Vấn đề tầm đón đợi và xác nhận tính nghệ thuật trong mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss

Share Button

Từ hơn 20 năm nay, mỹ học tiếp nhận không còn là tên gọi xa lạ đối với các nhà lý luận và nghiên cứu văn học Việt Nam. Đã có hàng chục bài báo và tiểu luận khoa học trong đó có cả những công trình nghiên cứu được in thành sách đề cập đến nó mà chủ yếu mới chỉ có tính chất giới thiệu khái quát. Có thể thấy ở đây trong nhiều trường hợp mỹ học tiếp nhận hay lý thuyết tiếp nhận vẫn thường được đồng nhất với mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss(1), nhà lý luận văn học và nghiên cứu ngữ văn latinh ở trường đại học Konstanz. Sự đồng nhất ấy một phần do chủ yếu chúng ta chỉ mới biết đến lý thuyết của ông và phần khác do ông là người đã góp phần nổi bật vào việc phát triển những ý tưởng, những tiền đề về việc nghiên cứu tiếp nhận và tác động văn học thành một lý thuyết, một mỹ học khá hệ thống vào những năm 60 của thế kỷ XX trong công trình lý luận văn học một thời đã làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận sôi nổi: Lịch sử văn học như là sự thách thức khoa học văn học (dưới đây sẽ được gọi tắt là Lịch sử văn học). Chuyên luận này nguyên là bài giảng nhận chức của ông tại trường đại học Konstanz năm 1967(2).

Như Jauss viết trong lời nói đầu của cuốn sách tập hợp một số bài nghiên cứu của ông có tựa đề Lịch sử văn học như là sự thách thức do nhà xuất bản Suhrkamp ấn hành năm 1970 thì chuyên luận Lịch sử văn học có phần cốt lõi về phương pháp luận trong việc giải thích tầm đón đợi văn học” (Chúng tôi nhấn mạnh – H.V)(3). Đúng vậy, khái niệm tầm đón đợi văn học (literarische Erwartungshorizont) được Jauss đưa ra và trình bày ở nhiều chương trong công trình này. Nó có vị trí quan trọng trong toàn bộ hệ thống quan niệm của ông về hai vấn đề chính ở đây mà ở Việt Nam cho đến nay chưa có bài viết nào đề cập một cách cặn kẽ: vấn đề tính nghệ thuật (hay giá trị thẩm mỹ) và vấn đề tính lịch sử (hay đúng hơn tính lịch sử riêng) của văn học. Vấn đề tính lịch sử của văn học có thể nói là vấn đề cốt lõi nhất của công trình Lịch sử văn học. Ở bài viết này chúng tôi chưa đề cập đến vấn đề tính lịch sử mà chỉ một mặt tập trung vào ý kiến của Jauss về khái niệm tầm đón đợi, một khái niệm được nhiều nhà lý luận và nghiên cứu văn học Việt Nam đặc biệt quan tâm và phần nào vận dụng. Cũng có thể tìm thấy sự xuất hiện của nó trong một số luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ được bảo vệ trong nhiều năm qua và khái niệm này của Jauss hầu như được trình bày và giải thích không đúng với quan niệm của ông về nó; và mặt khác vào vấn đề xác định tính chất nghệ thuật của văn học.

Khái niệm tầm đón đợi không phải do Jauss đặt ra mà được ông mượn của Karl Mannheim trong cuốn sách Con người và xã hội trong thời kỳ xây dựng lại của ông này, được xuất bản trước công trình của Jauss gần 10 năm(4). Jauss nhận xét rằng khái niệm này từ thời Karl Mannheim đã có vai trò của nó trong hệ tiên đề của khoa học xã hội. Và chính ông đã vận dụng nó trong công trình trước công trình Lịch sử văn học, trong Những nghiên cứu về văn chương loài vật thời trung cổ (1959). Trong Lịch sử văn học, Jauss hy vọng nó sẽ giúp ông lấp kín được cái vực thẳm ngăn cách “giữa văn học và lịch sử, giữa nhận thức lịch sử và nhận thức thẩm mỹ thông qua phương pháp mỹ học tiếp nhận, một mỹ học mà theo Jauss đặt ưu tiên ở mối quan hệ giữa văn học và người đọc, mối quan hệ “chẳng những có hàm nghĩa thẩm mỹ mà còn có hàm nghĩa lịch sử”(5).

Trong Lịch sử văn học, Jauss đã tiếp thu và vận dụng lý thuyết giải thích học(6) của Hans Georg Gadamer, tức là thừa nhận nguyên lý lịch sử tác động của Gadamer, mặc dù hoàn toàn từ chối quan niệm về truyền thống của ông này. Tuy nhiên cũng như Gadamer, Jauss kịch liệt phê phán chủ nghĩa khách quan lịch sử mà ông nhận thấy biểu hiện trong chủ nghĩa thực chứng, chủ nghĩa lịch sử và quan điểm lịch sử tinh thần rất phổ biến trong khoa học văn học Đức. Theo Jauss tất cả những khuynh hướng nghiên cứu lịch sử văn học trên không có gì liên quan đến lịch sử văn học cả và đáng bị tuyên án tử. Jauss phê phán tư tưởng về tính khách quan lịch sử, theo đó quan niệm của chủ nghĩa thực chứng về lịch sử như là sự mô tả “khách quan” một loạt các sự kiện trong một quá khứ tách biệt không những đi chệch khỏi tính nghệ thuật mà còn cả tính lịch sử đặc thù của văn học. Chống lại các quan điểm về tính vĩnh hằng của tác phẩm văn học vẫn thường được khẳng định ở nhiều khuynh hướng nghiên cứu văn học khác (và các khuynh hướng này cũng tiếp tục bác bỏ một số luận điểm của ông), Jauss khẳng định tác phẩm văn học chứa đựng trong nó những tiềm năng nghĩa và cho rằng “tác phẩm văn học không phải là một khách thể tồn tại cho riêng nó, trình ra cho mọi người quan sát ở mọi thời kỳ một hình dạng như nhau. Nó không phải là một tượng đài phô bày cái bản chất vô thời hạn của nó bằng sự độc thoại”. Ông quan niệm tác phẩm văn học như là một “tổ khúc” nhằm đến sự cộng hưởng luôn luôn đổi mới của việc đọc. Điều này cho thấy nét nổi bật trong hệ thống lập luận của Jauss, là quan hệ đối thoại được triệt để thay cho sự độc thoại vốn tiêu biểu cho các quan niệm văn học trước nay. Tuy nhiên cũng cần thấy rõ là ở đây, trong quan hệ đối thoại này, vai trò của người tiếp nhận, người đọc chiếm địa vị thống trị so với địa vị của tác giả, người viết, bởi vì phương diện sinh thành của văn học đã bị Jauss hạ thấp, không chú trọng. Gắn với tính chất đối thoại này của tác phẩm văn học, Jauss quả quyết “kiến thức ngữ văn chỉ có thể tồn tại trong sự đối diện thường xuyên với văn bản và không được vón cứng lại thành kiến thức về các sự kiện”; tức Jauss muốn nói đến sự tiếp xúc, sự gặp gỡ, sự đối thoại thường xuyên của người đọc mà ở đây là của nhà ngữ văn học với tác phẩm, chứ không phải dừng lại ở các sự kiện thuộc lịch sử hình thành của tác phẩm. Sự kiện văn học cũng còn được Jauss phân biệt với tính chất sự thực lịch sử của nó với cùng một quan điểm như vậy. Thêm nữa, sự kiện văn học với Jauss cũng không giống với các sự kiện chính trị – xã hội. Cũng như những nhận xét đã được đề cập của Jauss, so sánh này của ông cũng có phần khập khiễng, nhưng nó được Jauss dùng để làm rõ mối quan hệ đối thoại, theo đó sự kiện văn học chỉ có thể có trong tiếp nhận, trong đối thoại. Tác phẩm văn học chỉ có thể tiếp tục tác động khi nào nó còn được hoặc lại được tiếp nhận ở những thế hệ sau – khi có người đọc tiếp thu tác phẩm quá khứ một cách mới mẻ hay có tác giả mô phỏng nó, vượt lên nó hoặc bác bỏ nó(7).

