Giới thiệu sách: Những cạnh khía của Lịch sử Văn học

Share Button

Khai khẩu những tiếng nói đối thoại

Cập nhật: 13:15, Thứ 5, 04/08/2016

http://m.nongnghiep.vn/khai-khau-nhung-tieng-noi-doi-thoai-post171374.html

Luận điểm của các tác giả trong “Những cạnh khía của Lịch sử Văn học” (NXB Hội Nhà văn, 2016) sẽ gõ mạnh vào đầu óc ưa nằm dài của bạn đọc…

nhung-khi-cnh-cu-lsvh175129164

 

Luận điểm của các tác giả trong “Những cạnh khía của Lịch sử Văn học” (NXB Hội Nhà văn, 2016) sẽ gõ mạnh vào đầu óc ưa nằm dài của bạn đọc, kích thích sự suy nghĩ đã trở nên cùn mòn trong nghiên cứu văn chương thời gian vừa qua.

“Những cạnh khía của Lịch sử Văn học” là cuốn sách đầu tiên ra đời trong Tủ sách “Hiểu Việt Nam” của nhóm những nhà nghiên cứu trẻ hiện nay. Trừ Đỗ Lai Thúy cận kề tuổi 70, còn lại 6 tác giả đều ở tuổi mới ngoài 30: Phùng Kiên, Cao Việt Dũng, Nguyễn Mạnh Tiến, Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn và Đoàn Ánh Dương.

Không phải “sơ thảo” hay “lược thảo” về Văn học Việt Nam như các nhà nghiên cứu văn học thế hệ trước lựa chọn, “Những cạnh khía của Lịch sử Văn học” chỉ chọn những “cạnh khía” mà mỗi tác giả tâm đắc trong sở học của mình.

Đỗ Lai Thúy (Viện Văn hóa Nghệ thuật) bàn tới “Sống trải lý thuyết và lý thuyết hệ hình của tôi”. Phùng Kiên (Viện Nghiên cứu Văn học) đề cập “Bàn thêm về Nghệ thuật vị nghệ thuật”.

Cao Việt Dũng (Viện Nghiên cứu Văn học) đưa ra vấn đề sẽ gây tranh luận “Văn chương, giá trị và lịch sử trường hợp Khái Hưng và Nhượng Tống”. Nguyễn Mạnh Tiến (Viện Nghiên cứu Văn học) giới thiệu “Tiếp nhận và chuyển đổi hệ hình Phê bình Phân tâm học Văn học ở Việt Nam”.

“Trò chơi như một khuynh hướng trong thơ Việt Nam đương đại” là lựa chọn của Trần Ngọc Hiếu (Trường ĐHSP Hà Nội). Mai Anh Tuấn (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) đưa ra “Bất đồng tri thức và bất khả tận lý thuyết: Một phân tích về tiếp nhận Nguyễn Huy Thiệp”.

Cuối cùng, Đoàn Ánh Dương (Viện Nghiên cứu Văn học) đem tới “Sự manh nha diễn ngôn tự trị đến sự khuynh loát diễn ngôn chủ nghĩa dân tộc trong Văn học: Nghiên cứu về tiến trình Văn học Việt Nam từ Đổi mới”, đồng thời khép lại cuốn sách này.

“Những cạnh khía của Lịch sử Văn học” là những cạnh, những khía riêng, dưới góc nhìn của các tác giả, có thể nói, chính là hành trình nhìn mới văn học Việt Nam. Nói như Đỗ Lai Thúy: “Phần lớn các nhà nghiên cứu Việt Nam bấy lâu nay đã tốn công mở những cánh cửa đã mở sẵn. Không biết đến những thành tựu của thế giới, không đứng cùng mặt bằng tri thức với họ, thì học thuật Việt Nam bao giờ mới trở thành bấy giờ của thế giới?”.

Gần 400 trang sách, khổ lớn 16 x 24cm, “Những cạnh khía của Lịch sử Văn học” khai khẩu những tiếng nói đối thoại với người đọc. Luận điểm trong những bài viết sẽ gõ mạnh vào đầu óc ưa nằm dài của bạn đọc, kích thích sự suy nghĩ đã trở nên cùn mòn trong nghiên cứu văn chương thời gian vừa qua.

Có thể, những luận điểm của các tác giả còn phần nào đó chủ quan; khó được sự đồng thuận của giới nghiên cứu. Song, với cuốn sách này, đó là phép thử trong nghiên cứu khoa học cần thiết đối với học thuật của bất cứ quốc gia nào. Lịch sử khoa học, bản chất của nó là hành trình đi từ cái sai này đến cái sai khác hợp lý hơn.

Nói như Đỗ Lai Thúy khi đánh giá về một nhà khoa học khác đã viết: Dám thử và dám sai còn hơn những người sợ sai không dám thử. Bởi vì, cái sai hôm nay sẽ là điều kiện, là tiền đề cho cái đúng mai sau này.

“Những cạnh khía của Lịch sử Văn học” đang chờ đợi những tiếng nói đối thoại của học giới như vậy.

Tủ sách “Hiểu Việt Nam” chủ yếu sẽ là các công trình của các học giả Việt Nam, gây điểm nhấn ở tác giả trẻ, về Việt học, Việt Nam học. Tinh thần của tủ sách “Hiểu Việt Nam” là những nỗ lực giúp vào sự thông hiểu Việt Nam ở mọi cạnh khía cần phải được trưng dụng, như: ngữ học, văn học, sử học, Hán Nôm học, dân tộc học… Tủ sách “Hiểu Việt Nam”, vì thế, nới rộng các không gian lắng nghe các tiếng nói từ bên ngoài để hiểu chính mình.

 

Kiều Khải

Share Button