P1_Cuộc đời và sự nghiệp của các Nhà Nhân học Bắc Mỹ TK 19-20: Franz Boas

franz-boas-1-sized

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA MỘT SỐ NHÀ NHÂN HỌC BẮC MỸ TIÊU BIỂU GIAI ĐOẠN CUỐI THẾ KỈ XIX ĐẦU THẾ KỈ XX

Phan Đỗ Kim Nguyên

CLB Những nhà Nhân học trẻ Việt Nam xin giới thiệu loạt bài tổng hợp đầy giá trị của bạn Phan Đỗ Kim Nguyên  (Cựu SV Khoa Nhân học – DH KHXH&NV TP.HCM). Các bài viết này thể hiện sự hoạt động nghiêm túc và nhiệt huyết của bạn Nguyên qua việc tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau để có những bài viết rất thú vị. Hy vọng, với những loạt bài này, các bạn yêu Nhân học có thể hiểu thêm hơn nữa về Nhân học Bắc Mỹ. Xin cảm ơn và mong có những đóng góp lâu dài cho CLB.

Phần 1: Franz Boas

Trước khi Franz Boas bước chân vào nhân học, ở Châu Âu và Bắc Mỹ đã có rất nhiều nhà bác học say sưa ng

franz-boas-1-sized

hiên cứu về con người và cho ra đời những trước tác đồ sộ dựa trên nền lý thuyết tiến hóa xã hội[1]. Bắt đầu ảnh hưởng từ đầu thế kỉ 20, Boas sở hữu những thành tựu đáng kể về lý thuyết cũng như phương pháp, và, cho đến ngày nay, vẫn được gọi là “cha đẻ củ

2.1.1 Thời niên thiếua ngành nhân học hiện đại Mỹ”. Ông đã xây dựng nên những lý thuyết và quan điểm hoàn toàn trái ngược với thuyết tiến hóa xã hội đang thịnh hành bấy giờ. Con đường nào từ một sinh viên người Đức gốc Do Thái, đam mê khoa học tự nhiên, đạt tiến sĩ về vật lý đến vị trí quan trọng như thế trong ngành nhân học Mỹ ?

Franz Uri Boas sinh ngày 9/7/1858, tại thành phố Minden, Westphalia, Phổ (nước Đức ngày nay). Ông là con trai thứ tư của một gia đình thương nhân giàu có gốc Do Thái, một người anh và một người chị của ông đã chết khi còn rất nhỏ, và ông lớn lên cùng với một người chị khác, lớn hơn ông 5 tuổi, tên Antonie, gọi thân mật là Toni – ông rất thân với chị mình. Một người khác cũng có ảnh hưởng đến Boas khi ông còn nhỏ đó là Abraham Jacobi (1830-1919), một người bạn thân của mẹ ông và sau này lấy dì ông. Cũng như cha mẹ của Franz và những gia đình Do Thái khác, Jacobi tôn trọng nguồn gốc của mình. Họ xuất thân từ Miden, một thành phố nhỏ ở Westphalia,  Phổ (Đức), trong một cộng đồng Do Thái khép kín. Đó là nơi mà Franz sống trọn thời thơ ấu.[2]

Những nhà khoa học xuất thân từ gia đình thương nhân chứ không phải con cái của các nhà khoa học là một điều bất thường thời bấy giờ. Cha mẹ ông, mặc dù xuất thân là người Do Thái, nhưng mang tư tưởng tự do và tiến bộ, không bị ràng buộc bởi các tín điều của tôn giáo. Họ thu nhận các giá trị của thời đại Ánh Sáng[3], bao gồm cả việc hòa nhập vào xã hội hiện đại Đức. Mẹ ông, bà Sophie Meyer, quan tâm nhiều đến các lãnh vực khoa học và xã hội. Bà cũng là người sáng lập trường mẫu giáo của thành phố Minden vào năm 1854. Về gia đình mình, ông nói:

Cái nền tư duy của tôi được thiết lập đầu tiên là từ gia đình – một gia đình Đức mà trong đó những lý tưởng của cuộc cách mạng 1848 như một phương châm sống. Cha tôi, tự do, nhưng không hoạt động trong lĩnh vực xã hội; mẹ tôi, đầy lý tưởng, với sự quan tâm sống động các vấn đề công cộng, người sáng lập trường mẫu giáo tại thành phố quê hương tôi khoảng năm 1854, hết mình vì khoa học. Cha mẹ tôi xa lạ với các xiềng xích của giáo điều. Tuy cha vẫn dành thiện cảm cho những nghi thức tôn giáo khi ông còn ở với ông bà, nhưng không cho phép chúng ảnh hưởng đến tự do trí tuệ của mình. Vì thế nên tôi thoát khỏi những rắc rối về việc đấu tranh chống lại sự giáo điều như thường thấy ở nhiều người trẻ tuổi khác.[4]

Như vậy, Franz Boas từ nhỏ được nuôi dạy với tư tưởng tự do, độc lập trong suy nghĩ và được hoàn toàn lựa chọn con đường riêng. Thuở nhỏ, ông là một cậu bé khá mỏng manh ốm yếu, nên thay vì vui chơi chạy nhảy như các bạn mình, cậu bé Franz lại dành nhiều thời gian cho việc đọc sách. Năm 1862 ông học tại trường mẫu giáo do mẹ ông sáng lập.  Ngay từ khi 5 tuổi, ông đã thể hiện xu hướng quan tâm đặc biệt đến các môn khoa học tự nhiên. [5]

Trong một tự truyện bắt buộc sau khi tốt nghiệp phổ thông ở Minden, ông viết về thời niên thiếu của mình. Trong đó, ông ghi nhận cách mẹ ông phát triển trẻ em trong trường mẫu giáo của bà, trong đó có việc bắt chước cuộc sống động vật và tự gieo trồng, chăm tưới những luống hoa. Ông cũng thích đọc sách của Hermann Wagner[6] về thiên nhiên dành cho trẻ em, thường khám phá khu rừng Clus gần Minden và được truyền cảm hứng về những vùng đất mới lạ qua quyển Robinson Crusoe[7] ưa thích. Lúc này Franz chưa đầy chín tuổi, đã mơ mộng cho những chuyến đi đến châu Phi và châu Mỹ để sưu tập những loài cây lạ. Ở trường trung học (dành riêng cho nam sinh), ông vẫn giữ bộ sưu tập rêu, cỏ khô và hoa mà ông có từ hồi mẫu giáo. Bấy giờ ông cũng quan tâm đến động vật học và địa lý. Năm mười một tuổi ông làm quen và yêu thích thiên văn học. Nhưng mặc dù với những đam mê và nhiệt tình như vậy, điểm số của ông vẫn thường thấp, có lẽ do chứng đau đầu thường xuyên mà ông phải chịu đựng.[8]

Một biến cố chính trị đã xảy ra năm 1870 ở Minden. Đó là cuộc chiến tranh Pháp – Phổ và Minden là một thành phố đồn trú, tất cả nguồn lực đều được huy động cho những nỗ lực trong trận chiến. Đây là một thời gian thú vị đối với Franz Boas, với niềm tự hào về chiến thắng của Đức, và một số phận mới được lấy cảm hứng từ sự thống nhất của Đế chế Đức. Tuy nhiên đây lại cũng là thời điểm khó khăn đối với gia đình ông. Toni phải đến hội nữ hưu trí ở Jena cùng với mẹ ông, tuy nhiên sau đó phải quay về viện điều dưỡng vì chứng phong thấp. Riêng Franz được gửi tới một trường nội trú, nhưng sau đó bị trả về vì trường không nhận người Do Thái. Ông trải qua một thời gian ngắn ở Jena[9] cùng với một người quen trong gia đình (một phụ nữ về hưu). Tại đây  ông theo học với tiến sĩ Dietrich[10], người đã giới thiệu với ông về “khoa học thực sự”, rằng “không chỉ bao gồm việc miêu tả những thực vật riêng lẻ, mà là trong những hiểu biết về cấu trúc, đời sống; và trong sự so sánh các lớp thực vật khác nhau”.[11]

