Lí luận văn học Việt Nam hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa – triển vọng và thách thức

Share Button

Lí luận văn học Việt Nam hiện đại, tính từ Đại hội VI của Đảng 1986 với phong trào Đổi mới, đã phát triển vượt bậc. Có thể nói, từ ngày lập nước năm 1945 đên nay, đây là giai đoạn lí luận văn học được phát triển sôi động nhất, phong phú nhất, đa dạng nhất chưa từng có trong suốt cả thế kỉ. Thật vậy, giai đoạn đầu thế kỉ đến năm 1945, là giai đoạn trỗi dậy của ý thức văn học quốc gia dân tộc, bứt khỏi tính hạn chế khu vực, có tầm nhìn rộng ra thế giới[1], chúng ta đã tiếp nhận lí luận Pháp và phương Tây, hình thành nền lí luận, phê bình văn học hiện đại, phong phú và đa nguyên.

Giai đoạn từ 1945 đến cuối những năm 80 là giai đoạn chuyển hướng xây dựng nền lí luận văn học cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây là lúc lí luận văn học trong bối cảnh ý thức hệ vô sản độc tôn, tuy có tính cách mạng, nhưng lại trở thành hệ lí luận khép kin, cách li với mọi thành tựu lí luận văn học thế giới thế kỉ XX. Lí luận văn học trong các đô thị miến nam được coi là sản phẩm của chế độ thực dân mới, có tính chất thù địch. Chỉ có thời Đổi mới, “cởi trói”, khắc phục các quan điểm lí luận xơ cứng, giáo điều mới tạo điều kiện cho lí luận văn học được phát triển. Đây cũng là giai đoạn có tinh thần cởi mở, tiếp thu lí luận văn học nước ngoài nhiều chiều trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tạo nên diện mạo lí luận mới mẻ. Tất nhiên trong điều kiện của một nước nghèo, lực lượng nghiên cứu mỏng, nguồn lực rất hạn chế, việc tiếp nhận cũng như xây dựng nền lí luận văn học gặp nhiều khó khăn và khó tránh những khiếm khuyết.

Những thành tựu của lí luận phê bình văn học thời kì này nói chung đều đã được đề cập đến trong nhiều công trình[2]. Nhưng sẽ là thiếu nếu không nhắc lại đôi điều cơ bản ở đây. Nói một cách khái quát, theo tôi, lí luận văn học Việt Nam ba mươi năm qua có những thành tựu như sau. 1. Chúng ta đã nhận thức và khắc phục được một số quan niệm giáo điều, xơ cứng trong lí luận mác xít truyền thống, như tính giai cấp, tính đảng, quan hệ văn học và chính trị, ý thức hệ, nội dung và hình thức, văn học và hiện thực,  phương pháp sáng tác…2. Do xóa bỏ quan niệm đối lập giản dơn giữa lí luận mác xít và lí luận tư sản phương Tây, chúng ta đã tiếp cận va tiếp nhận được nhiều lí thuyết văn học mà trước đây được coi là tư sản, phi mác xít hoặc xét lại, làm cho không gian lí luận rộng thoáng hẳn. 3. Trong phê bình văn học đã thấy xuất hiện những công trình sử dụng những cách tiếp cận mới như thi pháp học, phong cách học, phân tâm học, kí hiệu học, cấu trúc luận, tự sự học, tân lịch sử, hậu thực dân, nữ quyền luận, xã hội học, văn học thiểu số… Xuất hiện những thuật ngữ mới như diễn ngôn, trường, khung tri thức, tâm biên, đại tự sự, hậu hiện đại, giải cấu trúc… Nhìn một cách tổng quát hiện tại chúng ta, tuy vẫn còn những băn khoăn, dè dặt, chưa thông suốt, nhưng đã không còn bị cấm đoán trước bất cứ lí thuyết nào của phương Tây và thế giới và nhờ thế lí luận văn học của chúng ta hiện nay giàu có hơn trước nhiều.

