Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa

Share Button

Lí luận văn học hiện đại (với chủ nghĩa cấu trúc) đã tiếp cận vấn đề phương thức tồn tại của tác phẩm văn học ở một bình diện khác hơn so với lí luận văn học tiền hiện đại. Nhưng rồi đến lượt nó, lí luận văn học hậu hiện đại (với giải cấu trúc) đã phá vỡ những giới hạn của tư duy lí luận văn học hiện đại nhằm tiếp cận một cách triệt để hơn bản chất của văn bản văn học, soi sáng những yếu tố gây nên sự bất ổn của nghĩa, trả lời câu hỏi tác phẩm văn học là hình thức ngôn ngữ đặc trưng hay là hình thức đọc đặc trưng, vai trò của sự đọc sai, hiểu sai văn bản văn học là gì…?

Sự phát triển của chủ nghĩa cấu trúc được duy trì đến hết những năm 60 của thế kỷ XX, khi bắt đầu bộc lộ những vấn đề bên trong hệ thống của nó. Và Jacques Derrida, nhà triết học người Pháp, đã có vai trò quan trọng trong việc phê phán những quan điểm triết học liên quan đến chủ nghĩa cấu trúc. Ông đã cho thấy những vấn đề cần xem xét lại trong quan niệm ngôn ngữ học hiện đại và chủ nghĩa cấu trúc. Derrida xuất hiện ở giai đoạn cuối cùng của một quá trình mà những phạm trù quyết định của siêu hình học cổ điển (cảm nhận, nhận biết, đúng, nguyên nhân, tư tưởng, tinh thần) được tái lí giải như là vấn đề ngôn ngữ. Và ngôn ngữ với bước đi này không phải đơn giản chỉ là cái diễn đạt những ý nghĩ, mà trở thành hình thức cơ bản, thành bản chất của những ý nghĩ. Triết học trở thành triết học ngôn ngữ. Việc nghiên cứu bản chất của ngôn ngữ đòi hỏi phải phát hiện ra quyền uy phổ quát của tính chất ngôn ngữ, bởi vì chỉ như vậy thì mới có thể hoàn thành việc tạo dựng một cơ sở ngôn ngữ học phù hợp. Ngôn ngữ học hình thức (lí thuyết ngôn ngữ học đại cương của Saussure) là sản phẩm của bước đi thứ hai này. Derrida đã nghi ngờ khái niệm tính ngôn ngữ được quan niệm theo phương pháp cấu trúc – hình thức trong chủ nghĩa hiện đại. Cái mới trong cách tiếp cận của ông không phải là việc đưa vào vị trí của khái niệm cũ một khái niệm mới, mà ở việc ông đã chỉ ra cái nền tảng của lôgích tư duy dẫn đến chủ nghĩa hiện đại đã trở nên có vấn đề. Ngay trong phần đầu của tác phẩm “Văn phạm học(1), ông đã nói về sự giảm giá của từ, về sự lạm phát của kí hiệu ngôn ngữ. Derrida hoài nghi quan điểm cho rằng langue (ngôn ngữ) và các khái niệm của tư duy triết học ngôn ngữ sau đó, mô tả cấu trúc cuối cùng và sự hoạt động của chủ thể. Derrida có nhiều quan điểm trực tiếp tác động vào khoa học văn học, bởi vì những vấn đề mà ông đặt ra đều đụng chạm đến không chỉ môi trường nghiên cứu văn học mà cả bản chất của nó nữa. Có thể nói các triết gia hậu hiện đại đều đặt ra những vấn đề liên quan đến quá trình văn học, đến sự hiểu tác phẩm văn học và cùng với nó là khoa học văn học, nhưng chưa đi sâu vào bên trong hệ thống của nó.

Hệ thống các quan điểm của Derrida đã có tác động đến tinh thần cấp tiến trong quan niệm về môi trường văn học và trong khoa học văn học. Tuy nhiên, việc nghiên cứu tư tưởng học thuật của Derrida, về bản chất, là một nhiệm vụ chứa đầy mâu thuẫn. Derrida không thể thực hiện được mục đích của mình là chỉ ra cái cấu trúc có ý nghĩa cuối cùng, giấc mơ hàng ngàn năm của siêu hình học châu Âu. Không đưa một cấu trúc mới vào vị trí của cấu trúc cũ, Derrida chứng minh tính vấn đề của hoạt động cấu trúc. Chủ nghĩa cấu trúc hỏi về những điều kiện hình thức tiên quyết của toàn bộ hoạt động cấu trúc có ý nghĩa của con người, của những bí ẩn cấu trúc. Derrida nghiên cứu những điều kiện tiên quyết của những điều kiện tiên quyết, và cho thấy rằng các cấu trúc chỉ bề ngoài là có vẻ ổn định; mọi cấu trúc, đằng sau vẻ tin cậy bề ngoài là sự bấp bênh, là giải cấu trúc. Nguyên lí giải cấu trúc hoài nghi những nguyên lí nền tảng tưởng như không thể thay thế được của siêu hình học châu Âu. Nếu chúng ta muốn nói về quan điểm giải cấu trúc của Derrida thì phải đặt giả thiết rằng ở tầng sâu của chúng có một kết cấu mang tính liên kết, có một hạt nhân có thể kể đến, hay tóm tắt. Nhưng giải cấu trúc muốn né tránh điều này. Giải cấu trúc muốn phủ nhận sự tồn tại ổn định của bản chất, của trung tâm, nó lưu ý rằng mọi ý nghĩa của kết cấu chỉ trở nên rõ ràng trong quá trình phá vỡ, giải kết cấu.

Derrida cố gắng lập luận để chúng ta tin rằng ở nơi sâu lắng của ngôn ngữ có một trò chơi liên tục di chuyển, trong khuôn khổ của sự di chuyển này, các kí hiệu được tạo thành hệ thống khác biệt, không ổn định; rồi lại có những khác biệt mới xuất hiện, được tổ chức và sau đó tan rã. Nhưng những khác biệt của ngôn ngữ là vô tận và không ổn định, mỗi người nói đều phát hiện ra những khác biệt mới, và ngay cả những khác biệt được duy trì lâu hơn, được thừa nhận cũng cho thấy khi ở trong tình thế khác thì những khác biệt mới lại quan trọng hơn. Ngôn từ của một bài thơ đều mang tính ẩn dụ và thường xuyên thay đổi quan hệ với toàn bộ ngôn ngữ nhất định, và trong mối quan hệ mới, ngôn từ thơ lại trở nên không thể khoanh vùng để rồi lại được tái xác lập. Nguyên lí sự xác lập của Derrida xuất phát từ sự tiếp nhận, sự trải nghiệm, sự cắt nghĩa văn bản, tức là việc sử dụng những kết cấu ý nghĩa có vai trò quyết định, tạo lập hữu thể. Tính năng động giải cấu trúc của những khác biệt đối diện với cách nhìn của chủ nghĩa cấu trúc sở dĩ có ý nghĩa quyết định là vì nó dựa vào hệ thống các hiện tượng sử dụng cái tạo ra quá trình và sự khác biệt. Derrida gọi quá trình năng động này là “differance”, một từ không có trong tiếng Pháp (do có chữ a), xét về mặt hình thức nó là sáng kiến của Derrida. Điều đáng nói ở đây là khi đọc lên nó tương ứng với từ “diference”, tức là sự khác biệt, nhưng chữ viết lại không giống. Thuật ngữ tự nó cũng cho thấy vai trò quyết định của chữ viết. Derrida nhấn mạnh rằng trong văn bản viết hoặc nói, không có yếu tố nào có thể hoạt động được như là kí hiệu mà lại không dựa vào một yếu tố khác. Tất cả mọi yếu tố – âm vị hay tự vị – đều có kết cấu liên quan đến vết tích của các yếu tố hệ thống hoặc các yếu tố khác. Mối quan hệ này, sự liên kết đan xen này là văn bản, cái chỉ có được bằng sự biến đổi của một văn bản khác. ở đâu cũng chỉ có những khác biệt và vết tích của những vết tích. Sự khác biệt cho thấy chiều sâu mới trước đây chưa biết đến hoặc bị bỏ qua của ngôn ngữ, nói khái quát hơn, của cái hệ thống tự tạo của con người.

