ không phải vật tồn tại, khách thể (seinde), mà tồn tại thì chỉ có con người là hiểu được, bởi con người nêu ra vấn đề ý nghĩa của tồn tại. Ông gọi con người là Dasein – tồn tại đó (Da nghĩa là đó, đây, này, cái có thể nhìn thấy trước mặt. Việt Nam có người dịch là Hữu đó, Trung Quốc dịch là Thử tại, tức tồn tại này. Trần Công Tiễn dịch là hiên hữu, cái hữu hiện đó). Cái tồn tại đó khác các vật tồn tại khác ở chỗ ngay từ đầu, nó đã cảm thấy mình ở đó, bị ném ở đó, và do đó mà khác với mọi vật. Sự tự cảm thấy mình đó gọi là hiện sinh – ex-sistenz. Do có năng lực tự nhận biết mình, biết ý nghĩa của tồn tại mình mà sự tồn tại được hiện ra. Không có con người thì tồn tại sẽ vô nghĩa.

Chủ nghĩa hiện sinh xem sự tồn tại của con người là một hiện sinh, thực tồn (existenz/existence) và phân tích trạng thái hiện sinh đó. Triét học Hegel coi nhẹ cá nhân, đem đặt cá nhân vào sự phục tùng cái chung. Soren Kierkegaard chống lại Hegel, xem con người bắt đầu từ tồn tại cá nhân của nó. Sự tồn tại của con người là một nhiệm vụ mà con người phải tự giải quyết, tự thực hiện việc làm ra chính mình mà không phải dựa vào một cái gì bên ngoài mình.  Trong trạng thái đó có mấy đặc điểm sau:1. Sự tồn tại có trước bản chất, tồn tại chỉ là trong khả năng mà con người có thể tự do lựa chọn; 2. Tồn tại của người tức là tồn tại của “tôi”. Tức là tồn tại duy nhất, không ai thay được của những con người cá nhân, cá thể. 3. Sự tồn tại ấy chỉ được nhận ra không phải bằng lí tính hay bằng khoa học, không phải bằng khái niệm, mà chỉ bằng trạng thái phi li tính của con người. Đó là những thể nghiệm nội tâm, những đau khổ, dằn vặt, những nối buồn, lo, đắm chìm, kinh hãi trước cuộc tồn tại. Không phải là “tôi tư duy, tức tôi tồn tại”, như Descartes đã nói trong Phương pháp luận, mà là “tôi kinh hãi tức tôi tồn tại”. Sau này Sartre sẽ nói tương tự: “Tôi buồn nôn tức tôi tồn tại”. Sự phân tích trạng thái hiện sinh của chủ nghĩa hiện sinh bắt đầu từ Kierkegaard cho thấy, sự tương đồng giữa tư duy hiện sinh và tư duy nghệ thuật trên cấp độ phương thức tồn tại của con người. Bởi vì trong nghệ thuật (văn học và nghệ thuật) con người cũng được ý thức  trên cấp độ cá thể, con người cũng tự cảm thấy mình qua những thể nghiệm của mình trong cuộc sống và con người cũng được hiện ra trước hết như một tồn tại. Trong nghệ thuật người ta không miêu tả con người bằng các khái niệm trừu tượng, mà bằng tư duy hình tượng, bằng trực cảm, trực giác, người ta tái hiện những hành trạng, cảm xúc, những ấn tượng của con người cá nhân về cuộc đời. Ta có thể nói, văn học nghệ thuật là sự miêu tả các trạng thái hiện sinh của con người. Chỉ có khác là, văn học không tái hiện trạng thái hiện sinh trong thực tế một cách tự nhiên chủ nghĩa, mà là tái hiện có sự phản tư, nghĩa là thể nghiệm lại sự thể nghiệm hiện sinh của con người, có lựa chọn và nâng cao về mặt nhận thức và thẩm mĩ. Con người trong văn học trước hết cũng hiện ra như một tồn tại, với những lựa chọn tự do của nó, sau đó dần dần người đọc mới biết bản chất của nó. Thứ hai trong văn học, dù ai kể chuyện, hay trữ tình, người ta đều có thể thấy đó là một “tôi” kể hay một “tôi” trữ tình trong tác phẩm. Và cuối cùng, văn học nghiệm thấy cuộc tồn tại của con người qua những thể nghiệm, nhưng chủ yếu là nỗi đau buồn của con người. Mà văn học xưa nay, có đau thì mới hay.