Khi trở lại trường trung học ở Minden, do cha thường xuyên đi vắng vì bận công việc kinh doanh, mẹ và chị gái vẫn đang ở xa nên Franz phải thuê một căn phòng gần trường, ở một mình. Cô đơn, buồn bã vì nhớ nhà và lo lắng cho bệnh tình của chị gái, ông đã mô tả thời gian đó như là thời gian tồi tệ nhất trong đời ông. Như một sự an ủi, cha mẹ đã sắp xếp cho ông một kì nghỉ ở Porta Westfalen cùng với gia đình. Tại đây, ông dành phần lớn thời gian ngoài trời để khám phá hệ thống thực vật ở đây và nhận thấy nó khá khác với ở những hệ thống thực vật ông từng biết như ở rừng Clus. Trong thời gian rảnh, ông đã đọc các tác phẩm của Alexander von Humboldt[12] và được truyền cảm hứng về tầm nhìn khoa học và sự mạo hiểm, óc sáng tạo.

Ông quay về trường trung học và hoàn thành năm cuối cấp. Ông đã cố gắng học tập rất chăm chỉ do không muốn lập lại thất bại trước đây (về điểm số). Ông đã học miệt mài tới mức làm cho mẹ ông lo lắng, tuy nhiên thành quả đạt được là ông đã thành công trong kì thi cuối cấp và sẵn sàng theo đuổi bất kì ngành học nào ở bất kì đại học nào mà ông thích.

2.1.2 Đại học

Rào cản đầu tiên mà ông phải vượt qua trên con đường học vấn của mình, là thuyết phục cha ông cho ông theo khoa học tự nhiên. Ông Meier Boas muốn con trai duy nhất của mình học ngành Y. Franz đã giải thích về đam mê của mình trong một bức thư gửi Toni: “Chủ yếu là bởi vì khoa học mà em yêu thích nhất là so sánh các thứ và y khoa thì chẳng có gì để mà so sánh cả. Em không có tí hứng thú gì với y học.”[13] Cuối cùng, cha ông nhượng bộ, và ông theo học đại học Heidelberg. Franz Boas chọn trường này chủ yếu vì nó gần với Stuttgart nơi Toni sống vào lúc đó. Ông dự định học một ở Heidelberg một học kì rồi chuyển tới một trường đại học khác.[14]

Heidelberg là một thành phố lãng mạn và có truyền thống về khoa học. Những thị trấn đẹp như tranh với các tàn tích cổ xưa rải rác và những khám phá thời đại, đặc biệt trong khoa học tự nhiên với các tên tuổi như Gustav, Kirchhoff, Helmholtz và Busen[15]. Tại đây, ông đã say mê học tập, nghiên cứu, tuy nhiên vẫn cảm thấy cô đơn. Để kết bạn, ông đã gia nhập các câu lạc bộ trong trường thời bấy giờ, trong đó có câu lạc bộ toán học và câu lạc bộ đấu kiếm – điều mà sau này trở nên có lợi, vì chẳng bao lâu sau ông bị thách thức vào một trận đấu tay đôi.  Đó là một trận đấu với những tình tiết điển hình. Một người quen mượn chơi cây piano trong phòng của Boas, và người này chơi rất tệ. Vào một buổi tối, một số nam sinh đã chế nhạo Boas vì cho rằng tiếng đàn đó là của ông. Ông đã rất bực mình, hét bảo họ vào nhà và nghe ông chơi một bản giao hưởng. Ông nhanh chóng chuyển tiết tấu lên nhanh hơn và khó hơn trong cơn giận của mình nhằm làm bẽ mặt những người trêu chọc. Ngay lập tức, một trong số những người này thách ông một cuộc đấu kiếm tay đôi chính thức. Trận đấu diễn ra vào một tháng sau sự kiện đó, và, mặc dù mất một mảng da đầu đáng kể, Franz Boas đã thắng.[16] Dấu vết mà trận quyết đấu này để lại là một vết sẹo lớn trên mặt, có thể thấy qua những tấm hình sau này của ông, dù ông đã cố ý quay phần mặt lành về phía máy ảnh. Một sự kiện khác đáng quan tâm trong những năm tháng đại học của Franz Boas đó là trong một kì nghỉ, ông trở về nhà và được tin Reinhard Krüer, một người bạn rất thân của ông thời Trung học, đã bị chết đuối.[17] Franz đã buồn tới mức đưa ra một quyết định ảnh hưởng đến con đường học vấn của mình: từ bỏ sinh vật học để theo học vật lý, chỉ vì học sinh vật học mất quá nhiều thời gian. Trong một bức thư gửi cho Toni chị mình vào thời điểm đó, Boas viết:

“Em không thể sống trong cô đơn, bởi vì như vậy, em sẽ suy nghĩ quá nhiều về quá khứ, về những gì không thể thay đổi được”[18]

Ông chọn ĐH Bonn, một trong những nơi tốt nhất để theo học vật lý, theo lời Rudolph Clausius.[19] Tại Bonn, ông đã gia nhập hội Alemannia (một dạng hội sinh viên ái hữu) và từng một học kì làm thư kí của hội này. Ông cũng dành thời gian cho các hoạt động ngoại khóa như học khiêu vũ, học nhạc, tham gia dàn đồng ca và nhiều buổi hòa nhạc cũng như nhạc kịch. Đó là điều đáng ngạc nhiên, bởi vì trong việc học, số lượng các lớp mà Boas tham dự nhiều hơn hẳn so với yêu cầu cho trình độ của ông. Giữa vật lý và toán học (là chủ yếu), ông còn dành thời gian tham gia một vài lớp địa lý với Theobald Fischer. Giáo sư Theobald đã từng dạy ở Bonn và cũng từng là thành viên Hội Alemannia nên giữa họ có một mối quan hệ khá tốt. Theobald Fischer đã bắt đầu sự nghiệp của mình như một sử gia, nhưng qua nhiều chuyến đi (du lịch) đến nhiều nơi trên thế giới, ông chuyển sang nghiên cứu địa lý. Một trong những bài giảng của Fischer mà Boas đã tham dự đó là về địa lý vùng Bắc cực. Qua những bài giảng của ông, Franz Boas nhìn thấy gần như chính xác những viễn cảnh từ thời thơ ấu của mình về tương lai sự nghiệp.

Lại là lý do gia đình khiến Boas rời Bonn. Sức khỏe của Toni xấu đi nhiều, chứng thấp khớp đã lan rộng tới hông và người ta chuyển cô đến Kiel. Trong lúc đó, Boas muốn đến Berlin để viết luận án tiến sĩ của mình dưới sự hướng dẫn của  Hermann von Helmholtz[20], nhưng cuối cùng lại đến Kiel để dễ dàng thăm nom chăm sóc Toni.

Tại Đại học Kiel, mặc dù đạt được học vị tiến sĩ vật lý (vào năm 1881) nhưng ông cảm thấy không thỏa mãn với luận văn của mình, do giáo sư hướng dẫn, Karsten Gustav, đã chỉ thị cho ông một hướng nghiên cứu khác với quan tâm của ông ban đầu.