Các cặp phạm trù kí hiệu – cái biểu đạt; bản chất – hiện tượng; bên trong – bên ngoài của chủ nghĩa cấu trúc hoặc “ngôn từ trung tâm luận” của truyền thống siêu hình học phương Tây đều giới hạn sự vận động tự do và quá trình năng động của sự khác biệt. Cần có một mô hình khác bảo đảm tính hiệu lực của sự khác biệt. Derrida phê phán chủ nghĩa cấu trúc, phê phán sự “tin cậy” mà chủ nghĩa cấu trúc gửi vào cái toàn thể của tồn tại như là sự có mặt của bản chất, tồn tại, thực thể, chủ thể, siêu việt, ý thức, thượng đế, con người… Derrida phân tích một bài nghiên cứu của Rousseau, trong đó ông quan niệm chữ viết là cái bổ sung của ngôn ngữ nói. Từ bổ sung (suppléer) có hai nghĩa. Một là cái bổ sung, đây là cái ít quan trọng so với cái được bổ sung. Mặt khác, sự bổ sung có quyền uy riêng, nó cho phép cái thiếu vắng làm cho cái toàn thể trở thành toàn thể. Chẳng hạn nếu tôi có bộ Lexikon nhiều tập, và nếu nhà xuất bản đã in được đến từ cuối cùng của bảng chữ cái thì tức là bộ Lexikon đã trọn vẹn, đầy đủ. Nhưng sau một thời gian nếu nhà xuất bản gặp những mục từ mới, hoặc những mục từ bị bỏ qua hay mới trở nên quan trọng, và cho in chúng vào “tập bổ sung” thì bắt đầu từ giây phút mà tập Lexikon bổ sung này xuất hiện, bộ Lexikon gốc ban đầu thôi không là toàn bộ mà vẫn không có cái gì thay đổi thật sự trong nó. Sự thay đổi – điều này lại nói đến vai trò tạo lập sự sử dụng – xẩy ra trong cái văn cảnh nơi mà Lexikon hoạt động, nơi mà người ta sử dụng nó, nơi những nhu cầu, mong đợi mới nẩy sinh liên quan đến Lexikon. Derrida xem xét quá trình này trong mối quan hệ với cấu trúc của mọi hiện tượng của con người. Theo ông sự bổ sung, nếu tự nó có khả năng làm cho cái toàn thể trở thành cái toàn thể, thì trong ý nghĩa nào đó nó có tầm quan trọng hơn so với cái “toàn thể gốc” trước đây khi chưa trở thành cái toàn thể bây giờ. ở đây, rõ ràng cái trò chơi của sự khác biệt đang hiện hữu, bởi vì so với tập bổ sung của bộ Lexikon thì bản thân bộ Lexikon được tính là sự bổ sung, nếu không có nó thì tập bổ sung không có ý nghĩa. Như vậy, thực ra không có cấu trúc tổng thể, khép kín; các tổng thể mở ra bản tính không toàn vẹn, chúng cần đến sự bổ sung.

Trong chương Sự bổ sung nguy hiểm của công trình Văn phạm học, Derrida đã phân tích vấn đề các mắt xích của sự bổ sung. Ông cắt nghĩa sự thủ dâm như là sự bổ sung tình dục “đích thực”. Sự thủ dâm là sự khao khát, sự say đắm bản thân, hướng tới một đối tượng tưởng tượng mà người khao khát không bao giờ sở hữu được. Cái kết cấu này có thể thấy trong hoạt động tình dục “bình thường” và vì thế mà có thể quan niệm hoạt động tình dục như là sự thủ dâm đã được phổ quát hoá, nó cũng là một sự bổ sung. Qua ví dụ về Rouseau, Derrida chỉ ra rằng cái ý nghĩa chủ quan được hình thành bằng sự bổ sung như thế nào. Ông luôn luôn thấy sự bổ sung nào đó trong những người mà Rouseau yêu, thậm chí bất kì ai trong chúng ta khi yêu cũng đều phát hiện ra quá trình này. Cái quá trình không ngừng nghỉ để tạo ra sự bổ sung cho thấy do những khiếm khuyết của mình mà con người làm thực thể vun đắp, bổ sung. Trong quá trình vận động của những sự khác biệt, chúng ta cảm nhận được ý nghĩa của tồn tại. Tất cả mọi sự thiếu vắng đều cần đến sự bổ sung, sau đó những thiếu hụt mới lại nẩy sinh để rồi sự bổ sung chúng lại dẫn tới sự thiếu hụt mới hơn. Con người hầu như đi vòng quanh các sự việc trong một quá trình thiếu hụt liên tục, với cái không có. Hàng loạt sự bổ sung xuất hiện như những mắt xích bất tận, chúng tạo ra ý nghĩa mà chúng làm cho chệch đi. Sự bổ sung là điều kiện tiên quyết và là cái tạo thành sự tồn tại của con người, lôgích của nó nói lên rằng cái bên ngoài và cái xuất hiện sau đó, trong thực tế, là cái bên trong và cái nguyên khởi. Thực chất của sự bổ sung là mang tính chất quan hệ, không tự nó; sự bổ sung chỉ tồn tại giữa hai hiện tượng được sự khác biệt của chúng kết nối và tách biệt. Nó không có thực thể. Sự bổ sung là trò chơi của cái hiện hữu và cái ở xa. Về cấu trúc tồn tại của chúng ta, chúng ta luôn cảm nhận các bộ phận và tưởng chúng là cái toàn thể, chúng ta phải phát hiện ra rằng cái toàn thể của chúng ta thực ra là bộ phận và ngay lập tức chúng ta tưởng tượng ra cái toàn thể mới hơn cho nó. Derrida nhấn mạnh.

Trong cuộc Hội nghị về chủ nghĩa cấu trúc tổ chức ở Johns Hopkins University (Mỹ) vào Tháng Mười năm 1966, Derrida đã đọc bản tham luận quan trọng nói về cấu trúc, kí hiệu và trò chơi trong diễn ngôn của các khoa học nhân văn. Bản tham luận đã khẳng định cấu trúc và hình thức là những khái niệm có tầm quan trọng quyết định trong mọi thời đại của triết học, siêu hình học châu Âu suốt ba ngàn năm qua. Thời hiện đại chỉ mang lại cái mới ở chỗ đã không đưa vào trung tâm chú ý vấn đề hình thức qua phương thức xuất hiện khác biệt của nó mà là ngay trong sự thuần khiết tuyệt đối và trừu tượng của nó. Nghĩa là, tư duy hiện đại không xem xét sự cấu trúc hoá của cái gì đó, mà là lấy ngay chính vấn đề cấu trúc làm công việc nghiên cứu hàng đầu. Nhưng theo Derrida, sự thay đổi này đồng thời cũng có nghĩa là đã có chuyện gì đó với hiện tượng hình thức và cấu trúc, có sự rạn nứt nào đó xẩy ra trong lịch sử của nó, bởi vì ngược lại với vấn đề đang đối mặt hiện tại thì trước đây vấn đề hình thức và cấu trúc đều nhẹ nhàng lọt vào các sự việc của thế giới, đứng sau những sự vật, con người, nguyên lí đã mất; và các nhà triết học, nhà khoa học không nghiên cứu cấu trúc mà nghiên cứu công việc xây dựng xã hội, xây dựng trật tự tự nhiên, nghiên cứu những mối liên kết của các nguyên tắc đạo đức hoặc lịch sử văn học. Các nhà nghiên cứu thể hiện sự nghi ngờ của họ bên trong những lĩnh vực đời sống khác biệt này mà không cảm thấy rằng các vấn đề đều có mặt sau trừu tượng hơn của chúng.