Một tác phẩm như Truyện Kiều, được sáng tác từ cuối thế kỉ XVIII, khi đó chưa biết đến hiện sinh là gì, mà đã thể hiện sâu sắc trạng thái hiện sinh của con người, chứng tỏ phương pháp phân tích hiên sinh có thể giúp phân tích đặc trưng nội dung văn học. (Xem Trần Bích Lan: Nguyễn Du trên những nẽo đường tự do. Trong sách Chân dung Nguyễn Du, nxb. Nam Sơn, SG., 1960, tr. 67 – 78). Hoặc trong Cung oán ngâm khúc với khái quát về sự con người bị ném vào thế giới phi lí: “Thảo nào khi mới chôn nhau, Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”, hoặc “Cái quay búng sẵn trên trời, Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Chủ nghĩa hiện sinh đã khái quát được cấp độ hiện sinh của cuộc sống con người, cấp độ có tính nhân loại học, cấp độ nhân bản của con người (J. P. Sartre). Nó cho thấy mọi sáng tác văn học đích thực đều có tính hiên sinh và phân tích tính hiện sinh là một phương diện của phân tích giá trị nhân bản của văn học.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến luận đề trạng thái hiện sinh chỉ được nhân ra bằng trạng thái phi lí tính của con người. Ở ta một thời gian dài hễ nghe nói đến “phi lí tính” là vội bịt tai, sợ rơi vào vũng bùn của tư duy tư sản đồi truỵ. Nhưng khoa học cho biết lí tính chỉ là một phần nhỏ của  hoạt động đại não, gồm tư duy logich, nói lí, sử dụng khái niệm trừu tượng, còn phần lớn là hoạt động phi lí tính, là lĩnh vực của cảm xúc, tình cảm, yêu ghét, nhơ nhung, tưởng tượng, phản ứng với các tình huống cuốc sống. Ngoài các hành vi tự động mà con người vẫn làm như đi đứng, nhai nuốt, các hành vi bột phát, bất ngờ không kiểm soát, các hoạt động của não bao gồm tư duy hình tượng, tư duy trực cảm, tư duy linh cảm hay đốn ngộ, không dùng  logich trừu tượng hay khái niệm trừu tượng. Ngoài ra còn có nằm mơ, lo âu, dự cảm…Các nhà khoa học tự nhiên còn cho biết, không phải tư duy logích phát hiện ra chân lí, mà thường là  các trực giác phát hiện, rồi sau mới dùng logich chứng minh. Do đó hạ thấp, thậm chí loại bỏ phi lí tính ra khỏi đối tượng quan sát về con người là hoàn toàn sai lầm. Đó là chưa kể trong phi lí tính có thấm nhuần lí tính, (hầu hết cảm tính trong đời sống đều thấm nhuần lí tính) và mọi nhận thức lí tính đều phải được kiểm tra bằng cảm tính mới đáng tin cậy. Nếu bỏ phi lí tính thì bỏ hết toàn bộ sáng tạo nghệ thuật, bỏ âm nhạc, kiến trúc, múa nhày… là những cái không thể quy về mẫu số chung của lí tính.

Hiểu như vậy để thấy lí tính và phi lí tính chỉ là hai mặt của một tờ giấy của cuộc sống con người, nhìn nhận bình diện tồn tại phi lí tính của con người là một phương diện cơ bản quan trọng mà triết học và khoa học xã hội đã bỏ qua. Phải nhờ đến hàng loạt các lí thuyết từ Kierkegaard, Nietzsche, Schopenhauer, Berson, Freude và các triết gia hiện sinh cùng nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa thế kỉ XX con người mới thực sự chú ý đến thế giới phi lí tính của con người.

