Về sự nhận thức tác phẩm nghệ thuật văn học (dẫn luận)

Share Button
  1. Lĩnh vực quan sát (không dịch)
  2. Phác thảo sơ bộ vấn đề

  Vấn đề cơ bản mà tôi tìm kiếm câu trả lời là: Chúng ta nhận thức tác phẩm nghệ thuật văn học đã hoàn thành, được cố định bằng chữ viết (hay được tái tạo bằng các phương tiện khác, thí dụ như bằng máy ghi âm) như thế nào. Song sự nhận thức chỉ là một phương thức của sự giao tiếp của người đọc với tác phẩm văn học.  Thực ra ở đây các phương thức khác không hoàn toàn bị gạt sang một bên, nhưng trước mắt, chúng cũng không được đặc biệt chú ý. Ngay cả bản thân sự “nhận thức” cũng có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau mà qua đó cũng có thể đạt được những kết quả khác nhau. Thêm nữa tính chất khác loại của những tác phẩm được đọc cũng đóng một vai trò quan trọng.

Từ “nhận thức” được tôi sử dụng ở đây chỉ vì thiếu một từ tốt hơn1. Trước tiên nó được dùng trong một nghĩa khá mập mờ và rất rộng, bắt đầu bằng sự “trải nghiệm” chủ yếu có tính chất đón nhận, tiêu cực, mà ở đó chúng ta với tư cách là người tiêu dùng văn học “làm quen” với một tác phẩm nhất định, “tìm hiểu” nó theo cách nào đó và lại có thể quan hệ với nó trong một phương thức ít nhiều có tính chất xúc cảm, cho đến một cách thức ứng xử đối với tác phẩm mà thông qua đó chúng ta đạt đến một sự nhận thức đạt yêu cầu, có hiệu quả về tác phẩm. Tất cả những cách ứng xử còn hết sức khác nhau này đưa đến sự hiểu biết nào đó về một tác phẩm hoàn toàn nhất định, đó có thể là một cuốn tiểu thuyết (như uddenbrooks” của Thomas Mann) hay một bài thơ trữ tình nào đó (chẳng hạn: “Lặng im trên chóp đỉnh mọi cây ngàn…”) +) hay một vở kịch (chẳng hạn “Rosmersholm” của Ibsen). Ở đấy chúng ta cũng không loại những tác phẩm khác như chẳng hạn các bài báo, các tiểu luận hay tác phẩm khoa học ra  khỏi  các  tác  phẩm  đa  dạng được xem xét. Ngược lại điều quan trọng đối với chúng ta là cần ý thức được chúng ta “hiểu” các tác phẩm khoa học như thế nào và trong việc

+) Bài thơ của nhà thơ lớn nước Đức Johan Wolfgang Goethe (ND).