Với những thành tựu đó, trình độ lí luận văn học của nước ta đã được cải thiện đến mức đáng kể. Chúng ta đã vượt qua thời ấu trĩ, hẹp hòi, nhãn quan rộng mở, giúp chúng ta không chỉ có khả năng nhìn nhận văn học Việt Nam bằng một con mắt mới, mà còn có khả năng tiếp nhận các giá trị văn học thế giới đủ loại trường phái, đảm bảo một sự giao lưu văn học bình thường, rộng mở. Chúng ta đã nhìn nhận lại các giá trị đích thực của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, đánh giá lại thơ mới, đánh  giá lại các tác giả Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Lan Khai, tặng giải thưởng nhà nước cho một số nhà văn trước đây là “Nhân văn giai phẩm”, tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà triết học và nhạc sĩ có liên phong trào này, đánh giá lại mức độ giá trị của văn học cách mạng trong ba mươi năm. Có thể nói chúng ta đã vượt lên chính mình để tự nhìn nhận nhiều vấn đề hệ trọng của văn học, nghệ thuật thế kỉ XX.

Sở dĩ đạt được những thành tựu như thế, trước hết là do chúng ta ở vào thời kì sau chiến tranh lạnh, không còn tình huống đối lập nhị nguyên giữa hai thế giới như trước năm 80 – 90, mà thay vào đó là quá trình toàn cầu hóa từ kinh tế, chính trị, văn hóa cho đến sinh hoạt đời thường ngày càng mạnh mẽ. Nhờ thế chúng ta tiếp tục quá trình thế giới hóa đã khởi đầu từ  đầu thế kỉ XX[3].  Sự tiếp nhận như trên là điều hoàn toàn phù hợp với quy luật.

Tuy nhiên thiết nghĩ không nên quá lạc quan về thực trạng của lí luận văn học hiện tại của chúng ta. 1. Xét về độ phổ cập, các thành tựu nêu trên hiện vẫn còn giới hạn trong một tầng lớp nhỏ, ở các nhà nghiên cứu ở các trường đại học ở viện nghiên cứu, còn phần đông cán bộ quản lí, nhiều nhà văn, nhà phê bình, các phóng viên tác nghiệp các báo, hoặc cơ quan văn hóa phần nhiều vẫn theo các quan điểm gần như cũ. Câu chuyện xì căng đan về truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư năm nào và một số hiện tượng khác đã cho thấy điều đó. 2. Xét về chiều sâu thì nhìn chung, các lí thuyết được giới thiệu chưa đạt tới độ sâu cần thiết. Thứ nhất là công việc dịch thuật còn làm quá yếu, số tác phẩm được dịch hoàn toàn không tương xứng với dung lượng của học thuyết khoa học và sự phát triển của nó  trên thế giới. Ở nước ta tuy nói nhiều đến lí thuyết tiếp nhận văn học, song trên thực tế việc dịch các sách kinh điển về khoa học này thật quá hiếm, hầu như chỉ mới dịch được một chương trong cuốn sách của Jauss mà thôi. Về chủ nghĩa hình thức Nga dịch được một tập tuyển; M. Bakhtin đã dịch được bốn quyển. Phê bình mới Anh Mĩ hầu như chưa dịch gì ngoại trừ bộ lí luận văn học của Wellek và Worren; về chủ nghĩa cấu trúc dịch tuyển được một vài tập, tự sự học dịch được vài ba tập; Kí hiệu học được giới thiệu trong vài tập sách, đặc biệt đã dịch mấy công trình của Ju. Lotman. Hậu hiện đại dịch được một quyển của Lyotard và vài tập tuyển khác, hậu thực dân dịch được một quyển; phân tâm học dịch được  nhiều hơn, nhưng một số công trình nghiên cứu văn học theo phân tâm học quan trọng thì chưa thấy dịch. Có thể chúng tôi chưa kể hết, còn bỏ sót, nhưng nói chung là sách lí luận được dịch rất ít, không đồng bộ, thiếu hệ thống. 3. Phần lớn lí thuyết của phương Tây chủ yếu đều được giới thiệu, lược thuật, trình bày lại dưới dạng tổng thuật, mà phần nhiều là tổng thuật gián tiếp qua những ngôn ngữ khác, có thể biết chung chung, nhưng rất khó nắm được để đi vào tư duy. 4. Chất lượng dịch là cả một vấn đề, bởi dịch khoa học có nghĩa là dịch các thuật ngữ, làm giàu hệ thống thuật ngữ khoa học cho tiếng Việt. Về mặt này, bên cạnh những thành công vẫn còn đó nhiều thuật ngữ quan trọng ai dịch nấy biết, chưa có sự đồng thuận giữa các nhà khoa học. Có bản dịch đọc không ai hiểu. Có bản dịch sai đến mức tai họa. 5. Xét về sinh hoạt học thuật, từ thời đổi mới còn có một số cuộc tranh luận về một số vấn đề lí thuyết quan trọng. Càng về sau thì càng ít. Không khí đối thoại vắng dần. Đụng chạm các vấn đề “nhạy cảm”thì chỉ có một phía được nói. Trong phê bình cũng vậy. Các ý kiến trái chiều hầu như chỉ xuất hiện trên hai không gian khác nhau: trên báo giấy và trên báo mạng. Trạng thái hoạt động như thế hạn chế rất nhiều đối với nhận thức và hiểu biết của xã hội. Nhiều cuộc Hội thảo có đề tài rất/quá rộng ai muốn nói sao cũng được và như vậy cũng ít có cơ hội cọ xát, tranh luận theo vấn đề. Điều chủ yếu là không có vấn đề mới, hoặc vấn đề mới không được chấp nhận đem ra bàn luận. Vì thế không khí học thuật tẻ nhạt. Nếu chúng ta cứ tiếp tục nhịp độ nghiên cứu lí luận theo kiểu độc thoại như vậy thì chắc chắn lí luận văn học nước nhà sẽ ngày càng tụt hậu.