Nếu cách đây một vài học kì, ai bảo tôi làm một luận văn như vậy có lẽ tôi đã cười vào mặt anh ta. Tuy nghiên con người phải học cách bằng lòng (Franz Boas)[21]

Từ sự kiện này, Franz Boas bắt đầu quan tâm đến những vấn đề về nhận thức, nhằm tìm ra nguyên nhân mà nghiên cứu của ông bị ngáng trở. Ông cũng quan tâm đến triết học, đặc biệt là triết học Kant[22] vốn rất thịnh hành ở Đức thời kì ấy. Ông tiếp xúc với triết học Kant qua những bài giảng Mỹ học của Kuno Fischer[23] hồi còn ở Heidelberg và qua buổi hội thảo của Benno Erdmann[24] ở  đại học Bonn. Từ nền tảng triết học mà ông có được, cùng với sự bất mãn, hay nói đúng hơn là băn khoăn trong lúc thực hiện đề tài tiến sĩ vật lý của mình, Franz  Boas đã có ý muốn  dùng triết học để giải quyết các vấn đề về tâm lý và nhận thức luận trong nghiên cứu vật lý[25]. Và như vậy, tác phẩm khoa học được công bố đầu tiên của Boas lại thuộc thể loại khoa học “mềm”, tâm lý, quan tâm đến cơ chế làm thế nào con người và sinh vật nhận thức được môi trường xung quanh thông qua các giác quan.[26]

May mắn thay, Theobald Fischer cũng chuyển đến Kiel thời gian đó, và Boas có cơ hội tham gia những buổi thảo luận của ông về núi lửa, động đất và lịch sử ngành địa lý. Chị của ông sau này đã viết: “Sau nhiều năm làm ngơ, em trai tôi lại bị chinh phục bởi địa lý, niềm đam mê đầu tiên của nó”. [27] Thật vậy, để được ở gần chị mình, Franz Boas đã theo đuổi ngành vật lý, bỏ qua truyền thống gia đình cũng như ước mơ thuở nhỏ. Hơn thế nữa, nền học thuật Đức bấy giờ khó chấp nhận việc chuyển ngành.  Không đơn thuần là những khúc quanh không mong muốn, những năm đại học còn cho ông thấy được những khác biệt, mặc dù mơ hồ, về lãnh vực mà ông thực sự muốn để bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình. Tương lai trong ngành vật lý trở nên mù mờ, nhưng những khả năng mới lại mở ra với Boas. Ông hình dung mình sẽ áp dụng những gì được học về vật lý trong nghiên cứu địa lý, và có lẽ, thậm chí, là những chuyến thám hiểm thực địa.

Sau khi nhận được bằng tiến sĩ tại đại học Kiel với nhiều thăng trầm, Franz có một kì nghỉ tại dãy núi Harz vào mùa hè năm 1881. Đây lại là một sự kiện mang tính quyết định khác đối với cuộc đời Franz : tại đây, ông đã gặp người sau này trở thành vợ ông: Marie Krackowizier, con gái tiến sĩ Ernst Krackowizier, một người bạn của Jacobi và hiện đã di cư sang Mỹ.

Năm 1882, cùng với thất bại trong việc tìm kiếm học bổng nghiên cứu sinh tại đại học Johns Hopkins, Franz Boas phải thi hành nghĩa vụ quân sự trong vòng một năm. Ông có nguyện vọng đóng quân ở Göttingen, nơi ông có thể tiếp xúc và làm việc với nhà địa lý Hermann Wagner[28]. Tuy nhiên, tôn trọng yêu cầu của cha mẹ mình, ông đã phục vụ tại Minden sau bốn năm rời xa quê hương. Ngoài thi hành nghĩa vụ quân sự, Franz Boas còn giúp gia đình xây mới lại căn nhà cũng như xoay sở được thời gian cho những nghiên cứu cá nhân. Điều này gây ấn tượng mạnh với gia đình ông.[29] Những nghiên cứu cá nhân mà ông thực hiện trong năm này bao gồm sáu tháng đầu tiên là về tâm lý và sau đó là địa lý. Lấy cảm hứng từ những bài giảng của Theobald Fischer về Bắc Cực, Franz Boas đã tìm hiểu sự phụ thuộc vào cấu hình và các mối quan hệ tự nhiên của điều kiện đất đai đối với việc di chuyển của người Eskimo. Với những câu hỏi nghiên cứu còn bỏ ngỏ, ông đã quyết tâm cho một chuyến thám hiểm vùng đất này nhằm tìm ra câu trả lời.[30]

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Boas đến Berlin với hi vọng tìm tài trợ cho nghiên cứu của mình. Qua một người bạn của gia đình, ông được bố trí cho một cuộc gặp gỡ với Johann Wilhelm Reiss – phó chủ tịch Hiệp hội địa lý Berlin. Cuộc gặp gỡ quan trọng này đưa ông đến với bộ sưu tập về người Eskimo thuộc Bảo Tàng Hoàng Gia, và Adolf Bastian. Với tư cách là người đứng đầu Hiệp hội Địa lý Hoàng Gia Đức, Bastian đề nghị Boas đến Ủy ban Địa cực Đức – nơi đang lên kế hoạch cho một chuyến thám hiểm. Tuy nhiên với Franz Boas sẽ không có gì đảm bảo về mặt kinh phí. Một cách chủ động, ông liên hệ với tờ Berliner Tageblatt – một nhật báo lớn của Berlin – về loạt bài viết thám hiểm Bắc Cực mà ông sẽ cung cấp cho họ sau chuyến đi. Kết quả là Franz Boas đã có thể chuẩn bị những thứ khác cho chuyến thám hiểm đầu tiên của mình với số tiền tạm ứng cho mười lăm bài viết. Dĩ nhiên, cha mẹ ông không hồ hởi với chuyến thám hiểm của ông. Để bớt lo lắng, họ đã đề nghị ông đem theo Wilhelm Weike – một người giúp việc của gia đình. Nhưng sự chuẩn bị quan trọng nhất cho chuyến đi là về mặt học thuật. Ông đã học tiếng Đan Mạch, tiếng Anh và các ngôn ngữ của người Eskimo; ông cũng học về bản đồ, thiên văn với Ernst Becker, học nhiếp ảnh với Vogel, nhân trắc với Rudolf Virchow. Franz đã học hỏi rất nhiều từ Bastian và Virchow. Trong thời gian đó, công trình về địa lý nhân văn (Anthrogeology) của Friedrich Ratzel vừa được công bố, và với Boas đây là một cuốn sổ tay tra cứu về vấn đề mà ông nghiên cứu.

Vào thời điểm này, Franz Boas đã dự định kết thúc chuyến hành trình ở Mỹ, nơi ông hi vọng vào những cơ hội tiến xa hơn trong sự nghiệp, và, để gặp Marie (nhờ sự giúp đỡ của Toni, ông và Marie đã đính hôn trước khi ông lên đường đi Baffin)[31]

2.1.3 Nhà nhân học thực địa

Sẽ không là sai lầm khi chọn cột mốc năm 1884 – năm Boas thực hiện chuyến thám hiểm đến đảo Baffin – là điểm xuất phát của ông trên con đường trở thành nhà nhân học. Dĩ nhiên, mục đích ban đầu của ông là khám phá về địa lý tự nhiên, nhưng những gì thu hoạch được từ chuyến đi, những sự việc gây ấn tượng mạnh với ông, lại nằm hoàn toàn ở con người – những người Eskimo thuộc một nền văn hóa rất khác với văn hóa của ông. Ông đã, trân trọng và lãng mạn, ca ngợi những phong tục “đẹp đẽ” của họ:

Tôi thường tự hỏi đâu là thế mạnh của xã hội “tốt” như xã hội của chúng ta, chúng có gì khác biệt hơn so với những xã hội “man rợ”? Và tôi nhận thấy rằng, càng hiểu biết nhiều về văn hóa và các phong tục của họ, ta càng không có quyền xem thường họ.[32]