Chúng ta biết rằng trong siêu hình học phương Tây, từ Platon đến các nhà cấu trúc, ý tưởng cấu trúc luôn đặt giả thiết về hai sự việc: Một mặt, trên lĩnh vực đời sống đã khoanh vùng, có một hệ thống quan hệ nào đó hoạt động; các sự việc, con người quan hệ với nhau và mối quan hệ này mang bản chất của một sự thống nhất nhất định. Mặt khác, có cái gì đó duy trì hệ thống mối quan hệ này, tức là cấu trúc có tâm điểm. Tâm điểm này là hiện tượng đặc biệt, nó định hướng cấu trúc nhưng lại không phải là bộ phận của cấu trúc, mà chỉ là bản chất khởi phát của cấu trúc. Nếu đưa tâm điểm vào nghiên cứu cấu trúc thì lúc đó chúng ta thực hiện việc này từ điểm nhìn của một trung tâm khác, tức là chúng ta nghiên cứu những trung tâm liên kết trong cấu trúc được xác lập như thế nào. Nếu chúng ta đã xác định cấu trúc của một bài thơ thì lúc đó chúng ta hình dung cái tâm điểm bao quát của cấu trúc đó giống với tâm điểm của cấu trúc những bài thơ khác đến mức nào, nó liên hệ với cấu trúc của những bài thơ khác ra sao. Tâm điểm vừa ở trong vừa ở ngoài cấu trúc. Với việc nghiên cứu những tâm điểm cấu trúc hoá các cấu trúc, chúng ta gặp sự cấu trúc hoá ở bình diện trừu tượng hơn. Sự cấu trúc hoá này tất nhiên lại có một tâm điểm, rồi tâm điểm lại có cấu trúc của nó… Tâm điểm có hai nhiệm vụ: một mặt nó tổ chức cấu trúc, nhưng mặt khác nó cũng loại bỏ khỏi cấu trúc những khả năng mà trong trò chơi của các mối quan hệ, về nguyên tắc, lẽ ra chúng vẫn có chỗ. Tâm điểm của cấu trúc là “linh hồn” của kết cấu, là cái khởi phát, là bản chất, nó làm cho hữu thể trở thành hiện thể. Vai trò quyết định của tâm điểm trong mọi cấu trúc là sự tổng thể hoá, tức là sự bảo đảm tính thống nhất của cấu trúc bằng việc đưa vào và loại ra những hiện tượng nhất định.

Nhưng đến Derrida và giải cấu trúc thì xẩy ra bước ngoặt mới.

Giải cấu trúc hoài nghi tính tất yếu của tâm điểm, nó cho đây là sự tự lừa dối hàng ngàn năm nay của triết học châu Âu. Và lịch sử tư duy của châu Âu là lịch sử của quá trình xác lập bất thành các tâm điểm. Như thể chúng ta là tù nhân của một ảo tưởng lớn: chúng ta luôn thấy các tâm điểm trong mọi việc và bám lấy “sự chắc chắn” của chúng bất chấp việc các tâm điểm và cấu trúc đó chỉ có hiệu lực tính theo từng thời khắc. Giải cấu trúc không tin tưởng vào tính chắc chắn, ổn định của trung tâm! Derrida đã đưa ra khái niệm trò chơi của mình để đối lập với ảo tưởng về tâm điểm của chủ nghĩa cấu trúc, vì trò chơi là phương thức hoạt động của cấu trúc không có tâm điểm. Chúng ta liên tục tạo ra những kết cấu, nhưng bản chất của chúng là cái khả năng mà trò chơi bảo đảm cho người sử dụng nó: người ta có thể đưa những sự việc, ý nghĩ, liên tưởng vào sự bổ sung liên tục cho trò chơi để rồi kết cấu tạo ra ý nghĩa mới, làm hình thành hình thức tồn tại mới. Có vô số sự thay thế ẩn chứa trong cấu trúc lúc đó, nếu trên nó không có tâm điểm. Trò chơi là khái niệm của giải cấu trúc, bởi vì nó nhấn mạnh cái hiện thể tuyệt đối, cái bản chất đáng tin cậy đằng sau cấu trúc. Đã là trò chơi thì tất yếu nó phải thuộc về người tiếp nhận, bởi vì không phải người nghĩ ra trò chơi mà là người  chơi chơi nó.

Derrida phê phán vương quốc tinh thần lớn khác của chủ nghĩa cấu trúc là kí hiệu và nghĩa. Nhưng trước khi tìm hiểu những quan điểm phê phán của Derrida, chúng tôi muốn nhìn lại những vấn đề mà Derrida phê phán.

Chúng ta biết rằng các kí hiệu ngôn ngữ đều tạo nên mối quan hệ nào đó vượt lên chính bản thân chúng. Kí hiệu có thể là các chữ cái, sự lay động của không khí hay một hình ảnh. Kí hiệu luôn luôn dự cảm một cái gì đó khác thông qua chính nó. Khi chúng ta nghĩ đến từ “cái ghế”, trong ý nghĩa chỉ dẫn, nó có đối tượng thực tế, tức là tồn tại kí hiệu và một mảng hiện thực liên hệ với nó. Quan niệm về nghĩa này cũng như những quan niệm khác liên quan đến ngôn ngữ đã bị phê phán mạnh hồi đầu thế kỷ XX. Từ đấy các nhà ngôn ngữ học, các triết gia đã nghiên cứu lí thuyết hiện đại về ngôn ngữ, ngữ nghĩa học và kí hiệu học, các khoa học về nghĩa. Như chúng ta đã thấy, sự khủng hoảng và sự trở thành đối tượng khoa học của nghĩa là những yếu tố có trên cùng một quá trình. Và các lí thuyết hiện đại về nghĩa đã hình thành trong hai hướng ít nhiều có thể tách biệt nhau. Một trong những hướng đó đã lấy việc nghiên cứu mối quan hệ giữa kết cấu nghĩa và cái hiện thực liên quan làm mục đích. Nó xác lập các chuẩn cứ hoạt động chính thức của ngôn ngữ. Hướng nghiên cứu thứ hai đặt vấn đề là do đâu mà có việc những kí hiệu nhất định lại liên quan với những mảng hiện thực nhất định? Cái gì xác lập mối quan hệ giữa kí hiệu và hiện thực? Sự tiếp cận cái sau cùng thường đưa vấn đề ý hướng vào tâm điểm nghiên cứu. Theo hướng này có triết gia người Đức là Edmund Husserl với những quan điểm hiện tượng học về ngôn ngữ và Ferdinand de Saussure với công trình nổi tiếng Nhập môn ngôn ngữ học đại cương. Đối với Husserl, ngôn ngữ “đích thực”, kí hiệu “đích thực” hoàn toàn là hiện tượng thuộc về con người, nó có thể được tách biệt khỏi cái gọi là những kí hiệu tự nhiên. (Ví dụ khói là dấu hiệu của lửa). Ngôn ngữ đích thực là sự thể hiện, là ý muốn thể hiện một nghĩa thông qua người phát ngôn. Sự thể hiện là có ý thức và mang tính ý hướng. Như vậy, nghĩa không hoàn toàn chỉ là lời mang nghĩa, mà là một cái gì đó mà nghĩa của nó có được nhờ ý muốn của ai đó. Trong tư duy thường nhật, chúng ta nghĩ đến cái biểu đạt như là cái tạo nên nội dung của cái được biểu đạt. Husserl cho rằng bản thân cái được biểu đạt cũng đã được tạo nên bởi một cái gì đó như là hoạt động ý thức, cái hoạt động ý hướng muốn nói lên giữa bao nhiêu sự vật, sự việc của thế giới. Sự muốn nói này không mang tính chất xã hội học mà là nền tảng, là hậu trường của một ý hướng từ bên trong, một độc thoại bên trong hướng ra thế giới mà ai cũng có. Lí thuyết ngôn ngữ của Husserl được xây dựng trên nguyên tắc của cái hiện hữu. Tính ý hướng trong quan niệm hiện tượng học của Husserl hoàn toàn là cái hiện thể tinh thần không hiện thân trong ngôn ngữ. Thông qua nghĩa, tính ý hướng có vai trò là tâm điểm từng có trong cấu trúc. Thực ra, đằng sau quan niệm ngôn ngữ này ẩn chứa cái giả thiết về một thứ tri thức tuyệt đối mà trước khi nghĩa được nói ra thì nó đã biết tất cả, từ nó mà ta có được nghĩa. Husserl đã hoàn toàn dung hoà được sự tồn tại của các kí hiệu ngôn từ khách quan trong những ý tưởng của con người chủ quan.