hiểu nắm bắt được bằng nhận thức không chỉ bản thân tác phẩm mà còn cả những điều được thể hiện trong các tác phẩm đó. Như vậy từ này có nghĩa là một sự giao tiếp với tác phẩm văn học, bao hàm trong đó một sự nhận thức nhất định, mà không nhất thiết loại trừ sự xúc cảm. Tất nhiên ngay từ đầu chúng ta đã tính đến việc là sự làm quen và cả sự nhận thức tác phẩm có thể diễn ra theo một cách thức khác nhau tùy theo tính chất độc đáo của tác phẩm chịu sự giao tiếp này và có thể đưa đến những kết quả biến đổi khác nhau. Song trong các quan sát tiếp theo tôi tin có thể chỉ ra được rằng mặc sự khác biệt rất đa dạng này, trong mỗi sự “nhận thức” tác phẩm văn học có sự hiện diện của những thao tác cùng loại ở mọi nơi của chủ thể trải nghiệm và rằng sự “nhận thức” đó có một tiến trình tiêu biểu đối với tất cả các trường hợp này, nếu không bị gây nhiễu bởi những hoàn cảnh bên ngoài nào đó hoặc bị làm cho ngưng trệ. Mặt khác trong các quan sát kết thúc sẽ chỉ ra rằng trong những trường hợp hoàn toàn đặc biệt nào đó có thể đạt được một sự nhận thức đích thực tác phẩm văn học và cả tác phẩm nghệ thuật văn học. Chỉ trên con đường tiệm tiến và chỉ ở giai đoạn cuối dẫn đến sự thu hẹp các khái niệm này mới cho phép xóa bỏ các nguy cơ phát sinh từ việc đặt cơ sở không có tính chất phê phán về một khái niệm “nhãn thức” tác phẩm văn học không được làm sáng tỏ và có thể rất hẹp. Như vậy khái niệm chính xác về sự nhận thức một tác phẩm văn học và đặc biệt một tác phẩm nghệ thuật văn học chỉ được xác định với tính cách là kết quả của sự quan sát của chúng tôi. Đồng thời cũng cần cân nhắc là trong những điều kiện nào có thể đạt được sự nhận thức ấy. Song trên con đường đi đến một kết quả như vậy nói chung phải vượt qua rất nhiều khó khăn liên quan tới vấn đề về “tính khách quan” của sự nhận thức và chỉ có thể giải quyết trong một sự quan sát hoàn toàn chung theo nhận thức luận. Thế thì ở đây chúng ta sẽ phải bằng lòng với việc dọn đường để đi đến mục đích này.

Ở đây tôi hiểu “tác phẩm văn học” trước hết là một tác phẩm được gọi là “mỹ văn”, mặc dù tiếp đến cũng cần bao quát cả những tác phẩm ngôn ngữ khác nữa, tức là cả những tác phẩm khoa học. Những tác phẩm được gọi là “mỹ văn” nhờ vào một cấu trúc cơ bản tiêu biểu riêng và những kỹ năng đặc biệt có kỳ vọng trở thành một “tác phẩm nghệ thuật” và tạo điều kiện cho người đọc nắm bắt một đối tượng thẩm mỹ thuộc loại đặc biệt. Nhưng không phải mọi tác phẩm nghệ thuật là một tác phẩm “thành công” và như vậy là một tác tác phẩm nghệ thuật trong ý nghĩa là “đích thực”, là “có giá trị”. Và mặt khác không phải mọi đối tượng của sự trải nghiệm thẩm mỹ là một đối tượng của một sự trải nghiệm đạt đến đỉnh điểm trong sự thích thú hay sự thán phục hay cuối cùng trong sự đánh giá tích cực. Điều này đặc biệt đúng với những tác phẩm được gọi là “mỹ văn”. Nó có thể “đích thực”, “hay”, nói chung có giá trị nghệ thuật hay thẩm mỹ, nhưng nó cũng hoàn toàn có thể là “tồi”, “ không đích thực”, “ ghê tởm” – tức là, nói gọn lại, có giá trị âm. Tất cả những tác phẩm ấy chúng ta có thể trải nghiệm chẳng những về mặt thẩm mỹ mà còn trong một sự nhận thức tiền thẩm mỹ hay mới chỉ được xây dựng trên sự trải nghiệm thẩm mỹ, nhưng thậm chí có thể lĩnh hội bằng sự nhận thức phi thẩm mỹ. Chỉ khi những kết quả của việc nắm bắt cuối cùng, bằng nhận thức, chúng ta mới có thể có được lời giải thích chắc chắn về giá trị của tác phẩm ấy2. Như vậy những quan sát của chúng ta phải bao gồm cả hai nhóm tác phẩm này mà trong đó ngay từ đầu chúng ta tính rằng sự nhận thức và đặc biệt sự nắm bắt theo thẩm mỹ những tác phẩm nghệ thuật văn học có giá trị nghệ thuật cao sẽ diễn ra khác hơn và có thể có những đặc điểm khác với việc nhận thức những tác phẩm “tồi”, có giá trị âm3.