Boas tìm thấy “sự thống nhất tâm linh” (psychic unity) ở mọi nơi. Ông gọi chúng là Herzenbildung (inner character – đặc điểm nội tâm) : “Tội lỗi, cũng như các giá trị khác của một người nằm trong đặc điểm nội tâm của họ, điều mà tôi thấy sự xuất hiện hoặc thiếu đi cũng nhiều như trong xã hội chúng ta”[33]

Trong chuyến thám hiểm này, Boas đã làm nhiều hơn công việc quan sát. Ngày nay, bất kì một sinh viên nhân học nào cũng biết rằng quan sát và tham dự tại thực địa luôn là những phương pháp trọng yếu cho một nghiên cứu. Như một người tiên phong, Boas đã sống với họ, đi săn với họ, và thuộc về nhóm những người đàn ông của bộ lạc. “Giờ đây, anh là một người Eskimo thực sự” – Boas đã viết về mình như thế trong những lá thư gửi cho Marie từ thực địa.[34]

Nơi đầu tiên đoàn thám hiểm đặt chân tới là đảo Kekerten. Boas bắt tay vào việc vạch ra hành trình cho đến khi ông thuê được những người Eskimo đủ cho một thủy thủ đoàn. Người giúp đỡ chính của ông trong thời điểm này là Signa, một người Eskimo 50 tuổi. Ban đầu sự giúp đỡ này được đảm bảo thông qua những món quà như súng trường, bánh mì và thuốc là. Ngoài ra, Boas còn nhận được sự trợ giúp từ một tàu săn cá voi trong vùng, James Mutch. Sau nhiều cố gắng kéo dài chuyến du hành bị đánh bại bởi thời tiết xấu và những khó khăn trong việc săn hải cẩu, cuối cùng ông phải quay về, mua những con chó kéo xe và chuẩn bị cho một phiên bản rút gọn so với kế hoạch ban đầu, bằng đường bộ thay vì đường thủy. Chuyến đi bằng xe trượt tuyết này, tiếc thay, lại kết thúc trong thảm họa. Do tuyết rơi dày, họ đã bị lạc đường. Boas, Weike và Signa đã trải qua nhiều ngày lạc lối giữa sương mù và tuyết dày đặc, ngủ trên xe trượt tuyết và không có thức ăn.

Vào thời điểm đó có một đợt dịch bệnh bạch hầu lây lan trên đảo, và Boas đã làm hết sức để cứu chữa cho một người Eskimo mắc bệnh này. Không may là, người ta cho rằng Boas đi liền với căn bệnh, và chỉ có ông mới có thể chữa được. Vai trò của ông trở nên mâu thuẫn với shaman[35] của bộ lạc. Trong tình huống ấy, Boas nhận thức được rằng ông cần sự giúp đỡ từ những người Eskimo cho nghiên cứu, nhưng đồng thời họ cũng cần ông cung cấp thuốc men. Ông đặt điều kiện với những người Eskimo về sự trao đổi này. Kết quả là, một angakuk (shaman) tên Napekin đã trở thành một trợ thủ hữu ích cho công việc của ông.[36]

Kết thúc chuyến hành trình, ông cố gắng xoay sở với những hi vọng còn sót lại về niềm đam mê khoa học địa lý của mình. Tuy nhiên, khi đến New York – Mỹ, ông đã trở thành một con người khác, với những trải nghiệm về sự cô đơn, bệnh tật và cả cái chết cận kề. Ông đánh giá cao sự cần thiết của dân tộc học và, một lần nữa, đối mặt với những khó khăn trong việc lựa chọn để thay đổi hướng sự nghiệp của mình. Có nhiều lý do khiến ông mong muốn ở lại Mỹ (ngoài việc Marie định cư ở đây) : Đầu tiên, có rất ít cơ hội để trở thành giáo sư ở Đức, và ít hơn nữa những cơ hội để làm việc trong lãnh vực công – lãnh vực mà Boas ngày càng quan tâm. Quan trọng hơn, ông cảm thấy bức bối với tình hình chính trị ở Đức bấy giờ: chống lại chủ nghĩa tự do và các nguyên tắc hiến pháp, cộng thêm sự bành trướng ngày một rộng khắp của chủ nghĩa bài Do Thái. So với bối cảnh ở Đức, nước Mỹ dường như mở ra những cơ hội vô tận. Nhưng ông không nhận được sự đồng tình từ phía gia đình. Họ cho rằng ông đã đánh mất tương lai vì những lợi ích cho cuộc hôn nhân sớm của của ông. Trong khoảng thời gian lưu lại Mỹ sau chuyến đi đến đảo Baffin, Boas đã không tìm được việc vì tiếng Anh của ông quá xoàng. Vì những lý do đó, Boas cho bản thân cơ hội phát triển sự nghiệp ở Đức một lần nữa.[37]

Khi Boas trở về, Fischer đã bố trí cho ông những cuộc thuyết trình về chuyến thám hiểm, và Boas đã nhận được những sự hưởng ứng đáng khích lệ. Nhưng tình hình chính trị thì thậm chí còn ảm đạm hơn lúc Boas đi: những giá trị nhân đạo, hướng về tinh thần mà Boas được thừa hưởng từ mẹ và chị ông lại trở thành đối nghịch với những chủ đề thay thế như chủ nghĩa dân tộc và thực tiễn. Điều này đã khiến Boas buồn chán và thất vọng.

Vẫn không có phản hồi gì về một công việc ở Mỹ, nên Boas chuẩn bị cho việc làm luận văn tại đại học Berlin. Đây hóa ra là một việc kinh khủng, bởi Boas phải dành ra một năm để viết luận án, để làm hài lòng Heinrich Kiepert – một giáo sư địa lý hàng đầu ở Berlin, nổi tiếng vì sự cứng nhắc và không có ý định hài lòng với bất cứ gì, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Với sự giúp đỡ của Kirchhoff và Bastian, Boas cũng đã bảo vệ thành công luận án của mình – “Vùng đất Baffin” – trước một hội đồng khoa học gồm 30 giáo sư. Công việc sau đó của Boas là làm trợ lý trong bảo tàng của Bastian. Đây là một công việc thú vị. Boas đã gặp gỡ được những nhà nhân học trẻ mà Bastian đang đào tạo. Qua công việc của mình, ông bắt đầu có hứng thú với những đồ tạo tác của người Indians ở British Columbia. Ông bị ấn tượng bởi “sự phong phú về mặt tư duy.. ẩn đằng sau những mặt nạ, đồ dùng được trang trí kì lạ, công phu và tinh xảo của bộ lạc”[38] Thú vị hơn nữa là người ta đã đem về bảo tàng cả một đoàn ca vũ người Bella Coola Indians – và Boas dành thời gian rảnh của mình để học ngôn ngữ cũng như các điệu nhảy của họ. Nhưng vì họ không phải là người Eskimo nên sự hấp dẫn với Boas đã bị giảm sút. Ông nhận thấy bản thân muốn tiếp tục nghiên cứu thật kĩ lưỡng người Eskimo. Ông đã cố gắng viết một bài về đoàn nhạc công người Bella Coola bằng tiếng Anh – đây thực sự là một thách thức với trình độ Anh văn của Boas. Bài viết của ông được đăng trên tạp chí American Science, đem lại cho ông những hi vọng mới về cơ hội việc làm ở Mỹ. [39]