Derrida đã không chấp nhận quan điểm về ngôn ngữ của Husserl. Lật lại hệ thống của Husserl, ông đưa ra một quan niệm về nghĩa, khác một cách cơ bản. Đối với Husserl, như chúng tôi đã đề cập đến ở các bài viết trước đây(2), trung tâm nghĩa, bản chất nghĩa đã có trong ý thức của người làm ra nghĩa, cái ý thức này và tính ý hướng quan hệ với nó là tấm phủ bằng vàng của nghĩa mà mọi sự đọc đều phải tôn trọng bằng cách nào đó. Đối với Derrida, ý thức của tác giả không hề có ưu thế tuyệt đối bên trên nghĩa của ngôn từ. Thậm chí tác giả chỉ phát hiện được nghĩa của ngôn từ qua việc viết ra nó, hầu như nhà văn đối diện với đám đông những cái biểu đạt độc lập với anh ta. Cái biểu đạt tự nó nói nhiều hơn bất kì sự sử dụng nào của tác giả. Kí hiệu được viết ra không phải là cái gửi đi mà chỉ là cái nhà văn nhận được. Các kí hiệu không thông báo mà là mang lại khung khổ cho việc tạo ra ý nghĩa của văn bản; chúng ta không nói ra điều gì bằng kí hiệu, mà việc sử dụng các kí hiệu tạo điều kiện để chúng ta có được sự đối thoại. ý nghĩa được tạo thành qua việc cá nhân người hiểu (người tiếp nhận) đem những cái biểu đạt đã đối chứng quan hệ với những cái biểu đạt khác, và những cái biểu đạt đều có mối quan hệ với ý nghĩa. Không có chuyện ý nghĩa như là cái bảo đảm để làm rõ mối quan hệ giữa kí hiệu và hiện thực, và cũng không có chuyện ý nghĩa đi tìm ý hướng của nghĩa, ý định của thông điệp. Những cái biểu đạt vĩ đại hơn rất nhiều so với những cái được biểu đạt, bởi vì hệ thống những cái biểu đạt phân chia cái thế giới đang có quanh ta, và rất nhiều cái sở dĩ không có đối với ta là vì chúng ta không có từ ngữ nói về nó. Tất cả nghĩa đều mang tính ý hướng, nó là hậu quả của cái trò chơi được thực hiện vĩnh viễn với những cái biểu đạt, các ý định của chúng ta không vượt lên trước cái được nói ra, nhờ những điều được nói ra mà ý định của chúng ta trở nên rõ hơn, có thể nắm bắt. (Chính Freud đã sáng tạo phương pháp chữa bệnh theo nguyên tắc này trong tâm phân học). Theo Derrida, trong quá trình sử dụng ngôn ngữ chúng ta đối chứng với một hệ thống cái biểu đạt cổ xưa, rồi chúng ta đưa các ý định của mình vào hệ thống đó, những ý định mà do bị loá mắt bởi tình yêu bản thân, chúng ta cố tin rằng chúng là những ý định nguyên khởi. Đối với Derrida, văn bản văn học là mảnh đất đặc trưng của vấn đề nghĩa. Derrida cho rằng các kí hiệu và cái biểu đạt, trong quan hệ với nhau, chúng tạo nên một sự kết nối. Văn bản văn học không khép kín, nghĩa của nó không bị trói buộc bằng sự giúp đỡ của tác giả hay sự liên quan với hiện thực; văn bản luôn mở, nó cần được bổ sung và tạo khả năng bổ sung. Việc đọc hết một văn bản văn học cũng tạo nghĩa như là việc viết ra nó, thậm chí tất cả sự viết thực ra cũng là đọc văn bản. Mọi sự viết đều không trở lại với trạng thái đời sống khởi thuỷ, không thuộc ngôn ngữ, mà qua đối tượng của sự viết, chúng ta chọn lấy một mảng phù hợp từ “cái bọc” những cái biểu đạt có thể tiếp cận. Derrida cũng tuyên bố rằng chúng ta không đến với “hiện thực” (mà cũng không có chuyện đó, hoặc chí ít, chúng ta không cần đến nó). Chúng ta chỉ vận động trong hệ thống những cái biểu đạt mà chúng ta chỉ ra trước mũi của mình. Sở dĩ có thể chỉ ra vì nó được biểu thị. Cái mới trong suy nghĩ của Derrida là đối với ông, không phải từng tác phẩm, mà toàn bộ ngôn ngữ đều mang tính chất tranh thánh. Ngôn ngữ là một loại tranh thánh bằng lời, nơi xuất hiện việc sử dụng nghĩa, nhưng tổng số việc sử dụng nghĩa cũng không bao giờ có khả năng mở ra cái hình ảnh tổng thể ẩn dấu, cái lược đồ nuôi dưỡng việc sử dụng ngôn ngữ của chúng ta. Tính chất đa ý nghĩa không thể phát hiện được trong văn bản này hay trong văn bản kia, mà nó chuyển vào bản chất của ngôn ngữ. Thực chất của sự hiểu không phải là một sự thoả thuận. Sự để ngỏ, tính đa ý nghĩa không phải là đặc điểm tạm thời của văn bản mà là điều kiện tồn tại không thể tránh khỏi của nó. Tính hai ý nghĩa nhận chức năng bản thể thực tế, nó không dẫn đến cái kết cấu của một nghĩa chung mà buộc phải giải kết cấu cái nghĩa có vẻ ổn định và viết đi viết lại văn bản. Ngôn ngữ không ổn định, nó vừa là đối tượng vừa là công cụ và sự cưỡng chế của một trò chơi thường xuyên. Cái trò chơi mà trong nó chúng ta trao cho văn bản những nghĩa, không một ai nói trước, hoàn toàn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Như vậy tính ngôn ngữ là yếu tố bấp bênh, do đó từng văn bản, ngược lại với toàn bộ ngôn ngữ, không thể là bức tranh thánh bằng lời tự trị, trọn vẹn, mà bản chất của nó là luôn có khoảng trống và mang nghĩa khác khi quan hệ với những cái biểu đạt khác, những văn bản khác.

Trong một quan niệm như thế này thì mối quan hệ cái biểu đạt – cái được biểu đạt trở nên không trọng lượng cũng là điều dễ hiểu. Nghĩa không vận động trong mối quan hệ của cái biểu đạt và cái được biểu đạt, mà nó xác lập ranh giới trong hệ thống độc lập của những cái biểu đạt được những người sử dụng kí hiệu duy trì và làm cho chúng hoạt động một cách vô ý thức. Nghĩa chính xác của một cái biểu đạt phụ thuộc vào việc có những cái biểu đạt như thế nào liên quan với nó, hay ngược lại với nó. Tất nhiên, hiện tượng này đã được Saussure nhận ra từ trước. Ông đã biết rằng hệ thống những cái biểu đạt – chẳng hạn những từ dùng để gọi tên các màu sắc trong một ngôn ngữ – không hình thành theo hệ thống những cái được biểu đạt (những ví dụ màu sắc có thật), bởi vì trong mỗi ngôn ngữ từ mang nghĩa màu sắc có tính chất, mức độ khác so với từ đó ở trong ngôn ngữ khác, và như vậy nghĩa của những cái biểu đat nào đó không thể dịch chuyển sang hệ thống cái biểu đạt tương ứng của một ngôn ngữ khác. Tức là không phải các màu sắc, mà các từ chỉ màu sắc là bị qui định theo phương thức khác nhau. Nhưng Saussure và chủ nghĩa cấu trúc đã giả thiết rằng bên trong mỗi hệ thống thì trong mối quan hệ được tạo ra một cách lâu dài, những sự phân biệt là ổn định. Sự phân biệt của hệ thống kép cái được biểu đạt – cái biểu đạt mà chủ nghĩa hiện đại đưa ra lại ẩn chứa những mối nguy hiểm, bởi vì nó đặt ra ngay cái giả thiết rằng cặp cái được biểu đạt và cái biểu đạt cùng là quan hệ thứ bậc, trong đó cái có trọng lượng nhất là cái được biểu đạt “tồn tại trong thực tế”. Như vậy là có một hệ thống cái được biểu đạt độc lập, không phụ thuộc vào những cái biểu đạt, cái hệ thống các khái niệm thuộc về ý thức có từ “khởi đầu”, chỉ sau đó mới có ngôn từ. Và đây chính là sự hình dung về “cái được biểu đạt tiên nghiệm” mà Derrida kịch liệt phản đối. Derrida phát hiện ra rằng trong quá trình sử dụng những cái biểu đạt, bên trong mỗi ngôn ngữ, hệ thống những cái biểu đạt – được biểu đạt cũng không ổn định mà thường xuyên thay đổi. Tác động tương hỗ và sự tổ chức vào hệ thống mới của những cái biểu đạt là quá trình không thể ngăn cản. Do đó, nghĩa không phụ thuộc vào những ý định của chủ thể sử dụng ngôn ngữ, thậm chí nó thường xuyên “lừa” người sử dụng ngôn ngữ và buộc anh ta phải phát hiện ra những nghĩa mới. Nghĩa được xác định không phải qua cái hệ thống sức mạnh cá nhân, nhưng lại có hiệu lực thông qua những hoạt động sử dụng kí hiệu cá nhân. Derrida cũng nhấn mạnh rằng, trong mọi hoạt động sử dụng kí hiệu, ở mặt sau của những cái biểu đạt sử dụng đều có vai trò của những vết tích không thể thiếu, đó là chữ viết. Vết tích là vết tích nếu nó nói lên được mối quan hệ nào đó. Mối quan hệ này chỉ mở ra trên vết tích của sự đọc, cái vết tích chỉ tồn tại trong sự hiểu, sự giải thích, nó bộc lộ bản thân quá trình cắt nghĩa văn bản.