Đặt trong bối cảnh quốc tế từ những năm 80 đến nay chính là thời đại của trào lưu lí thuyết hậu hiện đại, là thời của hậu cấu trúc, hoài nghi đại tự sự, phi trung tâm hóa, phản bản chất chủ nghĩa, làm thay đổi hầu như toàn bộ lí luận văn học truyền thống, nhưng đồng thời cũng là thời đại tái kiến tạo lí luận văn học, thì nhìn chung có thể nói lí luận văn học của chúng ta hầu như chưa bắt kịp được nhịp của sự thay đổi ấy. Lí luận của chúng ta vẫn nằm trong bầu không khí siêu bình ổn, “lấy bất biến ứng vạn biến”, hầu như đứng ngoài lí luận của thế giới, tức là chưa thực sự hội nhập. Điều đó là rất đáng tiếc. Lấy ví dụ vấn đề đặc trưng văn học, theo quan niệm bản chất chủ nghĩa chúng ta xác định đặc trưng văn học một cách cứng nhắc, đối lập tuyệt đối văn học đích thực với văn học không đích thực, nhưng nay giải cấu trúc cho thấy, văn học không có đặc trưng bất biến, giữa văn học và phi văn học không có ranh giới thật rõ rệt và ranh giới đó đổi thay trong lịch sử[4]. Khái niệm văn học chỉ là một quy ước. Theo dòng lịch sử ta có nhiều loại văn học: văn học tao nhã, văn học thông tục, văn học giải trí, văn học tôn giáo, văn học tuyên truyền, văn học chính trị, văn học lịch sử, văn học tư liệu, văn học đại chúng… Chúng đều là văn học, và cần nghiên cứu đặc trưng của chúng.  Giải trung tâm dẫn đến phát triển các lí luận văn học ngoại biên, tức là các lí luận gắn với các hiện tượng văn học văn hóa nhất định. Ví dụ lí thuyết hậu thực dân, lí thuyết nữ quyền, lí thuyết tân lịch sử. Lại ví dụ quan niệm bản chất chủ nghĩa xem sáng tác là sản phẩm của nhà văn, lấy nhà văn làm trung tâm, xem tác phẩm thuần túy là sáng tạo của một tác giả. Nay lí thuyết liên văn bản và tiếp nhận đã cho thấy quan niệm ấy đòi hỏi phải có cách hiểu khác. Hay quan niệm bản chất chủ nghĩa coi bản sắc văn hóa, văn học dân tộc là một cái gì thuần khiết mà mọi người phải giữ gìn, chống lại mọi lai căng, mất gốc. Nhưng nay với lí thuyết lai ghép, tạp chủng, người ta lại thấy không có bản sắc thuần chủng mà chỉ có bản sắc lai ghép vốn hình thành từ xưa, mà lai ghép ấy cũng luôn đổi thay theo dòng lịch sử. Lại ví dụ, trước chúng ta vẫn nói văn học phản ánh hiện thực theo quan niệm phản ánh luận của Lênin, nay lại thấy, nhiều lí thuyết cho thấy văn học chỉ là diễn ngôn, mà diễn ngôn kiến tạo ra hiện thực theo tri thức và quyền lực của chủ thể diễn ngôn. Theo lí thuyết diễn ngôn, con người sống trong hiện thực mà nhìn nhận sự việc thì thông qua diễn ngôn, bởi diễn ngôn gắn chặt với ý thức hệ.  Các quan điểm đó có chỗ thống nhất với lí thuyết mác xít, nhưng nhiều chỗ đã khác biệt hẳn. Tính chất siêu bình ổn nói trên phản ánh trong các bộ lí luận văn học giảng dạy trong các trường đại học.