Với truyền thống lí tính chủ nghĩa, chủ thể là nhà lí tính,  chuyên đi tìm chân lí như là những kiến thức nằm bên ngoài con người, các nhà nghiên cứu coi những sợ hãi, lo âu, kinh hãi như là những trạng thái tâm lí nhất thời, ngẫu nhiên, chủ quan, không có ý nghĩa. Nhưng với hiện tượng học phi lí tính, chủ thể là con người trực giác, thì các hiện tượng như kinh hãi, khiếp sợ lại là các hiện tượng có ý nghĩa giúp con người tự ý thức về mình. Heidegger định nghĩa sự kinh hãi-khiếp sợ như là cái chân trời ý nghĩa của tồn tại người, như một đại-hiện tượng có khả năng bắt gặp cái hư vô (không có gì). Ông hiểu sự khiếp sợ như là phương tiện để nhận thức các giới hạn người của bản thân hiện sinh. Đưa cái hư vô như là giới hạn tồn tại của con người, Heidegger nêu câu hỏi: Liệu trong tồn tại của con người có xảy ra tâm trạng dẫn nó đến hư vô? Và trả lời như sau: Điều đó có thể xảy ra và xảy ra trong thực tế – dù là rất ít, nhưng chỉ trong khoảnh khắc và trong tâm trạng khiếp sợ hoàn toàn.. Rằng cái khiếp sợ hé mở ra cái hư vô, con người tự xác nhận minh ngay tức khắc khi sự khiếp sợ vừa hết. Trong khi tỉnh táo nhìn lai hồi tưởng thì chúng ta phải thừa nhận rằng,ở nơi, trước cái gì hoặc vì cớ gì mà chúng ta thấy khiếp sợ, thực ra là không có gì. Thường là như vậy, cái Hư vô như vốn thế đã hiện ra với ta.” Sự kinh hãi “không phải là sự hợp tấu thoáng qua trong hoạt động tư duy và ý nguyện của ta, không phải là cái cớ thức tỉnh giản đơn như vốn thế, không phải là trạng thái hiện ra một cách ngẫu nhiên từ những tâm trạng mà ta phải giải quyết, mà là một sự kiện nền tảng của tồn tại con người.” Lần đầu tiên, các trạng thái tình cảm được coi là các hiện tượng nhân sinh có ý nghĩa triết học. Điều đó mở ra khả năng để thấy rằng các trạng thái cảm xúc trong thơ ca cũng có ý nghĩa triết học của nó. Tuy nhiên Heidegger chi nêu ra mà không  vạch ra ý nghĩa khác  của sự khiếp sợ. như một diều “kinh ngạc”. Lập trường của J. P. Sartre và P. Tillich ( Paul Johannes Tillich) giống nhau trong việc xác lập hiện tượng “kinh hãi-lo âu”với tính cách là đặc điểm nền tảng của tồn tại con người mà thông qua đó tồn tại ý thức được khả năng không tồn tại của mình, như là một phản xạ của ý thức vì cái siêu nghiệm. “Sự lo âu được nảy sinh không phải do một tri thức trừu tượng về sự không tồn tại, mà là sự ý thức về cái điều, là sự không tồn tại là một phần của sự tồn tại của con người. Lo âu ấy là sự kết thúc được con người thể nghiệm như là sự kết thúc của chính mình”

Đồng thời, lo âu chỉ được xem xét trong tương quan với sự lo sợ, về logích không gắn với các trạng thái khác của kinh hãi – khiếp sợ, trong đó sự lo âu tiềm năng tìm được sự giải quyết.

Các tác phẩm của các nhà văn hiện sinh Nga tràn đầy  những hình tượng “kinh hãi-buồn”( тревога, Тоска как модус страха ). Nhưng trong triết học hiện tượng luận buồn hiên sinh như là một sự bóp nghẹt nội tại trong chiều sâu của ý thức bởi tính hữu hạn và và tính tạm thời của thế giới kinh nghiệm chưa hề được giải quyết thoả đáng về mặt ý nghĩa. Đóng góp đáng kể và việc nghiên cúư các bình diện khác như của vấn đề này là của các nhà văn và triết học nước ngoài và của nước Nga, như Spengler, Kamus,  Kaffka,  Jung, Nietzsche,  A. de Valens, Jaspers, E. Fromm, E. Mouner, N. Berdiaev, L. Shestov, M. Foucault, … Về vấn đề này có hàng loạt tác phẩm văn học nghệ thuật trở thành kết quả cho sự suy tư triết học về ý nghĩa của sự kinh hãi.. Trước hết đó là tác phẩm của A. Shekhov, L. Tolstoi, F. Dostoievski, S. Svaige, Borges…