Năm 1966, Paul de Man trong một bài viết trước khi làm quen với Derrida, (bài Hình thức và ý hướng trong khoa học văn học Mĩ), đã nói rằng khoa nghiên cứu văn học Mĩ cảm nhận tính nhiều mặt của nghĩa văn học, thể hiện qua những khái niệm như “mỉa mai”, “hai ý nghĩa”, “nghịch lí”, nhưng sau những nhận biết như thế nó vẫn xác định tác phẩm văn học như là đối tượng tự trị, và chỉ ra tính liên kết không mâu thuẫn của nghĩa. Để làm được điều này, Phê bình mới dựa trên một nền tảng lí luận mâu thuẫn với chính nó: Về mặt lí luận nó xác định tác phẩm văn học như là khách thể, trong thực tiễn của hoạt động đọc kĩ thì nó quan niệm tác phẩm như là hành động. Bản chất của sự khác biệt giữa hai quan niệm là có thể hiểu cái hình thức của tác phẩm được quan niệm như là đối tượng là hình thức ngôn ngữ thuần khiết, sự mô tả nó là sự mô tả ngôn ngữ học. Còn trường hợp quan niệm tác phẩm văn học như là hành động thì khó có thể tránh khỏi vấn đề tính ý hướng. Tính ý hướng, cái chức năng tạo nghĩa của chủ ý tác giả, là khái niệm trung tâm của các lí thuyết trước chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa thực chứng và lịch sử tinh thần mà Phê bình mới vẫn thường phê phán. Đương nhiên, Paul de Man đã không lùi bước, đối diện với khái niệm sự chủ ý của chủ nghĩa thực chứng, ông đã xem cái ý thức về cấu trúc chủ ý của hình thức văn học là yếu tố quyết định. Quan niệm này có vẻ mâu thuẫn: làm thế nào để có thể làm cho cái chủ ý – hình thức trở thành đối tượng của khoa học văn học? Theo khoa học văn học hiện đại thì hình thức là một đặc trưng của khách thể ngôn ngữ, và sự chủ ý chỉ hình thành trong đó, tức là hình thức bị triệt tiêu trong phẩm chất chủ ý.

Giải cấu trúc đã giải quyết nghịch lí này sau đó bằng việc xác định hình thức như là hình thức tiếp nhận, hình thức đọc, hình thức sử dụng văn bản. Nó đặt giả thiết rằng tác giả cũng như người đọc, đều cố gắng đọc một loạt ý nghĩa cực kì phong phú và từ hoạt động đọc này mà cái hình thức đã được xác định rõ hơn nào đó sẽ hình thành. Có thể nhận ra trong bài viết Hình thức và ý hướng trong khoa học văn học Mĩ của Paul de Man những ảnh hưởng đến từ châu Âu, từ Hillis Miller, Edmund Husserl, Martin Heidegger. Nhưng nhà triết học đóng vai trò quyết định là Jacques Derrida, người mà Paul de Man đã gặp ở Hội nghị, năm 1966. Kết quả là trường phái Giải cấu trúc Mĩ, với ảnh hưởng giống như phê bình mới, đã phổ biến ở các trường đại học.

Từ Jacques Derrida đến Paul de Man, Giải cấu trúc đã giải quyết những vấn đề gì trên bình diện lí luận?

Giải cấu trúc, trước hết, muốn chỉ ra những yếu tố tạo thành ý nghĩa hoạt động ở bình diện ngôn ngữ trong ý nghĩa chung mà không nhất thiết ở bình diện khách thể ngôn ngữ trong ý nghĩa văn phạm. Giải cấu trúc tìm kiếm tính chất nhiều mặt, tính năng động chủ quan và dễ thay đổi của ý nghĩa được tổ chức như thế nào trong sự mâu thuẫn của sự tạo thành ý nghĩa của văn bản và văn cảnh. Nó xem xét một ý nghĩa về cơ bản mang tính chất nhị nguyên được tổ chức ra sao vào cái văn bản có ý nghĩa nhất nguyên. Nó tìm lời giải thích việc tác phẩm văn học với cái văn bản có vẻ ổn định về không gian, được viết trong một thời gian và bất biến tại sao lại thay đổi từ thời đại này qua thời đại khác, từ người đọc này đến người đọc khác. Tuy nhiên, giải cấu trúc không cho rằng việc nhận ra điều này có thể giải quyết được những vấn đề mâu thuẫn. Thậm chí, ngược lại giải cấu trúc chỉ ra rằng những mối mâu thuẫn này là không thể điều hoà, không thể giải quyết và nhà phê bình văn học không thể làm cái gì khác việc nghe theo sự áp đặt tương đối này. Thay vì chú ý đến ý nghĩa cuối cùng, nhà phê bình trở thành người quan sát cái trò chơi vĩnh viễn của những ý nghĩa thay đổi liên tục. Nhà phê bình phát triển khái niệm văn bản mà thực chất nó cũng mang tính văn cảnh nữa. Hoạt động đọc là tình huống đối thoại trong đó ý nghĩa được hình thành, nó là văn cảnh được cấu thành từ sự giao nhau của hai hay nhiều hiện tượng văn bản (như khách thể ngôn ngữ, trật tự ý nghĩa tiếp nhận và những văn bản liên quan khác). Giải cấu trúc giả thiết về sự không thể tách rời của chủ thể và khách thể văn học, tính hiệu lực tự thân xây dựng trên sự hiểu văn bản văn học. Giải cấu trúc quan niệm sự tạo thành ý nghĩa giống như quá trình không giải toả được trong cấu trúc của đối tượng cũng như trong chủ thể sử dụng đối tượng. Cuối cùng, giải cấu trúc cho rằng ý nghĩa luôn luôn được tổ chức ở những hình thức không gian, nhưng những hình thức không gian này từng bước tan rã, rồi chúng lại được tổ chức để cuối cùng chúng mang tính thời gian. Và những khái niệm cơ bản của giải cấu trúc xuất hiện, như liên văn bản, từ chương, phúng dụ, sự đọc và sự đọc sai.

Triết học giải cấu trúc của Derrida và phê bình văn học giải cấu trúc dẫu có quan hệ không thể phủ nhận thì cũng không thể nào đồng nhất. Và giải cấu trúc Mĩ sau này cũng không thể xem là sự phá bỏ lí luận văn học triết học của Derrida. Thực ra những bài phê bình văn học theo giải cấu trúc đầu tiên đã ra đời sớm hơn các công trình triết học giải cấu trúc. Khoảng cách và sự khác biệt sau này vẫn còn. Rất có thể là mối quan hệ giữa triết học Derrida và phê bình giải cấu trúc phức tạp hơn ta tưởng. Triết học giải cấu trúc cho thấy văn bản, một cách ý thức hay vô ý thức, đã tự triệt tiêu cơ sở của nó từ đầu. Giải cấu trúc không phá vỡ cấu trúc của một văn bản mà là cho thấy văn bản tự phá vỡ nó từ đầu, cứ như thể nền tảng chắc chắn của nó không phải là tảng đá mà là không khí. Theo Paul de Man thì Derrida đã nâng vấn đề đọc lên tầm vấn đề triết học và mặc dù trong việc cắt nghĩa của mình, ông nghiên cứu nhiều loại văn bản, thì công trình của ông vẫn là cơ sở quyết định khoa học văn học tương lai. Giải cấu trúc đã tạo ra kiểu phê bình mới về nghĩa và văn học. Trọng tâm của giải cấu trúc là vấn đề văn bản, nói đúng hơn là sự hiểu một văn bản đã xác định, có thể cắt nghĩa. Nhưng thuật ngữ “sự hiểu văn bản” lại che khuất nhiều loại quá trình phức tạp. Thuộc về đây có sự tự hiểu văn bản, những nội dung siêu hình mà trong một văn bản chúng nói lên rằng cái văn bản văn học là như thế nào. Đối tượng của giải cấu trúc còn là việc một văn bản đã ra đời từ phía sau của những văn bản khác ra sao, cái truyền thống liên văn bản như thế nào đã mang lại ý nghĩa của văn bản, và còn thuộc về đây cả sự hiểu văn bản mà một nhà nghiên cứu văn học hay người đọc thực hiện. Có thể nói, phát hiện có ý nghĩa nhất của giải cấu trúc mà cũng là của tư duy lí luận văn học hậu hiện đại là ý nghĩa không có trong những khách thể ngữ nghĩa ổn định, mà nó ẩn chứa trong những quan hệ ngữ nghĩa rất ít ổn định, trong những sự kiện hiểu và đọc văn bản.

