Giới thiệu sách: Thơ dân tộc Tày sau năm 1945 (Đỗ Thị Thu Huyền)

Share Button

Thơ dân tộc Tày sau năm 1945

16/08/2016

Thơ dân tộc Tày sau năm 1945 Nhóm tác giả: Đỗ Thị Thu Huyền
Nơi xuất bản: H
Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội
Nơi phát hành:
Lần xuất bản: 1
Ngày xuất bản:
ISBN:
Kích thước: , 303 trang

LỜI GIỚI THIỆU

(Thơ dân tộc Tày sau năm 1945, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016)

 

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, văn học – thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam mới thực sự phát triển. Nhiều tác giả xuất hiện, có bản sắc riêng tạo nên một đội ngũ đông đảo về số lượng và đa dạng về phong cách, nối tiếp qua nhiều thế hệ góp vào hương sắc chung của nền văn học hiện đại Việt Nam. Việc nghiên cứu văn học của các dân tộc này những năm gần đây đã được quan tâm và có những thành quả tích cực, bù đắp cho những thiếu hụt, như là “món nợ” mà những nhà nghiên cứu văn học phải lưu tâm.

 

Riêng với dân tộc Tày, thơ dân tộc Tày, chuyên luận của Đỗ Thị Thu Huyền xem như là công trình đầu tiên, có tính chất mở đường. Dân tộc Tày vào loại đông dân nhất trong các dân tộc thiểu số Việt Nam, một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, có nền văn học truyền thống đặc sắc, đặc biệt là thơ ca phong phú với nhiều thế hệ nhà thơ.

 

Từ cái nhìn văn học sử, văn hóa học, tác giả Đỗ Thị Thu Huyền phác họa một cách khái quát diện mạo, tiến trình và đội ngũ 4 thế hệ các nhà thơ Tày từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay. Công trình tập trung dựng lên bức tranh văn hóa ở những nét chính, cội nguồn của thơ Tày, làm nổi bật hiện thực đời sống và tâm thế con người trong thơ Tày qua các nguồn cảm hứng lớn: quê hương, con người và tình yêu mang đậm bản sắc dân tộc làm phong phú rực rỡ hơn tấm hoa văn thổ cẩm thơ của các dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại.

Thông qua việc khảo sát một số phương diện của nghệ thuật biểu hiện, chuyên luận chỉ ra những nét đặc trưng cơ bản về nghệ thuật thơ dân tộc Tày: sự đan xen thể thơ, sự đa dạng của ngôn ngữ và giọng điệu thơ và những biểu tượng thơ tiêu biểu đậm bản sắc Tày. Nhiều trang chuyên luận thuyết phục người đọc bởi những khái quát, nhận định sắc sảo tinh tế về những sáng tạo độc đáo trong ngôn ngữ nghệ thuật với những giọng điệu vừa quen vừa lạ vừa truyền thống vừa hiện đại.

 

Theo tôi, phần viết về hệ thống biểu tượng sinh động và hấp dẫn. Từ vốn văn hóa, cuộc sống, kinh nghiệm sống hình thành nên những biểu tượng. Biểu tượng hình thành và lưu truyền qua các thế hệ, thời gian, không gian. Con người sống trong biểu tượng và biểu tượng sống trong con người chi phối mọi hành vi đạo đức của con người. Ở mỗi nền văn hóa, văn học, thơ ca, biểu tượng hiện hình hay lẩn khuất, phong phú và biến hóa. Trong thơ Tày, chuyên luận đã nhận ra những biểu tượng có nguồn gốc từ phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, những biểu tượng bắt nguồn từ trong các sáng tác dân gian và các tác phẩm thành văn nổi tiếng, những biểu tượng ra đời từ đời sống văn hóa tinh thần hay từ những hình ảnh gắn bó với cuộc sống hàng ngày. Giữa vô vàn những biểu tượng của thơ Tày sau 1945, chuyên luận tập trung khảo sát, lý giải quy tụ vào bốn hệ biểu tượng tiêu biểu: mẹ Hoa, lúa, đàn tính, ngựa.

…… Bằng sự đam mê, nghiêm túc với ý thức trách nhiệm, trong một quỹ thời gian không nhiều, tác giả đã hoàn thành chuyên luận công phu, thực sự có ý nghĩa, góp phần “trả nợ” cho hoạt động nghiên cứu văn học của chúng ta đối với văn học các dân tộc anh em. Ở đây người đọc còn nhận ra một tâm hồn tinh tế, say sưa, giàu cảm xúc, nhập vào thơ để thấu hiểu, chia sẻ, tôn vinh những gì là tinh hoa độc đáo của thơ Tày từ 1945 đến nay.

Hy vọng từ những nét lớn, những ý tưởng ban đầu này sẽ được tiếp tục đào sâu ở những công trình tiếp sau của tác giả.

4-1-2016

GS.TS. Mã Giang Lân

MỤC LỤC

 

 

Lời giới thiệu………………………………………………………………………..

Lời đầu sách…………………………………………………………………………………………………

Phần 1: VĂN HÓA VÀ ĐỘI NGŨ CÁC NHÀ THƠ DÂN TỘC TÀY SAU NĂM 1945

1. Văn hóa dân tộc Tày……………………………………………………………………………………

2. Đội ngũ nhà thơ dân tộc Tày sau 1945…………………………………………………………..

Phần 2: HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG TRONG THƠ DÂN TỘC TÀY SAU NĂM 1945

1. Hai giai đoạn phát triển của thơ dân tộc Tày sau 1945…………………………………….

2. Đời sống và tâm thế con người trong thơ dân tộc Tày sau 1945 ……………………..

Phần 3: CÁC PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT CƠ BẢN CỦA THƠ DÂN TỘC TÀY SAU NĂM 1945

1. Sự đan xen các thể thơ………………………………………………………………………

2. Sự đa dạng của ngôn ngữ và giọng điệu thơ…………………………………………………

3. Một số biểu tượng thơ tiêu biểu………………………………………………………………….

Phần 4: MỘT SỐ GƯƠNG MẶT TIÊU BIỂU TRONG THƠ DÂN TỘC TÀY SAU NĂM 1945

1. Thơ Nông Quốc Chấn – sự kết hợp truyền thống và tinh thần thời đại……………..

2. Thơ Triều Ân – đại ngàn xanh thắp nắng……………….………………………

3. Thơ Y Phương – hát bây giờ còn để hát mai sau………………………………………..

4. Thơ Mai Liễu – thơ bay về núi…………………………………..…………………

5. Thơ Nông Thị Ngọc Hòa – men theo những tiếng thơ ru xanh………………………

6. Thơ Dương Thuấn – khát vọng hướng về nguồn cội……………………………………..

 

Kết luận………………………………………………………………………………………………………..

Tài liệu tham khảo………………………………………………………………

Bảng tra cứu tên tác giả…………………………………………………………

 

 nguon- http://vienvanhoc.vass.gov.vn/noidung/anpham/Lists/AnPham/View_Detail.aspx?ItemID=24
Share Button