Đến lượt mình, sự phân tích cái kinh hãi từ lập trường triết học xã hội cũng cho phép rút ra các phạm vi, điều kiện cơ bản  và ý nghĩa thể hiện của chúng trên cấp độ tổ chức ý thức xã hội.

Một trong những ý đồ sáng tạo quan niệm về sự kinh hãi xã hội là công trình của Adrusenko, Sự kinh hãi xã hội. Ông viết, sự sợ hãi, một mặt xuất hiện như một cấp độ đầy ắp  của sự phát triển tinh thần, bảo vệ thế giới tinh thần con người khỏi bị phá huỷ, và mặt khác, điều tiết sự phát triển từng hình thức tinh thần riêng biệt, dường như bắt nó tự soi mình vào tấm gương của trạng thái tràn đầy của chính mình. Ở đây sự kinh hãi xuất hiện như là đặc điểm nội tại của cá nhân được xã hội hoá và trưởng thành (hay thoái hoá) về tinh thần, đi kèm theo và quy định toàn bộ con đường đời của cá nhân ấy từ khi sinh ra cho đến khi chết.”

Với tính chất cơ sở để giải thích tính năng động nội tại của của sự sợ hãi Andrusenko tách ra nhiều chức năng cơ bản của nó như đánh giá, báo hiệu, điều tiết, và nhận thức.

Về vấn đề kinh hãi xã hội nhà triết học B. F. Porshnev  gắn liền sự xuất hiện của kinh hãi trước hết với sự sụp đổ của hi vọng trong ý thức xã hội. “Tình cảm xã hội của con người có thể gắn liền với hi vọng sự thực hiện ước mơ và lí tưởng, trong khi đó lại thấy sự đoàn kết giai cấp, tình cảm dân tộc, sự hăng hái lao động, sự hưng khởi của quần chúng, sự trào dâng cảm xúc tôn giáo. Tình cảm xã hội có thể được hình thành trong quá trình không thực hiện và sự sụp đổ của hi vọng. Trong khi đó ở bình diện thứ nhất lại xuất hiện sự bất mãn, bất an, sự bất tín, sư mệt mỏi, sự kinh hãi, tức giận, căm phẫn.” Chúng ta còn biết đến những nghiên cứu sợ hãi như Vấn đề kinh hãi: Nghệ thuật sống trong thế kỉ chết (1991) của Skvorsov L. B.

Về nội dung của hiện tượng kinh hãi, với các ý nghĩa sáng tạo và phá hoại của nó trong ý thức cá nhân và xã hội.

Tóm lại, Sự kinh hãi trong ý nghĩa của từng trạng thái của nó là hiện tượng cơ bản trong cấu trúc ý thức bản thể. Sự kinh hãi là phương thức tồn tại của tồn tại người và là phương thức hiểu tồn tại của ý thức, với ý nghĩa là nó có khả năng hơn cả trong việc tạo thành một nền tảng hiện tượng nào đó nhằm giải thích chỉnh thể của ý thức. Sự giải thích ấy càng dễ thấy khi các vật thể và thực tại là những cái làm nên nội dung của ý thức và  dấu hiệu bản chất của nó  biến mất.