Tuy nhiên, tất cả những lập luận đó của Jauss đều gắn với cố gắng tìm kiếm một phương pháp viết lịch sử văn học mới, tránh được các lý tưởng về tính khách quan lịch sử của các khuynh hướng nghiên cứu lịch sử văn học mà ông phê phán. Và xuất phát từ nguyện vọng đó, ông đặt trọng tâm của sự chú ý của ông vào việc giải thích khái niệm có tính chất trung tâm: tầm đón đợi.

Với khái niệm tầm đón đợi, Jauss hy vọng sẽ chỉ ra được tính nghệ thuật cũng như tính lịch sử của văn học mà theo ông đã bị hai khuynh hướng nghiên cứu văn học quan trọng nhất của thế kỷ XX là lý luận văn học mácxit và lý luận văn học của chủ nghĩa hình thức biến thành hai cực đối lập nhau, tạo nên một hố sâu ngăn cách giữa chúng. Và ông không giấu tham vọng xây dựng được một thứ lý luận văn học, một mỹ học về văn học bắt được nhịp cầu qua cái hố sâu, cái vực thẳm ngăn cách đó, tức tạo ra một lý luận văn học thống nhất được trong đó cả hai tính chất trên của văn học: mỹ học tiếp nhận. Mỹ học này, theo Jauss sẽ tránh được chủ nghĩa khách quan lịch sử và làm cơ sở cho cả mỹ học sản xuất lẫn mỹ học miêu tả bằng cách đặt người đọc, người tiếp nhận chứ không phải tác giả và tác phẩm vào trung tâm của sự chú ý.

Công trình lý luận đầu tiên được giới nghiên cứu văn học đặc biệt chú ý này về mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss, được in lần đầu vào năm 1967 ở Konstanz và lần hai năm 1970 tại Frankfurt a.M(8) – trong tập tiểu luận Lịch sử văn học như là sự thách thức. Chuyên luận này trong tập tiểu luận vừa nêu dài 63 trang gồm 12 chương trong đó các chương 1và 2  tập trung phê phán các quan điểm nghiên cứu lịch sử văn học tư sản phương Tây mà theo Jauss “trong 150 năm vừa qua rõ ràng đã vạch ra con đường tàn suy liên tục”(9), chương 3 viết về lý luận văn học mácxit và chương 4 viết về chủ nghĩa hình thức Nga. Chương 5 nói đến sự thách thức của lý luận văn học mácxit và lý luận văn học của chủ nghĩa hình thức mà trọng tâm là sự thách thức thứ nhất. Ở đây cần nói thêm rằng sự phê phán của Jauss đối với chủ nghĩa Mác và lý luận văn học mácxit trong các lần xuất bản có sửa chữa, bổ sung sau này hầu như không có gì thay đổi và cũng luôn vấp phải sự phê phán trở lại của những nhà lý luận văn học không chỉ ở Đông Đức trước đây mà còn cả ở các nước khác nữa. Các ý kiến đều cho rằng Jauss không hiểu gì hay hiểu sai chủ nghĩa Mác(10).

Như Jauss viết ở cuối chương 5, từ chương 6 đến chương 12 là bảy luận điểm về mỹ học tiếp nhận của ông. Bảy luận điểm này cũng được đăng lại trong Niên giám về ngành ngữ văn học Đức quốc tế II (1970). Dưới đây chúng tôi chỉ chủ yếu đi sâu vào ba luận điểm đầu, có liên quan đến các vấn đề mà chúng tôi định đề cập.

Bước đầu tiên trong bảy luận điểm của Jauss, sau một số lý lẽ phản bác các khuynh hướng nghiên cứu trước ông, là đặt vấn đề xác định vị trí của mỹ học tiếp nhận, cũng là xác định cơ sở cho một phương pháp nghiên cứu lịch sử văn học mới. Jauss viết: “Việc đổi mới lịch sử văn học đòi hỏi phải phá bỏ định kiến của chủ nghĩa khách quan lịch sử và đặt cơ sở cho mỹ học sản xuất và mỹ học miêu tả truyền thống trong mỹ học tiếp nhận và mỹ học tác động. Tính lịch sử của văn học không dựa trên một sự gắn kết được thiết lập về sau của những thực tế văn học mà là từ kinh nghiệm có trước về tác phẩm văn học của người đọc nó. Mối quan hệ đối thoại này cùng là thực tế chủ yếu đối với lịch sử văn học. Vì nhà văn học sử phải luôn luôn tự mình trở lại làm người đọc trước khi ông ta thấu hiểu và sắp xếp một tác phẩm. nói cách khác: sự thẩm định của ông có thể luận chứng trong ý thức về chỗ đứng hiện thời của ông trong cái dãy lịch sử của những người đọc(11).

Theo lập luận của Jauss việc sắp xếp bên cạnh nhau hay sự tiếp nối theo nhau của các dữ liệu, các thực tế văn học thuộc lịch sử hình thành, lịch sử chung, thuộc tiểu sử hay tâm lý đều không thể coi là lịch sử văn học. Đó chỉ là giả hiệu lịch sử. Và người nào coi một loạt các thực tế văn học (Fakten) đã là một phần của lịch sử văn học, người ấy đã nhầm lẫn tính chất sự kiện (Ereignischarakter) của một tác phẩm nghệ thuật với tính chất của một thực tế, một sự thực lịch sử (Tatsächlichkeit). Với cách biện bác như vậy, Jauss đã tạo điều kiện để chuyển hướng sang một cách viết lịch sử văn học khác, không đặt trên cơ sở trên lịch sử hình thành – dù thỉnh thoảng Jauss có nhắc tới sự “sản xuất” – mà đặt cơ sở trên sự tiếp nhận. Như vậy, góc nhìn đã bị đảo ngược từ tác giả, tác phẩm, sản xuất thẩm mỹ sang người đọc, người tiếp nhận, tiếp nhận thẩm mỹ. Rõ ràng qua những lập luận trên, Jauss muốn chứng minh rằng các khuynh hướng biên soạn lịch sử lâu nay đã thất bại vì chúng đều xuất phát từ những tiền đề của lịch sử hình thành. Cho nên theo Jauss muốn thoát khỏi sự bế tắc, sự thất bại ấy phải làm ngược lại: phải viết lịch sử văn học xuất phát từ sự tiếp nhận, nói cách khác, phải đặt cơ sở cho mỹ học sản xuất và mỹ học miêu tả trong mỹ học tiếp nhận. Và ở đây tầm đón nhận có vai trò không thể thiếu của nó, vì theo Jauss “mối quan hệ sự kiện (Ereigniszusammenhang) của văn học được trung giới chủ yếu ở tầm đón đợi của kinh nghiệm văn học của người đọc, của nhà phê bình và của tác giả đương thời và sau đó. Vì vậy việc có thể nắm bắt và trình bày lịch sử văn học trong tính lịch sử riêng của nó hay không là phụ thuộc vào khả năng có thể khách quan hóa của tầm đón đợi”(12). Tóm lại với Jauss, tầm đón đợi của kinh nghiệm văn học của người đọc là một khái niệm có tính chất bản lề để ông xoay phương pháp nghiên cứu văn học từ phương diện lịch sử sinh thành như truyền thống sang phương diện lịch sử tác động và lịch sử tiếp nhận, chức năng. Tất nhiên sự cần thiết và sự có thể khách quan hóa tầm đón đợi đối với Jauss là quan trọng vì nó là một cơ sở để ông xác lập sự thống nhất của hệ thống lý thuyết của ông. Nhưng mục đích chính và cuối cùng là đi đến xây dựng một lý thuyết văn học mới: mỹ học tiếp nhận, tức là làm sao đưa mỹ học tiếp nhận lên vị trí hàng đầu làm cơ sở cho các mỹ học truyền thống kia. Mục đích đó là một mong ước dường như không thể thực hiện được. Bởi vì sự tiếp nhận dù sao đi nữa vẫn luôn đi sau sự sản xuất như một thực tế khó có thể đảo ngược. Tuy vậy còn có một thực tế khác, đó là không thể phủ nhận vị trí và vai trò của tiếp nhận, phủ nhận sự thực hiện văn bản thông qua người đọc và sự tác động trở lại của nó đối với sản xuất.