  1. Điều chỉnh nhận thức phù hợp với cấu trúc cơ bản của đối tượng nhận thức

Trước khi chúng ta chuyển sang mô tả sự nhận thức – được hiểu môt cách rộng rãi như  thế – về tác phẩm văn học, chúng ta phải chú ý trước hết đến việc phải xác lập đối tượng của sự “nhận thức” này là gì. Các quan sát theo nhận thức luận mà về phía hiện tượng học đã được tiến hành từ tác phẩm “Những nghiên cứu về logic” của Husserl, đã chỉ ra rằng có sự tương quan đặc biệt giữa phương thức nhận thức với đối tượng cần nhận thức, có lẽ thậm chí có sự điều chỉnh sự nhận thức phù hợp với đối tượng này. Chủ yếu nó thể hiện ở chỗ là những phương thức ứng xử nào hay những thao tác nhận thức nào tham dự vào thành phần của toàn bộ tiến trình nhận thức, chúng diễn ra trong trật tự nào của sự nối tiếp và của sự đồng thời, chúng quy định lẫn nhau như thế nào và biến đổi ra sao, và tất cả chúng cùng đưa đến kết quả chung nào – mà giá trị nhận thức của nó phụ thuộc về bản chất vào tiến trình và sự phối hợp tác động của chúng. Cũng như vậy nhiều kiểu loại cơ bản và phương thức cơ bản của sự nhận thức cũng phù hợp với các loại đối tượng nhận thức. Thí dụ: Người ta chỉ có thể nhận thức một sự vật vật lý bằng cách người ta bắt đầu quá trình nhận thức với việc tri giác cảm tính đối tượng đó. Tất nhiên cũng có khi xảy ra là trải nghiệm một điều gì đó về một vật trên cơ sở một thông tin mới lạ, song phải có sự tri giác xảy ra trước thông tin này. Tùy theo kiểu loại của các đặc điểm được nhận thức ở một sự vật, ta phải sử dụng một phương thức khác của sự tri giác. Ta không thể nghe các màu sắc của một vật và nhìn hay sờ mó các âm thanh. Người nào muốn nhận thức những trạng thái hay quá trình tâm hồn của bản thân mình thì để thực hiện mục đích này phải sử dụng hành vi được cấu tạo và diễn tiến khác của sự tri giác bên trong và không thể ngưởi hay sờ mó chúng. Và tương tự trong tất cả các trường hợp khác: những mệnh đề toán học ta phải hiểu và chứng minh theo nghĩa của chúng, sự tri giác cảm tính không đóng vai trò gì ở đây. Trong mỗi trường hợp khác nhau này có một mối tương quan nghiêm ngặt giữa cấu trúc và tính chất của đối tượng cần nhận thức một mặt và với kiểu loại nhận thức mặt khác4. Lưu ý đến sự tồn tại của sự lệ thuộc tương quan này thì sự phân tích một tiến trình nhận thức nhất định dễ thực hiện hơn rất nhiều, nếu ta ý thức được sự  cấu thành cơ bản chung của đối tượng đó. Như vậy trong trường hợp của chúng ta sẽ bổ ích, nếu trước hết nhớ lại các tính chất cơ bản chung và các cấu trúc của tác phẩm văn học.