Vậy thái độ của chung ta sẽ như thế nào? Tiếp nhận để đổi thay hay vẫn như cũ? Quan sát chung chúng tôi nhận thấy có mấy thái độ sau. Một là giới thiệu để biết, nhờ đó mà có một sách được xuất bản. Hai là phê phán các lí thuyết hình thức chủ nghĩa, giải cấu trúc, cho rằng một số lí luận phương Tây đã cũ rồi, người phương Tây như Tz. Todorov trong Văn chương lâm nguy đã phê phán, không nên tiếp thu cái người ta đã vứt bỏ.  Hoặc cho là không phù hợp với nước mình. Ba là cho rằng không chấp nhận được, vì cảm thấy lo ngại một số lí luận không phù hợp thậm chí trái với chủ nghĩa mác hoặc không phù hợp với thực tế Việt Nam, ví dụ như hiện tượng luận hay lí thuyết hậu thực dân, lí thuyết ngoại biên. Chính vì thế mà ít thấy các công trình đi sâu hơn, nhiều mặt hơn.

Chúng tôi cho rằng, giới thiệu để biết tuy cũng tốt nhưng để trang trí thì không mấy ý nghĩa. Các lí thuyết đã xuất hiện thành trào lưu đều là thành quả trí tuệ của nhân loại, đáp ứng nhu cầu thực tế của khoa học, khắc phục một khiếm khuyết nào đó về nhận thức khoa học trong một giai đoạn nhất định. Bản thân lí thuyết luôn luôn vượt lên chính mình. Nếu chúng ta bỏ qua chúng thì ta không tiếp cận được logic phát triển của lí thuyết và không tham gia được vào tiến trình sáng tạo lí luận của thời đại. Thêm nữa, lí luận là diễn ngôn, là ngôn ngữ, nều không tiếp nhận thì sẽ dẫn đến hậu quả là mất tiếng nói, mất khả năng giao tiếp với thế giới. Người ta nói gì mình không hiểu và mình nói người ta không hiểu. Vì vậy chúng ta cần tiếp nhận tất cả, biết phân tích, đối thoại, chọn lấy chỗ hợp lí để đổi mới lí thuyết, làm giàu cho mình.