Sự kinh hãi, theo nghiên cứu của A.A. Akseonova  như là trạng thái hiện diện của tồn tại, là phương thức để hiểu bản chất của nó, không phải do chỉ ra tính thực thể của nó, mà chỉ ra tính căng thẳng tồn tại độc đáo của nó. Sự kinh hãi trong trạng thái nỗi buồn không chỉ giản đơn là phơi bày  sự tồn tại như vốn thế, mà còn chỉ ra  bản thân tính tất yếu cần phải tìm kiếm sự tồn tại.  Sự kinh hãi trong trạng thái lo âu chính là sự phơi bày tồn tại băng khả năng của cái không tồn tại, là sự phản xạ của ý thức vì sự siêu nghiệm. Sự kinh hãi trong trạng thái khiếp sợ, như là sự kinh ngạc,  là bản thân khả năng thực hiện tồn tại, chính là vì, khả năng ngạc nhiên là điều kiện chủ yếu và tất yếu  của bất cứ sáng tạo, khám phá, khả năng đẻ ra cái tôi mới, như ý thức chỉnh thể, như là tồn tại. Nói đơn giản hơn:

Kinh hãi-buồn là khi ý thức phơi bày Tồn tại như là sự cô đơn hoàn toàn.

Kinh hãi-lo âu là khi ý thức phơi bày Tồn tại như là sự tự do hoàn toàn.

Kinh hãi-khiếp sợ là khi ý thức “khám phá” ra cái Không tồn tại như là cái chết.

Như vậy, kinh hãi-buồn như là kinh hãi cô đơn; kinh hãi-lo âu như là kinh hãi của tự do; kinh hãi khiếp sợ là kinh hãi của cái chết thì khám phá toàn bộ  sự đầy đặn của Tồn tại. Có người chỉ ra, sự kinh hãi có các dạng thức, kinh hãi trước không gian, kinh hãi trước thời gian, kinh hãi trước những điều không biết, kinh hãi trước bản thân.

Kinh hãi như là hiện tượng của ý thức cá nhân chính là kinh hãi bi kịch, chính bởi vì  sự tồn tại mang tính bi kịch. Nhưng  đồng thời sự kinh hãi mang ý nghia cấu trúc,  thể hiện ở chỗ, sư kinh hãi mở ra một chỉnh thể xuất phát, sự thống nhất của ý thức, là bản chất của nó.

Sự kinh hãi như là hiên tượng của ý thức xã hội là kinh hãi có tính kịch,  mở ra một sức mạnh phá hoại. Nó không thực hiên tính chỉnh thể xuất phát của ý thức, nguợc lại, băm vụn nó ra, phát tán vào trong vô số cái biến hình.

Bản chat của ý thức bị chia rẻ mở ra hiện tượng kinh hãi-buồn,  trước sự cô đơn. Bản chất của ý thức bị thao túng  mở ra hiên tượng kinh hãi –lo âu trước tự do.

Bản chất  của ý thức thảm hoạ phơi bày hiện tượng kinh hãi-khiếp sợ trước  cái chết.

Chỉ trong điều kiện nhất định con người mới cảm thấy sự tồn tại của chính mình, tức cảm thấy được ý nghĩa của sư tồn tại của mình. Kierkegaard nói chỉ có con người cô độc thì trong nội tâm mới cảm thấy sự tồn tại của mình, đặc biệt là những khi cảm thấy kinh hãi, run sợ, đau đớn, tuyệt vọng, cô đơn trước tồn tại, những cảm xúc chỉ thoáng qua, nhưng tổng số những thoáng qua ấy cho con người cảm giác về tồn tại. Trong các trường hợp khác ý thức về tồn tại của “tôi” bị bỏ qua. Nhưng những kinh sợ, buồn lo, tuyệt vọng này mà tiêu biểu là sự kinh hãi (angst) không phải là những buồn lo, kinh sợ hàng ngày. Trong kinh sợ lo âu hàng ngày đều cụ thể, có đối tượng làm cho mình sợ, còn ở cấp độ bản thể, cái kinh hãi đối với toàn bộ tồn tại, không có sự vật cụ thể gây hại. Chính cái kinh hãi, lo âu ấy mới thức tỉnh ý thức tồn tại của con người, về cái tôi. Heidegger kế thừa tư tưởng trên của Kierkegaard, tìm ra cấu trúc hiện sinh là tại thế, xét con người từ bình diện tình cảm, con người phát hiện mình bị ném vào thế giới một cách phi lí, thường xuyên thể nghiệm lo âu, kinh hãi, trầm luân. Ông xác định sự kinh hãi (angst) và lo âu (sorge) là hai tình cảm, cảm xúc về tồn tại của con người, là cảm xúc về toàn bộ sự tồn tại phi lí không thể hiểu được của con người. Các cảm xúc ấy phát hiện ra sự cô độc, sự hữu hạn, sự bất lực và tuyệt vọng của con người, buộc con người phải lựa chọn, hành động để tồn tại có ý nghĩa đích thực. Các hiện tượng cảm xúc ấy là hiện tượng của tồn tại con người. Nhưng cảm xúc về tồn tại không chỉ có hai trạng thái chung ấy. Dưới chúng còn có những trạng thái ở cấp cụ thể hơn, nhưng cũng là biểu hiện của hiện tượng về sự tồn tại, tức về hiện sinh của con người.