Roman Ingaden

Trước khi chúng ta làm việc này chúng ta phải tính đến sự trách cứ đang đe dọa chống lại phương thức thao tác của chúng ta. Ở đây chúng ta có bị cuốn vào circulus vitiosus không [tiếng La tinh: vòng tuần hoàn khép kín, nghĩa bóng: vòng luẩn quẩn], khi chúng ta liên hệ đến những tính chất và những  cấu trúc cơ bản chung của những tác phẩm này để làm sáng tỏ phương thức mà chúng ta tìm hiểu các tác phẩm văn học? Liệu việc liên hệ như vậy không đồng nghĩa với giả định về giá trị và khả năng của sự nhận thức được thông báo cho chúng ta về những tính chất cơ bản nào đó của các tác phẩm văn học? Vào lúc bắt đầu những quan sát của chúng ta về sự nhận thức tác phẩm văn học chúng ta còn chưa biết được gì về tính tích cực và cũng không cho phép ta lặng lẽ đặt giả định về khả năng và giá trị của nó. Chúng ta cũng không làm điều đó. Vấn đề chỉ là ở chỗ lái sự chú ý của chúng ta vào những tiến trình ý thức nhất định mà chúng ta thực hiện trong khi đọc một tác phẩm văn học riêng lẻ nào đó, không phải để qua chúng nắm bắt sự diễn tiến riêng biệt của chúng và khả năng riêng biệt của chúng mà là để nắm bắt cái tất yếu bản chất của một diễn tiến như thế và những chức năng như thế. Sự liên hệ, một lần nữa không phải với đặc trưng riêng biệt của một tác phẩm văn học nào đó, mà là nói chung với việc xây dựng cấu trúc tất yếu bản chất của tác phẩm nghệ thuật văn học, sự liên hệ đó chỉ có mục đích qua thí dụ của một sự nhận thức riêng rẽ diễn ra trong khi đọc một tác phẩm văn học tìm ra những yếu tố và những sự đan cài thuộc cấu trúc tất yếu về bản chất của những chức năng phối hợp tác động, những chức năng phù hợp với các đặc trưng thuộc cấu trúc tất yếu về bản chất của tác phẩm văn học nói chung theo cách thức có thể hiểu được và cho phép xếp chúng vào những yếu tố riêng lẻ của tác phẩm, và chính là với tư cách những chức năng mà ở đó những yếu tố thuộc loại ấy được phát hiện và nắm bắt.