Bước tiếp theo trong hệ thống lập luận của Jauss là sự cố gắng giải thích và nêu lên khả năng “có thể khách quan hóa được những đón đợi”. Ở đây, trước tiên cũng cần nói rõ là vì sao Jauss nêu lên yêu cầu về việc khách quan hóa tầm đón đợi và khả năng của việc này. Ở đầu chương 7, Jauss đã đề cập đến việc phải thoát khỏi nguy cơ của chủ nghĩa tâm lý. Có thể nói đây là vấn đề quan trọng đối với mỹ học tiếp nhận của Jauss, vì nếu không tránh được chủ nghĩa tâm lý nó sẽ không được xem như là một lý thuyết khoa học. Bởi khi đó nó sẽ rơi vào “sự hoài nghi phổ biến”, một sự hoài nghi mà đặc biệt đã được René Wellek dùng để chống lại lý luận văn học của I.A. Richards. Theo đó, một sự phân tích theo tác động thẩm mỹ dường như không thể tiếp cận được lĩnh vực ý nghĩa của tác phẩm mà chỉ có thể là một thứ ý thức xã hội về thị hiếu. Cũng chống lại quan niệm nghiên cứu văn học theo mỹ học tác động của I.A. Richards còn có ý kiến của W.K. Wimsatt và M.C. Beardsley, những người theo khuynh hướng phê bình mới của Mĩ (New Criticism). Với tinh thần chống lại chủ nghĩa tâm lý, Wimsatt và Beardsley, vốn quan niệm tác phẩm là một cấu trúc ổn định, tồn tại vô thời hạn, còn hết sức chống lại chủ nghĩa tương đối của mỹ học tác động của Lascelle Abercrombie vốn xem tác phẩm là một “hình thức trống rỗng”(13). Chúng ta cũng có thể thấy một thái độ nghi ngờ tương tự đối với việc nghiên cứu tiếp nhận và tác động ở nhà triết học hiện tượng học Roman Ingarden khi ông cho rằng việc nghiên cứu người đọc và phản ứng của người ấy sẽ rơi vào chủ nghĩa tâm lý. Chúng ta biết rằng nhận thức luận hiện tượng học trong ý nghĩa của chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm thuộc truyền thống Kant không đặt vấn đề về chủ thể kinh nghiệm và vì thế chống lại tâm lý học. Cho nên theo Ingarden nếu những trải nghiệm của người đọc là chìa khóa để mở tác phẩm thì sự thống nhất của tác phẩm không còn được bảo toàn: “Như vậy chẳng hạn sẽ có rất nhiều “Hamlet” khác nhau. Mỗi một sự đọc về nguyên tắc sẽ tạo ra một tác phẩm hoàn toàn mới”(14). Vì điều đó là vô lý nên sự tiếp cận theo tiếp nhận bị từ chối. Cũng cần mở ngoặc nói thêm rằng tuy Ingarden chống lại chủ nghĩa tâm lý kinh nghiệm, nhưng ông lại tìm cách để xem trong chừng mực nào người đọc tham gia vào việc xây dựng một văn bản, và những suy nghĩ này của ông lại có giá trị gợi ý cho sự phát triển của mỹ học tiếp nhận, đặc biệt có thể nhận thấy ở lý thuyết của Wolfgang Iser.

Vượt ra khỏi trạng thái ý thức cá nhân mà Wellek cho là có tính chất chốc lát, có tính chất riêng tư, Jean Mukarŏvsky đưa ra khái niệm “trạng thái ý thức tập thể” có nội dung chung hơn. Tương tự như vậy, trong cố gắng tìm kiếm một sự quy định chung, Roman Jakobson lại đề xuất “hệ tư tưởng tập thể” (kollektive Ideologie) để hạn chế chủ nghĩa chủ quan của sự tiếp nhận. Theo Jakobson, đối với mỗi tác phẩm nghệ thuật hệ tư tưởng tập thể này tồn tại như một ngôn ngữ (langue) và được người tiếp nhận thực tại hóa thành ngôn từ (parole). Tuy nhiên, theo Jauss lý thuyết này của Jakobson còn có sự khiếm khuyết vì nó không cho phép xác định được “sự tác động của một tác phẩm độc đáo vào một công chúng nào đó”, mà đó lại là điều Jauss quan tâm(15). Khái niệm tầm đón đợi cũng nhằm đến tính chất chung như những đề xuất của Mukarŏvsky và Jakobson. Song khác với các khái niệm trên, khái niệm của Jauss gắn với một quy định cụ thể ở chỗ tầm đón đợi này là của người đọc, người tiếp nhận văn học mà về cơ bản có thể nhận thấy là gắn với tâm lý, thị hiếu của người ấy. Chính vì thế nên nó cần phải được chứng minh là có thể khách quan hóa được, tức có thể xác định bằng những yếu tố khách quan.