Trước khi bắt đầu những bài giảng ở đại học Berlin, Boas quyết định đi Anh và Mỹ để tìm cơ hội tốt hơn. Tuy không tìm được một công việc cụ thể, nhưng ông đã xoay sở để đảm bảo cho việc nghiên cứu ở Tây Bắc Thái Bình dương, với sự trợ giúp là một khoản vay từ người chú: Jacobi. Và như vậy, ông đã hủy hợp đồng giảng dạy tại đại học Berlin để đến thành phố Victoria ở British Columbia. Từ đây, ông bắt đầu đi đến môt ngôi làng phía bắc Kwakiutl nơi thường xuyên diễn ra nhiều lễ hội. Nhận thấy các lễ hội này đều xoay quanh những câu chuyện trong thần thoại, nên ông dành một phần lớn thời gian để thu thập các câu chuyện này. Đây là điều không dễ dàng vì những thông tín viên không phải lúc nào cũng sẵn sàng cung cấp cho ông những thông tin xác thực. Một người phụ nữ Comox thậm chí còn cố bịa ra một câu chuyện để kể cho ông[40]. Tuy vậy chuyến thực địa tương đối thành công, nhờ những nỗ lực nhập thân văn hóa của Boas. Ông đã thu thập được nhiều hiện vật quý hiếm, ba trăm trang viết về huyền thoại, bảng từ vựng và ngữ pháp ngôn ngữ của người Kwakiutl. Ông đã hi vọng dùng những hiện vật và tư liệu này để có được một công việc phụ trách bảo tàng ở Mỹ, nhưng dường như không ai ở New York lúc bấy giờ đặc biệt quan tâm đến triển lãm dân tộc học. Thay vào đó, ông được tạp chí Science mời làm việc với vai trò phóng viên ở Berlin. Nhưng Boas đã do dự trước việc quay trở về, bởi mối đe dọa từ cuộc chiến đang bắt đầu ở Balkan, ông phải đối mặt với nguy cơ quay lại quân ngũ. May mắn thay, một bài viết cho tạp chí Science vào năm 1887, The study of Geography, đã giúp ông được nhận công việc phụ trách biên tập mảng địa lý của tạp chí. Boas cuối cùng cũng đã có thể ở lại Mỹ, và với công việc ổn định này, ông và Marie đã kết hôn. The Study of Geography là một bài viết đầy nhiệt huyết, trong đó Boas viết say sưa về niềm đam mê mà một người vừa có lại được. Trong bài viết, Boas đề cập đến việc có nhiều phương pháp có thể áp dụng cùng lúc cho các vấn đề của cùng một chủ thể – điều này xuất phát từ quan điểm của Wilhelm Dilthey[41] về những lĩnh vực bổ sung cho nhau nhưng không chồng chéo lên nhau. Chúng ta sẽ thấy Boas còn tiếp tục sử dụng quan điểm này trong những nghiên cứu nhân học của ông sau này.

Năm 1889, Boas chuyển đến Worcester theo lời mời giảng dạy tại đại học Clark. Đây là một trường đại học mới mở, được hi vọng như một “đội ngũ trong mơ” quy tụ những học giả xuất sắc thuộc các lĩnh vực trong cả nước. Tại đây Boas bắt đầu đào tạo nhân học theo cách của ông, và A. F Chamberlain[42], một trong những sinh viên của Boas, đã trở thành tiến sĩ nhân chủng học đầu tiên tại Mỹ. Chuyên ngành bấy giờ của Boas là nhân học hình thể, nên ông mau chóng áp dụng các phương pháp đo đạc để nghiên cứu về sự liên hệ giữa các chỉ số hình thể và năng lực tinh thần của các học sinh ở Worcester. Tuy nhiên nghiên cứu của ông vấp phải sự chống đối của báo chí địa phương cũng như sự cân nhắc giữa việc trung thành với giảng viên hay với nguồn tài trợ của nhà trường. Nghiên cứu của Boas được cho là hoạt động cá nhân và vì thế, người ta từ chối tài trợ cho dự án. Boas bị xa lánh bởi các đồng nghiệp của mình. Đến năm 1892, hai phần ba giảng viên của khoa rời vị trí, đem theo hầu hết các sinh viên ưu tú của họ[43]. Trong môi trường làm việc không thuận lợi như vậy, Boas quyết định ngừng giảng dạy ở Clark và tham gia một dự án của BAAS[44] : nghiên cứu, thu thập những tài liệu ngôn ngữ Chinook[45] để chuẩn bị cho World Fair kỉ niệm 400 năm Columbus cùng đoàn thám hiểm của ông đến Bắc Mỹ diễn ra tại Chicago vào năm 1893. Tuy nhiên do những mâu thuẫn trong bộ phận tổ chức, triển lãm không đạt được thành công như mong đợi. Bị vướng vào các ý đồ chính trị, Boas đã không thể có được công việc tại BAE (Bureau of American Ethnology – Vụ Dân tộc Mỹ) như đã được hứa hẹn. Ông ở trong một giai đoạn khó khăn của sự nghiệp và cả trong cuộc sống, vì đứa con thứ ba của ông, Hedwig, đã chết vì bệnh, để lại sự đau buồn cũng như các hóa đơn bác sĩ và chi phí mai táng đáng kể. Ông trở lại New York sống cùng gia đình Marie và tiếp tục hoạt động nghiên cứu cá nhân, chuẩn bị cho một bài trình bày với AAAS (American Association for the Advancement of Science) – một hiệp hội mà sau này ông đã lên đến chức phó chủ tịch ngành Nhân học. Nội dung bài diễn thuyết là tuyên ngôn của Boas về thuyết tương đối văn hóa. Mười bảy năm sau ông đã nhắc lại nguyên văn nội dung thuyết này trong quyển Tư duy của người nguyên thủy (The Mind of Primitive man) xuất bản lần đầu tiên năm 1911. Ông lập luận rằng có thể tìm ra nguyên nhân sự khác biệt về trình độ tư duy giữa các chủng tộc từ sự khác biệt về truyền thống văn hóa, và nhiệm vụ của nhà khoa học là quan sát và ghi nhận những sự khác biệt này[46]. Khác với thuyết tiến hóa xã hội, ông đánh giá cao tinh thần của người nguyên thủy qua những trải nghiệm của ông khi sống giữa người Kwakiult. Ông gọi đó (kinh nghiệm của họ) là những nỗ lực tinh thần, trong điều kiện không có công cụ hỗ trợ về ghi nhớ, và như vậy là họ thật ra rất thông minh.

Trong thời gian này, Boas tiếp tục hợp tác với BAAS trong nhiều dự án nghiên cứu, chủ yếu là những chuyến thực địa dài ngày, bất chấp sự phản đối của Marie. Những chuyến đi giúp ông hiểu tường tận hơn về những nền văn hóa khác, cũng như bổ sung cho lý thuyết của mình được đầy đủ. Giữa những chuyến thực địa là thời gian dành cho gia đình, bao gồm cả việc về Đức thăm cha mẹ và chị. Cuối cùng, ông được nhận vào làm phụ trách nhân chủng học ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ ở New York. Với vị trí này, ông có điều kiện đề xuất với giám đốc bảo tàng những dự án lớn, mà một trong số chúng là dự án thu thập các tư liệu bản địa ở khu vực Thái Bình Dương và Châu Á, trước khi chúng biến mất, với mong muốn so sánh những chủng tộc và văn hóa của họ, tìm kiếm một kết nối lịch sử. Do phạm vi rộng và liên tục, dự án đòi hỏi sự hợp tác của nhiều chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới. Điều này thúc đẩy việc cập nhật cũng như hoàn thiện các phương pháp nghiên cứu đặc thù của ngành nhân học theo trường phái Boas (sau này được biết đến dưới tên gọi đặc thù luận lịch sử). Nhiều cộng tác viên của Boas đã được ông đào tạo trở thành những nghiên cứu viên nhân học chuyên nghiệp. Công việc sau đó dễ dàng hơn và ông để họ (những nghiên cứu viên cộng tác) tiếp tục công việc điền dã. Ông tập trung xúc tiến các dự án lớn khác, và giải quyết những công việc liên quan như đàm phán với chính quyền ở những địa phương mà đoàn làm việc khảo sát thực địa. Những năm về sau, công việc ông càng nhiều và ông quá bận rộn cho những chuyến điền dã. Với những người được ông đào tạo và niềm đam mê lan tỏa từ ấy, số lượng người muốn theo học nhân học chuyên nghiệp ngày một nhiều. Boas đã thành lập Khoa nhân học tại Đại học Columbia – khoa nhân học đầu tiên của nước Mỹ.