Giải cấu trúc cắt đứt với những định nghĩa thông thường về văn học của lí thuyết hiện đại, mà thường là chúng được xây dựng trên lôgich cho rằng văn học là sự sử dụng ngôn ngữ đặc biệt, cái biến thể đặc trưng của ngôn ngữ thường nhật. Định nghĩa về văn học của chủ nghĩa hiện đại thường hướng tới cái khách thể văn bản, đến những quan hệ ngôn ngữ được xác định qua văn bản. Đối diện với chủ nghĩa hình thức, tính văn học đối với giải cấu trúc không phải mâu thuẫn với cái không có tính văn học, và điều quan trọng là nó không phải là phái sinh, biến thể đặc biệt của cái ngôn ngữ không phải văn học. Giải cấu trúc thử đưa khái niệm văn học ra khỏi thứ bậc siêu hình của các cặp đứng đắn – không đứng đắn, một nghĩa – đa nghĩa, thực – hư cấu… truyền thống. Giải cấu trúc cho rằng không thể gọi văn học là ngôn ngữ ăn theo, là sự điều chỉnh ngôn ngữ thường nhật, mà ngược lại, cần phải hiểu cái ngôn ngữ đã được đặc trưng hoá của triết học như là biến thể đặc trưng của ngôn ngữ văn học, thậm chí có thể cắt nghĩa ngôn ngữ thông thường như là phương thức biểu hiện đã quên mất tính ẩn dụ và hư cấu. Derrida không muốn lật lại các cặp theo thứ bậc một cách đơn giản. Vì thế khi ông viết rằng triết học là “một thể loại văn học đặc trưng” thì điều đó không được hiểu là ông muốn triết học phải thấp hơn văn học, mà nó nói lên rằng trong văn học, cái đặc trưng cơ bản, tính chất từ chương của sự viết được bộc lộ nhất quán hơn, tự do hơn, trong khi đó triết học hiện đại lại cố tình dấu đi hoặc hạn chế chúng. Đằng sau tác phẩm văn học và tác phẩm triết học là lối viết đã được xác lập qua yếu tố từ chương, cái yếu tố có hiệu lực dễ dàng hơn, trực tiếp hơn trong tác phẩm văn học. Ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ tự do, nó cho phép mọi đặc điểm ngôn ngữ xuất hiện. Không thể xác định ngôn ngữ văn học bằng cách chúng ta đối chứng nó với những đặc điểm của ngôn ngữ phi văn học, bởi vì ngôn ngữ văn học trong một tác phẩm tiếp theo vẫn sử dụng những đặc điểm được xem là không có tính văn học như là ngôn ngữ văn học. Văn học vượt lên mọi sự định nghĩa về nó. Đằng sau sự tiếp cận của Derrida là niềm tin rằng văn học không phải là hình thức ngôn ngữ đặc trưng, mà là hình thức đọc đặc trưng. Văn học sử dụng cái ngôn ngữ bí mật có khắp mọi nơi, nó trang bị cái cấu trúc tự giải cấu trúc, nó là một loại văn bản luôn tự khác với chính nó. Văn bản văn học luôn tạo ra sự hiểu nhầm, sự đọc sai. Những người sử dụng ngôn ngữ, để phù hợp với những lợi ích của mình, họ hạn chế hoặc bỏ qua tính chất từ chương của ngôn ngữ, làm giảm đi sự phong phú của nó và tạo ra những hình thức ngôn ngữ không mang tính từ chương, chỉ có một nghĩa.

Giải cấu trúc cho rằng chúng ta không có ngay từ đầu nghĩa và ý nghĩa liên kết, do đó chúng ta liên tiếp tạo ra các văn bản đồng nhất và mang tính liên kết là để chúng ta có thể ứng xử được với cái không thể nắm bắt. Nhưng chúng ta không đạt tới bề sâu của ngôn ngữ, chúng ta liên tiếp phủ lên cái ý nghĩa xuất hiện trong hình thức văn bản hoặc ấn tượng những câu chuyện được phúng dụ hoá. Những đặc điểm này không phải là lỗi hay hạn chế của người tiếp nhận, người đọc, mà đó là đặc trưng của văn bản, của ngôn ngữ. Văn bản văn học là một khối mâu thuẫn. Một văn bản, xét từ bản chất ngôn ngữ của nó, luôn đề cập đến một cái gì đó, vì thế nó không đồng nhất với chính nó, nhưng lại đồng nhất với cái mà nó đề cập đến: như vậy, nếu văn bản không đồng nhất với chính nó thì có thể đồng nhất với cái gì khác? Thực ra đây là điều không thể được, bởi vì do tính chất từ chương và tổ chức chức năng thi pháp của văn bản văn học, theo giải cấu trúc, mỗi lần đọc là mỗi lần chúng ta “vấp ngã” vào văn bản. Nghĩa của văn bản tuỳ thuộc vào cách đọc của chúng ta, văn bản phê phán mối liên hệ của nó tới cái gì khác và nó tạo ra sự liên hệ với chính nó. ý nghĩa “thực” của tác phẩm văn học tất nhiên là có “ở đó”, trong văn bản, bởi vì nó không thể có ở đâu khác. Nhưng đồng thời, tác phẩm văn học vẫn là cái không thể nắm bắt, nó luôn luôn là cái gì khác, qua sự đọc sai, đọc nhầm. Trong quá trình đọc, tác phẩm văn học trao mình cho người đọc, nhưng chính nó lại luôn luôn giống một cái gì đó khác với chính nó.

Chúng tôi thấy rằng khái niệm phúng dụ ở bình diện lí luận văn học giải cấu trúc không đồng nhất với những quan điểm được thể hiện qua các lí thuyết cấu trúc, ví dụ với khái niệm tác phẩm mở của Umberto Eco hay lí luận về quyền hạn người đọc của Culler. Đây là những lí thuyết nhấn mạnh tính đa ý nghĩa của tác phẩm văn học. Theo tinh thần của giải cấu trúc thì tính chất mở của tác phẩm là một “mô hình trừu tượng”, nó xuất hiện khớp với từng sự cắt nghĩa cụ thể. Giải cấu trúc quan niệm tính phúng dụ như là thực tế tồn tại của văn bản, và văn bản vốn vẫn mở, không thể khép kín. Cuộc sống hầu như được phúng dụ hoá, những hình ảnh và âm thanh là nơi có thể xâu kết nghĩa. Qua các câu chuyện, chúng ta rút ra kết luận gì đó từ trò chơi nghĩa vốn có của ngôn ngữ. Nguyên lí giải cấu trúc phúng dụ hoá nói về sự tổ chức và sự hiểu lầm những nền tảng ngôn ngữ của đời sống. Có thể định nghĩa phúng dụ như là sự chồng chất hình ảnh bổ sung. Tức là phúng dụ mang tính chất bổ sung, và ý nghĩa bổ sung được hình thành một cách liên tục, nó phải kết cấu và làm cho cái ý nghĩa đã ổn định, hiển ngôn hay ẩn dụ trở thành thứ yếu, nó duy trì bản thân trong hoạt động khu biệt liên tục. Theo giải cấu trúc, ngôn ngữ văn học không có tính biểu vật, nó không có khả năng thể hiện bản chất mà luôn luôn phụ thuộc vào ý nghĩa mà bạn đọc gán cho nó. Giải cấu trúc phủ nhận các quan niệm kí hiệu học truyền thống cho rằng từ và khái niệm biểu đạt không phải là một, cái biểu đạt không nằm trong kí hiệu.