Như vậy chẳng những không giả định trước về giá trị của các kết quả của một sự đọc cá nhân mà cũng không giả định về khả năng của những chức năng nhận thức diễn ra trong chúng để trên cơ sở này không mô tả chúng chỉ trong tiến trình và trong đặc trưng của chúng mà còn là để quyết định về khả năng tích cực của chúng, tức là về việc liệu chúng có khả năng dẫn người nhận thức đến một nhận thức có giá trị khách quan về tác phẩm văn học. bởi vì chủ yếu có hai phương thức thao tác khác nhau: việc đọc dựa trên một tác phẩm văn học riêng rẽ, nói cách khác sự nhận thức diễn ra ở việc đọc này tác phẩm đó, và thái độ ứng xử theo nhận thức mà nói chung đưa người nhận thức tới sự lĩnh hội chung về cấu trúc theo bản chất và đặc điểm của tác phẩm nghệ thuật văn học. Đó là hai phương thức nhận thức khác nhau cơ bản và cũng là hai năng lực nhận thức khác nhau cơ bản. Trong khi cái thứ nhất diễn ra trong sự đọc cá nhân dựa vào một tác phẩm riêng biệt nào đấy và là một loại kinh nghiệm đặc biệt mà ở đó tính sự kiện của tác phẩm này và các chi tiết của nó được xác định, thì cái thứ hai lại hoàn toàn không diễn ra trong một sự đọc như thế và không cung cấp cho chúng ta một kinh nghiệm nào về tính chất sự kiện của một tác phẩm riêng biệt, thí dụ của “Ngọn núi thần kỳ” của Thomas Mann. Nó phân biệt với sự đọc cá nhân trong chừng mức mà cả khi cái cuối cùng trong sự quan sát của chúng ta hoàn toàn được làm sáng tỏ trong tiến trình của nó và trong các chức năng của nó thì vẫn mở ra một vấn đề khó khăn mà trong đó có việc nắm bắt cái bản chất chung (nếu ta có thể nói một cách không phù hợp nhưng với cách diễn đạt thông thường) của tác phẩm văn học. Các nhà hiện tượng học sẽ nói rằng trong trường hợp này là một sự phân tích tiên thiên về nội dung của ý niệm chung “tác phẩm văn học”. Sự phân tích này, dù cho nó diễn ra qua thí dụ về một tác phẩm nghệ thuật văn học bất kỳ hay tốt hơn: qua những thí dụ khác nhau được lựa chọn phù hợp, thì cũng không được thực hiện qua việc đọc và hiểu những câu tiếp nối nhau của thí dụ này mà chủ yếu nhằm vào những khác biệt bản chất của những yếu tố cơ bản khác nhau của tác phẩm văn học (và của tác phẩm nghệ thuật) nói chung, tức là chẳng hạn sự khác biệt giữa các cấu trúc và hiện tượng ngôn ngữ và nghĩa của câu (nói chung: giữa các đơn vị nghĩa của những kiểu loại khác nhau) cũng như giữa các nghĩa này của câu và các mối tương quan câu ý hướng tính được phác họa trong chúng (đặc biệt các trạng thái). Ở đấy vấn đề là sự lĩnh hội các yếu tố cấu tạo hình thức và vật chất của cấu trúc này và sự khác biệt về bản chất phát sinh từ đó của chúng cũng như đồng thời những mối quan hệ và liên quan khác nhau của chúng. Điều này nói chung không thể khám phá được với việc đọc giản đơn tác phẩm nghệ thuật văn học, bởi những khả năng tất yếu có thể được nắm bắt trong nội dung ý niệm vượt xa những sự xác định cá nhân về một tác phẩm nghệ thuật riêng rẽ. Mặt khác việc đọc một tác phẩm nào đó qua những chi tiết được khám phá trong tác phẩm này cũng vượt xa khỏi những gì mà sự phân tích theo định hướng tiên thiên dựa trên nội dung của ý niệm chung về tác phẩm nghệ thuật văn học đối với cá thể văn học đó có thể phát hiện được: ở một mức độ nào đó nó chỉ xác định được bộ xương của những gì tạo thành toàn bộ cơ thể của từng tác phẩm riêng rẽ. Chẳng hạn nó không thể nắm bắt toàn bộ ý nghĩa của tất cả các câu tiếp diễn theo nhau trong một tác phẩm, điều mà trong khi đọc là không thể thiếu được, nhưng lại không chú ý đến hình thức chung của mỗi một câu có thể có và nhiều cái tương tự như vậy mà không thể được đặc biệt chú ý và phân tích ra trong một lần đọc. Tất nhiên không thể nói được rằng giữa một sự phân tích “thấu niệm”, như Husserl nói, về ý niệm của tác phẩm nghệ thuật văn học nói chung với một việc đọc một tác phẩm cá lẻ là hoàn toàn không có mối quan hệ nào. Thí dụ một ai đó theo quan điểm kinh nghiệm và nói chung thậm chí phủ nhận khả năng một sự phân tích tiên thiên nội dung của một ý niệm chung nhưng lại có khuynh hướng công nhận khả năng của một sự hiểu biết chung về các tác phẩm văn học thì có thể người ấy sẽ nói rằng trên cơ sở của việc đọc nhiều tác phẩm riêng rẽ có thể thực hiện môt sự so sánh những kết quả thu được qua các tác phẩm ấy và bằng một “hành vi khái quát hóa” khẳng định được những dấu hiệu được gọi là “chung” của những tác phẩm riêng rẽ. Hành động so sánh và khái quát hóa này vượt ra ngoài sự đọc riêng rẽ; nhưng trong quan điểm kinh nghiệm này lại giả định trước sự nhận thức “chung” rằng những thực tế có sẵn trong việc đọc riêng rẽ là có thực, rằng như vậy sự nhận thức được thực hiện trong sự đọc có giá trị của nó. Trong khi đó điều này hoàn toàn không được giả định trong một sự phân tích “thấu niệm” về bản chất “chung” (tức là của nội dung của ý niệm chung) trong ý nghĩa của hiện tượng học. Những sự đọc riêng rẽ chỉ cung cấp cho chúng ta một số lượng các hiện tượng có thể được lĩnh hội trong nội dung thuộc bản chất riêng của chúng mà ta không cần phải giả định về sự tồn tại thực tế riêng rẽ của các đối tượng trở thành thực tế trong các hiện tượng này, và ở những hiện tượng được lĩnh hội bằng thấu niệm sẽ làm xuất hiện những mối quan hệ bản chất riêng những hiện tượng được trực quan và như thế nói chung cho phép xác định được cấu trúc tất yếu về bản chất chung của tác phẩm nghệ thuật văn học.