2.1.4 Sinh viên và những ảnh hưởng của Boas.

Giữa những năm 1901 và 1911, Đại học Columbia cấp 7 bằng tiến sĩ Nhân chủng học. So với tiêu chuẩn hiện nay, đây là một con số nhỏ, nhưng trong thời gian đó,con số này nói lên tính ưu việt của chương trình nhân chủng học tại đây so với cả nước. Nhiều sinh viên của Boas sau này tiếp tục thành lập các khoa nhân học tại các trường đại học lớn trên khắp nước Mỹ. Người ta vẫn gọi Boas là “cha đẻ của ngành nhân học hiện đại Mỹ” là vì thế. Nghiên cứu sinh đầu tiên của chương trình tiến sĩ nhân học mà Boas đào tạo là Alfred L. Kroeber (năm 1901), người sau này cùng với Robert Lowie (cũng là một học trò của Boas) xây dựng khoa Nhân học ở đại học California, Berkely. Edward Sapir (năm 1909) và Fay-Cooper Cole (năm 1914) đã phát triển các chương trình nhân chủng học tại Đại học Chicago. Hai tên tuổi khác dưới sự hướng dẫn của Boas là Magaret Mead và Ruth Benedict, nổi tiếng với những hoạt động và lý thuyết về lãnh vực nhân học tâm lý. Leslie Spier (1920) đã thiết lập các chương trình nhân chủng học tại đại học Washington. Có nhiều trường hợp đang theo những chuyên ngành khác, nhưng qua tiếp xúc với Boas và nhân học của ông thì chuyển sang nghiên cứu nhân học như Robert Lowie vốn quan tâm đến ngôn ngữ học và các ngành khoa học tự nhiên còn Alfred Louis Kroeber yêu thích văn chương. Elsie Clews Parsons, người đã có bằng tiến sĩ xã hội học ở Columbia năm 1899, cũng chuyển sang nghiên cứu dân tộc học với Boas. Các tên tuổi khác trong ngành là sinh viên, nghiên cứu sinh trực tiếp dưới sự dẫn dắt của Boas là E. Adamson Hoebel (năm 1934), Jules Henry (1935), Ashley Montagu (1938).

Sinh viên của Boas ở Columbia cũng bao gồm nhà nhân chủng học người Mexico Manuel Gamio, sau khi hoàn tất thạc sĩ tại Columbia vào năm 1911 đã trở thành giám đốc sáng lập Cục Nhân chủng học Mexico vào năm 1917. Một số sinh viên khác của Boas đã trở thành các biên tập viên cho tạp chí hàng đầu của Hiệp hội Nhân chủng học Mỹ như John R. Swaton (1911, 1921-23), Robert Lowie (1924 – 1933), Leslie Spier (1934 – 1938), Herskovits Melville (1950-1952).[47]

Hầu hết các sinh viên và các nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của Boas đều ảnh hưởng bởi mối quan tâm của Boas đối với lịch sử của tộc người. Họ thống nhất rằng đây là phần cần thiết trong một nghiên cứu nhân học, cần được dựng lại một cách cẩn thận. Ông kịch liệt phản đối thuyết tiến hóa xã hội và các kết luận mang tính phỏng đoán và qua đó, đề cao giá trị khoa học của phương pháp nghiên cứu điền dã. Các sinh viên của ông cũng theo truyền thống đó. Điền dã đã trở thành một quy tắc quan trong trong nghiên cứu nhân học hiện đại.

Ông cũng khuyến khích sinh viên của mình phải biết luôn nhìn nhận lại công việc và nghiên cứu của họ nhằm tìm ra những sai sót trong nghiên cứu. Ông đã tự lấy mình làm ví dụ khi chỉ ra những thiếu sót trong nghiên cứu của ông về ngôn ngữ và thần thoại của người Kwakiutl trong các bài giảng của mình. Được khuyến khích phản biện cũng như tích cực tư duy, các học trò của Boas nhanh chóng tách ra và theo đuổi những hướng nghiên cứu của riêng mình, đôi khi đối lập với quan điểm của Boas. Đó là Kroeber với mối quan tâm đến Sigmund Freud[48] và tiềm năng của sự phối hợp giữa nghiên cứu nhân loại học văn hóa với phân tâm học. Ruth Benedict phát triển những lý thuyết về “văn hóa và nhân cách” và “nền văn hóa quốc gia”. Julian Steward lại ủng hộ thuyết tiến hóa và phát triển các lý thuyết về sinh thái nhân văn và tiến hóa đa hệ.

Những nhánh quan trọng trong truyền thống nhân học hiện đại Mỹ sẽ được để cập đến qua các nhân vật ở phần tiếp theo của đề tài.

2.1.5. Nhà khoa học và nhà hoạt động chính trị – xã hội.

Trong quá trình nghiên cứu và hoạt động, Boas luôn công khai chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thuyết tiến hóa xã hội. Ông cũng lên án chiến tranh và cho rằng Mỹ không nên tham chiến[49]. Ông cảm thấy như đang trôi giữa những sự kiện chính trị xã hội mà không có bóng dáng của chiếc phao khoa học, cũng như nền giáo dục từ mẹ và chú Jacobi mà ông nhận được về tình thương nhân loại. Trong một lá thư gửi con trai, ông viết:

“Có một bài học cho tất cả chúng ta: ta nên gạt bỏ tình yêu nước giả dối. Điều này đúng với mọi thứ: từ những cái nhỏ nhặt cho đến những điều lớn lao hơn: niềm tự hào gia đình, lòng thù hận.. Tất cả những điều này[50] bắt nguồn từ một thực tế là chúng ta luôn xem xét các xã hội đất nước hay chủng tộc mà chúng ta thuộc về luôn tốt hơn so với phần còn lại, và do đó chúng ta mong mỏi điều tốt nhất cho bản thân mình. Thay vào đó, chúng ta nên làm những điều tốt nhất cho xã hội của chúng ta và luôn đánh giá đúng những gì người khác làm được”[51]

Tư tưởng này là nhất quán trong suốt cuộc đời Boas, cho dù ông nói về người Indians, người da đen hay người Do Thái. Năm 1919, Boas xuất bản một bài viết tựa đề “Scientists as Spiers” (tạm dịch: Những nhà khoa học gián điệp) , chỉ trích gay gắt những nhà nhân chủng học “giả vờ” làm công việc khảo cổ, thực chất là phục vụ cho quân đội Mỹ. Sự quyết liệt của ông về tự do học thuật, sự khăng khăng khoa học không đi kèm với chính trị khiến ông có nhiều kẻ thù, điều này gây khó khăn cho ông trong công tác nghiên cứu và giảng dạy[52]. Một sự kiện đáng lưu ý khác là sau chiến tranh, Mỹ trở nên càng lúc càng bài ngoại, và như vậy cũng đánh giá cao những yếu tố khoa học chứng minh cho luật hạn chế nhập cư. Boas cho điều đó là vô nghĩa và ra sức chứng minh điều ngược lại. Một sự trùng hợp kì lạ là trong thời điểm đó, tháng 12 năm 1929, Marie đã chết trong một vụ tai nạn giao thông. Cũng trong thời gian này Hitler đã lên nắm quyền ở Đức với chính sách diệt chủng tàn bạo. Boas đã phải chấp nhận chiến tranh như một điều không thể tránh khỏi.