Ở Jauss, sự tiếp nhận tác phẩm được giải thích thông qua người đọc đầu tiên của tác phẩm. Người đọc đầu tiên là yếu tố cần để xác định giá trị nghệ thuật của tác phẩm khi nó xuất hiện. Jauss hiểu tầm đón đợi là một tố chất, một sự chuẩn bị sẵn của người đọc khi tiếp nhận một văn bản, là sự hiểu biết có sẵn (Vorwissen) mà trên cái nền của nó tác phẩm mới sẽ xuất hiện. Jauss tìm cách chứng minh khả năng có thể khách quan hóa được tầm đón đợi trước tiên bằng việc cho rằng người đọc có một vốn kiến thức có sẵn về văn học: “Việc phân tích kinh nghiệm văn học của người đọc có thể tránh được sự đe dọa của chủ nghĩa tâm lý nếu việc tiếp nhận và tác động của tác phẩm văn học được mô tả trong hệ quy chiếu có thể khách quan hóa của sự đón đợi. Đối với mỗi một tác phẩm ở vào cái thời điểm lịch sử mà nó xuất hiện, hệ quy chiếu này là kết quả từ sự hiểu biết có sẵn về thể loại, từ hình thức và hệ đề tài của các tác phẩm quen thuộc trước đó và từ sự đối lập giữa ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ thực tiễn”. Jauss giải thích thêm: “Cũng như ở mỗi một kinh nghiệm thực tế thì ở kinh nghiệm văn học, cái kinh nghiệm mà lần đầu tiên nhận biết được một tác phẩm hoàn toàn chưa được biết đến cho đến lúc bấy giờ, cũng có một “kiến thức có sẵn. Nó chính là một yếu tố của kinh nghiệm và trên cơ sở đó nói chung có thể nắm bắt được cái mới, cái mà ta ghi nhận và điều đó có nghĩa là: có thể đọc được trong một văn cảnh kinh nghiệm”. Câu cuối cùng trong ngoặc là Jauss dẫn từ tác phẩm Học tập và kinh nghiệm của G. Buck, để làm rõ ý mình. Jauss cho rằng một tác phẩm văn học, dù mới xuất hiện, cũng không trình diện ra như một cái mới tuyệt đối, trong một vùng chân không về thông tin mà đã “chuẩn bị sẵn cho công chúng của nó bằng các thông báo, các tín hiệu rõ ràng hoặc ẩn tàng, các dấu hiệu quen thuộc hoặc những chỉ dẫn ngầm cho một phương thức nhất định của sự tiếp nhận. Nó gợi nhớ lại những gì đã đọc, đưa độc giả vào một thái độ tình cảm nhất định” và với sự khởi đầu của nó nó tạo nên những sự chờ đợi về “đoạn giữa và đoạn cuối”(16). Nhận thức như vậy nên Jauss cho rằng quá trình tâm lý của sự tiếp nhận một văn bản trong tầm đầu tiên của kinh nghiệm thẩm mỹ hoàn toàn không phải là kết quả độc đoán của những ấn tượng chủ quan mà là thực hiện những chỉ dẫn nhất định trong qua trình thụ cảm có hướng dẫn. Cái thiên hướng đặc trưng đối với một tác phẩm nào đó mà tác giả dự tính ở công chúng của mình, nếu thiếu những tín hiệu rõ rệt, tức những chỉ dẫn, theo Jauss, cũng có thể tìm được qua ba yếu tố có tính chất tiền đề chung sau đây:

– “từ những quy phạm quen thuộc hay thi pháp nội tại của thể loại”.

– “từ những mối quan hệ ngầm ẩn đối với những tác phẩm đã quen biết của môi trường lịch sử văn học”.

– “từ sự đối lập giữa hư cấu và hiện thực, giữa chức năng thi ca và chức năng thực tiễn của ngôn ngữ”(17).

Để làm rõ thêm việc có thể khách quan hóa tầm đón đợi, Jauss còn nêu lên vấn đề về sự thay đổi tầm có liên quan đến việc xác định tính nghệ thuật và tính lịch sử của văn học ở những luận điểm sau. Theo Jauss, sự chờ đợi của người đọc khi đọc một tác phẩm theo những quy tắc nhất định của thể loại hay của kiểu văn bản có thể giữ nguyên, bị thay đổi, được chuyển hướng hay cũng có thể bị giải bỏ một cách mỉa mai trong quá trình đọc tiếp theo. Dựa theo W.D. Stempel, Jauss cho rằng có thể xác định tầm đón đợi có trước của một văn bản như là chất “đồng vị” của hệ đọc – nó tăng lên với mức độ như sự biểu đạt, biến thành tầm đón đợi nội tại, có tính chất cú pháp. Nếu ta xác định tầm đón đợi ấy như thế thì quá trình tiếp nhận có thể miêu tả được trong sự mở rộng của một hệ thống ký hiệu học diễn ra giữa sự phát triển hệ thống và sửa chữa hệ thống. Như thế theo Jauss quá trình lập tầm và thay đổi tầm liên tục cũng quy định mối quan hệ giữa từng văn bản riêng lẻ với cả loạt văn bản tạo nên thể loại. Trong quan niệm của Jauss, văn bản mới luôn gợi lên cho người đọc những sự chờ đợi và các quy tắc chơi đã quen biết từ các văn bản trước đó mà giờ đây được biến cách, sửa chữa, thay đổi hay chỉ được tái tạo lại. Biến cách và sửa chữa quy định không gian chơi của một cấu trúc thể loại, thay đổi và tái tạo lại quy định ranh giới của nó. Sự tiếp nhận giải thích một văn bản với Jauss phải được đặt trên cơ sở môi trường kinh nghiệm thuộc thụ cảm thẩm mỹ.

Sự xóa bỏ tầm đón đợi quen thuộc xây dựng tầm đón đợi mới nhằm đạt đến những tác động thi ca mới được Jauss xem như là trường hợp lý tưởng về sự có thể khách quan hóa hệ quy chiếu lịch sử văn học. Ông nêu lên ba thí dụ điển hình: đó là Don Quijote của Cervantes, Jacques le fataliste của Diderot, Chinères của Nerval. Ở những tác phẩm này luôn có một điểm chung là khi mở đầu chúng mô phỏng các quy ước về thể loại, phong cách và hình thức của các tác phẩm trước đó để gợi lại tầm đón đợi quen thuộc của người đọc rồi sau đó từng bước xóa bỏ nó(18).

Sự có thể khách quan hóa tầm đón đợi ấy là cơ sở để Jauss xây dựng quan niệm của ông về tính nghệ thuật của tác phẩm văn học. Điều quan tâm của ông là mỹ học tiếp nhận phải làm sao để từ những phản ứng của công chúng đầu tiên của một tác phẩm xác định tính nghệ thuật của nó. Có thể nói yêu cầu này là một trong những nhiệm vụ trung tâm của những cố gắng lý luận của Jauss ở công trình này. Nó có vị trí khá quan trọng trong toàn bộ hệ thống lý thuyết của mỹ học tiếp nhận của ông.

