Nhà văn, bạn đọc và hàng hóa sách hay văn học và sự dị trị

Share Button

Trong công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước ta hiện nay, một loạt các vấn đề có liên quan đến văn học đang được đặt ra và tranh luận gay gắt. Một lĩnh vực ít người quan tâm hơn nhưng trên thực tế đang là vấn đề gây không ít phức tạp cho sáng tác văn học, đó là vấn đề nhu cầu văn học, nghệ thụật của công chúng ngày nay. Nhu cầu này đang tăng lên không ngừng, rất đa dạng và phức tạp. Đáp ứng hay không và đáp ứng như thế nào những nhu cầu này; chạy theo nó một cách cơ hội hay chống lại nó? Đến một lúc nào đó, theo tôi, đây sẽ là một vấn đề lý luận văn học cần bàn. Chúng ta không thể lẩn tránh được nó. Văn học sẽ không có tác dụng gì nếu nó được viết ra mà không được người đọc tiếp nhận. Mặt khác cố gắng chạy theo những nhu cầu nhất thời và phổ biến nào đó do thị trường môi giới có phải là hướng đi hoàn toàn đúng đắn? Có nhà văn đã ca ngợi cơ chế thị trường. Nhưng không ít kinh nghiệm của những nhà văn đã kinh qua nó cho ta thấy thái độ ngược lại cũng rất đáng quan tâm. Ở đây, chúng tôi chưa đi sâu vào việc nghiên cứu nhu cầu văn học và sự đáp ứng nhu cầu ấy, mà chỉ thử bàn về tính chất hàng hóa của sách, với mặt tích cực và tiêu cực của nó ở chỗ nó mở rộng sự giao tiếp văn học và ở chỗ nó lái sự sáng tác nghệ thuật đi theo những con đường nhằm mục đích ngoài văn học, ngoài nghệ thuật.
Chính ở đây, theo tôi, nhu cầu văn học chính đáng của người đọc ngày nay đang bị lợi dụng. Và cơ chế thị trường mới hình thành đang bộc lộ ra những non yếu cho sự lợi dụng và bành trướng đó. Cũng như trên các lĩnh vực sản xuất vật chất của xã hội, cơ chế thị trường và việc xóa bỏ bao cấp vừa mang lại những ưu điểm, những mặt tích cực như thúc đẩy việc sản xuất ra nhiều hàng hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa, mở rộng cửa cho những sáng kiến, những tìm tòi năng động và sự tự chủ của người sản xuất, người kinh doanh, nhưng đồng thời cũng đưa đến những sự xáo trộn, những non yếu, sơ hở tạo nên mảnh đất trống cho những cách làm ăn gian dối, thì trên lĩnh vực sản xuất tinh thần cũng vậy. Ở đây, trên lĩnh vực này, việc chống bao cấp, mở rộng cơ chế thị trường đã bị hiểu lầm. Nó dẫn đến một quan niệm rất phổ biến hiện nay là đánh đồng sản xuất vật chất với sản xuất tinh thần, coi sản xuất tinh thần hoàn toàn là một thứ sản xuất hàng hóa, coi các sản phẩm tinh thần cũng như là những sản phẩm vật chất, xem nó như là một vật phẩm hàng hóa không hơn không kém. Một quan niệm như vậy dễ dẫn đến chỗ là các nhà xuất bản sẽ quên đi cái mặt thứ nhất của văn học là tính chất thẩm mỹ – nghệ thuật, tính chất tinh thần của nó, để chỉ thấy hay chỉ đề cao, và chú tâm vào mặt thứ hai là mặt kinh tế, mặt thương mại, mặt vật chất, mặt hàng hóa của cuốn sách. Quan điểm đề cao mặt thứ hai này của văn học ngày nay gần như lấn át trong thực tiễn xuất bản của chúng ta. Và một số người nào đó chỉ mong ước một điều là biến văn học thành hàng hóa và cũng như những thứ hàng hóa khác nó có một giá trị trao đổi, một giá trị tiêu dùng.