Giải cấu trúc không nắm bắt nghĩa “ở trong đó” (trong văn bản) mà trong mối quan hệ cơ bản, liên văn bản gắn liền với văn bản. Giải cấu trúc thừa nhận cái ưu thế của việc sử dụng, sự đọc và sự hiểu văn bản. Sự cắt nghĩa văn bản văn học ở đây, vì thế, không đơn giản chỉ là sự vận dụng các thao tác mô tả văn bản như khoa học văn học hiện đại đã làm, bởi vì nghĩa và ý nghĩa ra đời trong mối quan hệ phức tạp của nhiều yếu tố ngôn ngữ với người tiếp nhận. Ai cũng biết là lí luận văn học Mỹ trước giải cấu trúc, rồi phê bình mới đều dành cho sự cắt nghĩa văn bản cái ý nghĩa lớn. Nhưng điều này cũng ẩn chứa trong nó sự khác biệt có ý nghĩa quyết định. Nguyên tắc “đọc kĩ” văn bản của phê bình mới được giải cấu trúc trao cho ý nghĩa mới. Giải cấu trúc muốn sự đọc được chính xác hơn sự đọc trong phê bình mới. Sự chính xác này không có nghĩa là sự vận dụng phương pháp mô tả ngôn ngữ mới, chi tiết hơn, mà là sự xâm nhập vào những lĩnh vực cho đến nay còn ẩn dấu, bị gạt bỏ của vương quốc nghĩa. Chủ nghĩa hình thức tập trung vào văn bản, còn giải cấu trúc thì phát hiện ra vai trò quyết định của hoạt động sử dụng văn bản “bên cạnh”, “bên trên” hay “xung quanh văn bản”. Cả hai hướng, văn bản và sự cắt nghĩa, gần như tranh luận và đối chứng với nhau để chỉ ra cái tiềm năng đa ý nghĩa. Loại ý nghĩa này không đồng nhất với tính chất hai ý nghĩa thường được các nhà phê bình mới nhắc đến. Rõ ràng đối với giải cấu trúc, tính chất hai ý nghĩa (hai mặt) không phải ẩn chứa trong văn bản mà là trong mối quan hệ sử dụng văn bản, thậm chí nó là bộ phận không thể thiếu của mối quan hệ này. Sự tồn tại đích thực của văn bản không phải là không gian cấu trúc, mà là quá trình, là thời gian sử dụng văn bản. Do đó, từ sự đọc kĩ, đọc sát văn bản trước hết sẽ là sự đọc của sự đọc, sự cắt nghĩa của sự cắt nghĩa. Giải cấu trúc tìm kiếm ở tác phẩm cái nội dung liên quan tới sự đọc để trả lời cho câu hỏi các tác phẩm văn học đã dẫn dắt quá trình tiếp nhận chúng đầy mâu thuẫn như thế nào?

Bản chất đích thực của giải cấu trúc vì thế ẩn chứa trong chính sự đọc. Sự đọc là một sự bày tỏ quan điểm thường xuyên thay đổi, nó bắt rễ sâu xa trong bản chất của chủ thể sử dụng văn bản, kể cả khi người ta đã làm cho nó trở thành sự cắt nghĩa. Người đọc nào cũng có sự giải cấu trúc của riêng mình. Không có kĩ thuật cắt nghĩa giải cấu trúc thống nhất, mà chỉ có các sự kiện cắt nghĩa đáng kể theo giải cấu trúc. Với việc nhấn mạnh vai trò tạo lập ý nghĩa của mối quan hệ văn bản- người tiếp nhận theo phương thức hậu hiện đại, một cách tất yếu, giải cấu trúc phải đối diện với nhiệm vụ là phải xác định cái gì có ở vị trí khách thể ngôn ngữ, tức là cái gì là bản tính thật sự, là không gian tồn tại của ý nghĩa. Giải cấu trúc xác định một cách nhất quán rằng khoa học văn học nói chung và phê bình văn học nói riêng như là sự thực hành đọc (và đọc sai) chuyên nghiệp. Tồn tại ba khái niệm: đọc (reading); đọc sai (misreading) và không thể đọc (unreadability). Sự đọc (đọc sai) là những khái niệm cho thấy những khác biệt giữa giải cấu trúc và tường giải học(3) trước một vấn đề tương tự. Trong giải cấu trúc, sự đọc mang tính từ chương – hình thức. Trong tường giải học, sự đọc song hành với sự hiểu. Giải cấu trúc quan niệm sự đọc không phải là công cụ mà là yếu tố cấu thành, là vùng tồn tại của ý nghĩa văn bản. Giải cấu trúc không nhiều hơn và không ít hơn sự đọc. Tất nhiên chúng ta hiểu rằng nói như thế không có nghĩa là mọi văn bản văn học đều là văn học do người ta đọc nó. Trong cuốn Phúng dụ của sự đọc, Paul de Man cũng nói đại ý quá trình đọc văn bản văn học, tính chất từ chương vừa tách bạch vừa gắn kết ngôn ngữ nhận thức với ngôn ngữ thực hành và đặc trưng của ngôn ngữ văn học ẩn chứa trong khả năng của sự đọc sai, hiểu sai(4). Nghĩa là sự đọc sai không phải là lỗi xuất phát từ những hạn chế của người tiếp nhận, mà là hậu quả tất yếu và không thể tránh khỏi có từ tính chất văn học. Paul de Man cho rằng văn học tồn tại trong sự đọc sai, văn học là quá trình mà sự thống trị của nghĩa luôn thất bại, không thể cứu chữa, và sự cắt nghĩa trở thành hoạt động bắt buộc không giới hạn. Thực ra Paul de Man đã nêu vấn đề sự đọc – đọc sai trong một bài viết từ năm 1969, nhưng lúc đó ông còn sử dụng cặp khái niệm mù quáng – sáng suốt (blindness – ingsight). Vấn đề cũng đồng hướng với sự đọc – đọc sai, nhưng việc thay đổi khái niệm sau đó đã cho thấy giải cấu trúc ngày càng quan tâm nhiều hơn đến văn bản. Mù quáng và sáng suốt còn là những phẩm chất của người đọc, còn sự đọc và đọc sai là phẩm chất của việc sử dụng văn bản. Mù quáng xuất hiện khi người sử dụng ngôn ngữ phóng rọi sự đọc sai, sự cắt nghĩa mang tính từ chương của riêng mình lên hình thức của văn bản. Sự mù quáng như thế lại là sự sáng suốt, bởi vì nhờ đó mà văn bản nhận được hình hài trong sự cắt nghĩa của người đọc. Có thể xem sự mù quáng và sáng suốt là chức năng thi pháp xuất hiện (mà Jakobson từng nói) trong quá trình tiếp nhận. Sự sáng suốt là cơ sở của quan hệ nối tiếp giữa sự hiểu và sự đọc, nó là một quá trình phối hợp trong đó người cắt nghĩa văn bản làm cho các yếu tố trở nên gần gũi, anh ta tạo ra mối liên kết, sự đồng nhất văn bản nào đó. Ngược lại, sự mù quáng là sự lựa chọn mà cùng một lúc nó vừa biến mất khỏi quan hệ nối tiếp vừa xuất hiện trong đó như là yếu tố phản bội.