Thái độ thứ ba cần được suy nghĩ thấu đáo, nghiêm túc. Vấn đề đặt ra là chúng ta muốn xây dựng một nền lí luận văn học Việt Nam tiên tiến, hiện đại, gắn với thực tiễn nước nhà thì không thể chỉ bằng lòng với trình độ lí luận đã tỏ ra hạn hẹp, lỗi thời, mà phải tiếp nhận những ý tưởng hiện đại, đồng thời còn phải sáng tạo những lí thuyết độc sáng của người Việt.  Chúng ta cũng biết rằng trong thời hiện tại, lí luận phương Tây ở Âu Mĩ cũng đang rơi vào khủng hoảng, những tiếng kêu văn học đã chết, lí luận văn học đã chết, rồi lí luận cũng đang chết đã phản ánh điều đó. Lí luận Âu Mĩ đang bước vào thời kì “Hậu lí luận”[5], tức là thời kì hoàng kim mà các sáng tạo lí thuyết sôi động, có tính bùng nổ đã qua, và sau nhiều cuộc giải cấu trúc, đã tạo ra hệ quả khủng hoảng, và người ta đang phản tư, đang tự hỏi lí luận hiện tại sau giải cấu trúc đang còn gì, nó sẽ chuyển sang một hình thái như thế nào, lối thoát ở đâu? Lí thuyết hậu hiện đại không giải quyết được các vấn đề đó. Phải chăng là trong trào lưu nghiên cứu văn hóa? Trong bối cảnh “lí luận tan nát”, “phân mảnh”[6] đó chúng ta tất nhiên cũng không thể một chiều bê nguyên xi tất cả những gì đang ngổn ngang trong lí luận của họ, đồng thời cũng có cơ hội đi tìm lời giải đáp cho mình trên các vần đề chung của nhân loại. Vấn đề là cần tiến hành đối thoại để tìm ra các giá trị có thể làm phong phú thêm cho lí thuyết nước nhà. Khó khăn hiện tại của chúng ta trong tiến trình toàn cầu hóa hiện tại là vẫn còn sự đối lập nhị nguyên giữa chủ nghĩa Mác và lí thuyết phương Tây, sự đối lập giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm đã tồn tại quá lâu mà chưa được hóa giải[7]. Ở đây có vấn đề là chúng ta chưa nghiên cứu sâu hơn về triết học mác xít, chưa đi xa hơn di sản mác xít từ thời Liên xô cũ để lại[8]. Theo quan điểm của nhiều người, chủ nghĩa Mác là sản phẩm của thời hiện đại, mang tính hiện đại, do đó  nó có nhiều mối liên hệ sâu sắc với các triết học hiện đại khác, chẳng hạn việc Mác chống lại tư duy siêu hình là cùng một nổ lực với triết học hiện đại phương Tây, mặc dù con đường khác nhau. Chúng ta chưa nghiên cứu kĩ phương diện bản thể luận của triết học Mác, theo đó thực tiễn là phương thức tồn tại của con người, và trên bình diện này sẽ có chỗ gặp gỡ giữa triết học Mác và bản thể luận tồn tại luận của Heidegger. Bởi trong hoạt động thực tiễn không có thể đối lập duy vật và duy tâm tuyệt đối như lâu nay chúng ta vẫn hiểu. Ở đó tâm và vật thống nhất với nhau trong thế giới do con người tạo ra. Đối lập tâm vật theo Lênin, chỉ có ý nghĩa trong phạm vi nhận thức luận, ngoài ra đều không có nghĩa. Hay như vấn đề hình thức, theo Jonathan Culler trong sáchVăn học trong lí luận[9], 2007, cho rằng trong nghiên cứu văn hóa, văn học, tính văn học có thể bị bỏ quên, và ông đang tìm lại các di sản của chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa cấu trúc, dùng chúng để thúc đẩy lí luận văn học. Như vậy, nếu có lúc Tz. Todorov quay lưng với hình thức, trở về với tiền hiện đại, thì có người quay lại với nó. Nhà mác  xít người Anh là Terry Eagleton trong sách Đọc thơ như thế nào[10] đã chủ trương thông qua phân tích hình thức để phát hiện tư tưởng chính trị. Như vậy trở về với hình thức không phải là với quan niệm hình thức cũ, mà với hình thức mang nội dung. Đây có lẽ là điều do Todorov chịu ảnh hưởng quá sâu của chủ nghĩa hình thức Nga, chưa vượt qua được. Chỗ này chưa chắc Todorov đã đáng khen.