Nói cách khác: nếu sắp tới ở đây chúng ta nêu ra một vài nét của cấu trúc chung của tác phẩm ấy, thì như thế chúng ta không giả định trước về giá trị của sự nhận thức các tác phẩm này, được thực hiện trong việc đọc các tác phẩm riêng rẽ mà cũng không giả định về tính chất thực sự của chúng. Chúng ta sử dụng những thông tin về cấu trúc chung của tác phẩm nghệ thuật văn học nói chung như là một biện pháp tìm tòi khám phá cho phép chúng ta lái sự chú ý của chúng ta vào tiến trình ý thức mà ở đó diễn ra sự nhận thức từng tác phẩm riêng rẽ và đồng thời chuẩn bị trước cho chúng ta những gì chúng ta có thể tìm thấy trong việc phân tích tiến trình nhận thức này nếu chúng ta ghi nhớ rằng sự trải nghiệm này cần dẫn tới hay phục vụ cho việc phát hiện ra hình thức và sự cấu tạo của các tác phẩm văn học riêng rẽ. Chúng ta cũng có thể phát hiện ra điều đó mà không cần phải nhớ lại những kết quả của một lý thuyết triết học chung nào đó về tác phẩm nghệ thuật văn học. Nhưng việc đối chiếu sự phân tích các trải nghiệm mà trong đó việc đọc diễn ra với những yếu tố cấu trúc tất yếu về bản chất của tác phẩm nghệ thuật văn học sẽ cho phép chúng ta hiểu được tốt hơn tại sao những trải nghiệm ấy tự chúng thực ra lại phức tạp như thế và diễn ra trong phương thức đặc trưng về bản chất này.

  1. Những xác định cơ bản về cấu trúc thuộc bản chất riêng của tác phẩm nghệ thuật văn học

Những xác định chung sau đây về cấu trúc bản chất riêng của tác phẩm nghệ thuật văn học sẽ giúp ích cho chúng ta trong các quan sát tiếp theo.

  1. Tác phẩm văn học là một cấu trúc nhiều lớp. Nó bao gồm a/ lớp âm từ và cấu trúc ngữ âm và những đặc điểm của cấp độ cao hơn, b/ lớp của những đơn vị nghĩa: nghĩa của câu và nghĩa của những liên kết toàn bộ các câu, c/ lớp những cảnh quan được lược đồ hóa mà trong đó những đối tượng được mô tả trong tác phẩm thuộc những loại khác nhau xuất hiện, và d/ lớp của những đối tượng được mô tả, chúng được mô tả trong những sự việc ý hướng tính được phác họa bằng các câu.
  2. Từ chất liệu và hình thức của các lớp riêng biệt sẽ tạo nên một mối liên kết bản chất ở bên trong của tất cả các lớp với nhau và chính do vậy cũng tạo nên một sự thống nhất hình thức của toàn bộ tác phẩm.
  3. Bên cạnh cấu trúc các lớp, tác phẩm văn học còn biểu hiện ra thông qua một dãy được sắp xếp kế tiếp nhau của các bộ phận của nó, tạo nên các câu, các liên kết câu, các chương v.v. Do vậy tác phẩm có được một sự “giãn nở” riêng, tương tự như thời gian, từ đầu cho đến cuối, cũng như qua đó có được những đặc điểm kết cấu khác nhau chẳng hạn như những tính cách khác nhau của sự phát triển năng động và nhiều điều khác nữa.

Tác phẩm văn học thực sự có “hai chiều kích”: một chiều, trong đó toàn bộ số lượng các lớp mở rộng ra, và chiều thứ hai, trong đó các phần nối tiếp với nhau.