Nhưng văn học không phải chỉ là một hàng hóa. Chúng ta không nên tuyệt đối hóa cơ chế thị trường, sự sản xuất hàng hóa, sự hạch toán kinh doanh tính theo lỗ lãi về mặt kinh tế trong lĩnh vực tinh thần, trong các quan hệ văn học. Đương nhiên cần phải nhìn nhận và chú ý đến tiến trình kinh tế hóa trong khâu giao lưu văn học. Nhưng chúng ta có nên hoàn toàn đi đến quan niệm kinh tế hóa lĩnh vực văn học. Tuyệt đối hóa mối quan hệ hàng – tiền đối với văn học ắt hẳn chỉ là một sự hiểu nhầm mà thôi. Thực tế là ở đây, người ta đã quên đi sự phân biệt rõ ràng của Mác giữa sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần. Trong những vấn đề có liên quan đến thị trường văn học này, chúng ta bắt buộc phải nhận rõ sự khác biệt giữa hai sự việc: Một là, trên thị trường văn học, sách – với tư cách là hình thái biểu hiện vật chẩt của tác phẩm văn học – trở thành hàng hóa và như những hàng hóa khác nó cũng được bán và được mua. Nhưng giá trị trao đổi của nó ở đây cần được thấy rằng không phải là do chất lượng thẩm mỹ, trình độ nghệ thuật của nó qui định mà chỉ là do chi phí sản xuất và phát hành cuốn sách tạo ra. Đó là mặt thứ nhất, mặt liên quan đến sự sản xuất vật chất của văn học. Còn mặt thứ hai, đó là sự sản xuất tinh thần của nó. Ở đây giá trị tinh thần, giá trị thẩm mỹ của văn học vẫn được gìn giữ, vẫn tồn tại mà không mất đi mặc dù nó phải thông qua khâu trung gian, thông qua hình thái hàng hóa là cuốn sách để đến tay người đọc. Văn học vẫn thực hiện được những chức năng đặc thù của nó trên lĩnh vực tư tưởng tinh thần, trong việc xây dựng con người, xây dựng ý thức (1). Không nhìn thấy mặt thứ hai này hoặc trừu tượng hóa nó, hạ thấp nó chỉ để thấy mặt vật chất, mặt hàng hóa, mặt kinh tế của văn học không tránh khỏi gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển văn học.
Nếu không quan niệm một cách tuyệt đối và phiến diện như trên, thì không có gì đáng lo ngại khi khẳng định rằng sách với tư cách là hàng hóa và thị trường văn học là những vấn đề cần phải được tiếp tục tìm hiểu kỹ, xem như là những yếu tố quan trọng tạo nên sự giao tiếp và góp phần phát triển văn học.
(1) S.Geschkowitz: Nghệ thuật và sự tiến bộ trong truyền thông đại chúng. Trong: Nghệ thuật và văn học,1/1971,tr. 45
sach1
Ở một xã hội cỏ sản xuất hàng hóa, có thị trường thì sự tồn tại của một thị trường văn học là một điều không tránh khỏi. Và trong thị trường đó thì chức năng trung giới trong hình thức hàng hóa của cuốn sách giữa tác giả và người đọc vẫn không thể thiếu được. Xét về mặt lịch sử thì sách, hàng hóa sách, thị trường văn học là có ý nghĩa tiến bộ, ở chỗ nó đã giải phóng sự giao tiếp văn học ra khỏi những giới hạn hạn hẹp có tính chất đẳng cấp của thời kỳ phong kiến, nó đã tạo ra một sự giao lưu và thông tin văn học rộng rãi và do đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học, của nhà văn, của người đọc, của sáng tác và tiếp nhận văn học. Ở châu Âu, những đặc điểm mới này của một nền văn học không còn dựa trên đẳng cấp phong kiến, dựa vào cơ chế Mạnh Thường Quân văn nghệ và dựa vào sự thông tin hạn hẹp, tự cung, tự cấp và tự mãn đã bắt đầu nổi lên mạnh mẽ từ thời kỳ Khai sáng. Kể từ đây quá trình xã hội hóa văn học ngày càng phát triển và mở rộng. «Quá trình này nảy nở trong sự tách rời nhau của lĩnh vực sáng tác văn học và lĩnh vực tiếp nhận văn học, những lĩnh vực mà trong những cộng đồng văn học được tổ chức theo lối cung đình và đẳng cấp vẫn còn tiếp cận với nhau và thống nhất với nhau trong việc nhìn nhận chính những qui tắc thẩm mỹ và những quy luật phong cách ấy (của nó). Giữa hai lĩnh vực này đã chen vào một lĩnh vực ngày càng bành trướng, lĩnh vực lưu thông văn học, lĩnh vực trao đổi và buôn bán hàng hóa văn học mà sự hiện diện của nó, nói chung, mới làm cho sự nhận thức mối quan hệ qua lại giữa sáng tác và tiếp nhận trở thành có vấn đề. Nó cùng đồng thời tạo tiền đề cho việc dành ưu tiên hoặc cho tảc giả, những kẻ giờ đây bị bắt buộc phải viết cho một công chúng vô danh mà mình chỉ có thể với tới được thông qua thị trường; hoặc cho độc giả, những kẻ trong tính cách vô danh của mình bị bắt buộc phải thỏa mãn nhu cầu đọc của mình bằng một con đường vòng đi qua cùng một khu vực ấy; hoặc cho tác phẩm, những tác phẩm mà, trong lĩnh vực lưu thông đã bị tách ra khỏi tiến trình sáng tác và tiếp nhận nó, dường như có một đời sống độc lập» (1).