Từ bản chất của sự đọc mà có sự lặp lại liên quan đến văn bản. Thực ra không có sự đọc một lần, mà mọi sự đọc đều bộc lộ tính liên văn bản. Như vậy, không có sự đọc “đầu tiên”, bởi vì tất cả mọi sự đọc, trong thực tế, đều là sự đọc lại. Hoạt động đọc lại tạo nên tính khác biệt của văn bản, sự đọc lại này không cố gắng xác lập những đặc trưng riêng của từng văn bản, mà cố gắng đạt tới sự khác biệt “không bao giờ kết thúc”, nó tồn tại trong sự bất tận của các văn bản. Sự đọc lại làm trì hoãn khả năng đúc kết các nghĩa của văn bản, làm chậm lại sự ra đời của cái toàn thể thống nhất, tức là nghĩa tổng thể của văn bản. Không một sự đọc nào tránh được sự điều chỉnh, sự điều chỉnh này có đặc điểm là nó không hướng tới một sự đọc lí tưởng, tốt hơn, mà hầu như nó tạo ra nhiều sự đọc vì chính nó, làm cho ý nghĩa của văn bản mang tính vô tận. Chính vì vậy, tất cả mọi sự đọc đồng thời là sự đọc sai, không có sự đọc đích thực tuyệt đối, thậm chí chỉ có những sự đọc sai mang tính chất bộ phận. Từng sự đọc tổ chức lại thành chuỗi, chúng bao quanh văn bản bằng những hình thức ý nghĩa đã được chấp nhận và tất cả mọi sự đọc tiếp theo chỉ thông qua những hình thức ý nghĩa này để quan hệ với văn bản. Như vậy sự đọc sai là kết quả xuất hiện không phải trong mối quan hệ với văn bản, mà trong mối liên quan đến những sự đọc văn bản. Quá trình phân tích sự đọc sai, các nhà giải cấu trúc nghiên cứu cơ sở từ chương học truyền thống của sự cắt nghĩa sai. Sự đọc sai không phải là lỗi do những giới hạn của tri thức gây nên. Paul de Man cho rằng lỗi không có nơi người đọc, chính ngôn ngữ đã tách rời nhận thức khỏi hành động trong ý nghĩa là nó dẫn đường sai và chuyển tải mong muốn sự thật của riêng nó. Nói một cách khái quát thì sự đọc, sự hỏi, tri thức, sự quên lãng hay lặp lại… là những yếu tố bất tận mà nhờ chúng có thể hình dung được khuôn mặt và tiếng nói của những ngươì đã mất, chúng kể lại về sự huỷ diệt của họ và tạo điều kiện để chúng ta gọi tên họ. Không một chuẩn mực tri thức nào có thể hãm lại sự điên rỗ này, bởi vì đây là “sự điên rồ” của từ ngữ. Sự đọc sai là hậu quả của việc sử dụng hình thức văn bản mà người đọc, một cách tất yếu, phải đối chứng với nó trong ngôn ngữ của mình. Nhiều lần các xu hướng đọc sai hình thành, thậm chí những truyền thống cắt nghĩa ảnh hưởng đến sự đọc, sự hiểu sai của chúng ta cũng là những vận dụng sự đọc sai. Sự đọc và đọc sai, vì thế, cùng một lúc vừa mâu thuẫn vừa đồng nhất với nhau. Đằng sau sự đọc và đọc sai là một quá trình ngôn ngữ thường nhật. Tính chất từ chương của các văn bản phức tạp hơn và chủ yếu phụ thuộc vào việc văn bản có được kết quả như thế nào trong quá trình đọc và hiểu. Văn bản văn học có vô số khả năng từ chương, những khả năng này không bao giờ bộc lộ một cách trọn vẹn. Người tiếp nhận, bằng sự đón đợi như thế nào đó mà tiếp cận văn bản, và chính sự mong đợi này dẫn đến việc nhận biết một hình thức nhất định. Tất cả mọi sự đọc mới đều phát hiện ra cái điểm nhìn tu từ mới và nhờ đó mà loại bỏ những yếu tố khác, vì thế có sự đọc sai. Cho nên, “đọc kĩ sự đọc”, là rất quan trọng, bởi vì trong trường hợp này có thể đối chứng những điều khác biệt, nhiều vẻ nẩy sinh từ bản chất từ chương của người tiếp nhận, có thể nắm bắt được những quá trình khu biệt và các yếu tố tiềm ẩn của sự viết.

Paul de Man đã nói rất căn bản về mối liên quan giữa văn bản và sự cắt nghĩa văn bản. Theo ông, chủ nghĩa cấu trúc đã xem sự cắt nghĩa là hậu quả của văn bản nó cố gắng mô tả văn bản một cách khoa học. Các nhà giải cấu trúc nhận ra rằng văn bản, trong ý nghĩa nhất định, là hậu quả của sự cắt nghĩa, cũng như sự cắt nghĩa là sản phẩm của văn bản. Ông viết: “Với việc sự cắt nghĩa không phải là cái gì khác cái khả năng của sự nhầm lẫn, với việc chúng ta thừa nhận sự mù quáng ở mức độ nhất định là bộ phận đặc trưng của quá trình tiếp nhận văn học, đồng thời chúng ta khẳng định văn bản phụ thuộc một cách tuyệt đối vào sự cắt nghĩa và sự cắt nghĩa cũng phụ thuộc vào văn bản như thế(5)Sự đọc sai, trong thực tế, cho thấy một phẩm chất bản thể riêng của văn bản: đó là sự không thể đọc được. Paul de Man đã lưu ý rằng khái niệm đọc sai cũng gây ra sự hiểu lầm rằng nó dự cảm một cái khả năng đọc kể cả khi nó phủ nhận sự hoàn thiện của sự đọc này. Sự không thể đọc có nghĩa là “Văn bản tạo ra những sự đọc mâu thuẫn”. Người ta thường cật vấn các nhà giải cấu trúc rằng nếu mọi sự đọc vừa là sự đọc lại vừa là sự đọc sai thì hoá ra có một sự đọc chủ quan vô bờ bến hay sao? Những công việc cắt nghĩa văn bản của các nhà giải cấu trúc rất nghiêm khắc và tỉ mỉ. Sự không thể đọc không phủ nhận tính nghiêm túc của sự đọc, mà nó chỉ bác lại sự khép kín, tính rốt ráo của sự đọc. Bởi vì nó không tin rằng chỉ trong một văn bản duy nhất cũng có thể khai thác hết sự phong phú tu từ và với việc đó văn bản có thể trở thành cái có thể mô tả dứt điểm. Qua những quan điểm lí luận, các nhà giải cấu trúc đã trả lời giới phê bình bằng nguyên lí đạo đức học. Sự đọc đúng là vấn đề phức tạp và quan trọng đối với các nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Từ những nguyên lí giải cấu trúc, chúng ta không thể có giải pháp để trả lời các khía cạnh mĩ học hay chính trị- xã hội của vấn đề, thay vì giải pháp cắt nghĩa, giải cấu trúc đã đưa khái niệm đạo đức cắt nghĩa vào trung tâm. Các nhà giải cấu trúc hiểu chữ đạo đức ở đây trong ý nghĩa phổ quát, rằng văn bản mở ra và cho thấy một bản tính riêng của người đọc, một tình thế ngôn ngữ riêng ở tất cả những lần đọc văn bản. Paul de Man cho rằng sự thật của một văn bản là yếu tố mang tính nghiệm sinh hơn và cụ thể hơn vì khi đọc một văn bản người ta phải hiểu nó. Tức là sự hiểu một văn bản xẩy ra độc lập với những sự hiểu của những người khác, nó không phải là sự phổ quát hoá trừu tượng. Tính đạo đức của việc đọc theo giải cấu trúc không có nghĩa là sự mở ra những cấu trúc ngôn ngữ, khách quan, mà là sự nhận biết cái có thể tìm thấy đằng sau những cấu trúc này./.

______________

(1) Chúng tôi nghiên cứu các tác phẩm sau đây của Jacques Derrida qua bản dịch tiếng Hungary: – Văn phạm học như là khoa học tích cực; Văn phạm học; Sự khu biệt; Thư gửi một người bạn Nhật Bản; Mục đích cuối cùng của con người; Mémoires dành cho Paul de Man; Cấu trúc, kí hiệu, trò chơi trong diễn ngôn của các khoa học nhân văn.

(2) Xin xem Trương Đăng Dung: Phương thức tồn tại của tác phẩm văn họcTạp chí Văn học số 7 và 8/2002.

(3) Trước đây chúng tôi dịch từ Hermeneutik là Chú giải học nhưng dịch như thế dễ gây hiểu nhầm đây là khoa học về chú thích, điều này không đúng với tinh thần triết học của từ Hermeneutik.

(4) Paul de Man: Phúng dụ của sự đọc, Nxb. Gondolat, Budapest 1992, tr.188.

(5) Paul de Man: Sđd, tr.141.

Thư mục tham khảo

1- Martin Heidegger: – Hữu thể và thời gian. Nxb. Gondolat, Budapest, 1989.

– Nguồn gốc của tác phẩm văn học. Nxb. Europa, Budapest, 1988.

– Trên đường đến với ngôn ngữ (Trương Đăng Dung dịch, Tạp chí Văn học nước ngoài số 1/1999).

2- Hans Georg Gadamer: – Chân lí và phương pháp. Nxb. Gondolat, Budapest, 1984.

3- Jacques Derrida: – Các tác phẩm chọn lọc. Nxb. Osiris, Budapest, 1998.

– Cấu trúc, kí hiệu và trò chơi trong diễn ngôn của các khoa học nhân văn. Tạp chí Helikon, số 1-2/1994.

– Memoires dành cho Paul de Man. Nxb. Jószửveg, Budapest, 1998.

4- Hans Robert Jauss: – Vì một nền mĩ học hậu hiện đại. Tạp chí Holmi, Budapest, số 9/1993.

– Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học (Trương Đăng Dung dịch, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 1/2002).

5- Paul de Man: – Tư tưởng thẩm mĩ. Nxb. Janus/ Osiris, Budapest, 2000.

– Phúng dụ của sự đọc. Nxb. Gondolat, Budapest, 1992.

6- Michel Foucault: – Trật tự của diễn ngôn. Tạp chí Holmi, Budapest, số 7/1991.

7- Ferdinand de Saussure: – Nhập môn ngôn ngữ học đại cương. Nxb. Gondolat, Budapest, 1967.

8- Umberto Eco: – Tác phẩm mở. Nxb. Gondolat, Budapest, 1976.

9- Alain Touraine: – Phê phán tính hiện đại (Huyền Giang dịch. Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2003).

Share Button