Lê Thành Trị trong sách Hiện tượng luận về hiện sinh (Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn khoa, SG, 1969) đã phân biệt kinh hoàng (tâm tình nền tảng có tính bản thể) và khiếp sợ (có đối tuợng cụ thể, là tâm tình hoàn cảnh) và chỉ ra sự lẫn lộn thường gặp của  các hiện tượng đó. Nhưng ông chỉ ra: “Kinh hoàng  mặc khải rằng với hữu-tự-do-đối-với…, kinh hoàng là nguồn gốc của mọi bận rộn, , mọi tha thiết với cuộc sống, và là động cơ của mọi khuynh năng hành động””Kinh hoàng là thấy mình không an toàn, là nỗi niềm của kẻ lưu đày, cô đơn, bị ruồng bỏ.”(tr. 358). Như thế dưới tác động của kinh hãi (kinh hoàng) con người còn có các hiện tượng lo âu, buồn đau, buồn chán, bất an…. Nhà nghiên cứu Nga A. A. Akseonova trong bài Kinh hãi như là hiện tượng bản thể sau khi phân tích ý nghĩa bản thể của kinh hãi đã chỉ ra các trạng thái bản thế của nó: đó là cái buồn, lo âu và khủng khiếp. (Xem bài dịch của tôi). Một tác giả khác cũng chỉ ra các trạng thái của kinh hãi bản thể gồm: nỗi buồn, lo âu, bất an, phiền muộn. Như thế trên cơ sở của cảm xúc nền tảng của hiện sinh là kinh hãi ta còn có thể chỉ ra những trạng thái khác nhau của cảm xúc hiên sịnh như lo âu, cái buồn.

Để hiểu cái buồn như một khái niệm hiện sinh ta cũng theo cách lập luận của Kierkegaard và Heidegger, phân biệt cái buồn hàng ngày và buồn bản thể. Cái buồn hàng ngày gắn với những mất mát cụ thể và trạng thái tâm lí, tình cảm cá nhân như mất của, mất việc, bị phản bội… Cái buồn bản thể gắn với ý thức về tồn tại, cái chung của tồn tại người khi không nhìn thấy tương lai, thấy rõ cái chêt và vì thế nó là cái buồn hiện sinh. Trên kia có nói cái buồn gắn với ý thức về sự cô đơn, trơ trọi giữa đời. Sartre nói, người khác là địa ngục, không chia sẻ được. Trong thơ ca có những cái sầu mênh mông như sầu nhân thế, sầu đời, sầu như biển. Trong bài Giải sầu, Tản Đà viết: “Từ độ sầu đến nay, ngày cũng có lúc ầu, đêm cũng có lúc sầu. Mưa dầm lá rụng mà sầu, trăng trong gió mát mà càng sầu.; một mình tịch mịch mà sầu,  đông người cười nói mà càng sầu; nằm vắt tay lên trán mà sầu, đem thơ văn ngâm vịnh mà càng sầu. Sầu không có mối chém sao cho đứt; sầu không có khối, đập sao cho tan.” Đó hoàn không phải cái sầu chốc lát mà là cái sầu bản thể , bám riết lấy người. Rồi ông dẫn ra các nhân vật với các tình huống sầu, kim cổ, đông tây, hầu như là sầu bị ruồng bỏ, bị lưu đày, bị cách li.”Từ xưa đến nay, đông tây nam bắc, không cứ ông đế vương ông hiền thánh, ông anh hùng hào kiệt,  chí sĩ chân nhân, người văn chương , kẻ công lợi, khách hồng nhan, con hát đàn,  cùng chung nhau một chữ sầu cả. Ông xem sầu là thú và là trường học, cho nên không phải giải sầu. Đến thơ Xuân Diệu: Chiều nay gió nhẹ lên cao, Tôi buồn không biết vì sao tôi buồn. Cái buồn trong Đây mùa thu tới, báo hiệu cho sự tàn héo, chia li,  Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói, tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì. Những cái buốn không cụ thể, không của riếng ai, vậy phải chăng cũng là cái buồn hiện sinh? Cái buồn của Lưu Trọng Lư trong bài Tiếng thu, trong bài Nắng mới cũng là buồn hiện sinh? Nhà văn G. Flaubert nói: Cái buồn chẳng qua là sự hồi ức vô ý thức (Tập thư từ, M. – L., 1933, tr. 272). Nhà triết học Pháp Jean-Marie Guyau trong sách Sự phát sinh ý niệm về thời gian có nói : Ý niệm thời gian là khởi đầu của sự tiếc nuối, và giải thích : Hoài niệm bao giờ cũng ý thức về những gì mà ta gắn bó suốt đời, nhưng đã không thể làm thay đổi được » (SPb, 1899, tr. 60). Đó là sự bất lực, tuyệt vọng. Như vậy buồn không chỉ gắn với cô đơn, mà còn gắn với bất lực trước thời gian, trước tồn tại. Cái buồn thể hiện ý thức về tồn tại. Đó là cái buồn hiện sinh.