Ở phần trên chúng tôi đã đề cập đến sự phê phán của Jauss đối với các quan điểm biên soạn lịch sử văn học trước ông cũng như phê phán lý luận văn học của chủ nghĩa hình thức và lý luận văn học mácxit. Sự phê phán này, đặc biệt là đối với lý luận văn học mácxit được Jauss trình bày theo cách hiểu và giải thích riêng của ông với mục đích nhằm tạo ra xuất phát điểm cho việc xây dựng một lý thuyết văn học mới: mỹ học tiếp nhận, và nhằm trên cơ sở của mỹ học đó xác lập nền tảng cho việc biên soạn lịch sử văn học theo phương pháp mới. Những sai lầm của các quan điểm và lý luận văn học trên được Jauss cho là do bắt nguồn từ các mỹ học sản xuất và mỹ học miêu tả, tức xuất phát từ các yếu tố của sự phát sinh và hình thành và vì thế chúng hoặc là coi nhẹ tính lịch sử ở phía này hoặc là xem thường tính nghệ thuật ở phía kia, cho nên chỉ có với mỹ học tiếp nhận của Jauss mới có thể khắc phục được cái thế khó xử của hai lý luận văn học đó. Ông viết: “Chúng ta hãy nhìn trở lại cái thế khó xử tương hỗ của lý luận văn học của chủ nghĩa hình thức và lý luận văn học mácxit thì sẽ thấy rằng có một hệ quả mà cả hai không rút ra được. Nếu ở phía này sự tiến triển của văn học có thể được nắm bắt trong sự biến đổi lịch sử của các hệ thống và ở phía kia lịch sử thực tiễn có thể được quan niệm trong sự kết nối có tính chất quá trình của các hoàn cảnh xã hội thì phải chăng không thể đặt “dãy văn học” và “dãy phi văn học” vào cùng một mối tương quan bao trùm cả mối quan hệ văn học và lịch sử mà không cần gò ép văn học vào trong chức năng phản ánh hay chức năng giải thích thuần túy bằng cách từ bỏ tính chất nghệ thuật của nó”(19). Vì thế trong công trình lý luận quan trọng này của mình Jauss phải cố gắng chỉ ra được trong lý thuyết của ông người ta có thể tìm thấy cái cách thức xác định cả hai tính chất đó của văn học. Về mặt xác định tính lịch sử của văn học ở Jauss chúng tôi sẽ đề cập đến trong một dịp khác. Ở đây, về mặt xác định tính nghệ thuật hay giá trị thẩm mỹ của văn học, tuy phê phán chủ nghĩa hình thức, song vẫn giống với chủ nghĩa hình thức, Jauss cũng đặt trọng tâm ở sự cách tân, ở cái mới. Theo đó giá trị thẩm mỹ của một tác phẩm là ở sự cách tân, ở chất lượng khác biệt của nó. Như vậy có thể thấy Jauss đã gắn kết cái nguyên lý cũ về sự thay đổi của các thế hệ văn học với quan điểm về sự lạ hóa trong văn học được chủ nghĩa hình thức Nga đề ra. Tuy nhiên giữa cách xem xét của chủ nghĩa hình thức và của Jauss có sự khác biệt cần phải được nhìn thấy. Đó là ở Jauss chất lượng thẩm mỹ của tác phẩm mới so với tác phẩm cũ không được đo trực tiếp qua trình tự của các tác phẩm, qua sự thay thế tự động, sự diễn tiến tuần tự, sự đối lập máy móc tác phẩm cũ – tác phẩm mới mà là qua sự khác biệt giữa tầm đón đợi cũ và tầm đón đợi mới. Điều đó có nghĩa là lối xem xét theo mỹ học tiếp nhận của Jauss đặt trọng tâm ở vai trò của người tiếp nhận, của công chúng trong khi lối xem xét theo chủ nghĩa hình thức chú ý đến trình tự các tác phẩm, chú ý đến chất lượng nghệ thuật được thể hiện trong tác phẩm. Nói rõ hơn ở Jauss chất lượng nghệ thuật được đo bằng sự khác biệt giữa tầm đón đợi của những tác phẩm đã qua được lưu giữ trong ý thức của người tiếp nhận với tính cách là kinh nghiệm thẩm mỹ có sẵn với “sự thay đổi tầm” do sự xuất hiện của một tác phẩm mới. Nói rằng tính chất nghệ thuật của một tác phẩm văn học được đo bằng sự va đập của tác phẩm mới vào tầm đón đợi của những tác phẩm đã qua được lưu giữ trong ý thức của người đọc, điều đó có cái gì gần giống với cái định đề có tính chất duy tâm của R.G. Collingwood, được Jauss dẫn ra ở đầu chương 6, nói rằng “lịch sử không phải là cái gì khác hơn cái quá khứ diễn lại trong tâm trí của nhà sử học”. Điều này có thể thấy rõ hơn khi Jauss đi vào xác định tính lịch sử của văn học.

Ở bình diện chung, Jauss khẳng định: “Cái cách thức mà một tác phẩm văn học ở vào cái thời điểm của sự xuất hiện của nó đã lấy lại, vượt qua, làm thất vọng hoặc phủ nhận sự đón đợi của công chúng đầu tiên của nó rõ ràng tạo ra một tiêu chí cho việc xác định giá trị thẩm mỹ của nó”(20). Song để đưa ra tiêu chí cụ thể hay để đi đến chỉ ra được tác phẩm có tính nghệ thuật và tác phẩm không có tính nghệ thuật Jauss đề ra khái niệm khoảng cách thẩm mỹ (aesthetische Distanz). Về những tác phẩm không có giá trị nghệ thuật Jauss có cách quy định của ông. Theo đó: “cái khoảng cách giữa tầm đón đợi và tác phẩm, giữa cái đã quen thuộc của kinh nghiệm thẩm mỹ lâu nay và sự “thay đổi tầm” đòi hỏi phải có với sự tiếp nhận tác phẩm mới xác định theo mỹ học tiếp nhận tính nghệ thuật của tác phẩm văn học: trong chừng mực khoảng cách này thu hẹp lại, ý thức tiếp nhận không buộc phải thay đổi theo tầm của kinh nghiệm chưa được biết đến thì tác phẩm sẽ đến gần lĩnh vực nghệ thuật “nấu nướng” (“kulinarische” Kunst) hay nghệ thuật giải trí”(21). Loại nghệ thuật này được Jauss nhận định là không đòi hỏi một sự thay đổi tầm nào mà là đáp ứng ngay những đón đợi mà khuynh hướng thị hiếu đang thịnh hành vạch sẵn bằng cách nó thỏa mãn sự đòi hỏi về việc tái tạo lại cái đẹp quen thuộc, xác nhận những cảm xúc thân thiết, thừa nhận những mong ước tưởng tượng, v.v… Có thể thấy qua đó Jauss đã nêu ra một số đặc điểm của văn học giải trí, loại văn học được chế biến theo khẩu vị quen thuộc với những công thức “nấu nướng” đã định hình. Một loại văn học – và nói chung cả nghệ thuật nữa – phổ biến khá rộng ở phương Tây từ khi xuất hiện thị trường văn học và công nghệ văn hóa và được gọi chung là văn học hay nghệ thuật đại chúng. Qua đó có thể thấy Jauss coi đây là thứ văn học không thuộc loại có giá trị thẩm mỹ mặc dù như đã nói nó rất phổ biến, có số lượng độc giả đông đảo và không ít khi có những tác phẩm trong số đó trở thành những cuốn sách bán chạy nhất. Như vậy về phương diện này đối với mỹ học tiếp nhận của Jauss quan trọng chưa hẳn là ở số lượng người đọc mà là ở tầm đón đợi và khoảng cách thẩm mỹ. Cùng với cách xác định đó, ngược với loại văn học trên, tác phẩm văn học có tính chất nghệ thuật, có giá trị thẩm mỹ là tác phẩm mà khoảng cách giữa nó và tầm đón đợi của người đọc đầu tiên của nó không bị thu hẹp lại mà có thể nói là doãng rộng ra, nói cách khác nó đối lập với sự đón đợi của công chúng đầu tiên của nó. Và xét ở góc độ lịch sử tiếp nhận – điều mà ở đây Jauss quan tâm – ta thấy ông nhấn mạnh đến tầm đón nhận được tái lập lại, tức là nói đến việc xây dựng lại tầm đón đợi của người đọc đầu tiên của tác phẩm quá khứ. Từ đó ông nhận định: “Cái tầm đón đợi có thể tái lập lại của một tác phẩm cho phép xác định tính chất nghệ thuật của nó qua cách thức và mức độ tác động của tác phẩm vào một công chúng dự kiến. Nếu ta biểu thị khoảng cách giữa tầm đón đợi có sẵn và sự xuất hiện của một tác phẩm mới – mà sự tiếp nhận thông qua sự phủ định những kinh nghiệm quen thuộc hoặc thông qua việc làm cho ý thức được những kinh nghiệm được phát biểu lần đầu tiên có thể dẫn đến hệ quả là sự “thay đổi tầm” – là khoảng cách thẩm mỹ thì ta có thể chất thể hóa khoảng cách này qua phổ của những phản ứng của công chúng và sự đánh giá của phê bình (sự thành công tự phát, sự từ chối hoặc tức giận, sự đồng ý riêng lẻ, sự nhận hiểu dần dần hay muộn màng)”(22).

