P5_Cuộc đời và sự nghiệp của các Nhà Nhân học Bắc Mỹ TK 19-20

franz-boas-1-sized

Phan Đỗ Kim Nguyên

KẾT LUẬN

Qua cuộc đời và sự nghiệp của bốn nhà nhân học tiêu biểu Bắc Mỹ giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, ta có thể rút ra một số kết luận.

3.1. Cuộc đời của mỗi nhà nhân học là một chuỗi những sự kiện mang nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng đều ít nhiều có liên quan đến việc lựa chọn ngành. Franz Boas đến với Nhân học như một con đường phát triển sự nghiệp cá nhân, phần nào vì ông tìm thấy trong ngành khả năng lý giải những vấn đề chủng tộc một cách khoa học. Là một người Đức gốc Do Thái, ngay khi còn nhỏ đã phải va chạm các vấn đề kì thị chủng tộc như trường nội trú không nhân học sinh gốc Do Thái hay những cuộc thách đấu từ những nam sinh khác. Tự do là lý do ông đến Mỹ, và ngay cả khi là một giáo sư đại học ở Mỹ ông vẫn hoạt động tích cực cho nền tự do học thuật. Ông có những đóng góp quan trọng cho nhân học cả về lý thuyết đặc thù luận lịch sử lẫn phương pháp diền đã thực địa.

Ruth Benedict và Margaret Mead là những học trò ưu tú của Franz Boas. Hai bà cũng có nhiều đóng góp cho sự phát triển phong phú đa dạng các trường phái lý thuyết. Là những người phụ nữ dấn thân vào con đường học thuật trong bối cảnh xã hội còn xem nhẹ vai trò của phụ nữ là một trong những thành công đáng kể. Trong cuộc sống, cho dù gặp phải nhiều biến cố đau buồn, nhưng họ đã vượt qua và cống hiến cuộc đời mình cho khoa học. Khi chuyển từ tâm lý sang nhân học, họ cũng đem những tinh hoa trong nghiên cứu tâm lý sang nghiên cứu văn hóa, hình thành trường phái văn hóa và nhân cách. Dù là nữ nhưng những cố gắng không mệt mỏi của hai bà trong nghiên cứu thực địa rất đáng được ghi nhận.

Bên cạnh đó, cuộc đời và sự nghiệp của Julian Steward lại cho chúng ta hình dung cơ bản về một nhánh rẽ trong lịch sử lý thuyết nhân học. Phương pháp nghiên cứu thực địa trong nhân học mà Boas đề xuất đã đem đến hệ quả là qua công tác thực địa, những nhà nhân học nghiên cứu các địa bàn khác nhau nhìn thấy nhìn vấn đề khác nhau về điều kiện môi trường, hoàn cảnh lịch sử của mỗi nền văn hóa tương ứng. Quay trở về tham vọng ban đầu của các nhà tiến hóa luận thế kỉ XIX là tìm ra quy luật tiến hóa của xã hội loài người, Steward đã dựa vào các nghiên cứu thực địa của mình mà chứng minh tồn tại sự tiến hóa đa hệ của các nền văn hóa. Giả thuyết ban đầu của ông về mối quan hệ giữa văn hóa và môi trường đã trở thành nền tảng cho các nhà nhân học theo trường phái sinh thái nhân văn về sau.

3.2. Giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, tình hình chính trị và xã hội ở Mỹ cũng như trên thế giới có nhiều biến động. Các cuộc chiến tranh thế giới diễn ra, đi kèm với những cuộc xâm chiếm thuộc địa và những căng thẳng tồn tại do mâu thuẫn văn hóa giữa nhà cầm quyền và các dân tộc bản địa. Vào thời điểm này, các nhà nhân học tiêu biểu đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu nhân học theo quan điểm tương đối văn hóa, gây tiếng vang rộng rãi trong công chúng, giúp người đọc và nhà khoa học gần gũi hơn cũng như giúp người ta hiểu biết về nền văn hóa của người khác và của bản thân họ, từ đó có những cư xử phù hợp. Họ cũng cộng tác với chính phủ trong những vấn đề quốc tế, cung cấp tư liệu, “chuyển ngữ” các nền văn hóa, tạo ra sự hiểu biết về văn hóa quốc gia trong hoạt động đối ngoại.

3.3. Là một nhà nhân học thì quyết tâm và đam mê là điều kiện cần thiết, như chúng ta đã nhìn thấy qua cuộc đời và sự nghiệp của những nhà nhân học tiêu biểu Bắc Mỹ giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX vừa trình bày ở trên. Đây là bài học quan trọng cho sinh viên khi mới bắt đầu theo ngành nhân học. Giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX là giai đoạn đầu của nhân học hiện đại Bắc Mỹ. Trong tình hình non trẻ về chất lượng lẫn số lượng học giả của ngành nhân học nước ta hiện nay, việc tìm hiểu bối cảnh và học hỏi từ những kinh nghiệm về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà nhân học tiêu biểu trên là cần thiết để xây dựng hệ thống lý thuyết và phương pháp nghiên cứu đặc thù của ngành được chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội.

 

You may also like

Leave a Reply