Hiểu cái buồn như một phạm trù bản thể, phạm trù hiện sinh cho phép ta có thể lí giải và phân tích những nỗi buồn trong thơ, những cảm xúc tuyệt vọng trong tiểu thuyết. Nhưng buồn chỉ là khởi đầu, con người bắt buộc lựa chọn để song xứng đang trong một nghĩa nào đó. Đó là khi Xuân Diệu nói: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối, Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm, hoặc trong bài Vội vàng khi thấy Con trời đất những chẳng còn tôi mãi đã bột phát Ta muốn riết mây bay và gió lượn, ta muốn say cánh bướm với tình yêu, Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều, Và non nước và mây và cỏ rạng, Cho chếnh choáng mùi hưong, cho đã đầy ánh sáng, cho no nê thanh sắc của thời tươi. Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi.

Buồn như cảm thức hiện sinh là vấn đề đang để ngỏ cho những ai quan tâm triết học của văn chương.

Hà Nội, 9 – 2016.

Tài liệu tham khảo chính:

1.Sorel Kierkegaard, Kinh hãi và khiếp sợ, Lưu kế dịch, Quý Châu xb, 1994.

  1. M. Heidegger, Hữu thể và thời gian, Trần Công Tiễn dịch, Lê Tôn Nghiêm guới thiệu, Sài gòn, Quê hương xb, 2 tập, 1973.

3.Lê Thành Trị, Hiện tượng luận về hiện sinh, Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hoá, Sài gòn, 1969.

4.Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh,Công ty sách thời đại, và nxb Văn học, Hồ Chí Minh, 1915.

  1. Aike D. Sợ hãi, lo âu và bất an, SPb, Piter, 2001. (Айке Д. Страх Тревога и тревожность. – СПб.: Питер, 2001).
    6. Riman Ph. (Fritz Riemann) Các hình thức cơ bản của sợ hãi, sách dịch từ tiếng Đức, Matscova, Aleteina, 2004 (Риман Ф. Основные формы страха. – М.: Алетейа, 2004.)
    7. Romanova E. Ý nghĩa cơ bản của phạm trù sợ hãi trên phương diện phân tích hiện tượng học và xã hội học, luận án tiến sĩ, Omsk, 2002.

 

 

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Gửi phản hồi

Mời bạn điền thông tin vào ô dưới đây hoặc kích vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Log Out / Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Log Out / Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Log Out / Thay đổi )

Google+ photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Google+ Log Out / Thay đổi )

Connecting to %s