Tuy nhiên Jauss cũng lại cho rằng sự thay đổi tầm này của tác phẩm có thể không tồn tại mãi mãi và khoảng cách thẩm mỹ mà ban đầu được cảm nhận một cách vui sướng hay lạ lẫm như là một cái nhìn mới mẻ thì đối với những người đọc về sau có thể sẽ biến mất đến mức tính phủ định ban đầu của tác phẩm trở nên bình thường và đi vào tầm đón đợi của kinh nghiệm thẩm mỹ tương lai như là sự đón đợi giờ đây đã trở nên quen thuộc. Hiện tượng “thay đổi tầm lần thứ hai” này theo Jauss đặc biệt rơi đúng vào tính chất cổ điển của những tác phẩm được gọi là kiệt tác, và cái hình thức đẹp đẽ đã trở nên đương nhiên cũng như cái “ý nghĩa vĩnh viễn” dường như không có vấn đề gì của chúng, xét theo mỹ học tiếp nhận đã đưa chúng tiếp cận một cách nguy hiểm với thứ nghệ thuật “nấu nướng” có sức thuyết phục không hề bị trở lực và dễ thưởng thức. Điều đó có nghĩa là chúng đã đánh mất tính thẩm mỹ của chúng. Và chúng ta phải có sự cố gắng đặc biệt để đọc chúng ngược lại với cái kinh nghiệm đã trở nên quen thuộc nhằm tìm lại tính chất nghệ thuật của chúng. Có thể thấy qua đây phần nào thể hiện quan niệm về truyền thống của Jauss khác với của Gadarmer. Và sự khẳng định của Jauss về sự đánh mất tính nghệ thuật của các kiệt tác quá khứ không hoàn toàn đúng. Đương nhiên chúng ta nên luôn luôn đọc lại các kiệt tác xưa với tinh thần tìm kiếm phát hiện những vấn đề mới vốn sẵn có trong tiềm năng nghĩa phong phú và đa dạng của chúng với cái nhìn của thời đại mình. Và như thế những kiệt tác quá khứ có thể luôn giữ được tính mới mẻ hấp dẫn của chúng. Mặt khác cũng có thể có những ý nghĩa nào đó của những tác phẩm xuất sắc này vẫn còn tồn tại lâu bền cho đến tận hôm nay và mai sau bởi vì những vấn đề mà chúng đặt ra vẫn còn là những vấn đề của chúng ta hôm nay và có thể của cả những thời đại sau. Chúng không bị mòn vẹt đi, không trở nên bình thường và do đó không nhàm chán. Điều này có thể chứng minh được qua nhiều tác phẩm cổ điển của văn học thế giới, trong đó có văn học Việt Nam.

Như ở phần đầu của bài viết đã lưu ý rằng khái niệm tầm đón đợi của Jauss không chứa đựng những yếu tố xã hội của công chúng cho nên nó có tính chất trừu tượng và lý tưởng. Điều đó lại thể hiện qua sự phê phán của ông đối với quan điểm của R. Escarpit. Đối với Jauss sự thành công của một tác phẩm văn học là sự thay đổi tầm đón đợi chứ không phải như đối với Escarpit là ở mối quan hệ phù hợp giữa văn học và công chúng, được xác định về mặt lịch sử và xã hội. Jauss cho rằng “mối quan hệ giữa văn học và công chúng không thể hiện hết ở chỗ là mỗi tác phẩm có công chúng đặc trưng riêng được xác định ở mặt lịch sử và xã hội của nó, và mỗi một nhà văn phụ thuộc vào môi trường, vào quan điểm và hệ tư tưởng của công chúng của nhà văn đó, cũng như không thể hiện hết ở chỗ là sự thành công về văn học dựa trên cơ sở cuốn sách “thể hiện được những gì nhóm chờ đợi và phát hiện ra cho nhóm cái hình ảnh riêng của nó”, như Escarpit quan niệm(23). Theo Jauss thì sự xác định có tính chất khách quan chủ nghĩa về sự thành công văn chương dựa trên sự phù hợp giữa ý đồ của tác phẩm với sự đón đợi của một nhóm xã hội luôn làm cho xã hội học văn học phải bối rối mỗi khi phải cắt nghĩa sự tác động muộn màng hay sự tác động lâu bền. Trong các trường hợp được Jauss nêu ra làm thí dụ ở đây có thể thấy Escarpit chỉ bàn đến trường hợp tác động lâu bền, bàn đến sự “trường tồn” mà không thấy bàn đến sự tác động muộn màng. Ngược lại Jauss chủ yếu bàn đến sự tác động muộn màng hơn là bàn đến sự trường tồn. Điều đó có thể giải thích là do cơ sở của hai cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Escarpit xuất phát từ cái nhìn xã hội học, giải thích vấn đề trường tồn của tác phẩm bằng “cơ sở tập thể trong không gian và thời gian”, gắn tác động lâu bền của tác phẩm với môi trường văn hóa chung. Ngược lại Jauss xuất phát từ góc nhìn mỹ học, cụ thể là mỹ học tiếp nhận, từ tác động của sự cách tân vào tầm đón đợi gây nên hiệu quả thay đổi tầm, cho nên ngay cả những kiệt tác cũng không có cái “nghĩa vĩnh viễn” của chúng và những tác phẩm mới chỉ gây được hiệu quả khi có tầm đón đợi phù hợp. Fanny của Feydeau đã đánh mất sự hâm mộ cuồng nhiệt ban đầu và trở nên tàn úa vì cách viết của ông ngày càng làm cho người đọc không thể nào chịu đựng được nữa. Ngược lại Bà Borary của Flaubert từ chỗ làm cho công chúng hâm mộ Fanny của Feydeau bực mình và chỉ được một nhóm nhỏ những người thông thạo hiểu và đánh giá là bước ngoặt trong lịch sử tiểu thuyết đã trở thành nổi tiếng thế giới, và được công chúng đọc tiểu thuyết trưởng thành lên nhờ tác phẩm này chấp nhận, tức “chấp nhận cái quy chuẩn mới của những đón đợi”, cái quy chuẩn đã làm cho Fanny của Feydeau bị thất sủng.

Sự giải thích của Jauss về sự tác động muộn màng hay chậm chạp căn cứ trên khoảng cách thẩm mỹ và tầm đón đợi dường như có phần hợp lý. Duy chỉ có điều việc xác định tầm đón đợi và khoảng cách thẩm mỹ chỉ căn cứ vào những yếu tố bên trong văn học.