Như vậy cùng với sự xã hội hóa văn học, cùng với việc hình thành thị trường văn học, cùng với việc xuất hiện hàng hóa sách, các lĩnh vực sáng tác và tiếp nhận không còn ở trong mối quan hệ trực tiếp nữa mà đã bị tách rời ra và chen vào giữa chúng là một lĩnh vực ngày càng bành trướng, lĩnh vực lưu thông và buôn bán hàng hóa văn học một lĩnh vực được cấu tạo theo kinh tế, nằm ngoài văn học. Nó là cơ sở tạo nên sự dị trị. Và sự dị trị này từ đây phát huy vai trò của nó và gây nên những tác động khác nhau đối với văn học.
Mặc dù có thể nói rằng tính chất hàng hóa của sách không phải là yếu tố quyết định duy nhất đối với các mối liên hệ giữa nhà văn và người đọc mà chỉ mà một yếu tố trong những yếu tố khác như thư viện, trường học, phê bình văn học v.v…, và tính chất của thị trường văn học là nằm trong khoảng cách giữa sản xuất và tiêu dùng, sáng tác và tiếp nhận; nó tác động đến mối quan hệ giao tiếp là chủ yếu, nhưng không thể không thấy rằng việc thị trường hóa văn học này cũng tác động đến cả hai lĩnh vực sáng tác và tiếp nhận văn học, trong cả ý nghĩa tiêu cực của nó.
Trước hết để chống lại những tác động của sự dị trị, của việc thị trường hóa văn học, chúng ta thấy đã từng có và cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại các lý thuyết về sự tự trị của văn học, về giá trị tự thân của nó, đã từng tồn tại và cho đến nay vẫn còn phồ biến những quan niệm nhằm đề cao khu vực sáng tác, thần bí hóa, huyễn bí hóa và bí hiểm hóa nó mà đi kèm theo đó là chống lại công chúng người đọc rộng lớn, những người trong các điều kiện lịch sử cụ thể còn chưa được nâng cao về năng khiếu thưởng thức văn học và vẫn ưu tiên dùng những thứ văn học giải trí dễ dãi được sự hỗ trợ tích cực của khuynh hướng thương mại hóa hàng hóa văn học vì mục đích thu lợi nhuận ở khu vực lưu thông. Những phản ứng chống lại các yếu tố chịu sự tác động của sự dị trị, của việc thị trường hóa văn học này đã được khái quát hóa thành các lý thuyết đề cao một cách tuyệt đối tài năng, thiên tài, người đọc lý tưởng. Văn học đã bị biệt lập để chống lại sự chi phối của thị trường, của tính chất hàng hóa và do đó cũng chống lại cả những người đọc hiện thực. Nó đã bị thu hẹp lại trong khu vực của những tài năng và tinh hoa cả về phía người sáng tác lẫn về phía người tiếp nhận, được xem là những người đọc tương đắc, cùng tầm cỡ trí tuệ. Cho nên có thể nói rằng quá trình xã hội hóa văn học, thị trường hóa văn học trên thực tế đã tạo điều kiện cho việc mở rộng sự giao lưu và giao tiếp văn học thì về phía sáng tác lại xảy ra chiều hướng ngược lại ở một bộ phận sáng tác và lý luận nhằm thu hẹp mối giao tiếp này để chống lại sự tác động của các yếu tố dị trị. Như vậy, xét về mặt lý luận tiếp nhận thì lý thuyết và thực tiễn sáng tác của xu hướng này dẫn đến sự co hẹp vấn đề tiếp nhận chỉ còn là sự đối thoại của những chủ thể ưu tú và về mặt thực tiễn thì đó là sự chống lại sự dân chủ hóa văn học, biến văn học thành lĩnh vực xa lạ với đông đảo bạn đọc.