  1. Khác với đa số vượt trội các câu của một tác phẩm khoa học là những phán đoán đích thực thì những câu trần thuật xuất hiện trong tác phẩm nghệ thuật văn học không phải là những phán đoán đích thực, mà chỉ là những cái tương tự như – phán đoán và chức năng của nó là ở chỗ đem lại cho những đối tượng được mô tả trong tác phẩm chỉ một phương diện của hiện thực mà không đóng dấu chúng là những hiện thực thật sự. Cả các câu chữ cũng là của những kiểu loại khác, như chẳng hạn các câu hỏi, chúng chịu sự quy định của một sự biến đổi phù hợp của nghĩa của chúng hay chức năng của chúng trong tác phẩm  nghệ thuật văn học. Tùy theo thể loại tác phẩm – thí dụ trong tiểu thuyết lịch sử – lại còn có thể có những sự biến thiên khác nữa của các thay đổi này5.

Sự hiện diện của những cái giống như – phán đoán trong tác phẩm nghệ thuật văn học chỉ là yếu tố phân biệt giữa chúng và các tác phẩm khoa học mà nối tiếp theo nó là những yếu tố đặc trưng khác. Và đó là:

  1. Nếu tác phẩm văn học là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thì mỗi lớp trong các lớp của nó chứa đựng những chất lượng đặc biệt: đó là những chất lượng rất giá trị thuộc loại khác, và đó chính là những chất lượng rất giá trị về mặt nghệ thuật và rất giá trị về mặt thẩm mỹ. Những chất lượng sau cùng có ngay trong tác phẩm nghệ thuật trong trạng thái độc đáo, tiềm tàng. Trong toàn bộ sự đa dạng của chúng, chúng đưa đến một phức điệu độc đáo của những chất lượng có giá trị thẩm mỹ, nó quyết định chất lượng của giá trị được xây dựng trong tác phẩm.

Cả trong một tác phẩm khoa học cũng có thể xuất hiện những chất lượng nghệ thuật văn học, chúng xác định những chất lượng nào đó có giá trị thẩm mỹ. Nhưng cái đó chỉ tạo ra trong tác phẩm khoa học một sự trang trí nhất thời (momentum ornans), chỉ liên hệ một cách rời rạc hoặc không liên hệ gì với chức năng chủ yếu của tác phẩm và tự nó không thể tạo nên một tác phẩm nghệ thuật6.

  1. Tác phẩm nghệ thuật văn học (cũng như nói chung mọi tác phẩm văn học) đều có thể bị đặt đối diện với những cụ thể hóa của nó, chúng xuất hiện ở những sự đọc tác phẩm riêng biệt (cũng có thể qua việc trình diễn tác phẩm ở nhà hát và việc lĩnh hội tác phẩm ở người xem).
  2. Tác phẩm văn học, khác với những cụ thể hóa của nó, là một cấu trúc có tính chất lược đồ. Điều đó có nghĩa là: có những lớp nào đó của tác phẩm, đặc biệt lớp của những đối tượng được mô tả và lớp cảnh tượng, chứa đựng trong bản thân nó “những chỗ không xác định”. Những chỗ không xác định này sẽ được xóa bỏ một phần trong các cụ thể hóa. Tức là ngay cả sự cụ thể hóa tác phẩm văn học vẫn còn có tính chất sơ phác, song – nếu có thể nói như vậy – vẫn ít hơn bản thân tác phẩm.
  3. Những chỗ không xác định sẽ bị xóa bỏ trong các cụ thể hóa riêng lẽ bằng cách thay vào những chỗ đó là một sự xác định gần hơn hay xa hơn đối với đối tượng nào đó và, có thể nói là, “lấp đầy” chúng. Nhưng sự “lấp đầy” này không được xác định một cách đầy đủ thông qua các yếu tố có tính chất xác định của đối tượng, tức là theo nguyên tắc có thể vẫn còn khác nhau trong những cụ thể hóa khác nhau.
  4. Về đại thể tác phẩm văn học là một đối tượng ý hướng tính thuần túy, có cội nguồn tồn tại của nó trong hành vi ý thức sáng tạo của tác giả của nó và có cơ sở tồn tại vật lý của nó trong văn bản được cố định bằng chữ viết hoặc trong một công cụ vật lý khác của sự tái tạo có thể có (thí dụ trong băng ghi âm). Nhờ vào lớp kép của ngôn ngữ của nó tác phẩm đồng thời có tính chất tiếp cận liên chủ thể và có tính chất có thể tái tạo, qua đó nó trở thành một đối tượng ý hướng tính, liên chủ thể, liên hệ với một cộng đồng người đọc. Với tính chất như vậy nó không có tính tâm lý và siêu việt đối với tất cả các trải nghiệm ý thức, không chỉ trải nghiệm ý thức của tác giả mà còn cả trải nghiệm ý thức của người đọc.