Vấn đề Jauss đặt ra trong công trình lý luận lịch sử văn học của ông chủ yếu xoay quanh việc viết lịch sử văn học theo quan điểm khác so với những quan điểm trước ông, cho nên vấn đề tầm đón đợi ở đây cũng là vấn đề tầm đón đợi của người đọc đầu tiên của tác phẩm quá khứ. Và việc xác định giá trị nghệ thuật của một tác phẩm như vậy đòi hỏi phải làm sao tái lập lại tầm đón đợi ban đầu của nó. Nếu không không chỉ việc xác định tính nghệ thuật của tác phẩm mà cả giá trị lịch sự của nó cũng không có triển vọng chỉ ra được. Tuy nhiên vấn đề được các ý kiến phản biện nêu lên là liệu có thể xác định được một tầm đón đợi như vậy không. Gehard Kaiser chẳng hạn tỏ ra hoài nghi định đề của Jauss về khả năng có thể khách quan hóa tầm đón đợi. Theo ông “cả tầm đón đợi cũng là tương đối so với chỗ đứng lịch sử của người nghiên cứu nó. Tất nhiên có một sự khác biệt – một văn bản dễ nắm bắt hơn rất nhiều so với tầm đón đợi mà văn bản đó đi vào”(24).

Khái niệm tầm đón đợi được Jauss sử dụng gần như xuyên suốt trong chuyên luận của ông. Trong hầu hết những vấn đề chủ yếu đó, như đã nói, khái niệm tầm đón đợi được Jauss xem xét hoàn toàn chỉ trong phạm vi văn học. Nó hầu như không được hiểu là có liên quan đến các yếu tố xã hội. Một vài chỗ Jauss có nói đến kinh nghiệm sống, nhưng kinh nghiệm này không nằm trong tầm đón đợi mà ở bên cạnh kinh nghiệm thẩm mỹ. Theo cách hiểu của Jauss, tầm đón đợi là “tầm đón đợi của kinh nghiệm thẩm mỹ”(Chúng tôi nhấn mạnh – H.V), là vốn kiến thức, là sự hiểu biết có sẵn về văn học của người đọc. Hệ quy chiếu của sự đón đợi này bao gồm sự hiểu biết trước về thể loại, hình thức và hệ đề tài của các tác phẩm đã biết trước đó và sự đối lập giữa ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ thực tiễn, tức là bao gồm toàn bộ những yếu tố nằm trong phạm vi của văn học. Không có yếu tố nào trực tiếp liên quan đến xã hội, đến thực tiễn cuộc sống, dù cho ở phần cuối luận điểm này Jauss thông báo là ở chương 12, chương cuối của công trình lịch sử văn học ông sẽ đề cập đến “vấn đề mối quan hệ giữa văn học và thực tiễn cuộc sống”. Nhưng ở đây thực ra chủ yếu là nói đến lịch sử văn học như là “lịch sử đặc biệt trong mối quan hệ của nó với lịch sử chung” mà trọng tâm là nói đến “kinh nghiệm văn học của người đọc đi vào tầm đón đợi của thực tiễn cuộc sống của người đọc ấy, tiền tạo sự hiểu biết thế giới và do đó cũng tác động trở lại thái độ xã hội của anh ta”. Mặt khác, nói là tầm đón đợi của người đọc nhưng nó lại không gắn với người đọc cụ thể mà người đọc, người tiếp nhận ở đây là người đọc chung chung, công chúng chung chung có tính chất lý tưởng. Vì gắn với một công chúng chung chung nên tầm đón đợi này cũng có tính chất chung chung, rất khó vận dụng vào các phân tích cụ thể. Thiết nghĩ, tầm đón đợi văn học này cần phải được mở rộng ra các yếu tố thuộc các lĩnh vực khác ngoài văn học như tư tưởng, chính trị, xã hội, tâm lý, đạo đức… Bởi lẽ người ta đọc, hiểu và đánh giá một tác phẩm không chỉ với vốn kiến thức có sẵn về văn học và công chúng, người đọc không bao giờ là một công chúng chung chung, một người đọc lý tưởng, một người đọc thoát ra khỏi những quy định về mặt xã hội, từng lớp, thành phần, giới tính, lứa tuổi…

Sau khi công trình Lịch sử văn học được công bố, giới nghiên cứu văn học ở Tây Đức cũng như ở một số nước khác đã có ý kiến trao đổi, tranh luận thẳng thắn với Jauss về một số vấn đề trong lý thuyết của ông, trong đó có vấn đề tầm đón đợi. Chẳng hạn Hartmut Eggert trong công trình Nghiên cứu lịch sử tác động của tiểu thuyết lịch sử Đức từ 1850 đến 1875 cho rằng “sự tổng hợp thi pháp thể loại có tính chất hiển hiện hay ngầm ẩn, các hệ đề tài và hành vi ngôn ngữ” với tính cách là “tầm đón đợi tiềm tàng” không tránh khỏi “mang tính trừu tượng”, bởi nó được thao tác với một công chúng không được định nghĩa một cách chính xác. Ông cho rằng khái niệm tầm đón đợi của Jauss chỉ là một quan niệm “điển hình lý tưởng”, tồn tại trong một “không gian trống rỗng”, có tính chất “siêu cá nhân”(25). Gehard Kaiser cho rằng tầm đón đợi được Jauss nhất quyết đề cao gây tổn hại cho tính xã hội trực tiếp của văn học và của tác giả(26). Ở đây rõ ràng Kaiser đứng trên lập trường truyền thống muốn nhìn thấy tính xã hội ở khâu sản xuất văn học. Quan điểm của ông gần giống với quan điểm của Adorno. Còn Georg Jäger nhận thấy khái niệm tầm đón đợi có tính chất mơ hồ(27). Một số nhà nghiên cứu khác lại đưa ra những đề xuất để cụ thể hóa tầm đón đợi có tính chất chung chung của Jauss. Mandelkow muốn phân biệt tầm đón đợi trên bình diện của sự đồng thời thành “các lớp đón đợi” như sự đón đợi thời đại, sự đón tác phẩm và sự đón đợi tác giả(28). Tương tự như vậy, Warnecken muốn thay thế khái niệm tầm đón đợi, được xem như giả thiết không xác định giá trị về cái sắp đến, bằng khái niệm lợi ích hay nhu cầu. Theo ông, khái niệm của Jauss xa rời tính khách quan xã hội(29).

Quan sát thực tiễn nghiên cứu, vận dụng mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss ở Việt Nam chúng ta có thể ghi nhận những cố gắng tìm hiểu, học hỏi và tiếp thu  bước đầu để góp phần đổi mới và phát triển khoa học văn học của chúng ta. Tuy nhiên do mới là bước đầu nên không tránh khỏi những thiếu sót. Một thí dụ của sự thiếu sót này có thể nhận ra ở bài viết Người đọc như một nhân tố tất yếu của tác phẩm văn học (Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 11-2004). Bài viết này khẳng định rằng: “Tầm đón đợi được ông (tức Jauss) quan niệm là nhu cầu, trình độ thưởng thức được kết tinh từ quan điểm xã hội và những phẩm chất cá nhân của người đọc (bao gồm thế giới quan, nhân sinh quan, kinh nghiệm sống, lý tưởng thẩm mỹ, nhu cầu tình cảm…). Tầm đón đợi này vừa mang tính cá nhân, vừa đặc trưng cho từng thời đại, từng thế hệ người đọc…” (Chúng tôi nhấn mạnh – H.V). Quan niệm này tuy chưa toàn diện, nhưng nói chung có thể chấp nhận được. Có điều nó không phải là quan niệm của Jauss. Trong một số bài viết của các tác giả khác, chúng ta có thể thấy khái niệm tầm đón đợi, kinh nghiệm thẩm mỹ được vận dụng để nghiên cứu một số vấn đề trong văn học Việt Nam. Tuy nhiên ở những bài viết này, các tác giả đã không đưa ra những định nghĩa rõ ràng của họ về các khái niệm trên, cho nên các kết quả nghiên cứu không tránh khỏi chung chung, mơ hồ.

Mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss – mà ở đây chúng tôi chỉ mới đề cập đến một vài khía cạnh – dù còn có những khiếm khuyết, những thiếu sót do tính cực đoan, phiến diện và nội tại trong văn học của nó, vẫn là một cố gắng lớn trong việc đi đến khẳng định một phương diện quan trọng trong toàn bộ tiến trình văn học, một phương diện mà lâu nay vẫn bị khoa học văn học bỏ quên hay chưa chú ý đúng mức, phương diện tiếp nhận và tác động thẩm mỹ. Cùng với phương diện sản xuất thẩm mỹ và phân phối, nó sẽ làm cho tiến trình văn học thành một hệ thống hoàn chỉnh. Tất nhiên với một yêu cầu rõ rệt là như vậy không được xem nhẹ, coi thường khâu sản xuất thẩm mỹ như trong mỹ học tiếp nhận của Jauss. Điều này, qua các cuộc phê bình, thảo luận đã được Jauss nhìn nhận. Trong bài viết Iphigenie của Racine và của Goethe – lời bạt về tính chất bộ phận của phương pháp mỹ học tiếp nhận của ông, Jauss viết: “tính chất bộ phận của mỹ học tiếp nhận theo đó không chỉ căn cứ trên mối tương quan giữa sản xuất, miêu tả và tiếp nhận, mà còn trên kinh nghiệm là tất cả mọi tái lập lại cái quá khứ trong lĩnh vực nghệ thuật không phải chỉ có tính chất bộ phận”. Rõ ràng như vậy không thể khẳng định như ông đã từng khẳng định là cần phải đặt cơ sở cho mỹ học sản xuất mỹ học miêu tả trong mỹ học tiếp nhận. Nhưng sự nhìn nhận lại đó của ông cũng chưa đi đến được một nhận thức quan trọng rằng cả ba khâu này là ba bộ phận của tiến trình văn học và chúng luôn luôn tác động vào nhau, ảnh hưởng lẫn nhau trên cơ sở của sự sản xuất. Trong Lịch sử văn học Jauss cũng chỉ mới nói lướt qua “mối quan hệ qua lại của sản xuất và tiếp nhận”(30).

Tương tự như vậy, theo tôi, khái niệm tầm đón đợi cũng có một giá trị tương đối nào đó, khi ta dùng nó để chỉ ra tính chất đổi mới, cái mới của một thời kỳ, một trào lưu văn học trong phạm vi nghệ thuật. Chẳng hạn phần nào qua nó chỉ ra sự khác biệt ở một số phương diện của văn học thời kỳ 1930-1945, của Thơ mới, của văn học lãng mạn, văn học hiện thực phê phán… với văn học thời kỳ trung đại hay chỉ ra sự thay đổi tầm đón đợi trong văn học kháng chiến chống pháp so với văn học 1930-1945… Tuy nhiên, khi đó tầm đón đợi chỉ có ý nghĩa như một tiêu chí chung nhất, đại khái nhất. Muốn cụ thể ta phải chỉ ra được do đâu sinh ra tầm đón đợi này (và khi đó nó sẽ không còn là những yếu tố bên trong văn học nữa) và trong thời kỳ văn học ta nghiên cứu có sự phân biệt nào không trong các tầm đón đợi? Tốt hơn nên tiếp thu đề xuất của Warnecken, thay khái niệm tầm đón đợi bằng các khái niệm nhu cầu và lợi ích đọc. Tất cả sẽ là những vấn đề còn liên quan đến sự nghiên cứu lịch sử tiếp nhận và nhiều vấn đề khác rất cần được tiếp tục nghiên cứu.

Như trên đã nói, trong bài này chúng tôi chỉ quan tâm đến khái niệm tầm đón đợi và sự xác định tính chất nghệ thuật của văn học ở Jauss. Những gì có liên quan đến toàn bộ mỹ học tiếp nhận của ông, đặc biệt đến quan niệm về tính lịch sử của văn học, khi có dịp sẽ xin tiếp tục trình bày.

____________

–  Huỳnh Vân (*): Phó Giáo sư. Tiến sĩ

Nguồn: tạp chí Nghiên cứu văn học, số 3/2009

([1]) Ở mục từ mỹ học tiếp nhận trong Từ điển khoa học văn học của Nxb. VEB Bibliographisches Institut, Leipzig 1986 (tr.437), Manfred Naumann đã chỉ ra hai nghĩa của khái niệm mỹ học tiếp nhận.

(2), (3) Jauss, Hans Robert: Lịch sử văn học như là sự thách thức khoa học văn học; trong sách: Lịch sử văn học như là sự thách thức, Nxb. Suhrkamp, Farnkfurt a.M. 1970. Các trích dẫn trong bài viết này đều được dịch từ các văn bản tiếng Đức, tr.9.

(4) Mannheim, Karl: Con người và xã hội trong thời kỳ xây dựng lại, Darmstadt, 1958.

(5) Jauss: Lịch sử văn học…  tr.170.

(6) Hermeneutik. Còn được dịch là thông diễn học hay tường giải học, chú giải học.

(7) Jauss: Lịch sử văn học… Sđd, tr.171, 173.

(8) Tác phẩm lý luận này của Jauss còn được tái bản nhiều lần khác nữa cũng như được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài.

(9) Jauss: Lịch sử văn học… Sđd, tr.144.

(10) Xin xem chú thích 12 (tr.126-127) trong bài viết của Manfred Naumann: Song đề của mỹ học tiếp nhậnTạp chí Văn học, số 4-1978.

(11), (12) Jauss: Lịch sử văn học… Sđd, tr.171, 173.

(13) Xem Karl Robert Mandelkow: Những vấn đề lịch sử tác động trong Niên giám ngành Ngữ văn Đức quốc tế II, số 1-1970, tr.73.

(14) Ingarden, Roman: Tác phẩm nghệ thuật văn học, (Das litrerische Kunstwerk) Tuebingen 1960 (xuất bản lần 2).

(15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23) Jauss: Lịch sử văn học… Sđd, tr.174, 175, 177, 176, 167, 177-178, 178, 177, 179.

(24) Kaiser, Gerhard: xem chú thích 26.

(25) Eggert, Hartmut: Nghiên cứu lịch sử tác động của tiểu thuyết Đức từ 1850 đến 1875, Frankfrut a.M. (Những nghiên cứu văn học thế kỷ 19, tập 14), tr.13-19.

(26) Kaiser, Gerhard: Những suy nghĩ về một cương lĩnh nghiên cứu Ngữ văn Đức. Phần: Nghiên cứu văn học III. Bàn thêm về Hans Robert Jauss: Lịch sử văn học như là sự thách thức khoa học văn học. Trong Những vấn đề Ngữ văn Đức. Để xây dựng và tổ chức ngành này. Harol Turk xb; Muenchen, 1971, tr.59-65.

(27) Jaeger Georg: Những tác động của Werther. Một trường hợp về mô hình mỹ học tiếp nhận. Trong Mueller – Seidel kết hợp với H. Fromm và K. Richter, Muenchen, 1974, tr.389-409.

(28) Karl Robert Mandelkow: xem chú thích 13.

(29) Warnecken, Bernd Juergen: Về cương lĩnh một mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss; trong: Das Argument, số 14-1972, tr.160-166.

(30) H.R. Jauss: Lịch sử văn học… Sđd, tr.163.

 

Share Button