Mặt khác, sự dị trị cũng dẫn đến một biểu hiện tiêu cực khác, khi mà từ trong tiến trình thị trường hóa văn học đã bắt đầu xuất hiện trong văn học các nước phương Tây một thứ mà người ta gọi là văn học đại chúng. Nó chính là kết quả việc tác động của hàng hóa sách, của thị trường văn học và của những nhu cầu văn học mới vào trong văn học. Và do thực tế đó, nó đã phải chịu những sự phê phán của những khuynh hưởng duy mỹ của các trí thức phương Tây ngay từ đầu cho đến ngày nay. Trong các công trình nghiên cứu, phê bình và lý luận của các học giả và trí thức phương Tây này, chúng ta dễ dàng tìm thấy những nhận định phê phán sự tác động của các quy luật thị trường vào trong văn học. Có thể nói ngay từ thời kỳ đầu của sự hình thành thị trường văn học, của sự xuất hiện hàng hóa sách, chúng ta đã thấy những báo hiệu lo lắng cho hiện tượng ngày càng phổ biến này. Ngay từ đầu thế kỷ XVIII đã có ý kiến cho rằng: Sự hám lợi của những người xuất bản sách và sự tò mò của người đọc đã làm tăng số sách xấu lên rất lớn. Không ai trong bọn họ chịu bằng lòng với một tập sách nhỏ. Họ đòi hỏi một món hàng thích hợp với số tiền của họ. Tác giả, kẻ cũng bị sự hám lợi lôi kéo, thì thổi phồng chất liệu lên, kéo dãn cho dài thêm ra những điều quan sát của mình và tạo ra một cuốn sách dày cộp: bằng cách thức ấy, những gì là hay, tốt thì trở thành trung bình và những gì là trung bình thì trở thành kinh tởm. Nếu ta giới hạn tác phẩm ở phần thứ tư thì ắt hẳn nó cũng có một giá trị nào đó; nhưng như thế lại không đáng bỏ đồng tiền ra mua cuốn sách với cái giá của nó, cũng không đáng phung phí thời gian để đọc nó (1).
Sự đánh giá trên đối với thứ văn học vừa mới ra đời với tư cách là kết quả sự tác động trực tiếp của sự sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa ấy hầu như vẫn kéo dài cho đến tận ngày nay và biểu hiện ra một cách rõ nét trong việc đối lập một cách không úp mở của các nhà lý luận phương Tây giữa hai thứ văn học: một bên là thứ văn học được gọi là văn học «đích thực», văn học chân chính văn học cao cấp và bên kia, ngược lại với nó là thứ văn học đại chúng được coi là thứ văn học quảng đại là văn chương tầm thường hay văn chương giải trí. Về việc nên nhìn nhận như thế nào thứ văn học đại chúng này cũng như những nhu cầu văn học mới gắn liền với nó, nếu có điều kiện chúng ta nên bàn đến. Nhưng truớc hết cũng cần nói thêm rằng tất cả những đánh giá trong sự xếp loại như trên không phải chỉ dừng lại ở đó mà cũng là một yếu tố góp phần vào việc hình thành những quan niệm về văn học về một khái niệm văn học được xem xét theo mỹ học và một khái niệm văn học được xem xét theo xã hội học, vào việc tách rời cái có tính chất xã hội ra khỏi cái có tính chất thẩm mỹ, cái hữu ích với cái tốt đẹp.v.v…
Tất cả những điều này, người ta có thể dễ dàng đọc thấy trong những phát biểu văn học gần đây ở ta, trong những nhận định và đánh giá tình hình văn học. Nó là một phản ứng tự nhiên và tất yếu đối với những nguy cơ của sự lợi dụng khuynh hướng thương mại hóa trong cơ chế thị trường.