Đó là một số hoạt động của Boas trong những năm giữ các chức vụ giáo sư nhân học tại đại học Columbia , phụ trách nhân chủng học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ và chủ tịch AAA4 (từ năm 1931 đến khi nghỉ hưu năm 1936). Về mặt học thuật, trong thời gian này, ông tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và phổ biến thuyết tương đối văn hóa và đặc thù luận lịch sử của mình. Phương pháp nghiên cứu thực địa được ông đặc biệt chú trọng, là một trong những đóng góp to lớn của ông trong việc loại bỏ tính suy diễn từ những tài liệu thứ cấp, chú trọng tính khả chứng của những kết luận trong nghiên cứu nhân học. Ông cũng là người đầu tiên phân loại nhân học thành bốn chuyên ngành chính: khảo cổ học, nhân học hình thể, nhân học ngôn ngữ và nhân học văn hóa. Cách chia này vẫn được dùng phổ biến ở nhiều nơi (ngày nay bổ sung thêm chuyên ngành nhân học ứng dụng).

Vào ngày 21 tháng 12 năm 1942, trong một buổi tiệc trưa do ông tổ chức để chiêu đãi các đồng nghiệp của mình đến từ nước Pháp, trong đó có Paul Rivet, cũng là một nhà hoạt động chống Đức Quốc xã, và Claude Lévi – Strauss[53]. Sau khi kết thúc phần tuyên bố thường lệ về việc cần thiết phải chống mọi hình thức phân biệt chủng tộc, ông quay trở về chỗ của mình và ngã xuống vì một cơn đột quỵ[54]. Franz Boas qua đời.

2.1.6. Kết

Sau Boas, những khuynh hướng lý thuyết mới không ngừng ra đời, vừa kế thừa vừa mâu thuẫn với những lý thuyết trước đó. Là một người tiên phong chống lại thuyết tiến hóa xã hội, Boas và lý thuyết mà ông xây dựng nên lúc mới ra đời đã nhận phải nhiều sự nhận xét, phê phán thậm chí chỉ trích. Mặc dù vậy, “thừa nhận tính độc lập và giá trị tự thân của mỗi nền văn hóa, phủ nhận giá trị tuyệt đối của chuẩn mực phương Tây, khước từ những quy tắc tộc người trung tâm khi so sánh các nền văn hóa của các cư dân khác nhau, dung nhận sự tồn tại của người khác có văn hóa khác ‘ta’ ” vẫn là quan điểm nền tảng trong ngành nhân học cho tới hiện nay[55]. Nhìn lại những bước đi thăng trầm của ông trong sự nghiệp khoa học, ta thấy điểm nổi bật là những chuyến thực địa gắn bó dài ngày với cộng đồng ở nơi mà ông nghiên cứu. Phương pháp diền dã dân tộc học giờ đây đã trở thành một phương pháp truyền thống trong nhân học, là điều giúp nhận diện một nghiên cứu nhân học với đầy đủ giá trị của nó giữa những nghiên cứu khoa học xã hội khác.

Với lòng say mê khoa học và sự quyết tâm, Boas đã vượt qua nhiều thử thách cả trong khoa học lẫn đời sống riêng tư, để lại những thành tựu khoa học đáng giá. Nhìn vào cuộc đời ông, ta thấy rằng nhà bác học không phải chỉ là những con người khô khan chai cứng mà ngược lại, họ có một đời sống nội tâm sâu sắc, đầy tình cảm, nhiều trăn trở với con người và với khoa học. Dấu ấn của Boas đối với nhân học hiện đại còn là sự ảnh hưởng sâu sắc của ông lên các học trò của mình. Boas là nhân vật  tiêu biểu nhất cho nhân học hiện đại Bắc Mỹ cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. Từ ông, nhiều trường phái lý thuyết khác nhau đã ra đời, như một cái cây với nhiều nhánh rẽ, thúc đẩy nhân học Bắc Mỹ phát triển trong không khí sôi sục những tìm tòi và phản biện khoa học cao.



[1] Một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu cho tiến hóa luận xã hội: Xã hội cổ đại  (1859) của Lewis Henry Morgan (1818 – 1881), Văn hóa nguyên thủy (1871) của Edward Burnett Tylor (1832 – 1917),  Cành vàng của James Frazer (1854 – 1941) và một số tác phẩm khác của Herbert Spencer

[2] Tal Liron (2003), Franz Boas and the discovery of culture, Senior Honors Thesis, Department of Anthropology and Sociology at Amherst College.

[3] Thời đại khai sáng (tiếng Pháp: Siècle des Lumières), còn gọi là thế kỷ Ánh sáng, là giai đoạn thế kỷ 18 của triết học phương Tây, thường được liên hệ chặt chẽ với cuộc Cách mạng Khoa học, do cả hai phong trào đều nhấn mạnh vào lý tính, khoa học hay sự hợp lý, trong khi phong trào Khai sáng còn tìm cách phát triển hiểu biết có hệ thống về các quy luật tự nhiên và thần thánh.

[4] Stocking George (1974), A Franz Boas reader: the sharping of American Anthropology, 1883 -1911, Chicago and London: University of Chicago Press, pp. 41.

[6] Hermann Wagner (1841-?) là một nhà khoa học Đức trong lĩnh vực vi sinh vật học và miễn dịch học, từng là chủ nhiệm của Khoa Y của Đại học Kỹ thuật Munich (TUM).

[7] Robinson Crusoe là tiểu thuyết của nhà văn Anh Daniel Defoe (16601731), tên tiếng Anh đầy đủ: The life and strange surprizing adventures of Robinson Crusoe of York, Mariner (nghĩa tiếng Việt: Cuộc đời và những chuyện phiêu lưu kỳ thú của Robinson Crusoe, người thủy thủ xứ York). Đây là tác phẩm xuất sắc nhất trong hơn hai trăm năm mươi tác phẩm truyện dài và truyện ngắn của Daniel Defoe, xuất bản lần đầu tiên năm 1719 khi tác giả đã gần sáu mươi tuổi.

[8] Tal Liron(2003), Franz Boas and the discovery of culture, Senior Honors Thesis, Department of Anthropology and Sociology at Amherst College.

[9] Jena là một thành phố Đức có trường đại học, nằm trong tiểu bang Thüringen cạnh sông Saale. Jena là thành phố lớn thứ ba của tiểu bang sau ErfurtGera. Sau nhiều lần sáp nhập hành chính Jena là thành phố lớn từ năm 1975

[10] Dietrich von Georg Kieser (1779 – 1862) là một bác sĩ người Đức sinh ra tại Harburg. Ông học y khoa tại các trường Đại học Würzburg và Göttingen, nhận học vị tiến vào năm 1804. Hầu hết trong sự nghiệp của mình, ông giảng dạy tại Đại học Jena, năm 1824 trở thành giáo sư chính thức của đại học này. Kieser cũng là một nhà khoa học tự nhiên

[11] Cole Douglas(1999), Franz Boas: The Early Years, 1858-1906. Vancouver: Douglas and McIntyre.

Ford, Clellan S, pp. 25.

[12] Friedrich Wilhelm Heinrich Alexander Freiherr von Humboldt (17691859), thường được biết đến với tên Alexander von Humboldt, là một nhà khoa họcnhà thám hiểm nổi tiếng của Vương quốc Phổ. Ông là em trai của Wilhelm von Humboldt, bộ trưởng nội các Vương quốc Phổ và là nhà triết học, ngôn ngữ học.

[13] Cole Douglas (1999), Franz Boas: The Early Years, 1858-1906. Vancouver: Douglas and McIntyre.