Một lo ngại khác là sự khác biệt, đối lập giữa Đông và Tây khiến cho không ít người hoài nghi hiệu quả của việc tiếp nhận lí thuyết phương Tây. Nhưng xét kĩ, có nhiều chứng cớ cho thấy sự gặp gỡ Đông Tây trong thời hiện đại là rất đáng chú ý.  Mọi người đều biết, Quan niệm “ngôn bất tận ý”, “ngôn bất đạt ý”, “ý tại ngôn ngoại” trong lí luận văn học cổ Trung Hoa, dẫn đến tính mơ hồ đa nghĩa trong các khái niệm[11]. Điều này đối lập với quan niệm ngôn ngữ trong sáng, rõ ràng trong văn học phương Tây từ thời Khai sáng. Nhưng trong quan niệm ngôn ngữ của R. Barthes, J. Derrida về giải cấu trúc, một phía khác cũng giúp chúng ta nhìn thấy sự kết thúc của quan niệm về sự sáng rõ, trong suốt của ý nghĩa, và nhìn thấy cơ chế của quan niệm “ý tại ngôn ngoại” của lí thuyết phương Tây hiện đại. Phải chăng các lí thuyết ấy góp phần cho ta thấy cái cơ chế ý ngoài lời của tư tưởng phương Đông cổ đại? Nêu một số ví dụ như thế để thấy khả năng dung hợp Đông Tây, mác xít và lí thuyết phương Tây hiện đại, chứ không phải chỉ một mực đối lập loại trừ như trước. Vả chăng lí luận văn học hiện đại không thể chỉ môt mình lí luận văn học mác xít, nó phải được mở rộng thêm rất nhiều ngành nhánh khác mới đáp ứng nhu cầu của văn học hiện đại. Lí luận văn học Việt Nam cũng cần có nhiều trường phái khác nhau.

Con đường đổi mới, hiện đại hóa lí luận và sáng tạo mới lí luận văn học Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội và cũng nhiều thách thức. Chỉ cần chúng ta khắc phục mặc cảm, định kiến, đổi mới hệ hình phương pháp luận, mạnh dạn tiếp nhận, học tập cổ nhân, đối thoại, giải cấu trúc cái cũ, kiến tạo cái mới trên nền tảng thực tiễn văn học Việt Nam và thế giới thì sẽ có ngày tiến kịp trình độ lí thuyết của thế giới, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa của văn học Việt Nam.

[1] Một nhân vật văn học của Nam Cao đã ước mơ viết văn để đạt giải Nobel văn học.

[2] Trần Đình Sử. Lí luận phê bình văn học Việt Nam thế kỉ XX, trong sách Văn học Việt Nam thế kỉ XX những vấn đề lịch sử và lí thuyết, Phan Cự Đệ chủ biên, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004; Đố Lai Thúy. Lí luận phê bình văn học thế kỉ XX, nhìn nghiêng về phương pháp, trong sách Nghiên cứu văn học hiện đại cowq hội và thách thức, nxb. Thế giới, Hà Nội,  2010; Lịch sử lí luận phê bình văn học Việt Nam, Trịnh Bá Đĩnh chủ biên, nxb. Khoa học xã hội, 2013, Phê bình văn học Việt Nam 1975 – 2005, Nguyễn Văn Long chủ biên, nxb. ĐHSP, Hà Nội, 2012.

[3]Tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch ra tiếng Pháp như Truyện Lục Vân Tiên, Truyện Kiều, tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của người Việt đã được trích dẫn ở nước ngoài, ví dụ, Johan Huizinga trong cuốn Homo Luden đã trích dẫn nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên.

[4] Xem: Khái niệm văn học của Tz. Todorov; Bản mệnh của lí thuyết của A. Compagnon; Dẫn luận rất ngắn về lí luận văn học của J. Culler, Lí luận văn học của T. Eagleton.