Sự xuất hiện một thị trường văn học, sự ra đời của hàng hóa sách, sự hình thành một thứ văn học đại chúng đi kèm theo với sự ra đời của sản xuất hàng hóa cần phải được tìm hiểu kỹ và khách quan. Và ở đây, điều cần thiết là phải biết phân biệt giữa tính chất hàng hóa của sách trong chức năng môi giới của nó với sự thương mại hóa văn học. Có như thế mới tránh được sai lầm trong việc đánh giá sự phát triển của văn học. Rõ ràng quan niệm – như gần đây chúng ta thấy xuất hiện trong một số bài viết – về nghệ thuật như là một thứ hàng hóa và chỉ quan tâm đến phương diện thương mại của nó là đã không nắm bắt được tính chất phức tạp của sự sản xuất và giao tiếp nghệ thuật và không nhận thấy được sự khác nhau của sự giao tiếp vật chất và giao tiếp tinh thần. Quan niệm như trên rẫt dễ dẫn người ta đi đến đề cao hoặc tuyệt đối hóa một cách phiến diện văn học với tư cách là sự sản xuất như sản xuất vật chất mà không thấy hoặc cố ý quên rằng văn học về thực chất là tư tưởng, là một hình thái ý thức xã hội. Nhìn nhận như thế nào cho hợp lý về hai phương diện này – phương diện là hình thái ý thức, là tư tưởng và phương diện là sản xuất – của văn học nghệ thuật là điều còn cần phải tiếp tục suy nghĩ. Nhưng thực tiễn lý luận văn học cũng đã cho thấy là nếu coi văn học như là một ngành sản xuất vật chất thì cũng sẽ dẫn đễn nhấn mạnh tính chất thương mại của nó. Về sự đánh đồng này giữa hai lĩnh vực, Mác đã từng phê phán. Và chúng ta tất đều biết đến sự phân biệt của Mác giữa lao động sinh lợi và lao động không sinh lợi. Trong mối tương quan với những vấn đề văn học, nghệ thuật, sự phân biệt này rất quan trọng. Vì nếu ta xem xét lao động của nhà văn theo quan điểm lao động sinh lợi, thì sẽ đi đến phủ nhận đặc trưng của sản xuất tinh thần và nghệ thuật với tư cách là một ngành sản xuất đặc biệt có một «mục đích tự thân». Hiện tượng muốn biến một lao động không sinh lợi thành một thứ lao động sinh lợi, việc lợi dụng sự phục vụ cho sự phát triển thị hiếu của người đọc nhằm mục đích thu lợi nhuận này hiện đang phổ biến trong xuất bản sách của chúng ta. Chính vì vậy mà việc làm sáng tỏ hai mặt của sản xuất tinh thần, của văn học ngày nay là cần thiết. Cuốn sách trên thị trường văn học chỉ là sự biểu hiện của một hình thức trung giới có tính chất lịch sử và xã hội nhất định mà ở đó kết quả của sự sáng tạo nghệ thuật đích thực của nhà văn mới tìm được đến tay người đọc. Như thế tính chất hàng hóa chỉ là cái vỏ bên ngoài chứ không nói lên được bản chất của mối quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc. Bởi vì cái thực sự tạo nên mối quan hệ này là nội dung của cuốn sách, điều mà nhà văn muốn gửi đến người đọc: viết văn, làm thơ là để gửi gắm người đọc một điều gì, là nhằm đến một sự trao đổi thông tin, truyền kinh nghiệm sống, nhằm đến một sự giao tiếp v.v… Cho nên mối quan hệ văn học – nghệ thuật thực chất là quan hệ tư tưởng. Hàng hóa sách chỉ là một phương tiện, một phương tiện cần thiết của mối quan hệ này trong điều kiện của sản xuất hàng hóa. Nhưng do sự thống trị của quan hệ hàng hóa, nên nó rất dễ bị nhầm lẫn thành bản chất của quan hệ đó. Quan hệ trao đổi ở đây là trao đổi nội dung xã hội của văn học, chứ không phải trao đổi hàng hóa, không dừng ở đó. Cuốn sách chỉ có tính chất hàng hóa trong giai đoạn ở giữa sản xuất và tiếp nhận.