—————————————-

(*) Roman Ingarden: Giáo sư. Tiến sĩ – Nhà Triết học, Mỹ học người Ba Lan

(**) Huỳmh Vân: Phó Giáo sư. Tiến sĩ

Dịch từ bản tiếng Đức tác phẩm “Vom Erkennen des literarischen Kunstwerks” của Roman Ingarden. Max Niemeyer Verlag, Tuebingen 1968 (các trang 3 – 12)

(Nguồn: Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Văn Hiến, số 5 tháng 11/2014)                                          

  1. Từ này đặc biệt không phù hợp với từ ”poznawac” được sử dụng trong bản tiếng Ba Lan, vốn chỉ ra một cách rõ rệt một hoạt động không cần phải hoàn toàn đạt được kết quả và có thể đối lập với từ “poznac”, đề cập đến một hoạt động nhận thức đã có kết quả, đưa đến một nhận thức có hiệu quả.
  2. Không chỉ từ “giá trị” mà cả từ “tác phẩm” được sử dụng ở đây theo nghĩa nước đôi nào đó mà sau này mới làm rõ được. Chúng ta không thể cùng một lúc nói hết được tất cả mọi điều.
  3. Tôi cũng đã có một quan điểm phương pháp luận tương tự trong việc quan sát cấu trúc cơ bản của tác phẩm nghệ thuật văn học trong cuốn sách “Tác phẩm nghệ thuật văn học” của tôi (1931). Tuy nhiên điều đó không có nghĩa – như người ta đã giải thích sai về một số trang nào đó – là tôi đã loại giá trị nghệ thuật hay giá trị thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật văn học ra khỏi sự quan sát của tôi.
  4. Kể cả khi chúng ta vận dụng công cụ nhân tạo (thí dụ kính hiển vi, kính hiển vi điện tử, ra đa, những công cụ đo lường điện tử khác nhau) để quan sát những đối tượng (hay quá trình) nào đó, thì cũng phải tính đến cấu trúc của bộ công cụ đối với một phương thức hành chức nào đó, và phương thức hành chức này được điều chỉnh cho phù hợp với kiểu loại của đối tượng, hay với cách thức của các quá trình cần được quan sát.
  5. Một vấn đề đặc biệt là liệu các câu trần thuật mà trong văn bản chỉ được dẫn ra, như chẳng hạn những câu do các nhân vật được mô tả nói ra, cũng chịu một sự biến đổi như vậy. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với kịch. Một vấn đề khác là câu hỏi bằng những phương tiện ngôn ngữ nào hoặc cũng có thể ngoài ngôn ngữ nào, tính chất này của những cái giống như – phán đoán này được tạo ra. Đó là một vấn đề mà Kaeter Hamburger nghiên cứu. Liên quan đến vấn đề là qua đâu người đọc có thể nhận ra được rằng trong một cuốn tiểu thuyết chẳng hạn anh ta đang đối diện với những cái giống như – phán đoán chứ không phải với những phán đoán thực sự, tôi sẽ còn quay lại.
  6. Về sự phân biệt tiếp theo giữa các tác phẩm khoa học và các tác phẩm nghệ thuật văn học sau đây sẽ còn được bàn đến.

 

 

 

 

 

Share Button