[5] Giới lí luận văn học Âu Mĩ cho rằng, thời kì từ đầu thế kỉ XX đến những năm 60 – 70 là thời kì phát triển “lí luận văn học”. Từ những năm 70 -90 là thời kì chuyển sang phát triển “lí luận”. Công trình của Foucault, Derrida, Barthes, Kristeva, Saide, F. Lyotard…tuy không phải là lí luận văn học, nhưng tác động lớn đến lí luận văn học. Đến đầu thế kỉ XXI, khi các nhà “lí luận” đã chết, bắt đầu thời “Hậu lí luận”.  Xem Vương Ninh. Văn học và lí luận văn học trong thời đại “Hậu lí luận”, Đại học Bắc Kinh, 2009.

[6] Lí luận văn học tan nát, The Fragmentation of literary theory by Howard Jennifer, Chronicle of Higher Education., bản dịch trung văn của Ngô Vạn Vĩ.

[7] Sự đối lập duy tâm và duy vật trên vấn đề cơ bản của triết học như Ăng ghen đã nói, chủ yếu là ở trên bình diện cái nào thuộc tính thức nhất và nhận thức luận, những đã bị tuyệt đối hóa theo bản chất chủ nghĩa, nên trở thành cứng nhắc. Trên thực tế đó là đối lập về mặt diễn ngôn. F. Angghen nói: “Phép biện chứng không biết đến một giới hạn nào là tuyệt đối rõ ràng và cố định bất biến, không biết đến cái gì hữ hiệu phổ biến một cách vô điều kiện, “không phái cái này thì là cái kia”, nó khiến cho những sự khác biệt siêu hình cố định trở thành sự quá độ, ngoài không phải cái này thì cái kia, trong điều kiện thích đáng còn là vừa cái này vừa cái kia, khiến cho cái đối lập trở thành trung giới của nhau.” Ở đây Angghen không chỉ chống siêu hình mà còn chống bản chất chủ nghĩa.

[8] Sở dĩ thế là vì một mặt lực lượng nhỏ yếu chưa kham được; mặt khác lí thuyết mác xít ở ta được coi là lí thuyết quan phương, người thường không ai dám tự tiện nghiên cứu, nếu có nghiên cứu thì cũng không được phê phán, vì thế mà học thuyết rơi vào tình trạng có địa vị rất cao mà không được cứu xét. Thiết nghĩ muốn cho một học thuyết đi được vào đời sống thì nên tạo điều kiện để nó được tự do nghiên cứu, trao đổi, đối thoại thì tình hình mới được cải thiện. Ở Trung Quốc người ta xem phản bản chất chủ nghĩa là công cụ để giải phóng tư tưởng, nhìn lại chủ nghĩa giáo điều như là sản phẩm của chủ nghĩa bản chất.

[9]Jonathan Culler, The LiteraryinTheory,Stanford:StanfordUniversityPress,2007 Dẫn theo Trần Đại TThắng trong bài Triển vọng của chủ nghĩa hình thức mới, trên tạp chí Nghiên cứu văn nghệ, số 5 – 2013, tiếng Trung.

[10] Terry Eagleton, Howto Reada Poem,London: Blackwell Publishing, 2007. Dẫn theo Trần Đại Thắng, tldd.

[11] Trong Trang Tử, thiên Thiên đạo có kể chuyện một người thợ đóng xe tên Biển, thấy Tề Hoàn Công đọc sách liền tiến lên hỏi: Thưa ngài đọc gì? Trả lời: Đọc lời của thánh hiền. Biển hỏi: Thánh hiền có còn sống không? Trả lời: Chết rồi. Biển nói: Vậy ngài chỉ đọc được cái cặn bã của người chết mà thôi. Tề Hoàn Công nói: Nếu ngươi nói không có lí sẽ bị chém đầu. Biển nói: Như tôi đóng xe đây, tay tôi đưa đến đâu lòng nghĩ đến đấy, điều ấy chỉ tôi cảm thấy chứ không truyền bằng lời cho con được. Quan niệm này hô ứng với quan niệm của Lão Tử trong Đạo đức kinh: “Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh, phi thường danh”…

Nguồn: https://trandinhsu.wordpress.com/2014/05/13/li-luan-van-hoc-viet-nam-hien-dai-trong-boi-canh-toan-cau-hoa-trien-vong-va-thach-thuc/

Share Button