Nhưng không còn nghi ngờ gì là từ đây khuynh hướng thương mại hóa văn học, đã được nói đến ở trên, càng ngày càng bành trướng, và sáng tác văn học được hướng vào thỏa mãn những thị hiếu tầm thường của người đọc, những thị hiếu mà việc đáp ứng kịp thời và khôn khéo có khả năng mang lại những món lợi nhuận cao. Chính nơi đây là chỗ gặp gỡ dễ chịu nhất của những kẻ buôn sách hám lợi, của loại người đọc mà nói theo Gớt là chỉ muốn «thưởng thức mà không biết đánh giá», muốn những sản phẩm đáp ứng một cách khớp nhất với sự chờ đợi về nghệ thuật của họ, và của tác giả, những người có nhu cầu nổi tiếng nhanh, thu lãi nhiều và không cần những cố gắng cách tân nghệ thuật nào khả dĩ. Yêu cầu ở đây đối với các nhà văn này là cố gắng đáp ứng lại sự chờ đợi nghệ thuật của một lớp người đọc nhất định, chọn một con đường ít vấp phải trở lực nhất ở người đọc. Nói cách khác sáng tác văn học được hướng vào việc rút những nguyên tắc thể hiện và tiếp nhận thẩm mỹ của nó không phải từ những nhu cầu và lợi ích của sự giao tiếp tư tưởng thẩm mỹ mà là từ những chức năng chịu sự quy định của sự dị trị, của lĩnh vực kinh doanh hàng hóa văn học. Và mỹ học về văn học được hướng vào việc hợp thức hóa sự thích nghi cố ý ấy của sáng tác đối với những điều kiện sản xuất và tiếp nhận chịu sự quy định của sự dị trị. Chính ở đây vấn đề tiếp nhận văn học đích thực đã bị thủ tiêu do chỗ người đọc và tác giả không còn có ý nghĩa chủ thể nữa mà đã bị biến thành phương tiện cho những mục đích ngoài văn học, cho những mục đích không nằm trong khu vực tư tưởng, khu vực sản suất tinh thần mà nằm trong khu vực sản xuất vật chất.
Đương nhiên cần tránh đồng nhất nhu cầu giải trí chính đáng của công chúng độc giả, sự hấp dẫn đích thực mang tính thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật với thị hiếu thấp kém và việc phục vụ thị hiếu ấy bằng một sản phẩm ngôn ngữ nào đó. Điều khó khăn là từ những nhận thức và đòi hỏi trên làm thế nào tìm ra được những biện pháp thực tiễn hữu hiệu cho việc giải quyết mối quan hệ đầy mâu thuẫn này giữa sự tự trị tương đối và những tác động cửa sự dị trị, giữa những yêu cầu về giá trị thẩm mỹ – tư tưởng và sự giải trí. Rõ ràng giải pháp không phải là quay về với cơ chế bao cấp hay xóa bỏ khâu trung gian để trở lại với mối quan hệ trực tiếp giữa sáng tác và tiếp nhận. Sự đảo ngược này không thể cố được dù cho đến nay sáng tác và tiếp nhận chủ yếu vẫn là một thứ lao động có tính chất cá nhân và «thủ công» so với sự công nghiệp hóa và kỹ thuật hóa ngày càng cao một số khâu trung gian. Dù giải pháp gì thì cũng không tách rời vai trò của nhà văn, bởi vì sáng tác vẫn là khâu có tính chất chi phối trong toàn bộ chỉnh thể sản xuất, phân phối lưu thông và tiếp nhận. Nhà văn dù trong cơ chế nào vẫn có một vai trò to lớn và quan trọng đối với việc xây dựng một môi trường sống khỏe mạnh của xã hội nói chung và xã hội văn học nói riêng. Song vai trò của các khâu trung gian cũng không kém phần quan trọng, và bao trùm lên trên hết cả là phải có một cơ chế điều hành vĩ mô nhạy bén để hỗ trợ cho sự sáng tạo nghệ thuật đích thực.
——————————————-
* Huỳnh Vân: Phó Giáo sư. Tiến sĩ
– Nguồn: Tạp chí Văn học số 6/1990

Share Button