Ford, Clellan S, pp 29

[14] Tal Liron(2003), Franz Boas and the discovery of culture, Senior Honors Thesis, Department of Anthropology and Sociology at Amherst College

[15] Cole Douglas(1999), Franz Boas: The Early Years, 1858-1906. Vancouver: Douglas and McIntyre.

Ford, Clellan S. pp. 38

[16] Cole Douglas(1999). Franz Boas: The Early Years, 1858-1906. Vancouver: Douglas and McIntyre.

Ford, Clellan S. pp.41

[17] Cole Douglas(1999), Franz Boas: The Early Years, 1858-1906. Vancouver: Douglas and McIntyre.

Ford, Clellan S. pp43

[18] Cole Douglas(1999), Franz Boas: The Early Years, 1858-1906. Vancouver: Douglas and McIntyre.

Ford, Clellan S. pp 44

[19] Rudolf Clausius Julius Emanuel (1822 – 1888), là một nhà vật lý và toán học người Đức,  được xem là một trong những người sáng lập khoa học về nhiệt động lực học.

[20] Hermann Ludwig Ferdinand von Helmholtz (1821 – 1894) là một bác sĩ và nhà vật lý người Đức. Ông có những đóng góp đáng kể cho nhiều lãnh vực khác nhau của hoa học hiện đại.

[21] Cole Douglas(1999), Franz Boas: The Early Years, 1858-1906. Vancouver: Douglas and McIntyre.

Ford, Clellan S. pp 53

[22] Immanuel Kant (1724 – 1804), triết gia quan trọng người Đức, nổi tiếng với học thuyết “Triết học siêu nghiệm” (Transzendentalphilosophie)

[23] Kuno Berthold Ernst Fischer, (1824 – 1907) triết gia Đức, nghiên cứu và phê bình lịch sử triết học, từng dạy ở ĐH Heidelberg và ĐH Berlin, tác giả của cuốn Kant’s life and the foundations of his doctrine (Cuộc đời và nền tảng học thuyết của Kant), xuất bản năm 1860

[24] Benno Erdmann (1851 – 1921), nhận bằng tiến sĩ triết học tại ĐH Berlin, từng giảng dạy tại ĐH Kiel và ĐH Bonn, nghiên cứu về tính tự thân trong triết học Kant và các vấn đề tâm lý, giáo dục.

[26] Tal Liron (2003), Franz Boas and the discovery of culture, Senior Honors Thesis, Department of Anthropology and Sociology at Amherst College

[27] Cole Douglas(1999), Franz Boas: The Early Years, 1858-1906. Vancouver: Douglas and McIntyre. Ford, Clellan S. pp57

[28] Hermann Wagner (1840 – 1929) là một nhà địa lý người Đức, ông bắt đầu giảng dạy tại đại học Göttingen từ năm 1880 và thành lập viện địa lý tại đây.

[29] Cole Douglas(1999), Franz Boas: The Early Years, 1858-1906. Vancouver: Douglas and McIntyre. Ford, Clellan S. pp 64.

[30] Cole Douglas(1999), Franz Boas: The Early Years, 1858-1906. Vancouver: Douglas and McIntyre. Ford, Clellan S. pp 65.

[31] Tal Liron(2003), Franz Boas and the discovery of culture, Senior Honors Thesis, Department of Anthropology and Sociology at Amherst College.

[32],2 Cole Douglas (1999) Franz Boas: The Early Years, 1858-1906. Vancouver: Douglas and McIntyre. Ford, Clellan S. pp 79.

 

[34] Cole Douglas(1999), Franz Boas: The Early Years, 1858-1906. Vancouver: Douglas and McIntyre. Ford, Clellan S. pp 78.

[35] Shaman: thuật ngữ chỉ một nhân vật đặc biệt có khả năng nhập thần để tiếp kiến thần linh hỏi cách chữa bệnh, cầu sự sinh sôi này nở, cầu xin được bảo vệ trong chiến tranh, cầu hướng dẫn linh hồn người chết.. (theo Nhân học đại cương, nxb ĐHQG TPHCM năm 2008, tr. 159)

[36],3  Tal Liron (2003), Franz Boas and the discovery of culture, Senior Honors Thesis, Department of Anthropology and Sociology at Amherst College.

 

[38] Cole Douglas(1999), Franz Boas: The Early Years, 1858-1906. Vancouver: Douglas and McIntyre. Ford, Clellan S. pp 97

[39] Tal Liron(2003), Franz Boas and the discovery of culture, Senior Honors Thesis, Department of Anthropology and Sociology at Amherst College.

[40] Cole Douglas(1999), Franz Boas: The Early Years, 1858-1906. Vancouver: Douglas and McIntyre. Ford, Clellan S. pp 101.

[41] Wilhelm Dilthey 1833 – 1911) là một nhà sử học Đức, nhà tâm lý học, xã hội học và thông diễn triết học, từng giữ chức chủ tịch của khoa triết học Hegel tại Đại học Berlin. Ông là một nhà triết học thông thái, làm việc tại một trường đại học nghiên cứu hiện đại. Nghiên cứu của Dilthey xoay quanh câu hỏi về phương pháp luận khoa học, bằng chứng lịch sử và tình trạng lịch sử như là một khoa học. Ông có thể được coi là một người theo chủ nghĩa kinh nghiệm, trái ngược với chủ nghĩa duy tâm phổ biến ở Đức vào thời điểm đó. (http://en.wikipedia.org/wiki/Wilhelm_Dilthey )

[42]. Alexander Francis Chamberlain (1865 – 1914) là một nhà nhân chủng học người Canada, sinh ra ở Anh. Sau khi tốt nghiệp, ông giảng dạy tại Clark, trở thành giáo sư chính thức năm 1911. Ông chủ yếu nghiên cứu về người Indians Kootenay (British Columbia) . (http://en.wikipedia.org/wiki/Alexander_Francis_Chamberlain )

[43] Cole Douglas(1999), Franz Boas: The Early Years, 1858-1906. Vancouver: Douglas and McIntyre. Ford, Clellan S.pp 145- 146.

[45]. Chinook chỉ một vài nhóm người bản thổ Mỹ trong khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nói các ngôn ngữ Chinookan. Trong thế kỷ 19, các dân tộc nói tiếng Chinookan sống dọc theo hạ và giữa sông Columbia ngày nay là Oregon và Washington.

[46] Tal Liron (2003), Franz Boas and the discovery of culture, Senior Honors Thesis, Department of Anthropology and Sociology at Amherst College.

[48] Sigmund Freud (tên đầy đủ là Sigmund Schlomo Freud, 1856 – 1939) là một bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo. Ông được công nhận là người đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học. Cho đến ngày nay mặc dù lý thuyết về phân tâm học của ông còn gây nhiều tranh cãi và người ta còn đang so sánh hiệu quả của các phương pháp phân tâm học của ông với các phương pháp điều trị khác, nhưng cũng phải thừa nhận rằng ông là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20.( http://vi.wikipedia.org/wiki/Sigmund_Freud )

[49] Thế chiến Thứ Nhất (1914-1918, Mỹ tham chiến năm 1917)

[50] Ý chỉ chiến tranh

[51],3 Tal Liron, Franz Boas and the discovery of culture, Senior Honors Thesis, Department of Anthropology and Sociology at Amherst College, 2003

4 AAA: American Anthropological Association – Hiệp hội Nhân học Hoa Kỳ

[53] Claude Lévi – Strauss (1908 – 2009): nhà nhân học tiêu biểu người Pháp, đại diện cho trường phái cấu trúc luận trong nhân học.

1,[54] Tal Liron, Franz Boas and the discovery of culture, Senior Honors Thesis, Department of Anthropology and Sociology at Amherst College, 2003

 

[55] Khoa Nhân học, Nhân học đại cương, NXB ĐH QG TPHCM, 2008,  tr24.

You may also like

Leave a Reply